Một lần nọ tôi đi khám bệnh từ thiện
cho những đứa trẻ mồ côi tật nguyền ở Thủ Đức. Thật ra tôi không muốn đi, vì đó
là Chủ Nhật, ngày để nghỉ ngơi. Ngày mà tôi có thể nằm dài trên sofa vừa uống
bia vừa xem trận bóng ngoại hạng, thi thoảng gào lên tức tối, cứ y như là cả cuộc
đời chỉ có mỗi chuyện đá bóng vào gôn là có ý nghĩa.
Tôi khám qua quýt cho xong. Lúc ra về tôi lướt qua những
ma sơ chăm sóc trẻ. Họ chẳng có gì đặc biệt, không phấn son với những chiếc áo
dòng màu xanh. Nhưng khi gần tới cổng, tôi thấy một ma sơ dáng người nhỏ thó,
chiếc lưng còng xuống, vẻ như đang gánh một vật gì đó quá lớn trên vai. Cam chịu.
Cô chỉ có một cánh tay trái, tay phải đã cụt.
Khi bước qua, tôi cúi đầu, chào theo phép lịch sự tối thiểu
của một bác sĩ. Nhưng lúc cúi xuống, vô tình tôi cảm nhận được một mùi hương
thanh thoát tỏa lan nhẹ nhàng từ cánh tay đang kéo chiếc cổng sắt nặng nề.
Tại sao ma sơ tật nguyền này lại có đôi tay thơm tho đến
thế?
Câu hỏi đó theo tôi suốt chặng đường về. Để rồi từng đêm
từng đêm tôi bị mùi hương đó ám ảnh. Tôi nói với đồng nghiệp, mọi người đều bật
cười và trêu: Mày nên đi khám tâm thần, bị ảo khứu, nguy hiểm lắm. Ha ha… sau
những nụ cười vui vẻ ấy tôi đâm hoang mang. Không lẽ mình bị tâm thần? Không lẽ
đôi tay xấu xí, tật nguyền ấy lại có thể ám mình? Tôi có rất nhiều đôi tay để
ám cơ mà? Những đôi tay hồng hào, mềm mát như gió của bạn tình, những đôi tay đầy
ma lực từng ngón như rắn lên xuống, làm tôi kiệt sức bao lần.
Quyết không để mình bị tâm thần lãng như vậy, tôi đi Thủ
Đức một chuyến nữa, vẫn người ma sơ có đôi tay gớm ghiếc ấy mở cổng và vẫn mùi
hương thanh khiết bay, váng vất như hương hoa hồ điệp. Người ma sơ tên Thị Mây
bối rối cúi xuống trả lời khi nghe tôi hỏi: Dạ… tại sơ bị tai nạn giao thông.
Chỉ vậy thôi, đúng chỉ vậy thôi, tai nạn giao thông nghiền nát cánh tay phải của
ma sơ. Như vậy đó, ừ thì cũng như bao người cụt chân, cụt tay khác bị tai nạn.
Thế thôi. Có gì mà vướng bận?
Tôi quay về Sài Gòn, nhủ lòng mình rảnh và vớ vẩn quá. Lo
công việc đi, còn bao nhiêu thú để ăn chơi, còn bao nhiêu bàn tay đẹp để nắm, để
sờ mó những khi bản năng thôi thúc, đúng không? Nhưng tất cả vẫn như cũ. Hết
ngày rồi lại đêm mùi hương cánh tay đó vẫn thoang thoảng quanh tôi. Khi thì dịu
dàng như mùi hoa chanh, khi thì nồng nàn như mùi hoa nguyệt quế. Tôi sợ đến nỗi,
tưởng mình đã điên. Sao kỳ lạ đến như vậy? Một ma sơ có đôi tay cụt vì tai nạn
thì có gì là bất thường? Tôi điện thoại cho thằng bạn thân, thạc sĩ chuyên khoa
tâm thần, nó cười hú hú lên rồi phán: Mày bị con nhỏ “viêm cánh” bỏ bùa rồi, ha
ha ha, mày có gu với mùi hôi đó, cưới đi, để tối tối hit hít ngửi ngửi cho sướng,
ha ha ha. Tôi cũng ha ha ha trong ngượng ngùng.
