Đây không phải
là lần đầu tiên tôi đọc và viết về tác phẩm của nhà văn/nhà truyền thông Thu
Nga, với mục đích sẽ giới thiệu về tác phẩm của chị vào hôm ra mắt sách.
Cách nay trên
dưới 10 năm, tôi đã đọc/viết/sẵn sàng để giới thiệu một tác phẩm của chị Thu Nga
vào hôm chị ra mắt sách. Nhưng, vì một lý do bất khả kháng, vào giờ phút cuối,
tôi phải điện thoại, xin lỗi chị Thu Nga; vì tôi không thể đến Dallas để giới
thiệu tác phẩm đó.
Từ đó cho đến
nay, tôi cứ thầm áy náy, không biết chị Thu Nga có giận tôi hay không.
Thật may mắn,
nhà văn Thu Nga không giận tôi, cho nên, hôm nay tôi mới được cơ duyên giới
thiệu Hồi Ký 45 Năm Nhìn Lại do chị ghi lại một cách rất tỉ mỉ.
Kính thưa quý
vị, khi nhận được cuốn Hồi Ký 45 Năm Nhìn Lại, tôi rất ngại ngùng, và lúng túng
– vì ba lý do sau đây:
1) Tựa đề của
cuốn hồi ký cho phép tôi nghĩ rằng đây là cuốn hồi ký nặng về chính trị – mà
tôi thì không thích chính trị.
May mắn cho
tôi, tác giả Thu Nga không viết về chính trị. Tác giả ghi lại niềm vui/nỗi buồn
trong gia đình, với bạn hữu, với cảnh sống trong cư xá sĩ quan; chị cũng viết
về những biến động quân sự và dân sự vào mùa xuân đẩm máu do cộng sản Việt Nam
(csVN) “xé” hiệp định hưu chiến, năm 1968; mùa Hè đỏ lửa, năm 1972; công khai
xâm lăng miền Nam Việt Nam, năm 1975.
2) Đa số tác
giả viết hồi ký thường “đánh bóng” “cái tôi” của tác giả rồi trút tất cả những
tệ hại/những phẫn hận cho các nhân vật đã chết hoặc đã mất uy quyền.
Nhưng, sau khi
đọc xong Hồi Ký 45 Năm Nhìn Lại, tôi nhận thấy tôi đã nhầm; vì tác giả Thu Nga
không những không “đánh bóng” cá nhân của chị mà chị còn viết rất thật.
Lý do tôi xác
quyết chị Thu Nga viết rất thật là có nhiều chi tiết ít ai dám viết ra, thế mà
chị Thu Nga dám viết. Đó là đoạn tác giả Thu Nga viết thoáng qua về mối tình
đầu của chị. Điều đó cho thấy, tác giả Thu Nga là một phụ nữ rất chân thật và
can đảm.
3) Cuốn Hồi Ký
45 Năm Nhìn Lại dày hơn 400 trang – kể cả những trang có hình – mà đã có đến 03
vị nam giới viết lời bạt và bài giới thiệu; bài của vị nào cũng dài cả 7/8
trang – mà tôi lại được Ba tôi dạy rằng: “Trong địa hạt văn hoc nghệ
thuật, con phải tìm một hướng đi riêng”. Thế thì còn gì cho tôi viết
nữa đây!
Tuy vậy, khi
đọc đến trang 40, câu: “Mạ cũng kể sơ sơ về cuộc đời khi còn là con gái
của bà. Bà là con nhà gia thế tỉnh thành, ưng Ba là người miệt quê. Khi Ba còn
trẻ, ông lăng nhăng hết bà này tới bà kia. Mạ ghen thì bị ông đánh…” tôi
bỗng ngậm ngùi/thương xót cho thân phận phụ nữ cùng thời đại với Mạ của tác giả
và Má tôi.
Mạ của tác giả
ghen thì bị chồng đánh. Má tôi không biết nấu ăn thì bị Cô tôi mắng nhiếc không
tiếc lời! Thế mới biết, hậu quả khóc hờn từ sự di hại của những câu “châm ngôn”
vô ý thức/đầy thiên vị của ông Khổng/ông Mạnh/ông Trang/ông Lão đã đè nặng lên
thân phận phụ nữ Việt Nam như thế nào vào thời đại Tàu đô hộ Việt Nam! Một câu
vô trách nhiệm của một trong các ông ấy là “Trai năm thê bảy thiếp; gái
chính chuyên một chồng”!
Cũng may, đến
thời đại của tác giả Thu Nga và tôi, ảnh hưởng của mấy ông Tàu đã từ từ nhạt
phai.
