Cà trong cái nghĩa đầu tiên của nó là một danh từ dùng để gọi một
loài thực vật cho quả ăn được. Nhưng trong cái loài quả gọi là cà này cũng còn
được phân biệt ra làm nhiều giống: Nào là cà pháo, cà dái dê hay cà tím, cà dĩa
hay còn gọi là cà dòn v.v...
Ngoài các loại cà vốn
được người dân xứ ta trồng để làm thực phẩm từ lâu đời nói trên, còn có một số
cà thuộc loại ngoại lai du nhập như cà chua hay có người còn gọi là cà "tô
mát" cho có vẻ ta đây cũng rành tiếng Tây, và vài thứ có tên do gọi theo
phiên âm mà có tiếng cà nhưng không hẳn là cà như cà rốt, cà phê v.v...
Cà chua cũng là một
loại rau quả nhưng chỉ mới xuất hiện ở xứ ta từ lúc có các ông Tây bà đầm qua "khai
hóa" cho dân ta và tập cho dân ta làm quen với những món ăn Tây phương,
nhờ thế mà dân ta mới biết ăn cà chua và trồng cà chua để bổ sung cho danh sách
rau quả bán ở ngoài chợ.
Cà chua ngoài việc được
dùng làm thực phẩm như ăn sống, nấu chín, làm thành sốt cà, nước giải khát bổ
dưỡng có nhiều sinh tố v.v... còn được xử dụng như là một loại vũ khí tuy không
có khả năng sát hại hay gây thương tích cho người bị tấn công nhưng cũng đủ làm
sứt mẻ uy tín của người đó. Một nghệ sĩ bất tài, trình diễn bị bể dĩa thì thay
vì được khán giả tặng hoa, lại được khán giả tặng cho mấy quả cà chua thối. Mấy
chính khách, lãnh tụ tầm cỡ quốc gia có những chính sách, chủ trương, đường lối
không phù hợp với quyền lợi hay nguyện vọng của nhân dân một nước khác, hay một
tập thể nào đó thì khi công du đến các vùng ấy thế nào cũng có những cuộc dàn
chào bằng cà chua thối của những nhóm người chống đối.
Còn như cà rốt cũng là
một loại thực phẩm nhưng thật ra cà rốt không phải là loại quả mà chính là một
loại rể củ ăn được nhưng vì gọi theo phiên âm tiếng Tây nên vẫn có tiếng cà.
Tuy nhiên khi nói đến cà phê thì lại đúng là một loại trái cây nhưng không phải
dùng để ăn mà chỉ dùng để lấy hột đem rang cho cháy đen ngòm lên rồi xay nhỏ để
chế nước sôi vào tạo thành một loại nước uống có màu đen sẫm và vị thì đắng
đắng nhưng lại có mùi hương thơm rất quyến rũ, và khi uống vào thì thấy tinh
thần như sảng khoái ra.
Món này cũng được các ông Tây bà đầm du nhập vào xứ ta
vào thời nước ta bị Phú Lãng Sa đô hộ, tuy nhiên sau đó dân ta cũng rất đông
người đâm ra ghiền cái món cà phê này đến nỗi có nhiều người sáng dậy mở mắt ra
mà không có ly cà phê để nhâm nhi là không chịu được. Không những thế, hai
tiếng cà phê còn được biến hóa thành cụm từ "cà phê cà pháo", một thứ
thành ngữ được dùng để chỉ một phương thức xã giao trong đời sống xã hội. Bạn
bè gặp nhau vẫn hay có thói quen rủ nhau đi uống cà phê để tâm sự. Dân mánh
mung hay người muốn cầu cạnh người khác một điều gì đó thì phải biết lo hối lộ,
nhưng lại được nói khéo ra là lo cà phê cà pháo cho kẻ mình muốn nhờ vả thì mới
mong đạt được mục đích.
Ngoài những món cà được
xem là thực phẩm cho người kể trên, còn có một loại cà gọi là cà dược hay có
khi còn gọi là cà độc dược là loại cà dại mọc hoang, cũng có quả nhưng nếu ăn
vào thì coi như là đi đoong luôn, tuy nhiên đôi khi lại được người ta dùng để
chế biến thành một vài vị thuốc đặc biệt "dĩ độc trị độc" theo kiểu
Đông y, không kể cái mục đích dùng làm thuốc độc thật sự.