Nhân dịp có chuyên gia tâm lý bên Mỹ qua dự hội nghị Chăm
sóc toàn diện cho bệnh nhân tai biến mạch máu não. Tôi liên lạc xin một cuộc hẹn
để tư vấn. Thật khó, vì bà ta không có ý định là qua Việt Nam khám chữa bệnh.
Người nước ngoài rất rõ ràng trong công việc. Sau khi hỏi hết mọi chuyện, bà
Rose, chuyên gia tâm lý Mỹ, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi dừng ở khoảng giữa.
Tôi hơi ngượng một một chút với cái nhìn soi mói ấy.
– Lần cuối cậu quan hệ tình dục khi nào?
Tôi quan hệ tình dục thì liên quan gì đến một vụ ám ảnh
cánh tay cụt, tôi suy nghĩ như thế, nhưng vẫn trả lời: “Cách đây ba tháng”.
– Tại sao lâu thế? Tôi nghĩ vấn đề của cậu là một thiếu
thốn trong việc quan hệ, hay không thỏa mãn trong vấn đề chăn gối nên mới như vậy.
Trời… Sao người nước ngoài hay liên kết mọi sự rắc rối cuộc
sống vào trong tình dục thế kia? Hay họ xem việc đó cũng giống như ăn, ngủ, cầu
nguyện?
Bó tay. Tôi hay dùng nhiều từ “thông dụng” như thế. Chứ
còn biết làm gì? Nhiều khi ngủ tôi mở bung hết cửa sổ xịt nước hoa khắp phòng
mà không thể đuổi được mùi hương đó.
Tôi đành quấy quả trở xuống Thủ Đức. vẫn người ma sơ có
cái tên quê mùa Thị Mây ấy mở cổng. Và vẫn lời đáp nhẹ như bấc, sơ bị tai nạn
giao thông. Nhưng ánh mắt ma sơ nhìn tôi rất khó hiểu.
Lần này tôi không về vội, tôi đi lang thang trong khuôn
viên ngôi nhà dòng dưới hàng cây bàng xanh thẳm lá. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế
đá. Không gian thật thoáng đãng và thanh bình. Bầu trời rất trong và mây trắng
trôi nhởn nhơ. Tôi giật mình tự hỏi, sao tháng ngày qua tôi cuống cuồng hết đi
rồi chạy, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng để được gì? Tôi chưa bao giờ chịu dừng
lại ngồi xuống bên một tách trà thơm để ngắm nhìn cuộc sống, hay đơn giản hơn để
đọc một trang sách.
Vô tình tôi nhìn vào căn phòng đối diện. Tiếng cười the
thé của lũ trẻ tật nguyền vọng ra, có một ma sơ già ngồi giữa chúng. Bà ta vỗ
tay nhè nhẹ vào nhau, hết nghiêng nhìn đứa này ríu rít cười, đến nghiêng nhìn đứa
kia nheo mắt. Cả căn phòng như bừng sáng. Thứ ánh sáng trong trẻo thánh thiện.
Nụ cười móm mém không có son môi, không có phấn má, mà sao đẹp đến thế. Lũ trẻ
bu quanh chạy tới chạy lui ríu rít. Tiếng ú ớ vỡ ra thành hàng ngàn tiếng leng
keng reo lên trong gió. Tôi như chết lặng, sững sờ trước hình ảnh ấy. Đẹp quá,
thật quá, lộng lẫy quá. Nắng chan hoà, gió cũng chan hoà. Không biết bao lâu
tôi mới choàng tỉnh. Bối rối nhận ra có một linh mục già ngồi kế bên. Khuôn mặt
ông ta toát lên một vẻ hiền từ bình an. Ánh mắt như chờ đợi tôi trút nỗi lòng.
