Sunday, November 2, 2014

Hai Hình Ảnh Cuộc Đời


Ở đời chuyện gì cũng có nguyên nhân. Đành rằng trời cho mỗi người một số mệnh nhưng trước khi đỗ thừa cho số mệnh thì ta cũng nên tận nhân lực đi rồi mới kết luận ra sao.

Ở khu chợ Việt Nam ngày nào cũng thấy lảng vảng một người đàn ông vô gia cư khỏang tuổi trung niên mặt mày đỏ gấc, cặp mắt lờ đờ vô hồn với chai bia hay chai rượu ôm kè kè trong tay. Lúc thì anh ta ngồi co ro trước bực thềm của một căn shop, khi thì lê la tới những bàn cớ tướng coi thiên hạ sát phạt bàn ra bàn vào, hoặc có bữa thì thấy ngồi ở băng ghế trước cửa tiệm bán phim coi cọp nhạc mới phát hành mà chủ tiệm để lên quảng cáo. Người đàn ông này xuất hiện ở đây đã lâu lắm rồi khỏang mười năm nay từ khi gia đình tôi dọn về vùng này sinh sống.    

Mỗi thứ bảy đi chợ, việc đầu tiên ra tới chợ là tôi ghé lại chỗ bán quà vặt của dì Bảy mua đồ ăn chơi trước khi đi mua đồ ăn thiệt. Dì Bảy năm nay đã 83 tuổi nhưng còn rất sỏi, thức khuya dậy sớm làm bánh, nấu xôi bỏ mối cho các tiệm thực phẩm Á Châu. Khi còn dư lại mỗi thứ một ít, Dì ngồi tạm trước một quán bánh xèo bán nốt cho hết mới về. Ai tới mua trực tiếp với dì thì rẻ hơn 50 cents mỗi món so với mua trong shop.

Tôi tới tìm Dì mua bánh vì thương Dì, muốn mua giúp hội cho Dì sớm được về nhà nghỉ ngơi chớ không phải vì chỗ rẻ hơn. Dì Bảy làm rất nhiều loại bánh, gói bánh ú, bánh tét nhưn ngọt nhưn mặn, bánh ú nước tro, xôi lá cẩm, xôi đậu xanh, xôi gấc, bánh bò, bánh ít, bánh quy, món nào cũng ngon nên rất đắt khách. Tiền thu được, dì dành dụm để thỉnh thỏang về VN một chuyến mua đồ tiếp tế cho dân nghèo ở tận làng xã xa xôi không ai biết tới. Tôi quen thân với Dì qua những lần đóng góp trong mỗi chuyến đi của Dì.

Có một bữa, tôi mua một chùm bánh ú mặn năm cái, một dĩa xôi lá cẩm, một dĩa xôi đậu xanh, một dĩa bánh tai yến. Dì Bảy nói bánh ú còn sáu cái, bảo tôi lấy hết dùm. Dĩ nhiên là tôi gật đầu và dặn dì phải tính tiền hết chớ đừng có vừa cho vừa bán thì tôi không dám nhận.


Trả tiền xong, thấy người đàn ông homeless đứng kế bên nhìn chăm chăm với vẻ thòm thèm, tôi lấy một cái bánh ú đưa cho anh ta nói "nè ăn đi anh, sáng giờ chắc chưa ăn gì hả". 

Anh ta hơi ngạc nhiên nhưng rồi cầm lấy nói cám ơn. Bất giác một ý nghĩ so sánh chợt lóe lên trong đầu. Vì sao người đàn ông vô gia cư này, tuổi đời chỉ hơn phân nửa tuổi dì bảy một chút chớ bao nhiêu mà đã là kẻ thừa trong xã hội, lang thang đầu đường xó chợ, sống nhờ vào lòng hảo tâm của tha nhân trong khi dì Bảy tuổi đã gần đất xa trời mà còn cật lực bán buôn kiếm tiền giúp đỡ những người bất hạnh chung quanh. Đâu phải Dì thiếu hụt gì cho cam, Dì có tiền già của chính phủ trợ cấp, gói ghém cũng tạm đủ sống hằng ngày không cần phải bương chải làm thêm nhưng có lẽ vì Dì muốn mình còn hữu ích cho tha nhân và xã hội khi còn có thể.

