Wednesday, April 1, 2020

Chị Ba - Nguoiviettudo


Đã được một trăm ngày kể từ khi chị lìa bỏ chúng tôi. Năm nay gia đình chúng tôi chịu hai cái tang lớn : trước 30/4 /2019 tôi  và cô em út đáp máy bay sang CA đưa người anh thứ tư qua đời sau một cú té nhẹ (stroke). Tháng mười hai chúng tôi lại mất thêm chị Ba. (chúng tôi cũng đau đớn than khóc suy sụp trước sự ra đi của anh Tư, tuy nhiên dù sao thì anh cũng ở xa không có nhiều kỷ niệm với chúng tôi như chị Ba )

Chị thứ ba trong gia đình có chín con . Hồi má còn sống chị là cánh tay phải đắc lực phụ má lo cho một đại gia đình có khi lên tới mười mấy người ( kể cả cháu của ba + má tá túc học hành )  . Người anh lớn nhất gia nhập quân đội chẳng mấy khi ở nhà . Hồi đó ba má còn trẻ,  bươi chải được , hơn nữa nhờ kinh tế miền Nam dưới thời TT Ngô Đình Diệm nên gia đình vẫn sung túc ( nếu không có cuộc “ cách mạng “ cầm đầu bởi những tên võ biền , kinh tế miền Nam dưới thời TT Ngô Đình Diệm đã hoá rồng  )  

***********.
Chị nghĩ học sớm và đi làm cũng rất sớm. Điểm đặc biệt là chị đẹp – cái này không phải nhận xét của tôi mà của hàng tá mấy cha thanh niên chưa đi lính còn ở nhà cứ hay tán tỉnh chị.

Một lần tôi bị ăn cái tát như trời giáng về chuyện này :
Thấy tôi đang đứng trước nhà , một nhóm khoảng ba hay bốn anh ngoắc tôi lại . Một anh vẽ mặt láu cá dúi vào tay tôi cục kẹo 
-           Này nhóc cho em viên kẹo này, về hỏi xem chị em có yêu anh không ? Tôi con nít năm sáu tuổi, lon ton tới trước mặt chị đang đứng nói chuyện cùng vài người bạn oang oang :
-           Chị Ba , anh kia hỏi chị có yêu anh không ?
Một cái tát nháng lửa  vào má ,  tôi chẳng hiểu trời trăng mây nước , khóc hu hu vì tự nhiên bị đòn. Chị lôi tôi vào nhà, mặt đỏ ửng quát :
-           Ai xúi mày nói bậy bạ vậy ?
-           Anh kia kìa .  
Tôi mếu máo chỉ vào chỗ trống vì mấy cha kia thấy chuyện xảy ra đã bỏ trốn hết. Gan của thanh niên lúc đó là như vậy !!

***************
Rồi chị lớn lên ra đi làm. Có lần chị về nhà không ăn cơm ngồi ôm mặt khóc. Ba má điềm nhiên , để cho chị chảy nước mắt thoải mái. Hóa ra chị bị xếp rầy la,  một bài học nhỏ trên đường đời, rồi sẽ quên đi.

Chị đẹp nên hồi đó rất nhiều người theo đuổi chị . Tuổi thơ của tôi vẫn còn nhớ tới anh T. sau này là thẩm phán, anh Nh.  giáo sư .. và vài người bạn mà anh Tr (cháu của ba vẫn thường đưa về nhà chơi ). Chị chẳng bằng lòng anh nào hết vì không hợp nhãn hay vì chị vẫn muốn phụ giúp ba má lo cho gia đình.

*****************************
Hai mươi tuổi hơn ,  chị phải lòng anh . Anh - một trung úy – cấp bậc nhỏ cũng chẳng có chức vụ gì lớn lại còn bị tù vì tham gia vào Lữ Đoàn Phòng Vệ Tổng Thống Phủ bảo vệ TT Ngô Đình Diệm. Chị de hết thẩm phán, giáo sư về làm vợ của anh chàng sĩ quan Đà Lạt trẻ tuổi. Vài năm sau anh chị có một cháu trai và anh bắt đầu khởi sắc trong binh nghiệp . Được lên lon được cữ về làm quận trưởng một chi khu ( Cái Bè ) thuộc tỉnh Định Tường . Chị vẫn đi làm ở VNTT lương lậu khá hơn và chức vụ cũng cao hơn. VC tung tin đồn các sĩ quan về làm việc hành chính thường tham nhũng . Anh rể tôi thế nào tôi không rõ chỉ biết chị vẫn đi làm và anh phải ở bên nhà vợ mỗi khi về phép – anh chị không có nỗi cái nhà riêng -.

