Tuesday, April 28, 2020

Nhân Loại Sau Đại Dịch - Chu Tất Tiến

Xe xếp hàng mua cafe ngày 4 tháng 4, 2020 tại tiệm Starbucks tại Edgewater, New Jersey, một tiểu bang đang có số tử vong cao thứ nhì sau New York. (Getty Images)

Điều gì sẽ xảy ra sau khi cơn đại dịch Virus này chấm dứt? Có hàng tỷ chuyện để bàn, vì mỗi gia đình có một mối sầu riêng, một suy tính riêng; mỗi dân tộc có một cách sống riêng. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện tổng quát, xã hội cũng như từng cá nhân con người sẽ có rất nhiều biến chuyển xấu cũng như tốt.

GIA ĐÌNH

Vì mọi người đều phải ở trong nhà, nên sự ràng buộc, trách nhiệm của mỗi người trong gia đình sẽ chặt chẽ hơn. Những bất đồng, tính toán quyền lợi cá nhân, cạnh tranh lẫn nhau sẽ ngưng lại một thời gian dài. Người trong gia đình thương nhau hơn, chia xẻ nhiều hơn, lo lắng cho nhau nhiều hơn. Nhiều di chúc phân chia tài sản sẽ được làm lại, những bữa cơm gia đình sẽ đầy đủ, với những món ăn do Mẹ, Chị và Em, Mẹ Chồng, Con Dâu… làm chung.

Tiếng cười, tiếng nói sẽ tràn đầy trong từng cánh cửa. Ngược lại, sự ra đi của một số người thân sẽ làm cho nhiều gia đình tan nát, nếu người ra đi đó là “cần câu cơm” của cả nhà. Bên cạnh đó, sự thất nghiệp, thiếu tiền sẽ gây ra nhiều vụ ly dị hơn bình thường. Kết quả của các gia đình ly dị thường là con cái bỏ học, bỏ nhà đi bụi đời. Cướp, trộm, đĩ điếm nhiều hơn. Cách ăn cướp sẽ tinh vi hơn. Lừa gạt sẽ nhiều hơn. Một số nhỏ con người trở thành tàn nhẫn, vô cảm hơn.

XÃ HỘI

Sự ngăn cách để tránh lây lan đã làm cho tình bạn, tình hàng xóm, tình đồng hương giảm thiểu đến mức tối đa. Những biểu lộ tình cảm, xã giao như bắt tay, ôm ấp (hugging) sẽ bớt đi rất nhiều. Người ta nghi kỵ nhau, không dám mở cửa cho nhau, ngay cả khi nhận diện được nhau qua cửa sổ. Không còn những buổi họp mặt bạn hữu, các buổi Seminar giải thích hay quảng cáo cho một vấn đề xã hội nào đó. Các quán bar, Cafeteria, nhà hàng, các tụ điểm văn nghệ sẽ vắng khách cho dù chính phủ đã thông báo là đại dịch đã qua, vì người ta đã quen ăn ở nhà rồi. Như vậy, số người phụ bàn thất nghiệp sẽ tăng cao.

Để sống còn, họ phải nhờ vào trợ cấp xã hội, nếu không kiếm được việc làm. Khi mà bố mẹ thất nghiệp, thì có nhiều thanh thiếu niên phải bỏ học. Một số lớn, vì không còn lựa chọn nào nữa, sẽ trở thành tội phạm. Các thiếu nữ đã ít học lại không có khả năng chuyên môn, sẽ chỉ tìm thấy con đường duy nhất là bán thân nuôi miệng. Đặc biệt là di dân lậu, sau một thời gian không có phương tiện sinh sống, sẽ phải mưu sinh bằng những việc làm bất hợp pháp. An ninh xã hội sẽ rơi vào tình trạng trì trệ. Cảnh sát phải làm việc nhiều hơn, mà số tội phạm vẫn tăng cao.

KINH TẾ

Nhà hàng và các cửa hàng nhỏ đóng cửa, thiếu hụt tài chánh. Về địa ốc, không mấy người dám đi xem nhà (Open House) và không ai muốn bán, chỉ còn có dịch vụ Refinance là còn mạnh. Trong khi chờ đợi tình hình sinh hoạt xã hội trở lại bình thường, thì các nghệ sĩ sống bằng nghề trình diễn văn nghệ hay xiếc đều gặp phải khó khăn. Nhất là vấn đề văn nghệ, vì có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc công đã đi trình diễn ở miền miên viễn nào rồi.

