Năm 1975, tôi đến trại Fort Chaffee với 2 đứa bạn trong phi đoàn: Thằng Tiến và thằng Hạnh. 3 đứa chúng tôi cùng ở chung một barrack. Thằng Tiến giường trên, tôi giường dưới, thằng Hạnh giường bên cạnh. Tiến và tôi là hai thái cực. Tôi xông xáo bao nhiêu thì nó tà tà bấy nhiêu. Thậm chí, ngày 30 tháng 4, nó đã vào phi trường Tân Sơn Nhứt rồi mà lại tính quay trở ra.Chúng tôi phải nhét nó lên tàu bay, cất cánh xong nó vẫn còn cằn nhằn là nếu mai mốt phải ra tòa án quân sự,"cả lò nhà chúng mày" phải chịu trách nhiệm. Tôi láu cá bao nhiêu thì nó thật thà bấy nhiêu. Thật thà đến độ nhiều khi tôi phải tự hỏi tại sao 1 thằng cù lần như vậy mà lái tàu bay được.
Thằng Hạnh thì khác, lớn hơn tôi vài tuổi, ít nói, hay suy tư và rất khôn ngoan. Nội chuyện nó có hai bà vợ ở Việt Nam mà không bà nào biết bà nào thì đủ hiểu con người nó ghê gớm ra sao. Nó khôn hơn tôi, dĩ nhiên, nhưng phải cái tính lười và hơi nhát gan, nên làm bất cứ chuyện gì cũng phải có tôi nhúng tay vào mới xong. Vì thế, trong 3 đứa, tôi luôn luôn được "giữ một địa vị quan trọng".
Những ngày đầu tiên nơi đất khách này, vốn tánh lo xa, tôi lo sợ cho tương lai lắm nên rủ chúng nó cắp sách đến trường học thêm Anh văn. Thằng Tiến mới đầu từ chối nhưng nằm nhà thấy chán quá bèn ôm sách vở theo tôi. Tôi biết tính thằng này, lè phè như nó mà học hành cái gì.Trong lớp học, sách vở và bài học nó chẳng lo mà cứ hết nhìn ngang rồi đến nhìn ngửa để kiếm vợ. Gặp em nào đẹp đẹp một chút là mắt nó sáng trưng, nhào tới thực tập câu Anh văn ruột chẳng hề biết mắc cỡ: "Are you married?". Tôi có than phiền với nó về chuyện này, nó còn lên mặt la mắng tôi:
- Đã ngu lại còn bày đặt đạo đức giả! Mình là dân nhà binh võ biền, suốt đời sống giữa chốn ba quân, mấy khi được may mắn lọt được vào một chỗ có nhiều...con gái như thế này?Phải biết lợi dụng thời cơ, đánh mau đánh mạnh, chốp ngay một em đem về nhà, để lâu thiên hạ đớp hết thì hối hận không kịp.
Tôi lắc đầu, gằn giọng đem một câu trong tam quốc chí rẻ tiền để dạy dỗ nó:
- Làm trai đứng trong trời đất, chỉ sợ mình không lập được công danh, đừng sợ không có vợ.
Thằng bạn dê sồm nhìn tôi cười nham nhở:
- Đù mẹ. Học Anh văn i tờ hạng bét mà cứ ham nói chuyện công danh, công danh cái búa. Đấy, mày cứ chăm chỉ đèn sách để lo công danh đi, ông thì ông cứ cắp sách đến trường để tán gái và kiếm vợ, để xem thử rồi thằng nào ngon hơn thằng nào.
Tôi lắc đầu ngán ngẫm và thấy tội nghiệp cho nó,nhưng mãi về sau này tôi mới thấy chính mình là kẻ đáng tội nghiệp chứ không phải nó. Người bạn còn lại, thằng Hạnh, mỗi ngày tôi thấy nó cứ sáng sớm là đã bỏ đi đâu mất biệt, đến chiều mới mò về, mặt mày hốc hác, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Cuộc đời tị nạn của chúng tôi như vậy là coi như tạm yên sau vài tuần. Qua cơn khủng hoảng của thời gian đầu, bình tâm trở lại, chúng tôi cảm thấy... thèm nhiều thứ. Đi lính lâu năm, đứa nào lại chẳng mang tật "cà phê thuốc lá". Chúng tôi thèm ly cà phê và tô phở buổi sáng như người nghiện thuốc phiện nhớ bàn đèn. Phở thì chắc chắn không có rồi, chẳng ai dại gì mơ ước nhưng cà phê thì may mắn thay, nơi sân đá banh gần barrack của tôi có 1 chiếc xe phát cà phê và bánh ngọt miễn phí của Salvation Army. Tuy cà phê Mỹ mới uống vào thấy nhạt nhẽo nhưng "có còn hơn không", chúng tôi là khách hàng thường trực của chiếc xe ân huệ này. Khỏi cần nói, ai cũng có thể tưởng tượng được cái đuôi xếp hàng lãnh cà phê free của dân tị nạn nhàn rỗi nó dài ra sao. Trung bình là 1 tiếng đồng hồ và xui xẻo nhất là khi chỉ còn chục người nữa tới phiên mình thì cô hàng đóng cửa cái rầm sau khi xổ một câu gọn lỏn: "Sorry, no more coffee".
Ngày nọ, tôi và 2 thằng bạn quý đã đứng chờ được chừng hơn tiếng thì từ đâu một cơn mưa đổ ào xuống. Là trai đất Việt, chúng tôi "sương gió nào ngại chi" nhưng cái cô phát cà phê người Mỹ lại ngại mới là kẹt. Cô ta ngước mặt nhìn trời, rồi nhìn xuống đám tị nạn nghèo khổ chúng tôi lắc đầu. Lại câu nói cụt ngủn cố hữu: "Sorry, I am closed". Cánh cửa gỗ xập xuống nghe đến xầm một cái làm lòng tôi tan nát.Thế là tiêu hết một cữ cà phê. Không biết trút nỗi tức giận cho ai, tôi đành nhìn trời, ngạo mạn trách: "Ông trời hại anh em rồi, mưa gì mà độc vậy, chờ người ta lấy xong ly cà phê rồi mưa có được không?" Miệng cằn nhằn, chân chúng tôi chạy đều dưới cơn mưa miền Nam nước Mỹ đang trút xuống ào ạt.
Về phòng, tôi nằm trên giường suy nghĩ mãi. Mình xưa nay vẫn tự hào là người khéo xoay xở, sang trại tị nạn gần tháng rồi mà vẫn chưa tìm được cách nào để xoay tí tiền còm cà phê thuốc lá cho vui. Nhìn thằng Tiến đang dương cặp mắt ốc lồi ngó mưa rơi ngoài cửa kính tôi lại càng thấy động lòng hơn. Chúng nó dù không nói ra, đã đặt tin tưởng rất nhiều nơi tôi. Té ra tôi cũng chẳng hay ho gì. Còn mặt thằng Hạnh mới là sầu thảm. Tôi biết nó ghiền thuốc lá rất nặng. Con cá thiếu nước như thế nào thì nó thiếu thuốc lá cũng y như vậy. Đã có lần tôi ái ngại bảo nó:
- Mày không chịu khó lo học Anh văn để hôm nào ra trại còn kiếm việc làm, ngày nào cũng bỏ đi đâu mất biệt vậy?
Nó hằn học:
- Ông đíu cần học. "No cigarette no study."
Lại cái câu rẻ tiền ngày nào ở trại Tent City. Lúc ấy chúng tôi vừa mãn khóa Thủ Đức, được đẩy về đó để học Anh văn. Một ngày, vì lương phát trễ, chúng tôi vào lớp học làm ồn ào. Các ông giáo sư nhà binh Mỹ hỏi lý do, chúng tôi nửa đùa nửa thật đồng thanh nói: "No money, no Study". Bây giờ, nước mất nhà tan trên đất khách, ông thần ghiền thuốc lá này bản cũ soạn lại. Tôi lên mặt dạy dỗ:
- Ngu bỏ mẹ. Ở trại tị nạn không học, ra ngoài làm sao tranh đấu với đời.
- Học cũng cu ly, không học cũng cu ly. Mày có học cho lắm ra ngoài cũng đâu có hơn ông được mà làm tàng?
Câu trả lời của thằng Hạnh làm tôi giựt mình, thấy nó nói đúng quá. Những thằng giở thầy giở thợ như chúng tôi mai mốt ra ngoài biết làm gì để sống ngoại trừ cái nghề cu ly là nghề chẳng cần bằng cấp gì cả? Cả hai cùng im lặng. Một lúc sau, thằng Hạnh mới đứng lên, nhìn tôi cất giọng buồn buồn:
- Mày biết ông đi đâu không?
Tôi cười:
- Dâm đãng như mày thì chắc là phải đi kiếm em út.
Em con khỉ, cà bơ cà bấc như mình, trên răng dưới đồng hồ em chó nào nó thèm mê.
- Vậy mày đi đâu mà ngày nào cũng biền biệt vậy?
- Tao đi xin thuốc lá!
