Thẩm Quần, tác giả cuốn “Nước Mỹ cũng hoang đường” có nói mấy câu thế này: “Trong
xã hội này, bất kể có xảy ra chuyện gì, bạn cũng rất khó cảm nhận được
hoàn cảnh bế tắc không lối thoát. Bạn không bị buộc phải đi kiện cáo
khiếu nại khắp nơi, (người Mỹ không hiểu “khiếu nại” là gì), không bị
buộc phải phạm tội, mà luôn luôn có con đường đang chờ đợi bạn”.
Chẳng phải đó chính là mẫu hình của một xã hội lý tưởng sao? Khi người
dân quả thực không còn mối lo sợ sinh tồn nữa thì họ mới có khả năng
truy cầu hạnh phúc chân chính.
Tại sao nước Mỹ có thể xây dựng được một
xã hội kiểu như thế này? Người Mỹ thực sự không có áp lực sinh tồn,
không có mối lo đằng sau sao? Họ có thể thực sự truy cầu hạnh phúc chân
chính sao? Hãy cùng xem qua những điểm dưới đây:
1. Tiêu dùng
Nếu mua 1 đôi giày, đi được 2 tuần và
cảm thấy không hợp với chân, bạn có thể đến của hàng trả lại. Nhân viên
bán hàng sẽ đưa ra cho bạn 3 sự lựa chọn: Một là đổi đôi mới, hai là
dùng số tiền đó mua một sản phẩm khác, ba là trả hàng, nhận lại tiền. Cơ
chế này rõ ràng phải được xây dựng trên một nền tảng văn minh nhất
định.
Khi trình độ ứng xử văn minh và ý thức
của người ta không đạt tới được một mức độ nhất định thì không xứng đáng
được hưởng cơ chế đó. Để duy trì bất kỳ chế độ xã hội tốt đẹp nào thì
điều cốt yếu chính là dựa vào tự giác chứ không phải pháp luật.
2. Quyền lực và trách nhiệm
Nếu bị đánh ở nơi công cộng, hung thủ
lại trốn thoát biệt tăm, bạn có thể yêu cầu chính phủ bồi thường. Sao có
thể xảy ra chuyện đó? Rõ ràng chuyện xảy ra chẳng liên quan gì đến
chính phủ cả. Nhưng các luật sư Mỹ sẽ giải thích cho chúng ta rằng: “Chính
phủ phải chịu trách nhiệm bởi vì có tội phạm làm hại bạn. Bạn bị thương
phải đi khám bệnh, bị tổn thất về tinh thần và thể chất không đi làm
được. Tất cả những điều này chính phủ phải chịu trách nhiệm”.
Nhiều người nước ngoài có thể thấy rằng
đó là một suy nghĩ ngược đời. Lỗi chẳng phải ở chính phủ. Chẳng phải
chính phủ vẫn luôn trấn áp, bài trừ tội phạm đó sao? Như vậy chẳng phải
đã là quá đủ hay sao? Nhưng người Mỹ nghĩ khác. Họ truy cứu trách nhiệm
của chính phủ ở một tầng sâu hơn. Công dân không được bảo vệ tốt, kẻ
phạm tội lại trốn thoát, đó là lỗi ở chính phủ.
Có một nhà văn Trung Quốc ở Mỹ vì xích
mích mà ra tay đánh người ta, tự cho là mình có lý. Anh ta sẵn sàng chấp
nhận chịu phạt để đánh người nhưng không thể ngờ rằng một cú đấm của
mình lại nghiêm trọng đến vậy. Anh phải mất một số tiền rất lớn thuê
luật sư mới có thể đạt được thỏa thuận bồi thường với người bị hại, còn
bị phạt tù 1 ngày, 100 giờ lao động công ích tại địa phương và 2000 đô
la.
Anh ta bao biện rằng: “Việc đánh
người tôi thừa nhận nhưng tôi muốn xác nhận là tôi đánh người ta là việc
quang minh chính đại, là có lý, nói cách khác là người ta đáng bị đánh”.
Luật sư cho anh biết: “Anh hoàn toàn
không hiểu pháp luật Mỹ. Người ta có đáng bị đánh hay không thì lại là
chuyện khác, không liên quan đến vụ án này. Quan tòa vụ kiện này chỉ
muốn biết anh có đánh người hay không thôi. Nếu người ta nợ tiền anh
hoặc lừa đảo anh, làm cho anh bị tổn thương về thân thể, tinh thần, thì
anh có thể khởi kiện người ta. Đó lại là vụ một kiện khác”.
3. Quyền lợi của trẻ em và người già
Một bà mẹ bận rộn việc nhà, nhất thời sơ
suất chẳng may làm con ngã xuống bể bơi và đứa bé qua đời. Đúng lúc
đang đau đớn khôn nguôi thì bà mẹ nọ nhận được trát từ toà án vì tội “lơ
là chức trách”, không làm hết trách nhiệm của người giám hộ. Bà sẽ phải
đối mặt với một bản án hình sự.
