(Hình minh họa: Marcus
Aurelius/Pixels)
Đã tới giờ ăn trưa rồi.
Mở tủ lạnh, tôi chẳng tìm thấy món gì ưng ý
cho một bữa trưa sau khi dọn dẹp xong garage xe mệt mỏi, sắp xết ba cái đồ
vụn vặt cho vào thùng, viết tên thùng chứa đồ và cất lên trên kệ.
Miệng thì thèm một tô gì có nước nóng. Mua phở
thì mất thì giờ và phải mặc quần áo lái xe đi. Thôi thì mở thùng mì gói, kiếm một
tô mì cay Thái Lan Tom Yum, cái mùi vị xả ớt chua chua tôi ưa thích, thêm nước xôi
vào, cắt vài cọng hành lá, bỏ vào vài miếng tàu hủ chiên và chờ vài phút là
xong.
Đặt tô mì lên bàn ăn mà mùi thơm ngửi đã thấy
nhấp nháy lỗi mũi, vắt thêm vào nửa quả chanh để tô mì mà tôi không cần biết
cái vị của nước lèo nó mặn hay lạt. Trước sau gì, nó phải trở thành mì chua thì
tôi mới chịu. Phở cũng thế, phải thành phở chua.
Tôi chọc đôi đũa vào để khuấy mì lên chuẩn bị
ăn. Bỗng nhiên, thấy mồ hôi rịn ra trên trán. Tôi nghĩ chắc hơi nóng của tô mì
hắt lên mặt mình. Tôi lấy giấy ăn thấm lên trán nhưng sao tay tôi lại có vẻ
run run với tờ napkin. Tôi bỏ đũa xuống vì cảm thấy hơi chóng mặt một chút.
Giống như mọi lần, mỗi khi chóng mặt là tôi lấy
máy đo mạch máu ra check mạch xem sao. Cái máy đo để trên bàn cách tôi một sải
tay. Tôi với lấy và cặp vào tay đo thử ngay xem mạch bao nhiêu.
Thường thì máy bắt đầu bơm hơi, số cũng tăng
lên tới chừng 140 thì bắt đầu xẹp hơi và số tụt xuống. Kết quả thường lệ của mỗi
sáng tôi check là khoảng trên dưới 120/75 nhưng lần này, máy bơm hơi lên lâu
hơn bình thường và con số chạy lên tới 160 mới bắt đầu xẹp hơi và hạ số xuống.
Trời! lần đầu tiên tôi đọc 160/91. Đã chóng mặt
giờ thì hoảng hồn hơn, tôi gọi vợ tôi:
-Em ơi! anh thấy chóng mặt, tension cao quá,
đưa anh đi nhà thương.
Vợ tôi đang ngồi xem TV, hết hồn, vội chạy
vào phòng thay quần áo. Còn tôi, đứng lên, lảo đảo bước ra salon để ngồi chờ.
Khi đặt đít lên salon, trán tôi vẫn tiếp tục
đổ mồ hôi nhiều hơn, cái đầu tôi nặng chĩu không ngẩng lên nổi, tay chân gần
như xụm luôn. Tôi không còn dơ tay lên được và ngã xuống một bên salon.
Tôi la lên:
-Em ơi! kêu 911, 911.
Vợ tôi từ trong phòng vùa chạy ra vừa cằn nhằn:
-Gì mà gấp vậy?
Chừng thấy tội nằm ngả nghiêng trên salon và
lịm đi thì mới hiểu. Không đi nhà thương kịp rồi, vợ tôi liền kêu 911.
Trong trạng thái lơ mơ, tôi vẫn còn nghe được
lời vợ tôi nói chuyện với 911 tiếng được tiếng không.
Một chút xíu sau là nghe tiếng chân rầm rầm
bước lên cầu thang nhà tôi vì tôi ở tầng 2.
Tôi ngước mắt nhìn thấy 2,3 người lính cứu hỏa
Mỹ cao to đang cầm một cái ghế lên đến hỏi tôi.
Có lẽ họ đã biết tôi bị cái gì rồi. Cho nên,
tôi nghe họ bảo tôi:
-Cười – nhíu mặt – nhếch môi – nói Ê – A – dơ
tay – dơ chân,…
Tôi làm theo nhưng không biết có đúng không.
Chỉ biết rằng, tôi không dơ được tay và chân bên phải lên nghĩa là liệt nửa người
bên phải. Thế là họ bưng tôi dậy, cho ngồi lên ghế cột lại, đưa xuống cầu thang
và để lên băng ca của xe cứu thương vừa mới tới để đưa tôi đi nhà thương cấp cứu.