Tôi đang còn ngạc nhiên thì nó tiếp luôn:
- Tao có quen một thằng ở mãi tận building 1008 (cách đó chừng 3 hay 4 dặm). Sáng nào cũng cuốc bộ 2 tiếng đồng hồ lên đó để xin điếu thuốc. Không lý mình gặp nó, xin thuốc xong rồi bỏ đi về liền thì coi kỳ quá. Tao phải ở lại nói chuyện trời trăng mây nước cho ra cái vẻ mình nhớ bạn lên thăm. Hết chuyện nói mới bỏ về được. Đù mẹ mỗi ngày cuốc bộ 4 tiếng đồng hồ giữa trời nắng chang chang cực quá, lại hèn nữa, mà không có thuốc lá thì nhịn không được.
Tôi phẫn nộ:
- Bạn bè gì mà chó đẻ thế! Sao nó không cho mày vài đồng để mua thuốc lá?
Thằng Hạnh lắc đầu thảm hại:
- Hồi mới gặp, nó có dúi vào tay tao mấy đồng đó chứ, nhưng thấm vào đâu! Mày nghĩ coi, mình nhiều bạn bè mà đứa nào cũng nghèo hết, thằng này chĩa một điếu, thằng kia xin một điếu... Chỉ có mấy ngày là tao lại sạch túi. Xin nữa kỳ quá không được.
Thế mỗi lần lên đó, nó cho mày mấy điếu?
- Hút tại chỗ 2 điếu, 2 điếu nữa "sơ cua" mang về.
Tôi phê bình:
- Mày đúng là thằng có chí.
Chiều nay, nhìn cái mặt chảy xệ ra của nó, tôi biết nó nhớ cái gì. Bỗng tôi nẩy ra một kế vặt, ngồi nhổm dậy, la toáng lên:
- Xong rồi, có tiền cà phê thuốc lá rồi!
Thằng Tiến vẫn nằm yên nhưng con nhà Hạnh ngồi bật dậy ngay như cái lò xo, mặt mày hớn hở. Nó không lạ gì cái tài "an bang tế thế" của tôi từ những ngày còn ở biệt đội. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, tôi vẫn luôn luôn nẩy ra vài cái kế độc để kiếm tiền lẻ ăn nhậu. Nó nhìn tôi cười cười:
- Mày có tư tưởng mới?
- Không có sao dám nói?
Nó bốc tôi một câu:
- Biết ngay mà. Tao biết trước sau gì mày cũng có kế độc. Nói anh em nghe coi.
Cả mấy thằng độc thân khác nằm gần đó cũng nhỏm dậy, ào tới vây quanh giường tôi. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày mất nước, lần đầu tiên tôi mới được trở thành một nhân vật quan trọng như vậy nên rất lấy làm khoái chí. Tôi vỗ hai tay vào nhau nghe đến đốp một cái:
- Phen này chúng mày cứ gọi là cà phê thuốc lá... mút chỉ thiên thần.
Thằng Hạnh hít hà, giục:
- Biết mày có tài rồi. Kế của mày là kế gì, nói nghe thử?Tôi kênh kiệu:
- Đứa nào còn thuốc lá lấy một điếu ra mồi hút thì tao mới có cảm hứng mà nói được.
Tôi nói câu đó và mắt nhìn thằng Hạnh. Tôi biết tõng nó còn thủ một điếu Pall Mall trong túi áo chờ đến ăn cơm chiều xong thì hút. Ông phi công tị nạn giả vờ lờ đi, dương cặp mắt "thủ đoạn" nhìn ra xa xôi.
Tôi liền xoay người nằm xuống giường trở lại:
- Đù mẹ, no cigarette no talk.
Thằng Hạnh chờ một lúc, thấy chẳng ai có gì thật, mới méo mặt móc điếu thuốc gia bảo ra:
- Đây, đù mẹ thuốc lá đây, nói đi thằng phi công mất dạy. Kế nghe mà không hay thì chết với ông.
Tôi ngồi bật dậy, cười hề hề sảng khoái:
- Chỉ cần vài ngày nữa là chúng mình tha hồ cà phê thuốc lá.
Chính tay thằng Hạnh bật lửa cho tôi. Điếu thuốc được chuyền tay nhau. Tôi lên tiếng:
- Tao có một kế hoạch này hay lắm, nhưng tụi mày phải giúp tao mới được. Tiền dư nhiều tao không biết nhưng tao bảo đảm chúng mình sáng sáng sẽ được vô Hitching Post uống cà phê, mỗi đứa có bao pall mall đỏ choét bỏ vào túi áo để dợt le với thiên hạ....
Ngoại trừ thằng Tiến là con người chẳng coi chuyện gì quan trọng, bốn năm cặp mắt cùng sáng lên một lượt với hình ảnh của người tị nạn hạnh phúc trong trại Fort Chaffee có bao Pall Mall đỏ trong túi áo. Chưa gì đã thấy có thằng muốn chảy nước miếng rồi.
Thằng Hạnh giục:
- Nói mẹ nó đi, cứ úp úp mở mở hoài.
Rồi như chợt nhớ ra rằng tôi vốn là một thằng lém lỉnh láu cá chẳng thua gì nó, con nhà Hạnh giật mình, nghiêm sắc mặt nhìn tôi:
- Đù mẹ hay là mày lừa ông để hút thuốc lá lẻ. Có kế gì không, nói thật đi thằng nhóc, không có thì biết tay ông.
- Có chứ, phải từ từ để tao nói. Tao sợ mai kia mày không có đủ miệng để hút thuốc lá của ông.
- Kế gì?
- Ông mở tiệm hớt tóc tại đây!!!
Bốn năm cái miệng cùng ồ lên một lần.
Người Việt mình vốn có tinh thần mau thích ứng với hoàn cảnh mới. Chỉ sau vài ngày đến trại tị nạn, đã có nhiều tấm biển quảng cáo thương mại dán khắp nơi. Cái thì may sửa quần áo, cái thì hớt tóc, cạo gió, coi bói bài v.v.... Tôi có lần đã nghĩ về vấn đề kiếm tiền bằng cách hớt tóc khi nhìn thấy một bảng quảng cáo dán ở nơi nào đó với hàng chữ nguệch ngoạc: "Hớt tóc 50 cents. Con nít 30 cents" nhưng mãi đến hôm nay buồn quá mới nhớ ra.
Thằng Hạnh là người hớn hở nhất. Mặt nó tươi trẻ lại khoảng 10 tuổi, nhìn tôi... rất cảm tình:
- Mày hớt tóc được à? Có thật không?
Tôi phịa:
- Trước khi đi lính, tao có lần đã hành nghề hớt tóc.
Thằng Hạnh mừng rỡ ôm chầm lấy tôi, dáng điệu y hệt một thằng Mỹ con được quà. Nếu nó chịu khó điều tra một chút thì sẽ biết ngay rằng tôi chỉ nói phét. Tôi trẻ măng, sinh ra đi học từ nhỏ đến lớn, vừa rời ghế nhà trường là đi lính, thì giờ đâu đi làm phó cạo mà giở trò nói phét. Đúng ra, ở gần nhà tôi có một tiệm hớt tóc. Hồi nhỏ, những khi rảnh rỗi,tôi hay lang thang sang các tiệm hớt tóc để coi các ông thợ đánh cờ tướng hoặc húi đầu cho thiên hạ. Nhìn nhiều lần đâm quen. Tôi chưa bao giờ hớt tóc nhưng biết rõ từng động tác, từng điệu bộ của người thợ, cách thức đi tông đơ, cắt xén v.v....
Lớn hơn chút nữa, vì nhà nghèo quá, bố mẹ ít khi có tiền cho các con đi hớt tóc, nên tôi nẩy ra ý nghĩ mua tông đơ về hớt tóc cho các em. Hớt cho ai chứ cho em thì quá dễ. Lần đầu tiên, cái đầu của mấy thằng em khốn khổ của tôi loang lổ như những vườn hoa tươi đẹp bị bầy chó hoang vào quấy phá. Tội nghiệp các em tôi. Chúng nó buồn lắm mà chẳng dám hé răng vì biết tính tôi vốn hung dữ hà khắc. Đi học với cái đầu như vậy thì tránh sao nổi khỏi bị bạn bè cười chê. Nhưng nhà nghèo quá và "tài của anh tao chỉ có vậy" thì biết làm sao? Lần lần rồi tôi cũng cải tiến nghề được, nhưng chưa bao giờ lên đến trình độ đủ để sống bằng nghề đi cầm tông đơ.Hôm nay, đã mấy chục năm không rờ cái tông đơ, vì thèm cà phê thuốc lá vặt, tôi đã xâm mình trở thành ông thợ cạo. Tôi cũng còn đủ trí khôn để biết cái nghề hớt tóc của mình chỉ có trong trí tưởng tượng, nếu đem ra thực hành chắc chắn sẽ gặp rắc rối to nhưng lém lỉnh như tôi thì làm chuyện gì cũng phải có kế hoạch hẳn hòi. Có gì đâu, tôi sẽ dùng những thằng bạn ngô nghê đói thuốc này để thực tập trước.
