Hai ông bà đã ngoài bảy mươi, đang ở chặng giữa của mười năm 70-
80. Chặng mà các chuyên gia sức khỏe cảnh báo " chặng khó khăn" !. Ngày
nào ông bà cũng đọc báo, nhưng xem ra không ảnh hưởng mấy tới đời sống của cả
hai. Hằng tháng, ông vẫn chở bà đến bệnh viện tái khám. Sáu tháng thì xét nghiệm
tổng quát một lần, vì cả hai đều mang bệnh mãn tính phải chạy chữa lâu dài. Dù
bệnh, hai ông bà cũng chẳng lo lắng mấy. Sáu mươi đã là thọ, nay đã ở giữa chặng
hơn của bảy mươi rồi, lo làm gì cho nó...mất vui!. Nói không nghe họ to
tiếng là hơi ...thiên vị và không đúng sự thật! Có hôm nghe ông hỏi hai lần bà
không trả lời. Ông nói to : em không nghe hay sao mà không trả lời ? Bà thong
thả : để anh cảm nhận được cái bực khi em hỏi mà anh không trả lời. Từ dạo ấy
ông luôn trả lời khi bà hỏi!
Có hôm bà luộc rau, ông dòm vào nồi lúc bà vừa bỏ rau vào. Ông
nhắc: em phải để nước sôi đã chứ thì rau mới xanh! Bà làm thinh chập lâu, ông
hơi giận lại ghế ngồi. Bà trả lời ông nhẹ nhàng như " lời của gió ":
để anh biết cái cảm giác khi anh quát em là " ai không biết mà phải ...dạy!".
Được cái ông bà không cải nhau lâu! Chỉ bất đồng ý kiến chút đỉnh vậy đó. Và họ
cũng "dạy nhau" nhẹ nhàng mà thật...hiệu quả !
Khi còn trẻ, ông học về kỹ thuật, bà học văn, tất nhiên tâm
tính, suy nghĩ và công việc trong đời sống vợ chồng hoàn toàn khác nhau. Bà
thích văn, thơ, hơi lãng mạn, đọc sách, nghe nhạc tình ca, nhẹ nhàng, thích sống
đơn giản nhưng sâu sắc, giận dai, để bụng, nhưng trời lại cho bà dễ mũi lòng
nên dễ làm hòa, vì bà " hay suy đi nghĩ lại trong lòng"! Ngược lại
ông tính tình bộc trực, ăn to nói lớn, thiếu kềm chế, nhưng tốt bụng, mau giận
chóng quên, và mềm yếu khi bà...khóc! Tưởng rằng tính cách khác nhau vậy thì
khó " sống hòa bình" cho đến cuối đường. Nhưng xem ra ông bà còn sống
êm đềm như thế cho đến khi kết thúc, chỉ còn lại một người.
Ông bà vẫn gọi nhau là anh em dù đã có cháu nội, cháu ngoại. Bà
quan niệm ông bà là của các cháu, còn " anh, em" là của ông bà! Giận
nhau cũng gọi anh em, nếu không muốn giận luôn cho đến chết !
Ngày xưa ông đi làm xa nhà, nơi có mộ nhà thơ bà thích. Nhưng vì
kinh tế khó khăn nên ông chưa thể cho bà cơ hội đi thăm ông và đến viếng nhà
thơ bà thần tượng. Ông đến viếng mộ nhà thơ, chụp tấm hình, mua tập thơ của thi
sỹ về tặng bà trong một lần về phép. Chỉ một việc làm xem ra nhỏ bé thế nhưng
bà rất vui và bà đã đọc tập thơ ấy một cách say sưa, giữ gìn cho đến bây giờ với
tất cả lòng yêu mến người bạn đời không cùng chung sở thích! Thỉnh thoảng ông
chở bà đi cà phê, nghe ca sỹ KL, TN hát tình ca. Ông lên mạng thấy bài thơ hay,
bài viết về sức khỏe, lịch sử, về một thời của tuổi trẻ ông bà, ông thường gởi
cho bà rồi cùng nhau bàn luận rất sôi nổi quên đi mọi phiền muộn trong cuộc sống
vốn cũng không thong thả mấy. Gần năm mươi năm sống bên nhau, ông bà vẫn giữ
thói quen có ý kiến về cách ăn mặc của nhau. Trước khi ủi đồ ông thường hỏi bà
xem quần màu này đi với áo này có được không, nếu bà nói không được, ông đổi áo
khác. Bà mặc áo dài nhờ ông gài giùm nút, ông chưa bao giờ chê bà cách chọn màu
áo và thỉnh thoảng cũng khen bà dáng còn...thon thả! Bà " chê" bụng
ông hơi to rồi đấy, ông đạp xe đạp buổi sáng cho ...bụng nhỏ hơn!
Con cái đều có quyền có ý kiến về cha mẹ. Chúng không bênh ai
nhưng có quyền không đồng tình với người này, bất đồng ý kiến với người kia khi
cha mẹ không đồng quan điểm. Nên ông bà hoàn toàn độc lập, không có đồng minh để
dựa. Nên mình sẽ hoàn toàn cô đơn khi chiến tranh lạnh kéo dài...
Những " lời hay ý đẹp " trên mạng cũng đem lại hiệu quả
một cách âm thầm trong suy nghĩ vốn tồn tại quá lâu trong đời sống mỗi người. Độ
sau này ông ít chê ngon dở khi có món không vừa ý, vì có câu " ngon dở có
ăn là tốt rồi", bà cũng ít than không có tiền " khá khá" chút,
vì có câu " có ít hay nhiều miễn có tiền trong túi là được". Ông bà
tôn trọng ý thích riêng của mỗi người, bạn bè ai thì người nấy đi chơi, sinh hoạt
với nhau, vì đó là " khoảng trời riêng" của mỗi người. Ở đó, họ tìm lại
tuổi thanh xuân của mình, " ta tìm thấy ta" khi cùng bạn bè ôn lại thời
cắp sách, thời quân ngũ, thời mà chỉ toàn màu hồng, màu xanh, và chưa vướng bầu
đoàn thê tử. Còn nàng thì chỉ có sách vở, thơ văn và chút tình yêu lãng đãng
như sương như khói tuổi học trò...
Giờ thì ông nhắc bà uống thuốc, ăn uống và đi bệnh viện khám định
kỳ! Rất thực tế, chân thật đến nao lòng! Đã hết thời lãng mạn, nên thơ rồi
chăng !? Không, ông vẫn hay mua phân cho bà bón cây, tưới nước, thêm đất mấy gốc
hồng cho bà, mua thuốc khi thấy bà ho và thỉnh thoảng mua cho bà chậu hồng bà
thích!
Mong sao hai ông bà cứ " sống tự nhiên" như thế cho đến
những ngày sau cùng, bình lặng, an yên, thanh thản và giản đơn như thế.
" Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn bức tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xui ngàn "
Anh Thập chuyển
No comments:
Post a Comment