Ông nội tôi mất giữa năm
Canh Dần, 1950. Tôi sinh ra cuối năm 1951, tức hơn một năm sau ngày mất nội
tôi. Do đó, tôi cũng chẳng hình dung được gì về nội tổ. Nhưng qua lời kể của
cha tôi và các cô chú, tôi hiểu được dòng họ mình. Một dòng tộc sống lâu năm ở
đất Chợ Đồn. Ông sơ tôi người miền ngoài, vào Nam theo dòng người khẩn
hoang lập ấp nơi vùng đất mới phương Nam, mà trạm dừng chân là vùng đất Đông
Nam Phần. Ông bà sinh được 2 người con trai. Ông cố tôi sinh cơ lập nghiệp ở
vùng Chợ Đồn, rồi con cháu sinh ra tản lạc ở Tân Vạn, Cù lao Phố, Bến Gỗ, do
dựng vợ gã chồng...Người con trai kia định cư ở Tân Uyên, Lái Thiêu. Sinh thời,
cha tôi thường nói, họ Đỗ ở Tân Uyên cũng có thể là dòng tộc nhà ta.
Ông bà cố tôi sinh được 9
người con, theo thứ tự thì ông nội tôi thứ tám, ông Tám Quế đánh xe ngựa. Nhà
nghèo, đông con, nên ông cố và ông nội chẳng có gì để lại cho con cháu. Chỉ có
miếng đất trước mặt tiền Chợ Bửu Hòa hiện tại, nhờ cha và các cô chú tôi lưu
giữ, khi chợ Bửu Hòa dời về đây năm 1958, đất biến thành phố chợ. Đó là địa
lợi. Cám cảnh cái nghèo của mình, ông nội tôi cũng chẳng chịu chụp hình để con
cháu sau nầy biết mặt, vì sợ cái nghèo bám đuổi theo con cháu. Sau thời gian
lâm bệnh nặng, ông nội tôi từ giã cỏi đời sau ngày rằm tháng bảy một ngày, thọ
66 tuổi. Ông nội tôi sinh năm 1885, khi cầu Gành và cầu Rạch Cát được xây dựng
năm 1903, ông có tham gia.
Bà cô Sáu tôi, tức người
chị thứ sáu của nội tôi, là sui gia với phía gia đình bác Sáu Sử, cây xăng Biên
Hùng, nơi công viên Biên Hùng ngày nay. Ba anh em bác sáu Sử có mua miếng đất ở
Chợ Đồn, đối diện chùa Hút Gió, bên kia đường, phía sau là đám ruộng, kéo dài
đến lò gạch Phước Mai, đi tới là mã Thằng Tây, tên dân gian thường gọi. Miếng
đất nầy dùng làm khu thổ mộ dòng họ. Vì vậy, bà cô Sáu tôi đã xin cho em mình
được một phần mộ và an táng nơi nầy. Mộ phần nằm nơi đầu lô đất, cách đường
tỉnh lộ 16 không xa, khoảng 100 mét. Mộ phần được các con cháu xây bằng gạch,
nền tam cấp, nắp mộ là 2 tấm xi măng cốt thép ghép lại và quét vôi.
Thời điểm đó, đất nước
còn chiến tranh với người Pháp, dân cư sinh sống cũng thưa thớt. Theo những
người lớn tuổi kể lại, khu vực đó gọi là xóm Rễ Tranh, ít nhà cửa. Phía sau cây
xăng bác Sáu Nhược sau nầy, còn những cây dầu cao. Người ta đồn có con quỷ cái
ở đó, tối đêm hoặc sáng sớm ra chọc ghẹo người đi chợ.
Có lần, nó ru con ngủ
trên cây...
- À ơi, con ngủ cho say,
để mẹ đi chợ mua bánh về cho con ăn...
Có anh say rượu nọ đi
ngang qua, nghe vậy chửi thề,
- Đi chợ mua cái con
c...nè...
- Ừ để mẹ đi chợ mua cái
con c...cho con...
Thế là cái mình rớt
xuống, rồi đầu, rồi tay chân...ráp lại, rượt anh ta chạy thụt quần, hết say.
Đó là giai thoại.
