Hình minh hoạ
Lời
giới thiệu
Câu chuyện này vừa được chuyển đến tay tôi từ một người bạn. Nội dung gồm nhiều uẩn khúc có tính giả tưởng (“fictional”) - Có lẽ vì thế mà tác giả đã đặt tên tựa bài là “Chuyện Đùa Như Thật” chứ không phải là “Chuyện Thật Như Đùa.” Tuy nhiên, tình tiết của câu chuyện, theo tôi, rất ly kỳ có thể làm người đọc đi từ ngạc nhiên đến thích thú (!?)
Tôi cũng mạn phép chỉnh lại vài lỗi chính tả và văn phạm để bài viết được trong sáng, dễ đọc hơn…
Tóm lại, đây là một bài viết đáng đọc và có thể giúp quý vị giây phút trí vào cuối tuần.
Peace.
Trần
Văn Giang
*
Mấy ngày đầu mùa thu thời tiết thay đổi, trời đất và tuổi tác làm cho trái tim vốn đã mệt mỏi lại thêm u sầu. Tôi quyết đi chơi xa một chuyến để kích thích sự sống còn sót lại trong cái cơ thể đang lụi tàn của tuổi sáu mươi.
Bắt đầu chuyến đi từ trưa về đến thành phố Ninh Bình thì trời đã tối. Đón tôi là một người học trò cũ, nay làm nghề bốc mả chuyên nghiệp, làm ăn được nên tình cũ nghĩa xưa vẫn không hề phai nhạt. Gọi là học trò nhưng anh ta cũng đã gần bốn mươi, bặm trợn và từng trải... Đặc thù nghề nghiệp còn cho anh ta một vẻ ngoài vừa bí hiểm và tối tăm vừa ám muội và liêu trai...
Sau bữa
ăn đầy rượu thịt kiểu như của các hảo hán thời cổ đại Trung Hoa, gã học trò đưa
tôi về nhà. Gọi là nhà nhưng thực chất nó là một căn phòng để cho người quản
trang trong bãi tha ma của thành phố. Trời tối, không biết xung quanh ra sao
tôi thây kệ không quan tâm mình đang ở đâu, miễn có chỗ ngả lưng là tốt rồi.
Lạ giường, lạ nhà, tuổi già khó ngủ, thêm nữa ở góc phòng tối om là giường của tay bốc mả, gã nằm im thin thít như không thở, cũng không nói chuyện đưa đẩy gì với tôi. Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, tôi phá vỡ sự im lặng chết chóc, bắt chuyện hắn.
- Này, thức hay ngủ?
- Dạ em thức.
- Sao nằm im vậy, tôi làm phiền cậu à?
- Ôi chết, không ạ. em mắc bệnh nghề nghiệp thầy ạ. Làm nghề này nó vậy. Xin thầy thông cảm. Thầy xuống đây với em là phúc tổ bẩy mươi đời nhà em đấy thầy ạ.
Rồi hắn kể:
- Học xong lớp 12, em đi tu, ba năm sau người ta xây chùa mới to lắm ở Ninh Bình. Vì khoẻ mạnh và chăm chỉ, em được về ban xây dựng chùa. Đường tu đang sáng ngời, bỗng đâu sét đánh ngang trời, em phải lòng đứa con gái một ông đại gia họ Trần, một trong những người góp vốn xây chùa. Chuyện vỡ lở, em bị đuổi khỏi chùa. Xấu hổ, em xin cô người yêu nói với bố cô ta cho em một ân huệ cuối là được vào nghĩa trang thành phố làm nghề bốc mả.
Tôi khơi chuyện để anh ta có đà:
- A Di Đà Phật...! Thế làm cái công việc bốc mộ có gì ghê gớm hay lạ lùng gì mà cậu nói là bị bệnh nghề nghiệp. Mà làm sao cậu lại dính vào đứa con gái kia?
- Úi giời ơi... thầy ơi, người ta có số đấy thầy ơi... Nó theo mẹ nó lên chùa cúng dường cho nhà chùa. nhiều lần gặp rồi thành quen thân, nó rủ em ra phố mua đồ chay cho nhà chùa, thế rồi em dính chưởng lúc nào chả biết. Chưa xây xong chùa, từ ông sư em thành thằng bốc mả, đau quá thầy ạ!... Còn cái nghề bốc mả này em làm gần hai mươi năm nay rồi. Thôi để hôm nào rảnh em kể cho thầy nghe. Hôm nay thầy đi xa mệt, thầy nghỉ đi. Mai em cũng có việc quan trọng phải làm...
- Mai cậu bận việc gì vậy? Tôi xuống đây chơi cậu không nghỉ chơi với tôi một buổi được sao?
- Dạ thưa thầy, mai thành phố này có đám ma to lắm, đám ma của chính ông đại gia là bố vợ hụt của em đấy. Em vốn trước đây làm sư trong chùa, nhà chùa lại là thành phần quan trọng của đám tang ma ngày mai. Biết em có nghề, thạo việc đào bới chôn cất, họ mời... Em tính mai mời thầy tham dự luôn cho vui.
- Tiên sư anh... Đám ma nhà người ta mà anh lại bảo đi cho vui.
Tôi mồm chửi nhưng trong bụng lại thấy vui vui thật. Hình như máu hiếu sự và ham sống trong tôi đang cựa quậy. Tôi mừng thầm là mình đã có cơ hội tham gia một sự kiện quan trọng đáng nhớ.
Hôm sau chúng tôi dậy sớm đi đám ma. Ông học trò quý của tôi trở dậy và đi khỏi nhà từ sớm lắm, hình như cậu ta mặc áo thầy tu. Công nhận đám ma to thật. Có rất nhiều sư tham dự.
Tôi chụp được một cái ảnh có tới hàng trăm ông sư xếp hàng trong đám tang, trong đó có cả thằng học trò của tôi. Tôi cho lên fb và bảo rằng “Sư chùa Thiếu Lâm còn thua xa sư ở đây...” Mấy người quen tôi xem xong chẳng hiểu gì, bực mình quá!!!
***
Chiều hôm ấy, tôi về phòng nghỉ trước, cậu học trò của tôi còn ở lại về sau vì khúc vĩ thanh việc chôn cất là phận sự của anh ta.
Một mình. Chiều trong nghĩa trang thật buồn.
Dạo bước trên những lối nhỏ quanh co bên mấy hàng bia mộ cũ, nhìn những chiếc lá rơi xoay xoay trong gió. Tự nhiên lòng tôi cảm thấy lạnh, trống rỗng và cô đơn vô tận. Tự nhiên tôi thấy thương cho kiếp người: Sống, Chết, Vinh quang và Điếm nhục... Ôi cõi người!
...Tối mịt hắn mới về.tôi lặng lẽ nhìn hắn - Cậu học trò của tôi. Tôi khoái chí vì chợt nhận ra ở thằng này có nhiều cái thú vị mà bây giờ mình mới biết. Hôm qua, lúc nó đón tôi, với bộ quần áo tàng tàng chắc chắn xuất xứ từ những thùng hàng “si đa,” đặc biệt là cái đầu trọc, đôi mắt ốc nhồi thao láo thấp thoáng những tia máu nhỏ ở lòng trắng, mồm phà phà hơi rượu... Trông hắn đúng là một thằng bốc mả chuyên nghiệp. Vậy mà hôm nay, vẫn con người ấy, vẫn cái đầu trọc ấy, chỉ khác mỗi cái áo hôm nay nó mặc là cái áo của ông thầy chùa. Trời ạ! Nhìn hắn đúng là một nhà sư đường bệ uy nghi.