Mặc dù khi nói đến cà
được dùng làm thực phẩm thì các loại cà như cà tím, cà dĩa thường được đánh giá
cao hơn vì có thể chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu như đem xào với thịt
ba rọi, nướng chín thoa mỡ hành, nấu với da heo thành món cà bung chẳng hạn,
nhưng ăn theo kiểu này thường đòi hỏi khi nấu nướng phải kèm theo vài món phụ
hay gia vị hành mỡ hơi tốn kém cho nên phải là những gia đình khá giả một tí
thì mới hay ăn theo kiểu đó. Chỉ riêng có món cà pháo là bình dân nhất do cách
ăn cũng rất đơn giản và cách chế biến cũng dễ dàng không tốn kém vì người ta có
thể dùng nó để ăn sống chấm với tí mắm tôm hoặc thông dụng nhất là đem phơi cho
héo rồi bỏ vào nước muối ngâm như kiểu muối dưa cải một thời gian cho cà trở
thành chua chua mặn mặn để dành làm món mặn đưa cơm được rồi.
Chính vì vậy mà khi
nhắc đến cà thì hầu như người dân Việt nào từng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất
quê hương tự hào có bốn ngàn năm văn hiến nhưng vẫn quanh quẩn với cái nghèo
tất nhiên sẽ nghĩ ngay đến món cà pháo trước tiên, vì nhà nghèo thì thường bữa
cơm không mấy khi có thịt cá mà chỉ có món cà pháo muối dưa làm chuẩn. Riêng
trong Nam thì nhờ ruộng đồng sông rạch lắm cá nhiều tôm nên người bình dân vẫn
có thể sang hơn một tí, vì người ta còn có thể đem cà muối chung với mắm cá thành
món mắm gọi là mắm cà để dùng.
Cũng vì cà là món ăn rẻ
tiền thông dụng cho nên xưa kia nhiều người tá điền được chủ nuôi cơm mà gặp
phải chủ mang trong người dòng máu hà tiện cỡ trùm Sò lại tham công tiếc việc,
chỉ muốn cho người làm thật được việc cho mình mà cho ăn cơm thì chẳng có gì
khiến cho người làm công nhiều lúc quá bất mãn phải thốt lên:
Làm cho lắm cũng ăn mắm với cà.
Làm thấy bà cũng ăn cà với mắm
Vì cà là một loại cây
cho thực phẩm được người ta trồng cho nên công việc trồng cà cũng có thời vụ.
Ca dao có câu nói về thời điểm để trồng cà như sau:
Tháng giêng là tháng ăn
chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà...
Không những cà được
trồng có thời vụ mà cái mảnh vườn cà đôi khi còn là bối cảnh cho những cuộc
tình nên thơ của những đôi trai gái miền quê như ca dao từng có một bài miêu tả
một mối tình lỡ làng, với lời lẽ tuy có đượm màu trách móc nhưng cũng lại rất
nhẹ nhàng cảm động thấm thía, khởi đầu bằng mấy câu:
Trèo lên cây bưởi hái
hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân...
Trong một bài ca dao
khác, cà cũng được nhắc đến một cách khá ngộ nghĩnh hơn:
Thân anh làm rể Chương đài
Một đêm ăn hết mười hai vại càGiếng đâu thì dắt anh ra
Kẻo mà anh chết với cà đêm nay!
Thật ra thì khi đọc bài
ca dao này tôi không hiểu cái anh chàng này làm rể kiểu nào mà một đêm lại ăn
hết mười hai vại cà. Thường thì một vại cà có cả hàng ngàn quả và cà muối thì
chỉ ăn độ chục quả là đủ cảm thấy mặn cả cổ và khát nước khô cả họng rồi mà anh
chàng này xơi luôn một hơi mười hai vại thì tôi không tài nào hiểu nổi.
