Thời gian đi mau như bóng câu qua cửa sổ, cổ nhân thường ví như vậy. Từ ngày mất nước mang kiếp lưu vong, một số đông người Việt trong đó có Bát Sách, đã xa quê 20 năm tròn. Hai mươi năm, biết bao dâu biển! Nhưng nghĩ lại thì cứ như ngày hôm qua.
Năm 1975, Bát Sách đang phục vụ ở Cần Thơ, Trung Tâm 4 Hồi Lực. Khoảng 20 tháng 4, Trung tâm chỉ còn một số sĩ quan trợ y và hai tên Y sĩ độc thân thủ trại là Trần Cao Thăng và Bát Sách. Sáng 30 tháng 4, quanh Cần Thơ, còn thấy hành quân, có trực thăng lên bắn phá. Bát Sách đi phòng mạch như thường lệ, lúc về còn dắt Nguyễn Tuấn Khoan đi ăn phở. Đúng là điếc không sợ súng. Khoảng 10 giờ, lúc Dương Văn Minh đọc thông điệp đầu hàng, Thăng và Bát Sách mới tìm đường chạy. Khoan ở lại vì còn kẹt vợ con ở Saigon. Chiến hạm của Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng đã ra khơi từ đêm 29. Vào phi trường Trà Nóc, thì bị lính canh cửa bắn đuổi đi. Tìm anh bạn mạt chược họ Chu, Chỉ huy trưởng Phi đoàn Vận tải Cần Thơ, thì cửa đóng then cài.
Tuyệt vọng! Bèn ghé vào căn cứ Hải quân Bình Thủy cầu may. Nhờ sự gửi gấm tận tình của Nha sĩ Trần Văn Bé, chúng tôi được tháp tùng mấy chiếc tàu đổ bộ (tàu há mồm) củaTrung tá Diên, Trung tá Phú, xuôi dòng Hậu giang ra biển. Trên tàu có một người quen là Bác sĩ Phó Đức Mùi của Quân y viện Phan Thanh Giản. Lúc chia tay, Bát Sách và Bé ôm nhau khóc, tưởng không còn bao giờ gặp lại. Tàu khởi hành lúc 6 giờ chiều. Nắng gần tắt, trời lưa thưa vài đám mây.
Trên sông thuyền bè hình như vắng hơn, chạy vội vả. Một cánh buồm trắng cô đơn thấp thoáng tận chân trời...
Thăng thở dài: “Tao nhớ tới bài Chiều về trên sông của Phạm Duy”. Bát Sách không trả lời, đang mãi nhìn những đám lục bình lửng lờ trôi theo dòng nước. Vài tiếng chim lạc đàn cất tiếng kêu thương. Trên mặt sông, sương đã phủ lờ mờ. Bát Sách nhớ tới 2 câu kết của bài Hoàng Hạc Lâu, do cụ Tản Đà dịch:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Thôi Hiệu buồn vì nhớ quê. Bát Sách còn buồn hơn vì đang trên đường xa quê hương và đời mình sẽ bềnh bồng như những cánh bèo vô định.
Suốt đêm chúng tôi đứng trên boong tàu, yên lặng nhìn nước sông mênh mông phản chiếu ánh trăng mờ vàng vọt. Hai bên bờ sông, leo lét ánh đèn từ những túp lều tranh. Cảnh vật thật yên tĩnh. Lâu lâu có vài tiếng súng rời rạc, tiếng chó sủa xa xa và tiếng vạc ăn đêm kêu thảm thiết. Quê hương tôi đó, đẹp tuyệt vời.Cho dù khói lửa ngút ngàn trên 20 năm mà sao vẫn êm đềm, thơ mộng. Chúng tôi ra đi vì không chấp nhận chế độ cộng sản, nhưng tình quê chan chứa trong lòng, chỉ muốn níu chân những đứa con lưu lạc. Chúng tôi không sao diễn tả được lúc đó, chỉ thấy buồn, nhớ nhà, nhớ người thân đến xót xa. Chắc có nhiều người cùng tâm trạng như chúng tôi, nên khoảng 2 giờ đêm, một chiếc tàu quyết định trở về. Thăng lúc đó đã rơm rớm nước mắt, từ giả Bát Sách, nhưng chậm quá, chiếc tàu đã ngược sóng đi xa.
