Sự kết hợp giữa thay đổi khẩu phần ăn uống, liệu pháp tâm lý và Trung y có tác dụng tốt cho đường chân tóc khi cao tuổi.
Rụng tóc và tóc bạc sớm là mối quan tâm phổ biến ở độ tuổi trung
niên, do sự kết hợp của các yếu tố di truyền, lão hóa và lối sống. (Ảnh:
Oksana Klymenko/ Shutterstock)
Rụng tóc và tóc bạc sớm là mối
quan tâm phổ biến ở độ tuổi trung niên, do sự kết hợp của các yếu tố di truyền,
lão hóa và lối sống. Điều quan trọng là phải xem xét kỹ hơn các vấn đề về tóc
liên quan đến tuổi tác này.
Các vấn đề về tóc liên quan đến
tuổi tác thường có một số đặc điểm riêng và một trong những biểu hiện đó là rụng
tóc dần dần. Không giống như rụng tóc từng mảng (hói đầu từng đám) – thường xảy
ra đột ngột, hoặc rụng tóc androgen (hói đầu kiểu nam) – có biểu hiện sớm hơn,
ngay từ khi còn trẻ, rụng tóc liên quan đến tuổi tác tiến triển từ từ. Biểu hiện
đặc trưng là tóc mỏng đi, giảm thể tích và mọc chậm hơn, cuối cùng dẫn đến đường
chân tóc rộng ra và nhìn thấy rõ da đầu.
Một đặc điểm khác là tóc bạc.
Thông thường, tóc bạc đầu tiên xuất hiện ở thái dương và dọc theo đường chân
tóc ở trán.
Các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe của tóc
Mặc dù chúng ta không thể thay
đổi các yếu tố di truyền ảnh hưởng đến tóc, nhưng chúng ta có thể cải thiện các
vấn đề về tóc bằng cách cải thiện thói quen ăn uống. 7 chất dinh dưỡng sau đây
rất cần thiết cho mái tóc khỏe mạnh và có thể được bổ sung thông qua khẩu phần
ăn uống.
· Protein: Tóc chủ yếu được cấu tạo
từ protein và nếu không có đủ protein để duy trì cấu trúc của tóc, sức khỏe của
tóc chắc chắn sẽ suy giảm. Các nguồn protein chất lượng cao bao gồm cá, gia cầm,
các loại đậu, hạt, hạt mầm và một số sản phẩm từ sữa. Thịt đỏ hữucơ từ các con
vật ăn cỏ cũng rất tốt vì không chỉ cung cấp protein mà còn cung cấp lượng sắt
cao.
· Sắt: Thiếu sắt có thể dẫn đến
tóc giòn và rụng. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, mặc dù tình trạng rụng tóc kiểu nữ thường
xảy ra nhất là với những phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh nhưng kể cả nam giới
và phụ nữ nếu bị rụng tóc thì cũng đều có xu hướng có nồng độ sắt trong huyết
thanh thấp hơn. Các nguồn sắt tốt bao gồm thịt đỏ, gia cầm, cá, các loại đậu,
ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và rau lá xanh.
· Kẽm: Kẽm đóng vai trò quan trọng
trong quá trình mọc và phục hồi tóc. Kẽm chủ yếu có trong thịt bò, hàu, hạt bí
ngô và động vật có vỏ.
· Vitamin A: Vitamin A là chất chống
oxy hóa quan trọng giúp trung hòa các gốc tự do, do đó giúp bảo vệ nang tóc khỏi
bị hư tổn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science năm nay cho thấy vitamin A
đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa và phân biệt các tế bào gốc nang
tóc và nếu thiếu vitamin A có thể làm suy yếu sự phát triển của tóc. Thực phẩm
giàu vitamin A bao gồm cà rốt, dưa lưới, rau bina, ớt chuông và bí ngô.
· Vitamin C: Vitamin C là chất chống
oxy hóa mạnh, cũng có tác dụng trợ giúp hấp thụ sắt. Thực phẩm giàu vitamin C
bao gồm trái cây họ cam quýt, dâu tây, cà chua, rau bina và ớt chuông.
· Vitamin E: Vitamin E không chỉ
là chất chống oxy hóa mạnh mà còn giúp thúc đẩy lưu thông máu ở da đầu, điều
này rất cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan đến tóc.
· Omega-3: Omega-3 là một loại
axit béo thiết yếu có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, giúp duy trì độ đàn
hồi và độ bóng của tóc. Omega-3 có nhiều trong cá béo, hạt lanh và quả óc chó.
Nghiên cứu đã cho thấy rằng dầu cá có thể thúc đẩy sự phát triển của tóc.