Không những ca dao nhắc
đến cà mà ngay cả trong văn chương văn học cũng có nhiều câu chuyện hay giai
thoại có liên quan đến cà. Trước đây thi sĩ Tản Đà vốn thích ăn và sành ăn nhưng
chẳng may lại trót sinh ra làm một nhà thơ ở cái xứ mà "văn chương hạ giới
rẻ như bèo" cho nên đồng tiền nhuận bút không cho phép thi sĩ mua những
món ăn như thịt cá, do đó mà bữa cơm hàng ngày của nhà thơ cũng chỉ đạm bạc với
mấy món đắp đổi như dưa chua, cà muối mà thôi. Ngày xuân, thấy thiên hạ trẩy
hội chùa Hương, một nơi thắng cảnh lại còn nổi tiếng về món rau sắng ngon mà
thi sĩ thì rỗng túi chỉ biết nằm khoèo ở nhà làm thơ, bèn phóng bút hạ luôn mấy
câu:
Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Đồng tiền ngại tốn, con đường ngại xa
Không đi đành ở lại nhà
Cái dưa thì khú cái cà thì thâm.
Đồng tiền ngại tốn, con đường ngại xa
Không đi đành ở lại nhà
Cái dưa thì khú cái cà thì thâm.
Sau khi Tản Đà cho đăng
bài thơ này lên báo thì có một bậc nữ lưu độc giả bỗng nhiên đâm ra thương cảm
cho hoàn cảnh của thi sĩ bèn tự mình đi viếng chùa Hương rồi mua rau sắng về và
đem gửi biếu cho thi sĩ kèm theo bài thơ họa như sau:
Này đây rau sắng chùa Hương
Đồng tiền khỏi tốn, con đường khỏi xa
Không đi, xin gửi lại nhà
Thay cho dưa khú, với là cà thâm.
Đồng tiền khỏi tốn, con đường khỏi xa
Không đi, xin gửi lại nhà
Thay cho dưa khú, với là cà thâm.
Không biết nhà thơ cảm
kích tấm lòng từ hậu của người nữ độc giả này như thế nào nhưng bài thơ họa đó
đã được nhà thơ đưa lên báo, nhờ thế mà văn học có thêm được một giai thoại về
ăn của nhà thơ sành ăn này.
Truyện Lưu Bình Dương
Lễ cũng nhắc đến cà. Lưu Bình và Dương Lễ vốn là đôi bạn đồng môn rất thân nhau
từ thủa nhỏ. Dương Lễ nhà nghèo nên vẫn thường được Lưu Bình giúp đỡ, nhờ thế
mà Dương Lễ mới có thể tiếp tục dùi mài kinh sử cho đến khi thi đỗ và được ra
làm quan giàu sang danh vọng.
Lưu Bình vốn nhà giàu
nên không mấy chuyên tâm vào việc học hành nên thi rớt rồi lại xoay ra ăn chơi
cờ bạc phung phí chẳng mấy chốc gia sản của cha mẹ để lại khánh kiệt. Nhớ lại
người bạn nghèo thân thiết ngày xưa mà nay đã trở thành giàu sang phú qúy, Lưu
Bình bèn tìm đến để mong có chỗ nương thân.
Dương Lễ biết bạn mình
vì ham ăn chơi không chịu học hành nên nghĩ rằng nếu mình cưu mang bạn theo
kiểu thường tình thì không bao giờ giúp bạn tiến thân được bèn nghĩ ra cái kế
làm bộ không thèm tiếp, lại còn sai lính dọn bố thí cho Lưu Bình chén cơm hẩm
với quả cà thâm. Lưu Bình hận lắm bèn bỏ đi.
Sau đó Dương Lễ mới cho
gọi người vợ thứ ba của mình là Châu Long lên giải bày mối ưu tư của mình với
người bạn cũ và muốn nhờ Châu Long thay mình trực tiếp đứng ra săn sóc cho Lưu
Bình để giúp cho anh ta có cơ hội làm lại cuộc đời. Châu Long nhận lời nên
Dương Lễ bèn giao tiền nong cho Châu Long đi tìm Lưu Bình đem về nuôi, khuyên
giải và khuyến khích cho Lưu Bình học hành. Lưu Bình từ khi giận
Dương Lễ vô ân bạc nghĩa đối với mình thì cũng mong có cơ hội rửa cái mối hận
này cho nên khi gặp được Châu Long tự nguyện đứng ra chăm sóc bảo bọc mình thì
cũng thay đổi lối sống, chuyên tâm học hành cho nên đến kỳ vua lại mở khoa thi thì
Lưu bình cũng ứng thí và đã thi đỗ. Lưu Bình vinh qui trở về, lòng tràn ngập
hân hoan mong gặp Châu Long để cùng nàng xe duyên vợ chồng. Thế nhưng khi về
đến nhà thì chẳng thấy bóng dáng Châu Long đâu nữa cả.