Khi tới cửa biển thì trời đã sáng. Tàu nhỏ, sóng lớn, không sao ra khơi được, chúng tôi đành quẹo về phía Tây, đi dọc bờ biển qua Thái Lan. Lúc đó Cao Miên đã lọt vào tay cộng sản, hy vọng đến Thái Lan của chúng tôi rất mong manh, nhưng cũng đành liều phó mặc cho số phận. Sóng rất lớn, nước tạt vào tàu, mọi người ướt như chuột và lạnh run. Thăng ngồi bệt xuống sàn tàu, ngủ gà ngủ gật. Bát Sách lên gần phòng lái, ôm mấy con heo, nhờ hơi ấm của chúng thấy dễ chịu.
Đêm mồng 1 rạng ngày 2 tháng 5, ở ngoài khơi Rạch Giá, tàu bị vở ống khói sắp chìm. Mọi người náo loạn tìm phao. Bát Sách yên lặng cam lòng chờ chết, nước biển pha nước mắt chan hoà. Qua làn nước mắt là hình ảnh người cha lưng còng, vai mỏi của người mẹ gầy gò, tóc trắng như sương.
Trong lúc thập tử nhất sinh thì chiếc tàu hàng Song Long (Twin Dragon) của Đại Hàn trờ tới. Anh Khánh hải quân, phải gồng mình bơi qua điều đình với thủy thủ Đại Hàn. Họ bắt chúng tôi bỏ hết súng đạn xuống biển rồi kéo chúng tôi ngược về hướng Đông để tìm Hạm đội Mỹ. Dọc đường, một trận mưa bảo dữ dội đổ xuống, thuyền trưởng mới quyết định dừng lại cho chúng tôi lên tàu. Chúng tôi đang lục tục leo thang thì một chiếc tàu tị nạn nữa trờ tới. Tàu này đi từ Nhà Bè, trên đó có gia đình Hoàng Văn Thuận, một người cùng quê với tôi. Chúng tôi quen nhau và thân nhau từ đó. Tìm Hạm đội Mỹ không được, chiếc Song Long chở chúng tôi tới Vọng Các, cất hàng rồi trở về Đại Hàn.
Trong cuộc hải hành, ban ngày, chúng tôi phải xuống gần phòng máy, nóng chảy mở, ban đêm được lên boong thì lại lạnh run. Chúng tôi được nuôi bằng cơm và canh. Những người lãnh trước thì khá, có rau, có thịt, những người lãnh sau thì chỉ còn cơm cháy và nước canh. Do đó có màn tranh nhau sắp hàng, giành giựt om xòm. Bát Sách và Thăng tranh không nổi nên thường ôm gói gạo sấy, mỗi đứa ngậm một búng trong miệng chờ ngấm nước bọt cho mềm thì ăn trệu trạo cầm hơi. Hai đứa được ăn no một bữa duy nhất lúc tàu qua eo biển Đài Loan, đại đa số đều say sóng, ói ra mật xanh, mật vàng. Ngày đó, có một người nhỏ thó, để râu cá chốt, tranh đồ ăn rất tận tình. Bát Sách ghét lắm, nhưng có một hôm, Bát Sách đi qua chỗ anh ngồi thì thấy anh chỉ ăn vài miếng còn nhường cả cho mẹ và vợ con. Mẹ anh gần 70 tuổi và đứa con mới được vài tháng.
Lúc đó Bát Sách mới hiểu lòng anh, hối hận vô cùng, thương anh, thương mẹ anh và mẹ mình không ai phụng dưỡng. Nếu có mẹ mình trên chiếc tàu Bát Sách cũng làm như vậy thôi. Anh này là Nguyễn Văn Điềm, nhiều vị cũng biết, sau thành bạn thân của Bát Sách. Nhiều khi mấy thằng ngồi nhậu với nhau, Bát Sách uống say mèm rồi ôm mẹ anh mà khóc, tưởng tới mẹ mình. Anh Điềm bây giờ đã ra người thiên cổ. Nhiều khi Bát Sách tự hỏi liệu ông Trời có mắt? Một người hiền lành, hiếu thảo như anh mà lại vắn số, để vợ con bơ vơ và bà mẹ lại chịu cảnh lá vàng khóc lá xanh.
