Tuesday, March 5, 2024

Chị Dâu Hụt - Anh Phương Trần Văn Ngà


Sau lần mổ tim trước cách nay gần hai năm, tôi bị ba biến chứng, có Cha đến giường bịnh làm lễ xức dầu, may cổng Thiên đàng đóng chặt vì Thánh Phê Rô bận đi chơi. Sau mười bảy ngày nằm bịnh viện tim. Tôi xuất viện về nhà dưỡng bịnh lại khó ngủ, không lẽ “chịu trận” thức hoài sao? Mình phải làm gì cho quên cái chứng mất ngủ và tôi nghĩ đến phải có cái gì lưu lại cho con cháu nên tôi viết bộ trường thiên tiểu thuyết ba tập dày hai ngàn trang, chữ 12 vừa hoàn tất. Cái nghề viết của tôi vừa giúp tôi giải trí của tuổi già và tránh bị bịnh Alzheimer và giải quyết tốt đẹp cái chứng mất ngủ mà khỏi cần uống thuốc.


Mới đây, tôi lại vào bịnh viện emergency. Xuất viện, cả chục ngày dưỡng bịnh cữ kiêng đủ thứ, cũng buồn, suy nghĩ quỹ thời gian của tôi còn trên thế gian rất ngắn, chưa biết ra đi lúc nào. Sức khoẻ trở lại, tôi sẽ phải viết những gì còn nhớ từ lúc năm tuổi, cách nay tám mươi ba năm. Chuyện xưa tôi nhớ vanh vách, lúc mười tám hai mươi đi o mèo, cua gái. Gặp bạn gái, ngồi gần, tay như bất động chỉ có miệng hoạt động cho nên các bạn trai nói, tôi dại gái, ngu.

Nay, nhớ đủ thứ chuyện mà chuyện tôi nhớ sâu đậm nhứt, Chị Dâu Hụt của tôi. Tới bây giờ tôi còn ngưỡng mộ bái phục chị chung tình với anh hai tôi. Thế là cách vô đề lung khởi của tôi hơi dài dòng. Câu chuyện của Chị Dâu Hụt của tôi bắt đầu.

* * *

Khi lên năm, ba tôi còn làm tá điền, nghĩa là còn nghèo. Sau này, ba tôi mới lên chủ điền và đại điền chủ trước thế chiến thứ hai chấm dứt. Ba má tôi sanh mười một người con, tôi thứ mười nhỏ hơn anh hai (anh cả) mười lăm tuổi. Ba má nói, tôi giống anh hai vì trắng trẻo, cao ráo hơn các anh chị. Năm xưa, ở nhà quê, nam nữ chỉ diện bộ bà đen gần như quanh năm, khi có lễ cưới hay cúng đình quý ông bà lớn tuổi mới mặc áo dài, trai trẻ còn mặc xà lỏn ở trần, còn anh hai tôi luôn ninh bộ quần áo bà ba trắng…Tôi nhớ rõ, cả ấp Bà Bài, nông dân khi ra đồng, ai cũng mặc bộ bà đen dù bạc màu, rách tươm đi gặt lúa, tránh bị lá lúa cắt da thịt. Còn đàn ông đi cày thường mặc quần xà lỏn.


Trong một đàn em đông đảo, anh hai hạp và thích tôi nhứt nên tôi biết rõ cá tánh và anh là thần tượng của tôi. Quanh năm, anh mặc bộ bà trắng dù biến thành màu vàng nâu vì giặt nước kinh Vĩnh Tế đục và không có xà bông. Anh là người duy nhứt trong ấp mặc bộ bà ba không phải màu đen như các nông dân khác, không bới tóc như các bạn anh. Mỗi lần hớt tóc anh phải đi bộ hay bơi xuồng xa trên sáu cây số.

Anh hai tôi là “đại trí thức” độc nhứt vô nhị của ấp Bà Bài, anh biết chữ quốc ngữ, “tốt nghiệp” lớp ba trường làng Vĩnh Tế – Núi Sam, biết chút ít, đọc được chữ Tây dù không hiểu nghĩa và cũng biết chữ nho, học mất hơn sáu năm. Khoảng mười sáu tuổi, anh nghỉ học phụ giúp ba tôi. Ba tôi cưng anh nhứt, tôi nhì. Ba cũng ít cho anh tôi đi cày ruộng có lẽ ba sợ anh bị “nắng ăn” cày ruộng vất vả làm anh xí trai, anh thường làm việc trong mát. Anh là chuyên viên bừa ruộng khô và xạ lúa, anh làm nhanh và rải hột lúa đều không có chỗ nhiều hạt hay ít hạt. Ba tôi khen, anh xạ lúa còn muốn hơn ba dù ông có hàng chục năm kinh nghiệm. Cái nghề chính của anh hai là giăng lưới, giăng câu, đặt lờ đặt lọp tuỳ mùa nước nổi hay mùa đất khô ráo. Ba khen anh tôi có tay “sát cá”, giăng câu, giăng lưới hay đặt lờ đặt lọp, cá ăn không hết. Anh còn bơi xuồng đến chợ Núi Sam bán.

