Nổi danh nhất không những trong Tiểu Đội thám báo mà cả trong Tiểu Đoàn 3/48 là Bé em M79, Bằng Lựu đạn và Tùng dao găm.
Cây M79 trong tay Bé "em" khi đã nhả đạn thì không bao giờ trật mục tiêu dù xa hay gần. Đạn nổ thì làm bung mục tiêu, đạn cay thì đuổi địch chạy ra khỏi hầm, cho M16 đốn ngã.
Bằng lựu đạn, không những chỉ vì mang gấp đôi, gấp ba số lựu đạn cơ hữu dành cho một người lính mà vì lúc ném lựu đạn, sau khi rút chốt, còn thả bung cả mỏ vịt vài giây rồi mới ném ra khỏi bàn tay, quả lựu đạn khi rơi xuống mục tiêu thì nổ ngay, địch không thể có thì giờ chụp quả lựu đạn ném lại mình. Ít người dám làm như vậy bởi vì chỉ cần sơ xuất ném chậm một giây thì quả lựu đạn sẽ nổ trong tay mình.
Tùng dao găm còn ghê hơn. Cây dao găm là một thứ vũ khí thầm lặng, rất hữu ích cho người lính thám báo khi bò vào căn cứ địch. Địch ở xa hay gần, khi đã là mục tiêu của Tùng thì lưỡi dao găm không bao giờ khoan nhượng.
Cả 3 đều là binh nhì quân dịch, cánh tay không xâm chữ “sát địch” nhưng đánh giặc rất chì. Trong trận Long Tân, Núi đất Bà Rịa năm 1973, Tiểu Đội thám báo do Thượng sĩ Bé "anh" chỉ huy vô tình lọt vào ổ phục kích của địch. Địch không nổ súng, ta không kịp kéo cò, đành chơi cận chiến, nhưng số ít thua số đông. Bé em, Bằng và Tùng đi đầu bị bắt sống.
Thượng sĩ Bé thoát chạy về báo cáo. Tiểu Đoàn tức tốc mở ngay cuộc hành quân, không cần pháo binh dọn đường, lặng lẻ áp sát căn cứ địch mới đồng loạt nổ súng xung phong, giải cứu 3 người. Cuộc hành quân chỉ được báo cáo lên Trung Đoàn, sau khi tiếng súng tấn công bắt đầu nổ, quân lính đã tràn vào căn cứ địa VC. Địch không kịp trở tay, bỏ chạy tán loạn. Lúc này mới gọi pháo binh rượt theo. Đại Tá Trần Bá Thành, Trung Đoàn Trưởng ngạc nhiên, phán một câu:
- Các chú làm gì lẹ vậy!
3 binh nhì Bé em, Bằng và Tùng cùng được thăng cấp hạ sĩ do chính Tư Lệnh Sư Đoàn Lê Minh Đảo và Tư Lệnh phó Quân Đoàn 3 Nguyễn Văn Hiếu đến gắn tại mặt trận. Lý do vì cả 3 đã cùng loạt cận chiến, cướp vũ khí, chống lại địch khi thấy quân ta ào ạt xung phong tràn vào căn cứ địa Tiểu Đoàn 274 thuộc Trung đoàn 33 VC. Từ ngày đó 3 người như hình với bóng, ở chiến trường cũng như khi về hậu cứ.
Chiều ngày 8 tháng tư, Tiểu Đoàn hành quân từ ngã ba Hàm Tân Gia Rai lên hướng Bắc, Đông Bắc thì đụng địch mà theo suy đoán đây là quân tiền phương CSBV. Hai cánh quân đều đụng mạnh. Trung Úy Nguyễn Ngà, Đại Đội trưởng hy sinh. Toán thám báo của Thượng sĩ Bé lần theo dõi 3 người đội nón cối mang túi trên vai xuất hiện trên đường đi Gia Rai. Đêm đó địch yên lặng. Nửa khuya máy PCR 25 Tiểu đoàn sôi ò è như có tín hiệu của Tiểu Đội thám báo nhưng không có tiếng nói.
Sáng sớm ngày 9 tháng tư,Tiểu Đoàn được lệnh rút về tăng cường chiến tuyến trong khi hàng ngàn đạn pháo của địch rơi xuống Xuân Lộc, mở đầu cuộc đại tấn công của quân đội CS.