5 cái đầu là quá đủ cho tôi ôn lại và... học thêm nghề. Tôi lại nhớ đến những mái tóc loang lổ của các em tôi mấy chục năm trước. Bất giác tôi thấy thương những thằng phi công Việt Nam tị nạn này. Chỉ vì cái hình ảnh một người tị nạn hạnh phúc với gói Pall Mall trong túi áo do lời vẽ vời của tôi mà vài hôm nữa đây, có vài đứa sẽ trở thành những sư ông bất đắc dĩ. Tôi biết chắc, bàn tay vụng về của tôi mà thực tập cái đầu nào rồi thì chỉ còn nước đem đi cạo trọc. Một cái đầu nhẵn thín không có tí tóc nào coi vẫn còn đẹp hơn cái đầu loang lổ chỗ đen chỗ trắng. Không phải tôi là thằng vô lương tâm, tôi cũng biết thương xót chúng nó đấy chứ, nhưng việc này là việc chung: Tiền hớt tóc sẽ được mua thuốc lá cà phê chia đều cho tất cả. Nghĩ thế nên lòng tôi cảm thấy bớt đi cái mặc cảm tội lỗi.
Những thằng lính trẻ tội nghiệp này, chúng nó nào có biết những tai ương đang chờ sẵn, tất cả đều hăng hái bàn tán về cái tiệm hớt tóc của tôi. Chờ cho chúng nó ngớt tiếng ồn, tôi lên tiếng, giọng uy nghiêm sang sảng tựa hồ một ông tướng trước giờ ra quân:
- Tụi mày nghe kỹ đây. Sống ở đời, làm cái gì cũng phải có kế hoạch. Tao tuy ngày xưa là thợ hớt tóc, nhưng tụi mày biết tao lái tàu bay gần 5 năm, tay chân tao nó lạng quạng rồi, không còn khéo léo như những ngày chưa đi lính.
Thằng Hạnh mau mắn phụ hoạ ngay:
- Tao hiểu. Nhà binh nó làm chúng mình hư đi.
Một giọng khác rất cảm động của thằng Hùng tây lai:
- Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông....
Tôi quay lại nhìn nó và tự hỏi lòng mình rằng sao quân đội tôi có nhiều lý thuyết gia như thế này mà vẫn bị thua trận. Tôi đi mau vào phần rắc rối:
- Mình không làm thì thôi, nhưng đã làm thì làm cho đàng hoàng, không thể để khách hàng than phiền được. Mình đánh là phải thắng, không thắng không đánh. Bắt đầu ngày mai, tụi mày phải đưa... đầu cho tao thực tập trước.
Tôi im lặng chờ phản ứng. Chẳng có đứa nào nghi ngờ tài năng của tôi cả. Chỉ có thằng Hạnh, tinh mắt nhất, nhìn tôi với đôi mắt nghi ngờ nhưng trở lại nồng nhiệt ngay khi tôi nói:
- Dĩ nhiên. Mày biết mấy thằng đi xe đạp không? Đã biết đi rồi thì bỏ cả hai ba chục năm vẫn phóng lên xe lái phom phom như thường. Tụi mày đừng lo, ngày xưa tao lái tàu bay đẹp như thế nào thì bây giờ tao lái tông đơ cũng ngon như vậy.
Tôi nhìn quanh một lượt. Tốt, ngoại trừ thằng Tiến vẫn nằm lơ đãng nhìn ra ngoài, xem ra ai cũng tin tưởng nơi tôi hoàn toàn. Người Việt Nam mình quả thật là dễ tin, dễ bị lừa dối. Chả trách gì cả một nửa nước Việt Nam bị Việt Cộng lừa dối trong bao nhiêu năm. Tôi qua đề tài thứ hai, ít rắc rối hơn:
- Mình sẽ hớt ngay tại phòng ngủ này. Thứ nhất, chúng mình sẽ vô nhà tắm công cộng mượn tạm cái gương lớn đem về đây. Chơi 2 cái luôn, một cái trước một cái sau cho nó có vẻ nhà nghề. Khăn choàng thì thiếu mẹ gì, mấy tấm ra đây cứ tha hồ mà xài. Lược thì có đủ. À quên, còn thiếu cái kẹp. Ngày mai đứa nào ra dây phơi đồ chộp vài cái cho tao. Nhớ lựa cái mới mới mà chộp. Tiệm hớt tóc của mình "nốp bồ" mà.
Lúc ấy tôi chẳng hiểu "nốp bồ" là gì, nhưng cũng nói đại vì thấy người ta hay dùng chữ này để chỉ những sự gì sang trọng quý phái. Thằng Hưng mập đưa ý kiến:
- Mình cũng nên có mấy cái ghế để khách đến có chỗ cho họ ngồi chờ.
Tiên sư, chưa mở được tiệm đã tính đến chuyện cho khách ngồi chờ rồi. Sao mà lạc quan quá thế! Tôi nghĩ vậy nhưng lại nói khác đi, ra vẻ đồng ý với nó:
- Thằng Hưng nói đúng. Mình phải lấy thêm mấy cái ghế cho khách ngồi chờ. Tiệm mình "nốp bồ" thì cái gì cũng phải "nốp bồ", phải bắt đầu "nốp bồ" từ cách tiếp khách....
Bây giờ đến cái phần quan trọng nhất là moi tiền đâu ra để mua cái tông đơ? Tôi đã đi PX một lần để... ngắm cảnh, biết ở Mỹ họ không có bán tông đơ tay mà xài toàn tông đơ điện. Tông đơ điện hớt rất nguy hiểm cho những người lạng quạng như tôi. Sơ xẩy một tí là dám đi luôn gần nửa mái tóc của người ta. Thằng Hạnh kiên nhẫn chờ tôi trả lời về vấn đề then chốt này. Tôi nhìn chúng nó, thông báo tiếp kế hoạch gây quỹ khóc thần sầu của mình:
- Về vấn đề tông đơ, tao có biết ông Lãm làm sở Mỹ ở Barrack 1701. Cha này có tiền nhiều. Tao sẽ đề nghị với chả bỏ tiền mua tông đơ cho mình. Một cái đầu 45 cents, mình lấy 25 cents, chả lấy 20 cents là tốt chán.
Thằng Hạnh thở phào nhẹ nhỏm, xem ra mộng cà phê thuốc lá của tôi có cơ thành tựu được. Nhưng nó vẫn chưa hết thắc mắc:
- Mày biết chả có chịu không?
- Chịu là cái chắc. Nếu chả không chịu, tao kiếm người khác. Đất Mỹ hiếm nhân tài chứ thiếu gì tiền.
Thằng Hưng mập có ý kiến:
- Tại sao phải 45 cents? Người ta hớt 50 cents mà.
Tôi lên mặt dạy dỗ:
- Cạnh tranh. Thương mại là cạnh tranh tối đa. Thương mại mà không có cạnh tranh là... độc tài cộng sản. Chúng nó hớt 50, mình chặt nhẹ 45 thôi, chúng nó chơi 30, mình lai rai 25 là đủ. Có vậy mới câu khách được.
Thằng Hạnh nhìn tôi khâm phục. Nó không ngờ có thằng bạn ghê quá, mới ngày nào đây còn lái tàu bay hộc xì dầu mà bây giờ đã "tài phiệt" ra gì.
- Có ai còn thắc mắc gì nữa không?
Cả phòng im lặng. Vậy là ăn tiền rồi.
Thật ra, có một điều đáng thắc mắc nhất mà chẳng đứa nào chịu hỏi là nếu tôi hớt hư đầu người ta thì lấy cái gì mà đền? Nếu chúng nó chất vấn câu này, tôi không thể nào trả lời được bởi vì chính mình, tôi cũng chưa biết xử thế làm sao trong trường hợp chết người đó....
Ngày hôm sau, tôi dậy sớm, ăn sáng xong là dắt thằng Hạnh tạt qua building 1701 để kiếm người bạn hùn vốn. Thằng Tiến vốn làm biếng, nhất định không thèm tham gia hay đóng góp gì hết vào tiệm hớt tóc nên nằm nhà. Phòng của Lãm ở lầu hai. Anh chàng này, tôi mới quen được cách đây vài tuần trong lúc chờ xếp hàng lãnh cơm. Gã cỡ 40 tuổi, đầu tóc hớt cao, nước da đen ngòm làm cho tôi có cảm tưởng gã là một anh cớm hơn là một người làm sở Mỹ. Lãm ít nói, khi cười thì hàm răng rít lại. Ngày nọ, gã đang xếp hàng trước tôi chờ lãnh cơm thì kẹt công chuyện gì đó phải bỏ hàng đi.
10 phút sau trở về, gã tính chui vô chỗ cũ thì bị một đám anh em quân nhân tưởng gã cắt hàng nên la ó phản đối, bắt gã phải xếp hàng lại từ đầu. Lãm càu nhàu đã tính bỏ đi thì tôi gọi lại, thanh minh thanh nga cho gã và mời đứng trước chỗ mình. Gã có vẻ thích tôi từ dạo ấy.Tôi có ghé lên building 1701 thăm gã một lần. Lăn lộn với đời, chỉ cần nhìn qua căn phòng là tôi biết gã này có nhiều tiền nhưng không muốn làm thân. Nụ cười với hàm răng rít chặt của gã làm tôi ngờ ngợ.
