Tuesday, May 28, 2024

Cám Ơn - Tự Truyện Của May - Gió Đồng Nội


Cái chết của Mom được tờ báo thành phố trang trọng đăng trong ¼  của trang 2, mục Xã Hội. Sự việc quan trọng là vì Mom của tôi có đến 9 người con, một đàn cháu gần 20 chục đứa. Một kỷ lục và cũng là một sự kiện lạ của thành phố nơi tôi ở nói riêng, và nước Mỹ nói chung. Để tôi kể bạn nghe. Một chuyện thật và người thật nhưng thay đổi danh tính để khỏi phiền lòng các em của tôi, thích giữ kín chuyện riêng tư (privacy) của họ.

Tên gọi của tôi là May, tiếng Việt có nghĩa là may mắn. Còn tiếng Mỹ nghĩa là tháng Năm. Tháng mà tôi được nhận vào gia đình Smith. Vâng, tên họ của tôi là Smith, một cái họ rất thông thường của người Mỹ nhưng tôi lại là người Việt Nam một trăm phần trăm.

Tôi sinh ra tại Việt Nam, ở một vùng quê hẻo lánh xa thật xa thành phố, nơi không ngày nào thiếu tiếng súng nổ, đạn bay. Nơi không ngày nào không thấy xác chết của người bên này hay người bên kia, rất nhiều khi là của người dân kẹt giữa hai lằn đạn. Hình ảnh gia đình còn xót lại trong trí tôi là mái nhà tranh còn đang bốc khói với xác cha mẹ cùng các em được đậy kín bằng những manh chiếu. Hình ảnh kế tiếp là đứa bé gái mười một tuổi, ôm bộ quần áo, không dám khóc khi người chú dứt tay tôi đang nắm ra để trở về quê một mình. Ngày ấy mọi người gọi tôi là con Đẹt vì tôi nhỏ con. Cũng từ ngày ấy tôi được ăn no, ngủ đủ để làm công việc trông em cho một gia đình có ba đứa con nhỏ. Đứa lớn nhất 6 tuổi, đứa thứ hai lên ba và đứa bé nhất mới 10 tháng tuổi, đang lẩm chẩm tập đi. Thầy và Cô chủ đều làm việc cho nhà nước. Tôi chỉ biết có vậy. Một điều tôi biết nữa là họ rất tử tế vì tôi không phải làm việc gì khác ngoài trông và chơi với mấy đứa bé.


Hơn hai năm tốt đẹp trôi qua. Tôi vẫn mong cuộc đời êm ả như thế. Nhưng một ngày, cô chủ đeo cho tôi cái bị bên trái, bên phải bế kẹp nách bé Tina tôi vẫn ẵm mọi khi. Thầy chủ dặn kỹ tôi không được rời xa họ nửa bước. Mọi người lên chiếc xe buýt đón tận cửa nhà, vào phi trường, lên máy bay, đi thật lâu để đến một nơi thật xa. Rồi máy bay ngừng lại, nơi tôi gặp thật nhiều người Việt, cùng ở chung trong một trại lính lớn. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra làm nhiệm vụ trông em của tôi bị chấm dứt. Thầy cô chủ bảo bây giờ họ không cần tôi trông em nữa. Tôi sẽ được nhận vào gia đình khác và họ sẽ lo cho tôi. Họ bảo vậy và tôi chờ. Hàng ngày tôi chỉ có mỗi việc xếp hàng theo người lớn đi lãnh thức ăn. Không phải làm gì hết, ngủ chán lại ăn. Tôi hoang mang nhưng đã quen nhận lệnh từ người trên nên không lo lắng nhiều.