Chiều ngày 9, Tiểu đội thám báo trở về nhưng thiếu mất toán 3 hạ sĩ Bé em, Bằng và Tùng. Thượng sĩ Bé báo cáo đêm qua Tiểu đội phân tán thành 3 toán ẩn mình vì khắp nơi trong rừng, địch di chuyển gần như suốt đêm, có cả tiếng động cơ xe tăng. Không dám gọi mà chỉ dùng hơi thở mà thôi, nhưng sau đó máy không phát sóng được. Đến sáng thì bị địch phát hiện. Các toán nỗ súng, zdọt lẹ, tìm đến điểm hẹn. Thượng sĩ Bé đợi đến chiều vẫn không thấy Bé em, Bằng và Tùng.
Bé "anh" tin tưởng với khả năng của người lính thám báo, 3 người hạ sĩ sẽ trở về trong nay mai. Còn tôi, tuy thương 3 người lính đặc biệt của đơn vị nhưng thật tình xem chuyện thất lạc của họ là chuyện bình thường của người tham dự cuộc chiến. Những năm tháng ở tù cải tạo, tôi thật sự không còn nghĩ đến việc đó nữa.
Năm 1984, sau khi ra tù, tình cảm thôi thúc khiến tôi về thăm Xuân Lộc. Về thăm Xuân Lộc như về thăm quê nhà, một quê nhà không có nhà cũ, vườn xưa, không có người thân thích chờ đợi... Nhưng thật không ngờ, không bao giờ nghĩ đến, người đàn ông nhỏ con, một mắt, đứng bên chiếc xe đạp thồ chờ khách ở bến xe đò lại là Bé em. Bé em hỏi:
- Xin lỗi, có phải là ông thầy, à à là anh không?
Tôi chìa tay ra. Bé em đưa cả hai tay chụp lấy. Chiếc xe đạp thồ cũ kỹ rơi ngã xuống. Cả 2 chúng tôi nhìn chiếc xe ngã, cùng cười. Tôi hỏi:
- Bằng và Tùng?
Bé em không trả lời ngay mà hỏi lại tôi về Thượng sĩ chỉ huy và anh em Tiểu đội thám báo. Khi nghe tôi nói “Đầy đủ, chỉ có thiếu 3 cậu”, gương mặt Bé em như bừng sáng với những giọt nước mắt đang ứa ra:
- Trời ơi! Em biết mà, em ở đây bao năm chờ anh Bé, chờ bạn bè, bây giờ thì quá sung sướng ông thầy ơi!
Bé đưa mắt nhìn về khu đồn điền cao su, giọng buồn:
- Bằng vàTùng không còn nữa từ những ngày đó anh à.
Một người đàn bà vừa kéo hai xách hàng xuống xe, quay mặt nhìn Bé em, gọi:
- Anh chột, cho tôi về Bảo Chánh.
Bé em gượng mỉm cười nhìn người đàn bà, nói:
- Bà chị thông cảm, xin gọi người khác, hôm nay tui gặp bạn cũ, mừng quá, phải đi lai rai với nhau một lúc...
Thấy tôi nhìn vào con mắt chột của mình với vẻ ái ngại, Bé em cười:
- Ở bến xe này, em có tên là anh chột xe thồ. Người gọi, người nghe đều thích.
Tôi ngồi lên xe đạp để Bé em chở về nhà.
- Về nhà em lai rai rồi em chở ông thầy đi khắp Xuân Lộc thăm cảnh cũ người xưa. À, mà ông thầy tìm thăm ai ở đây?
- Tự nhiên nhớ Xuân Lộc mà đi. Bây giờ bất ngờ gặp lại một người em.
Tôi nói và thân mật vỗ vào lưng Bé em. Chiếc xe đạp nghiêng nghiêng như cùng xúc động với người đang cầm tay lái. Giọng Bé em run run:
- Một thằng em chứ anh ba!
Bé em nói đúng. Một thằng em, thằng em trong đơn vị, gọi lên nghe thật tình cảm như gọi thằng em trong gia đình mình.