Còn lại là những nghệ sĩ mang nỗi đau buồn trong lòng, vì mất người thân, mất bạn trình diễn. Một số công ty chuyên yểm trợ cho các chương trình văn nghệ như âm thanh, ánh sáng, trang trí, chụp hình, quay phim, thợ vịn… đã giải tán. Một số lớn nghệ sĩ trình diễn thất nghiệp đã phải bỏ đi làm nghề khác để sống. Phim ảnh sẽ chọn lọc hơn, phim nào có giá trị thì sống mạnh trên vấn đề bán video, nhưng phim rẻ tiền thì chết ngáp.

Điều ngược đời là trong thời gian vừa qua, khi các công ty hàng không, xe buýt, xe hỏa, tắc xi, Uber, các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ đã lỗ lã hoặc khánh tận, thì những công ty khổng lồ lại tăng lợi tức lên kinh khiếp. Ở Mỹ thì có Costco, Walmart, Amazon là những công ty được lợi đếm không xuể. Các công ty sản xuất vật dụng gia đình, y tế công cộng, thực phẩm và gạo cũng thế. Hàng hóa sản xuất ra không kịp nhu cầu, do đó lợi nhuận tăng lên chóng mặt.

Theo luật tài chánh và tiền tệ, số tiền lưu hành trong một quốc gia luân lưu từ túi người này qua túi người kia, nên khi túi người này rỗng thì túi người kia lại đầy. Người ta phỏng đoán các công ty khổng lồ đã kiếm được cả chục tỷ đô la trên số thương vụ bình thường, chỉ trong 3 tháng virus hoành hành. Do đó, không có việc nền kinh tế rơi vào thời kỳ đại khủng hoảng như thập niên 1930 ở nước Mỹ. Thời kỳ đó, chính phủ lơ là, Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve System hay FED) không làm gì để cứu thị trường chứng khoán, làm cho toàn thể sinh hoạt tài chánh sụp đổ. Một ngày trung bình có hơn 100 triệu phú tự tử, vì tháng trước, tuần trước, ngày hôm trước, họ là chủ số tài sản là 1 triệu đồng, ngày hôm sau, họ chỉ còn có 100 đô vì tiền mất giá.

Lúc đó, 100 đô la chỉ mua được 1 hoặc 2 quả trứng gà. Thời đại bây giờ khác hẳn, Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang sẵn sàng điều hành nền tài chánh của Mỹ không bao giờ bộc phát loạn, cũng như không để cho sụp đổ. Thí dụ như với kỹ nghệ địa ốc, khi FED thấy người mua ào ạt đi mua nhà, chủ nhà tăng giá, gây lạm phát, FED sẽ tăng lãi suất lên, khiến người mua khựng lại, nhà ít bán được, chủ nhà phải giảm giá. Khi thấy địa ốc suy giảm, nhà băng không cho vay tiền nhiều, FED lại giảm lãi suất, kích thích nhà băng cho vay nhiều hơn, thị trường địa ốc lại tăng lên (1)…

KỸ NGHỆ

Nhiều đại công ty phải thay đổi hướng đi, phải cải tổ toàn bộ cơ cấu hành chánh. Như ở Hòa Lan, hàng trăm công ty nuôi heo đã đóng cửa, chuyển hướng qua ngành khác, với số tiền chính phủ tài trợ. Mà một khi chính phủ phải bỏ tiền ra để tài trợ các công ty này, thì công khố thiếu hụt. Nếu thiếu hụt, thì chính phủ phải sắp xếp lại tổ chức hành chánh của mình, lại thêm môt số công nhân, viên chức thất nghiệp. Một biện pháp khác là bán trái phiếu. Mà lúc này bán trái phiếu thì ai muốn mua, cho nên giá trái phiểu phải ở mức thấp nhất mà hứa hẹn sẽ cho lại lợi nhuận cao nhất.

Trong thời dịch bệnh, các công ty sản xuất xe hơi bán được ít xe hơn. Để có việc làm cũng như để phụ với ngành y tế đang lao đao vì thiếu máy thở, Ford chuyển hướng sang sản xuất máy trợ thở và cung cấp cho Y Tế. Công ty GM sản xuất mặt nạ. Các công ty xe hơi khác, tuy không chuyển hướng, nhưng cũng phải tìm phương pháp giây chuyền mới cho giảm giá thành của xe, và làm nhiều xe rẻ để kiếm khách hơn là sản xuất xe sang.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Nhiều cổ phiếu mang số âm, trong khi có những cổ phiếu tăng vọt. Sẽ có nhiều cổ phiếu rao bán với 70% “discount” mà chẳng có ai mua (2), trừ một vài tỷ phú có nguồn dự trữ lớn lao, thí dụ như tỷ phú George Soros (3), thường áp dụng “chiêu” bỏ tiền ra mua những cổ phiếu sụt giá để dành, chờ thời gian vọt lên. Ngoài ra, ít ai thích phiêu lưu vào những thị trường chứng khoán suy giảm. Đa số dân đầu tư, khi thấy chứng khoán mất giá, liền bán tống bán tháo cổ phần của mình đi làm lây cơn lo sợ đến những nhà đầu tư khác, kéo theo cả hệ thống sụp đổ.