Tắm rửa, thay quần áo, cậu ta mời tôi đi ăn. Suốt cả bữa ăn nó chẳng nói chẳng rằng. Nửa con gà luộc, một cái chân giò luộc một đĩa thịt bò xào, một chai “vốt ka” Hà Nội loại to, cơm, canh… Bữa ăn dành cho hai người sạch nhẵn. Kinh thật!
Về tới nhà, lên giường nó lại nằm im lìm như hôm qua. Tôi nghĩ ngày nó làm việc căng thẳng nên nó mệt. Vậy mà không đúng như tôi nghĩ. Sau nửa tiếng nằm im như không thở, nó chủ động khơi chuyện với tôi.
- Thầy đã ngủ chưa?
- Chưa.
- Thầy có mệt không?
- Không. Tôi có làm gì đâu mà mệt, chỉ sợ anh làm việc căng thẳng mệt mỏi nên tôi không muốn làm phiền đấy thôi. Anh cứ nghỉ đi.
- Ấy chết, em lại quên mất, lại sống với thầy bằng cái bệnh nghề nghiệp rồi hỉ hì. Thầy trò mình nói chuyện nhé.
Anh ta lồm cồm trở dậy đun nước pha trà, cẩn thận mời tôi ra bàn ngồi.
Tôi chủ động hỏi:
- Hôm nay ở lai có việc gì không? Vất vả không?
Rít một hơi thuốc thật sâu, đầu điếu thuốc đỏ loè, không nói không rằng, tợm một ngụm nước trà, súc miệng òng ọc... Hắn lặng lẽ đứng lên, đi về phía giường ngủ của hắn. Lúi húi lục lọi một lúc, hắn mang ra bàn nước một cái túi vải bẩn bẩn, đổ ra bàn. Oa ! tôi không tin vào mắt mình, toàn vàng… Mấy miếng vàng cây của Sacombank, Oceanbank... lẫn trong đấy là nhiều vàng cục nhỏ, vàng trơn loại một hai chỉ..., lại còn có cả những hạt đá quý lóng lánh long lanh... Tôi tròn mắt nhìn hắn chờ một câu giải thích.
Hắn thủng thẳng nói:
- Em nhặt được đấy thầy ạ. Lúc làm lễ tang, người ta chỉ xếp vòng hoa lên mộ thôi, chưa lấp đất lên quan tài đâu, xong lễ, mọi người về hết mới là công việc của bọn em. Đất cho vào huyệt được một đoàn xe tải mới cứng chở đến. Đất lấp huyệt trộn lẫn nhiều vàng và cả đá quý, chỉ có xe trên cùng là đất không thôi. Bốn xung quanh xa vài chục mét, người gác cẩn thận giăng hàng ngang. Chỉ có mình em và một thằng thầy chùa nữa làm cái việc lấp đất. chắc người ta nghĩ là sư thì không để ý đến việc vàng thật hay giả, mà cũng chẳng ăn cắp để làm gì... Em mặc áo thầy chùa ở ngoài, bên trong lại có cái áo ba túi; túi lại to mới sướng chứ trời ạ! Em nhặt như điên, sướng quá thầy ạ.
Tôi lặng lẽ nhìn đống vàng và đá quý của cậu học trò. tự nhiên dở hơi lại thấy vui vui... Đúng là giàu có số thật.
Tôi hỏi:
- Được nhiều vàng thế, sao từ lúc về cậu lại có vẻ không vui lắm nhỉ?
- Dạ thưa, em cũng không tham đâu thầy ạ. Được số vàng này em đang nghĩ xem hay là nhờ thầy, thầy làm cách nào từ thiện đến được với mấy người nghèo khổ giúp em.
Ái chà! Vụ này nghe có vẻ phức tạp rồi đây. Tôi đã mệt mỏi với cuộc sống lắm rồi; nhưng nghĩ lại, có cơ hội làm việc tốt thì cũng nên...
Hai thầy trò cất dọn đồ rồi lên giường đi ngủ. nằm được một lúc, thấy tôi cựa quậy, hắn vọng sang hỏi:
- Thầy ngủ chưa?
- Chưa.
- Thầy có biết nhiều về đàn bà không?
- Mày điên à, sao lại hỏi thầy như vậy?
Im lặng một lúc, hắn nói:
- Đàn bà lạ lắm thầy ạ. Đàn bà thường có hai loại: một là thiên thần, hai là ác quỷ. Thường thì thiên thần nhiều hơn ác quỷ, vậy mà.... (Ngập ngừng một lúc) Trưa nay trong đám tang em thấy những người đàn bà có mặt lúc ấy, thiên thần thì ít mà ác quỷ thì nhiều thầy ạ.
Tiên sư khỉ (Tôi chửi thầm trong bụng). Cái thằng học trò ranh con, cái thằng sư sổng chuồng này, mày lại dám triết lý về đàn bà với thầy mày mới ghê chứ. À chắc hôm nay, ở đám tang kia, chàng gặp lại cô nàng ngày xưa chăng? Vô lý nếu thế thì nó đã kể...
- Thế tại sao anh lại nói với thầy như vậy hử? Về đàn bà nghe có vẻ anh hiểu hơn thầy đấy?
- Thầy ơi, em làm nghề bốc mả em biết, ông sư phụ truyền nghề cho em dạy em là ngày xưa ấy, đàn bà lúc chết chôn ba năm cải táng, lúc đem cái xương cùng rửa sạch, nếu có một cái chấm đen ở cái xương cùng ấy, bài vị của người đàn bà đó mới được đem thờ chung với các tiền nhân trong dòng họ, còn nếu có từ hai chấm trở lên là vứt thầy ạ...
- Sao vậy, mà sao cậu lại nói với tôi những chuyện này?
- He he... (Hắn cười một cách khoái chí) Đúng thầy kém về đàn bà thật.
(...Tiên
sư thằng này láo quá, rõ ràng là nó dám coi thường cả thầy nó cơ chứ !... )
- Thầy biết không, đàn bà mỗi lần ngủ với một người đàn ông mới, xương cùng sẽ in một cái chấm đen. Hai người là hai chấm. Vậy đấy.
- Thế bây giờ anh đi làm có thấy đúng vậy không?
- Úi trời ơi... Đúng chứ thầy, chỉ có điều bây giờ ít người xương cùng có một chấm lắm thầy ạ. Thậm chí có người còn đen sì chả đếm hết... ặc ặc… (hắn cười...)
- Kinh nhể! Thế nhưng nó liên quan đếch gì đến cánh đàn bà trong đám tang hôm nay?
- Vấn đề là thế đấy thầy ơi... Em còn có cái võ là nhìn mặt thôi cũng biết những người đàn bà kia ngủ với bao nhiêu thằng cơ. Cũng khổ, vì thế mà em khinh bọn họ lắm, cứ nhìn mặt thôi là đã thấy ghét rồi.
- A Di Đà Phật... Thiện tai! Thiện tai! Thôi ngủ đi ông tướng ơi, mai tôi về sớm đấy nhé.
- Ối chết thầy ơi. Thầy đừng về, thầy ở đây với em. Em sẽ kể chuyện bốc mả cho thầy nghe...
Tôi nhắm mắt, im lặng, không trả lời. tôi ngủ và tôi mơ. Trong giấc mơ tôi thấy mình như một ông vua... Còn thằng học trò bốc mả thì như nàng công chúa Seherazat trong truyện “Một nghìn lẻ một đêm.” Đêm nào nó cũng ngồi ở cái giường góc nhà quản trang tối om. Nó kể cho tôi nghe chuyện đời bốc mả của nó. mỗi đêm một câu chuyện.
***
- Thầy ngủ chưa?
- Chưa...