Hôm nay tôi đột ngột tới kiếm làm gã ngạc nhiên:
- Sáng sớm anh em lên thăm tôi có chuyện gì không?
Tôi kéo gã ngồi xuống giường rồi đi một đường cắt nghĩa về cái tiệm hớt tóc của tôi. Quả đúng như tôi nghĩ, anh chàng Lãm mừng rỡ nhận lời ngay. Cũng giống như thằng Hạnh, gã có ý nghi ngờ về tài năng của tôi:
- Anh ở Việt Nam làm nghề lái... phi công mà cũng biết hớt tóc à?
Tôi tưởng tượng ra ngay một hình ảnh thật đẹp:
- Nhà tôi có đến... 3 cái tiệm hớt tóc. Trước khi đi lính tôi đã phụ giúp gia đình cắt tóc như điên.
Gã móc trong túi ra bao thuốc lá Pall Mall. Tôi và thằng Hạnh nhìn nhau sẵn sàng để nếu gã mời là chúng tôi thò tay ra móc một điếu ngay. Nhưng gã làm như không nhìn thấy sự thèm muốn trong ánh mắt chúng tôi, bình thản móc ra một điếu thuốc rồi bỏ trở lại vào túi. Gã châm lửa. Mùi thơm của điếu thuốc bay ra, quyện lấy chúng tôi. Tôi thấy hoa mắt nhưng nhất định không mở miệng ra hỏi. Đường đường cũng là bạn làm ăn, xin thuốc lá coi nó kỳ quá. Gã tiếp tục phần phỏng vấn:
- Thế anh có biết ráy lỗ tai không?
- Thợ hớt tóc mà không biết ráy lỗ tai thì thợ con mẹ gì? Bảo đảm ráy không êm, không đê mê là không lấy tiền.
Sợ gã bắt tôi chứng minh liền thì khốn khổ nên tôi nói lấp đi:
Nhưng anh chưa biết luật bên Mỹ này, chỉ bác sĩ mới có quyền rờ vào lỗ tai người ta thôi. Không phải thầy thuốc mà mò mẫm lạng quạng là đi tù hết. Chán thật, đi hớt tóc mà không được ráy lỗ tai thì mất hết 80% cảm hứng....
Thằng Hạnh cũng phụ họa theo:
- Cần gì. Càng ít công việc càng đỡ rắc rối. Qua Mỹ, mình nên thực tế sống theo kiểu Mỹ.
Gã Lãm nhíu mày tính toán một lúc rồi mới nói:
- Tôi đồng ý. Anh biết giá một cái tông đơ bao nhiêu tiền không?
Thằng Hạnh mau mồm:
- Tụi tôi coi kỹ rồi, 12 đồng. Chỉ cần hớt chừng 2 tuần là anh sẽ lấy lại vốn.
Câu trả lời của Lãm làm chúng tôi ngạc nhiên:
- Cái anh nói là thứ tốt, cái rẻ nhất chỉ có 8 đồng. Nói thật với anh, tôi cũng đã có ý định này lâu rồi, nhưng chưa biết tìm thợ ở đâu ra thôi.
Tôi hơi buồn một chút. Tưởng mình đã khôn lanh, nào ngờ cái gã này lại còn khôn hơn mình. Gã đứng dậy, chìa tay ra:
- Mỗi cái đầu anh lấy 25 cents, tôi lấy 20. Dứt khoát nhé. Tối nay tôi đem tông đơ qua cho anh. Anh về chuẩn bị quảng cáo và các thứ lặt vặt đi.
Bắt tay xong, thằng Hạnh còn tính đứng lại gỡ gạc một điếu thuốc nhưng tôi kéo nó đi, bảo nhỏ:
- Mình là dân làm ăn, không để nó khinh được, ráng nhịn vài ngày nữa thì chúng mình tha hồ mà hút.
Chiều hôm đó, y lời hẹn, gã Lãm hí hững bưng cái tông đơ qua. Nhìn thấy tiệm hớt tóc dã chiến chúng tôi trang bị lộng lẫy, gã cười toét miệng:
- Tài thật mấy ông Không Quân! Đi đường tôi đã thấy quảng cáo dán khắp nơi. Tông đơ đây, mai... chúng ta bắt đầu nhé.
- Chưa được.
- Sao vậy?
- Ông muốn làm ăn lâu dài hay làm ăn... không lâu dài?
- Lâu dài chứ.
- Chúng tôi cần thì giờ để chuẩn bị, dợt lại nghề một chút cho nó nhuyễn tay. Không làm thì thôi, còn làm là làm cho nó đàng hoàng, cho nó "nốp bồ".
Mấy đứa trong phòng chỉ nhìn vào bao thuốc lá Pall Mall đỏ ké trong túi áo trên của gã. Nhưng gã lờ đi, đưa tông đơ cho tôi rồi cáo từ ra về.
Không bỏ phí thì giờ, tôi dắt cả bọn ra khu cầu tiêu, bắt ghế trước mấy cái lavabo có gương để thực tập liền. Tôi dụ khị thằng Hạnh:
- Mày dù gì cũng là bạn bè thân thiết trong phi đoàn với tao, mày ngồi lên để tao hớt trước.
Con nhà Hạnh khôn như quỷ, dại gì đưa cái đầu cho một thằng tự xưng là thợ hớt tóc thí nghiệm, nó kiếm cớ thoái thác ngay:
- Từ từ đã, tóc tao chưa dài, mày hớt đứa khác đi.
Biết tính nhau ai bằng bạn bè, tôi bất mãn lắm nhưng đâu có làm gì được. Nhưng may cho tôi, thằng Hưng mập xung phong ngồi liền. Chao ôi, không ngờ trong cuộc đời tị nạn này vẫn còn nhiều tráng sĩ can đảm không thua đời xưa. Tôi chịu tráng sĩ Kinh Kha bao nhiêu thì cũng phục thằng này bấy nhiêu. Gần..trọc đầu đến nơi mà vẫn biểu lộ được phí khách của con người. Tôi cắm điện cái tông đơ, lẩm bẩm vài lời cầu kinh với thượng đế rất chân thành rồi... rón rén bắt đầu. Tôi có cảm giác y hệt như ngày xưa xa lắm, lúc lao chiếc phi cơ xuống rừng phòng không địch để bắn trái róc két đầu tiên của cuộc đời phi công. Phải công nhận, con người trời sinh ra có một khả năng tự vệ phi thường trong những trường hợp như vậy. Đã mấy chục năm nay, tôi có bao giờ cầm tông đơ đâu mà tối đó, thí nghiệm cái đầu của thằng Hưng mập đẹp quá sức tưởng tượng. Sau 3 tiếng đồng hồ cặm cụi, lúc nghiêng phải, lúc uốn mình sang trái, lúc khác lại nhảy nhỏm lên khi cái tông đơ điện đi một đường hơi sâu, tôi hoàn thành tác phẩm dưới những cặp mắt thán phục của bạn bè. Thằng Hạnh, đứa nghi ngờ khả năng tôi nhất bây giờ lại là thằng to miệng tán thưởng tôi nhiều nhất làm tôi tưởng mình là thợ hớt tóc thật. Nó chìa tay ra, giọng cảm động:
- Tao xin lỗi mày.
- Mày làm gì?
- Ngày hôm qua tao đã trót dại coi thường và nghi ngờ khả năng của mày. Tao không ngờ mày là con nhà... phó cạo thật. Tao phục mày quá, mày cho tao xin lỗi.
Tôi thấy có cái gì nhức nhối trong tim. Vừa mất nước, từ một ông thiếu úy phi công xuống làm thằng di tản buồn tháng trước bây giờ lại được tặng câu khen thưởng là "con nhà phó cạo thật". Đời tị nạn sao nhiều oan khiên thế này hỡi trời, chỉ 2 tháng mà bị xuống luôn 2 cấp. Tôi đóng trọn vở kịch:
- Thì tao đã bảo chúng mày mà, tao có máu phó cạo trong người thật.
Chúng nó bu xung quanh thằng Hưng mập, bàn tán, xuýt xoa phê bình. Tôi thấy mặt mũi đứa nào cũng rạng rỡ. Hình ảnh người tị nạn hạnh phúc có gói Pall Mall trong túi áo chắc đã vừa tầm tay. Chờ cho chúng nó tiêu hóa xong niềm vui, tôi nói với cả bọn:
- Bây giờ khuya rồi, đứa nào phụ trách vệ sinh phải lo dọn dẹp. Ngày mai ai muốn hớt tóc.
Lần này thì 4, 5 bàn tay cùng giơ cao lên một lượt, có cả bàn tay của thằng Hạnh mới là ly kỳ:
- Tao. Tao tình nguyện, ngày mai mày hớt tao trước đi.