Lúc đó, những nhà đầu tư khôn ngoan, hoặc vì tình yêu nước, liền bỏ tiền ra mua lại các cổ phiếu với giá bèo, để cứu vãn nền kinh tế và cũng để chờ thời cơ lên lại. Thí dụ như cổ phiếu của các công ty hàng không đang tụt giá, từ $25/share sẽ chỉ còn $5/share. Một ông tỷ phú khôn ngoan và có nhiều nguồn dự trữ sẽ mua lại 10 triệu shares với giá $5/shares, như vậy là chỉ mất 50 triệu đô la, rồi chờ. Khi nghe tin có người đã mua 10 triệu shares, lập tức bà con lại nhào vô, mua. Giá cổ phiếu sẽ vọt lên từ $5 thành $20. Như vậy, nhà đầu tư kia sẽ có: 10,000,000 x $20 = $200,000,000! Kết quả, tiền lời trong một thời gian ngắn là 150 triệu! Đây chỉ là ví dụ với sự thành công khiêm nhượng mà thôi và chỉ nói với con số Triệu, chưa nói đến con số tỷ Đô la.

TÔN GIÁO

Ở nước Mỹ, các tôn giáo đều sống dựa trên sự đóng góp của những người theo đạo. Với trên 250 chi nhánh Thiên Chúa Giáo (không phải Công Giáo), các giáo hữu thường đóng góp 10% của lợi tức hàng năm vào nhà thờ, trong khi đó, thì Công Giáo không đòi hỏi số lượng như thế, nhưng lại kêu gọi giáo hữu đóng góp theo các nhu cầu bất thường. Sau một thời gian dài, không có đóng góp hàng tuần, nhiều nhà thờ sẽ phải khai phá sản, ngay cả khi có trợ giúp từ các hệ thống Giáo Phẩm Cao Cấp hơn và Thủ Đô Vatican.

Với người Việt Nam, một số lớn theo Phật giáo, thì nếu không có cúng dường Tam Bảo, không có sự mời Sư Thầy đến tụng kinh, thì cũng gây ra gánh nặng cho các ngôi Chùa trong miền, vì các Chùa đều xây cất một cách tự lập, nghĩa là không có hệ thống Giáo Hội chia xẻ như bên Công Giáo, đôi khi không bảo trì nổi. Tuy nhiên, hệ quả này sẽ qua đi nhanh chóng, vì khi nhân loại không còn cách nào tự cứu mình được nữa, thì lại đặt niềm tin vào Tôn giáo mạnh mẽ hơn. Sau khi được giải thoát khỏi cơn bệnh, người ta sẽ đóng góp nhiều hơn, tin tưởng nhiều hơn, và sống đạo đức hơn.

VỀ GIÁO DỤC

Sau một thời gian dài đóng cửa trường học, các trường Đại Học, Trung Học, Tiểu Học sẽ mở cửa lại thận trọng hơn và có những chương trình đột phá hơn. Trước đây, đã có hệ thống học qua TV với một vài lớp văn chương (literature), nhân bản (Humanity), các sinh viên ngồi tại nhiều phòng khác nhau, theo dõi bài giảng và đặt câu hỏi với 1 vị giáo sư chung cho tất cả các phòng.

Bây giờ thì sẽ hiện đại hơn, chương trình học “cách không” như thế sẽ có thể áp dụng với nhiều chương trình khác nhau. Các trường sẽ dậy thêm môn về DỊCH (Epidemic) và ĐẠI DỊCH (Pandemic) trong các lớp về Y Tế (Health Education) trước đây chỉ dậy về các sinh hoạt tình dục nam nữ (Sexual Intercourse), hiếp dâm tại các cuộc hò hẹn (Date Rape), Hút thuốc (Smoking)…Dĩ nhiên, tại các trường Y Khoa, sẽ có thêm nhiều lớp về Vaccin chữa trị bệnh Covid-19 này.

