Lại thêm một ngày nữa, thêm một ngày chịu đựng, thêm một ngày chứng kiến cơn đại dịch bùng phát, thêm một ngày nơm nớp lo âu. Những con số không chịu ngừng lại, những khoanh tròn đen trên facebook vẫn lần lượt xuất hiện báo hiệu những mất mát và tang thương. Cơn bệnh nặng của Sài Gòn vẫn chưa chịu thuyên giảm.
Tự nhủ cố gắng, cố gắng lạc quan, cố gắng lòng tin. Tự nhủ mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều người khi còn được ở yên trong căn nhà của mình, còn được ngày hai bữa cơm dù có thể không ngon, không lắm món như thường ngày. Vẫn còn được thở bằng chính hơi thở của chính mình, được gần gũi với những người thân thuộc. Trong khi ngoài kia, biết bao người phải xa nhà, lìa xa con cái, cách xa cha mẹ, ông bà để đứng trên tuyến đầu chống dịch đến kiệt sức. Trong khi trong nhiều xóm nhỏ, biết bao người, biết bao cảnh ngộ đang thiếu ăn, đang bế tắc trong cuộc sống không lối ra. Trong khi ngoài kia, biết bao người bệnh đang cần một chỗ nằm, đang cần một hơi thở để được sống. Trong khi ngoài kia, biết bao gia đình đã tan tác, cha lìa, người thân rời nhà và trở về trong hủ cốt. Thế thì thôi, đừng trách móc nhau nữa, đừng chửi rủa nhau nữa, đừng thù hằn nhau nữa. Tham lam, sân hận để làm gì khi ranh giới của sinh tử chỉ là một khoảnh khắc. Lên án nhau làm gì khi biết bao số phận lặng lẽ cúi đầu gánh lấy những khốn khổ của cuộc đời. Hơn nhau làm chi khi cả thành phố trong cơn đau nặng. Sung sướng gì, hả hê gì, đắc thắng làm gì khi cả nước đang oằn mình gần như kiệt sức để vẫy vùng thoát khỏi cơn đại dịch. Miệng nói yêu nước, thương dân mà không chia sẻ nỗi đau của đồng bào khi hoạn nạn mà chỉ rình mò để chửi rủa, để thoá mạ, để thoả cái tự ái của cá nhân. Đó cũng có thể xem như là tội ác.
Tháng bảy mưa dầm dề, trời phương Nam mang một màu u ám. Những con đường vắng về đêm như thành phố ma làm hoảng sợ những người yếu bóng vía. Người chết nhiều quá, những oan hồn vất vưởng hoà với quỷ ma mùa xá tội vong nhân. Mùa Vu Lan đầy những hoa trắng cài lên ngực nhưng lại thiếu những mâm cúng và tiếng kinh cầu. Một tháng bảy u buồn lắm bi thương. Có một tiếng đàn piano lạc lõng từ căn nhà hàng xóm, một tổ hợp hợp âm buồn của một ca khúc buồn hiu. Tiếng chim sẻ không còn ríu rít trong sân vườn vì mưa, ngày lặng lẽ đến và lặng lẽ đi qua bất kể những nỗi đau đang hiện diện. Thời gian như một tiếng thở dài. Biết đến bao giờ được trở lại những ngày tháng cũ. Những tháng năm bình thường của cuộc sống. Người ta thường thấy tiếc nhớ những gì đã bị đánh mất. Những thứ khó tìm lại được vì sau cơn đại dịch này, mỗi người đã có cách sống khác, suy nghĩ khác và nhiều người đã có hoàn cảnh khác. Tiêu cực hơn hay tích cực hơn, cũng tuỳ tình cảnh của mỗi người.
Sài Gòn vẫn giới
nghiêm. Sài Gòn vẫn đầy người dính bệnh. Những biện pháp, kế hoạch chống dịch
vẫn tiếp tục được thi hành. Có cảm giác nhà nước và chính quyền đang cố
gắng hết sức trong trách nhiệm của mình, nhưng nhiệm vụ quá khó khăn. Dân đâu
đó vẫn còn kêu than, đâu đó vẫn còn bất bình dù hàng triệu gói cứu trợ đã xuất
ra và đến với dân. Trong góc khuất nào đó của thành phố này vẫn có người đang
đói. Con số 1022 chưa làm tròn trách nhiệm của nó. Ông Thủ tướng đã một lần khi
đến thăm một khu lao động nhờ dân gọi đến trước sự chứng kiến của ông nhưng
tổng đài không hoạt động. Thế dân biết kêu vào đâu nữa khi thiếu ăn cần hỗ trợ.
