Có một thói quen rất nguy hiểm
mà người Việt thường xuyên sử dụng trong giao tiếp, đó là thói quen ngụy
biện. Thói quen này đã lây nhiễm một cách vô hình từ giao tiếp thường
nhật, từ tâm lý thắng thua khi tranh cãi, và nhất là trong cộng đồng cư
dân mạng…
Ngụy biện hay Fallacy là khái niệm để
chỉ những cách lập luận tưởng chừng là đúng, nhưng thực chất lại là sai
lầm và phi logic trong tranh luận. Ngụy biện có thể biến một vấn đề từ
sai thành đúng, và từ đúng trở thành sai. Ngụy biện có thể dẫn đến những
cái nhìn sai lệch và tư duy sai lầm mà chính bản thân người nói cũng
không nhận ra được.
Những ai đã có kiến thức về ngụy biện đều hiểu một điều đáng buồn rằng: Người Việt rất hay ngụy biện và tư duy ngụy biện! Chúng ta đều biết hai chữ “ngụy biện”, nhưng liệu chúng ta có thật sự hiểu về nó? Bạn có tin rằng tại Việt Nam, ngụy biện đã cướp đi mạng sống của con người?
Trên thế giới, ngụy biện đã trở thành
một kiến thức được biết đến rộng rãi, và các nhà nghiên cứu đã thống kê
khoảng trên dưới 100 loại ngụy biện khác nhau. Đáng tiếc là tài liệu về
ngụy biện tiếng Việt chỉ có một vài nguồn, đó là trang GS Nguyễn Văn
Tuấn, trang Thư viện khoa học, hay trang “Ngụy biện – Fallacy” của TS. Phan Hữu Trọng Hiền.
Dưới đây xin được tổng hợp lại 9 câu “ngụy biện” điển hình của người Việt đã được nêu ra tại các nguồn tài liệu trên:
1. “Nhìn lại mình đi rồi hẵng nói người khác”
Mình làm sai thì là sai rồi, sao lại không nhận sai, không nói thẳng vào vấn đề “mình sai” mà lại quay qua tìm điểm yếu của người khác? Việc này cũng giống như là khi nhận được góp ý: “Viết sai chính tả rồi kìa”, thì thay vì sửa sai, bạn lại bốp chát: “Thế mày chưa viết sai bao giờ à?”
2. “Có làm được gì cho đất nước đâu mà to mồm”
Người ta có làm được gì hay không thì là điều mình chưa biết, hơn nữa bạn đã “lạc đề”
rồi. Vấn đề người ta nêu ra thì bạn không trả lời, không đưa ra luận
điểm logic, mà lại đi đường vòng, chuyển qua công kích người khác.
3. “Nó ăn trộm chó thì cứ đánh cho nó chết”
Lập luận này đã khiến cho những kẻ trộm chó vốn không đáng phải chết bị giết chết bởi chính những người dân tưởng chừng “lương thiện”. “Ăn trộm chó” là sai, nhưng “giết người” cũng là sai, hai sai thì không phải là một đúng, mà là sai lại càng sai.
4. “Làm được như người ta đi rồi hãy nói”
Lại một hình thức “lạc đề”.
Luận điểm mà người ta đưa ra thì bạn không xoay quanh mà bàn luận, lại
cứ phải công kích cá nhân người khác thì mới vừa lòng sao?
5. “Nếu không hài lòng thì cút xéo ra nước ngoài mà sinh sống”
Lời nói này không chỉ đánh lạc hướng vấn
đề, mà còn rất bất lịch sự, chuyên dùng để làm người đối diện tức giận,
chứ chẳng có một chút logic nào trong đó cả.
6. “Chỉ có những người chân lấm tay bùn từ nhỏ mới là người cần cù chăm chỉ xây dựng đất nước”
Câu khẩu hiệu này đã từng xuất hiện ở Việt Nam trong quá khứ. Người ta có câu “vơ đũa cả nắm”,
ấy chính là để chỉ việc lập luận cảm tính, khái quát cảm tính, mà không
hề đưa ra logic hợp lý nào cả. Cũng như vậy, khi phân chia giai cấp và
tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp, thì người ta đã mắc sai lầm ngụy biện,
ví như chủ đất không nhất định là xấu, chủ doanh nghiệp cũng không nhất
định là xấu, và người làm công ăn lương hay nông dân chắc gì đã là một
người tốt cần cù chăm chỉ?
7. “Nước nào mà chẳng có tham nhũng”
Vì nước nào cũng có tham nhũng nên Việt
Nam được phép có tham nhũng hay sao? Vì mọi người đều vượt đèn đỏ nên
tất nhiên tôi cũng phải vượt đèn đỏ? Vì xã hội thiếu gì nghiện hút nên
trong nhà có người hút chích cũng là bình thường?
8. “Nếu anh là họ mà anh làm được thì hẵng nói”
Đặt mình vào vị trí người khác là một
tiêu chuẩn người xưa dùng để tu sửa bản thân, hướng vào bản thân tìm
lỗi, là một nét văn hóa rất độc đáo của phương Đông. Tuy nhiên câu nói
đó chỉ sử dụng khi một người tự răn mình, chứ không phải là một câu nói
dùng trong tranh luận. Việc sử dụng nó trong tranh luận không chỉ là sự
bịt miệng những phê bình của người khác, không giải thích các luận điểm
của người khác, mà còn chứng tỏ rằng chúng ta đang phá hoại và lãng quên
văn hóa truyền thống của chính mình.
9. “Tại sao anh dám nói chúng tôi sai? Anh là một tên phản bội dân tộc”
Kiểu lập luận chụp mũ này mặc nhiên coi
mình là đúng, họ là sai, và những người đồng quan điểm với họ cũng là
sai. Nó không hề đưa ra một thứ logic nào, nhưng lại cắt ngang một cái
giới tuyến, và tùy tiện định tội cho người khác.
Tất nhiên đây mới chỉ là những câu ngụy biện cơ bản nhất, thường thấy nhất. “Văn hóa ngụy biện”
đã ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, muôn hình vạn trạng, và luôn
ẩn giấu trong tư duy của người Việt. Vậy nguyên nhân của thói quen này
là từ đâu?
Trong phần nhiều các lỗi ngụy biện
thường gặp của người Việt, có một tâm lý cơ bản hiện rõ ra khi tham gia
thảo luận, đó chính là tâm tranh đấu, hiếu thắng, và không hề tôn trọng
người đối diện. Ngoài đó ra, chúng ta cũng hay bị ảnh hưởng của tâm lý
đám đông, lợi dụng tâm lý đám đông để che đi trách nhiệm của bản thân
mình.
Muốn tránh cách tư duy ngụy biện, chúng
ta không những phải sửa lối tư duy vòng vo, thiếu suy nghĩ, mà còn phải
sửa chính từ tâm thái của mình khi trao đổi và luận bàn về mọi việc.
Điều cơ bản nhất khi tham gia tranh luận là có trách nhiệm trong lời nói
của chính mình và biết tôn trọng người đối diện.
Quang Minh tổng hợp
Theo Trithucvn.net
Theo Trithucvn.net
No comments:
Post a Comment