Ghé qua nhà Bé em không đầy 15 phút rồi lại chở nhau đi. Vùng đất này, xóm làng này, trước kia mình là người quen nhưng bây giờ là người lạ, bị để ý thì phiền. Mới ra tù, tờ giấy ra trại mang theo trong người dễ bị thu hồi lắm. Bé em hiểu điều đó nên không ép tôi ngồi lâu.
Đèo nhau trên xe đạp, chầm chậm đi khắp nơi trong thị trấn chiến trường cũ, tâm sự, nói cười không ai để ý.
Nhớ lại đêm rút quân, bây giờ vẫn còn buồn. Đêm đó, đi bên cạnh, Thượng sĩ Bé anh nhiều lần yêu cầu tôi cho Tiểu Đội thám báo ở lại Xuân Lộc chờ đợi 3 người trở về. Lúc đó tâm trạng tôi không yên. Tôi không nghĩ nhiều đến cuộc đụng độ với VC trước mặt vì đánh nhau là chuyện bình thường. Hình ảnh những người vợ lính, con lính đứng trước cổng trại Long Giao, căn cứ Trung Đoàn 48 mới làm mình suy nghĩ, đau lòng. Họ lặng lẻ nhìn theo đoàn quân trong đó có chồng, có cha mà không một lời than, tiếng khóc. Chồng đi, cha đi, vợ con ở lại trong trại gia binh. Đêm nay họ thế nào? Ngày mai họ ra sao? Dường như tôi đã nói với Bé anh với giọng bực bội “Nếu được thì tôi cũng dẫn cả Tiểu đoàn quay lui”. Từ đó Bé anh im lặng.
Tiểu đoàn sau khi về Long Bình, cùng Trung Đoàn lên Trảng Bom làm tuyến chận ngay bên này đường xe ủi đất đào sâu cắt ngang QuốcLộ 1 để làm cản trở xe tăng T54 của quân CSBV tiến về Biên Hòa.Ngày nào Bé anh và anh em trong Tiểu Đội thám báo cũng đứng bên này tuyến trông chờ bóng 3 người bạn xuất hiện bên kia để nhào qua cứu, nhưng mãi đến ngày 27 tháng tư, TĐ lại một lần nữa theo lệnh rút lui. Bóng 3 người hạ sĩ vẫn không thấy. Từ đó, xem như Bé em, Bằng và Tùng đã hy sinh.
Còn 3 người, trong thời gian đó, sau khi thất lạc đơn vị bị VC phát hiện, rượt theo “bắt cho được bọn trinh sát ngụy”, như tiếng la lối om sòm của VC khắp nơi trong rừng. 3 người đã không thể tìm đến điểm hẹn. Bằng bị thương ở bả vai trái ngay từ khi bị VC phát hiện, bắn xối xả một loạt AK, may mà chỉ trúng một viên. Lúc đó Tùng ẩn mình sau một thân cây lớn, phóng dao găm cứu bạn. Còn Bé em cầm cây M79 trong tay nhưng không bắn được vì cây rừng chằng chịt.
3 ngày đầu, 3 người len lỏi trong rừng, tìm nơi kín đáo ẩn núp, ban đêm lần mò về hướng Xuân Lộc nhưng cũng không đi được xa. Đối với người lính thám báo, vùng rừng đồi Gia Rai, Bảo Chánh không xa lạ gì, nhưng lúc này gần như nơi nào cũng có bóng dáng quân CS, mọi ngã vào Xuân Lộc đều bị lấp kín bằng xe tăng, lính bộ được ngụy trang rất khéo léo.
Bằng càng ngày càng kiệt sức vì máu ra nhiều và những cơn sốt hành hạ. Khi lần mò về được vùng đồn điền cao su, thấy nhiều quân trang, quân dụng của quân đội CS còn vương vãi khắp nơi, 3 người mừng rỡ, tưởng quân địch bị thiệt hại nặng, đã bỏ đi, ai ngờ họ vẫn còn đào hầm hố trú ẩn trong vùng bị đạn bom tàn phá, chuẩn bị cho cuộc tấn công khác.