Thực hiện một tổng đài nhận yêu cầu, đề nghị của dân làm việc 24/24 không khó.
Rất nhiều công ty, doanh nghiệp làm được chuyện này rất dễ dàng, không bao giờ
để khách hàng chờ đợi. Thế sao Mặt trận Tổ Quốc Thành phố không làm được, những
số khẩn cấp để dân cần dân kêu không làm được? Thiếu trách nhiệm, thiếu cái tâm
với nhân dân, vô cảm trước những nỗi khổ của dân, tư duy mặc kệ chúng nó là
những lý do cơ bản khi con số điện thoại liên lạc này khó kết nối.
Rất nhiều người nghèo
trong con dịch này sống được qua ngày nhờ những tổ chức, cá nhân thiện nguyện.
Biết bao người được cứu sống kịp thời nhờ những chuyến xe mang oxy cho người
cần. Biết bao gia đình đã phần nào được an ủi và thoát được khó khăn khi nhóm
Mai táng không đồng đến đúng lúc lo hậu sự cho người chết. Nếu Sài Gòn không có
những nhóm thiện nguyện như thế này, Sài Gòn chắc sẽ còn lắm bi thương hơn nữa.
Thế nhưng, khi Sài Gòn giới nghiêm, tối ngày 26.8, tại buổi họp báo định kỳ
cung cấp thông tin về tình hình dịch, các phóng viên cơ quan báo chí đã đưa ra nhiều
thắc mắc khi một số nhà hảo tâm, hội nhóm thiện nguyện không xin được giấy đi
đường do Phòng CSGT đường bộ, đường sắt TP.HCM (PC08) và Công an quận, huyện,
TP.Thủ Đức cấp.
Trao đổi về những thắc
mắc này, đại diện Công an TP.HCM cho biết rất chia sẻ và ủng hộ việc một số cá
nhân, tổ chức chung tay cùng cơ quan nhà nước chăm lo cho người dân có hoàn
cảnh khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên theo Công an TP.HCM, việc
hội nhóm thiện nguyện di chuyển trong thời gian giãn cách cũng có thể phát sinh
nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, không an toàn cho chính cá nhân đi làm từ thiện.
Đồng thời việc cấp giấy này sẽ không đạt mục đích tăng cường giãn cách xã hội
của TP.HCM là “ai ở đâu, ở yên đấy”.
Liên quan đến việc làm
từ thiện của các hội nhóm thiện nguyện, đại diện Công an TP.HCM cho rằng quan
điểm của TP là tổ chức tập trung. Vì vậy, hội nhóm thiện nguyện khi tiếp nhận
ủng hộ, có thể liên hệ, đưa nhu yếu phẩm về Tổ công tác đặc biệt tại địa phương
để đưa đến những nơi có nhu cầu. Hoặc hội nhóm thiện nguyện có thể ở nhà báo
cho lực lượng tại địa phương tới tiếp nhận nguồn hàng.
Trước phát biểu này
của công an thành phố. Nhiều tổ chức, cá nhân làm từ thiện lâu nay đã có ý
kiến. Theo họ, khi chủ trương không cấp giấy đi đường cho những người làm thiện
nguyện là thiển cận, máy móc và thất nhân tâm. Việc từ chối này cũng là chối bỏ
một thực tế khi cho rằng tấm lòng từ thiện rộng lớn lâu nay của người Sài Gòn
là nhỏ lẻ, nghĩ như vậy là phủ nhận tình cảm của người Sài Gòn với đồng bào của
mình. Từ khi có dịch, Nhóm Oxy cho sự sống của bác sĩ Xuân Sơn Võ đã cung cấp
oxy cho mấy trăm người bệnh. Trạm Oxy cộng đồng Sài Gòn đã hỗ trợ hơn 1.500 ca
cấp cứu khẩn. Nhóm Giang Kim Cúc và các Cộng Sự với “Quỹ từ thiện mai táng
0 đồng” hỗ trợ, vận chuyển, mai táng miễn phí bà con có hoàn cảnh khó khăn
không may mất vì mắc dịch. Hàng trăm bếp ăn, tổ chức từ thiện tại SG cung cấp
hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn suất ăn/ngày cùng hàng ngàn tấn lương thực cho
bà con nghèo... Những đóng góp đó, những tấm lòng đó không thể gọi là nhỏ lẻ
được. Chính nhờ những hành động từ thiện cao cả này đã giúp rất nhiều cho con
dân thành phố khi chính quyền chưa chăm lo hết được cho dân, khi nhà nước chưa
có chính sách cụ thể, đang lúng túng để tiếp cận lo cho người nghèo.