Sau đó Lưu Bình được bổ ra làm quan. Nhớ mối hận
năm xưa, Lưu Bình tìm đến thăm Dương Lễ mong rửa hận nhưng khi vừa đến nơi thì
Dương Lễ đã vội cho gọi Châu Long ra chào hỏi rồi kể rõ ngọn ngành cho Lưu Bình
biết, nhờ thế mà Lưu Bình mới hiểu tấm lòng tốt của Dương Lễ. Thì ra nhờ Dương
Lễ khôn khéo biết dùng quả cà thâm như một hình thức sỉ nhục để đánh thức lòng
tự ái của Lưu Bình mà cuộc đời Lưu Bình đã chuyển hóa sáng sủa trở lại.
Tuy cà pháo không phải
là món ngon vật lạ và xét về mặt giá trị dinh dưỡng thì cà pháo còn có nhiều
độc tính nữa vì ăn cà thường gây nhức mình, da dẻ đâm ra sần sùi ngứa ngáy v.v...
Tục ngữ cũng có câu: "Một quả cà là ba thang thuốc" không phải một
quả cà bổ bằng ba thang thuốc mà người đang bệnh hay yêu yếu trong người mà ăn
cà vào thì thế nào bệnh cũng nặng thêm. Thế nhưng cà pháo cũng có đặc tính làm
cho người ăn quen có thể trở thành ghiền. Ca dao có câu:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.
Vào cái thời mà dân ta
dù có đi đâu đi nữa thì cũng chỉ giới hạn trong cái mảnh đất từ ải Nam Quan đến
mũi Cà Mâu thì câu ca dao trên có lẽ cũng chỉ để nói lên cái lòng quyến luyến
hương vị quê hương nghèo khổ của những người dân quê bỏ xóm làng quen thuộc để
đến một địa phương khác tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên từ khi có cuộc "cách
mạng giải phóng dân tộc" giúp cho người dân Việt một cơ hội từ bỏ cái đầu
óc bám víu lấy mảnh đất quê nghèo đầy ải để tung mình đi xa khắp bốn bể năm
châu thì người ta mới càng hiểu thấm thía cái tình quê hương thắm thiết trong
câu ca dao ấy.
Không biết có phải từ
nguyên thủy tiếng cà được dùng để gọi loài cây quả không mấy giá trị cho nên
khi tiếng cà được ghép vào với những tiếng khác để tạo thành những cụm từ nhằm
diễn tả cách thế, hình thái, đặc tính của sự vật và con người, thì hình như
tiếng gì kết hợp với tiếng cà cũng chỉ nhằm diễn tả cái mặt xấu, dở, yếu kém,
hay có nhiều khiếm khuyết của một sự vật chứ không có tiếng cà nào nhằm diễn tả
sự hay ho, sung mãn hoặc tốt đẹp cả.
Khi đánh giá sự vật hay
con người thì loại dở dở ương ương được người ta gọi là loại "cà
mèng" hay còn gọi là "cà
là mèng". Người có vẻ như mất
thần, không tập trung tư tưởng thì được gọi là "cà lơ". Chân bị đau
khiến cho đi đứng cứ khập khiểng thì gọi là "cà nhắc". Chân mà bị cà
nhắc có khi còn được gọi là "cà thọt" hay là "xi cà que".
Người nghèo ăn uống
thiếu dinh dưỡng thì thân thể thường ốm "cà tong cà teo", hình dáng
trông cứ như là que củi "cà khẳng cà kheo". Do cái bệnh ốm đói kinh
niên cho nên đi đứng làm việc lúc nào cũng có vẻ uể oải theo kiểu "cà rịch
cà tang", và thường thích "kề rề cà rà" chứ không xông xáo.
Đường sá quê nghèo thì lồi lõm ổ gà, lỗ chân trâu, khiến cho xe chạy không lăn
bánh êm ả như trên xa lộ mà hay bị dồi xóc nên gọi là "cà tưng".
Những người đi đứng không chững chạc mà lúc đi lúc nhảy như con dê non thì gọi
là "cà tửng".
