Màu đỏ bao
trùm các sàn giao dịch Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trong khi mọi con mắt đang đổ về Hy Lạp và Eurozone thì một cuộc khủng hoảng kinh tế khác mang hậu quả to lớn hơn rất nhiều đang diễn ra tại Trung Quốc.
Theo thống kê của Wall Street Journal, thị trường chứng khoán (TCCK) Trung Quốc đã mất hơn 3,2 nghìn tỉ USD giá trị chỉ trong tháng vừa qua.
Sau khi tăng 130% trong khoảng thời gian từ 9/2014 tới 6/2015, chỉ số Shanghai Composite đã tụt dốc không phanh và mất đi hơn 30% giá trị trên thị trường, lượng giảm gần gấp đôi so với giá trị của cả hệ thống thị trường chứng khoán Ấn Độ.
"Bong bóng" xuất hiện
The Diplomat phân tích, dấu hiệu cho sự xuất hiện của "bong bóng" đã nhiều lần hiện hữu trong năm vừa qua.
Ngày càng nhiều người Trung Quốc bắt đầu mua và trao đổi cổ phiếu trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến; từ sinh viên tới các cụ ông cụ bà đều kiếm được tiền từ việc "xào nấu" cổ phần.
Phần đông các "nhà đầu tư" này đã vay tiền để mua cổ phiếu, họ tin rằng thị trường đã chạm đáy, và chỉ có thể đi lên chứ không thể giảm thêm được nữa.
Thị trường giá lên (bull market) xuất hiện trong lúc kinh tế Trung Quốc đang chững lại rộng khắp, một xu hướng dẫn tới việc TCCK bị định giá quá cao, đồng thời khiến thị trường ngày một tách biệt ra khỏi kinh tế Trung Quốc.
Trước tình hình này, bộ máy lãnh đạo Trung Quốc đã có những điều chỉnh nhằm kìm hãm đà tụt dốc của cổ phần. Cụ thể, chính phủ đã tạm dừng phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) cũng như khuyến khích các công ty tài chính mua thêm cổ phiếu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước (SOE) đã được lệnh từ Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Trung Quốc không được phép bán cổ phiếu của các công ty đứng tên họ, đồng thời được khuyến khích mua thêm cổ phần nhằm ổn định phần nào giá trị.
Nhưng động thái đáng kể nhất là việc gần 1.500 công ty Trung Quốc, tức là hơn một nửa số công ty được niêm yết trên sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến, đã xin tạm ngừng giao dịch cổ phiếu của mình để hạn chế thêm thiệt hại.
Tuy nhiên, việc những bước điều chỉnh này có đem lại hiệu quả trong việc giảm thiểu thiệt hại cho TCCK Trung Quốc hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Bộ máy lãnh đạo Trung Quốc trước đó đã áp dụng một loạt các biện pháp cải cách kinh tế như giảm lãi suất, dùng quỹ hưu trí chính phủ để hỗ trợ thị trường, và điều tra các hoạt động tài chính mờ ám, nhằm mục tiêu để thị trường tự quyết định số phận.
Trong đó, theo Reuters, Bắc Kinh đã thông qua một gói hỗ trợ từ quỹ hưu trí chính phủ trị giá 322 tỉ USD, cao nhất trong lịch sử nước này.
Mặt khác, những cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm định hướng những biện pháp cải cách này lại chính là các tác nhân "đóng góp" vào sự đi xuống của kinh tế Trung Quốc.
Một ví dụ cụ thể là việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đã từng theo đuổi những chính sách "mở đường" cho ngân hàng ngầm (shadow banking) và nâng mức nợ.
Do vậy, không còn lựa chọn nào khác, chính phủ Tập Cận Bình đã phải dùng đến "hạ sách" can thiệp vào thị trường.
Không những vậy, chiến dịch chống tham nhũng "đả hộ diệt ruồi" của nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đang cho thấy "tác dụng phụ" của nó, tạo tâm lý cẩn trọng giữ mình trong các doanh nhân thay vì đẩy mạnh đầu tư.
Theo The Diplomat, tình hình kinh tế bất ổn hiện nay đang đặt ra một thách thức quốc nội "khó nhằn" cho chính phủ Trung Quốc, khi điều này sẽ được "đổ vấy" cho công tác điều hành kinh tế của bộ máy lãnh đạo. Độ tin cậy của họ cũng sẽ vì thế mà bị đặt dấu hỏi.
Người Trung Quốc ở mọi tầng lớp từ tỉ phú tới những người nông dân sẽ ngờ vực khả năng đảm bảo một tương lai kinh tế thịnh vượng cho người Trung Quốc của tầng lớp lãnh đạo. Các nhà đầu tư cũng sẽ điều phối tiền của mình sang các thị trường khá khẩm hơn.
"Đổ tội" cho ngoại cảnh
Trong lịch sử, khi thị trường Trung Quốc đứng trước một cuộc suy thoái, lãnh đạo nước này luôn tìm cách "đánh lạc hướng" dư luận trong nước sang một vấn đề bên ngoài.
Năm 2012, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỉ, Bắc Kinh lập tức lái sự chú ý sang các vấn đề đối ngoại, cụ thể là tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.
Hệ quả là người dân Trung Quốc tràn ra đường biểu tình, tẩy chay dùng hàng Nhật Bản, phá hoại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản, mà quên mất những khó khăn về kinh tế mà nước nhà đang gặp phải.
Người
Trung Quốc biểu tình trước Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP
Ngoài lo ngại Bắc Kinh sẽ tái áp dụng chiến thuật này, các nhà phân tích cho rằng việc TCCK Trung Quốc tụt dốc không phanh sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế toàn cầu. Các dấu hiệu trong tuần vừa qua đã cho thấy nguy cơ một hiệu ứng domino có thể xảy ra.
Vẫn còn thời gian để chính phủ Tập Cận Bình cứu vãn tình hình. Theo đánh giá của tác giả Scott McDonald trên National Interest, bộ máy lãnh đạo đảng Trung Quốc đang đứng trước thử thách đối nội lớn nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn 1989.
Ông McDonald quan ngại, nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục bất lực trước đà tụt dốc hiện nay của chứng khoán, một cuộc Đại Khủng hoảng Tài chính sẽ xảy ra.
Khi đó, những gì xảy ra tại Hy Lạp hiện nay sẽ chỉ là một "chấm nhỏ" nếu so với những hậu quả mà một cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc có thể gây ra cho kinh tế toàn cầu.
No comments:
Post a Comment