Có lẽ anh hai có xin ba tôi dùng tiền bán cá mua một cây đờn kìm và học đờn sau khi bán cá.

Anh hai có nhiều cái nhứt nổi trội trong ấp. Nông dân tay lấm chân bùn mà mặc quần áo trắng, tóc không để củ hành củ tõi, “chữ nghĩa cùng mình” có người nói như vậy. Cái độc đáo khác là biết đờn kìm lại đẹp trai, cao ráo, vui tính. Thời xưa, cổ nhạc chưa có đàn gui ta chỉ có đờn kìm, đờn cò, đờn gáo, độc huyền.  Anh rất sáng dạ và chuyên cần, đi giăng câu giăng lưới xong, thay vì bơi xuồng về nhà ngủ hay nghỉ, đợi vài tiếng thăm câu, lưới một lần, anh lại miệt mài tập dượt đờn.


Khi giăng câu xong, anh tìm một gốc cây, buộc xuồng, anh lấy đờn ra tập dượt đến chai tay và chân nhịp song lan, tất cả các bản ba nam sáu bắc của cổ nhạc anh đều có học có đờn qua cả năm đến nhuần nhuyễn. Đờn mõi tay, chừng hơn hai tiếng, anh đi thăm câu hay thăm lưới, anh lại tiếp đánh đờn tửng từng tưng trong đêm vắng lặng chỉ có bầu trời trăng sao và giòng nước phù sa đục ngầu thưởng thức tiếng đờn ai oán não nùng của anh, anh tự học đờn như thế. Thăm câu, thăm lưới lần thứ ba xong, có thể khoảng hơn mười một giờ khuya. Anh bơi xuồng về nhà, chung vô nóp làm một giấc đến sáu giờ sáng, anh bơi xuồng ra cuốn lưới, cuốn câu, giặt giũ sạch sẽ, máng lên sào phơi khô. Thế là hết một đêm lao động.

Ban ngày anh cũng phụ giúp gia đình, như xay lúa, giã gạo hay đi kiếm củi về đun bếp. Khi nào rảnh rổi, anh cũng tập dượt đờn, ngồi tại một góc cây nào đó, anh gọi tôi đến nghe anh đờn. Khi anh đờn khá, anh đến Núi Sam hoà tấu với những thầy đờn khác hay đờn cho các nghệ sĩ ca.

Lúc này, anh bảo tôi theo anh đi giăng câu giăng lưới cũng là khán giả duy nhứt thưởng thức tiếng đờn của anh cũng đã điêu luyện. Trên xuồng, anh có đem theo chiếc nóp của anh, nghe anh đờn mê mẩn ngủ hồi nào không biết, anh đẩy tôi vào nóp vì xuồng đậu một chỗ dưới tàng cây sợ muỗi đốt. Sau ba lần thăm lọp, lưới, bơi xuồng về nhà, tội nghiệp anh bồng lên nhà đẩy tôi vô mùng ngủ với anh chị.

Chưa hết, mỗi lần anh đem cá đến chợ Núi Sam bán, anh cho tôi theo anh để ăn bánh bao, uống cà phê đen với anh. Tôi rất cám ơn anh vì cả ấp, trẻ nhỏ và anh chị tôi có ai biết uống “cà phe” (phe, không dấu mũ), tôi lại biết thưởng thức cà phe đen. Tôi lại biết thưởng thức cà phe sữa có giò chéo quẫy chấm vào cà phe sữa ăn rất ngon và khá đắt hơn cà phe đen.

Người "thầy" chỉ vẽ tôi biết uống cà phê sữa lại chấm giò chéo quẩy vào ăn rất ngon lúc còn con nít. Đó là chị hai Thắm mỗi lần gặp tôi theo anh đi bán cá, chị nắm tay dẫn vào quán nước cho tôi uống cà phe sữa, ăn hủ tiếu hay ăn bánh bao, giò chéo quy. Chị hai Thắm mến thương tôi nhiều có lẽ vì tôi giống anh hai Đại, anh đi chơi, đi đờn hay đi chợ thường cho tôi đi theo.