Lâu lâu anh lái xe về Saigon thăm vợ con, quà cho vợ và gia đình là bao ốc gạo, vài bao gạo thơm, mấy chục cam. Anh không sắm nỗi cho chị chiếc xe gắn máy chứ đừng nói xe hơi. Sĩ quan Đà Lạt không có tiền ( nghèo ) nhưng rất giàu tình huynh đệ. Hồi đó anh tên Lê Minh Hoàng  ( QT Cái Bè ) trong khi vị Tỉnh Trưởng lúc đó là Trung Tá Lê Minh Đảo vẫn thường bị lầm tưởng là anh em ruột. Có người cho vì lý do đó nên ông Quận Trưởng nhận được nhiều ưu ái ( chứ không phải ưu đãi ) từ ông Tỉnh Trưởng.Thực ra hai ông này chẳng có họ hàng gì với nhau,  chỉ liên hệ qua trường mẹ Võ Bị Đà Lạt ( Ông Đảo là NIÊN TRƯỞNG nhưng không biết khoá mấy , còn ông Hoàng khóa 15 ). Tình cảm giữa hai vị niên trưởng và đàn em chỉ đơn thuần như thế.

Khi cháu bé được bốn tuổi cha của cháu chồng chị tôi tử trận . Theo truyền thống Võ Bị “ Đi Đại Lộ Về Đại Lộ, Đường Đường Chính Chính “ . VC nhờ tay trong biết trước chận đường bắn sẽ anh khi vừa thăm một tiền đồn trở về. Quan tài  anh được an vị trong nhà tôi ( chị và cháu vẫn ở chung với ba má vì anh chị không đủ khả năng mua nhà riêng.

Thiếu Tướng ( lúc ấy còn là Trung Tá Tiểu Khu Trưởng)  Lê Minh Đảo và vị cố vấn Hoa Kỳ ( Thiếu tá gì tôi không nhớ tên ) có đến nhà chào vĩnh biệt . Tình anh em thể hiện qua hành động của Tr. Tá Đảo ( ông vẫn còn nhớ lúc cháu tôi liên lạc với ông và nhắc lại chuyện cũ  ) và gia đình tôi luôn luôn biết ơn ông về việc đó.

Chị ngất lên ngất xuống vì anh ra di. Quả phụ còn quá trẻ và đẹp phải có người dìu bước đi bên cạnh quan tài của chồng vừa đền nợ nước. Cháu tôi mới bốn tuổi đầu mặc áo tang ngồi trên xe  chở quan tài cha ra nghĩa địa . Hình ảnh thật bi thương nhưng cũng rất đỗi thường vì xảy ra hàng ngày trong xã hội quốc gia VNCH thời đó.

Cứ mỗi thứ bẩy tôi đã thành thanh niên lại chở chị vào thăm mộ anh trong nghĩa trang giòng họ Trương Vĩnh Ký. Đều đều như thế cho hết thời gian để tang chồng không một thứ Bảy nào lỡ hẹn. Suốt thời gian một tay chị lo cho cháu gởi cháu học trường tốt nhất ( Lasan Taberd ) và các cậu dì lãnh nhiệm vụ thay nhau đưa đón . Cháu lớn lên trong tình thương của ngoại của mẹ và mấy cậu dì.  

Chị vẫn đi làm tảo tần phụ ba má và nuôi con dựa một phần vào tiền lương cộng thêm trợ cấp quả phụ tử sĩ chứ ông Quận Trưởng nằm xuống chẳng để lại của chìm của nổi gì cho vợ con.  ( Điển hình vợ lính miền Nam. Hàng bao quả phụ hương lửa vợ chồng chưa được bao nhiêu đã phải một mình một bóng nuôi con đến trọn đời. Tôi thắc mắc nhiều điều này vì mấy bà còn quá trẻ mà phải vò võ. Sau này tôi mới hiểu : không ai thay thế được người hùng trong tim họ.)