... Thế là chẳng dự tính gì, tôi cũng đã ở chơi với cậu học trò cũ của mình được năm ngày rồi. Sống mà có hứng thú một chút thì thời gian nó trôi qua cũng nhanh và nhẹ nhàng. Nhớ lại mấy hôm trước còn ở nhà, thời gian trôi chậm như cái kim ngắn của đồng hồ. Chán chết.
Suốt ba hôm vừa rồi, tôi đi chơi lang thang như một thanh niên. Cứ sáng ngày ra, cậu chủ nhà đi làm là tôi cũng lên đường. Thầy trò chỉ gặp nhau từ bữa ăn tối. Thế cho nó tiện. Cần gì tôi sẽ gọi điện thoại cho cậu – Tôi bảo với cậu ta thế - Cậu ta nhìn tôi có vẻ ngại ngại, chắc là sợ tôi già, hoặc như thế sẽ không chu đáo với thầy. Tôi phẩy tay cương quyết:
- Tính tôi thế, anh yên tâm! Thế là tôi tự do suốt ngày. Đúng như lời cậu ta hứa với tôi, tối nào cũng vậy, trước khi ngủ cậu ta bao giờ cũng tìm cách dẫn dắt để kể cho tôi nghe những câu chuyện liên quan tới cái nghề bốc mả gớm chết của cậu ta. Thật lòng, tôi là người rất thích hóng chuyện, đã thế những câu chuyện của cậu ta cũng rất lạ. Tối nào tôi cũng hồi hộp nằm đợi cậu ta hỏi câu hỏi quen thuộc.
- ... Thầy ngủ chưa..?
Sau đó cậu ta bắt đầu vào vai nàng Seherazat... Và đây là câu chuyện của đêm nay.
- Thầy có biết gì về phong thuỷ không?
- Có biết chút chút, nhưng tôi không thích lắm nên cũng chẳng để ý làm gì.
- Úi trời! Em tưởng thầy thế nào...
Hắn im lặng một chút như để cho tôi thấm thía sự thương hại của nó dành cho sự "kém hiểu biết" của tôi.
Rồi nó thủng thẳng:
- Từ thời cụ Cao Biền, cụ Tả Ao người ta đã tinh thông thuật phong thuỷ lắm rồi thầy ạ. Hồi còn đi tu em cúng được sư phụ truyền dạy một số kiến thức về thuật phong thuỷ.
Tôi hỏi cắt ngang, không giấu sự mỉa mai:
- Trình độ của cậu chắc cao lắm nhỉ!
Giọng của cậu ta hơi nhỏ lại, vẫn tự tin nhưng có vẻ cảnh giác:
- Dạ cũng tàm tạm thầy ạ.
- Bây giờ tôi chôn mười cái nhẫn vàng của cậu, ra mười cái mộ bất kỳ ngoài kia; cậu dùng mắt nhìn phong thuỷ của cậu, có chỉ ra được ngôi mộ nào có chôn vàng không?
Thằng học trò bốc mả la lên ngạc nhiên thích thú:
- Ái chà! Thầy cũng biết tới thứ công phu này của thuật phong thuỷ cơ ạ, Vậy chắc thầy cũng là bậc cao thủ?!
Tôi hỏi lại với giọng khiêu khích và cũng không hề giấu sự thích thú khi thấy ông học trò láo toét không dám coi thường mình nữa (mặc dù tôi có dốt thật)…
- Anh có tìm được không?
- Tìm được chứ thầy (Đến lượt tôi giật mình). Thầy không nhớ hôm trước em nhặt được nhiều vàng và đá quý thế là vì sao à. Hì hì… Người thường bới bới tìm tìm còn lâu mới được một nắm, em nhìn thấu được dưới lớp đất kia chỗ nào có cục to cục nhỏ, vì thế mới bốc được nhiều thế chứ.
Ừ có lý. Tôi biết là đã đến lúc nên nằm yên để mà nghe. May mà nó không tự ái vì thái độ của tôi, khi tự ái dễ mất hứng, câu chuyện sẽ mất hay, cái lẽ thường ở đời là vậy.
- Thầy có biết, cái vùng đất này có gì đặc biệt không?
- Không.
- Mấy ngày đi chơi thầy có ăn bữa thịt dê nào chưa?
- Rồi.
- Ngon không?
- Ngon.
- Thầy có thấy cái lâu đài nào không?
- À, cái đấy thì có. Tôi thấy ba bốn cái ở ngay hai bên đường đi, to và đep lắm.
- Đúng rồi. Quanh vùng này thôi cũng có dễ tới gần chục cái cơ đấy thầy ạ! Cái độc đáo của vùng đất này là vậy đấy. Trên cả đất nước Việt Nam của mình, đây là nơi duy nhất có nhiều những cái lâu đài to đẹp tới mức tầm cỡ thế giới đấy.
- Đùa hay thật đấy ông tướng?
- Em nói "có hoá đơn" đấy thầy ạ.
- Ái chà ! Kể cũng gớm đấy chứ nhỉ. Đúng là chuyện lạ thật chứ chả đùa tí tẹo nào. Ừ thì cứ cho là thật đi, nhưng nó liên quan gì tới cái chuyện phong thuỷ của cậu?
- Đất này toàn núi đá với dê đấy thầy ạ. Đất này có thể nói là cố đô cổ nhất và đẹp nhất Việt Nam. Thầy có tin là nhờ có núi đá và thịt dê mà vùng này có những toà lâu đài đẹp nhường ấy không.
- Tôi tưởng ở đâu, cái gì cũng vậy, do con người chứ.
- Thầy muốn hiểu sao cũng được. Em thấy người ta đào đá đem bán, đem thịt dê bán... Vậy em nghĩ thế đấy. Hai phần ba số lâu đài kia là do em xem hướng, định ngày, xem giờ, thượng điền, hạ thuỷ, khai môn, trấn trạch cho đấy thầy ạ. Nói thật, em không định kể những chuyện này đâu, làm nghề này, những người non tay thì hay bốc phét, khoe khoang, để tiếp thị bản thân. Riêng như em, trình độ khắp cả nước này, xem ra chỉ có vài người, Em phải giấu nghề thầy ạ. Ít người được em cho biết và giúp phong thuỷ cho họ lắm. Do có nghề cao tay, được họ nhờ vả, em biết nhiều chuyện thâm cung bí sử ở đằng sau những toà lâu đài nguy nga tráng lệ kia lắm thầy ạ....
Kinh nhỉ! Tôi nghĩ thầm. Mình cứ tưởng ông tướng này chỉ biết mỗi một môn bốc mả; giờ này nó lại còn biết cả “bách ban võ nghệ” thế này thì kinh thật. Tôi chen ngang:
- Thôi mấy cái lâu đài của cậu để lúc khác đi. Cậu có biết xem long mạch, xem huyệt đất để đặt mộ cho người ta khi chết không?
- Trời! Đúng ngành dọc luôn thầy ơi. Nghề tay phải của em đấy thầy à. Khu sinh phần của mấy ông có máu mặt vùng này toàn một tay em chỉ cho đấy. Nhưng với thầy em chẳng dám giấu, em nói thật, nghề xem phong thuỷ là nghề giúp người, giúp đúng người, hợp lẽ đạo trời đất thì còn có phúc có phần, giúp không đúng người, nhằm phải những loại chả ra gì, nó làm rối loạn đạo trời đất là mình bị tội oan đấy thầy ạ.
- Ý cậu là gì?