Tội nghiệp cho người xưa, trai gái yêu thương, muốn tỏ tình lại không dám thố lộ bằng cử chỉ lời nói với nhau vì lễ giáo phong kiến khắc khe. Anh chị hai có cái hơn người là thuộc giới trí thức độc nhứt vô nhị của cả hai ấp vì biết chữ quốc ngữ. Thỉnh thoảng, anh viết thơ gởi chị hai Thắm và chị Thắm có thơ hồi âm, tôi làm con thoi. Dù trời tối, tôi rất dạn dĩ, có cầm đuốc soi đường đi, không sợ ma như các bạn cùng tuổi, cuốc bộ hai ba cây số khi anh có buổi đờn ca gần nhà chị, mang thư đến chị. Trong lúc tôi ngồi đợi chị đọc thơ và hồi âm, chị đưa tôi đến một nơi nào đó hay nhà bà con của chị. Chị cho ăn đủ thứ, chị vò đầu trìu mến còn cho tôi tiền. Cái vụ ăn thì khỏi nói, có món ăn gì ngon chị mang cho ăn hay nhờ bạn chị mang thức ăn về nhà bạn tránh sự chú ý của cha mẹ.


Ở nhà quê, giới điền chủ hay đại điền chủ có một món ăn khá đặc biệt để dành được vài ngày là món thịt heo kho trứng và cá lóc với nước dừa tươi. Đó cũng là món ăn khuya hay sáng sớm của các ông điền chủ đói bảo người làm hay con gái hâm nóng cho ông ăn. Khi nhà chị hai Thắm có nồi thịt kho trứng, chị cho tôi một tô có một cục thịt có mỡ (ba rọi), một khứa cá lóc và một hột vịt cùng một tô cơm nguội. Tôi thích món thịt kho trứng, cá, nước dừa tươi khi tôi năm tuổi, mãi cho đến bây giờ. Vì vậy, khi ăn thịt kho trứng là tôi nhớ chị hai Thắm thân thương của tôi.

Từ khi anh hai tôi có ngón đờn lão luyện, hết chỗ này mời đến chỗ khác mời, anh đều cho tôi đi theo vừa có em cùng đi cũng vui vì bơi xuồng xa đi và về thường trên mười cây số. Hể ai ở Núi Sam, Nhà Neo, Cống Đồn, gần nhà chị hai Thắm, mời anh đờn thì anh nhận lời một cách vui vẻ. Có dịp anh gởi thư tình cho chị hai Thắm mà tôi làm con thoi, liên lạc viên của anh chị cũng là dịp tôi ăn mệt nghỉ lại có tiền bỏ túi nữa. Vì vậy, với tuổi con nít năm tuổi, đi bộ đi và về sáu bảy cây số mà là ban đêm đối với tôi không có nhầm nhò gì cả.


Lần đầu tiên ra Nhà Neo, cách ấp Bà Bài chừng bảy cây số cũng là quê của má tôi. Chiều chừng sáu giờ, anh bủa lưới bủa câu sớm, anh bơi xuồng ra Nhà Neo dự buổi đờn ca tài tử rất đông người tham dự. Chị Thắm con gái của ông bà đại điền chủ cũng có dự, chị chiêm ngưỡng “mê” tiếng đờn kìm của anh tôi vì anh nổi bật nhứt, da trắng, cao to khoẻ mạnh, có v trí thức và luôn mặc bộ đồ trắng còn mới, như cây đinh thu hút các thiếu nữ dậy thì.

Tôi thưởng thức chừng một tiếng, chán và buồn ngủ, lửng thửng về xuồng, định chui vô nóp ngủ. Chị Thắm trên đường về nhà, thấy tôi giống anh hai Đại như khuôn, mấy năm sau chị nói như vậy. Không những, chị mê tiếng đờn của anh hai Đại mà các bạn gái của chị cũng đều mê. Thấy tôi chuẩn bị chui nóp ngủ, chị đến gần hỏi tôi có phải là em của ông thầy đờn hai Đại, tôi gật đầu nói phải. Chị Thắm hỏi tên, mấy tuổi… Chị bảo tôi theo chị lên nhà chơi, ba mẹ đã ngủ sớm. Chị bảo ngồi đợi chị mang cháo gà và gà xé phay cho tôi ăn và còn có bánh ú, bánh ít, bánh bò đầy một dĩa lớn. Chị nói nhà hôm nay có đám giỗ, chị muốn đãi tôi, từ đó tôi biết chị và quý mếnn, biết chị “để ý” đến anh hai. Vỡ lẽ, chị muốn biếu anh hai các thứ bánh đầy một dĩa lớn, tôi chỉ ăn một cái bánh ít là đã quá no rồi vì một tô cháo gà và một dĩa gõi gà cho thằng bé năm tuổi, mạnh ăn mới hết. Sau khi tôi ăn xong, chị bảo tôi mang cả dĩa bánh về xuồng mà chị không nói cho ai. Chị nói chị có học cùng trường với anh hai Đại, khi anh học lớp ba chị mới vào lớp một, lúc chị mười bốn tuổi, chị có biết rõ vóc dáng anh hai.


