Mặc dù khoa học đã đạt được những thành tựu vô cùng vĩ đại, các quy luật của thế giới tự nhiên cứ lần lượt được phơi bày, sân chơi của Chúa tưởng chừng ngày càng hẹp lại; nhưng cứ mỗi lần các nhà khoa học vén được một bức màn đen do Chúa dựng nên này thì lại thấy một bức màn đen khác sừng sững trước mặt. Và cho đến tận ngày nay hai câu hỏi nguyên thủy “ Vũ trụ được hình thành thế nào?” và “Loài người xuất hiện từ đâu? Từ loài khỉ lớn (vượn hay tinh tinh) tiến hóa lên, hay do Chúa tạo ra ?”, xem ra vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng; và liệu có thể có câu trả lời cuối cùng hay không? lại là một câu hỏi hóc búa khác.
Sai lầm của Thuyết Tiến Hóa
Thuyết Big Bang hầu như đã được kiểm chứng. Ngày càng có nhiều bằng chứng khách quan cho thấy Vũ trụ, mà chúng ta đang ở trong, được sinh ra từ một vụ nổ lớn trong hư không khoảng 14 tỷ năm trước rồi dãn nở không ngừng, đồng đều theo mọi hướng, chứa hàng trăm tỷ thiên hà có kích thước khoảng 100.000 năm ánh sáng (một giây ánh sáng là 30 vạn km); mỗi thiên hà lại chứa hàng trăm tỷ ngôi sao; mỗi sao lại có một hệ thống hành tinh quay quanh như kiểu hệ Mặt trời của chúng ta. Khoảng hơn mười tỷ năm nữa Vũ trụ sẽ dừng dãn nở, co sụp lại thành một điểm như lúc ban đầu..
Nếu thuyết này là đúng thì vẫn còn những câu hỏi chưa thể có câu trả lời: Thế trước Big Bang là cái gì? Vì sao nó lại vận hành một cách trơn tru, hoàn hảo như thế? Vì sao các hằng số vật lý của Vũ trụ (tốc độ ánh sáng, điện tích của điện tử, hằng số Plank...) lại được gán cho những giá trị chính xác đến nỗi chỉ cần một trong các hằng số ấy thay đổi đi một phần triệu giá trị vốn có thì thế giới này không có sự sống, không có chúng ta - con người có khả năng tìm hiểu Vũ trụ?
Mặc dù vậy, các bằng chứng thực nghiệm về sự hình thành và tiến hoá của Vũ trụ cho đến nay vẫn ủng hộ thuyết Big Bang. Điều này khác hẳn với sự đáng ngờ của thuyết Tiến hóa về nguồn gốc của Loài người, rộ lên trong vài chục năm gần đây. Số người ủng hộ thuyết Tiến hóa còn rất nhiều (xem Nguyễn Văn Tuấn, Ykhoa.net/binhluan/), nhưng những người phản đối càng ngày càng làm tôi “nao núng”. Xin chia sẻ với bạn đọc những gì tôi thu nhận được từ lập luận của những người “phủ nhận sạch trơn” Darwin (xem Viethungpham.com).
Chúng ta đều biết Darwin (1809 - 1882) đã công bố Thuyết Tiến hoá của mình trong hai cuốn sách kinh điển: “Nguồn gốc các loài” ( 1859 ) và “Nguồn gốc con người” (1871). Trong đó ông đã khẳng định: 1) Các loài động vật tiến hoá từ bậc thấp lên bậc cao hơn theo quy luật chọn lọc tự nhiên những biến dị nhỏ ngẫu nhiên có lợi trong quá trình cạnh tranh sinh tồn, được tích tụ dần. 2) Sự sống được hình thành một cách tự phát ngẫu nhiên từ một tập hợp các nguyên tố hoá học. 3) Loài khỉ lớn (tinh tinh) là tổ tiên trực tiếp của Loài người.
