Tôi vào ‘Viện Phục Hồi’ để thăm mẹ của một người bạn,
bà hơn chín mươi tuổi. Gọi là viện ‘phục hồi’ cho lịch sự, chứ đã có mấy ai được
hồi phục sức khỏe để mà xuất viện về nhà. Vào đây rồi, thì xem như chờ ngày Trời
gọi đi. Toàn cả những người bại liệt toàn thân, bán thân, hoặc đã mê man không
còn biết trời đất chi nữa. Những người còn có thể tự dùng xe lăn để di chuyển một
mình, chậm chạp như rùa bò, và khó khăn để tiến tới vài ba thưóc, thì có thể
xem như thuộc thành phần khỏe mạnh nhất, có sức khoẻ tốt.
Một cụ già teo tóp, như chỉ còn bộ da nhăn nhúm bọc trong
mớ áo quần bùng nhùng, đang chống gậy đi từng bước chậm chạp vào cổng viện. Có
lẽ cụ đi thăm thân nhân. Cái gậy của cụ, chọc chọc nhiều lần xuống đất, giống
như dò đường trong nước lụt, rồi mới trụ lại để đỡ cho bưóc chân kế tiếp. Tôi
thầm nghĩ rằng, đi đứng khó khăn đến thế, mà cũng chịu khó vào đây thăm viếng.
Tiếng thở khò khè mệt nhọc của cụ, làm tôi ái ngại.
Bà mẹ bạn tôi xem như bị liệt chân, nằm trên giường. Có ống
ni-lông nối từ bọng tiểu ra một cái bình treo cạnh giường. Nước tiểu màu vàng rỉ
dần làm thành bọt trong ống dẫn. Ruột già của bà, được nối với một cái ống
khác, để chuyển phân vào cái túi nằm bên ngoài, mang trên bụng. Bà đang nhăn
nhó, khó chịu vì cái túi phân quá đầy, mà y tá chưa có thì giờ để giúp bà trút
bỏ phân chứa trong cái túi. Một ông rể nghe bà rên rỉ, anh dở mền ra, kéo quần
bà xuống, sờ vào túi phân căng phồng, ông giận nói :
“Mấy người y-tá ở đây thiếu trách nhiệm. Túi phân căng đầy
thế nầy, thì chứng tỏ hôm qua chưa đổ phân. Thôi, để con giúp mẹ.”
Ông múc chậu nước, rồi kéo quần bà cụ xuống, gỡ băng keo
dán trên bụng, dùng hai tay tháo túi phân ra khỏi ống nối. Tôi vội quay mặt đi,
để tránh ‘phạm thượng’, khỏi thấy cái chỗ không đáng thấy, của bà cụ. Nhưng
không kịp, và tôi suýt á lên một tiếng vì ngạc nhiên. Sau nầy tôi đem cái ngạc
nhiên đó ra hỏi ông rể của bà cụ, thì anh cho biết, khi già, thì ‘tóc’ ở nơi ấy
rụng hết, như đàn ông bị hói đầu, nên trơn lu như trẻ con. Tôi không biết có thật
như vậy hay không.
Khi ông rể bà nặn phân từ túi ra chậu nước, mùi thối tha nồng
nặc xông lên, tôi không chịu nổi, phải lảng ra ngoài phòng. Tôi chợt cảm phục tấm
lòng tốt của người con rể kia, và biết mình khó làm điều đó cho mẹ vợ được, dù
tôi có thương bà đến mấy đi nữa. Nhưng có lẽ, nếu là mẹ ruột tôi, hoặc vợ tôi,
thì tôi sẽ không ngần ngại mà xắn tay làm. Ông con rể của bà cẩn thận, rửa
sạch túi phân, gắn lại trên bụng cho bà mẹ vợ. Anh vẫn tươi cười, vui vẻ, không
tỏ ra khó chịu khi phải làm việc khó khăn dơ dáy nầy. Tôi tự xét, tấm lòng của
ông hơn xa chúng tôi, hơn xa các con của bà cụ.
Mẹ bạn tôi được ẵm từ giường lên xe lăn, đẩy ra khu sinh
hoạt, đó là một phòng lớn. Hơn bốn chục cái xe lăn, đặt hướng về một phía. Trên
mỗi xe lăn, có một con người bệnh, với những đôi mắt lờ đờ như không muốn thấy,
những cái đầu xiêu vẹo trên cổ, những cái miệng méo mó, hở hang, và có nước
giãi lòng thòng.
Những khuôn mặt với da trắng bệch, như vô tri, như không
còn sự sống. Các sư cô đến đây giúp vui cứ nói, cứ hát. Không cần biết họ có nghe
hay không. Những lời nói khuyến khích người bệnh lạc quan, yêu đời, dù cho ở
hoàn cảnh nào, cũng cứ nuôi hy vọng.