Tôi đã tính vênh váo từ chối cho bỏ ghét nhưng nghĩ lại, tôi rộng lượng gật đầu:
- Ừ, mai tao hớt cho mày. Ăn sáng xong về mình bắt đầu liền. Thực tập hết ngày mai, ngày mốt mình có thể khai trương tiệm hớt tóc được.
Tối hôm đó, lần đầu tiên kể từ ngày di tản, tôi gối đầu trên hộp tông đơ ngủ một giấc ngon lành.
Hôm sau, tôi và thằng Hạnh bắt đầu rất sớm. Chúng tôi tính hớt ngay tại phòng nhưng vì thấy nhiều người còn ngủ, đành phải xách ghế ra khu nhà vệ sinh. Sáng sớm, tôi để ý thấy sự lưu thông trong khu nhà cầu công cộng này rất nhộn nhịp, khác hẳn tối hôm qua. Đúng ra, chúng tôi không nên bắt đầu sớm như thế vì buổi sáng là giờ của người ta hay giải quyết các vấn đề đi cầu và rửa mặt. Ai đi qua gặp chúng tôi cũng đều tỏ vẻ khó chịu.Người Việt mình khác với các dân tộcTây phương, không bao giờ được tự nhiên khi hưởng thụ cái đệ tứ khoái ở những nơi công cộng có nhiều người. Thậm chí, có người khó tánh còn ngồi trong cầu nói nhiều câu xách mé ra ngoài, ngụ ý chửi chúng tôi. Trong nhà cầu lúc ấy chỉ có vài thứ âm thanh: Gần nhất là âm thanh của cái tông đơ điện, nghe rè rè và êm ái. Rồi đến tiếng nước chảy, nghe rõ có hai loại khác nhau. Một loại chảy ra từ rô bi nê và một loại chảy ra từ... người. Chói tai nhất là loại tiếng động chúng ta vẫn thường nghe khi ném một vật gì nặng xuống nước ở một cao độ thấp. Xen lẫn với những âm thanh này là những tiếng thở phì phò và thỉnh thoảng tiếng giựt nước cầu tiêu. Đã mấy lần, tôi tính bảo thằng Hạnh dời vào phòng ngủ mà hớt tiếp nhưng nghĩ đến việc phải dọn dẹp sạch sẽ trước khi đi, hơn nữa đầu thằng Hạnh đang dang dở, một bên trắng bên đen coi rất nham nhở, nên lại thôi.
Làm việc với những thứ âm thanh ghê gớm như vậy bên tai, làm sao khỏi bị chia trí. Nếu là tay phó cạo thật chưa chắc đã hớt được đẹp, huống gì ông thợ cạo lại là người đã mười mấy năm chưa sờ đến cái tông đơ. Chỉ sau 15 phút "lái tông đơ," tôi hốt hoảng nhận ra cái đầu của thằng Hạnh đã loang lỗ như đồi... Charlie, với đầy đủ hình ảnh những hố bom và giao thông hào chằng chịt dọc ngang. Tôi tái mặt. Thằng Hạnh cũng tái mặt, còn tái hơn tôi. Thế này thì trời hại 2 thằng phi công tị nạn rồi. Thằng Hạnh khôn lắm. Nó rán giữ miệng, không thèm nói gì cả, vì biết nói ra chỉ làm tôi cuống quít thêm. Bây giờ thì phải nói là tôi không còn hớt tóc nữa mà đang làm công việc sửa chữa các giao thông hào, lấp các hố bom bằng tông đơ trên đầu thằng bạn khốn khổ. Tay và chân tôi mõi rã rời, mồ hôi đổ hột, nhỏ xuống cả lớp khăn choàng. Khổ nổi, tôi như con muỗi đã bị lọt vào tổ nhện, càng loay hoay tháo gỡ, càng lọt sâu vào đám dây tơ chằng chịt. Cái đầu thằng Hạnh mỗi ngày một ngắn hơn mà chẳng thấy đẹp hơn chút nào. Tôi có bao giờ ngờ được cuộc đời anh phó cạo lại cay đắng đến như thế này.Ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần bước vào tiệm hớt tóc, tôi nghênh ngang như một ông tiểu tướng. Hớt xong, tôi quẳng ra trăm bạc nhưng luôn luôn nghĩ rằng giá tiền đó quá cao cho một người chỉ đứng biểu diễn tông đơ trong 15 phút. Bây giờ, tôi chỉ mơ ước được xuất thân là "con nhà phó cạo" chính tông để giải quyết được cái đầu thằng bạn tôi. Ôi, đẹp biết chừng nào những bàn tay... phó cạo.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ đau khổ và kiên nhẫn ngồi im nhìn tôi xây dựng lại những đổ vỡ... trên đầu nó, thấy mái tóc mình càng ngày càng trở nên trắng ra, thằng Hạnh biết đã đến lúc phải tốp tôi lại. Thật ra lúc ấy không ngừng cũng không được, vì cái đầu nó còn chỗ nào có tóc đâu mà sửa? Nó cay đắng mở miệng mà mồm méo xệch đi:
- Đù mẹ mày chơi ông!
Tôi cứng họng, vừa hối hận vừa buồn. Nó nói vậy chỉ để mà nói vì nó biết tôi nãy giờ hì hục lúi cúi sửa chữa cho nó.
- Đù mẹ tốp lại đi. Tháo khăn ra, ông đấm vỡ mặt mày.
Tôi lẳng lặng tắt cái tông đơ, tháo khăn ra, cũng chỉ mong nó đấm vào mặt mình một cái cho tôi đỡ bị lương tâm dày vò. Nhưng nó không đấm, chỉ đứng nhìn vào tấm gương, lấy tay xoa xoa tóc rồi thở dài não ruột:
- Đù mẹ mày chơi ông. Mày hớt thế này thì ông còn dám nhìn ai. Đù mẹ hỏi thật với mày, ở VN mày có thù oán ông cái gì không? Đù mẹ mày giết ông rồi!
Như để đổ thêm dầu vào lửa, có vài người vào khu vệ sinh, nhìn thấy đầu thằng Hạnh,không nín được liền bật cười lên thật to.Mãi đến lúc đó tôi mới thấy rằng ai nhìn thấy nó mà không cười ré lên thì kẻ đó chắc bị bệnh thần kinh nặng. Chính tôi là người đang nát tan ruột gan mà cũng không nhịn được. Đằng nào cũng đã lỡ, tôi đành chìu theo bản năng, để những tiếng cười sằng sặc tuôn ra một lần. Từ khi di tản, đây là lần đầu tiên tôi được cười một trận ra gì. Thằng Hạnh càng lộn gan:
- Mày mà cũng cười được à thằng "giặc lái khốn nạn?" Đù mẹ đồ đểu cáng, ông biết mày chơi ông mà, coi chừng ông đá bỏ mẹ mày. Giá còn cây súng ông phơ cho một phát chết nhăn răng ra rồi tới đâu thì tới.
Nó vừa nói vừa nhìn vào tấm gương, rờ đầu rờ tai nhăn nhó khổ sở. Chả mấy chốc, tụi thằng Hưng Mập, thằng Hùng cũng đã có mặt tại chỗ. Đứa nào cũng ôm bụng cười no nê.
Tôi đứng sát bên thằng Hạnh năn nỉ nói với nó bằng tất cả sự thống thiết và chân thành của một con người:
- Tao xin lỗi mày. Số mày xúi quẩy làm sao đó. Mày thấy không, tao đã cố gằng hết sức....
Nhìn thấy cái đầu của Hưng mập đẹp đẽ ngon lành, thằng Hạnh lại đau đớn:
- Đù mẹ mày chơi ông, sao tối qua mày hớt cho thằng Hưng đẹp vậy?
- Không phải đâu, tại tối qua tao cố gắng quá sức.
- Thế hớt cho ông, mày không cố gắng quá sức được à?
- Không phải, tại tao chia trí. Giá hồi sáng mình hớt ở trong phòng thì đâu đến nỗi nào.
Vốn là một đứa biết lo xa nên vừa năn nỉ nó tôi vừa nghĩ đến những "hậu quả thương mại" của vấn đề. Nếu để thằng Hạnh đem cái đầu như thế này ra ngoài cho thiên hạ nhìn thấy thì tiệm húi cua của chúng tôi chưa mở cửa coi như sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Húi đẹp vậy, họa có bọn bộ đội ngu dốt của bác Hồ mới thèm mò đến cho tôi cắt tóc. Chờ cho nó nguôi nguôi, tôi bèn đem thực tế ra "lễ phép trình bày". Con nhà Hạnh tuy vừa bị một vố ra gì nhưng rất khôn ngoan và vẫn còn tin tưởng nơi tôi lắm, nhất quyết không để cái hình ảnh thê thảm sáng nay làm mờ đi cái hình ảnh đẹp tuyệt vời của người tị nạn với gói Pall Mall trong túi áo. Nó chắc lưỡi, vẫn còn hậm hực:
- Tao mà ra đường như thế này thì con nít gặp nó cũng khóc thét lên, nói gì đến chuyện có thằng ngu nào dám đến hớt tóc.