Sau hai năm, anh hai Đại mười tám, chị mười sáu. Chị có gặp anh hai bán cá tại chợ Núi Sam vài lần, chị thấy anh cực khổ tội nghiệp, có nhiều thiện cảm chị thêm thầm yêu trộm nhớ anh. Sau khi chị gặp anh hai Đại lần thứ ba khi anh tham gia đêm đờn ca tài tử tại Nhà Neo. Chị trút bầu tâm sự với tôi, chị yêu anh hai Đại, nhắn anh cậy mai mối đến cưới chị.

Chị cho biết như báo tín hiệu cho anh hai, chị đi chợ Núi Sam ngày thứ ba và thứ bảy, chị nói anh hai có cá sống chết hay bông điên điển bông súng cứ đem ra chợ Núi Sam, chị mua mảo hết cho anh về sớm, chị nhắn gởi với anh hai Đại như vậy.

Chị Thắm cũng thứ hai, con của một đại điền chủ giàu nhứt ấp Nhà Neo, chị cũng có học, con gái “trí thức” duy nhứt của ấp. Người xưa, ở nhà quê không cho con gái đi học, vì nói con gái biết chữ chỉ viết thư cho bồ, cho nên phụ nữ ở nhà quê thường dốt đặc. Chị hai Thắm, con nhà giàu lại đẹp gái, ba má cũng cho con học biết chữ nghĩa phụ giúp ông về kế toán sổ sách mua bán. Vì vậy, chị Thắm học hết lớp ba trường làng cũng là một ngoại lệ.

Từ khi chị Thắm bắn tín hiệu như hẹn hò muốn gặp anh hai tôi tại chợ Núi Sam, mỗi tuần hai lần vào ngày thứ ba và thứ bảy. Anh hai tôi cũng có tình ý với chị vì chị quá đẹp, con gái rượu của đại điền chủ, không phải dầm mưa dãi nắng nên có nước da trắng bốc.

Mỗi lần anh hai đi chợ Núi Sam đều cho tôi đi theo làm liên lạc viên cho anh và chị hai Thắm. Hai anh chị gặp nhau đâu có nói gì chỉ dùng mắt trao duyên, hồi xưa có câu là nam nữ thọ thọ bất thân. Gần chỗ anh hai ngồi bán có một “quán nước”, ngoài bán cà phê còn có bánh bao, bánh bò, bánh tiêu, giò chéo quy và hủ tiếu. Anh chị hai không dám nói chuyện trực tiếp với nhau chỉ có cách đá lông nheo cũng là vui vẻ rồi.

Tôi là người được chị Thắm thương mến chị cho ăn uống thả cửa như là tôi ăn giúp cho anh tôi no. Chị cho ăn, bánh bao hoặc hủ tiếu, uống cà phê sữa có thêm một cái giò chéo quẫy. Một bữa ăn sáng như vậy cho thằng con nít năm tuổi là nhứt xứ rồi. Chị hai Thắm còn mua thêm một cái bánh bao to cùng với bánh bò, bánh tiêu, giò chéo quy đựng một bọc to tướng, chị bảo mang xuống xuồng mà không dám nói biếu anh hai tôi. Chị sợ mang tiếng con gái đại điền chủ mua quà bánh cho trai ăn.

Mỗi lần chị lại chỗ anh hai bán cá, chị mua mảo, nói bán hết cho chị cá chết cá sống kể cả cua ốc hay bông súng, bông điên điển. Chị hỏi giá, thường chị trả tiền gắp đôi hay gắp rưỡi rồi xách giỏ ra về. Lần nào cũng vậy, chị nhắc tôi nói lại với anh hai cậy mai mối đến hỏi cưới chị.


Ba má tôi cũng có nhờ bà con bên má hẹn ngày dẫn anh hai và ba má tôi đến nhà bác đại điền chủ ngõ ý muốn kết tình sui gia. Nhà của ba má chị hai Thắm to nhứt trong ấp, nhà cao cửa rộng có một sân phơi lúa khá rộng xây bằng đá tảng, cao hơn mặt đường gần hai thước, ngang với mặt tiền nhà của bác đại điền chủ, loại nhà sàn kiên cố. Hai bác coi mắt anh tôi, ba má và bà con làm mai cũng coi mắt chị Thắm khi chị bưng trà ra mời khách. Riêng anh chị Đại-Thắm đã coi mắt nhau biết bao lần rồi khi anh tôi bán cá ở chợ Núi Sam và chị còn biết anh tôi có tài đờn kìm nữa. Ông đại điền chủ nói, con ông còn nhỏ, ông chưa muốn gã. Thật nghịch lý từ thời đó về trước, dân gian có câu, nữ thập tam, nam thập lục, gái 13, trai 16 là gã cưới được rồi khi ba má tôi đến giạm hỏi lúc chị đã tròn đôi tám, anh tôi mười tám. Tôi nghe kể lại sau này vì lúc đó tôi mới có năm tuổi, ba má tôi nghèo, không xứng môn đăng hộ đối nên ông tìm cách từ chối. Chị hai Thắm quá buồn chị lâm bịnh tưởng đâu đã chết, bỏ luôn mấy tuần không đi chợ Núi Sam. Anh chị dù chỉ gặp nhau trong giây lát vào ngày thứ ba và thứ bảy gần hai năm. Anh hai, biết gia đình còn nghèo, nếu tổ chức đám cưới sẽ mang nợ.