Sau trận chiến Mậu Thân,
người dân ở vùng Tân Tịch, Bình Cơ, Bình Mỹ, Tân Phước Khánh... của Tân Uyên
lánh cư xuống, dựng tạm nhà ở bằng vật liệu nhẹ. Đàn ông thì sắm xe lam chạy
mưu sinh, hoặc làm công nhân các lò gạch gần bên. Sau năm 1975, người dân tứ
xứ, miền Tây lên, miền Bắc vào, họ chiếm đất cất nhà, ngay cạnh mồ mã. Mộ nào
nào không có thân nhân chăm sóc, họ san bằng cất nhà, chủ đất cũ thì lo sợ,
không dám khai báo. Rồi họ tìm cách hợp thức hóa giấy tờ. Như ngay ở ngoài lề
đường cạnh sân banh Chợ Đồn, hai bên đường vào rạp hát Phước Chung, các ngôi mộ
bị san bằng cất nhà. dưới nền nhà là hài cốt. Cạnh đó có "Đài Chiến
Sĩ" của họ đạo Cao Đài cũng bị lấn chiếm. Họ đạo phải đem ra thưa kiện với
chính quyền.
Mộ phần của nội tôi không
nằm ngoại lệ. Họ cất nhà sát bên, phóng uế tại chỗ. Gia đình phải xây hàng rào
kẽm gai, rào lưới B40, để không bị xâm hại. Tội nghiệp nội tổ tôi quá, mồ mã
sao giống trường hợp lăng mộ Đức Tả Quân bị vua xích xiềng.Vài năm gần đây, khi
gia đình đi viếng mã, lại thấy phần mộ của nội tôi lọt thỏm vô nhà của họ. Lý
do là cần nhu cầu cho sản xuất, cưa xẽ gỗ đóng bao bì xuất khẩu, họ nới rộng
nhà xưởng, phần mộ nằm trong nhà. Được cái là che mưa che nắng, nhưng ngôi mộ
bị thấp hơn vì họ nâng nền nhà cao lên. Thấy sự việc ngày càng phức tạp, chủ
nhà cũng gợi ý, chú Tám của tôi đi đến quyết định cải táng cha mình. Trong dòng
tộc, bây giờ chú Tám được xem như trưởng thượng, cô Sáu thì đau yếu.
Hôm đám giỗ ông nội tôi
vừa qua, chú Tám có đưa ý kiến ra cùng con cháu, định ngày trùng cửu, mùng 9
tháng 9 ÂL, là thuận lợi, tốt ngày để cải táng. Nhưng sau đó chị tôi nhờ thầy
tử vi phong thủy xem lại, tuy tốt ngày nhưng sát chủ. Do đó ngày cải táng được
tiến hành sớm hơn 3 tuần lễ. Giờ hoàng đạo là từ 11 giờ đến 13 giờ. Dự lễ cải
táng có chú Tám và các cháu nội. Cháu ngoại thì ít. Gia đình mời thầy tụng cúng
vái vong linh, nhang đèn, hoa quả, tam sên cúng đất đai, người khuất mày khuất
mặt. Con cháu cùng đốt nhang khấn vái. Sau hồi tụng niệm của sư thầy, các phu
bốc cốt bắt đầu công việc. Dù nắp mộ là tấm đan xi măng mỏng, nhưng gia đình
không cho đập, sợ động mồ, động mã. Họ dùng cưa máy điện cưa cắt. Bây giờ công
việc làm của phu bốc mộ rất chuyên nghiệp, đầy đủ dụng cụ, có hệ thống. Sau đó
là đến lớp cát. Theo chú tôi nói lại, lớp cát và đất đến đáy mộ dày khoảng 3
mét. Đào sâu được 2 mét là đến lớp bùn nhảo. Vùng đất nầy thấp, và có đất sét ,
ngày xưa thuận lợi cho việc làm gạch ngói. Đào thêm vài lớp đất nửa thì tìm
được 2 miếng gỗ quan tài. Theo chú tôi, hồi đó nội nghèo nên áo quan làm bằng
cây bằng lăng dễ mục. Sau đó đụng đến lớp đất đen, chú tôi nói là xương cốt đã
hóa đất, nên hốt một số cho vào quách cùng 2 miếng ván quan tài. Đã 65 năm qua,
nội tôi yên nghĩ dưới lòng đất, cũng bằng thời gian tuổi thọ của nội, thì xương
cốt, răng cửa cũng chẳng còn gì. Theo thỏa thuận, phần bốc cốt, vận chuyển đất
cát, gia đình tôi lo liệu. Phần dọn dẹp, đỗ đất lấp lại, do chủ nhà đảm nhận.