- Thầy hỏi em xin khai thật. Đa số những huyệt đất em được thuê tìm, đều của bọn làm giầu bất lương. Chỉ có chúng nó mới có tiền. Người dân bình thường, chỉ mong có mảnh đất chôn sạch sẽ là được. Ai đâu có điều kiện mà xem phong thuỷ với phong thiếc... Khi đi cắm đất cho bọn giàu có bất lương ấy, em cứ lựa theo lẽ trời, em chỉ cho bọn nó chôn vào những thế đất, kiểu gì thì kiểu, cuối cùng cũng rơi vào cái thế "Bật ván thiên, chìm ván địa" nghĩa là, sớm muộn gì chúng nó cũng bị người đời đào cây đánh rễ nhà chúng nó lên thầy ạ.
- Thế cái đám hôm nọ cậu có đặt mộ huyệt cho nhà người ta không?
- Chả em thì còn ai vào đấy nữa thầy ơi. Em xem cho nhà nó từ hơn năm nay rồi. Mới hôm qua cũng có người gọi nhờ em ra Hà Nội làm một đám. Nghe đâu cũng một người làm to lắm đấy thầy ạ. Bấm độn xem, thấy người này chết phạm vào giờ xấu, chắc kiếp trước ăn ở cũng chẳng ra gì. Em chả thèm đi trực tiếp, chỉ gọi điện thoại chỉ đạo thôi...
... Tôi nhìn sang chỗ giường nằm của thằng bốc mả ở góc phòng...Tối om và lặng lẽ im lìm...
Nó nằm im lặng. Nó nằm và thở đều đều trên cái giường của nó, ở cái góc phòng tối đen của ngôi nhà giành cho người quản trang, ở giữa cái nghĩa trang rộng và nhiều gió... Một lúc sau tiếng thở của nó chuyển thành tiếng ngáy khàn khan. Sau mỗi âm phát ra có tiếng rung rung nhẹ nhẹ, như một thứ âm thanh rên rỉ, mệt nhọc, buồn bã, như tiếng vọng về từ đâu đó rất xa. Tự nhiên tôi thấy thương sự đa đoan vất vả của nó, tôi thương cả cái thân tôi, tôi thương cả cái cuộc đời láo nháo và hỗn độn này… Buồn.
*****
Mấy hôm rồi trời chuyển gió mùa đông bắc, tôi và gã học trò quý của mình chẳng hẹn mà cùng nhau lăn ra ốm. Người trẻ với người già ốm cũng chẳng giống nhau, tôi thì ho sù sụ, người ngợm đau mỏi khật khừ, ăn chẳng thiết ăn, ngủ không ra ngủ. Ông tướng bốc mả thì mặt đỏ phừng phừng vì sốt, mũi dãi chảy lòng thòng như trẻ con. Lạ là hắn vẫn làm việc và ăn uống như bình thường, thậm chí còn khoẻ hơn trước. May quá, sang nay hắn bảo với tôi là hắn khỏi ốm rồi.
Gió mùa đông bắc vẫn thổi vi vu ở trên những ngọn cây trong nghĩa trang. Ở trong nghĩa trang hình như gió lạnh và khô hơn ở ngoài phố đằng xa kia.
Chiều nay gã học trò bốc mả của tôi về sớm hơn mọi ngày. Y xách về một đùm to thịt dê và can rượu thơm phức. Vừa sắp xếp đồ ăn ra một mâm đầy ụ, hắn vừa giải thích:
- Trời lạnh thầy ạ. Chẳng đi ra quán làm gì... Từ nay thầy trò mình ăn ở nhà cho tiện. Cái món thịt dê này tốt cho sức khoẻ lắm thầy ạ... Hi hi.
- Nhà anh làm cái việc liên quan đến thế giới tâm linh mà ăn phàm uống tục như bọn Tây đen ấy. Kinh bỏ mẹ. Có lúc tôi thấy anh còn mặc áo nhà chùa, vậy mà anh ăn uống phàm tục như thế không sợ phải tội à?
- Úi trời ơi! Em tưởng thầy cấp tiến lắm cơ chứ... Mà thầy mắng em cũng phải, thầy già rồi... Thầy ơi, thời buổi bây giờ... Mà thôi, em mời thầy ra ăn đi thôi... Hi hi.
Hắn bỏ lửng câu "thời buổi bây giờ..." đầy ẩn ý.
Tôi miễn cưỡng tham gia bữa ăn tối cùng với thằng học trò trời đánh. Lạ là nó ăn uống kinh người thật: dê nướng tảng, dê tái chanh, dê quấn sả bọc mỡ chài, chân dê hầm thuốc bắc, nầm dê hấp lá tía tô, cơm cháy sốt dê... Trời ạ! Cả mâm thức ăn đầy, cả can rượu to vật, vậy mà không hiểu sao lại hết được. Tôi có ăn cùng hắn thật, nhưng tôi cam đoan là không ăn nhiều lắm...
- Thầy ngủ chưa ạ?
- Chưa.
- Thưa thầy. Theo ý thầy... Ở thời buổi bây giờ... Phúc hoạ người ta từ đâu mà đến ạ?
- À, ờ...Theo tôi nghĩ... là do tài năng, do học vấn, có khi cũng còn do may mắn, do cả sự ưu ái của ông trời...
- Đấy...! Hắn vỗ đùi đánh đét một cái (Thằng này lại chuẩn bị láo đây...! ) Em biết ngay mà... không phải thế đâu thầy ơi. (Láo thật rồi ! nó lại chuẩn bị coi thường ông thầy già của nó đây... Tôi tức lắm nhưng cố nằm im để hóng chuyện).
... Và thế là bằng một cái kiểu diễn đạt như rao giảng, chẳng giống ai,. Hắn vào chuyện:
Khoảng những năm thịnh trị nhất của thời nhà Lê, ở vùng Thanh Nghệ có một nho sinh tên là Lê Học Sĩ. Sĩ là người thông minh sáng láng, tinh thông kinh sách, trí tuệ hơn người... Ông nội của Sĩ là Lê Thiện, một người giàu có, hay giúp đỡ những người nghèo khổ. Lê Thiện được dân quanh vùng gọi một cách kính trọng là "Thiện lão lão.” Từ thuở còn hàn vi cha con Thiện lão lão thường cày ruộng trồng lúa. Ở ruộng nhà họ có một ngôi mộ vô chủ, mỗi lần cày tới đó, Thiện lão đều bảo con chừa ra một khoảng, tránh làm tổn hại tới ngôi mộ. Một ngày kia có người khách phương xa tới xin được mang phần mộ ấy về quê, hỏi ra mới biết đấy là phần mộ của một nho sinh, trên đường đi vào kinh thành dự thi, bị ốm mà chết. Từ ấy nhà Thiện lão lão làm ăn phát đạt lắm, chỉ mấy năm sau trở thành gia đình khá giả trong vùng.
Năm Lê Học Sĩ mười chín tuổi kinh thành mở khoa thi. Sĩ dắt theo thư đồng vào kinh dự thi. Ngày lên kinh, cả họ, cả làng tiễn chàng đi, họ đều cầu mong cho chàng sẽ công thành danh toại, vinh quy bái tổ.
Trên đường vào kinh, Sĩ cùng thư đồng tá túc trong một ngôi chùa có tên Pháp Vân Tự. Buổi tối hôm ấy, Sĩ trằn trọc không sao ngủ được, bỗng nghe tiếng đàn vẳng lại từ ngoài cửa sổ. Khoác áo bước ra ngoài, dưới ánh trăng, Sĩ thấy một thư sinh, tay ôm đàn ngọc, thần thái phiêu diêu tựa như tiên nhân. Vốn tinh thông âm luật, nghe tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt réo rắt thật là tuyệt diệu, Sĩ bước tới gần lễ phép chào hỏi:
"Thật hay quá, giống như âm nhạc nơi cõi trời vậy. Dám xin hỏi danh tính huynh đài là gì?”