CHÍNH TRỊ

Vì trong mấy thập niên gần đây, các bệnh dịch nặng thường phát khởi từ Hoa Lục, nên thế giới đã dần dần cách ly khỏi những liên hệ với nước này, hoặc nếu có, thì vô cùng thận trọng, trừ Việt Nam là “môi và răng” của Cộng Sản Trung Hoa:
SARS: Dịch SARS phát khởi từ Trung Hoa Lục Địa rồi lan qua các nước Á Châu vào năm 2003. SARS cũng truyền qua người đi du lịch tại các vùng bị lây nhiễm. Trên toàn thế giới có 80,000 trường hợp lây nhiễm tại Á Châu, Âu Châu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ nhưng chỉ có 774 người chết. (Năm nay, Virus cũng được đặt tên là SARS- CoVi-

Đại Dịch Cúm: Còn gọi là “Hong Kong Flu 1968.” Chết 1 triệu người trên thế giới trong đó có 500,000 người Hồng Kông, nơi đất chật, người đông. Người nghèo phải ở trong những cái lồng sắt, một phòng ngủ có thể có 12 cái lồng, chồng lên nhau. Người ở đây, không có chỗ ngồi, chỉ có thể chui vào lồng ngủ lúc ban đêm, còn ban ngày thì đi ra ngoài. Những nơi khác bị dịch Flu là Phi Luật Tân, Ấn Độ, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Asian Flu (1956-1958): Chết gần 2 triệu người, cũng bắt đầu từ Hoa Lục. Vi khuẩn Flu cũng chu du khắp nơi, qua Hồng Kông, Singapore và Hoa Kỳ. Số người Mỹ chết vì Asian Flu này là 69,800!

Dịch cúm gia cầm A/H5N6 phát khởi từ Tứ Xuyên, lây sang các miền khác và truyền qua Việt Nam. Nhà nước phải tiêu diệt cả vài trăm ngàn súc vật, tẩy rửa các chuồng nuôi và chích ngừa cho gà, vịt. Số thiệt hại của nông dân về dịch cúm này không có báo cáo, nhưng nhất định là thê thảm.

Bên cạnh vấn đề y tế, thì hình như các cuộc chiến tranh cục bộ đã giảm cường độ trên khắp miền thế giới. Hy vọng, những bên tham chiến nhìn ra sự thật: HÒA BÌNH LÀ LẼ SỐNG CỦA NHÂN LOẠI.

Trên đây là những nét đại cương về tình hình xã hội, chính trị, kinh tế sau khi đại dịch chấm dứt, hy vọng vào tháng 5 năm 2020. Với Cộng Đồng Việt Nam trên nước Mỹ, tháng Tư Đen là tháng đau buồn của cả Dân tộc, lại trùng với tháng giới nghiêm của Tiểu Bang California, làm cho người miền Nam lại còn nhớ hơn đến những ngày máu lửa năm ấy, và nhớ đến niềm tủi nhục khi phải buông súng đầu hàng quân xâm lăng.

Riêng tại khu vực Little Saigon, thì cũng trong đầu tháng 4, cuộc bầu phiếu bãi nhiệm 3 vị dân cử của Thành Phố Westminster làm chia rẽ các tổ chức, hội đoàn ra làm hai, bên bênh Bãi Nhiệm, bên Chống Bãi Nhiệm. Sự kiện này làm cho Tháng Covid-19, Tháng Tư Đen trở thành bi thảm hơn. Tuy nhiên, có điều lợi là sau khi Đại dịch chấm dứt, cộng đồng sẽ nhìn mặt được những ai là thực tâm chống Cộng, ai là tay sai Cộng Sản.

Dầu sao thì dầu cho Thế giới biến đổi, con người thay đổi, xã hội vẫn tiến lên, và trên hết, tinh thần kỳ vọng vào Tôn Giáo đã làm cho nhân loại thức tỉnh và sống chia xẻ hơn, yêu thương nhau hơn, để rồi cùng nhau chia xẻ sự An Bình, Hạnh Phúc.

Ngày 3 tháng 4, 2020
Chu Tất Tiến
Nguồn: viendongdaily.com

Chú thích:
(1) FED thường cho các ngân hàng vay từ 1.5% - 2%. Ngân hàng cho người vay lại với 3% - 5%. Trong đại dịch, FED cho ngân hàng vay 0%. Nhưng ngân hàng vẫn cho vay từ 3.25% - 4.75%.
(2) Cổ phiếu chia làm 3 loại chính: Aggressive = những công ty mới nổi và phát triền nhanh; Moderate = những công ty phát triển đều đặn trong vòng 10 năm; Conservative = những công ty bền vững từ nhiều thập niên. Cổ phiếu của các công ty Aggressive thì Lợi nhiều nhưng nguy hiểm. Thí du như công ty sản xuất các “chip” điện tử (A). Nếu có một khám phá mới nào hay hơn, rẻ tiền hơn (B), thì cổ phiếu của các công ty (A) rớt tức thì. Conservative thường là Ngân hàng với lãi suất “bèo” nhưng chắc ăn, không sợ rớt bất ngờ.
(3) Georg Soros = Chỉ có sở hữu dưới 5 tỷ Mỹ kim, nhưng đã đóng góp vào các chương trình xã hội hơn 20 tỷ Mỹ kim.

No comments:

Post a Comment