Còn nhỏ mà không được
đi học thì chỉ thích chạy "cà nhỏng" ngoài đường. Người lớn mà vô
công rồi nghề không biết làm gì thì thường hay "la cà" chỗ này chỗ
nọ. Gặp nhau chuyện gẫu hoài nhiều khi không còn biết chuyện gì để nói đành
phải nói theo kiểu "cà kê dê ngỗng". Do cái tật cà kê dê ngỗng mà
sinh ra tật nói "cà rởn" tức là nói chơi nói dỡn cho vui. Tuy nhiên
đôi lúc vui quá cũng dễ sinh ra mất lòng gây bất hòa nên đâm ra "cà
khịa", có nghĩa là nói thọc ngang, nói xóc hông người khác. Nếu tự ái của
người nào đó bị xúc phạm quá nặng thì người đó có thể lên cơn giận đột xuất
làm cho hệ thống thần kinh không còn làm chủ được cái lưỡi phát âm khiến cho
nói không nên lời, mà cứ lắp ba lắp bắp vấp váp thành ra "cà lăm".
Đúng ra thì cà lăm chính là tên gọi của một khuyết tật về nói bẩm sinh nơi một
vài người mà khi sinh ra đã được trời ban cho họ một bộ máy phát âm không hoàn
chỉnh, còn người bình thường thì chỉ cà lăm tạm thời rồi hết một khi cơn tức
khí xung thiên đã qua đi.
Mặc dầu đã có nhiều
tiếng được ghép với tiếng cà để diễn tả cái dở cái yếu kém nơi sự vật hay con
người như đã nói trên, nhưng còn một tiếng nữa đáng nói đến nhất là tiếng "cà chớn". Thật ra thì tôi cũng không biết định nghĩa
tiếng cà chớn này như thế nào vì tôi không có khả năng làm tự điển, nhưng
thường thì tiếng này được dùng để nói về người và cứ xem trong mối tương quan
xã hội của mọi người đối với nhau thì người bị cho là cà chớn là người hay có
những thái độ bốc đồng, những cách hành xử như ưa thọc gậy bánh xe hay phá thối
những công việc chung, ăn nói thì lời lẽ tiền hậu bất nhất v.v...
Anh nào mà xây mộng ước
với một cô nàng cà chớn là có ngày bị leo cây. Một ông chồng hiền lành mà rước
được một bà vợ cà chớn là coi như cuộc đời và sự nghiệp cũng tiêu tùng. Bà vợ
nào mà lấy phải một ông chồng cà chớn là chỉ ôm hận. Làm ăn với người cà chớn
có ngày vỡ nợ. Kết bạn với người cà chớn có ngày mang họa vào thân hoặc bị bán
đứng. Đất nước mà được lãnh đạo bởi các chính khách cà chớn thì dân chúng chỉ
có nước bị gậy ăn mày.
Tôi cũng không biết cái
tiếng cà chớn này bắt nguồn từ thời nào nhưng trước đây tiếng cà chớn có lẽ chỉ
mới thông dụng ở miền Nam chứ người miền Bắc hình như không biết. Chính vì thế
mà khi quân Bắc Việt mới vào chiếm Sài Gòn sau khi chế độ miền Nam sụp đổ,
người ta mới bắt đầu truyền tụng cho nhau câu chuyện vui như sau:
Một hôm có một anh công
nhân Sài Gòn ngồi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng ở quán cóc thấy anh bộ đội Bắc
Việt lảng vảng gần đó bèn mời uống cà phê và nói chuyện. Bộ đội miền Bắc vì đã
học tập thấm nhuần chủ trương chính sách của Đảng CS nên không bỏ lỡ cơ hội nào
để làm công tác tuyên truyền đề cao xã hội miền Bắc. Còn anh công nhân miền Nam
thì bao lâu nay bị "Mỹ Ngụy đầu độc" về đời sống khốn khổ của nhân
dân miền Bắc nên nay có cơ hội gặp người anh em của xã hội chủ nghĩa miền Bắc
bằng xương bằng thịt thì cũng muốn tìm hiểu thêm cho rõ trắng đen. Câu chuyện
bắt đầu bằng câu hỏi của anh công nhân miền Nam về cà phê miền Bắc hương vị ra
sao rồi bắt qua hỏi thăm về các loại cà này cà nọ. Bất cứ nói đến thứ cà gì
cũng được anh bộ đội trả lời là miền Bắc có nhiều hơn, to hơn, ngon hơn hoặc
tốt hơn trong Nam. Khi hỏi đến "cà rem" thì bộ đội VC vì muốn chứng minh sự giàu mạnh của nền kinh
tế xã hội chủ nghĩa miền Bắc nên không ngần ngại khoe ngay là cà rem thì không những ăn không hết còn được
phơi khô để xuất khẩu nữa.