Họ cũng muốn mình cải táng để thuận lợi làm ăn. Dù sao họ cũng có chút tự
trọng. Họ cũng kể lại, phía trước mộ phần nội tôi, có cái mã không xây, còn bia
đá. Thời gian trước có người chăm sóc, bây giờ không thấy đến nữa. Trong quá
trình nâng nền nhà, mộ và bia đã bị lấp. Chú Tám tôi nhớ ra, khi nội tôi mất
khoảng 100 ngày, cháu ngoại trai của bà cô Sáu tôi bị bệnh mất, chôn phía trước
mộ phần nội tôi. Do đó, chú tôi về báo lại cho con cháu họ để đến cải táng,
Người chết nầy lớn hơn chú Tám một tuổi, vai vế gọi chú tôi là cậu. Cũng như mồ
mã bà cô mười, em gái thứ mười của nội tôi, thân mẩu của thầy giáo Lung ở cù
lao Phố, đã được con cháu cải táng hàng chục năm nay.
Sau đó, chú tôi và các
cháu đưa chiếc quách về bến sông Chợ Đồn cũ, để đưa ra sông Đồng Nai thủy táng.
Ngày xưa, khi Chợ Đồn cũ còn tọa lạc nơi đây, đây là bến sông cho ghe thuyền
chở thủy hải sản, trái cây, hàng hóa...đem lên chợ. Tàu đò về Bến Gỗ cũng có
cập bến cho khách lên xuống. Chú tôi kể lại, trận bão lụt năm Nhâm Thìn 1952,
sau buổi chiều gió bão thổi vào, đến tối là nước lũ dâng. Có chiếc tàu đò Bến
Gỗ bị chìm gần Bến Gỗ, khách đi tàu bị chết gần hết. Bây giờ những người lớn
tuổi mất đi, chúng ta chẳng còn ai để nhắc nhở chuyện ngày xưa. Theo đã thỏa
thuận, 2 chiếc xuồng câu nhỏ từ xóm chài Ông Tỏ, Cầu Thủ Huồng đến, để đưa hài
cốt và mọi người ra giữa sông thủy táng. Sư thầy cũng đọc kinh tụng niệm, rồi
chú tôi là con trai, bốc những nấm đất chứa xương cốt cha mình rãi xuống sông.
Nội tôi đã 66 năm sống cạnh sông nước Đồng Nai. Nước ngọt sông Đồng đã hòa vào
cơ thể, thì bây giờ chút xương cốt còn lại cũng nhấp nhô theo sóng nước Đồng
Nai. Sư thầy nói, có cụ ông 86 tuổi chết, nhà gần đây, 2 ngày nửa là hỏa táng.
Nguyện vọng người chết là tro cốt sẽ được con cháu rãi xuống sông Đồng Nai, vì
cha ông và ông là thợ giăng câu, tháng ngày lênh đênh cùng sóng nước.
Xin nói thêm về trường
hợp mồ mã của bà ngoại tôi.
Năm 1985, sau đám giỗ ông
nội tôi một tuần lễ, bà ngoại tôi từ Long Thành lên thăm con gái, là má tôi, và
các cháu ngoại. Hôm đó ngày chủ nhật, buổi chiều sau khi đài truyền hình chấm
dứt chương trình phát sóng, má tôi đem bánh xèo cho ngoại ăn. Ăn được vài
miếng, ngoại tôi ôm đầu kêu chóng mặt, nhức đầu. Má tôi đở mẹ nằm xuống
đi-văng, xức dầu thoa bóp, và mời chú Sáu Kiến, y tá lâu năm, nhà ở phía sau,
ra chẩn bệnh. Chú sáu ra đến nơi, bấm tay, đo mạch, rồi lắc đầu. Bà đã đi rồi.
Sự việc diễn biến trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Sau nầy mới biết, ngoại bị đứt
mạch máu não và đột tử. Thời điểm đó phương tiện đi lại cũng khó khăn, phương
tiện truyền thông liên lạc, điện thoại, cũng hạn chế. Hai đứa em trai tôi phải
lấy chiếc Yamaha cà tàng chạy xuống Long Thành báo cho cậu Sáu tôi biết. Chiều
hôm đó cũng ảnh hưởng cơn bão nên mưa gió tầm tả. Đứa cháu là tài xế chiếc xe 9
chỗ của công ty gốm Đồng Nai có ghé thăm. Chú Tám tôi đi làm về cũng ghé và bàn
với ba má tôi,
- Bác gái chết ở đây cũng
là phần số. Sẳn có cháu Thanh và xe ở đây, mình mượn cháu chở tôi xuống Long
Thành bàn luận với anh Sáu. Nếu làm đám tang ở Chợ Đồn thì chở chiếc hòm về đây
tẩn liệm. Nếu anh Sáu muốn làm đám tang ở Long Thành thì mình quay về chở thi
thể bác gái về dưới.