Vào thời điểm ấy học thuyết này đã được hưởng ứng một cách cuồng nhiệt và tiếp tục mê hoặc các thế hệ sau cho đến tận cuối Thế kỷ 20. Ngày nay trong các trường học trên toàn thế giới, người ta vẫn vô tư rao giảng những quan điểm phi khoa học của Darwin. Sự “ngộ nhận thế kỷ” này có thể do hai nguyên nhân chính sau đây. Một là, công trình của Darwin ra đời vào đúng lúc xu thế vô thần và duy vật của Thế kỷ Khai minh đang nở rộ; nó đánh trúng vào tâm lý khoa học thời đại: sự sống và con người không phải do Chúa tạo ra. Hai là, cuộc cách mạng khoa học lần thứ nhất đạt được những thành công rực rỡ với sự ra đời của Vật lý học Newton, đã làm cho cộng đồng khoa học ngây ngất với ý tưởng “sân chơi” của Chúa đang thu hẹp lại và một ngày không xa khoa học sẽ trả lời được mọi câu hỏi về vạn vật. Thế nhưng, như bạn đọc sẽ thấy, đấy là một sự ngộ nhận tai hại.
Thuyết Tạo hoá
Sự sai lầm của thuyết Tiến hoá và sự ngộ nhận về nó sẽ không xảy ra nếu Darwin được biết đến công trình khoa học vĩ đại về Di truyền học của Gregor Mendel (1822-1884) ra đời chỉ sau cuốn “Nguồn gốc các loài” có bảy năm, 1866. Giá ông biết thì chắc ông đã buộc phải xem xét lại các luận điểm của mình. Không những chỉ Darwin không được biết mà cả thế giới cũng hầu như không biết tới công trình khoa học của Mendel vì nó đã bị rơi vào quên lãng. Ba mươi năm sau, vào năm 1900, lý thuyết di truyền của ngài Linh mục người Áo ấy mới được các nhà khoa học Đức và Hà Lan phát hiện. Từ đó di truyền học mới thực sự chào đời, và ngày càng được khẳng định đóng vai trò quan trọng trong Sinh học như thuyết Lượng tử trong Vật lý học. Di truyền học khẳng định những điều ngược lại hẳn với học thuyết Tiến hoá. Cụ thể là: 1) Phân tử ADN (vật liệu di truyền ở cấp độ phân tử quyết định các tính trạng của động vật) của mỗi loài là cố định, không biến đổi trong quá trình chọn lọc tự nhiên để thích nghi với môi trường sinh sống. Như vậy loài này không thể “tiến hoá” lên loài khác được. 2) Phân tử tế bào sống đơn giản nhất cũng không thể hình thành từ sự kết hợp ngẫu nhiên của các nguyên tử hoá học. Xác suất của quá trình ấy có thể coi là bằng không như đã được chứng minh bằng toán học cũng như mô phỏng trên các “siêu máy tính”. 3) Khỉ là khỉ, người là người. Bộ gene của khỉ dù có giống của người đến hơn 95% thì vẫn còn đó, một sự khác biệt về chất rất lớn nằm trong số vài phần trăm chứa trong ADN cấu tạo nên các gene. ADN của người có 46 nhiễm sắc thể, của tinh tinh là 48 nằm trong nhân mỗi tế bào, và hoàn toàn cố định.
Nhận được sự chào đón hồ hởi ngay từ khi mới ra đời, thuyết Tiến hóa đã “bùng nổ” sau “vụ án thế kỷ”, trong đó một giáo viên trung học người Mỹ là Scopes bị buộc tội rao giảng thuyết Tiến hóa tại một trường phổ thông ở Tiểu bang Tennesse đã thắng kiện. Người ta đồng nhất thắng lợi của Scopes với thắng lợi của thuyết Tiến hóa. Thế nhưng cũng bắt đầu từ đó các bằng chứng khách quan ngày càng chống lại Darwin về giả thuyết loài tinh tinh là tổ tiên trực tiếp của loài người.