Chàng trai trẻ ngưng đàn, ngẩng đầu nhìn Sĩ rồi đáp:
"Tại hạ là Điền nhất Sinh, quê ở Thành Nam, nay trên đường tới kinh thành dự khoa thi, đêm nay nghỉ lại nơi này, chợt lòng hứng khởi, gảy khúc tiêu dao, huynh đài nếu không cười chê xin mời qua đây cùng đàm luận.”
Sĩ bước tới ngồi xuống cùng Điền Sinh trò chuyện như thân thiết tự bao giờ. Hai người cùng trao đổi về sở học văn tài. Sĩ vô cùng thán phục tài học của Điền Sinh, chàng cảm thấy so với Điền Sinh chàng còn thua xa một trời một vực. Vốn lần này đi thi chàng ôm mộng trạng nguyên, nay không thể không giật mình ta thán "Núi cao còn có núi cao hơn... Người tài còn có người tài hơn ta...”
Suốt chặng đường còn lại vào kinh thành, Sĩ ra sức trau dồi những kiến thức mà Điền Sinh trao đổi, học vấn của chàng tiến bộ không ngừng. Đến ngày khai hội, Điền Sinh đột ngột chia tay Lê Học Sĩ để về quê chịu tang mẹ. Ngày chia tay ngậm ngùi nuối tiếc, dặm hồng bụi cuốn, người về kẻ ở như hư như thực… Buồn ơi là buồn.
Hội thi năm ấy, đề bài vừa phát tới tay, Lê Học Sĩ đọc sơ một lượt, cảm thấy vô cùng phấn chấn vì đề bài vừa hợp vói khả năng, chàng hạ bút thành chương, lời văn bay bổng như gấm như hoa thật là đắc ý. Câu cuối cùng của đề bài là một câu đối, Vế trước của câu đối là:
"Than đen, lửa hồng, tro như tuyết."
Lê học Sĩ đọc xong không khỏi giật mình. Đây là vế đối khó, bảy chữ này chỉ một sự vật, sự vật ở đây có ba màu sắc, thật là câu đối hiểm hóc. Sĩ vắt óc nghĩ mãi chẳng ra, mướt cả mồ hôi. Sĩ bỗng cảm thấy rùng mình như bị trúng gió, chàng ta gục xuống bàn ngủ thiếp đi, Trong mơ, Sĩ thấy có người đến vỗ vai chàng, một giọng nói, nghe quen quen, nhỏ nhẹ nhưng rất rõ bên tai, "chàng trai trẻ, bài văn của cậu còn mấy chỗ chưa ổn lắm... " Rồi giọng nói ấy lại chỉ…thế ấy, thế ấy, thế ấy...
Sĩ thấy những chỉ bảo của người vô hình kia thật là uyên bác, chàng vội thưa luôn:
"Thưa tiên sinh vế đối năm nay khó quá, tiểu sinh nghĩ mãi chưa ra....”
Giọng nói vô hình hỏi lại:
“Nhà ông cha ngươi có cày ruộng bao giờ không?”
“Có ạ.”
“Cày ruộng làm gì?”
“Trồng lúa ạ.”
Giọng nói như cười khe khẽ và bảo:
"Như vậy ngươi chưa hiểu được sao? Lúa màu gì, còn trấu, cám, gạo xay ra thì sao?”
Sĩ từ trong mộng như choàng tỉnh chỉ thấy mình vẫn đang ngồi làm bài thi. Những tình tiết trong mơ như vẫn còn trước mắt. Chàng chợt hiểu, liền cầm bút viết ngay câu đối:
"Lúa vàng cám đỏ gạo tựa sương."
Kế đó chàng nhanh chóng sửa bài cho hoàn hảo như gợi ý của người vô hình trong giấc mộng.
Khoa thi
năm ấy Lê Học sĩ đỗ trạng nguyên, áo gấm vinh quy về quê. Sau đó Sĩ được bổ làm
quan to trong triều, ông quan này để lại một sự nghiệp sáng chói trong thời đại
của ông và cả nhiều thời sau. Ông ta chết đã lâu nhưng cho tới nay và còn sau nữa,
người đời vẫn ca ngợi, khâm phục và biết ơn những gì ông để lại. Thế đấy...!
Hừm hừm...
- Thầy ngủ chưa? Thầy có hiểu ý nghĩa câu chuyện em vừa kể không?
Tôi vẫn thức, tôi hiểu câu chuyện nói gì, tôi thích cái cách thằng bốc mả này quan niệm và nghĩ về cuộc đời. Nhưng thật khó chịu về cái kiểu đắc chí của nó, nhất là cái cách nó hỏi tôi. Mẹ kiếp, tiên sư cái thằng này láo quá cơ. Tôi giả vờ đã ngủ rồi, giả vờ không nghe nó hỏi.
Im lặng...
Nó tưởng tôi ngủ thật, tức quá thở phì phì rồi một lát sau nó ngáy đều đều.
Nó đã ngủ rồi. Còn các bạn, các bạn có hiểu ý nghĩa của câu chuyện nó vừa kể không?
Ai mà nói được đúng ý nghĩa câu chuyện này, tôi hứa sẽ nói với thằng học trò của tôi khuyến mại cho bạn dịch vụ của nó... He he… Đùa thôi. Tôi sẽ mời bạn cà phê và sẽ cúi đầu khâm phục đấy.
******
Tôi thức giấc sớm hơn mọi khi. Câu chuyện tối hôm qua của cậu học trò mang đến cho tuổi già của tôi một cảm giác như là thiếu tự tin. Tôi thấy cái cách tôi hiểu biết về cuộc sống, cái cách tôi nhìn nhận mọi chuyện, cả ở những chuyện đơn giản, tôi cứ nghĩ là đã thấu đáo đầy đủ... Hoá ra cũng chưa hẳn thế.
Trong ánh sáng lờ mờ của một ngày mới, nhìn vào cái góc phòng tối om, cậu học trò của tôi vẫn nằm im, tiếng thở vẫn đều đều, chắc vẫn ngủ... Hệ luỵ của can rượu và đống thịt dê hôm qua đây. Tôi cười thầm và nghĩ xa xôi đến cái chuyện nó nói với tôi về việc người dân ở đây đào đá núi và xẻ thịt dê bán để xây lâu đài...
... Buổi sớm cuối thu, đầu đông trời lạnh lạnh, sau mấy ngày ốm, cảm giác khoẻ khoắn đã trở lại, đi dạo trên những con đường nhỏ quanh co bên những hàng bia mộ, tự nhiên tôi thấy giữa hai thế giới, thế giới của những người đang tồn tại và thế giới của những người đã chết nằm dưới kia thật hoà hợp, gần gũi và bình yên.
Hôm nay là chủ nhật, tôi chợt nhớ là mình còn có ý định, nhân tiện lần xuống chơi ở đây, tôi sẽ đi thăm người một người bạn già, ông là một linh mục ở bên Kim Sơn, nơi có nhà thờ đá nổi tiếng của xứ Bùi Chu Phát Diệm ngày xưa. Là bạn bè từ thuở còn trai trẻ, vậy mà chỉ thi thoảng, những khi buồn vui bất chợt, chúng tôi viết thư, gọi điện thoại cho nhau. Thời còn trẻ khi ông linh mục mới về giáo phận này, chúng tôi thường hay gặp gỡ. Vậy mà thấm thoắt cũng nhiều chục năm rồi chưa gặp lại...
... Đi dạo về, thằng học trò quý của tôi đã ngủ dậy từ lâu. không biết có việc gì mà hôm nay nó lại mặc áo của nhà chùa. Anh ta lại đường bệ uy nghi như một vị hoà thượng chân tu. Nhìn ông sư trước mặt tôi, đố ai dám tưởng tượng, vừa mới tối qua ông sư này đã xơi hết vài cân thịt dê cùng cả can rượu gần ba lít... A Di Đà Phật!.... Biết tôi đi chơi với ông bạn linh mục, nó gọi xe “taxi,” chuẩn bị chu đáo cho tôi lên đường, tiễn ra tận xe nó còn ân cần nói:
- Thầy đi chơi vui vẻ ạ...