Một ngày nọ, chị làm bộ ngồi xuống trước mặt anh tôi, chị nói chị có nữ trang, đôi bông tai, dây chuyền cổ, vòng tay cẩm thạch. Khi anh hai tổ chức đám hỏi, đám cưới, chị lén đưa cho anh tôi khỏi phải mua sắm đỡ tốn kém. Anh hai tôi cảm động thấy chị Thắm thật sự yêu anh. Anh hứa là anh sẽ thưa với cha mẹ, cậy mai mối đến giạm hỏi lần thứ hai lúc chị mười tám tuổi.

Lần này cũng bị khước từ, chị hai Thắm lại thêm buồn chị đau cả tháng, tiều tuỵ khi anh em tôi gặp chị sau gần hai tháng cũng tại chợ Núi Sam. Tôi rất xúc động nắm tay chị chạm xương xẩu không còn mềm mại, mát như trước. Chị Thắm có hai bàn tay đẹp búp măng vì là tiểu thư của đại điền chủ giàu có không biết lao động tay chân vất vả, dầm mưa dãi nắng như các bạn cùng tuổi. Tôi nắm tay chị khá lâu và ứa nước mắt, chị khóc, anh em tôi lại càng buồn vì hai mái đầu xanh yêu nhau mà không được toại nguyện thành chim liền cánh, cây liền cành, sống chết có nhau.


Một năm sau, anh tôi có triệu chứng đau mũi, mỗi lần hỉ mũi ra máu, ba tôi trị bao nhiêu thuốc bắc, thuốc nam, có ông chín cạnh nhà ba má tôi là em ruột của bà nội là thầy thuốc bắc nổi tiếng trong vùng luôn mấy ấp, trị bịnh có thuyên giảm. Nhưng, đau trở lại càng ngày càng nhiều. Ba tôi đưa anh hai ra bịnh viện Châu Đốc có bác sĩ Tây khám và nói anh hai bị bịnh ung thư cần phải chuyển lên bịnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn chữa trị. Chị hai biết tin này, thú thật với cha mẹ là anh chị đã yêu nhau, chị xin phép cho chị theo anh lo giúp anh khi nằm bịnh viện. Cha chị dứt khoát không cho, còn cấm chị không được liên lạc với gia đình tôi.


Ba tôi bán một con bò, tài sản chỉ có hai con bò làm phương tiện cày bừa, nay phải bán một con để đưa anh hai lên Sài Gòn cha bịnh. Nếu cần thêm tiền, ba sẽ bán thêm con bò thứ hai. Cả mấy ấp trong xã và ở Núi Sam hay tin dữ, anh hai phải lên Sài Gòn cha bịnh. Các thầy đờn, nhiều nghệ sĩ và các nhà hảo tâm chung góp mà chị hai Thắm cũng lén nhờ bạn đóng góp một số tiền khá lớn giúp anh hai đi cha bịnh. Tất cả số tiền đóng góp cộng lại hơn gần gấp đôi tiền ba tôi bán một con bò. Chị hai Thắm vì quá yêu anh hai và bị cha cấm không cho chị liên lạc nên lúc này chị không còn nhựa sống, gầy rạc người, mẹ chị thông cảm thương con gái, đưa tiền cho chị giúp thêm anh đi cha bịnh.


Một buổi chiều, có đồ nhậu ngon, ba chị hai Thắm nhậu quắc cần câu, ngủ sớm. Chị hai Thắm nhân cơn hội ngàn năm một thuở, chị nhờ ba người bạn gái giúp chị dùng xuồng bơi bốn dầm cho nhanh vào nhà thăm anh tôi đang dưỡng bịnh chờ ngày ba tôi đưa lên Sài Gòn cha bịnh. Dù cách xa trên bảy cây số với bốn cây dầm bơi nhanh của tuổi trẻ, mười bảy bẽ gãy sừng trâu của các cô gái, chỉ hơn một tiếng, bốn người lên nhà thăm gia đình và thăm anh hai.