- Đúng đúng, vậy tao mới phải bàn với mày. Bây giờ tính sao?
- Phải đem cái đầu này nhờ thợ sửa.
- Mày làm gì có tiền?
- Trước khi di tản, vợ tao có dúi vào tay tao 5 đô, tao ghiền thuốc đốt hết 3 đồng, còn lại 2 tính để phòng khi đau ốm và khẩn cấp. Trường hợp này là... đại khẩn cấp rồi.
Ghê gớm thay cái thằng Hạnh. Nếu tôi biết nó còn 2 đô la thủ kỹ trong người mà sáng sáng phải cuốc bộ 3-4 dặm đường đi xin thuốc thì tôi đã từ nó rồi. Phi công Việt Nam nổi tiếng hào hoa phong nhã, sao lại có một thằng bần tiện lọt vào đây?
Nó ôm quần áo chui vào nhà tắm vặn nước, nói vọng ra:
- Mày phải kiếm cho tao một cái mũ, nếu không có thì lấy đỡ cái khăn cũng được. Tắm xong là tao đi liền. Phải... di tản khỏi đây liền lập tức trước khi người ta gọi tao là Hạnh... thầy chùa.
Và nó đi thật. Thằng Hạnh đi mãi đến tối mịt, mọi người đã lên giường cả mới trở về. Chúng tôi ào ra bật đèn lên.
- Dỡ mũ cho tao coi cái đầu cái nào. Thợ sửa có đẹp không?
Thằng Hạnh dỡ cái mũ lưỡi trai nhà binh mà giờ này coi rất là lố bịch với bồ đồ civil ra. Thằng Tiến phê bình câu đầu tiên:
- Đù mẹ tưởng thợ sửa ra sao, sửa vậy thì có hơn gì thợ nhà.
Thằng khác góp ý:
- Coi đỡ hơn hồi sáng nhưng nếu cạo trọc thì vẫn đẹp hơn.
Một đứa khác:
- Trọc mẹ nó rồi chứ còn nếu gì nữa.
Tôi ngồi yên trên giường, "mặc cảm tội lỗi" tràn trề hơn hồi sáng vì sau khi nó đi, tôi có thực tập thêm hai cái đầu nữa, cái nào coi cũng tạm được. Chỉ nhìn thoáng một vòng, con nhà Hạnh nhận ra ngay. Nó ngồi xuống giường, cởi đôi giày, thảy gói Pall Mall lên giường tôi:
- Tao mới mua bao thuốc lá đấy hút đi. Đù mẹ, mở tiệm hớt tóc tiền vô đâu chưa thấy, đã thấy đầu tao bị cạo trọc lóc và mất tiêu hết đồng bạc quý giá của vợ tao. Chúng mày mỗi đứa rút một điếu thôi, xong rồi trả lại bao thuốc lá đây.
Chúng tôi ngồi quây quần hút thuốc lá. Thằng Hạnh lui cui gói mấy bộ quần áo. Dù đã tan nát ruột gan, nó vẫn không quên chuyện "đại sự", hỏi:
- Ngày mai khai trương được chưa?
- Được rồi. Thằng Hưng mập có nhờ cả thầy bói coi ngày nữa, thầy phán đại cát lia lịa.
Đột nhiên, nó nói:
- Ngày mai tao đi, dọn lên tuốt khu 1000 ở cho "xa vắng thế tục."
Bốn năm cái mồm cùng ồ lên một tiếng. Thằng Hạnh mồi điếu thuốc lá:
- Chúng mày coi xem, cái đầu tao như thế này ở đây đâu có tiện. Sáng giờ, tao đi đâu cũng cứ thập thò như thằng ăn trộm, chỉ sợ gặp em Trang thì khốn nạn.
Đã có 2 vợ ở Việt Nam, giờ lại Trang nào nữa đây? Thằng... trọc này, cứ lâu lâu là nó xì ra 1 chuyện bí mật. Nó đểu hơn tôi nhiều.Cả tháng nay, thấy mặt nó lúc nào cũng u sầu, tưởng rằng nó nhớ vợ con, ai ngờ chưa gì đã quen được em Trang nào rồi. Nhưng câu nói của nó chạm tính tò mò của chúng tôi. Đứa nào cũng xích lại gần một chút, mắt tròn xoe hy vọng nó sẽ nói tiếp.
- Phải em Trang con ông Đại Tá Khanh ở lầu 2 không?
- Ừ!
Thằng Tiến buột miệng:
- Mẹ, đừng có trèo cao quá mà có ngày té nặng. Em thơm như thế, sức mấy mà em thèm mê cái thằng vô tài bất tướng như mày?
Thằng Hạnh chống chế:
- Thì tao có bảo là em mê tao đâu. Tao đang ở giai đoạn một, sắp sửa bước vào giai đoạn hai thì bị cái tai nạn này. Đù mẹ tao chán thằng Nhị quá. Tao tính rồi, lên khu 1000 xa vắng, có thể tu thân được, lại gần gũi thằng Minh, đỡ phải nhịn thuốc.
Kinh thật ông phi công tị nạn này, nó đi o mèo mà cũng chia ra làm hai ba giai đoạn như đi đánh giặc.
- Mày tính đi luôn à?
Thằng Hạnh nhìn tôi, bỉu môi:
- Luôn sao được? Bỏ em Trang lại đây cho chúng mày sơi tái à. Liệu hồn, vài tuần nữa tóc dài ra là tao trở lại. Thằng nào muốn tán em, ông cho phép, cứ việc tán thả dàn nhưng cấm không được nham nhở, cấm không được nói xấu người vắng mặt. Em là gái nhà lành, không quen la cà với bọn lính tráng mất dạy như chúng mày.... Tao cũng cần thông báo cho chúng mày 1 tin buồn quan trọng nữa: Tao biết em chỉ có cảm tình với tao thôi....
Thằng Tiến phản đối:
- Thằng... trọc, đừng có chủ quan khinh địch quá, coi chừng có ngày chết.
- Ông chẳng khinh thằng nào cả. Đấy, thằng nào muốn vào em thì xin cứ tự nhiên, ông long trọng thách thức chúng mày đấy.
Thằng Tiến ngồi trên giường cười một mình. Mãi sau này, tôi mới hiểu nụ cười của nó.Câu chuyện xoay sang đề tài gái. Thằng Hạnh nhất định ra đi thật. Nó nhắn tôi:
- Mỗi ngày mày nhớ lên thăm tao.
Dù sao thì tôi cũng là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự ra đi của nó, nên gật đầu:
- Mày đừng lo. 2 ngày một lần tao sẽ đi... "thăm nuôi" mày. Mà trên đó cũng thiếu gì người, thiếu gì con gái đẹp, sao lại bảo là đi "xa lánh thế tục?"
Thằng Hạnh thở dài:
- Thằng Minh nó hại tao. Nó có đứa em gái, sợ em nó mê tao thì khổ nên đã đồn rầm lên rằng tao đã có vợ nên ai cũng biết. Sơ múi gì được nữa....
Ngày khai trương tiệm hớt tóc của tôi có đầy đủ văn võ bá quan, chỉ thiếu thằng Hạnh. Gã Lãm còn đem qua một hộp dầu thơm rẻ tiền để yểm trợ tinh thần. Rút ưu khuyết điểm từ cái đầu thằng Hạnh, tôi cứ theo chiến thuật "vết dầu loang" của bộ binh mà lái tông đơ chạy đều đều. Bắt đầu, tôi chỉ hớt ngắn ngắn ở vòng ngoài, thấy đẹp mới "vào sâu" thêm chút nữa. Vì cẩn thận nên cái đầu thứ nhất tôi mất khoảng gần 3 tiếng đồng hồ. Kết quả rất khích lệ. Nhận 45 cents và một lời cám ơn từ tay người khách, tôi mừng quá muốn hét to lên một tiếng. Lần đầu tiên trong cuộc đời tị nạn, tôi làm ra tiền. Bọn thằng Hưng và Hùng cũng vui không kém. Chỉ có thằng Tiến là chẳng nói chẳng rằng, vẫn lơ đãng nằm ngó ra ngoài sân.
Ngày đó, tôi hớt tất cả 3 cái đầu. Đúng như thầy bói coi, "đại cát" không thể tả, còn đến 3-4 người chờ, tôi phải hẹn họ ngày hôm sau. Chưa bao giờ được xài tiền Mỹ, tôi phải loay hoay lựa mãi mới đếm được 60 cents đưa cho gã Lãm. Gã cười rạng rỡ, khen tôi rốt rít rồi hứng tình, móc bao Pall Mall đỏ ké trong túi mời anh em chúng tôi mỗi đứa một điếu. Tôi học thêm được một bài học ở trường đời. Nếu mình thành công thì ai cũng xum xoe điếu đóm, còn nghèo hèn thì ra ngồi ở giữa chợ suốt ngày cũng chả có ma nào mò đến bắt tay.