Một lần nữa, 3 người lại bị rượt đuổi. Bằng không đủ sức chạy trốn, dừng lại, tay phải cầm trái lựu đạn, đưa miệng cắn rút chốt, xoay người bung mõ vịt ném vào toán VC vừa rượt tới gần, tiếng lựu đạn nỗ ầm cùng với tràng AK. Xác 4 VC tung lên. Bằng cũng gục xuống. Còn lại Bé em và Tùng, nhanh nhẹn như sóc, băng mình từ gốc cao su này đến gốc khác tránh đạn địch và bắn trả khá chính xác. Thấy được một gò mối, 2 người nhào đến, nép mình sau gò mối chống trả nhưng bốn bề bị địch bao vây, khi Tùng trúng đạn cũng là lúc súng không còn viên đạn nào. Bé em còn trái lựu đạn cuối cùng, chưa kịp rút chốt thì bỗng nhiên một loạt đạn pháo rơi xuống ầm ầm, hất tung rừng cây cao su gãy đổ cùng với xác người. Bé em cũng bị hất tung nhưng may mắn sống sót, chạy thoát ra khỏi khu vực.
Thấy một chiếc xe chở công nhân đồn điền bị trúng đạn pháo, có 4 người chết chắc đã vài ngày, Bé em thay đổi áo của mình bằng chiếc áo công nhân trên xác người tài xế; sau đó nhập vào đoàn người chạy loạn, phần nhiều là đàn bà, trẻ thơ đói khát đang nằm la liệt bên cánh rừng cao su. Nhiều người mẹ lần mò đến các gốc cao su tìm nước trong những chiếc chén hứng mủ cao su cho con mình, nhưng chẳng ai được may mắn bởi vì những ngày qua không có mưa, còn mũ cao su trong chén thì đã đặc quánh. Bé em mệt mỏi rã rời, nằm lăn, ngủ thiếp giữa đám người đang khóc lóc.
Tiếng súng AK chát chúa đánh thức Bé em dậy.Khoảng mười mấy người đội nón cối đang chĩa súng hò hét, lùa đám đông vào một khu đất trống gần một xóm nhà bị đạn bom tàn phá. Một người chỉ huy lính CS tay cầm súng ngắn, tay chống nạnh, mặt hầm hầm la lối:
- Bọn người này giúp bọn Ngụy gài mìn, gài bẫy giết hại cách mạng rồi bỏ chạy theo Ngụy, phải bắn bỏ hết.
Phải trả thù cho các đồng chí đã hy sinh.
Hai người lính CS, mở cặp mắt trừng trừng nhìn đám đông, dò xét, tìm kiếm rồi kéo ra khoảng vài chục người có cả ông già, đàn bà dáng vẻ dân thành phố, tập trung trước 2 cây súng đại liên.
- Bắn, bắn hết, giết hết!
Tiếng hét ra lệnh bắn, tiếng đại liên thi nhau nổ. Hàng loạt thân người đổ xuống, máu văng phủ đỏ màu xanh cỏ dại. Bắn xong một loạt, như say máu, bọn CS không cần chọn lựa nữa mà chĩa súng đẩy đám đông ra từng nhóm. Toán thứ hai, thứ ba lần lượt bị đốn ngã. Bé em lọt vào toán thứ ba, đã khôn ngoan ngã xuống trước khi súng đại liên nhả đạn tới tấp. Những xác người ngã trên thân Bé, nhuộm máu. Không ai để ý vì tiếng khóc la của những người chờ phiên mình và tiếng rên rĩ của những người chưa chết hẳn.
Rồi Bé không còn nghe tiếng súng nổ nữa. Bé cho rằng họ giết người đã chê chán, tạm ngừng để đem người chết đi chôn. Bé nghe có tiếng động cơ nổ, bánh xe đang lăn về hướng mình. Bé suy tính không biết làm sao để thoát. Hay cứ để họ ném mình lên xe như một xác người rồi sẽ tính chứ chạy trốn lúc này chắc không thoát được. Bỗng có tiếng người la lối ra lệnh:
- Không được bắn nữa. Tôi chịu trách nhiệm. Các đồng chí xem người nào còn sống thì tìm cách đưa người ta đi cứu.
