Ở lứa tuổi trung học, học trò
con trai ít khi ăn hàng. Tôi nhớ hình như trước cổng sau của trường Phan Thanh
Giản không có nhiều hàng quán cho lắm. Nhưng có một người mà tôi nhớ đến chuyên
bán một món ăn rẻ tiền, ngon miệng, luôn được nhiều người chiếu cố, đó là ông
Tàu bán bò bía.
“Bò bía (tiếng Phúc Kiến: pȯh-piáⁿ, 薄皮卷, tiếng Hán Việt là Bạc bính, nghĩa là bánh mỏng) là món cuốn theo phong cách ẩm thực Triều Châu (Quảng Đông) và Phúc Kiến, Trung Quốc, hiện phổ biến ở Đài Loan, Singapore và Malaysia. Tại Phúc Kiến, món này thường dùng ở Hạ Môn, còn ở Quảng Đông, món ăn phổ biến tại vùng Triều Sán ở phía đông của tỉnh trong lễ thanh minh.
Tại Việt Nam, món này có thể do các di dân Triều Châu hoặc người Peranakan (hay còn gọi là Baba Nyonya, tục gọi người Bà Ba) du nhập vào.
Bò bía làm kiểu truyền thống nay hiếm thấy ở Việt Nam. Loại bánh tráng để cuốn món bò bía nguyên bản kiểu Phúc Kiến là loại bánh tráng bía mềm mịn làm từ bột mì (mà các bà nội trợ thường dùng để cuốn chả giò). Thành phần của cuốn bò bía rất phong phú: xà lách, giá, trứng, tôm, tôm khô, đậu phộng, tương ớt, tương đen bên cạnh thành phần chính là hỗn hợp củ sắn cà rốt. Cuốn bò bía nguyên bản khá to, gấp 3 lần cuốn bò bía Sài Gòn. Do vậy người bán thường cắt làm nhiều phần cho dễ ăn.
Trở về Sài Gòn, bò bía mặn được làm bằng các nguyên liệu gồm lạp xường, trứng gà tráng, cà rốt, rau xà lách, củ sắn, hay su hào, tôm khô, rau thơm… tất cả thái nhỏ và cuộn trong bánh tráng làm từ bột mì. Gia vị dùng kèm là tương đen ăn kèm đậu phộng, hành phi và ớt xay. “Việc sử dụng bánh tráng thường thay cho bánh tráng bía để cuốn bò bía ở miền Nam cũng có thể lý giải do nguồn dự trữ gạo địa phương phong phú, người Hoa đã sử dụng để thay thế cho nguyên liệu bột mì trong bánh tráng bía, cũng từ đó thay đổi cách gói bò bía” (theo nguồn NhoPlus)
Đặc điểm của ông bán bò bía là hay mặc áo thun trắng ba lỗ, đưa cái bộ ngực ốm nhom, hai cánh tay trần rám đen trông rất bình dân. Có thể đây là bộ đồ duy nhất của ông? Xe bán bò bía của ông thô sơ, nhỏ gọn, bánh tráng, nguyên liệu được bày hết lên trên. Nổi bật nhất là hai hủ tương đen và tương ớt. Hai hủ này chắc ít khi nào được chùi rửa nên trên miệng hủ tương cũ đóng khằn đầy quanh miệng, che gần hết miệng hủ. Những buổi trưa nóng nực, ông bán hàng đổ mồ hôi hột, cái cần cổ cáu bẩn, không biết có khi nào mồ hôi trên mặt ông rớt xuống đồ ăn hay không? Thời đó không đứa nào để ý đến vệ sinh, sạch sẽ gì hết. Có người còn nói rằng càng dơ càng ngon! Đúng hay không thì không biết, chúng tôi ăn thường xuyên mà chẳng bị đau bụng hay bị “Tào Tháo rượt” cả.
Ăn món này không cần muổng dĩa, chén bát. Khi đến mua, ông Tàu nhanh nhẹn, thoăn thoắt bốc bánh tráng, bỏ nguyên liệu củ sắn, tôm khô, lạp sưởng, trứng tráng mỏng cắt lát, rau thơm.. xong cuộn tròn gọn ghẽ như một cuốn chả giò. Cái nào cái nấy giống nhau y chang, không cần cân đo cũng biết trọng lượng bằng nhau. Phải là người có nhiều năm kinh nghiệm mới làm được như thế. Người ăn tự động dùng que trét tương đen, tương ớt đỏ nhiều ít tùy mình. Thích đậm đà thì trét nhiều tương, thích cay thì nhiều tương ớt hơn tương đen. Ăn xong một cái, nếu còn thèm thì kêu thêm, ăn chừng 5, 6 cái cũng lưng lưng cái bụng. Đối với học sinh thời xưa, cái món ăn rẻ tiền này thật là món ăn khoái khẩu, vừa túi tiền.
Khi lên học lớp 11, 12, chúng tôi đổi món, thích kéo nhau ra trước cổng trường Đoàn Thị Điểm để ăn đậu đỏ bánh lọt. Không phải vì bên đó món chè ngon rẻ hơn bên này, nhưng ngồi ăn bên đó có cái “view” ngon lành đáng giá “bạc triệu”. Vào lúc tan trường, hàng trăm tà áo trắng như cánh bướm tràn ngập con đường Ngô Quyền, vừa uống vừa tha hồ “rửa mắt”. Ăn một ly mà mất gần nửa tiếng đồng hồ, quá xứng đáng “đồng tiền bát gạo”.
Bây giờ mỗi khi vào tiệm ăn,
nhìn món bò bía ghi trên thực đơn, tôi nhớ đến món bò bía ở cổng sau trường
Phan. Có lúc “order” một dĩa bò bía, tôi ăn mà sao không thấy ngon như món cũ.
Phải chăng vì món bò bía bây giờ “sạch” quá, thiếu bụi đường phố, cái nắng nóng
nực và mồ hôi của ông bán hàng rong năm cũ?
🍁🍁🍁
Nam Trung Nguyên
No comments:
Post a Comment