Elizabeth Phạm (Semper Fi)
Bắt đầu từ năm 1975, người Việt tràn ra thế giới trong các đợt di tản, thuyền nhân, bán chính thức, đoàn tụ gia đình, Ra đi trong trật tự, rồi H.O, bảo lãnh… đến nay đã 44 năm. Sự hiện diện của người Mỹ gốc Việt có lẽ là nổi danh nhất thế giới với số người đến Mỹ nhiều hơn tất cả các quốc gia khác và cũng là thành phần thiểu số có nhiều hoạt động gây tiếng vang lớn nhất so với các dân tộc thiểu số khác đã từng ngụ cư tại quê hương này từ nhiều thế kỷ.
Các cuộc biểu tình rầm rộ, biểu dương lực lượng qua các ngày Văn Hóa Quốc Tế, các cuộc vận động ngoại giao chính thức được chính phủ tiếp đón lịch sự hay các cuộc vận động hành lang là những dấu mốc lớn sẽ được ghi lại trong lịch sử Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, sự thành công về chính trị, văn hóa, thương mại cũng như xã hội của người Mỹ gốc Việt đã làm cho người bản xứ càng ngày càng trọng nể người Việt.
Bây giờ, không còn có một người làm chính trị nào mà dám lên tiếng coi thường dân Việt như những thập niên trước. Ngay tại Westminster city, nơi mà trước đây, đã có vị Thị Trưởng người Mỹ nói “người Việt nên về lại nước đi,” thì bây giờ đã bị chiếm lĩnh bởi đa số nghị viên và thị trưởng người Mỹ gốc Việt rồi. Nhiều thành phố, Quận Hạt đã có chính trị gia mang họ Việt Nam. Quốc Hội Liên Bang, Hạ Viện Tiểu Bang Cali, Thượng Viện Tiểu Bang Cali đã có tiếng nói của người Mỹ gốc Việt.
Về phía chính phủ Liên Bang, đã có vài nhân vật nắm giữ chức vụ quan trọng. Trước hết là bà Mary Chi Ray, từng liên tục hai lần giữ chức vụ Phó Tổng Giám Đốc Định Cư và Tị Nạn, người trực tiếp nhận lệnh từ Tổng Thống Reagan. Rồi đến Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hạnh giữ chức vụ Tổng Giám Đốc Định Cư và Tị Nạn, người ra lệnh đóng, mở con số di dân vào Mỹ. Sau đó, ông đã làm Phụ Tá Thống Đốc California. Rồi Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp, Giám Đốc nhiều cơ sở chính phủ Liên bang… Bên cạnh chính trường là phía Giáo Dục, Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh cũng là một vị Giám đốc một cơ quan quan trọng của Bộ. Về trường học, có những Khoa Trưởng, Giáo sư nổi tiếng. Sang đến địa hạt quân sự, vẻ vang của Dân Việt đã làm cho nước Mỹ kinh ngạc. Dưới đây là tóm lược một số chức vụ quan trọng trong quân đội của Hoa Kỳ.
Ngày 5 tháng 6, 2019, Hải Quân Đại tá Nguyễn Từ Huấn đã được đề cử thăng cấp Phó Đề Đốc Hải Quân Hoa Kỳ, một lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới cả về số lượng lẫn khí tài, khí cụ khoa học. Người có cấp bậc thấp hơn ông là Đại Tá Lê Bá Hùng. Về phía Lục Quân, người Việt đã từng hãnh diện có Thiếu tướng Lương Xuân Việt, Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ tại Nhật Bản. Trước đây, ông từng là Phụ Tá Tư Lệnh Đạo Quân thứ 8 (Eight Army). Bên cạnh ông, có Chuẩn tướng Lapthe C. Flora, thuộc Vệ Binh Quốc Gia và Chuẩn tướng William H. Seely III, thuộc Binh Chủng Thủy quân lục chiến.
Có lẽ trong quân đội không quân nhân nào mà không biết Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh, tác giả của bom áp nhiệt (thermobaric bomb), loại bom đã giúp cho việc triệt tiêu các phiến quân qua các vụ đánh tại vùng núi non hiểm trở mà trước đây đa số là thất bại. Bà hiện là Giám đốc An Ninh Biên Giới và Lãnh Hải thuộc Bộ An Ninh.