Nhiều người có thể cho rằng việc này rõ
ràng là không thấu tình đạt lý. Vừa mới chịu nỗi đau mất con, bà mẹ lại
còn vì thế mà phải ngồi tù. Trên đời làm gì có chuyện hoang đường như
vậy?
Lý do của quan tòa rất đơn giản. Bà mẹ
không làm hết chức trách nên một sinh mạng bị mất đi ngoài ý muốn. Đây
là điều pháp luật không cho phép. Một khi bà mẹ này bị xử tù, tác dụng
răn đe của pháp luật sẽ khiến hàng ngàn hàng vạn bà mẹ khác phải tận tâm
làm hết trách nhiệm trong việc bảo vệ con cái.
Người Mỹ quan niệm, “Khi bạn sinh ra
một đứa con, trước tiên, đứa bé đó thuộc về chính nó. Nó có vô số quyền
lợi ngay từ khi sinh ra, sống trong xã hội này. Bất kể nó có ý thức hay
không, bất kể có lớn lên thành người hay không, thì xã hội này vẫn có
tầng tầng lớp lớp luật pháp để bảo vệ nó”.
Bảo vệ quyền lợi trẻ em, đảm bảo sức
khỏe người già, quyền lợi của người yếu thế thực sự là công việc chủ
yếu, là nhiệm vụ quan trọng của chính phủ Mỹ. Cha mẹ một người bạn của
tôi sau khi làm thủ tục định cư vĩnh viễn ở Mỹ giờ đây được nhà nước
thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, ngay cả thuốc men cũng được
gửi tận nhà. Thậm chí lắp cặp kính lão, máy trợ thính cũng được chính
phủ bỏ tiền ra mua cho họ. Hơn nữa họ còn có thể đến các trung tâm hoạt
động người cao tuổi, được hưởng chế độ đãi ngộ và bảo vệ đặc biệt dành
cho người già.
Một hôm, sau khi kiểm tra chỗ ở của ông
bà, người phụ trách trung tâm người cao tuổi đã yêu cầu bạn tôi cần phải
cải tiến 3 chỗ. Bên giường các cụ phải lắp điện thoại có thể với tay
đến được. Phòng ngủ phải có đèn ngủ thấp và bên bồn tắm phải có tay vịn
an toàn bằng kim loại.
Khi bạn tôi trả lời đã biết rồi, người phụ trách trung tâm nói: “Chỉ biết thôi không được, anh phải nói cho chúng tôi biết khi nào anh sửa lỗi xong. Tôi phải đến kiểm tra lại”.
Có người cho đây là việc nhỏ nhưng trên đời thực không có việc nào lớn
hơn so với việc nhỏ này. Đó chính là “coi công việc thực sự là công
việc, coi con người thực sự là con người”.
4. Phục vụ nhân dân
Nhà báo là vua không ngôi. Ý nói nếu
không có bài báo của các hãng truyền thông vạch trần cái xấu thì chính
quyền lợi dụng chức quyền làm điều ám muội sẽ chuyên chế, tham nhũng.
Nhưng nhiều chính quyền thường lấy việc chống tội phạm để yêu cầu bảo
mật nên tha hồ lợi dụng chức quyền làm điều ám muội.
Ở Mỹ, chỉ cần bỏ ra 10 đô la mua bộ thu radio vô tuyến, bạn có thể nhận được tất cả thông tin của cảnh sát.
“Hả? Vậy thì cảnh sát chẳng còn bí mật gì nữa à?”, một người bạn mới đến Mỹ không tài nào hiểu được.
“Họ cần bí mật gì cơ chứ? Họ phục vụ chúng ta”, có người trả lời.
“Thế thì chẳng phải loạn sao?”.
“Có gì mà loạn? Nếu công việc của
cảnh sát chỉ riêng cảnh sát biết, người cũng đã bắt rồi, việc cũng đã xử
lý xong rồi, lúc đó mới thông báo cho các nhà báo chúng ta thì thế mới
là loạn. Lúc đó, ai biết việc đó là thật hay giả?”.
Chỉ một câu đơn giản rõ ràng: “Họ phục vụ chúng ta”
đã đánh tan tất cả những cái cớ lợi dụng chức quyền làm điều mờ ám của
những người thực thi quyền lực. Trấn áp tội phạm, bảo vệ xã hội là trách
nhiệm của chính quyền. Làm thế nào bắt tội phạm trước con mắt theo dõi
của mọi người, làm thế nào ngăn chặn mở rộng quyền lực, phòng chống lợi
dụng chức quyền làm điều ám muội là vấn đề kỹ thuật mà các cơ quan quyền
lực chính phủ phải tự giải quyết. Chính phủ phục vụ nhân dân là vấn đề
nguyên tắc.