Nghe đến đây anh công nhân Sài Gòn hiểu ngay là bộ đội này đúng là thứ cà chớn bèn bồi luôn một câu hỏi nữa là ở miền Bắc có cà chớn không? Anh chàng bộ đội ngố từ lúc sinh ra có lẽ cũng chỉ được nếm có mỗi một món cà pháo, vừa lớn lên thì lại được Đảng CS dạy cho ăn uống phải theo chế độ tiêu chuẩn tính theo "cà ram" cho từng đầu người của chế độ cọng sản ưu việt, sau đó thì bị lùa đi cầm súng làm "nghĩa vụ giải phóng miền Nam", bao nhiêu năm chỉ biết lặn lội trong rừng sâu hoặc là nằm dưới hầm để tránh đạn "cà nông" cho nên giỏi lắm cũng chỉ mới học thêm được tiếng "cà mèn" là món vật dụng bằng kim khí dùng đựng cơm của lính nên nay về thành phố, được nếm mùi cà phê sao mà thơm ngon quá cho nên tuy chẳng biết cà chớn là cái gì nhưng đinh ninh cà chớn chắc phải là một món gì đó cao quý lắm nên không ngần ngại đáp luôn là cái gì chứ cái thứ cà chớn thì ê hề, ở miền Bắc đâu đâu cũng có.
Tuy câu nói của bộ đội
miền Bắc CS chỉ là phản ảnh sự ngây ngô kém hiểu biết của một kẻ phải sống dưới
một chế độ quen bưng bít, nhưng vô tình đó cũng là một câu nói phơi bày ra cái
hiện thực bi đát của bất cứ xã hội nào mà con người chỉ sống quanh quẩn với ngu
dốt đói nghèo nhưng lại hay khoe mẽ.
Không biết có phải
những hiện tượng cà chớn đó đều có chung một căn nguyên do độc tố của cà gây ra
vì ăn cà rồi dần dà biến thành một căn bệnh có khả năng di truyền hay không, vì
nhìn kỹ thì hầu như cái bệnh cà chớn này không phải chỉ thấy xuất hiện nơi
người dân Việt sinh sống ở trong nước mà ngay cả trong số người dân Việt đã bỏ
xứ ra sinh sống ở đất nước người, ăn những loại thực phẩm bổ dưỡng tinh khiết
hơn, vẫn có nhiều người còn mang căn bệnh cà chớn mạn tính trong người. Không
tin thì cứ nhìn vào các cộng
đồng của người Việt ở hải ngoại sẽ thấy không thiếu gì những hiện tượng cà chớn
vẫn xảy ra trong các hội đoàn từ hội ái hữu nhỏ địa phương cho tới tổ chức
chính trị, kinh tế to lớn, khiến cho người dân Việt chưa bao giờ thật sự xây
dựng cho mình thành một khối hùng mạnh. Không nhưng thế, trong những khuôn mặt từng đại diện cho những
kẻ từng sợ ăn cà pháo, từng cho rằng mình không có mang độc tính cà pháo trong giòng máu, từng hùng hổ tuyên bố chống
tới cùng những kẻ chủ trương nuôi dân bằng cà pháo, nay bỗng nhiên lại đâm ra
có kẻ nhớ cà, thèm cà theo kiểu rất cà chớn là "Ăn cơm nhà nọ kháo cà nhà kia" để rồi ca bài "cà pháo muôn năm" làm
cho nhiều người nghe xong đều chưng hửng.
Ôi! Không biết đến bao
giờ dân ta mới trừ khử được cái nọc độc cà chớn này trong giòng máu để cho dân
ta trở thành những con người lành mạnh hầu có sức tranh đua với thế giới năm
châu và làm rạng rỡ con Rồng cháu Tiên?
Đòan Văn Khanh
No comments:
Post a Comment