Đại diện cho Công an TP.HCM cho rằng:" “Nhóm đối tượng này nên tập trung lại theo tổ chức hoặc chuyển về tổ công tác đặc biệt để đưa về các nơi có nhu cầu”. Có nghĩa là sẽ tập trung về cho các tổ chức nhà nước? Hãy nhìn vào sự thật là các tổ chức của chính quyền đã bất lực trước công việc này, thực tế đã chứng minh điều đó. Hơn nữa, giao cho tổ chức nhà nước thường xảy ra tình trạng túi từ thiện không đến đúng nơi, đúng người đáng được nhận, điều mà các nhóm, đội từ thiện làm được một cách dễ dàng. Hơn nữa, kiểu thủ tục rắc rối và đẩy qua đưa lại quả bóng trách nhiệm của các tổ chức địa phương khiến công chuyện chậm trễ và không kịp thời cứu giúp được cho người cần. Và cuối cùng, cũng xin nói thật mất lòng là những người mạnh tường quân, những người làm từ thiện không tin vào các tổ chức của nhà nước nên không chấp nhận tập trung để giao cho" Các tổ công tác đặc biệt”. Hiện nay, địa phương nào cũng thành lập cái tổ này, nhưng chỉ có việc lưu tâm giúp đỡ những F0 cách ly điều trị tại nhà với điều phối mua hàng hộ mà còn rối như gà mắc tóc thì thử hỏi giao thêm cho tổ này chuyện lo oxy, lo cơm cho người nghèo, lo áo quan và đem thiêu cho người chết, thử hỏi tổ công tác đặc biệt này làm có nổi không, hay là rồi bỏ mặc cho dân đói, không có oxy để chết và chết rồi chẳng ai lo? Tước đi việc để cộng đồng góp phần vào công việc chống dịch là một cách làm thiếu suy nghĩ. Cấm các tổ chức từ thiện tham gia bằng cách không cấp cho phép họ đi hoạt động là việc làm thất nhân tâm. Công an thành phố nên chấn chỉnh lại quy định này.
Một tin gây lo ngại cho rất nhiều người là vừa qua Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.
Hiện có 3 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI, bao gồm 2 sản phẩm của Việt Nam là mì tôm chua cay Hảo Hảo và miến Good vị sườn heo - đều do công ty Acecook Việt Nam sản xuất; và 1 sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc - đó là mì Yato vị hải sản. Việt Nam đã là nước dùng mì gói nhiều, đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Đang lúc giãn cách, giới nghiêm hình như nhà nhà đều ăn mì, thùng quà nào cho dân cũng có mì. Tin này làm dân lo là đúng chứ. Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm về thực phẩm cũng như hãng sản xuất phải giải thích tường tận chuyện này. Nếu là thật thì chúng ta đang bị đầu độc tập thể à?
Toàn thành phố đã ghi
nhận gần 200.000 trường hợp mắc bệnh dịch, một nửa trong số đó đã được điều trị
khỏi, xuất viện về nhà. Cuộc chiến với dịch bệnh dự báo còn nhiều khó khăn,
thành phố đang tăng cường các giải pháp phòng chống và hỗ trợ tích cực cho
người bệnh.
Tuy nhiên, trong ngày cũng ghi nhận thêm 287 trường hợp tử vong nâng tổng số tử vong vì virus tại thành phố lên 8.097 trường hợp.
Giờ đã là trưa, Sài
Gòn vẫn có mưa, bầu trời vẫn một màu u ám. Mong một ngày nắng ráo, dịch bị kềm
hãm để được chạy ra phố, nhìn thấy đường chen chúc người hoặc kiếm con đường
thân quen, rú ga đến gặp bạn bè. Mong lắm Sài Gòn thân yêu ơi!
28.8.2021
Sài Gòn lockdown ngày
thứ năm mươi mốt
DODUYNGOC
No comments:
Post a Comment