Dọn dẹp đồ đạc và làm sạch sẽ xong, với 75 cents còn lại, tôi và mấy thằng bạn kéo ra Hitching Post. Rủ thằng Tiến đi luôn, nhưng nó từ chối. Có lẽ nó bị "mặc cảm dày vò" vì đã không hết lòng hưởng ứng chương trình làm ăn của tôi. Kệ nó, chúng tôi kéo ra khỏi phòng. Đường từ barrack đến tiệm giải khát quân đội Mỹ cuốc bộ chỉ mất 10 phút, tôi đã đi nhiều lần, nhưng chiều nay tôi thấy khác hẳn. Tôi thọc tay vào túi, miệng huýt sáo, vừa đi vừa nhún nhẩy dáng điệu như anh chàng công tử du xuân.Tôi thấy mình xứng đáng được liệt vào hạng "tư bản" hay "tài phiệt" gì đó của Mỹ Quốc.Thì tôi chẳng vừa từ hai bàn tay trắng mà tạo nên cơ nghiệp là gì?
Tôi đã tính kỹ với số tiền 75 cents này rồi. Thứ nhất mua 3 bao thuốc lá Pall Mall. Với giá PX rẻ rề, 20 cents một gói, mua ba gói, tôi còn dư được 15 cents. Cái khoản này tôi dự tính chỉ để riêng cho tôi. Sáng mai, tôi sẽ oai vệ bước vào đây mua một ly cà phê nóng, đem ra ngồi nơi bàn nhâm nhi. Tôi thèm đến chết được cái thông lệ ngồi nhâm nhi cà phê sáng với điếu thuốc lá trong tay. Cái hình ảnh thật tầm thường của ngày xưa, ngày nay bỗng trở thành một giấc mơ to lớn.
Cầm 3 bao thuốc lá trong tay, tới quày tính tiền, dù biết là thừa thãi, tôi vẫn muốn biểu diễn 1 màn nói tiếng Mỹ cho cái đám lính trẻ này nó khiếp. Cái tật thích dợt le của tôi từ ngày còn ở VN sang đến đây vẫn không bỏ được:
- Madam, would you please tell me how much do I owe you?
Cô bán hàng người Mỹ không hiểu hỏi lại:
- What?
- Madam, would you please tell me how much do I owe you?
- What?
Nói xong cô ta tròn cặp mắt xanh nhìn tôi dáng điệu rất khổ sở. Tôi đỏ mặt. Hàng mua đồ rất dài và phía sau lưng tôi đã có vài giọng giục giã. Đù mẹ, tiếng Mỹ sao mà khó nói thế này. Chỉ một câu đơn giản như vậy mà nói nó vẫn không hiểu, mai mốt ra trại biết ăn nói thế nào đây? Tôi cố gắng thử một lần chót:
- I... tell you... madame, how much do I owe you?
Lần này con Mỹ lắc đầu, nhìn tôi nhăn nhó:
- Sorry, I can't understand you. Is there any body understanding this guy?
Thế này thì xệ quá. Tính dợt le với đám bạn bè cho chúng nó thấy tôi là thằng văn hay chữ tốt, hóa ra lại bị lột mặt nạ. Cáu quá, tôi dí 3 gói thuốc lá vào mặt con Mẽo ngu si kia, hét to lên.
- How much?
Lần này thì nó hiểu ra, vừa bấm máy tính tiền vừa gật đầu lia lịa:
- Sorry. I thought you asked me about something else. It's 60 cents.
Nó nói một tràng dài, tôi chỉ nghe được hai tiếng "sorry" và "60 cents". Phần còn lại, nó nói thì nó tự mà hiểu lấy, tôi không hiểu được.
Vừa bước khỏi tam cấp của Hiching Post là chúng tôi làm thịt gói thuốc lá đầu tiên liền. Nhìn những cặp mắt hăm hở, những bàn tay run run nâng niu từng điếu thuốc, tôi thấy rằng cuộc phiêu lưu... hớt tóc quả thật có ý nghĩa. Ít nhất, tôi cũng làm cho 4, 5 đứa bạn bè được sung sướng. Chúng tôi ngồi trên vệ cỏ, dưới tàng cây, đốt thuốc lá Mỹ nhìn mặt trời... Mỹ đang từ từ chìm xuống. Sau vài giây phút "say men chiến thắng", khói thuốc lá se sắt làm lòng tôi lại hướng về quê hương nghèo nàn mà mình vừa bỏ lại. Cũng một mặt trời đó, ở Việt Nam giờ này, tôi không biết các bạn bè của tôi kẹt lại khi nhìn thấy nó sẽ nghĩ gì?Tôi đau đớn nhận ra một điều là kể từ nay trở về sau, niềm vui trong chúng ta sẽ chẳng thể nào trọn vẹn được, luôn luôn thấy mất mát một cái gì....
- Hết điếu thuốc, tụi mình đi "thăm nuôi tiếp tế" cho thằng Hạnh.
Một thằng ý kiến:
- Xa quá, thôi để mai đi.
Thằng khác:
- Không được, không nhờ cái đầu thằng Hạnh, mình đâu có thành công.
Thế là chúng tôi lên đường. Nước Mỹ là một nước vĩ đại nên cái gì cũng vĩ đại, từ con người cho đến... trại lính. Trại Fort Chaffee là trại huấn luyện của bộ binh mùa đông của lục quân Hoa Kỳ. Khu cư trú là một dãy với hàng trăm căn nhà mà từ đầu đến đuôi dài có đến 4-5 dặm. Chúng tôi ở cuối khu, thằng Hạnh "đi tu" ở mãi gần cổng ra vào, phải cuốc bộ gần 2 tiếng mới tới. Có đi như thế này mới thấy thương thằng bạn khốn khổ.Con đường kiếm cơm trong tương lai chưa biết thế nào chứ con đường kiếm thuốc lá lẻ của những ngày đầu tị nạn quả thật trần ai.Chân bước mỏi rã rời mà vẫn chưa thấy đâu. Đến nơi, trời đã chạng vạng nhưng tìm nó không khó lắm vì đã biết building, cứ vào đấy hỏi ông... đầu trọc mới dọn lên đây ở thì ai cũng biết.
Gặp tôi, nhìn thấy bao thuốc lá Pall Mall đỏ chói trên túi áo nó hớn hở ra mặt. Đúng điệu không quân, nó đưa một ngón tay trỏ chỉ lên trời và cười toét miệng. Chúng tôi cũng làm dấu hiệu tương tự rồi kéo nhau ra ngoài, ngồi hút thuốc lá dưới tàn cây và tán dóc. Thằng Hạnh xem ra đã hết cay cú về cái đầu trọc. Nó hỏi tôi:
- Khá không mày?
Thằng Hưng mập trả lời thế:
- Ngày đầu mà được 3 cái, còn mấy người tới nữa phải cho về.
Thằng Hạnh vỗ vai tôi, bốc:
- Tuyệt!Tao đã biết là thế nào mày cũng thành công mà.
Đúng là thằng không có lập trường, mới được hút vài điếu thuốc lá lẻ mà "nhân sinh quan" của nó đã đổi thay rồi. Tuy khoái chí lắm nhưng nhìn thấy cái đầu trọc của nó, tôi ngượng ngùng không dám trả lời. Tôi đưa cho nó bao Pall Mall mới tinh chưa bóc, ân cần dặn dò như đi thăm tù nhân thật:
- Phần của mày đây, ráng liệu mà hút cho đến ngày mốt tao mới lên "thăm nuôi" được. Lần tới nếu khấm khá tao còn có thể cho mày mấy chục cents đi uống cà phê vung vít....
Con nhà Hạnh cười híp mắt lại với cái hạnh phúc "cà phê thuốc lá" đơn giản, hỏi tôi:
- Thằng Tiến đâu rồi?
Tôi lắc đầu, lên mặt đàn anh:
- Cái thành phần biếng nhác và an phận đó nhắc tới làm gì, sang tới Mỹ rồi chứ đâu phải còn như ở Việt Nam mà sống lè phè như vậy. Chắc nó đang nằm ngủ hay lại đi cua đào.
- Con nào thèm mê hạng người như nó mà đòi cua. Thằng đó chẳng bao giờ khá được.
- Khá hay không thì tao không biết nhưng sang Mỹ mà tà tà kiểu đó thì chỉ có chết đói.
Chợt nhớ ra cái gì, con nhà Hạnh hỏi tôi:
- Mày có gặp em Trang của tao không?
Đã 2 ngày tôi không thấy em nhưng cũng phịa cho nó vui lòng:
- Em vẫn phây phây, chờ mày trở về.
Thằng Hạnh đưa tay lên sờ đầu:
- Người ta nói bên Mỹ này ăn uống nhiều đồ bổ nên tóc mọc mau lắm. 2 tuần nữa là tao có thể "hạ sơn" trở về được.
Nhìn ra xa xa, nó nói một câu làm tôi giật nẩy mình:
- Tao sẽ cưới em Trang!