Tôi thầm nghĩ, có lẽ hy vọng chính đáng lớn nhất của họ,
là được sớm ra đi yên bình, khỏi phải kéo dài đời sống nầy, như những hình phạt
khắc nghiệt phải chịu, trước khi được giải thoát.
Tôi đi thụt lùi về góc phòng. Tôi chợt nhận ra ông cụ già
đã gặp buổi sáng, cụ đang ngồi bên cạnh một lão bà trong xe lăn. Cụ ông vuốt
vai, vuốt lưng cụ bà, và hát nho nhỏ, những bài hát ru em, thỉnh thoảng tiếng
hát bị đứt đoạn vì ho khàn trong cổ họng. Tôi lắng nghe tiếng được tiếng mất :
“ Thôi thôi, nín đi bé ơi, đừng khóc nữa. Anh biết nó làm
gãy tay con búp bê của bé. Anh sẽ gắn tay búp bê lại cho bé. Đây, cục kẹo, bé
ăn đi, ngon vô cùng…Bé cười đi cho anh vui... ”
Bà cụ cười, cái miệng cười không răng, trông dễ thương như
em bé mới biết bò. Bà cụ nói thều thào :
“ Sáng nay ông ăn gì ? Nhớ ăn uống cho đầy đủ, đừng làm biếng
ăn nghe cưng. Nhớ ăn rau trái cho nhiều vào.”
Ông cụ cúi đầu nghiêng qua, hôn lên tóc, quàng tay qua vai
bà, rồi hát tiếp bản nhạc “Sương Khói Vương Trong Mắt Em”. Đúng là sương khói
trong mắt bà, vầng mắt đã đục trắng, mờ mờ lem nhem. Tiếng hát ông khàn khàn :
“ …ngày kia em sẽ tìm thấy rằng, những người biết yêu đều là mù quáng.
Ôi, khi ngọn lửa trong tim cháy bùng, em phải hiểu rằng, sương khói đang vương
trong mắt em… ” Chưa hát xong, thì ông ho sù sụ, và dừng lại thở
khò khè. Bà cụ đang nhắm mắt lim dim, như ngây ngất với tiếng hát, bỗng mở mắt
quay qua ông, nói :
“ Lại ho nữa rồi. Khổ chưa. ”
Tôi trở về chỗ với bà mẹ của bạn. Người em của bạn tôi cười
và nói nhỏ:
“ Tôi biết anh đang rình nghe lóm chuyện của hai ông bà cụ
bên kia. Ngày nào ông cụ cũng vào thăm bà, họ không tham gia sinh hoạt chung,
mà đem nhau vào góc phòng ngồi thủ thỉ. Có khi ông mượn được cây đàn, búng dây
tưng tưng, có lẽ run tay, nên thường đánh trật nhịp, rồi hát cho bà nghe. Chắc
cặp vợ chồng nầy, đã có một đời sống hạnh phúc tuyệt vời ”Đến giờ ăn trưa, y tá
bưng cho mỗi người một khay thức ăn, có bốn món.
Mọi người ngồi quanh những cái bàn tròn trải khăn trắng. Rất
ít người có thể tự đưa thức ăn vào miệng, y tá phải múc và bón cho từng người,
như đút cho em bé. Những cái miệng đã méo, những cơ bắp đã liệt, làm thức ăn
rơi chảy ra ngoài vung vãi trên tấm khăn ăn mang trước ngực.
Nhiều người cứ ngậm thức ăn trong miệng, không nhai, không
nuốt, giống hệt những em bé nhỏng nhẽo biếng ăn. Những người y tá rất kiên nhẫn
và dịu dàng, dỗ dành các cụ : “Giỏi, giỏi lắm. Nhai đi. Nuốt đi. Có thế
chứ… cám ơn.” Rồi họ múc thêm thức ăn, dồn vào miệng các cụ.
Hai ông bà cụ vẫn ngồi riêng trong góc phòng. Ông chậm chạp
vụng về lấy khăn ăn quàng qua cổ bà, vuốt vuốt trên ngực. Bà há miệng cho ông gắn
hàm răng giả Rồi ông vịn bàn, ngồi xuống, đút cho bà ăn. Mỗi khi bà há miệng
đòi đút thêm, ông cười sung sướng nói :
“Có thế chứ, bé ngoan lắm mà. Ăn cho mau lớn mà lấy chồng”.
Bà cụ quay qua, nụ cười với hàng răng giả đều đặn:
“Cứ chừng đó, nói đi nói lại hoài. Nhưng nghe cũng vui
tai”.