Cháu tôi lớn lên ngưỡng mộ mẹ thần tượng của cuộc đời. Mẹ nuôi con trong vai trò vừa làm cha vừa làm mẹ . Cháu dựa vào tình yêu thương của mẹ của ngoại của cậu dì mà trỗi dậy. Hình ảnh đứa bé bốn tuổi đầu, lọt thỏm trong bộ áo tang đi đưa cha lần cuối, chẳng bao giờ mờ phai . Cứ thế cháu trưởng thành cho tới ngày mất nước. 

Rồi cháu và mẹ , các dì cũng  vào tù ra khám tội vượt biên thời  bảy mươi chín tám mươi . Vợ con Quận Trưởng ăn cơm tù, nhưng may mắn chưa kịp có ghẻ thì được cho về ( những ngày đó không ở tù không phải dân miền Nam )  . Cuối cùng hai mẹ con qua Mỹ nhờ vào sự bảo trợ của cậu Năm .

Những ngày ở trại chuyển tiếp Phi hai mẹ con lại đùm bọc nhau mà sống . Cháu giờ đã cao lớn khỏe mạnh nghiêng vai cho mẹ tựa vào. Một lần mẹ bị rong huyết cháu hốt hoảng chạy vào nhà thờ kêu khóc . Thiên Chúa hài lòng bởi sự hiếu thảo của cháu nên cuối cùng hai mẹ con cũng qua tới đất Mỹ bình an.

Những tháng ngày ở Mỹ hai mẹ con lại cùng đôn đáo kiếm việc làm để cố gắng dành dụm tiền bạc mua cho được cái nhà làm căn cứ tiền phương cho những người qua sau. Kiếm đồng nào không dám ăn xài chỉ bỏ băng . Hai mẹ con đã từng trải qua kinh nghiệm chật chội , gián chuột ở apt nên cố gắng tránh cho những thành viên khác trong gia dinh. Cháu vừa học vừa làm phụ me cuối cùng cũng khiến mẹ hãnh diện với tấm bằng kỹ sư của mình.

Lúc này ba, mấy chị em gái và đứa cháu vừa vài tháng tuổi nhập cư Mỹ .  Kích thước gia đình phình ra với ba trên 70 và cháu còn quá nhỏ, mấy chị em buộc phải gấp rút kiếm một căn nhà . Gần mười nhân mạng không thể tiếp tục trong một cái APT nhỏ như lỗ mũi. Chị làm việc cật lực hơn, hễ company hú lên overtime là chị ghi danh trước. Làm ra một đồng xai hai mươi lăm xu để dành bảy mươi lăm bỏ vô quỹ sửa sang khơi rộng nhà cửa để mọi người đều được thoải mái. Tôi đến Mỹ cuối cùng lại là người may mắn nhất vì có ngay chỗ ở không phải khổ.

Sau một cơn stroke chị hết sức khỏe đi làm đành phải ở nhà trông vào tiền tàn tật . Chị xoay sang giữ em bé để kiếm thêm chút ít. Cũng cỡ chục đứa bé từ nằm nôi đến hơn mười tuổi đã trải qua sự chăm sóc của chị. Bố mẹ biết ơn chị , các cháu cũng thương chị  có đứa lớn tồng ngồng  thỉnh thoảng ghé thăm để coi “ Bà Ba ‘ dạo này ra sao .

******************

Chị  muốn kiếm tiền – sau nầy chịu khó mua thêm vé số – để làm chuyện “ tào lao “. Tiền kiếm được cộng thêm tiền disability chị chia nhỏ ra . Ông anh Hai qua Mỹ thời gian chịu không nỗi cô đơn quyết định về VN. Một thời gian nghiệm ra rằng quyết định của mình sai lầm lại bắn thư xin tiếp tế, Hội nhà Thờ nầy, Hội Bác Ái kia … cứ nhận được thư chị lại gửi tiền đi “ Út gởi Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ năm chục, Hội Bạn Người Cùi bốn chục, gởi một trăm cho anh Hai dùm coi “ đó là mệnh lệnh mà em Út gái vẫn nhận hầu như mỗi tháng .
 Bây giờ tôi mới hiểu chị muốn trúng số và dành dụm tiền bạc để làm gì.  