Trong một giây phút, tôi muốn giật lại bao thuốc lá vừa cho nó. Người ta đồn lính không quân đa tình chưa đủ, phải thêm chữ bạc tình mới đúng. Tiên sư, mới xa 2 bà vợ có 2 tháng mà đã ăn nói "vô liêm sỉ" như thế rồi. Nhưng tôi bình tĩnh được ngay vì tôi chấp cả lò nhà nó cũng không thể nào vô nổi em Trang. Tuy không nói ra, tôi vẫn luôn luôn cho rằng chỉ có mình tôi là người xứng đáng nhất. Lúc chia tay, thằng Hạnh cười rạng rỡ:
- Mày ráng...hớt tóc. Tao ở trên này buồn quá vì ai cũng biết đã có vợ, lại thêm cái đầu trọc nên ít dám đi đâu....
Gần 2 tiếng đồng hồ cuốc bộ về nhà,đầu óc tôi tự nhiên miên man nghĩ đến thằng Tiến. Tuy nó không hợp tác, nhưng dù sao cũng là bạn bè thân thích và là kẻ có lòng. Hình như "sách có câu" đại khái như là "...phú quý không bỏ bạn bè". Chiều nay, với mấy chục cents trong túi, tôi cảm thấy mình phú quý thật, phải giữ lời cổ nhân dạy. Tôi sẽ chia sẻ sự phú quý của tôi với nó. Nhưng về tới barrack kiếm nó không thấy, giường còn bỏ trống. Tay chân rã rời sau một ngày lao động và cuốc bộ, tôi leo lên giường ngủ ngon lành.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, mồm ngậm điếu Pall Mall, hai tay thọc sâu vào túi quần tà tà bước ra Hitching Post mua ly cà phê như một kẻ phong lưu thừa tiền dư bạc. Kiếm một chỗ ngồi rộng rãi thư thái, tôi rình rang chuẩn bị tận hưởng giây phút trang trọng nhất của buổi sáng: Uống cà phê và hút thuốc lá. Tôi cúi đầu xuống chiêu ngụm cà phê mua bằng tiền của mình làm ra lần đầu kể từ ngày tị nạn. Khi ngửng mặt lên, chút xíu nữa thì ngụm cà phê tôi vừa uống phun đầy xuống sàn nhà. Trước mặt tôi, xéo xéo phía trong một chút, thằng Tiến đang ngồi tư tình với em Trang. Không hiểu chúng nó quen nhau lúc nào mà coi có vẻ thân tình quá đỗi. Anh dũng như tôi, đã xông pha trăm trận đánh khắp vùng 2 chiến thuật mà khi nhìn thấy hình ảnh đó, mặt vẫn méo đi một cách thảm hại vô cùng. Hình như tay nó đang vuốt ve tay cô nàng mới là bỏ mẹ chứ.
Dù chưa bao giờ mở miệng ra tán tỉnh em, tôi thấy tự ái mình bị tổn thương trầm trọng. Bây giờ tôi mới hiểu được nụ cười bí mật của con nhà Tiến cách đây mấy ngày. Tôi tính bước qua bàn nó nói vài câu xã giao nhưng lại thôi. Trong đời, tôi ghét nhứt những thằng giả dối, những thằng thất tình ruột đau như cắt mà ngoài mặt vẫn giả vờ cười cười nói nói với tình địch. Tôi chỉ muốn ôm kín nỗi buồn cho riêng tôi thôi.
Trên đường lủi thủi về lại barrack, tôi cố gắng xua đuổi hình ảnh "hai đứa chúng nó mùi mẫn bên nhau" nhưng không thể được. Tôi lại thắc mắc không hiểu rằng cái thằng Tiến này, nghèo kiết xác như chúng tôi, lại là con bà phước thì đào đâu ra tiền mà cà phê cà pháo vi vút với em như thế? Thôi đúng rồi, tiền của em Trang chứ của ai vào đây nữa? Ngày xưa, tôi đã từng nghe thiên hạ nói câu "cơm no bò cưỡi", bây giờ mới thấy câu nói đó thật thấm ý nghĩa. Cái đau đớn nhất, người cưỡi bò đã chẳng phải là tôi.
Ngày hôm đó, với cõi lòng nát tan trong người, cố gắng lắm tôi mới hớt được 2 cái đầu. Một người lớn và một đứa bé. "Đời vắng em rồi, hớt tóc cho ai?" Thỉnh thoảng tôi lẩm bẫm đọc lại câu thơ nổi tiếng của Vũ Hoàng Chương mà tôi đã sửa lại cho nó hợp với hoàn cảnh mình. Buổi tối, tôi đi ngủ sớm. Ngủ cho quên nỗi buồn.
Hôm sau, vừa đi uống cà phê về thì thằng Hưng mập chạy ra, khều tôi:
- Đù mẹ có chuyện rồi.
- Chuyện gì?
- Ông trưởng barrack hồi nãy đến kiếm ông.
- Hớt tóc hả?
- Không biết, hình như là chuyện... gì đó.
Tôi đoán ông ta đi kiếm tôi để hớt tóc nên không để ý lắm. Tôi vừa kéo ghế, sửa soạn đồ nghề thì ông trưởng Barrack bước vào. Tôi liền toét miệng biểu diễn nụ cười cầu tài đúng điệu phó cạo, chỉ cái ghế. Ông ta lắc đầu, đưa cho tôi cái thư, cười nhỏ nhẹ:
- Qua tới đây không phải để hớt tóc đâu em.
Tôi cầm lấy lá thơ, ngạc nhiên khi nhìn thấy hai ba cái dấu hiệu của cơ quan chính quyền trại FortChaffee trên phong bì. Tôi vừa mò từng chữ đọc, vừa hỏi:
- Họ muốn gì đây?
- Qua nói em đừng buồn. Cái thư họ muốn em đừng hớt tóc ở trong nhà nữa, vì mất vệ sinh và trái luật lệ.
Tôi thấy xây xẩm mặt mày. Thằng Hưng mập hỏi:
- Vậy đem ra ngoài khu nhà vệ sinh hớt được không?
- Cũng không luôn. Tóm tắt, từ nay nếu có ai hớt tóc thì phải lên khu hớt tóc mà hớt. Mấy em thông cảm cho qua, qua chỉ biết làm phận sự.
Khỏi cần đọc tiếp, tôi vò lá thư ném đi. Ông trưởng trại nói vài câu thanh minh thanh nga rồi rút êm. Cả bọn chúng tôi ngồi bên nhau, ôm đầu rầu rỉ. Thằng Hùng Tây lai cho ý kiến:
- Hay là mình cứ hớt đại đi, cứ cho người canh thật kỹ, thằng nào biết mà sợ?
Tôi lắc đầu:
- Cho tao can. Mình mới sang đất Mỹ, không biết luật pháp bên này làm sao, không thể liều mạng như kiểu ở Việt Nam được.
Chẳng còn giải pháp nào cả, anh em chúng tôi đành thu dọn đồ nghề. Hai cái kiếng của phòng vệ sinh được đem trả lại, khăn khiếc chúng tôi ném luôn vào sọt rác. Cảnh tượng trong phòng bây giờ tiêu điều nghèo khó như phi đoàn tôi ngày "di tản chiến thuật". Hình ảnh của người tị nạn hạnh phúc với gói thuốc lá Pall Mall trong túi áo sao thật giống như lời ca của bài hát tôi nghe ngày nào ở VN: "Tuy xa mà gần... tuy gần mà xa".
Chiều đó, một mình tôi u sầu thả bộ lên khu 1000 gặp thằng Hạnh để thông báo chuyện thằng gà rù Tiến đã vồ được em Trang và tiệm hớt tóc bị "đóng cửa vĩnh viễn". Nghe liền 2 tin sét đánh cùng một lúc, ông phi công tị nạn rưng rưng nước mắt và méo mặt đi làm tôi cũng mủi lòng. Nó nằm ngửa người trên bãi cỏ, nhìn lên trời than thở:
- Ai có ngờ cái thằng lù đù như gà mắc nước mà lại ghê gớm thế. Nói thật, ngày bỏ lên đây đi tu, tao chỉ sợ mình mày vì mày là thằng có nhiều tài vặt và táo bạo nhất. Ai có ngờ!!!
Tôi an ủi nó, dù lòng mình cũng tan nát không kém gì:
- Đời này thiếu gì con gái. Đẹp trai và ngon lành như mày thì lo gì.
- Ngon lành mà mang cái đầu trọc thì cũng hết ngon. Tao chán mày quá, nếu đầu tao không bị trọc thì tao chấp cả nhà thằng Tiến cũng không vô nổi em Trang.
Tôi lại cảm thấy hối hận. Nó tiếp:
- Nghĩ mà... thương em. Em đài các quá, em kiêu sa quá mà tại sao lại bị vướng vào một thằng cà chớn như thằng Tiến.Mày biết nó, suốt ngày chỉ ăn no rồi đi nằm.. Tao thấy tội cho em quá, đời em rồi sẽ khổ mày ạ. Cứ tưởng tượng cảnh em Trang ngày ngày phải giặt quần áo và nấu nướng cho thằng chồng... xấu trai và làm biếng, tao hết muốn bay bổng.
Tếu không thể tưởng.
ReplyDelete