Khi ở trên tàu, thấy Bát Sách gầy gò ốm yếu, chị vợ Bác sĩ Mùi thỉnh thoảng lại cho vài múi cam hay nửa quả chuối. Không hiểu chị tìm đâu ra xa xỉ phẩm như vậy? Có lần chị còn cho Bát Sách vét hộp sữa đặc hiệu con chim, Bát Sách và Thăng tìm nước sôi, đổ đầy hộp rồi chia nhau uống: chỉ thao thảo ngọt, nhưng cũng thơm ngon vô cùng. Giờ đây, mỗi khi tráng hộp sữa đặc, Bát Sách lại nhớ tới chị Mùi. Bát Sách không được như Hàn Tín ngày xưa, trả ơn phiếu mẫu.
Chúng tôi tới Đại Hàn ngày 21 tháng 5.Trại tị nạn là một trường học cũ, tại Phú San, một thành phố kỹ nghệ ở cực Nam của Đại Hàn. Thêm 167 người đến nhập bọn với trên 1000 người đã ở đây từ trước. Đó là một xã hội Việt Nam thu nhỏ với đủ những nét đặc thù. Trại đông quá, Bát Sách lại kém giao thiệp nên chỉ biết một số nhỏ. Trong giới y sĩ, có anh Huy làm lớn, tới Trưởng trại. Sang Canada, anh không làm lớn nhưng phong độ cũng như xưa. Anh Hải, sau đi Pháp, anh Mùi, anh Thạnh đi Mỹ.
Đám còn lại gồm các anh Lữ, Nhân, Khương, Thăng và Bát Sách đều đi Canada. Anh Khương ngày đó đâu có thèm chơi với Bát Sách, anh Lữ là bạn học cùng lớp, cha của Nhân, nên Bát Sách thân với cả hai. Bát Sách thân với Thăng nhất vì là bạn cũ. Anh này hiền khô, bị Bát Sách chọc sao cũng chỉ cười.Bát Sách thường nói: “Tên mày hay, nhưng mang họ Trần, nên trần như nhộng, tiền không có, quyền cũng không, phải chi mày họ Nguyễn thì đã khá rồi, làm ông Dược sĩ chủ hãng bào chế, kiếmtiền như nước, tiêu tiền như rác, nếu họ Đặng thìlàmông Phó Đề đốc di tản bằng chiến hạm, có lính hầu”. Đêm nào hai đứa cũng nằm tâm sự hoặc nói chuyện văn chương.Nhiều khiBát Sách đang nói hăng say, không nghe ừ hử gì hết, quay sang nhìn bạn thì anh đã “thăng” rồi. Đúng là cái tên tiền định.
Ngoài giới y sĩ, nhưng chơi thân với Bát Sách thì có mấy nhân vậy độc đáo: Thuận lúc đó mới có 4 con, nặng gánh gia đình, nhưng đối với bạn, lúc nào anh cũng như bát nước đầy.Anh này đối với Bát Sách, ân thâm nghĩa trọng lắm, nói không hết. Bát Sách và Thăng chiều nào cũng dắt hai đứa nhỏ của anh Thuận đi chơi, cho mấy cục kẹo để dụ tụi nó nói chuyện bi bô, đỡ sầu đời. Sinh, lúc đó có vợ và hai con, tướng dữ, nhưng tính hiền, hiện ở Mỹ. Chị Sinh thì đã bị bạo bệnh qua đời cách đây vài năm. Hào, lúc đó còn độc thân. Anh này xưa là dân du đảng thứ thiệt, hàm răng rụng gần hết chỉ vì đánh lộn, nhưng đối với bạn bè thì lúc nào cũng cười, và thường phải lấy tay che miệng. Kim Chi hải quân, tên thật là gì, Bát Sách quên mất, vì bị ăn mãi Kim chi nên anh lấy tên món dưa Đại Hàn này làm biệt hiệu.
Đêm đêm, anh thường thổi sáo mấy bài thật buồn như Lòng Mẹ, Làng Tôi. Nghe văng vẳng tiếng sáo của anh, tiếng còn, tiếng mất, Bát Sách vốn khó ngủ, lại càng trằn trọc.
Hiển và Tính là hai đàn em, sau này mất liên lạc vì họ gửi thư cho Bát Sách mà chỉ để tên nhà thờ, không có địa chỉ, không có tên tiểu bang. Chả biết bây giờ, hai người ra sao, đã có vợ con gì chưa?