Tôi vẫn nhớ con đường quen thuộc từ nhà tôi tới
nhà thương xa khoảng 3 miles. Trên đường đi, toán xe cứu thương tiếp tục nói
chuyện và hỏi tôi mọi thứ về tên họ, năm sinh, địa chỉ và có biết là đang được
chở đi đâu không, tại sao,… để biết chắc là tôi còn tỉnh trí và hiểu được. Tôi không
nhớ là tôi có được cho thuốc gì cấp cứu gì không nhưng có lẽ là có. Tôi vẫn tiếp
tục trả lời với giọng thều thào, ngọng nghẹo và nho nhỏ nhưng không sai câu hỏi.
Tới nhà thương là đã thấy y tá chờ sẵn ở cửa
building ER. Tôi nằm trên băng ca được đẩy vào và chuyển sang giường bệnh viện ở
trong phòng khám. Tôi vẫn tỉnh nhưng trong trạng thái lơ mơ.
Bác sĩ bắt đầu chẩn bịnh ngay, hỏi tôi và bảo
tôi làm vài cử động của một người bị stroke tê liệt giống như khi phải làm ở
nhà lúc toán xe cứu hỏa tới cấp cúu:
-Nói vài chữ Ê A- cười nhếch môi – nhăn mặt
mày – nhíu mắt – nắm tay và bóp – dơ tay chân phải và trái lên xuống….
Tôi vẫn hiểu và cũng làm được hết nhưng không
rõ là được mấy phần trăm, nhưng tôi biết rõ là tôi không thể nào dơ được cánh
tay phải và chân phải lên. Tôi còn nhớ cái cảm giác là lúc đó, đầu tôi ra
lệnh tay phải chân phải dơ lên nhưng chúng nó vẫn lì nằm yên tại chỗ. Tôi cố gắng
và có cảm tưởng nó nặng như tảng đá núi, không nhúc nhích được đến nỗi tôi bực
quá, miệng la lên trong tiếng bất mãn, uất ức và ú ớ không nên lời.
Lúc đó vào khoảng 2,3 giờ chiều. Chắc chắn là
họ có cho tôi thuốc nhưng không ai nói gì với tôi và tôi cũng chẳng biết gì hơn
là cứ nằm trên giường với giây nhợ đo áp huyết và tim cùng nước biển rồi
thiếp đi bao lâu không nhớ.
Nằm mơ màng một chặp thì nghe tiếng vợ tôi
vào thăm. Tôi mừng và tỉnh dậy nhưng không hiểu khuôn mặt tôi như thế nào. Nhăn
nhó hay quạu cọ dễ thương hay méo xẹo.
Không biết lúc đó là mấy giờ nhưng tôi đoán
là khoảng 6 giờ chiều.
Hình như tôi bắt đầu tỉnh táo được một chút
và nói chuyện với vợ nhiều hơn. Đột nhiên, bất ngờ, tôi khám phá ra là cánh tay
và chân phải của tôi nó cử động được rồi. Tôi thử co chân phải lên. Trời! nó
nghe lời tôi thật, tôi dơ tay phải lên cao, nó làm đúng như vậy.
Tôi làm thử cho vợ tôi xem và vợ chồng tôi mừng
quá. Tuy rằng, nó nghe lời nhưng tôi vẫn không dám tin là nó nghe lời 100% đúng
và nhanh chóng bởi phải chờ bác sĩ tới xem sao.
Tôi vẫn tiếp tục nói chuyện với vợ tôi với một
giọng nói mới mẻ có mầu sắc tươi vui hơn. Nào là “có mang phone vào cho anh
không? Có đem cái charger cho anh không? có báo tin cho con chưa?”
Đang lúc trò chuyện thì thấy y tá vào, mang
cho tôi nước uống và một miếng sandwish ăn cơm tối. Vợ tôi liền báo tin cho y
tá biết tình trạng mới này. Y tá bèn bắt tôi làm lại thử xem. Cô ta tươi
cười và ngạc nhiên vô cùng. Dù không giải thích được, cô ta nói sẽ báo cáo cho
bác sĩ hay.
Quay lại nhìn thấy miếng sandwish, tôi mới cảm
thấy đói bụng. Bữa ăn thanh đạm và nhẹ nhàng nhưng ngon miệng vô cùng, nhất là
có vợ ngồi bên cạnh.
Ăn xong, vợ tôi dọn dẹp mọi thứ và hỏi tôi có
cần gì nữa không trước khi ra về.
Tôi lắc đầu và lần đầu tiên trong cuộc đời của
tôi, tôi muốn nói với vợ tôi một vài lời nhưng nghẹn ngào và cảm thấy xấu hổ bởi
những lời tôi muốn nói hình như không đúng giờ đúng giấc, không phải lúc này và
cũng không phải ở cái tuổi này.
Lỡ nói ra mà bị vợ lườm cho với ánh mắt hình
viên đạn thì tôi sẽ nằm chết trên giường như Từ Hải chứ không được đứng.
Mới vào nằm nhà thương dù chỉ vài tiếng đồng
hồ mà có được người vợ của mình ngồi cạnh hỏi han, chăm sóc và lo lắng, tôi chợt
thấy hình như có một điều gi mới mẻ trong hạnh phúc và may mắn của tôi.