Nhiều người bị thương nặng cất tiếng kêu la. Những người dân chưa bị bắn theo lệnh lính CS đến kéo những kẻ còn sống, có cả Bé ra khỏi đống xác người. Bé không chết nhưng con mắt trái bị mù vì tay hay đầu người nào đó khi ngã xuống đã đánh mạnh vào hoặc bị cây đâm mà Bé trong cơn thập tử nhất sinh đã không còn cảm giác đau đớn.
Cảnh tàn sát dã man người dân lành của lính CSBV làm cho Bé quá hãi hùng, kinh tởm. Việc rút quân khỏi Xuân Lộc của QLVNCH làm cho Bé càng chán nản, đau buồn. Đầu óc Bé luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh những xác người bị súng đạn VC đốn ngã, cảnh hoang tàn, trống vắng, đầy mùi tử khí của thị trấn Xuân Lộc và các vùng chung quanh. Thế mà Bé em vẫn không về quê Gò Dầu, Tây Ninh ngay mà vẫn ở lại Xuân Lộc. Lý do vì Bé phải kiếm tìm và chôn cất Bằng và Tùng như lời thệ nguyện cam kết với nhau từ ngày 3 người bị VC bắt, được giải cứu, cùng được thăng cấp hạ sĩ: Người chết sau chôn người chết trước.
Một thời gian, sau khi CS làm chủ Xuân Lộc, Sài Gòn, rất nhiều người đã tự đi tìm kiếm xác người thân chạy loạn, bị chết bỏ xác trong vùng đồn điền cao su dọc theo Quốc Lộ 1. Bé là một trong hàng trăm người đi tìm kiếm. Bé dễ dàng tìm ra xác hai bạn vì đã biết nơi bạn nằm xuống. Việc nhận xác có phần khó khăn vì xác đã mục rữa. Hôm đó cũng có mấy người bộ đội đi tìm xác. Thấy Bé em tay cầm thẻ danh bài, có người hỏi:
- Lính đi tìm bạn phải không?
Bé em không chút sợ hãi, gật đầu.
- Anh trước mang quân hàm gì?
Bé trả lời:
- Hạ sĩ.
- Còn hai người này?
- Cũng là hạ sĩ. - Cũng là hạ sĩ à, ghê nhỉ. Định chôn đâu?
Bé chưa trả lời thì người lính CSBV vừa chỉ tay ra ngoài khu đất trống cạnh đồn điền cao su, nói tiếp:
- Ngoài kia còn chỗ trống, nhưng anh nhớ phải làm dấu kẻo mai kia chúng tôi hốt nhầm, không xứng đâu.
Bé buồn và tức. Đất đai của mình họ đến chiếm, bây giờ lên mặt làm chủ, chưa chi đã phách lối. Ai cần nằm bên bọn họ mà sợ nhầm lẫn, không xứng.
Bé khóc khi gói ghém đem tạm chôn hai bạn ở gần Dầu Giây. Một thời gian sau, theo lệnh chính quyền địa phương, Bé đã dời xương cốt Bằng và Tùng đến chôn dưới chân núi Chứa Chan. Sau nhiều năm cây cỏ đã tràn lan che lấp, chính Bé đã một lần đến thăm nhưng không tìm ra được. Bé không buồn về việc này mà nghĩ rằng như vậy hai bạn được nằm yên, khỏi phiền lụy đến ai. Rồi đây, biết đâu người ta lại tranh giành nơi yên nghỉ của những xác người bại trận.
Buổi chiều, chở tôi trở lại bến xe đò, Bé nói:
- Gặp được anh ba, em mừng quá, càng mừng hơn khi được biết anh Bé anh và anh em trong Tiểu đội Thám báo ngày đó đã về đầy đủ. Tội nghiệp anh Bé và các bạn hồi đó lo lắng cho 3 đứa em nhiều.
Tôi ôm vai Bé em, nghe cảm xúc của chính mình và của bạn đang dâng lên. Bé nói, giọng chân thành:
- Gần 10 năm rồi, bây giờ mới có được một bàn tay siết chặt, ấm áp. Ông thầy cố giữ gìn sức khoẻ, biết đâu một ngày nào anh em mình lại cùng đứng bên nhau. Em còn muốn mang cấp bậc hạ sĩ anh ba à!
Nguyễn Phúc Sông Hương
No comments:
Post a Comment