... Đón tôi tận ngoài đường cái, ông bạn dẫn tôi thẳng về nhà thờ, đường làng quanh co, hàng quán phục vụ cho đám khách du lịch nhà thờ đá san sát như phố thị. Sau cái bắt tay và gật đầu cười lúc đón khách xuống xe, bạn tôi thong thả đi trước, trên suốt quãng đường dài từ đường cái về đến nhà thờ, chỉ thi thoảng ông linh mục gật đầu đáp lễ khi có người chào ông. Tôi thấy thật thú vị khi phát hiện ra cái phong thái nghiêm trang cao quý như đang làm lễ trong nhà thờ của người bạn Công giáo. Bước rảo lên ngang với ông, tôi như muốn bắt chuyện, như để tỏ sự vui mừng khi lâu ngày bè bạn gặp nhau, ông bạn già chỉ như hơi nhoẻn miệng cười, ông khẽ nắm tay tôi và vẫn thư thả đi về trước... Đi ngang qua cái sân thật rộng của nhà thờ, tôi cảm giác lạ lạ như đang đi từ thế giới này sang một thế giới khác. Chỉ khi đẩy cánh cửa to và nặng nề của nhà thờ, bước vào bên trong giáo đường rộng ngợp, người bạn già của tôi mới như trở lại con người tôi biết từ trước. Vui vẻ, khẽ ôm vai tôi, đẩy nhẹ tôi ngồi vào cái ghế ở hàng trên cùng của giáo đường. Nơi ông và tôi thường thích ngồi với nhau trò chuyện mỗi khi có dịp...
- Uống chút nhé... Bạn uống gì nhỉ? Hì hì...Sao hôm nay chúa lại mở cửa thiên đàng cho bạn về thăm tôi vậy... Vui quá đi hì hì...
Phì cười và cảm động trước sự vui vẻ, vồ vập của người bạn, tôi cũng vui vẻ gật đầu và hứng thú chỉ tay về góc giáo đường trên tầng hai, nơi có cây đàn Piano mấy trăm tuổi...
- Ha ha vẫn còn nhớ hả, rồi, OK...
... Với tay lấy cái gậy nhỏ như cái dùi trống của trẻ con, gõ khẽ vào cái chuông ở góc bàn. Cánh cửa nhỏ nơi góc lễ đường mở ra. Một người nữ tu trẻ và đẹp như các “Ma sơ” trong phim ảnh phương tây xuất hiện, nàng mang theo một cái xô nhỏ có chai rượu vang đã mở nút, ngâm trong đá, hai cái ly pha lê viền vàng lấp lánh... Người nữ tu khẽ cúi chào và khéo léo rót rượu mời khách...Tôi và ông bạn cụng ly, tiếng ly kêu lanh canh trong trẻo, ngân nga trong vòm nhà nguyện như lời tụng ca tình bạn hữu của chúng tôi... Tôi thấy vui, lòng nhẹ nhõm như quên đi những ưu phiền của cuộc sống.
Sau ly rượu, người bạn già thư thả đi lên tầng hai của lễ đường, Và rồi âm thanh của tiếng đàn piano tràn ngập giáo đường... Ave Maria...
Tôi rất thích nghe tiếng đàn Piano trong nhà thờ. Tôi không phải là người công giáo. Nhà thờ công giáo thờ chúa và những ngôi chùa thờ phật, với tôi chỉ đơn giản là nơi thiêng liêng, nơi để người ta tôn thờ, xưng tụng và ngợi ca những giá trị tốt đẹp của Đạo đức Con người... Tôi chỉ thích nghe nhạc, nghe tiếng đàn Piano trong nhà thờ, thế thôi.
... Rượu vang và âm nhạc trong giáo đường nhà thờ làm tâm hồn tôi như ngất ngây. Tôi đi dạo quanh nhà thờ đá. Tôi chợt phát hiện ra một điều kỳ thú, những viên đá xếp bên nhau từ đã rất lâu, cùng với thăng trầm thời gian, đá ở đây như có linh hồn. Những viên đá như đang lặng lẽ kể chuyện. Như những số phận con người ở quanh đâu đây. Đá mang gương mặt người, thấp thoáng ẩn hiện... Tôi ngồi xuống tựa vào đá và ngủ thiếp đi, tôi mơ... Trong giấc mơ tôi, đá kể cho tôi nghe những câu chuyện của đá, có chuyện vui, có cả chuyện buồn. Tôi như nghe ai đang hát “… Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...”
Tỉnh giấc, tôi thấy người bạn già ngồi bên từ bao giờ... Ánh mắt hướng xa xăm về nóc tháp chuông nhà thờ, không biết bạn tôi nhìn thấy gì ở đó. Tôi biết ở tháp chuông đó có một quả chuông rất to, tiếng của nó vang xa khắp cả xứ đạo này...
Chúng tôi cứ ngồi yên lặng bên nhau như thế, lâu lắm... Người bạn già phá vỡ sự im lặng làm tôi giật mình:
- Có chuyện gì hả ông?
- Không... Có gì đâu, mà sao ông lại hỏi tôi vậy?
Lại im lặng.
- Ông có nhớ thằng bé hồi trước tôi định gửi ông trông nom hộ không?
- Nhớ chứ, nhưng mà sao? Có chuyện gì về nó à?
- À... ờ... không… À mà cũng có chuyện muốn kể với ông về nó, chuyện vui vui thôi nhưng...
Thế là tôi và người bạn già ngồi bên nhau ôn lại câu chuyện về Nó.
... Ngày xưa, lâu lắm rồi, hồi tôi mới học xong trường sư phạm, tôi đi dạy học trên miền núi. Cái thời ấy cả cái đất nước này đều khó khăn, thiếu đói. Trên những chuyến xe khách tôi đi mỗi ngày cuối tháng, khi được nghỉ về thăm nhà, tôi thường nghe người ta nói về nghề dạy học của chúng tôi bằng giọng thương hại lẫn cả coi thường. Lần ấy, về nghỉ tết cuối năm, tôi gặp một thằng bé, cậu bé người miền núi, nói tiếng kinh chưa sõi. Bị gã phụ xe trợn mắt ra sức quát đuổi xuống xe không cho về xuôi, không hiểu sao thằng bé cứ bám vào tay tôi như cầu cứu, và chả hiểu trời xui đất khiến thế nào, tôi nhận mua vé cho nó đi cùng... Tết, nó ăn tết ở nhà tôi. Hết tết, nó theo tôi trở lại ngôi trường mà tôi dạy học. Nó không có nhà cửa, cũng chẳng có ai thân thích. Nghe mấy người trong cái bản gần nơi tôi bắt xe về tết hôm ấy nói, nó là con của một cô giáo dưới xuôi lên đây dạy học, nghe đâu nhà cô dưới ấy cũng chẳng còn ai, cô có con với một anh lái xe đường dài. Sợ tai tiếng, sợ nhà trường phạt kỷ luật... cô đẻ giấu đẻ diếm rồi gửi vào bản nhờ người nuôi.