Tôi hỏi, sao cánh tay ma sơ Mây bị cụt. Trầm ngâm một chút ông kể:
Năm 16 tuổi, thay vì như những cô gái khác, ngây thơ vui
đùa cùng bạn bè, Mây cùng mẹ Mây đến nhà dòng này xin khấn trọn đời. Lúc đó Mẹ
bề trên nhìn Mây ái ngại, vì Mây là con một, gia đình lại giàu có. Mẹ ruột của
Mây rưng rưng nước mắt, nhưng trong giọt nước mắt ấy có một tình yêu, một niềm
tự hào.
Năm 18 tuổi, Mây ra dáng một thiếu nữ mơn mởn, tóc dài
đen nhánh, đôi tay xinh đẹp mềm mại, rất khéo nấu ăn, thêu thùa. Nhưng lúc nào
Mây cũng giấu mình trong chiếc áo dòng tu kín đáo.
Có một đêm cô gõ cửa Mẹ bề trên, xin cho được ra làng mồ
côi, chăm nuôi mấy em nhỏ. Mẹ bề trên ưng thuận. Thế là đôi tay đẹp kia hằng
ngày mớm cơm đút cháo cho mấy em. Có khi các em sốt, Mây thức trắng đưa bàn tay
mình đặt lên trán chúng, xem nhiệt độ thế nào, rồi nhúng khăn lau tới lau lui.
Bàn tay búp măng mũm mĩm không còn nữa, mà thay vào đó là bàn tay không ngần ngại
hốt phân dãi của các em đi đổ. Nhiều đêm, thấy đôi tay ấy chắp lại trước ngực cầu
nguyện. Cầu nguyện điều gì không ai biết. Chỉ biết rằng đôi tay đó không còn
như xưa…
Hôm kia, có một bé chạy tung tăng trong sân, cổng để mở,
bé băng ra đường. Xe tải dìu dập trên xa lộ lớn. Em bé ấy quá nhỏ, và lao ra
quá nhanh, nên không ai kịp trở tay. Rầm, khi tất cả các sơ chạy ra thì tiếng
em bé khóc lên thất thanh thật to. Bên cạnh em, Mây nhắm nghiền mắt. Cánh tay
phải bị bánh xe nghiền nát. Máu chảy lênh láng.
Khi tỉnh dậy cô kể: Lúc đó, con đang đứng trên dải phân
cách chờ băng qua đường thì thấy nó lao ra giữa xa lộ, con sợ quá, chạy ào đến,
ôm nó, lăn vội vào. Tội nghiệp nó lắm, nó sợ quá, khóc thét lên. Nghe Mây kể, mọi
người chưa hết bàng hoàng. Sao cô kể chuyện hồn nhiên đến thế? Liều cả mạng mình
mà không tiếc chỉ để cứu một đứa bé tật nguyền, rồi còn tội nghiệp vì nó sợ
khóc thét lên. Có lẽ Mây bị khùng mất rồi Không khùng ai làm thế ? Từ đó cô lại
xin Mẹ bề trên đứng gác cổng ra vào, cô sợ các em tật nguyền kia, không ý thức
lại lao ra giữa dòng xe. Cô nói cuộc sống đáng quý lắm.
– Con xin lỗi mẹ, vì con cứ đòi hỏi mẹ hết lần này đến lần
khác. Mẹ bề trên bật khóc: Con đâu có gì phải xin lỗi. Con luôn đòi hỏi để phụng
sự người khác.
Thế là từ đó, Mây thành người gác cổng* Khi được hỏi tại
sao cô bị cụt tay, cô đáp nhẹ như bấc, bị tai nạn giao thông.
Tôi không dám hỏi, cô có tiếc vì mất cánh tay không. Vì hỏi
như vậy là thừa. Ngay cả mạng mình cô còn không tiếc.