Ông tằng hắng, thông đàm trong cổ họng, rồi nói :
“ Ừ. Vợ chồng, hoặc những người yêu nhau, có bao giờ nghe
nhàm câu ‘anh yêu em, em yêu anh’ đâu. Nghe mấy ngàn lần cũng cứ vui, cứ
khoái tai như thường.”
Bà nói nho nhỏ :
“ Ông ăn với tôi nhé. Họ cho nhiều quá, ngày nào cũng thế.
Hai người mình ăn cũng chưa hết. Ông ăn chén thịt bò xào đi. Ăn đi mà. Không ai
nói gì đâu. Ông cứ ngại hoài. Mỗi ngày dư ra, cũng đem đổ đi mà thôi.”
Ông cười và nói đùa :
“ Cái bao tử tôi đâu phải là thùng rác ? Ừ, thôi, tôi ăn mấy
miếng cho bà vui.”
Bà hỏi, giọng ngọt ngào :
“ Hôm nay ông chờ xe buýt có lâu không ? ”
“ Khá lâu, vì sáng nay xe đến trước giờ. Tôi thấy xe trờ tới,
mà không dám chạy theo cho kịp. ”
“ Ưà. Đừng có chạy. Đi còn khó khăn. Vấp té, hoặc mệt đứng
tim mà chết. Trễ chuyến nầy, còn chuyến khác. Không gấp.”
“ Tôi biết mà. Muốn chạy cũng không được. Mình cứ thong thả.
Chỉ sợ bà mong chờ, nóng ruột mà thôi.”
Bà cười, nhìn ông âu yếm. Tôi đứng nhìn xuống thảm cỏ dưới
lầu, nhưng thấy và nghe hết câu chuyện của hai ông bà.
Ông đưa nước cho bà uống. Bà hớp môt hớp, rồi lắc đầu. Ông
có vẻ lo lắng:
“ Lấy nước cam cho bà uống nhé? Bà không ưa nước nầy?”
Bà gật đầu. Ông chống gậy chậm chạp đi dần về phiá cái bàn
có nhiều bình cà phê, trà, nước ngọt. Ông vụng về rót đầy ly, rồi mang về. Một
tay cầm ly, một tay chống gậy. Ông bước từng bước khó khăn.
Tay ông run rẩy, làm nước chao đổ ra cả sàn phòng. Tôi vội
vàng chạy đến, đỡ cái ly trên tay ông, và nói mau: “Tôi xin được giúp ông
một tay”. Ông cụ toét miệng cười. Tôi đem ly nước đến cho bà cụ, và chào bà, hỏi
bà có mạnh khỏe không. Tôi tự giới thiệu:
“Tôi tên là Tim. Tôi vào đây thăm bà mẹ của bạn, cái bà mặc
áo hoa màu đỏ, ngồi bàn đàng kia kìa”.
Ông cụ nghe không rõ, tưởng tôi đi thăm mẹ vợ, ông đáp lời:
“Hân hạnh. Tôi là Biêu. Bà nầy là Mary. Nầy, anh là một
ngưòi tử tế, biết đi thăm bà má vợ. Anh có biết thiên hạ bảo rằng, cụ Adam, tổ
tiên của loài người, là kẻ sung sướng nhất thế gian, vì cụ không có một bà mẹ vợ.
”
Tôi phì cười và đáp lời :
“ Xứ nầy, thì mấy ông rể ghét cay ghét đắng và có
thành kiến với mẹ vợ, chứ xứ tôi, thì con rể và mẹ vợ rất thương nhau. Rể
thương mẹ vợ, vì bà sinh ra con gái cho hắn ‘thả dê’ và mẹ vợ thương con rể, để
nó ‘dê’ con gái của bà nhiều nhiều.”
Ông cụ toét miệng, nghiêng đầu cười ha hả, còn bà cụ
thì trề cái môi dưới ra thật dài tỏ vẻ bất bình vì lời nói đùa cợt của tôi.
Một buổi chiều, tôi trở lại thăm một ông bạn cựu sĩ quan nằm
mê man. Sau khi nựng má bạn để từ giã, tôi lái xe về. Khi xe đến cổng, tôi thấy
ông Biêu đang chống gậy chậm chạp ì ạch đi ra đường. Nhìn lên thấy bầu trời xám
xịt sắp chuyển mưa. Tôi dừng xe lại chào, và đề nghị chở ông ấy ra trạm xe
buýt.
Ông cám ơn, và khó nhọc lắm mới ngồi vào được trong xe,
tôi phải phụ ông gài dây an toàn. Tôi thấy thương ông già quá, đi đứng khó
khăn, mà ngày nào cũng đến thăm vợ bằng xe buýt, không quản ngại nắng mưa. Những
cặp vợ chồng trