Sunday, March 20, 2016

Người Xưa Nói “Nhân Định Thắng Thiên” Là Có Hàm Ý Gì?

Người khi đắc chí, đạt được thành công, nhất định sẽ cho rằng mình vĩ đại, nhưng ở đời khiêm tốn mới là đức tính đáng quý; huống hồ trong vũ trụ bao la này, chúng ta rất nhỏ bé. (Ảnh từ Internet)


Ngày nay người ta thường nói rằng con người có thể chiến thắng thiên nhiên, người xưa cũng giảng “Nhân định thắng Thiên”, nhưng hàm ý của 2 cách nói này lại khác nhau rất lớn, thậm chí là hoàn toàn trái ngược.

Trong《Tam ngôn lưỡng phách》có kể về hai câu chuyện xưa để giải thích hàm ý đích thực của câu nói “Nhân định thắng Thiên”. Câu chuyện như sau:

Đặng Thông đến chết cũng không tránh được thiên ý
Ngày trước, vào thời Hán Văn đế, có một vị quần thần được sủng ái tên là Đặng Thông. Đặng Thông thường xuyên xuất hiện cùng hoàng đế, thậm chí khi ngủ ông cũng được ở bên cạnh hoàng đế, vô cùng vinh hạnh.

Thời ấy, có một thầy tướng thuật nổi tiếng tên là Hứa Phụ xem tướng cho Đặng Thông, quan sát miệng của ông, nói: “Người này nhất định sẽ nghèo đói mà chết!”. Văn Đế nghe xong, giận dữ nói: “Phú quý là do ta định đoạt! Đặng Thông sao có thể nghèo được!”. Sau đó Hán Đế đã đem kỹ thuật đúc tiền của nước Thục ban cho Đặng Thông, cho y tự ý tự do đúc tiền. Khi đó, Đặng Thông lợi dụng quyền hành, rải tiền khắp thiên hạ, thậm chí cung cấp cho cả những nước là kẻ địch.

Một ngày, Văn Đế bỗng nhiên mọc một cái mụn nhọt, bưng mủ và máu, rất đau đớn khó chịu. Đặng Thông tỏ vẻ thương xót, quỳ xuống nặn hút mủ. Văn Đế cảm thấy rất hài lòng dễ chịu, liền hỏi: “Trong thiên hạ, ai là người yêu thương nhau nhất?”. Đặng Thông đáp: “Chẳng ai khác ngoài cha con”.
Vừa hay lúc đó hoàng thái tử đi vào cung, Văn Đế bảo thái tử nặn hút cái nhọt độc kia. Thái tử từ chối nói: “Nhi thần vốn vụng về, e rằng không dám đến gần thánh thượng”. Nói xong thái tử rời đi. Văn Đế thở dài: “Yêu nhất không phải là cha con, còn không chịu hút mủ cho ta; Đặng Thông còn yêu ta hơn cả nhi tử của ta”. Sau lần đó, Đặng Thông lại càng được ân sủng hơn.

Hoàng thái tử nghe thấy hết những lời này, nên trong lòng rất oán hận Đặng Thông. Sau khi Văn Đế chết, thái tử lên ngôi hoàng đế, bèn tìm Đặng Thông trị tội, nói hắn hút mủ cho Văn Đế là nịnh bợ, làm hư loạn pháp lệnh của triều đình. Sau đó ra lệnh tịch thu gia sản, nhốt Đặng Thông ở trong phòng, tuyệt đối không cho ăn uống gì. Cuối cùng, Đặng Thông quả nhiên chết vì đói.
Người ta vẫn thường nói rằng, xem tướng tâm không kém phần tướng mạo. Nếu là người có tướng mạo cao quý, làm chức cao vọng trọng, nhưng lại làm việc trái với lương tâm, gây tổn hại âm đức, thì trái lại sẽ không có kết cục tốt đẹp.