“Chế độ ăn uống cân bằng” có thể cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho cơ thể, là nền tảng cho chế độ ăn uống của bệnh nhân tiểu đường. (Ảnh minh họa từ photoxpress)
Kết hợp các thực phẩm giàu chất
dinh dưỡng vào mỗi bữa ăn có thể giúp cải thiện sức khỏe của tóc theo thời
gian. Tuy nhiên, việc thường xuyên bổ sung những thực phẩm này vào mọi bữa ăn
có thể là một thách thức đối với vấn đề hấp thụ, có thể ngăn cơ thể hấp thụ đủ
lượng. Trong những trường hợp như vậy, nên cân nhắc bổ sung dựa trên nhu cầu của
từng cá nhân. Về mặt lâm sàng, vitamin D, kẽm và omega-3 là một trong những chất
dinh dưỡng thường bị thiếu hụt nhất.
Căng thẳng và tóc bạc
Ngoài việc điều chỉnh khẩu phần
ăn uống, việc kiểm soát căng thẳng tâm lý cũng rất quan trọng. Chúng ta nên cố
gắng thay đổi quan điểm và cách tiếp cận để nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực
hơn, nuôi dưỡng tư duy và cảm xúc mang tính xây dựng. Điều này đòi hỏi cần phải
có sự nỗ lực liên tục và sự phát triển bản thân.
Cải thiện mối quan hệ giữa các
cá nhân cũng là điều cần thiết vì các vấn đề về mối quan hệ là nguồn gây căng
thẳng chính trong cuộc sống hiện đại. Tập thể dục thường xuyên, thiền định,
thói quen lối sống lành mạnh và thói quen nhất quán cũng là những vấn đề quan
trọng không kém.
Thiền định được xem là liệu
pháp tuyệt vời để giải tỏa căng thẳng. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Một nghiên cứu được công bố trên Journal of Clinical Medicine (Tập san Y học
Lâm sàng) năm 2023 cho thấy, các biện pháp can thiệp về mặt tâm lý như giảm
căng thẳng dựa trên chánh niệm, liệu pháp thôi miên và liệu pháp tâm lý có thể
giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của những người bị rụng
tóc. Các biện pháp can thiệp này đã giúp giảm lo âu, trầm cảm và căng thẳng, với
một số bằng chứng cho thấy có hiện tượng mọc lại tóc. Mặc dù các phương pháp điều
trị này có thể không giải quyết được trực tiếp nguyên nhân gốc rễ của tình trạng
rụng tóc, nhưng cũng giúp giảm bớt được gánh nặng tâm lý liên quan đến các tình
trạng như rụng tóc, liên kết việc giảm căng thẳng với việc cải thiện sức khỏe tổng
thể.
Có một số người có tóc bạc nhanh khi bị căng thẳng cao độ.
Một nghiên cứu ở chuột được công bố trên Nature (Tập san Tự nhiên) năm 2020
cho thấy, sự căng thẳng sẽ kích hoạt quá mức hệ thần kinh giao cảm, kích thích
sản xuất quá mức tế bào gốc melanocyte. Theo thời gian, sẽ dẫn đến sự suy giảm
của tế bào melanocyte, gây ra tóc bạc. Cần có thêm các nghiên cứu để xác nhận
xem có phát hiện tương tự nào được quan sát thấy trong các thử nghiệm trên người
hay không.
Sức khỏe của tóc và sức khỏe tổng thể
Theo Trung y, sức khỏe của tóc
phản ánh trạng thái của các tạng phủ và hệ thống năng lượng của cơ thể. Trung y
cho rằng “tóc là phần dư thừa của huyết,” nghĩa là tình trạng tóc phụ thuộc vào
lượng máu nuôi dưỡng. Nếu lưu thông máu kém hoặc máu thiếu các chất dinh dưỡng
cần thiết, cơ thể có thể ưu tiên bảo vệ các tạng phủ hơn là sức khỏe của tóc, dẫn
đến rụng tóc.
Hầu như tất cả các tạng phủ đều
tham gia vào quá trình hình thành và lưu thông máu, tạng phủ có liên quan chặt
chẽ nhất đến sự phát triển của tóc là thận.
Trung y cho rằng “thận tàng
tinh và tinh tạo huyết.” Tinh chất bao gồm cả tinh chất bẩm sinh nhận được từ
cha mẹ và tinh chất thu được từ khẩu phần ăn uống và hô hấp, phần lớn được lưu
trữ trong thận.
Thận khí (năng lượng của thận)
và tinh chất thận ảnh hưởng cơ bản đến quá trình tăng trưởng, sinh sản và lão
hóa. Theo quan điểm của Trung y, việc chống lão hóa có liên quan đến việc duy
trì thận khí và tinh chất. Nói cách khác, tình trạng tóc của một người phản ánh
trạng thái thận khí và tinh chất của họ.
Tim, phổi, gan và lá lách, cùng
với hệ thống năng lượng của chúng, cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của
tóc. Trung y tin rằng “tim quản lý các mạch máu,” nghĩa là, lưu thông máu và sức
khỏe của mạch máu phụ thuộc vào chức năng của tim.