Là dân tị nạn, chúng ta ai cũng bị nhục. Cái nhục thứ nhất là lúc chúng ta nhập trại. Sau khi phát cho chăn mền, quần áo, là họ bắt mọi người thoát y, xịt thuốc xát trùng từ đầu tới chân. Bộ phận sinh dục được chiếu cố đặc biệt, làm như người nào cũng là tổ của bệnh truyền nhiễm và bệnh phong tình.
Cái nhục thứ hai là tắm tập thể. Ở Phú San, tắm cách nhật, một ngày cho đàn bà, một ngày cho đàn ông. Đám đàn ông anh nào cũng khoả thân lom khom giặt quần áo cho xong rồi mới tắm. Và thường phải sắp hàng rất lâu. Kể cũng lạ. Ngày xưa ở Việt Nam, trong quân trường, Bát Sách cũng tắm tập thể, rất lấy làm khoái vì có dịp để chọc bạn bè. Ở đây thì lại thấy nhục. Có lẽ vì mình lưu vong nên quá nhậy cảm mà thôi.
Cái nhục thứ ba là chia đồ cứu trợ. Đồ họ cho thường mới, khá tốt, nhưng nhận của bố thí thì vẫn thấy nhục như thường.
Cái nhục thứ tư là vào phỏng vấn: phái đoàn nước nào đến cũng cậy cục làm đơn rồi trịnh trọng vác mặt vào cho những tên miệng còn hôi sữa nó hạch hỏi và quyết định vận mạng của mình. Trại tỵ nạn Phú San còn một số tệ trạng:
- Cãi nhau, đánh nhau lung tung mà chẳng có một lý do quan trọng nào cả, nhiều khi chỉ vì một câu nói không vừa ý. Điều này dễ hiểu vì ai cũng bị dồn nén và lo sợ cho tương lai. Ông Thiệu có nói: “Làm chính trị phải lỳ”. Một số người tỵ nạn, không làm chính trị mà cũng lỳ không kém, vì lãnh đồ thì nhanh, mà lúc được chia công việc thì chậm như rùa hoặc lặn như nhái.
Nạn chê bai nói xấu lẫn nhau là chuyện hàng ngày. Bát Sách và Thăng từng là nạn nhân. Được giao cho việc phân phối đồ cứu trợ, hai đứa không dám lấy gì cho mình. Cố làm hết sức công bằng, nhưng rồi cũng có người chê: “mấy ông chia đồ tốt cho người quen”.
Nạn ăn cắp thì khỏi nói, rất thịnh hành. Ngày đó, có một số cửa hiệu xin phép vào trại để bán áo quần, dầy dép, nữ trang, nhưng bán được một thì mất đến bốn, năm lỗ nặng. Chủ chốt các vụ ăn cắp này là mấy anh lính hải quân độc thân. Họ chỉ có một chiến thuật dùng đi dùng lại nhiều lần mà vẫn có hiệu quả: Họ kéo nhau rất đông tới coi hàng rồi một vài anh giả bộ cãi nhau, đánh nhau để làm mất cảnh giác của giám thị, mấy anh khác chôm đồ chuồn lẹ.
Lúc sắp sang Canada, Bát Sách tính kiếm một cái quần mới mặc cho uy tín, nhưng đắt quá, không dám mua. Một đêm khuya có người gạ bán cho Bát Sách cái quần rất đẹp, giá rẻ hơn nhiều. Biết là đồ ăn cắp, Bát Sách sợ rắc rối, mang tội đồng loã, nên từ chối. Người bán tán rất khéo nên Bát Sách xiêu lòng mà mua rồi giữ kỹ như gia bảo. Ngày lên đường Bát Sách lấy quần ra diện thì than ôi, cái quần mới đã không cánh mà bay. Bát Sách dở khóc dở cười. Đúng là thiên bất dung gian, của thiên trả địa.
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có chuyện buồn và rắc rối. Mấy anh lính hải quân thường bày ra nhiều chuyện khôi hài.
Có lần Bát Sách đang ngồi hút thuốc trầm ngâm thì nghe máy phóng thanh vang lên: “Chú ý, chú ý, xin mời bà bác sĩ Mùi lên lãnh hàm răng giả để quên ở phòng ăn” Bát Sách cười sặc lên vì biết răng chị Mùi rất đẹp, những người khác thì nhìn chị với ánh mắt diễu cợt, họ tin là chị mang răng giả.