Kính thưa quý
vị, trong những đoạn đường tác giả Thu Nga đã trải qua và ghi lại trong Hồi Ký
này, tôi tưởng như tôi thấy được bóng dáng của tôi. Đó là những câu tiếng Huế,
những đoạn đi bắt ghen và phân đoạn chị Thu Nga viết về sự ganh tị của người
đời.
Chị Thu Nga
không viết rõ chị bị ganh tị như thế nào; riêng tôi, tôi đã bị, hai bà vợ của
hai ông chủ báo, điện thoại và emailed trực tiếp, yêu cầu Điệp Mỹ Linh đừng gửi
bài đến cho 2 tờ báo do chồng của 2 bà ấy làm chủ nhiệm nữa! Và, một ông, nhờ
Điệp Mỹ Linh giới thiệu sách của ông ấy vào hôm ra mắt sách. Nhưng, vào hôm ra
mắt sách, vợ của ông ấy – trong vai trò là MC của chương trình ra mắt sách – đã
không giới thiệu Điệp Mỹ Linh khi giới thiệu quan khách.
Điều đó cho
thấy, đến thế kỷ thứ 21 rồi mà vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội
Việt Nam cũng vẫn còn bị hạn chế và bị kỳ thị.
Những địa danh
mà tác giả Thu Nga đã có nhiều kỷ niệm cũng chính là những nơi chốn đã vùi chôn
một phần tuổi thơ của tôi như Tuy Hòa, cầu Ông Chừ, cầu Đà Rằng. Và tác giả
cũng đã có lúc sợ máy bay “bà già” như tôi đã từng sợ; chỉ có khác là ông Cụ
của tác giả đến Tuy Hòa trong thời bình và tác giả ở vào tuổi mộng mơ; còn tôi
đến Tuy Hòa vào thời Ba tôi theo kháng chiến chống Tây; Má tôi người Huế; tôi
chỉ là đứa bé con.
Càng đọc và
càng suy nghĩ, tôi càng thương cho thân phận phụ nữ chúng tôi. Đề cập đến vấn
đề ghen tương, tôi không than trách hay buồn tủi gì cả; vì tôi nhận thức được
rằng: Chồng mình phải “như thế nào đó” thì các cô gái khác mới “theo” chứ! Và
có người đàn ông nào can đảm từ chối khi được các cô quyến rũ hay không?
Không phải chỉ
đàn ông Việt Nam mới “nhẹ dạ (!)”, trở thành “nạn nhân(?)” của phụ nữ để làm vợ
buồn khổ mà đàn ông ngoại quốc cũng vậy. Gần đây nhất là ông Bill Gates – nhà
tỷ phú và cũng là co-founder of Microsoft. Bằng cớ đàn ông ngoại
quốc không thể cưỡng lại sự quyến rũ của các cô được tác giả Thu Nga xác định ở
trang 162 như thế này: “…Một xì-căng-đan nữa là ông sếp to nhất của
department có vợ con, lại mê một cô Mễ thư ký rất đẹp. Có lần tôi thấy ông và
cô thư ký ngồi trong xe ở trong garage, cô thư ký đang ôm mặt khóc…”
Sau khi viết về
những mối tình hờ, tác giả cũng đã ghi lại những mối tình Lính và nỗi niềm của
người con gái miền Nam. Tôi không thể biết/không thể nhớ được bao nhiêu thiếu
nữ – cùng thời đại với tác giả và tôi – đành chịu tội bất hiếu với Cha Mẹ để
được thành hôn với người yêu là người Lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)!
Tại sao người
Lính VNCH lại có được sức quyến rũ mãnh liệt đến như thế?
Kính thưa quý
vị, bây giờ chúng ta cũng vẫn còn tài liệu, âm nhạc và hình ảnh cũ để chứng
minh sự khác biệt giữa Người Lính VNCH và anh bộ đội csVN. Chính sự khác biệt
này là động lực khiến cho nhiều thiếu nữ miền Nam từ chối những mối tình vương
giả để được làm vợ người Lính VNCH.
Tôi sẽ không so
sánh về trình độ học vấn/đạo đức/tác phong/vóc dáng/quân phục giữa người Lính
VNCH và anh bộ đội csVN. Tôi chỉ muốn nêu lên khối “hành trang tinh thần” mà
người Lính VNCH và anh bộ đội csVN được hấp thụ và được trang bị.
Khối “hành
trang tinh thần” trong lòng người Lính VNCH xuất phát từ những bài Đức Dục và
Công Dân Giáo Dục tại các trường học miền Nam Việt Nam.