Sự thật thì người đàn ông homeless này có đáng thương hại vậy không? Nghe nói ba mươi năm về trước, khi còn là một thanh niên trai trẻ, anh ta cũng đã từng xông xáo đi làm nuôi thân, nhưng sau một tai nạn nghề nghiệp, bị cưa bốn ngón tay, anh ta được hảng bảo hiểm bồi thường gần 400 ngàn. Đang từ một công nhân sống nhờ vào đồng lương hằng tuần, đùng một cái ôm số tiền lớn trong tay, đáng lẽ anh ta phải nghĩ đến hậu vận, phải mua một chỗ ở cho yên thân tới già. Vào thời điểm đó một cái appartment kha khá hai phòng chỉ khỏang 100 ngàn nhưng  anh ta lại mê muội lao đầu vào sòng bạc nướng hết tài sản, vô tình đốt cháy luôn hậu vận của anh ta. Lúc đó vì đã được lãnh một số tiền quá lớn, anh ta không được chánh phủ trợ cấp gì thêm nữa, anh ta phải sống vất vưởng hè phố, bữa đói bữa no. Gặp một ông cha đạo thương tình cho trú ngụ, giúp cho chút tiền thì vẫn chứng nào tật nấy, bị ma men và ma cờ bạc cám dỗ vào con đường cũ rồi lại sạch túi. Đến lúc đó thì ông cha đạo không còn kiên nhẫn được nữa bảo anh ta hãy tự lo liệu. Vậy là từ đó anh ta đóng đô luôn ở chợ này.

Hôm thứ bảy rồi đi chợ, tôi lại thấy anh ta ngồi ở cái băng ghế trước cửa tiệm bán DVD coi cọp, cũng với chai rượu còn gói trong bao giấy trong tay như mọi lần. Chợt thấy dì Bảy đi ngang qua, anh ta kêu giựt ngược:
       - Bác Bảy, bác Bảy ơi, còn xôi không cho con xin một dĩa đi bác. 
Dì bảy nói: 
       - Bán hết rồi, chuẩn bị đi về đây. Nãy giờ mày ở đâu sao không lại kiếm bác, đói không lo mà cứ lo uống rượu hoài hà, lũng bao tử có ngày đó nha con.  

Nói rồi di bảy đi lại chỗ của dì gom đồ đạc dọn về. Tôi đi theo gợi chuyện:
       - Bữa nay hết sớm hả Dì Bảy? Tính ra mua vài món giúp hội cho Dì đây nè. Sao anh đó có tiền mua rượu mà phải xin ăn của dì Bảy vậy?
Dì Bảy thở dài:
      - Ờ, thì nó vậy đó, ghiền rượu quá bỏ không được đó cô ơi! Hồi đó nó cũng có tiền lắm chớ, được bồi thường tai nạn lao động một số tiền lớn nhưng bị bạn bè rủ rê ăn nhậu, cờ bạc, núi cũng phải sập đừng nói chi vài trăm ngàn. 
      - Ủa vậy bây giờ anh ta có được lãnh tiền trợ cấp tàn tật không dì Bảy? Sao thấy anh ta ở ngoài đường không vậy?
      - Có chớ, về sau này nó khai đã xài hết tiền, Bộ An Sinh Xã Hội đã chu cấp cho nó mỗi hai tuần một lần bằng như lương người già nhưng lần nào lãnh tiền ra là nó lo mua rượu trước rồi mới tính ăn sau.  Bị vậy đó mà làm sao có nhà cửa gì được. Nghe nó nói giáo hội giúp cho nó một chỗ ngủ, ban ngày thì cứ lê la ngoài chợ coi ông đi qua bà đi lại cho hết giờ và kiếm ăn qua ngày, tối mới về đó ngủ. Thấy nó vậy, nhiều người tỏ vẻ khinh khi nó ra mặt nhưng có biết đâu đó là cái nghiệp cái quả của nó phải trả. Nếu không tội nghiệp cho nó thì thôi chớ đừng nên khi dễ coi thường. Đời khi người khi ta, thử nghĩ coi nếu như mình ở vào hòan cảnh nó, mình sẽ buồn tủi như thế nào!? 

Đúng là nghiệp! Có tiền trong tay mà làm ra tới nông nổi này! Nếu như anh ta không nặng nghiệp thì có lẽ anh ta đã không vướng vào ma men đen đỏ, hoặc vả anh ta biết phấn đấu để cuộc đời không rơi xuống tận cùng thê thảm trong xã hội như bây giờ. 



Sống ở đời, tất cả chúng ta có lẽ không ai mà không mang một cái nghiệp, nhưng mỗi cái nghiệp thể hiện một cách khác nhau, tùy theo nặng nhẹ mình làm ở kiếp trước mà kiếp này phải trả, có thể một thời gian, có thể suốt đời. Và nếu như kiếp này ta có duyên giác ngộ thì hãy tu tập cố gắng gieo nhân lành để bớt khổ cho kiếp sau và con cháu mình. Mong lắm thay!  

 Người Phương Nam

No comments:

Post a Comment