Người bị chọc nữa là đôi tình nhân đặc biệt: Chàng là sư, nàng là vãi, hai người âu yếm lắm, đi đâu cũng nắm tay nhau. Những anh lính hải quân làm bộ đuổi nhau, rồi làm như vô tình đụng rơi mũ, để hai người lộ mái tóc mới mọc lởm chởm. Mọi người đều cười hả hê, Bát Sách cũng vậy. Sau nghĩ lại thấy mình cười là bậy! Phật chả dậy chúng ta phải yêu thương nhau hay sao? Họ là đệ tử nhà Phật, có thương nhau thì cũng chỉ vì thấm nhuần Phật pháp.
Niềm an ủi lớn nhất của người tỵ nạn có lẽ là lúc nhận thư. Cảnh chờ thư cũng hồi hộp như khi nghe bằng tú tài. Bát Sách may mắn thường có thư của hai người bạn ở Canada. Thư không dài, chỉ vài lời an ủi và khuyến khích, nhưng trong lúc tuyệt vọng, đó là những món quà vô giá. Sang đây dọn nhà cả chục lần mà Bát Sách vẫn còn giữ những bức thư xưa, giấy đã ngả mầu vàng, mực đã phai, nhưng may thay tình bạn vẫn còn đậm nét.
Đại khái chuyện 20 năm cũ ở Phú San là như vậy. Ngày đó sầu đời, Bát Sách có làm bài thơ, nghe đâu anh bạn Kim Chi, khi sang Mỹ, có gởi đăng ở báo Văn Nghệ Tiền Phong, nhưng Bát Sách không tìm được số báo đó. Bài thơ như sau:
Một chiều ngơ ngác đến nơi đây
Ngoài trời sương trắng mịt mờ bay
Âm thầm lê gót giầy vong quốc
Nghe hồn hoang lạnh gió heo may.
Chia nhau đồ cứu trợ
Ô nhục đôi bàn tay
Sắp hàng chờ tắm rửa
Mang mang niềm chua cay
Sáng chiều hai bữa cơm chay
Đêm đêm thao thức, ngày ngày ngẩn ngơ
Quê hương khuất nẻo sương mờ
Cha mẹ già biết bây giờ ra sao?
Anh em lưu lạc phương nào
Rưng rưng chợt thấy lệ trào trên mi
Chập chờn tiếng sáo Kim Chi
Canh khuya vẳng điệu từ ly não nùng.
Kể chuyện Phú San mà không nhắc tới mối tình Hàn Việt của mình thì những người chung trại sẽ cho là Bát Sách không thành thật.
Số là ngày đó, các y sĩ thay phiên nhau lên trực ở bệnh xá, làm việc chung với bác sĩ và y tá Đại Hàn. Có một cô y tá khá đẹp, dễ thương, lúc nào cũng tươi cười, tên là YUK-YL-BO, thấy nàng đẹp, Bát Sách cũng có cảm tình, nhưng tiếng Đại Hàn không biết, tiếng Anh ăn đong, muốn tán mà không đủ chữ. Bạn bè thúc dục Bát Sách không được bèn dở trò nói khích, đánh cá. Bát Sách ngày đó trẻ tuổi, còn nhiều tự ái nên nhận lời, nhưng cả tuần qua mà chưa trổ mòi gì được.
Có một đêm trực, rảnh việc, nàng một mình đi dạo trong sân, Bát Sách liền lò mò theo gợi chuyện, rồi bất chợt nắm chặt tay nàng vuốt nhẹ và khen:
“Tay em ấm và mịn màng quá” -Your hand is warm and very smooth... Lúc đó Bát Sách gồng mình chờ một cái tát nẩy lửa, nhưng nàng không tát mà còn đưa tay kia áp vào tay Bát Sách, mắt long lanh. Thế là từ đó, đêm nào trực, nàng cũng ngồi với Bát Sách ở trước sân để cho Bát Sách nắm tay mà vuốt.