Bùi Độ thay đổi vận mệnh của mình
Vào triều Đường, có một người tên là Bùi Độ, từ nhỏ gia cảnh đã nghèo túng. Có người xem tướng nhìn miệng của Bùi Độ, cũng nói rằng sẽ bị nghèo đói mà chết. Trong một lần Bùi Độ đi đến chùa Hương Sơn, đang đi dạo ở giếng đình thì nhặt được một tay nải đựng đầy bạc quý. Bùi Độ nghĩ thầm: “Cái này là người ta đánh rơi, ta sao lại có thể hại người lợi mình đây, nhất định không được có tâm xấu!”. Vì thế nhặt lấy vật quý, quay đi tìm người đánh mất.

Một lát sau, thấy có một người phụ nữ chạy đến khóc lóc nỉ non, nói: “Cha tôi bị người ta hãm hại rơi vào ngục, mượn được một ít bạc, định mang đi chuộc tội. Hôm nay vào chùa thắp hương, lúc quay ra thì mất lúc nào không hay. Ai nhặt được thì cho xin lại, mệnh của cha tôi là phụ thuộc hết vào nó”.
Bùi Độ lập tức đem số bạc trả lại cho người phụ nữ kia, bà cảm ơn rồi rời đi. Một ngày nọ, ông lại gặp một tướng sĩ. Vị tướng sĩ này nhìn Bùi Độ ngạc nhiên nói: “Cốt pháp của ngươi đã được thay đổi hoàn toàn, không thì trước kia đã bị chết đói rồi, có phải là ngươi tích âm đức hay không?”. Bùi Độ nói không có.
Tướng sĩ phân vân: “Ngươi suy nghĩ một chút đi, nhất định là ngươi đã tích đại đức vì cứu người”. Bùi Độ vì thế đã kể lại chuyện nhặt được bạc. Tướng sĩ nói: “Cái này là đại âm đức, sau này phú quý lưỡng toàn, nhất định là vậy”. Sau đó, Bùi Độ quả nhiên thi cử đỗ đạt, tiến thân nhanh chóng, làm tới chức Tể tướng, sống lâu sung túc.

Trong hai câu chuyện này, có thể thấy rằng vận mệnh của hai người họ thì ở “Thiên” đã có sự an bài giống nhau. Nhưng ở đây, bởi vì Bùi Độ không tham tiền, nhất niệm hướng thiện, tích được đại đức, vậy nên đã thay đổi được vận mệnh của mình; còn Đặng Thông thì ngược lại, cho nên đến cuối cùng đã không tránh được mệnh trời.
Vậy hàm ý đích thực của câu nói “Nhân định thắng Thiên” mà người xưa muốn nhắn gửi là gì? Đó chính là, nếu con người biết đề cao tâm tính, giữ gìn phẩm hạnh, tích đức hành thiện, thì có thể cải biến được vận mệnh đã định của mình.

Còn con người ngày nay thì sao? Nhiều người vẫn luôn hùng hổ tuyên bố rằng “con người có thể thắng được thiên nhiên”. Để chứng minh cho điều đó, họ không ngừng cải tạo, tàn phá thiên nhiên, vì tiền mà không ngừng làm những việc xấu ác… Họ đã biến câu nói của người xưa thành cách nói thể hiện cho sự vô mình, vô thần của mình. Lại không biết rằng “Nhân định thắng Thiên” cũng là bao hàm cả quy luật nhân quả báo ứng ở trong đó. Vậy nên, điều chờ đợi con người cho những việc làm của mình thật là đáng sợ!
Cuối cùng, hãy nhận ra hàm ý chân thực mà người xưa nhắn gửi, thay đổi suy nghĩ, cải biến tâm linh, việc thiện nên làm, việc ác nên tránh, mới hy vọng có một tương lai tốt đẹp.

Bảo An, biên dịch từ epochtimes.com

No comments:

Post a Comment