Trước đó, để lo hậu sự
cho mẹ, cậu tôi có mua cây gỗ tốt, nhờ thợ mộc đóng cái hòm cho ngoại, chưa sơn
phết. Tối đó, gia đình cậu tôi theo xe lên Chợ Đồn và chở theo cái hòm. Đám
tang tổ chức ở nhà ba má tôi. Nhiều người không biết, tưởng ba hoặc má tôi thất
lộc, chứ đâu biết đó là tang lễ "má vợ ông Ba Trầm".
Cậu tôi muốn an táng mẹ
già gần nhà để cậu và các con chăm sóc mồ mã thuận lợi. Dù rằng nơi quê nội, xã
Thuận Giao, Bình Dương có Nghĩa trang Gia tộc họ Lưu, nhưng vì xa xôi nên cậu
không chịu, dù bà con đã khuyên bảo, họ hàng sẽ chăm sóc thay cho. Gần nhà cậu
ở Long Thành có cái nghĩa địa làng, cở vài chục mồ mã. Cậu làm đơn xin phép
chính quyền địa phương. Họ bảo khu vực đó đã được qui hoạch cho nông trường cao
su nên đã ngừng chôn cất. Cậu tôi thuyết phục mãi, họ cũng đồng ý với điều kiện
là gia đình phải làm tờ cam kết, nếu giải tỏa sẽ không đền bù, khiếu nại. Cậu
tôi đồng ý. Sau mấy ngày tổ chức tang lễ ở Chợ Đồn, gia đình cũng tổ chức di
quan về Long Thành, quàng ở nhà vài tiếng đồng hồ để hàng xóm phúng viếng. Thế
là ngoại tôi về với cát bụi, dù chỗ yên nghĩ không là quê hương. Thế rồi qui
hoạch cũng bãi bỏ, "qui hoạch treo". Một khu công nghiệp ở gần đó do
người Nhật đầu tư, nông trường cao su bị thu hẹp, vì mủ cao su rớt giá. Phần mộ
ngoại tôi được các cháu nội, con cậu tôi, vì cậu tôi đã mất, xây dựng đẹp đẽ,
bề thế. Khi cậu tôi mất, vì sợ rơi vào trường hợp như mẹ mình. nên trước đó cậu
đã nhắn nhủ các con là hỏa táng. Tro cốt đựng trong hủ sành, xây trước sân nhà
một cái am, như nhà mồ, để hủ tro cốt trong đó cho con cháu phụng thờ. Thấm
thoát ngoại tôi mất đã 30 năm, giờ mồ yên mã đẹp nhờ thoát qui hoạch.
Bà cố tôi, tức bà nội má
tôi, sanh 6 người con, ông ngoại tôi thứ bảy, là con trai út. Có lẽ được cưng
chiều nên ông ngoại không làm gì cả, tối ngày say xỉn. Trái lại người anh trai
thứ sáu, bác Sáu má tôi, học giỏi, được ra Hà Nội học, rồi được bổ nhiệm tri
huyện một huyện của tỉnh An Giang. Bà cố tôi theo xuống ở với ông Sáu để được
săn sóc về già. Khi bà cố mất, đám tang tổ chức ở An Giang và an táng dưới đó.
Sau nầy, khi nghĩ hưu, ông Sáu tôi về ở Lái Thiêu cùng vườn tược, con cháu ở
Sài Gòn. Sau năm 1975 vài năm, dòng tộc họ Lưu ở Thuận Giao, phía nội má tôi,
bàn thảo xuống An Giang cải táng hài cốt bà cố về Nghĩa trang Gia tộc. Khi đào
mộ lên để cất bốc, cái hòm vẫn còn nguyên vẹn, có lẽ do được làm bằng gỗ quí.
Thế là quan tài bà cố được rửa ráy sạch sẽ, chở về Thuận Giao, cùng 2 cây thốt
nốt. Theo tục lệ, người chết không chôn 2 lần, quan tài được đặt trên gò đất
cao của nghĩa trang, nơi cổng vào, rồi dùng đất đấp phủ lên cao, tròn như mã
người Hoa. Hai cây thốt nốt được trồng cạnh bên, đến giờ vẫn sống, nhưng không
xanh tốt như ở miền Tây, vì thổ nhưởng, dù đó là đất gò cát.