Nhờ được giáo
dục trong một xã hội đầy đạo đức và nhân bản, người Lính VNCH, khi còn đi học
thì được hun đúc bằng ca khúc Học Sinh Hành Khúc của Hùng Lân, chỉ biết: “Liều
thân vì nước vì dân mà thôi…” Lớn lên, đi lính để bảo vệ miền Nam,
người lính VNCH cũng chỉ biết thực hiện theo câu: “Thù nước lấy máu đào
đem báo” trong bài Quốc ca của VNCH. Rõ ràng là người Lính
VNCH chỉ biết liều thân và lấy máu của chính họ để bảo vệ đất nước/bảo vệ đồng
bào chứ người Lính VNCH không mang trong lòng niềm căm thù sắt máu như anh bộ
đội csVN!
Từ đó, tôi nhận
ra rằng: Người Lính VNCH đã thể hiện rõ nét câu nói “để đời” của một nhà văn
người Anh – Gilbert Keith Chesterton. Câu ấy như thế này: “The true soldier fights not
because he hates what is in front of him, but because he loves what is behind
him”.
Còn “hành trang
tinh thần” của người csVN thì được trang bị thế nào?
Vì chủ nghĩa
của csVN là vô gia đình, vô Tổ Quốc, vô tôn giáo, cho nên, ngay từ tấm bé, trẻ
em trong guồng máy đầy ác tính của csVN đã được thầy cô giáo “nhồi” vào tâm
thức thơ dại bản tính phản bội, bằng phương thức: Mỗi em học trò phải để ý xem
Ông Bà/Cha Mẹ ăn gì/ nói gì rồi mách lại thầy cô để được thầy cô tặng bằng khen
“Cháu ngoan bác Hồ”.
Cho đến nay –
sau 46 năm không còn chiến tranh – csVN cũng vẫn chưa hề đưa môn Đức Dục và
Công Dân Giáo Dục vào học đường!
Hệ quả của sự
thiếu Giáo Dục và Đức Dục trong học đường là, sau 30-04-1975, người csVN “giải
phóng” từng con gà/con vịt/con heo/con búp bê/cái “đài”/TV và “giải phóng” luôn
cả tài sản của người miền Nam rồi đem về Bắc. Người Việt xuất cảnh lao
động/du học ở đâu thì ở đó có bảng – viết bằng tiếng Việt – cảnh báo
về vấn đề người Việt ăn cắp. Và, trong mấy ngày gần đây, “sản phẩm” rất “hoành
tráng” của csVN – Dương Đức Thịnh và nhóm du học sinh Việt Nam cùng học tại
trường trung học Marrickville ở tiểu bang New South Wales của
Úc Đại Lợi – đã thể hiện được tất cả sự thiếu giáo dục/vô văn hóa/vô đạo đức khi có hành
động vô ý thức và lời nói xúc phạm nặng nề đến lá Quốc Kỳ VNCH tại Úc Đại Lợi
vào dịp 30 tháng Tư năm 2021!
Sau khi nhận
thức được sự khác biệt giữa hai nền giáo dục của chính thể VNCH và nhà cầm
quyền csVN, có lẽ không còn ai thắc mắc là tại sao “trái tim thiếu nữ” của
chúng tôi đã bị người Lính VNCH chinh phục!
Đọc đến trang
285, đoạn nhân vật tên “o” Xương, trở nên điên loạn; vì người tình của “o”
Xương – anh Tự – bị tử trận, tôi xúc động vô cùng! Tiếp đến là nhân vật Huy bị
tử trận, để lại người vợ tên Phượng. Kính mời quý vị nghe “o” Xương – một người
điên vì người tình vừa tử trận – lại an ủi chị Phượng như thế này:
-Nì! Uống một
miếng nước. Tội quá, răng cứ khóc hoài, bịnh chừ! O biết răng không? Anh Tự tui
cũng chết rồi, chết như chồng của “o” rứa!
Ngoài những
đoạn văn viết về xã hội Việt Nam, tôi còn nhận thấy cuốn Hồi Ký này được ghi
lại nhiều chi tiết về thời cuộc thế giới và xã hội Hoa Kỳ. Điều này cũng không
có gì ngạc nhiên; vì tác giả là một nhà truyền thông, cho nên tác giả không thể
không ghi nhận những đại sự như: Tin về 39 tín đồ của đạo Heaven’s Gate đã tự
tử tập thể, năm 1997; và bệnh dịch Covid-19…
Một điều rất
quan trọng, dù tác giả Thu Nga chỉ viết thoáng qua, tôi cũng nhận ra rằng tác
giả Thu Nga rất trân trọng sự yểm trợ thầm lặng của anh Hạnh – “ông xã” của chị
Thu Nga. Điều này cho thấy, Ông Bà mình nói đúng: “Đồng vợ đồng chồng, tác biển
đông cũng cạn”.
Đến đây tôi xin
dứt lời. Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe.
Điệp Mỹ Linh
https://www.diepmylinh.com/
No comments:
Post a Comment