Nhiều khi em út kẹt hỏi vay mượn chị . Vài chục ngàn hoặc vài chục triệu thì chị không có nhưng hai ba ngàn hoặc vài trăm thì OK. Nhiều hơn và làm việc gì quan trọng chị lại đứng mũi chịu sào vay dùm. Khi hoàn trả nợ đứa nhớ đứa  ( giả bộ ) quên chị cũng chẳng nói tiếng nào. Một lần tôi giởn “ Chị  Ba , lỡ em giựt nợ em đi xứ khác làm ăn thì sao ? “ “ thì mầy mang tội ráng chịu “

Dạo này chị  yếu đi nhiều . Một lần chị ngã sấp đập mặt xuống sàn  chảy máu lênh láng. Cả nhà xúm chung quanh than khóc tưởng chị “one a lê xăng rờ tua “ phải gọi 911 .  Vào nhà thương hơn tuần lễ chị trở về “ đẹp gái “ hơn nhờ vết chẽ ở làn môi dưới  .
Cháu đã có vợ con lại xa xôi không thể về thăm, liên tục gọi điện cho tới khi cậu dì báo tin mẹ đã bình yên mới thôi.  

Chị rất siêng năng lần hạt trước khi biết mình bị bệnh. Mỗi buổi sáng chị tản bộ khoảng nửa mile từ nhà ra tới đèn xanh đèn đỏ vừa đi vừa đọc kinh . Bây giờ không cuốc bộ được nữa thì chị ngồi ở nhà trước bàn thờ . Đọc kinh xong chị đạp xe khoảng mười lăm phút rồi kiếm chuyện gì làm giết thì giờ . Chị không chịu ngồi yên.  
Thấy nhà toàn đàn bà con gái tôi tình nguyện mỗi hai tuần lại qua cắt cỏ, cắt hàng rào, tắm chó. Mỗi lần như vậy chị lại pha cho ly nước chanh hay cam để trên bậc thềm . Hết chị lại pha thêm.
Xong việc vào trong nhà đã thấy đĩa cơm sườn hoặc tô bún bò để sẵn kế bên vài chục bạc. “ Bỏ túi đi, tao thuê mượn người ngoài cũng vậy thôi … “ dù cho tôi có lắc đầu quầy quậy . Khi tôi bước ra tới cửa chị nói với “ Chiều nhớ đưa vợ con qua ăn , Út nó nấu bún riêu cua .. “

***************
Chị té lần này nặng, không ngồi dậy được nữa.  .Ambulance đưa  chị  vào nhà thương khiến cháu tức tốc xin phép hãng cho làm việc ở nhà để có thì giờ chăm sóc mẹ. Cũng chẳng còn bao lâu nữa vì cháu biết mẹ bị cancer và sống ngày nào thì chiến đấu hy vọng ngày đó,  chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng thôi.  
Tuy nhiên chị không tỏ vẻ sợ hãi. Một bức hình chụp hai mẹ con cháu ở đằng sau ôm ngang hông mẹ và trong khi mẹ rất bình thản nhìn vào ống kính thì mặt cháu méo xệch như sắp sửa khóc. Khi tôi hỏi, cháu cho biết đó là lần được  tin mẹ bị cancer.  