Người nữ thứ hai cũng vang lừng không kém: Tổng Giám Đốc Phan Giao. Nữ Tổng Giám Đốc điều hành các hoạt động của các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, hiện nay là tối tân nhất thế giới. Tuy bà không chỉ huy quân đội, nhưng bà là người có quyền thay đổi mọi chiến thuật của hàng không mẫu hạm, như biến chế thêm đường bay, rút ngắn lại số thang... làm sao cho phương cách chiến đấu của hàng không mẫu hạm tối tân hơn và hiệu quả hơn trong chiến tranh. Các vị Tướng lãnh chỉ huy các hàng không mẫu hạm đều phải hỏi ý kiến bà trong việc sắp đặt chiến thuật tấn công hay phòng ngự. Thật đáng kinh ngạc và kính phục.
Ngoài ra, còn rất nhiều người Việt Nam trên nhiều lãnh vực như Chuẩn Tướng Không Quân Huỳnh Trần Mylene, Chuẩn Tướng Châu Lập Thể, chỉ huy trưởng Lữ đoàn Vệ Binh Quốc gia Virgina 91th, Đại Tá Nguyễn Mạnh Hùng, chỉ Huy trưởng Lực Lượng Duyên Phòng Ohio, Hạm trưởng Chiến Hạm USS Lassen: Đại Tá Lê Bá Hùng, Đại Tá Cao Hùng Navy Seal, ĐẠI Tá Hải Quân Hoa Kỳ Vũ thế Thuỳ Anh, Đại tá Danielle J Ngô, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 130 công binh lục quân.
Về nghiên cứu vũ trụ, có Khoa Học Gia Trịnh Hữu Châu, trong phi hành đoàn tàu Columbia STS-50, đã ở trên quĩ đạo địa cầu 14 ngày. Hiện nay, tại NASA, cơ quan hàng không quân sự, cơ sở nghiên cứu khoa học vũ trụ, và cũng là “con mắt gián điệp” rộng khắp thế giới có nhiều Tiến sĩ Việt Nam làm nghiên cứu.
Theo số liệu tổng quát, thì có 24 Đại Tá người Việt trong Hải quân Hoa Kỳ, 50 Trung Tá, trên 100 Thiếu Tá và 120 Đại Úy. Tin vui mới là Hải quân Thiếu Tá Trần Trung Tín sẽ chính thức thăng cấp Hải Quân Trung tá và được chọn làm Hạm phó Khu Trục hạm USS John S McCain trong năm 2019.
Một nhân vật cuối cùng mà không thể không nhắc đến vì quá đặc biệt: Thiếu Tá Phi công Elizabeth Phạm, người nữ đầu tiên lái một chiếc phi cơ tối tân nhất thế giới: F 18 Hornet. Loại phi cơ này có đặc điểm là từ tuốt trên cao lao xuống với một tốc độ kinh hồn là 2380 cây số một giờ để thả một quả bom rất chính xác đôi khi gần quân bạn chỉ vài trăm mét. Vì sự khó khăn này mà từ khi được chế tạo, Không quân Hoa Kỳ chưa bao giờ dám giao cho một người nữ, bởi chỉ cần một giao động trong tích tắc, phi công lái Hornet 18 này có thể tiêu diệt một tiểu đoàn bạn trong nháy mắt. Vậy mà người nữ đầu tiên lái lọai phi cơ này lại là một thiếu nữ Viêt Nam.
Trên đây, mới chỉ là một số các tấm gương nổi bật, ngoài ra, còn cả hàng ngàn học sinh, sinh viên Thủ Khoa trên khắp các trường học của nước Mỹ. Nhiều họ Việt Nam tốt nghiệp Cử Nhân dưới 16 tuổi! Bác sĩ chưa đến 20 tuổi. Thủ Khoa, Á Khoa Hải Quân, Tiến sĩ Không Gian Hoa Kỳ… Có nhà địa chất học Việt Nam được đặt tên cho một ngôi sao mới khám phá. Còn Bác sĩ, Dược Sĩ, Nha Sĩ... thì đếm không hết. Có gia đình Việt gồm toàn 10 Y Sĩ dâu, rể…
Nói chung, người Việt mình vẻ vang thật! Hãnh diện là người Mỹ gốc Việt. Thành công rực rỡ nằm trong tay các bạn trẻ.
Chu Tất Tiến
Nguồn: diendannguoidanvietnam.com
No comments:
Post a Comment