5. Sự quyết định của các tầng lớp dưới
Nước Mỹ là xã hội được xây dựng theo hướng từ trên xuống. “Có
sự ủng hộ của nhân dân thành thị, anh có thể làm lãnh đạo thành phố. Có
sự ủng hộ của cử tri bang, anh mới được làm thống đốc bang hoặc nghị
sỹ. Có sự ủng hộ của cử tri toàn quốc, anh mới có thể làm Tổng thống”.
Đây là khác biệt lớn nhất giữa xã hội Mỹ và xã hội Trung Quốc. Cơ chế
này của Mỹ làm cho người dân sống thẳng thắn mạnh mẽ. Thái độ của quan
chức vì dân phục vụ cũng không cần phải học tập, giáo dục, bởi vì bản
thân cử tri đã là sợi dây sinh mạng của quan chức.
Điều đó có lúc làm người ta không thể
tưởng tượng nổi. Thành phố Hillsborough, San Francisco không làm đèn
đường, không mở cửa hàng, cửa hiệu. Việc này ngay cả thống đốc và Tổng
thống cũng không thể can thiệp gì được. Cư dân ở thành phố này căn cứ
vào đặc điểm địa lý đặc thù, nhu cầu cuộc sống của mình mà đã tự thông
qua những điều ấy.
Năm 2006, Schwarzenegger, thống đốc bang
California không đồng ý đặc xá miễn tội tử hình cho người da đen
Williams bất chấp sự thỉnh nguyện của các đoàn thể quần chúng, thậm chí
là can thiệp của Tổng thống. Cuối cùng bản án vẫn được thực thi. Do đó, ở
Mỹ, các cấp chính quyền chỉ chịu trách nhiệm với cử tri theo khung của
hiến pháp. Thống đốc không có quyền miễn nhiệm thị trưởng. Ngay cả Tổng
thống cũng không có quyền miễn nhiệm thống đốc.
6. Tam quyền phân lập
Mỹ là quốc gia có ba cấp lập pháp: quốc
gia, bang, thành phố (địa hạt), mỗi cấp ban hành luật pháp, quyền và
trách nhiệm riêng của mình. Pháp luật quốc gia lấy nhân quyền làm nguyên
tắc, quản lý các phương châm đối nội đối ngoại, các chính sách lớn.
Luật pháp bang lấy nhân tính làm cơ sở, xử lý các tranh chấp dân sự,
hình sự. Luật pháp thành phố (địa hạt) tôn trọng tình hình thực tế dân
tình, giữ gìn bản sắc truyền thống.
Ba cấp lập pháp không phải quan hệ trên
dưới trực thuộc, mà mỗi cấp phụ trách chức trách riêng của mình, cũng
như cá dưới nước phân tầng rõ ràng, tầng trên, giữa, dưới, cũng có ba
loại thức ăn khác nhau, không can thiệp lẫn nhau. Nếu bất chợt có tranh
chấp xung đột, thì trái lại pháp luật cấp thấp hơn sẽ có tác dụng quyết
định.
Đạo lý này cũng không khó giải thích,
càng là luật pháp thấp hơn một cấp thì càng gần với người dân, hợp với
tình người. Mà pháp luật cấp cao do tính trừu tượng của nó đã mất đi
tính khả thi. Theo chiều dọc thì ba cấp lập pháp, mỗi cấp nắm giữ chức
phận của mình. Theo chiều ngang thì pháp luật bang, pháp luật thành phố
(địa hạt) cũng có khác nhau.
Đó là nguyên nhân vì sao nước Mỹ không
có bộ giáo dục. Các luật hôn nhân, giao thông, thuế, dân sự, hình sự của
các bang ít nhiều đều có sự khác nhau.
Hệ thống ấy nếu vận hành ở một quốc gia
khác có lẽ sẽ gây loạn không chừng. Nhưng người Mỹ ở tầm lớn thì khẳng
định nhân quyền, ở tầm trung thì thừa nhận nhân tính, ở tầm thấp hơn thì
tôn trọng nguyên tắc địa phương, đã đáp ứng được mối quan hệ trên mọi
lĩnh vực, đã vận hành chế độ ba cấp lập pháp thành thục điêu luyện.
Một nhà văn Trung Quốc sau khi đến Mỹ đã
cảm khái nói: “Suốt 20 năm nay, càng đi sâu vào xã hội Mỹ, tôi không
ngừng phát hiện thấy một sự thực rằng: thiết kế chế độ xã hội ở đây hoàn
toàn là để giải quyết các loại vấn đề có thể xảy ra của nhân dân. Cũng
có thể nói rằng, trong xã hội này, bất kể anh có xảy ra chuyện gì, rất
khó mà cảm thấy mình lâm vào bước đường cùng, luôn luôn có con đường
đang chờ đợi bạn”.
Có lẽ điều đó chính là lý do giải thích
vì sao bất kể là nhân tài hay kẻ bất tài, người khôn hay kẻ dại cũng đều
muốn di cư sang Mỹ. Đây chính là quốc gia mà bạn không bao giờ bị cảm
thấy rơi vào bước đường cùng.
Hải Sơn biên dịch
daikynguyenvn.com
No comments:
Post a Comment