Cũng lần đầu tiên tôi thấy hai anh chị có tỏ tình âu yếm nhau, nắm tay nhau. Chị khóc không nói nên lời, chị gục đầu vào ngực anh, tay anh xoa vào tóc chị và anh cũng chảy nước mắt. Cả nhà tôi ai cũng khóc theo anh chị, thấy cảnh não nùng đau khổ của hai người trẻ yêu nhau mà không lấy được nhau. Nay một người lại lâm trọng bịnh sắp đi cha bịnh ở xa. Chị muốn bỏ nhà lên Sài Gòn chăm sóc anh cho trọn tình nghĩa, ba chị có từ chị thì chị về nhà ba má chồng ở, chị nói nhỏ với tôi như vậy, nhưng chị lại không dám đi xa một mình. Tôi có hứa với chị, em thay chị theo ba lên Sài Gòn chăm sóc anh hai, chị móc túi vét hết tiền cho tôi, bảo tôi thay chị lo cho anh hai chu đáo. Nếu anh hai có mệnh hệ gì không tốt, anh hai ra đi chị cũng bỏ nhà ra đi biệt xứ luôn.

Hai ngày sau khi chị hai Thắm đến thăm anh hai, ba quyết định thu xếp đưa anh tôi lên Sài Gòn cha bịnh và cho tôi theo để ba sai vặt. Bốn người cháu của ba dùng chiếc ghe lườn bốn chèo đưa anh hai, ba và tôi ra chợ Châu Đốc cách ấp Bà Bài hơn mười cây số phải có mặt tại bến xe đò đi Sài Gòn trước năm giờ sáng để mua vé cho ba cha con đi.


Sau gần hai tháng nằm bịnh viện, bịnh càng ngày gia tăng, bác sĩ nói bịnh của anh hai không trị dứt được bảo ba làm thủ tục xuất viện về nhà dưỡng bịnh. Bác sĩ cho toa mua nhiều thuốc uống và thuốc nhỏ vào mũi. Ba đưa tiền và toa cho tôi đến nhà thuốc gần bịnh viện mua, tôi có mang theo cái giỏ bàng, đựng hơn nửa giỏ. Ba làm thủ tục xuất viện xin đến bốn giờ sáng mai sẽ rời bệnh viện đi đến bến xe đò về Châu Đốc. Ba bảo tôi mua thức ăn cho ba ăn, mua thêm một hộp sữa và mua vé xe đò về Châu Đốc sáng mai. Tôi gọi xích lô ra bến xe Miền Tây mua vé trước lựa chỗ tốt, các băng ghế trước tránh bị nhồi xốc nhiều khi xe chạy nhanh. Tôi mua luôn bốn ghế để cho anh hai tôi nằm hai ghế, đầu nằm trên hai đùi của ba, tôi ngồi phía ngoài gần cửa lên xuống để ba sai vặt.


Không hiểu sao, lúc đó, mới bảy tuổi mà tôi nhanh nhẹn, tháo vác như thanh niên có lẽ vì tình thương anh ruột mình và tình thương của chị hai Thắm truyền tiếp làm cho tôi khôn trước tuổi. Xe chạy về tới Châu Đốc cũng đến bốn giờ chiều. Ba bảo tôi xuống bến đò mướn một chiếc ghe tam bản chở gắp về Bà Bài, tốn bao nhiêu cũng không sao. Giá cả thoả thuận xong, tôi tự ý chạy đi mua một chiếc đệm, một cái mền và gối mang xuống tam bản trước, mua thêm mấy ổ bánh mì thịt để cha con tôi ăn trưa và ăn tối, còn nước uống có kinh Vĩnh Tế cung cấp, lấy tay bụm uống cũng xong. Còn anh hai, ba có đem theo một bình nước nóng thỉnh thoảng pha sữa cho anh uống vài muổng.

Khi chiếc tam bản chèo gần đến nhà chị hai Thắm, cách chừng hai chục mét, tôi nói anh chèo tam bản, tắp vào bờ kinh bên trái. Tôi báo cho ba biết, tôi chạy lên báo tin cho chị hai Thắm, anh hai thầy chạy, nay về lại Bà Bài. Bạn chị lên nhà gọi chị xuống gặp tôi, tôi nói hết tình trạng bịnh tình của anh hai, thầy chạy rồi. Chị hai khóc, chị nói chừng vài giờ chị sẽ bơi xuồng vào thăm anh. Chị nói, chị mang theo vài bộ quần áo và tiền bạc, chị ở lại chăm sóc anh vài ngày. Nếu ba chị đuổi, từ bỏ chị thì chị mang hết quần áo vào nhà ba má tôi ở như là vợ của anh chăm sóc anh cho đến ngày anh ra đi và chị cũng bỏ xứ ra đi luôn.