Cái cảnh một anh tị nạn khố rách áo ôm, nắm tay một cô gái bản xứ, làm cho những người Đại Hàn nóng mặt nên có lần Bát Sách bị một chàng Đại Hàn gây sự, tính đánh. Trong lúc thập phần nguy cấp thì Sinh và Hào lừ lừ đi tới, mặt lạnh như tiền, đứng che cho Bát Sách. Anh Đại Hàn đành rút lui, Bát Sách thoát được mấy cú Thái Cực Đạo, nhưng hận lắm vì biết lúc nào cũng bị hai anh bạn thân rình rập.
Nàng YUK là người rất chí tình, thấy Bát Sách buồn thì nàng thông cảm, có vẻ còn buồn hơn Bát Sách. Khi chia tay, nàng tặng Bát Sách mấy tấm hình và hai cái áo choàng trắng có thêu tên. Những kỷ vật này Bát Sách còn giữ. Vợ Bát Sách biết chuyện nhưng nàng không ghen. cũng may.
Đến Canada Bát Sách vẫn còn thư từ cho nàng, nhưng sau bận quá, ngày lao động, tối học thi nên thư cứ thưa dần rồi dứt hẳn. Cho đến bây giờ, Bát Sách không hiểu nàng có yêu Bát Sách thật tình hay chỉ là lòng thương hại người ngã ngựa? Bát Sách có yêu nàng hay chỉ vì tự ái được vuốt ve? Dù sao Bát Sách cũng có lỗi với nàng và ghi bài thơ sau đây để tạ mối ân tình của người đẹp Phú San:
Anh là trai nước Việt
Em là gái Triều Tiên
Anh ôm sầu vong quốc
Sao em buồn triền miên?
Anh xanh xao vàng vỏ
Em má thắm môi hồng
Anh âm thầm tủi hận
Sao em buồn mênh mông?
Anh một mình cô độc
Em bao kẻ đón chờ
Anh thương đời lưu lạc
Sao em buồn ngẩn ngơ?
Ngồi đây thêm chút nữa
Ngày mai mình xa nhau
Anh mang thân bèo bọt
Bềnh bồng biết về đâu
Bâng khuâng em khẽ cúi đầu
Long lanh vài giọt lệ sầu trên mi.
Hai mươi năm đã qua đi như một cơn gió thoảng. Những bậc trung niên giờ đã lên lão, có vị đã ra người thiên cổ.
Bát Sách giờ đã ngoại ngũ tuần, tóc đã hoa râm. Có những cặp vợ chồng, ngày xưa thân ái, nay đã xa nhau. Những em nhỏ 5-7 tuổi giờ đã trưởng thành cả một thế hệ trẻ, vừa vươn lên thay thế ông, cha đang làm rạng danh dân Việt. Họ học giỏi, thành công trên mọi lãnh vực, rất ngoan ngoãn dễ thương và nói rành tiếng Việt. Nhìn họ, Bát Sách vẫn thấy có điều bất ổn mà không hiểu tại sao.
Một hôm ngồi nói chuyện với bà đồng nghiệp người Ba Lan, Bát Sách mới vở nhẽ. Bà này di cư sang Canada từ năm 1960, có 2 người con trai khoảng 26, 27 tuổi. Khi cộng sản Ba Lan sụp đổ, bà dắt con về thăm quê hương. Bà than: “Đi chơi 2 tuần, buồn mấy tháng. Mấy đứa con tôi, ở đây bị coi là người ngoại quốc, về nước, chúng cũng bị coi là người ngoại quốc, vì nói không đúng giọng, vì cử chỉ tư tưởng không giống mọi người”
Dân Ba Lan da trắng mắt xanh mà còn như vậy thì người Việt Nam ta, da vàng, mũi tẹt, được xếp vào loại minorité visible, ở đây mãn đời mình vẫn là người ngoại quốc mà thôi. Một mai, khi cộng sản sụp đổ, những người trẻ Việt Nam, nếu trở về, liệu họ có hội nhập được với đồng bào quốc nội hay họ cũng lại bị coi là người ngoại quốc ngay chính trên quê hương mình?
Bát Sách chợt nhớ tới một bài hát ngày xưa: “On m’a dit que je suis étranger ici, perdu dans le paradis” và nghe lòng buồn vời vợi....
Bát Sách
tháng 4 năm 1995
(tái bút: xin nói thêm là các Bs Lê Lữ, Lê Dư Khương và Trịnh Cao Hải đã quy tiên).
No comments:
Post a Comment