Vị linh mục già kết thúc câu chuyện. Nắng chiều rải rác
xuống thềm như một tràng hoa rực rỡ. Chỉ có hoa nắng mới kết vừa vương miện cho
những con người ở đây. Tất cả loài hoa thế gian, tất cả kim cương, ngọc bảo thế
gian khi đính vào vương miện chỉ làm cho nó trần tục hơn, vật chất hơn mà thôi.
Bây giờ tôi mới biết, vi sao đôi tay của Mây có hương
thơm kỳ lạ. và bây giờ tôi mới biết tại sao nụ cười và ánh mắt những người ở
đây luôn ẩn chứa một trời long lanh nắng sớm.
Bởi vì như linh mục Nguyễn Tầm Thường đã viết: Hy sinh vì
người khác luôn cho hương thơm bay ngược chiều gió. Gánh nặng vì tình yêu luôn
song hành cùng sức mạnh vô song. Bất cứ gỗ đá nào chạm phải tình yêu đều trở
nên bao dung mềm mại.
Tôi về thành phố, thấy lòng mình bỗng chật. Những gì trước
đây tôi cho là đúng, bây giờ tôi đâm nghi ngờ. Những gì trước đây tôi luôn theo
đuổi, giành giật để có, bây giờ thấy chẳng còn quan trọng nữa.
Những tay thét ra lửa, những tay sừng sỏ mà tôi từng kính
nể, bỗng dưng tôi thấy họ bình thường. Họ cố gắng dùng đôi bàn tay chứng tỏ
mình, khuếch trương mình, những cái họ có được chỉ là thứ trơ trẽn. Họ không
bình yên trên vật chất họ có được. Họ khoác những chiếc áo sang trọng, tay đeo
đầy những kim cương, xịt toàn nước hoa hảo hạng, nhưng không bao giờ có mùi
hương thanh tao, dịu ngọt, tỏa lan khắp bầu trời.
Tôi bị ám ảnh, vì trong tôi hoài thai một lẽ sống. Tôi muốn
thoát khỏi bàn tay của chính mình. Tôi là người tìm kiếm bàn tay đẹp.
Bàn tay biết dang ra, biết sẻ chia là bàn tay đẹp. Bàn
tay biết nắm lấy tay người bất hạnh hơn mình để cùng bước là bàn tay đẹp. Bàn
tay biết nâng niu, gìn giữ cái đẹp, cái chân, cái thiện, là bàn tay đẹp. Và
hàng ngàn định nghĩa về bàn tay đẹp khác.Có bàn tay cầm nắm rất nhiều, có thể
điều khiển người khác. Có bàn tay xòe ra ăn từng đồng lẻ bố thí. Có bàn tay
khéo léo làm nên những tuyệt tác nghệ thuật. Có bàn tay vụng về chỉ làm đổ vỡ mọi
thứ khi chạm vào. Có bàn tay cho đi. Có bàn tay giữ lại. Nhưng khi về với đất,
bàn tay nào cũng rỗng. Rỗng tuyệt đối.
Vậy sao không ướp hương cho đôi tay mình, tôi tự hỏi lòng
như thế. Có hàng ngàn cách ướp hương. Như ma sơ Mây, ướp hương thánh thiện, âm
thầm, khiêm cung, bé nhỏ, mà hương thơm lại bay vượt mọi không gian. Có bao giờ
Mây kể lể với Giêsu về mình không? Chắc không, vì Mây không có thời gian cho
mình, đủ biết lo cho mọỉ người thôi.
Khi sinh ra, tay tôi nắm chặt. Khi chết đi tay tôi buông
thõng. Từ nắm chặt đến buông thõng, một hành trình dài đầy nụ cười hạnh phúc và
nước mắt đau thương.
Vô Thường
Các "sơ", là người làm viêc thiện cả đời, nhưng âm thầm, không khoe khoang, không đòi hỏi sự cám ơn hay đền bù. Khác với một vài tổ chức, mỗi khi làm, là khoe...và muốn được trả "ơn"...
ReplyDelete