Khoảng sáu giờ chiều về đến nhà, tôi chạy lên nhà báo, nhờ hai người bà con khoẻ mạnh, giúp xuống tam bản bồng anh lên trong lúc anh quá mệt vì đi xe đi xa như là bất tĩnh. Hai giờ sau, chị hai Thắm từ nhà chị bơi xuồng đi một mình có mang theo vài bộ quần áo đến Bà Bài. Chị vòng tay chào kính ba má tôi và xin phép cho chị luôn ở cận kề chăm sóc anh hai cho trọn tình nghĩa. Ba má và anh em chúng tôi quá xúc động thấy chị làm cuộc cách mạng vĩ đại đả phá hết mọi hủ tục, lễ nghi cũ mèm, dù chị chưa phải là vợ chánh thức với anh hai. Chị can đảm nói lên tấm lòng chị yêu thương anh từ lúc chị mới mười bốn mười lăm tuổi. Đến nay, chị hai mươi, anh hai tôi hai mươi hai. Anh chị hứa nhau là sẽ thành chồng vợ, chưa biết ôm ấp nhau mà tình yêu của chị cao đẹp ngất ngưỡng. Thế gian này kiếm người con gái thứ hai chắc cũng khó tìm có tính chung thuỷ với người yêu vô bờ bến.

Chị trải đệm cạnh chỗ nằm của anh, ngồi đút cho anh từng muổng sữa, cho anh uống thuốc và thường xuyên nhỏ thuốc vào lổ mũi, làm cho anh cũng tĩnh. Nhiều lúc anh lại chảy nước mắt, cố gắng đưa tay vuốt tóc, vuốt mặt chị hai Thắm lại càng làm cho chị thêm xúc cảm, chị khóc nhiều và cũng lần đầu tiên tôi thấy chị hôn anh hai trước mặt mọi người. Chị phá tung mọi xiềng xích rào cản lễ tục nghịch lý, trai gái yêu nhau, thời xưa không được âu yếm hay hôn nhau trước mặt người khác.

Chị hai Thắm thưa với ba má tôi, anh hai Đại mãn phần cho chị để tang. Chị muốn về đây làm dâu phục vụ cha mẹ chồng. Nhưng e sợ, ba chị có nhiều tiền và thế lực sẽ kiện thưa ba má tôi dụ chị, hay tội danh gì đó, quậy gia đình ba má chồng hụt. Chị nói, con chỉ còn cách bỏ nhà ra đi biệt xứ để cho vừa lòng ba con quá khắc khe thủ cựu với đứa con gái duy nhứt của ông.


Chị hai Thắm ở gần anh hai qua đến ngày thứ ba, má chị Thắm cùng đi với hai ba người bạn của chị vào nhà xin ba má tôi cho bà đưa chị Thắm về nhà cho ông trị tội bất hiếu. Nếu con Thắm không về, bà cũng phải ra khỏi nhà, ông nói như vậy. Má chị Thắm phải năn nỉ ba má tôi nói giúp chị Thắm phải về để bà khỏi bị đay nghiến hay bị đuổi ra khỏi nhà. Chị hai nghe lời ba má tôi hơn là nghe lời nói của má chị. Chị lại hôn anh hai trước mặt mẹ và các bạn và còn khóc lớn, anh hai cũng mở mắt nhìn chị mà nước mắt lưng tròng, cố sức vuốt tóc, vuốt mặt chị tỏ tình yêu thương chan chứa đậm đà. Anh không nói được và đôi mắt lờ đờ và nước mắt chảy như nói vạn lời yêu đương tha thiết, ai cũng nghĩ như vậy.

Chị hai Thắm lấy khăn thấm nước vắt ráo lau mặt, tay chân anh và hôn anh một lần nữa. Chị khoanh tay, thưa: ba má cho con theo mẹ về nhà cho vừa lòng ba con. Chị quyến luyến, bịn rịn từ giả mọi người trong gia đình tôi. Chị kéo tôi lại chị hôn như chị nhờ chuyển nụ hôn của chị đến anh hai. Chị bịn rịn vừa đi vừa ngoáy cổ lại nhìn gia đình chúng tôi đang tiễn chị về nhà, phải theo mẹ xuống xuồng trở về Nhà Neo. Về đến nhà, bạn chị hai người hai bên phải dìu chị bước từng bậc thang lên nhà, chị rũ rượi như xác chết, không còn tự đi đứng được.