Đối với các tạng phủ khác, người
ta tin rằng “phổi quản lý da và tóc” bằng cách sử dụng tinh chất và khí quan trọng
trong máu để nuôi dưỡng tóc. Lách quản lý quá trình tiêu hóa và cũng đóng vai
trò trong quá trình sản xuất máu. Trung y cũng cho rằng “gan quản lý dòng chảy
tự do,” nghĩa là gan điều chỉnh dòng chảy của khí và huyết, đảm bảo năng lượng
được phân phối khắp cơ thể, bao gồm cả da đầu.
Khi Trung y đề cập đến tim,
gan, lá lách, phổi và thận, thì không chỉ đề cập đến các tạng phủ vật lý mà còn
đề cập đến hệ thống năng lượng rộng lớn, tập trung xung quanh các bộ phận này.
Do đó, sức khỏe của tóc có thể được coi là sự phản ánh sức khỏe tổng thể của cơ
thể.
Điều này giải thích tại sao
căng thẳng về mặt tâm lý và các yếu tố cảm xúc lại có tác động đáng kể đến sức
khỏe và mái tóc của chúng ta. Cảm xúc tiêu cực có thể phá vỡ hệ thống năng lượng
của cơ thể, như được mô tả trong Trung y rằng: “Giận dữ gây hại cho gan, sợ hãi ảnh hưởng đến thận, lo lắng
làm suy yếu lá lách, vui mừng quá mức làm căng thẳng tim và đau buồn gây gánh nặng
cho phổi.” Mặc dù niềm vui có vẻ không phải là một cảm xúc
tiêu cực, nhưng sự phấn khích quá mức cũng được coi là có hại.
Do đó, theo quan điểm của Trung
y, việc ngăn ngừa rụng tóc và tóc bạc là một phần của quá trình toàn diện nhằm
cải thiện sức khỏe tổng thể, trong đó tóc đóng vai trò là chỉ số.
Theo Bác sĩ Đặng Chính Lương,
Giám đốc phòng khám Trung y Tế Đức – Đài Loan, tóc muốn đẹp, thì nhất định tóc
phải mềm mượt, đen nhánh và có tính đàn hồi, chắc khỏe, không dễ rụng. Mái tóc
đen bóng mềm mượt, không chỉ tôn lên vẻ đẹp trẻ trung của một người, mà còn là
dấu hiệu của sức khỏe của người đó. Mái tóc mềm mượt có tính đàn hồi, không bị
nhờn rít, cũng không bị khô xơ, tóc đen như mực, sẽ làm cho khuôn mặt trở nên rạng
rỡ tươi trẻ.
Mái tóc đen bóng mềm mượt, không chỉ tôn lên vẻ đẹp trẻ trung của
một người, mà còn là dấu hiệu của sức khỏe của người đó. (Ảnh:
Doucefleur/ Shutterstock)
Điều dưỡng bằng Trung y, trước
tiên có thể dùng bài thuốc ‘Thất bảo mỹ nhiêm đan.’ Trong bài
thuốc này có các vị như Hà thủ ô, Phục linh, Ngưu tất, Đương quy, Câu kỷ tử, Thỏ
ty tử, Bổ cốt chi. Hà thủ ô bổ gan thận, ích tinh huyết, Câu kỷ tử tư âm ích thận;
Bổ cốt chi trợ thận dương, ấm đan điền; Phục linh thông với tim thận thấm ướt,
dưỡng bên trong; Ngưu tất cường gân cốt, ích hạ tiêu (phần dưới dạ dày, ruột
non, ruột già, bàng quang mà chức năng chủ yếu là hấp thụ và đại tiểu tiện).
Bài thuốc này thích hợp với người
lớn tuổi, người mắc các chứng bệnh do gan và thận kém. Có thể xem đây là bài
thuốc điều dưỡng, bồi bổ sức khỏe cho người già.
Có thể dùng “Cháo mè đen” làm
dược thiện: Có tác dụng tư âm dưỡng huyết, giúp mọc tóc, dưỡng tóc đen.
Dùng các loại thuốc như Hoa
cúc, Mạn kinh tử, Trắc bách diệp, Xuyên khung, Tang bạch bì, Bạch chỉ, Tế tân,
Mặc hạn liên để gội đầu, có tác dụng trừ phong hoạt huyết, ích âm mọc tóc.
Ngày thường nên ăn uống đầy đủ
chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, làm việc và nghỉ ngơi thích hợp, tâm tình thoải
mái, giữ gìn vệ sinh, chăm sóc mái tóc. Làm như vậy để cho bộ phận được ví như
“gương mặt thứ hai” của con người này càng toát lên khí chất và tinh thần.
Khánh Ngọc, theo The Epoch Times
Một tài liệu Khoa học đời sống thật hữu ích, cám ơn chị Tố Kim chuyển ạ,
ReplyDeleteHồng Thúy