Thursday, March 23, 2017

Chân Dung Và Cây Viết Chì ! - LM Nguyễn Tầm Thường


Trong chuyến Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm Ấn Độ năm 1986, có những chuyện bên lề ít người biết.


Người phụ trách lộ trình cho Đức Giáo Hoàng thăm Calcutta là một Linh Mục Dòng Tên ở thành phố ấy.  Cha ở cùng Nhà Dòng nơi tôi xin trọ, Xavier’s College, 30 Park Street, Calcutta.  Vì thích tìm xem có gì liên quan tới Mẹ Têrêsa không, tôi tò mò hỏi chuyện với ngài, vô tình mới biết ngài là Linh Mục được chỉ định công việc tổ chức lộ trình trong ngày quan trọng đó.  Và câu chuyện bên lề trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng cũng khá thú vị.


Chuyến đi sau cùng của Đức Giáo Hoàng dự định từ góc đường Park chạy thẳng ra phi trường.  Nhưng đến ngã tư, xe cảnh sát dẫn đầu không đi thẳng mà lại quẹo trái.  Cha kể với tôi là Linh Mục trưởng đoàn tổ chức, từ Roma qua, không hiểu có chuyện gì.  Tại sao kỳ quặc thế này?  Người ta sợ ám sát ư?  Đoàn xe đi đâu bây giờ?


Xe ngừng trên đường ghé vào Nhà Dòng chính của Mẹ Têrêsa. Nhà này ngay bên đường, sau này cũng là nơi chôn xác Mẹ.  Đức Thánh Cha ghé thăm một lúc rồi đoàn xe tiến ra phi trường.  Trong chương trình ở Calcutta, Đức Thánh Cha chỉ tới thăm ngôi nhà săn sóc những người hấp hối mà thôi.  Lúc mới tới Calcutta, từ phi trường vào thành phố, Ngài đã ghé thăm ngôi nhà này rồi.  Không có chương trình ghé Nhà Dòng chính.


Tới phi trường, nghe cha kể lại, Linh Mục trưởng đoàn tổ chức kia rất bực mình với viên cảnh sát trưởng tại sao làm vậy mà không cho ngài biết.  Ông cảnh sát trả lời rằng phút cuối, Mẹ Têrêsa xin ông như vậy.  Ông bảo ở Calcutta này có ai là người không nghe lời Mẹ Têrêsa đâu!

Rồi cha kết luận, chính quyền ở đây không từ chối điều gì bà xin.


Chỉ khi đến Calcutta tôi mới biết chính quyền ở đây là đảng Cộng Sản.  Thể chế chính trị ở Ấn gồm nhiều đảng.  Chính phủ tiểu bang hợp thành chính phủ trung ương.  Tiểu bang nào nhiều thành phần của một đảng, đảng ấy thắng thế.  Bấy giờ tôi mới hiểu tại sao trong một khu xóm, ngày nào tôi cũng đi bộ ngang qua đến Nhà Dòng Mẹ Têrêsa, họ treo ngợp cờ đỏ búa liềm.  Nhưng Cộng Sản ở Ấn rất khác Cộng Sản trên thế giới.  Họ chỉ là một đảng trong nhiều đảng của nền chính trị Ấn.  Họ chủ trương đường hướng xã hội giải thoát giới nghèo chứ không đàn áp tôn giáo.


Chưa đến Ấn, tôi chỉ biết Mẹ Têrêsa qua báo chí, qua phương tiện truyền thông là một Nữ Tu nổi tiếng thế giới vì săn sóc người nghèo.  Qua Ấn, tôi hiểu hơn, màu sắc vẽ chân dung người đàn bà này khác lạ lắm.


Bà không nổi tiếng về truyền giáo, về viết sách, về triết học, thần học, người nữ tu này làm việc rất tầm thường.  Công việc của đời bà thật đơn giản.


Qua Ấn tôi mới hiểu cái nghèo ở đây khác mọi nơi.  Nó là kiếp nghèo của định mệnh đẳng cấp do xã hội và tôn giáo tạo ra.  Trong bốn đẳng cấp, đẳng cấp thứ tư thấp nhất, chỉ có lao động, làm cu li. Nhưng ngoài bốn đẳng cấp này, còn loại người “unclean”, “untouchable”.  Tiếng “untouchable” do Gandhi dùng để chỉ một hạng người khốn khổ nhất.  Nghĩa là họ thuộc hạng người “ô uế”. Họ không được đụng vào người thuộc đẳng cấp khác.  Họ phải làm những việc như lau cầu tiêu, chôn xác chết. 


Tóm lại, họ phải tránh xa người khác trên đường đi.  Ai đụng vào họ đều ra ô uế, phải thanh tẩy.  Vì thế, họ nghèo từ định mệnh nghèo ra, họ phải mang thân phận lầm than.  Tôn giáo và xã hội bắt họ vậy.  Cũng nhờ qua đây, tôi mới hiểu ý nghĩa sâu xa khi Kinh Thánh nói Giavê bảo vệ những người nghèo.  Cái nghèo ở đây là nghèo đến từ con người mất phẩm giá.  Nó không chỉ là cái nghèo kinh tế, nhưng nghèo vì bất công, nghèo vì bị xúc phạm.


