Là Tổng thống của nước Mỹ - cường quốc số 1 thế giới, đương nhiên phải gánh trên vai trách nhiệm và áp lực hết sức nặng nề. Tuy nhiên, vị Tổng chỉ huy của nước Mỹ cũng được hưởng những đặc quyền, đặc lợi mà hầu hết trong chúng ta chưa bao giờ có được.
Một số trong những đặc quyền, đặc lợi đó là: chiếc limo sang trọng và tiện nghi của ông sẽ được vận chuyển bằng máy bay đến bất kỳ nơi đâu mà ông tới; được xem miễn phí mọi bộ phim đầu tiên, khi nó chưa được phát hành; không bao giờ phải dừng lại trước đèn đỏ; và có mã số vùng điện thoại riêng...
Vậy giá trị của “chiếc ghế” Tổng thống được đánh giá ở mức nào khi bạn cộng tất cả những đặc quyền, đặc lợi mà vị Tổng Chỉ huy này được hưởng?
Chúng ta có thể sẽ chẳng bao giờ định giá được giá trị của “chiếc ghế” tổng thống thông qua giá trị của đồng đô la. Đó là bởi vì một số trong những chi phí liên quan đến vị trí tối cao này được “giấu” trong những khoản ngân sách khác nhau và được rải rác giữa các bộ khác nhau trong chính phủ.
Chúng ta hãy cùng nhìn lướt qua một số đặc quyền, đặc lợi của Tổng thống Mỹ được chi trả bằng tiền của những người nộp thuế. Những đặc quyền, đặc lợi đó không chỉ để làm cho cuộc sống của Tổng thống dễ chịu hơn mà còn vì các lý do an ninh và thực tế khác.
Thứ nhất, lương của Tổng thống là 400.000 USD/1 năm (tương đương với 8,3 tỉ đồng). Tổng thống Mỹ còn có ngân sách riêng cho các hoạt động giải trí, đi lại, du lịch...
Thứ hai, trong vấn đề đi lại, Tổng thống được trang bị chuyên cơ Air Force one, trực thăng riêng Marine one và một chiếc limo. Theo một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội 2012, một giờ hoạt động của chuyên cơ Air Force one tiêu tốn khoảng 180.000 USD (khoảng 3,7 tỉ đồng).
Theo Hawaii Reporter, một chuyến du lịch đến Honolulu của Tổng thống Obama hồi tháng trước tiêu tốn hết 3,2 triệu USD (gần 67 tỉ đồng).
Thứ 3 là chi phí cho vận hành Nhà Trắng - nơi sinh sống và làm việc của Tổng thống Mỹ. Trong năm tài chính 2008, ông Bradley Patterson, một cố vấn cấp cao đã nghỉ hưu của Viện Brookings, ước tính, chi phí cho các hoạt động vận hành Nhà Trắng là gần 1,6 tỉ USD (tương đương 33.000 tỉ đồng). Và con số này chưa bao gồm các chi phí bí mật không được công bố.
Chi phí trả cho các nhân viên phục vụ trong Nhà Trắng cũng là một con số khổng lồ. Năm 2012, Nhà Trắng công bố, lương trả cho các nhân viên của họ đã tăng từ 37 triệu USD (770 tỉ đồng) năm 2011 lên 37,8 triệu USD (787 tỉ đồng). Danh sách này bao gồm 468 cái tên, trong đó có 139 cái tên nhận mức lương trên 100.000/1 năm (hơn 2 tỉ đồng).
Thứ tư là chi phí cho Cơ quan Mật vụ có nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống và gia đình. Công việc bảo vệ Tổng thống cần rất nhiều nhân lực. Ngân sách của cơ quan này trong năm nay là 1,6 tỉ USD (hơn 33.000 tỉ đồng). Một phần trong số đó được chi cho việc bảo vệ Tổng thống trong khi ông còn đương chức và trong suốt cuộc đời về sau này của ông.
Thứ 5 là kế hoạch nghỉ hưu. Theo CNBC, Tổng thống Obama sẽ nhận được hơn 191.000 USD (xấp xỉ 4 tỉ đồng) một năm tiền lương cho đến cuối đời sau khi ông về hưu.
Thu nhập của một cựu tổng thống có thể tăng lên đáng kể khi về hưu nhờ việc tham gia vào các hoạt động như viết sách, đi diễn thuyết. Trong số các cựu Tổng thống Mỹ giàu lên nhanh chóng sau khi về hưu có ông Bill Clinton. Riêng năm 2011, nhờ “tài ăn nói” của mình, ông Bill Clinton đã “đút túi” 13,4 triệu USD.
Một cựu tổng thống kiếm được hàng triệu USD nhờ diễn thuyết sau khi về hưu là chuyện hoàn toàn bình thường nhưng ông Bill Clinton có vẻ là người kiếm được nhiều tiền nhất từ hoạt động này. Một phân tích của CNN cho rằng, cựu Tổng thống Clinton đã kiếm được tổng cộng 89 triệu USD nhờ diễn thuyết ở 52 nước sau khi rời Nhà Trắng tháng 1 năm 2001.
Trong khi đó, sau hai năm rưỡi rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống George W.Bush ước tính cũng đã có 140 bài phát biểu được trả lương, thu về 15 triệu USD.
Kiệt Linh - (theo Finance.Yahoo)
Nguồn: VnMedia
No comments:
Post a Comment