Lúc đầu, mỗi tháng cô đều gửi gạo gửi tiền vào nuôi con. Được hơn một năm sau, cô giáo kia bị lũ cuốn, mất xác... Người nuôi thằng bé nghèo quá, nay nhờ người này, mai nhờ người khác cho nó ăn, bữa đói bữa no... Thằng bé trở thành con chung của cả cái bản nghèo cho đến ngày tôi gặp nó. Nghiễm nhiên thằng bé ở với tôi ở trường, tôi làm giấy khai sinh cho nó, tên bố là tên tôi, tên mẹ là tên bà vợ anh hiệu trưởng cho nó hợp pháp thôi; và ai cũng nghĩ như vậy là phải. Tôi dạy nó nói tiếng kinh, dạy nó học, tôi chia sẻ cuộc sống khó khăn của tôi với nó. Lạ là nó không bao giờ coi tôi là bố nuôi, nó chỉ gọi tôi là thầy xưng em. Tôi cũng chưa muốn làm bố nên chẳng ý kiến gì.
Hai năm sau tôi chuyển công tác về xuôi, thằng bé theo tôi về. Nó ở với tôi tới năm nó học lớp mười một. Tôi muốn lấy vợ nhưng người ta cứ dị nghị nó là con tôi. Mấy lần đi hỏi vợ toàn bị từ chối khéo, đau thật. Tôi nói chuyện ấy với nó, nó cười cười. Tôi bảo, thầy gửi mày vào trung tâm giáo dục thường xuyên của bạn thầy nhé, ở đó cũng được học chữ và còn học cả nghề nữa. "Không. " Nó trả lời lạnh tanh, nó không cười nữa. tôi không hiểu lúc ấy nó nghĩ gì...
- ... A, chính hồi ấy vì thế ông mang nó xuống gửi tôi ở đây phải không? Thì tôi đã tìm được gia đình cho nó rồi đấy thôi. mà tôi nghĩ nó cũng ổn đấy chứ... Sao lại?...
- Ừ, hồi ấy cuộc sống khó khăn quá. Tôi nghĩ mãi mới dám nhờ ông. Cũng mừng là sau này ông lại dò hỏi, tìm được tung tích người lái xe năm nào mà trả cháu nó về với gia đình.
- Cũng may cho nó, nếu không tìm được gia đình nó, bây giờ nó đi học làm linh mục, theo đạo công giáo như tôi thì... hà hà... cũng hay đấy nhỉ.
- Nó không làm linh mục ông ơi… Nó làm thầy chùa. Giờ nó lại đi trông coi nghĩa trang trong thành phố kia kìa ông ơi...
- Giê su ma! Lạy chúa tôi... Ông vừa nói gì vậy?
Tôi kể cho ông bạn già nghe phần tiếp theo cuộc đời của nó.
- Tìm được gia đình nó cũng vui. Như ông biết rồi đấy, quê nội nó hoá ra là ở Ninh Bình, nhà cũng tương đối, gã lái xe ngày xưa khi biết nó là con, xin với bà vợ cả cho nhận mang về nhà đoàn tụ ngay. Chuyện coi như xong xuôi. Chia tay nó, tôi cũng hơi bùi ngùi, nó thì chỉ im lặng. Tôi cũng không hiểu nó nghĩ gì. Thời gian trôi nhanh quá. Bẵng đi một thoáng mà đã mấy chục năm... Nó bảo với tôi khi gặp lại, học xong lớp mười hai, nó đi tu, rồi bị đuổi khỏi chùa, nó bây giờ làm đủ nghề, trông nghĩa trang, xem phong thuỷ đất cát, bốc mả, cúng bái... Tóm lại là nó bây giờ lạ lắm, tôi đang ở chơi với nó đây ông ạ.
- Vậy thì cũng tốt chứ sao ông lại...?
- Thì tôi có bảo không tốt đâu. Tôi kể chuyện là một phần cũng để ông mừng cho nó. Mà này, ông ơi, ông có tin vào số phận không? Ông có tin vào chuyện con người ta, ngay từ khi mới sinh ra đã phải gánh vác một thiên chức gì đó mà chúa hay ông trời giao phó cho không?
- Ha...ha...ha... Bạn tôi ơi, già rồi, lẩm cẩm đến nơi rồi. Tôi là linh mục đây, tôi nói thật nhé, có Chúa đấy, có ông Trời đấy bạn ạ. Có điều, Chúa, ông Trời, ông Phật... là ở trong lòng người mà ra cả thôi ông ơi... Số phận, thiên chức, gì gì đấy, đều do con người mình tạo ra mà thôi.
- Thì tôi vẫn nghĩ thế; nhưng lạ là bây giờ già, cứ hay nghĩ lẩn thẩn, chán thật.
... Câu chuyện của chúng tôi bỏ ở đó. Tôi chưa hết băn khoăn, nhưng mà thôi.
Hai chúng tôi khoác vai nhau đi về giáo đường... Rượu vang... Tiếng đàn Piano quý phái tràn ngập không gian... Thấp thoáng sau cánh cửa nhỏ có ánh mắt dịu dàng, bí hiểm của những thiên thần choàng khăn màu tối...
... Chia tay ông bạn già. Tối mịt hôm ấy tôi mới quay về với căn phòng trong khu nghĩa trang thành phố. Thằng bốc mả vẫn ngồi đợi tôi về ăn tối. Nó vẫn mang trên người tấm áo của nhà sư. Mâm cơm hôm nay cũng lạ lạ, không nhiều khủng khiếp như mọi khi, lại còn có nửa mâm là đồ chay. Thấy tôi nhìn, nó hiểu ý nói ngay
- Em mời thầy xơi cơm đi. Hôm nay nhà chùa cho mời em vào, sư trụ trì bảo là hội Phật giáo đã quyết định cho em trở lại chùa thầy ạ.
- Thật vậy hả... vậy là...
- Dạ vâng, từ mai em lại là thầy chùa rồi thầy ạ. Nhưng em xin với thầy cả, cho em vẫn ở đây, em vừa tu, vừa tiện coi sóc công viêc tang lễ cũng tốt cho mọi người.
Tôi không nói gì nữa. Tôi lặng lẽ ăn. Hôm nay tôi ăn mặn, Cậu học trò của tôi ăn chay.
Bạn có hiểu tôi đang kể chuyện gì không?
Hồi còn trẻ, tôi có đọc ở đâu đó, một câu, tôi cứ nghĩ là đúng: "Cái áo không làm nên ông thầy tu....” Bây giờ sao tôi thấy hoang mang quá. Tôi già thật rồi.
Bạn tôi bảo:
- Chúa và thiên đàng có tồn tại không? Chúa và thiên đường chỉ có trong niềm tin của mỗi chúng ta.
Học trò của tôi thì nói rằng:
- Phật và cõi niết bàn có tồn tại không? Phật chỉ có trong tâm của mỗi người.
Tôi thì nghĩ lẩn thẩn:
- Phải chăng, hành trình suốt cuộc đời nhọc nhằn, láo nháo, và hỗn độn này, chúng ta chỉ có thể dựa vào chính mình?
Vậy còn các bạn, các bạn nghĩ sao...???
***
... Hắn mặc áo nhà chùa, ngồi dãi thẻ trên giường cẩn thận sắp xếp, đếm đếm.
Chiều cuối
thu đi dạo, thiên nhiên thật êm đềm dễ chịu. Vừa bước chân vào đến cửa tôi nhìn
hắn ngạc nhiên hỏi:
- Cậu làm gì vậy?
- Dạ thưa thầy, em sửa soạn, sắp xếp lại cuộc đời... Hì hì... Quyết tâm làm lại thầy ạ. Thầy giúp em một tay với ạ...
- Ừm... Tôi thì giúp được gì nào?
- Đây ạ, chỗ này là tiền mặt đây ạ… Hơn bốn tỷ ạ... Gói này là vàng và đá quý, có cả mấy hạt kim cương đấy thầy ạ.
- Trời! Cậu làm gì lắm của vậy... mà sao lại giở ra...