Giữa lúc tôn giáo và xã hội xa tránh họ thì Mẹ Têrêsa đến ôm những người này!  Bà không sợ bị ô uế phải đi thanh tẩy ư?

Mãi đến năm 1957 hiến pháp Ấn mới xoá bỏ chế độ đẳng cấp. Trong thực tế, các vùng xa xôi nó vẫn như chiếc cối đá choàng trên cổ đẳng cấp này.  Năm 1948, Gandhi bị giết do một tín đồ Ấn Giáo cực đoan vì ông chủ trương mọi người phải bình đẳng.

Trong bối cảnh xã hội và tôn giáo như thế Mẹ Têrêsa xuất hiện.


Người Nữ Tu này chủ trương một Dòng Tu đi tìm những người bất hạnh mà phục vụ.  Thế kỷ này thế giới không còn chế độ nô lệ.  Không quốc gia nào có thể chấp nhận giai cấp người nô lệ người.  Hiến pháp Ấn Độ không chấp nhận đẳng cấp, nhưng trong thâm tâm thành phần thống trị có muốn thay đổi không, đó là một chuyện khác.

Trong hoàn cảnh như thế Mẹ Têrêsa xuất hiện.


Người Nữ Tu này không là nhà cải cách tôn giáo, bà không là nhà cải tạo xã hội.  Mẹ chỉ đến với những kẻ mà người khác sợ đến gần bị ô uế.  Các Nữ Tu thuộc Dòng của Mẹ không đi truyền giáo.  Người ta không thể vì Mẹ mà sợ mất tín đồ.  Mẹ không truyền đạo để đông người, để cạnh tranh tôn giáo.  Ai lạm dụng tôn giáo và kinh tế để nắm chính trị, không thể kết án người Nữ Tu này được điều gì ngoài điều họ không dám làm là đến với những người bị bỏ rơi.


Thông tin đóng một vai trò chính yếu trong việc vẽ chân dung Mẹ Têrêsa.  Hơn một tỷ người Ấn biết đến Mẹ.  Công việc và đời sống mẹ được thông tin truyền đi.  Toàn dân Ấn biết đến một con người mà truyền thống xã hội, tôn giáo của họ đi ngược lại.  Đó là Mẹ đến với người nghèo.


Nhiều người Ấn không biết đến Giáo Hoàng.  Có thể có kẻ chống đối Vatican nữa.  Nhưng Mẹ Têrêsa đi đến đâu, người ta xếp hàng xin chúc lành.  Mẹ đã vẽ một chân dung rất trung thực về Thiên Chúa cho nhân loại.  Thiên Chúa của Tình Thương.  Công việc và đời sống của người đàn bà này rất giản dị.


Đối với tín đồ Bà La Môn, không chỉ người chết mới là thánh. Ngay người sống cũng là thánh.  Các nhà Sadhu khổ hạnh, các bậc thiền tu, họ là thánh.  Có danh từ “Phật sống” là thế.  Bởi đó, chân dung Mẹ Têrêsa là chân dung “Phật sống”, chân dung đầu thai của một thánh nhân.




Thiên Chúa đã dùng người đàn bà này để vẽ chân dung Thiên Chúa bằng ngôn ngữ thật tuyệt vời.  Một người đàn bà thấp lùn, không có tướng mạo duyên sắc.  Một người đàn bà không bằng cấp nói về chân dung rất chân thực của Chúa cho một tỉ người trên đất Ấn Giáo với không biết bao nhiêu nghìn năm bám vào đẳng cấp hệ luỵ.

Khi để Thiên Chúa dùng, chẳng ai trong chúng ta là người nhỏ bé.  Tất cả chúng ta được dựng nên trong ân sủng phi thường của Ngài.


Phải chăng vì thế Mẹ Têrêsa đã nói: “Tôi là cây viết chì trong tay Chúa, Ngài muốn vẽ gì tùy ý Ngài”.  Phải chăng vì thế, Chúa đã lấy tình thương trong trái tim Mẹ để vẽ chân dung Giáo Hội trong thế kỷ hôm nay.


Lm. Nguyễn Tầm Thường, SJ

************************************

Con chỉ là một Cây bút chì, rất nhu mì chẳng có là chi.
Trong tay Chúa, Chúa vẽ muôn diệu kỳ.  Quá diệu kỳ
Khi con mọn thực thi thiên ý, khiêm hạ xóa bỏ mình đi.
Trong tay Chuá, Chúa vẽ muôn diệu kỳ, rất diệu kỳ
***
Trong tay đấng toàn năng, thượng trí, con xin được làm cây bút chì
Một cây bút chì cỏn con, thật ngoan ngoãn và dễ thương
Trong tay Chúa, tài hoa tuyệt mỹ, bút phóng họa trường thiên trác tuyệt
Ngợi ca Chúa Trời hiển vinh, cảm mến phúc lộc Thiên đình


“Cây Bút Chì Trong Tay Chúa”– Hải Triều


Nguồn: www.giesuchanhlongthuong.net

No comments:

Post a Comment