Tôi vẫn nhớ tới các cụ cao niên như tôi mỗi ngày nằm trên giường ở nhà dưỡng lão, mắt luôn luôn hướng về cánh cửa ra vô để chờ đón con cháu chạy vào thăm nuôi chăm sóc từ sáng cho đến tối nhưng chỉ thấy toàn những khuôn mặt xa lạ, chẳng ai đoái hoài ngó đến mình, không ai buồn để nói với mình một lời hỏi thăm hay nhêch miệng trao cho mình một nụ cười an ủi thân thiết.
Thế nên, lòng tôi muốn nói với vợ một vài lời nhưng nói it thì sợ không đủ, nói nhiều thì e không thật nhưng không nói thì thấy không an tâm. Cuối cùng, trước khi vợ tôi rời khỏi phòng, tôi đưa bàn tay trái tôi ra cầm bàn tay của vợ tôi.
Vợ tôi đứng im, không nói một lời
gì, hơi ngạc nhiên và có vẻ hơi lặng người đi một chút. Tôi cảm thấy
có một luồng hơi nóng vừa truyền qua tay tôi từ một cái nắm tay rất êm ái nhưng
thật chặt chẽ, một bàn tay ngày xưa thon nhỏ mềm mại của hơn 50 năm trước đây
bây giờ thì vẫn nhỏ nhắn nhưng không còn thon đẹp mềm mại mà đã gầy guộc gìa
nua co lại theo cuộc đời và tuổi tác.
Tôi nghĩ là vợ tôi đã hiểu là tôi muốn nói một
điều gì với nàng. Có thể là một trong những điều “cám ơn em – anh yêu em –
anh thương em”.
Với tôi, điều nào cũng là điều tôi muốn nói
nhưng không phải vậy.
50 năm trước đây, lúc còn son trẻ, tôi đã thường
nói với người yêu và rồi là vợ tôi câu “anh yêu em hay anh thương em.”
50 năm sau này, tôi chỉ muốn nói có một câu
“Cám ơn em.”
Bây giờ, tôi mới hiểu ngôn ngữ Việt, trong cuộc
sống của vợ chồng càng về tới đích, ý nghĩa của hai chữ: Tình Nghĩa là gì?
Yêu nhau vì tình, sống với nhau vì nghĩa, nắm
tay nhau là tình nghĩa.
Đó chính là lời “Cám ơn em” tôi muốn nói với
người đã yêu tôi và đã sống với tôi tới trọn cuộc đời.
Khi vợ tôi ra về, một lúc sau, tôi nhận được
một cú phone bất ngờ của một người bạn thân kêu vào. Tôi tưởng là sẽ hỏi thăm
tôi và hơi ngạc nhiên là tại sao biết được vậy, nhưng chưa kịp mở lời, cô ta đã
nói ngay:
-Ông có nghe tin ông Trump bị bắn không? Kinh
quá. Hình như bị thương chứ không chết?
Tôi đang mơ mơ màng màng, nghe thế, tôi vội cải
chính:
-Không. Tôi đang nằm nhà thương.
Người bạn tiếp lời
-Nhà thương nào? Không biết.
Tôi nhắc lại một lần nữa:
-Không sao. Tôi đang nằm nhà thương.
Tôi nghe câu cuối cùng:
-Ừ! để tôi nghe tin tức tiếp, đang lung tung
quá. Tôi sẽ kêu cho ông hay sau.
-OK.
Điện thoại cúp và cho đến hôm nay, đúng một
năm tròn, tôi vẫn chưa được nghe người bạn nói cho biết “nhà thương nào?” hay hỏi
“ai nằm nhà thương?”
Đây chỉ là một câu chuyện bình thường của một
ngày tôi không bao giờ quên, ngày 13 tháng 7 năm 2024, có vui lẫn buồn, vẫn lo
sợ và không bao giờ quên.
Ngày đó, bạn tôi báo tin là ứng cử viên tổng
thống Donald J Trump bị ám sát hụt mà không chết.
Ngày đó, tôi đang nằm trong nhà thương vì bị
mini stroke tê liệt nửa người bên phải.
Ngày đó, lần đầu tiên, tôi đã nắm
tay vợ tôi và ở ngày tháng này, tôi đã hiểu được tình nghĩa vợ chồng
cuối cùng như thế nào.
Cám ơn thượng đế đã cứu mạng sống của ông
Trump và cũng xin cám ơn thượng đế đã cứu luôn mạng tôi vào ngày hôm sau 13
Tháng Bảy, 2024.
Ngày hôm sau, 14 Tháng Bảy, tôi đã được hồi
phục 100%. Bao nhiêu cái test chụp hình, MRI, ultra sound tim và não đều
“negative.” Tôi được cho trở về nhà với tay phải chân phải đã cử động hoàn toàn
tốt đẹp và mạnh mẽ như trước đây nhưng trong một trái tim mới.
Phil Nguyễn
No comments:
Post a Comment