Tuesday, March 1, 2016

Cuộc Sống


Chúng ta có thể tận hưởng mọi điều trong cuộc sống nếu bản thân biết giảm bớt một số việc không cần thiết. Hãy vui lên và cùng tận hưởng cuộc sống.


Cuộc sống không phải là sự vội vàng

Cuộc sống không phải là sự vội vàng. Tuy nhiên, nhiều người lại không nghĩ như thế. Nhiều năm trở lại đây, các chuyên gia tư vấn tâm lý gặp nhiều khách hàng không những thiếu quan tâm đối với người thân mà còn bỏ dở cả những ước mơ của mình. Đó là do họ có thói quen tin rằng, cuộc sống lúc nào cũng gấp gáp. Họ nghĩ rằng, nếu không làm việc tám tiếng một ngày sẽ không thể nào hoàn thành hết được toàn bộ công việc. 

Có một khách hàng là nữ chủ nhân của một gia đình có ba đứa trẻ. Cô ấy nói với nhà tâm lý rằng: “Tôi không thể nào dọn dẹp nhà cửa cho vừa ý trước khi ra khỏi nhà vào buổi sáng”. Cô ấy vô cùng buồn bã vì không đạt được sự hoàn mỹ. Việc làm (và cả cảm giác của cô ấy) giống như có ai đó đang thúc giục buộc cô ấy phải rửa sạch từng cái bát, giặt sạch từng cái khăn nếu không sẽ bị trừng phạt. Thực tế, người gây ra áp lực cho cô ấy lại chính là bản thân cô chứ không phải ai khác.

Chúng ta đã quá nghiêm khắc với mục tiêu đề ra, không cho phép bản thân được nghỉ ngơi trong giây lát. Chúng ta đã biến những sở thích nhỏ bé của cá nhân thành điều kiện để đạt được hạnh phúc. Nếu như không làm được một việc gì đó kịp thời hạn do mình đề ra, bản thân bạn sẽ bị trừng phạt. Nếu như muốn trở thành một người bình tĩnh, ôn hòa hơn, bước đầu tiên là phải khiêm nhường thừa nhận, hầu hết những sự vội vàng đều là do bản thân chúng ta tạo ra. Cho dù không thể tiến hành theo như kế hoạch đã định ban đầu thì cuộc sống cũng vẫn cứ tiếp diễn. Sẽ có ích nếu như bạn dùng câu nói này để nhắc nhở bản thân: “Cuộc sống không phải là sự vội vàng”.

Không ôm đồm

Cuộc sống là một khay công việc luôn đầy tràn, dù bạn có cố gắng đến đâu chăng nữa thì cũng không bao giờ hoàn thành được chúng. Thế nhưng rất nhiều người trong chúng ta cứ sống như thể mục tiêu của cuộc đời là bằng mọi cách phải hoàn thành tất cả. Chúng ta đi ngủ muộn, thức dậy sớm, tránh xa những cuộc vui và để những người yêu thương phải chờ đợi. Thường chúng ta hay tự thuyết phục mình rằng nỗi ám ảnh về “những việc cần làm” chỉ là tạm thời – nghĩa là một khi công việc được hoàn tất, ta sẽ lại cảm thấy dễ chịu, thoải mái và hạnh phúc. Nhưng trong thực tế điều này rất hiếm khi xảy ra. Bởi đơn giản là khi bạn hoàn thành việc này thì sẽ có việc khác thay thế.

Bản chất của “một khay công việc” là nó luôn luôn đầy những công việc cần bạn xử lý, những cuộc điện thoại cần thực hiện, những dự án, những cuộc hẹn, những vấn đề cần giải quyết… Trên thực tế, không ít người cho rằng một “khay công việc” đầy ắp là yếu tố không thể thiếu của thành công. Nhưng điều đó chỉ làm cho cuộc sống của bạn luôn ở tình thế cấp bách mà thôi.

Cho dù bạn là ai và đang làm gì, hãy luôn nhớ rằng không có gì quan trọng hơn cảm giác hạnh phúc và bình yên của chính mình cùng những người bạn yêu thương. Nếu bạn luôn bị ám ảnh với việc phải luôn hoàn thành mọi thứ, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Do đó để có thể tận hưởng cuộc sống trọn vẹn mà vẫn đảm bảo được công việc, bạn phải biết lựa chọn những ưu tiên cho công việc mình cần giải quyết ngay, những công việc quan trọng hay khẩn cấp cần hoàn thành, còn lại bạn vẫn có thể trì hoãn để tận hưởng cuộc sống.

Nếu bạn thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng, mục tiêu của cuộc sống không phải là hoàn tất mọi việc mà là tận hưởng những gì gặt hái được cũng như sống với tình yêu thương tràn đầy, khi đó nỗi ám ảnh phải hoàn thành tất cả sẽ dễ kiểm soát hơn rất nhiều. Nên nhớ là dù cho bạn có cố gắng làm việc đến cuối đời thì vẫn sẽ còn đó rất nhiều việc dở dang. Vì vây, đừng lãng phí thêm nữa những khoảnh khắc quý giá của cuộc sống vốn đang cho bạn hòa nhịp.


Không nên soi mói người khác

Trong cuộc sống, chúng ta thường có nhiều mối quan hệ. Bạn quen biết một ai đó, ban đầu tất cả đều tốt đẹp. Bạn bị cuốn hút bởi bề ngoài, tính cách, học vấn, tính hài hước hoặc tổng hợp tất cả những điều đó ở người đó.Thời gian đàu bạn không để ý những khác biệt giữa hai người mà còn rất quý họ. Lý do mà đối phương thu hút bạn chính là sự khác biệt giữa hai người. Các bạn có sự khác biệt về ý kiến, sở thích, khẩu vị…

Nhưng, sau một thời gian quen biết, bạn có thể sẽ bắt đầu chú ý đến những đặc điểm kỳ quặc của người đó. Nghĩ rằng người đó có một số điểm cần phải sửa, bạn sẽ nhắc nhở họ. Bạn có thể sẽ nói rằng: “Bạn có thói quen đến muộn đấy” hoặc “Tôi thấy bạn chẳng hay đọc sách gì cả”. Từ khi nào, bạn hình thành nên thói quen không thể tránh khỏi là tìm kiếm và suy nghĩ về những người và những việc mà bạn cho rằng không tốt. Thói quen đó không những không chỉ cho đối phương biết được họ có lỗi gì, mà ngược lại còn cho thấy rằng bạn là một người ích kỷ và khắt khe với người khác.

Dù bạn có thói quen “soi mói” hay không, dù cho điều mà bạn soi mói, bắt bẻ có là các mối quan hệ, một mặt nào đó của cuộc sống, hay cả hai thứ đó, thì điều mà bạn cần phải làm là coi soi mói như một việc xấu. Khi thói quen ấy đang dần trở lại trong bạn, phải lập tức ngăn nó lại bằng cách cố gắng không nói gì cả. Bạn càng ít bắt bẻ những thói quen nhỏ nhặt của vợ, chồng hay bạn bè thì càng làm cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn.

Sưu tầm

No comments:

Post a Comment