- Hì hì... (vờ như không chú ý tới thái độ và câu hỏi của tôi ) hắn chỉ vào đống sách vở... Nhiều phết thầy ạ… À, Thầy thử đọc mấy bài này của em xem được không... Em định bỏ đi nhưng lại tiếc...
Hắn đẩy về
phía tôi một chồng giấy khổ “a4” gói ghém cẩn thận. Tôi chưa hết kinh hãi về số
tài sản khủng của hắn. Tay bê chồng giấy, vừa đi lùi về giường của tôi, vừa
nhìn hắn như cách người ta nhìn một thằng ăn cướp.
- Thầy đọc thử đi nhé, một phần đời của em đấy. Em nhặt nhạnh gom góp lại, những bài thơ, những câu chuyện, cả chuyện riêng của em, cả những câu chuyện em nhặt được trong đời..., Biết đâu có khi thầy đọc xong lại thấy hay, lại thấy đỡ buồn, hì hì... Đừng cười em đấy nhé.
Mồm hắn nói và tay xếp mấy quyển sách; nó vẫn làm như không biết gì đến thái độ của tôi.
Tôi chợt thoáng trong đầu ý nghĩ sẽ về Hà Đông vào chuyến xe sáng ngày mai...
... Hờ hững tôi rút một tờ giấy đầy chữ, một bài thơ được viết bằng bút mực, chữ rất đẹp, đúng là chữ của nó:
“….
Ui da... Một bài thơ tình, thơ của một người mặc áo nhà chùa đây sao? Chắc là bài thơ này anh ta có được qua cuộc tình với cô con gái nhà họ Trần đây. Vốn dị ứng với thứ thơ rẻ tiền nhan nhản quanh tôi từ đã lâu, tôi đọc lướt bài thơ nhưng vẫn lờ mờ nhận thấy có cái gì đó lạ lạ. Nó giống như một nỗi đau, nỗi đau được nói bằng thứ ngôn từ kiêu hãnh, xót xa mà chân tình lắm... Mà hình như, đằng sau những câu chữ kia, còn chứa chất điều gì đó vượt ra ngoài câu chuyện tình yêu trai gái?
Tờ thứ hai, cũng vẫn là một bài thơ, không phải chữ của nó... chữ của con gái, chắc là của cô gái họ Trần nào đó...:
“...
Hay. Thơ hay quá! Tôi nhớ lại câu chuyện tình của ông thầy chùa trẻ người non dạ, với cô gái con nhà một ông đại gia mà tôi được nghe kể hôm nào...Trời ạ... Tôi nhìn chồng giấy “a4” đen đặc chữ, tôi biết mình đang có trước mặt, bản thảo những câu chuyện thú vị, về cuộc đời kỳ lạ của gã học trò làm nghề bốc mả kiêm thầy chùa này.
Nấn ná mãi rồi tôi cũng phải trở về nhà mình. Bà vợ già và mấy đứa con dù biết tình tôi xưa nay vốn ưa tự do tự tại nhưng cũng đã hết kiên nhẫn với những cuộc điện thoại triệu hồi liên tục réo rắt.
Hắn thấy tôi nghe điện thoại xong, hắn nhìn tôi lo lắng, dò hỏi có vẻ tuyệt vọng:
- Thầy quyết về thật à?
- Ừ... ự… Tôi cũng thấy muốn về rồi. Già rồi... Ở với anh tôi thấy cũng thú vị lắm, nhưng có tuổi rồi, cũng không nên để cho vợ con họ lo lắng cho mình nhiều quá anh ạ...
Giọng hắn nhỏ lại, xúc động:
- Thầy ở luôn đây với em, em chăm sóc thầy được mà... Em muốn được báo đáp, phụng dưỡng thầy…
Tự nhiên tôi cũng xúc động. Tôi hiểu cậu học trò của mình đang nghĩ gì.
Chúng tôi ngồi lặng lẽ với nhau rất lâu, những kỷ niệm ngày xưa hình như cũng lặng lẽ trở về. Hai người đàn ông tự nhiên ngồi như hai khúc gỗ. Tôi thấy hình như có một trong hai người chảy nước mắt...
... Nó đứng lên, nó nói với tôi là đi chuẩn bị đồ cho tôi. Hôm trước tôi xuống đây chỉ có mấy bộ quần áo, mấy thứ đồ dùng cá nhân lặt vặt, tất cả chỉ cho vào một cái túi vải nhỏ; bây giờ, cậu ta sắm cho tôi một cái túi du lịch. Thấy lạ lạ, tôi hỏi thì hắn nói:
- Có mấy gói thuốc Nam để thầy ngâm rượu. Số tiền em tích lũy được, số vàng, cả số đá quý lần trước may mắn nhặt được... em gom lại, em nhờ thầy quản lý hộ. Thầy có thể tuỳ ý chi dùng, phần để thầy chi dùng cho cuộc sống hàng ngày của thầy, còn ra, để thầy giúp cho những người nghèo khó mà thầy biết...
- Ấy chết! Thế còn cậu, cậu để mà dùng chứ... Tôi có gia đình...
- Thầy ơi. Em từ nay trở đi không còn là em của ngày hôm qua nữa đâu. Thầy còn ở với em, em mới cần đi làm thêm để phụng dưỡng, báo đáp ơn thầy. Thầy về, em chỉ còn mỗi một việc là hoằng dương chánh pháp giúp bá tánh và chăm chỉ tu hành thôi. Ăn chay, niệm Phật có nhà chùa lo thầy ạ.
Tôi hỏi giọng không hề giấu diếm sự băn khoăn:
- ... Tiền ở đâu ra mà nhiều thế?
- Dạ thưa thầy, tiền em tích góp được đấy ạ, công sức bao nhiêu năm làm nghề bốc mả, xem đất cát, phong thuỷ, rồi lễ lạt... cho người ta đấy thầy ạ.
- Sao nhiều vậy?
- Tất cả đều là mồ hôi, công sức chính đáng của em đấy thầy ạ. Thầy ơi, so với công thầy ngày xưa cứu vớt cưu mang em chưa thấm gì...
Tôi nhìn ánh mắt cậu học trò lúc ấy, nó tha thiết, khẩn khoản và quyết liệt lắm... Tự nhiên nó gợi cho tôi về cái ánh mắt cậu bé năm nào ở cái vùng miền rừng nghèo đói ngày xưa.... Biết có nói đi nói lại cũng không khác được nên tôi im lặng...
- ... À mà thưa thầy... có việc quan trọng nữa...
Tôi hỏi:
- Gì vậy?
- Dạ thưa thầy, em muốn toàn tâm toàn ý cho nghiệp tu, bởi vậy tất cả số sách vở, giấy tờ, cả những gì liên quan đến đời sống trần tục của em, em có được suốt từ những năm tháng qua, em xin gửi thầy giữ cho em, em không biết nói sao, nó là một quãng đời em. Xin thầy coi như em tặng thầy làm kỷ niệm.
Tôi lặng
lẽ gật đầu... Tôi không nói gì, nhưng lòng tôi xúc động lắm. Tôi biết gã học
trò trước mặt tôi đang nói những lời từ gan ruột nó. Phải chăng nó đang
nói những lời từ biệt tôi để rồi chúng tôi sẽ xa nhau, xa như ngày nào tôi dứt
tình với nó để nó về với ông bố đẻ là gã lái xe...
Tôi không biết gã thầy chùa trước mặt tôi có thành chính quả trên con đường tu nghiệp hay không. Tôi ngồi lặng im. Xa lắm có tiếng còi tàu trôi vào trong gió. Tàu xuôi về hướng nam.
Đặng Hưng
Trần Văn Giang (ghi lại)
No comments:
Post a Comment