Lần này bác sĩ nói nhiều lắm là sáu tháng . Anh chị em chúng tôi chia phiên nhau ở bên chị . Út ngày xưa vừa khóc vừa trang điểm, cắt móng tay móng chân cho má ( làm đẹp để đi gặp Chúa ) trước giờ liệm thì nay lãnh nhiệm vụ dìu chị vào phòng tắm tiêu tiểu rửa ráy lau chùi  . Nấu món gì mới đưa chị nếm thử và chờ lời phê bình. Mua món gì ngon cũng để “ chị Ba “ trước . Sáu thì lo xức thuốc, uống thuốc , schedule gặp bác sĩ (  tuổi này của chị nên “ boyfriends “ toàn bác sĩ không !!).  
Riêng con chị lãnh hết những phần quan trọng còn lại. Tháng cuối cùng cháu quyết định không về nhà mà ở hẳn bên cạnh để chăm sóc mẹ. Tôi chọc :
-           Có cục cưng bên cạnh vui không ?  
-           Vui !!  
-          Vậy sao chị la nó hoài vậy  
-         Thằng nầy điên tiền, có bao nhiêu nó cũng cho costco ăn hết, chắc nó có bồ làm ở trỏng  . Thằng nầy mít ướt lắm, mấy lần trước hôm nào về dưới nó cũng mếu máo..  
-        Thì chị có hơn gì nó đâu, nước mắt nước mũi chảy tùm lum “ 
Chị cúi đầu
Quả thật những tháng ngày có cháu chị vui hẳn lên. Mắt chị đầy sức sống ,ăn nhiều hơn nói nhiều hơn. Mỗi chiều Chúa Nhật Út nấu một món gì đó rồi mời anh chị em tụ họp ăn uống. Những lần như vậy chị vui lắm bởi vì cả tuần lặng lẽ giờ em út quây quần ăn uống cười đùa như thổi thêm bầu khí mới.

***********************
Hai vợ chồng đang trong nhà thờ thì vợ tôi nhận được điện thoại reng.  Chúng tôi phải chờ đến hết lễ bước ra ngoài gọi lại. Nghe tiếng thảng thốt la hoàng của bà xã , cơ thể tôi rùng mình đông cứng lại, tôi suýt ngất vì biết chuyện gì vừa xảy ra “ Chạy xe về nhanh anh ơi Chú Bảo và Hùng báo tin chị Ba đi rồi …

***************

Tôi lái xe khóc nức nở, vợ tôi ngồi kế bên nắm tay tôi bóp nhẹ không nói tiếng nào nhưng trong lòng bấn loạn . Tôi biết vợ tôi thương chị không kém bất cứ ai trong gia đình . Tới nhà chúng tôi chạy ào vào, đằng sau là cháu trai con của Sáu cũng vừa thắng xe cái két. Tôi thấy chị ngồi trên sa lông, thân thể buông thõng. Hai cậu cháu ở nhà đang thay phiên nhau xoa bóp tay chân . Mấy đứa tụi tôi giúp khiêng chị để trên chiếc giường đã chuẩn bị sẵn. Có cảm giác chị thở nhẹ nên tôi la lên.  
- Mẹ còn thở !!
Cháu thảng thốt 
- Mẹ ơi mẹ còn không mẹ  ? chắc lúc đó chị nghe được nhưng á khẩu không thể trả lời.  
 Bây giờ chung quanh chị là đầy đủ em út, con cháu .Chị thật hạnh phúc !!

Thằng con của Sáu và đứa con gái của Út ôm Má Ba mà khóc nức nở. Một tay chị chăm sóc dạy dỗ lo lắng cho các cháu từ khi còn đỏ hỏn đến nay đứa đã có vợ , đứa cũng trên hai mươi. Thằng con của cậu Chín khóc nức nở qua màn điện thoại của cousin cho thấy Má Ba nằm im lặng. Nó là đứa có rắc rồi với pháp luật mà Má Ba đã xin lễ cầu bình an cũng như gom góp tiền bạc phụ vào việc thuê luật sư bào chữa.

Mới hai hôm trước chị nhờ viết thư kèm tiền  gởi Đền Thanh Khiết Tâm Mẹ để xin lễ bình an. Nhưng khi nghe nội dung thư chị có vẻ không bằng lòng và dứt khoát sẽ viết lại. Hóa ra bức thư sót điều quan trọng nhất mà chị hằng lo lắng là “ Xin giúp hai chị em  ( Sáu và Út  ) bán được cái tiệm …” 