Năm 2006, má tôi mất,
theo nguyện vọng của má, các con đem về an táng ở Nghĩa trang Gia tộc. Ba tôi
thấy chỗ nằm thoáng đảng, rộng rãi, nên có xin phép bà con bên vợ cho an táng
ba cạnh má sau nầy.
Năm 2011, ba tôi mất, và
anh chị em tôi làm theo ước nguyện, dù trước nữa, ba tôi đòi hỏa táng, vì sợ
người chết không yên. Mộ phần ba má tôi được xây sóng đôi, nam tã, nữ hửu, có
hàng rào bao bọc. Nhưng ba tôi căn đặn, không xây nóc nhà mồ, vì sống giữa trời
đất thì ngủ giữa đất trời với trăng sao, thiên địa.
Khoảng 2 năm nay,
khi đường cao tốc Mỹ Phước (Bến Cát) - Tân Vạn được xây dựng, nền đường lấy nền
của đường xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh cũ, mở rộng ra. Thế là Nghĩa trang Gia tộc
được nằm ra mặt tiền. Khi vào viếng mã song thân, chỉ cần dừng xe bên vệ đường,
bước vào khoảng 15 mét là gặp mộ phần.
Sau bao năm chiến tranh,
sau bao nhiêu bể dâu của thế sự, dân số nước ta ngày nhiều hơn. Hồi tôi học lớp
nhất, dân số nước ta là 26 triệu. Hơn 50 năm sau, đã là hơn 90 triệu. Diện tích
đất nước vẫn là 330.000 cây số vuông. Dù có phá rừng, lấp sông, lấn biển, con
số chẳng là bao nhiêu. Ngày xưa, khi người thân mất, người ta có thể an táng
trong đất nhà. Bây giờ không được phép, vì ô nhiểm môi trường. Nghĩa trang có
khi bị phá bỏ để lấy đất xây dựng công trình. Như trường tiểu học Bửu Hòa đã
quá chật hẹp, được xây dựng trên nền nghĩa địa Mỹ Khánh ở Dốc núi, nghĩa địa
được chôn cất từ năm 1957. Rồi có những nghĩa trang được xây dựng, với cái tên
mỹ miều, Công Viên Vĩnh Hằng, Nghĩa Trang Lạc Cảnh...ở Bình Dương, Vĩnh
Cửu...với giá mỗi phần mộ từ vài trăm triệu đến bạc tỉ, vì được xem đó là nhà
của người chết. Sống có nhà, thác có mồ. Mồ yên, mã đẹp...Một hình thức kinh
doanh trên xác chết. Lại có những chỗ giá cả bình dân, vừa túi tiền. Đường vào
chùa Hóc Ông Che, trên phần đất cao gần dốc chú Hỏa, có nghĩa trang do một công
ty ở Sài Gòn xây dựng. Khi chôn cất ở đây, giá một phần mộ là 35 triệu đồng,
tính luôn việc xây dựng mộ phần. Họ dùng xe máy xúc đất móc dài như giao thông
hào, sâu khoảng 1,5 mét, rồi xây kim tỉnh cách nhau 2 mét. Khi cần an táng
người thân, đến làm thủ tục với họ, rồi nhận huyệt mộ theo thứ tự, không có
việc chọn phong thủy. Khi an táng xong, người của công ty sẽ xây dựng mộ phần
ngay, theo cùng một qui cách. Chỉ khác là người nhà được chọn màu gạch men để
ốp lát theo sở thích. Mỗi mộ phần có số thứ tự, số lô, để thân nhân nhớ chỗ khi
thăm viếng. Khi đóng tiền đủ, họ cấp giấy chứng nhận, sổ đỏ. Và mỗi năm đóng
mấy trăm ngàn tiền phí chăm sóc. Cô Năm và chú Út tôi được an táng ở đấy, nay
mới 3 năm mà mộ chí đã đầy.
Người Việt Nam ta lấy
nhân nghĩa làm trọng, lấy đạo lý làm gốc. Uống nước nhớ nguồn, công đức tổ
tiên. Nhưng với cuộc sống xô bồ, sống hiện thực hôm nay, truyền thống cũng bị
đảo lộn. Người chết như tội đồ, bị trục lợi. Người chết không yên. Buồn thay.
Buồn thay.
Đỗ Công Luận
Biên Hòa, ngày 12/10/2015.
No comments:
Post a Comment