Ba chị mặt hầm hầm, cầm cây roi tổ chảng định vào phòng đánh chị trừng trị tội bất hiếu với tổ tông cha mẹ, vì theo trai. Thấy chị nằm liệt như chết, ông không đánh chị chỉ chi con cho sướng miệng. Chị không tha thiết ăn uống. Mấy ngày sau, chị nghe anh hai qua đời, chị lại mạnh dạn như hết đau xuống xuồng, một mình bơi xuồng về Bà Bài để tang anh hai tôi luôn mấy ngày. Chôn cất anh xong, chị xin phép ba má tôi đứng trước bàn thờ anh thắp nhang cúng vái với hai hàng nước mắt tuôn trào. Chị đến hôn tôi và thưa với ba má tôi là chị sẽ bỏ nhà ra đi, có thể lên Nam Vang tìm việc làm nuôi thân. Ba má tôi tưởng chị chỉ nói vậy thôi rồi cũng nguôi ngoai.

Nào ngờ, chị bỏ nhà ra đi thiệt, ba má chị cho người vào hỏi ba má tôi con Thắm có vào đây ở không? Má tôi nói con Thắm quá buồn tủi không muốn sống, muốn vào ở phụng dưỡng vợ chồng tôi, nó lại sợ ba nó kiện cáo thêm rắc rối tội dụ dỗ nên nó sẽ bỏ ra đi biệt xứ luôn. Lúc bấy giờ chị hai Thắm của tôi đúng hai mươi tuổi, anh hai tôi chết lúc anh vừa qua tuổi hai mươi hai. Cả hai còn quá trẻ.

Chị hai Thắm bỏ nhà ra đi khoảng trước năm 1945 vài năm, đến niên học 1954-1955, hơn mười năm sau, tôi làm Hiệu Trưởng trường tiểu học Vĩnh Tế Núi Sam. Tự nhiên tôi nhớ đến chị hai Thắm, người Chị Dâu Hụt của tôi. Nhân hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi chạy xe gắn máy Mobilette ra Nhà Neo đến nhà ba má chị hỏi thăm tin tức về chị, cách chỗ tôi dạy học chừng bốn cây số.

Nhà sàn cao to sừng sừng vẫn còn, hai bác ba má chị hai Thắm nay già yếu mà vẫn khoẻ mạnh. Nhưng bây giờ, ruộng đất bán gần hết, hai ông bà không còn tha thiết làm giàu nữa vì chỉ có một cô con gái duy nhứt lại hận cha bỏ nhà ra đi biệt tăm biệt dạng, chỉ nghe nói chị sống ở Nam Vang. Có người gặp chị đi chợ, ăn diện sang trọng, người cùng ấp nhận ra chị, chị có gởi về cho mẹ chị một số tiền lớn, chị gởi lời thăm mọi người, nhứt các bạn gái thân của chị biết rõ mối tình chị với anh hai Đại. Tôi có hỏi bác gái, bác cho biết như vậy. Theo lẽ, người cha bình thường, mình có có tiền, biết con ở Nam Vang, ông lên tìm may ra cũng gặp. Nhưng ông nói, con cái đại bất hiếu, ông từ bỏ không thương tiếc, không còn tình nghĩa cha con gì nữa. Nếu chị hai Thắm còn sống, nay chị cũng trên một trăm tuổi.

Khi tôi dạy học ở Sài Gòn, tôi có xem phim Roméo Juliette, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài hay tuồng cải lương chuyện tình Lan và Điệp cũng lâm ly, ai oán, não nùng. Nhưng, so sánh với mối tình vĩ đại của anh hai Đại và chị hai Thắm sẽ còn thua xa. Mối tình của chị hai Thắm vô cùng bi thương cao đẹp tôi phải giở nón cúi đầu chào chị, tôn chị là nữ hoàng của phái đẹp một lòng sắt son chung tình với người yêu với anh hai tôi cho đến ngày anh sắp ra đi và đã ra đi vĩnh viễn về với cát bụi.

Mối tình chung thuỷ của chị hai Thắm, Chị Dâu Hụt của tôi sẽ chiếm quán quân vô tiền khoán hậu. Tôi luôn kính yêu bái phục chị cho tận tới bây giờ, khi tôi viết về chị mà nước mắt tự nhiên cũng chảy ra tội nghiệp cho má hồng phận bạc của đời chị.


Tuần này, con dâu có kho cho tôi một nồi thịt heo kho với trứng, gọi là kho tàu, ăn cũng được bốn năm ngày. Tôi tự hứa trước bữa ăn, tôi để đôi đũa nằm ngang trên chén cơm cầu nguyện chị hai Thắm sống khôn thác thiêng bay về cùng ăn cơm với vợ chồng em. Nếu có kiếp sau, em cầu xin đầu thai làm em ruột chị không phải là CHỊ DÂU HỤT của em quá bi thương buồn thảm./.                                         


Anh Phương Trần Văn Ngà

No comments:

Post a Comment