Đến giờ phút chót chị vẫn lo cho em út trong nhà…
Chị còn ở lại với chúng tôi cho tới ngày mai. Suốt đêm chúng tôi chia phiên nhau bên cạnh chị và đọc kinh cho chị. Tôi ngắm nhìn thực kỹ khuôn mặt . Có một cái gì rất giống với hình ảnh của má. Hồi đó trán má hơi nhăn vì còn một đứa con tù tội chưa về ( anh Tư , người vừa mới qua đời vài tháng trước ). Còn chị không có vẻ mặt hốc hác , xanh xao của một người chết , giống với một người đang ngủ sâu nhiều hon…

Tôi nhớ đến những ngày chị còn sống, mỗi lần đi làm tôi lại ghé ngang qua một chút chào hỏi “ Má Ba đâu rồi? Má Ba khỏe không ? “có  khi chị trả lời có khi chị ngủ gục hay chăm chú vào TV. Hôm nào cũng thấy chị ở đó nên dù biết bệnh tình chị tôi cảm giác như chị “ invincible, immortal big sister “ . 

Anh chị Năm cũng kịp có mặt . Anh từng kể tôi nghe hồi trước 75 thèm một cái áo khoác da để đi chung với chiếc xe Suzuki ba mới mua cho nhờ đậu tú tài . Cầu được ước thấy, tuần sau chị trích tiền tiết kiệm sắm tặng. Thằng thứ Tám ngày chuẩn bị ra đơn vị mong có cái radio xách tay ,chị lại đi tiệm mua cho em.
Quần áo loại hạng nhất của chị không thiếu nhưng đi đâu chị cũng chỉ mặc loại hai hoặc loại ba. Chúng tôi trách “ Có đồ đẹp sao chị không chịu mặc đến lúc muốn cũng không mặc được “ . Rồi chị lại tuềnh toàng hạng hai hạng ba kể cả đi ăn cưới hay đi lễ.

Nhiều lần qua bất chợt tôi thấy chị hướng về Đức Mẹ miệng lẩm bẩm gì đó. Không hiểu hai Mẹ con đang tâm sự gì với nhau. Lần khác tôi nghe chị đau đớn than khóc lớn tiếng “ Mẹ ơi Mẹ cho con đi cho rồi đau quá chịu không nỗi Mẹ ơi “ lúc đó tôi chỉ biết ôm đầu chị vào lòng hôn lên trán chị an ủi “ Cố lên chị Ba ơi. Ước gì tụi em có thể gánh bớt phần nào giùm cho chị..” 
**********
Bây giờ chị nằm trên giường bình yên thanh thản.  . Hết đau đớn , cũng chẳng còn nợ nần gì nữa. Ngủ yên nghe chị .
Cháu vẫn đau đớn như ngày đầu tiên mất mẹ dù mẹ ra đi trăm ngày rồi . Tôi an ủi “ Thôi hãy để mẹ thành thơi đừng than khóc mà mẹ nấn níu không đi được “ Tôi sai !!
Làm sao cháu có thể lãng quên hình ảnh của Mẹ Thần Tượng một đời, nguồn hạnh phúc, tình yêu . Cháu sẽ cứ nát tim mỗi lần nhớ mẹ cho tới ngày chính cháu nhắm mắt nằm xuống .

Cũng như anh chị em chúng tôi

Ra đi bình yên chị Ba ơi,  gặp lại ba má . anh Hai anh Tư thằng Tám …
Nhất là ANH tình yêu của chị. VUI NHA !!
********************
 Chúng con cậy vì danh chúa nhân từ xin cho linh hồn I Sa Ve ( Elizabeth ) linh hồn Gia Cô Bê cùng các linh hồn được lên chốn nghĩ ngơi
Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẽ vô cùng . Amen
( Kỷ niệm một trăm ngày CHỊ BA )

Nguoiviettudo

1 comment:

  1. Trong một gia đình đông con, người chị cả nào cũng cực thân vất vả phụ mẹ chăm sóc đàn em coi như bà mẹ thứ hai của các em. Có người còn hy sinh cả đời không lấy chồng ở vậy nuôi em lỡ như bà mẹ mất sớm.
    Chị Ba trong truyện là một điển hình, thật cảm phục tấm lòng quãng đại của chị.
    Chắc hẳn giờ này chị đang an nhàn hưởng phúc bên nhan thánh Chúa.
    Cám ơn Nguoiviettudo.
    NPN

    ReplyDelete