Và ngày thay đổi cuộc đời tôi đến. Tôi ký tên nguệch ngoạc vào nhiều tờ giấy. Người lớn bảo sao tôi nghe vậy. Một gia đình giàu có, ông bà Smith, Cha Mẹ nuôi đem tôi về miền Đông Bắc. Lạnh ơi là lạnh. Trong nhà đã có 7 đứa, tôi nữa là 8. Tất cả đều là những đứa trẻ bị bỏ rơi, may mắn được làm con nuôi trong gia đình này. Hai đứa gốc Phi Châu, Thomas và Sarah. Hai đứa gốc Á (Laura là Tầu và Việt là May, tên mới được đặt cho tôi). Hai trong bốn đứa da trắng thì Terry bị câm, điếc;  Marie bị mù. Đến sau nhưng tôi lại là đứa lớn tuổi nhất. Đông em như thế nhưng buồn ơi là buồn vì chẳng ai biết tôi muốn gì. May mắn là có một gia đình người Việt ở gần nên đôi khi họ thông dịch những điều Bố mẹ nuôi tôi cần tìm hiểu. Từ ở Việt Nam tôi chưa đi học bao giờ nên Bố Mẹ nuôi cho tôi vào lớp thấp nhất, cùng với thằng em tên Robert 7 tuổi. Mỗi sáng, trừ bé Tino chưa đến tuổi đi học, ở nhà với Mom. Xe buýt đón 5 chị em đến cùng một trường. Còn Marie và Terry học những trường đặc biệt dạy loại chữ nổi cho người mù và dạy nói bằng dấu hiệu tay (sign) cho người câm điếc. Tan học về nhà làm bài tập xong thì tất cả xuống bếp giúp Mom làm cơm chiều. Không nhìn thấy nhưng Marie lặt đậu que nhanh lắm. Đứa rửa rau, đứa gọt vỏ khoai.. mỗi đứa đều góp tay, phụ việc cho bữa ăn. Buổi tối mấy đứa lần lượt học và tập dương cầm với Mom (bà là thầy dạy đàn nổi tiếng trong vùng). Riêng tôi chỉ ngồi xem và nghe lũ em đàn. Thấy hay hay nhưng tôi chẳng hiểu gì. Đến trường học mãi rồi tôi cũng biết đọc, biết viết tiếng Mỹ thôi. Sau khi lấy bằng tương đương Trung Học tôi xin Mom cho đi làm thâu ngân viên ở một ngân hàng gần nhà vì biết sức mình không thể học thêm nữa. Những đứa em nuôi khác đứa nào khá thì tiếp tục học lên Đại Học, đứa nào yếu hơn thì học lấy một nghề nuôi thân. Mom và Dad không còn bận rộn nhiều với chúng tôi nữa. Càng lớn tuổi, sức khỏe cả hai càng kém hơn xưa. Chúng tôi, đứa lấy chồng, đứa cưới vợ, lần lượt rời gia đình Smith. Những cánh chim rời tổ. Chỉ còn hai đứa tật nguyền ở lại với Mom và Dad. Phần tôi vẫn tiếp tục làm việc cho ngân hàng. Thói quen chăm chỉ cần mẫn của người Việt đã giúp đưa tôi lên chức, tăng lương. Nhờ biết việc, biết người, biết cách, tôi mua được cho mình hai căn nhà với giá thật hạ. Tôi lập gia đình với một người đồng hương mới sang Mỹ sau này. Không biết là tại tôi quá Mỹ hoá hay tại Anh còn nhiều Việt tính mà chúng tôi phải chia tay vì nhiều bất đồng không thể giải quyết. Tôi giữ hai đứa con nhưng không cần cấp dưỡng vì có thể tự mình lo cho chúng. Hơn nữa đã có ông bà ngoại Mỹ ở gần.


Tên tôi là May. Tôi là một người may mắn. Có hai Cha và hai Mẹ. Tôi luôn luôn xem ông bà Smith giống như cha mẹ đẻ ra mình vì đã nuôi dưỡng và giáo dục tôi nên một người tốt cho xã hội. Cám ơn Cha Mẹ đã sanh ra tôi. Cám ơn Cha Mẹ đã nuôi dưỡng tôi. Chắc chắn cha mẹ đẻ tôi cũng hài lòng và vui vẻ ở nơi chín suối khi thấy sự thành công của tôi. Và bây giờ một Cha, hai Mẹ sẽ có dịp gặp gỡ nhau, cùng hãnh diện về một đứa con là tôi.  

Và trên tất cả, Cám Ơn Thượng Đế đã cho tôi một số phận tốt đẹp.


May, 2013

Gió Đồng Nội

No comments:

Post a Comment