Bằng chứng quan trọng nhất là suốt từ khi giả thuyết “khỉ biến thành người” ra đời cho đến nay, đã hơn một thế kỷ rưỡi trôi qua, không có một hóa thạch trung gian nào giữa khỉ và người được phát hiện. Chỉ có một bằng chứng “ngụy khoa học” được tạo dựng nên vào năm 1912. Lúc đó có người đã cả gan ghép hóa thạch hộp sọ của người cổ đại với hóa thạch xương hàm của một con tinh tinh cùng thời để “chứng minh” rằng đã tìm thấy một loài trung gian giữa khỉ và người, đúng như sự mong đợi của những người hâm mộ thuyết Tiến hóa. Thế nhưng trò lừa đảo đó mau chóng bị lật tẩy, và công việc tìm kiếm hóa thạch trung gian vẫn cứ được miệt mài… Ngoài ra, phái phản đối thuyết Tiến hóa khẳng định một cách không hề thiếu sức thuyết phục rằng: Nếu Mendel đúng thì Darwin phải sai, chứ không thể dung hòa.
Tôi e còn ít người biết được rằng sinh thời chính Darwin đã tuyên bố: “Nếu có bằng chứng cho thấy sự tiến hóa từ loài thấp hơn lên loài cao hơn mà không do sự tích tụ các biến đổi nhỏ liên tục thì lý thuyết của tôi là sai!”. Đúng như sự nghi ngại của ông, những phát hiện mới nhất của Di truyền học và Khảo cổ học nhiều lắm cũng chỉ chứng minh được rằng tinh tinh và người cùng phát sinh từ vùng Nam châu Phi cách đây khoảng 200.000 năm rồi lan tỏa đi khắp địa cầu. Thế thôi, vẫn không có một hóa thạch trung gian nào được phát hiện.
Cho nên ở nơi chín suối ông không thể không ân hận khi được biết chiến dịch tàn sát người da đỏ (bị coi là giống “nửa khỉ nửa người”) ở Úc cuối Thế kỷ 19, và tội ác diệt chủng của Hitler gây ra đối với người Do Thái trong Thế chiến thứ hai. Bởi không ai khác ngoài ông đã vạch đường cho quỷ dữ hoành hành khi tuyên bố: “Vào một giai đoạn nào đó, có thể tính bằng thế kỷ, các chủng tộc văn minh của loài người hầu như chắc chắn sẽ hủy diệt và thay thế các chủng tộc man rợ”.
Nếu thuyết Tiến hóa là sai thì thuyết Tạo hóa có nhiều cơ hội là đúng?
Không đơn giản như vậy! Chỉ có điều càng ngày càng nhiều nhà khoa học lỗi lạc tin rằng có một lực lượng siêu nhiên nào đấy đã lập trình sự sống và cài đặt nó vào các phân tử ADN dưới dạng các mã thông tin, như một bản thiết kế cực kỳ linh diệu. Đáng kinh ngạc thay, từ Thế kỷ 13 Thánh Thomas Aquine đã phán: “Bất cứ ở đâu tồn tại những thiết kế phức tạp, ở đó ắt phải có nhà thiết kế thông minh”. Nhà thiết kế thông minh ấy đã được nhân loại gán cho các tên: Đấng sáng tạo, Tạo hóa, Chúa trời của các tôn giáo; hay “Chúa phiếm thần” của các nhà khoa học.
Nếu bạn đọc còn do dự tin hay không tin vào một trong hai giả thuyết nói trên thì hãy nghe lời khuyên của Einstein mà vui sống. Ông nói thế này: “Có hai cách để sống: bạn chẳng tin vào phép màu nào cả, hoặc tin rằng mọi thứ đều là một phép màu”. Há chẳng thanh thản sao!
Chu Hảo
No comments:
Post a Comment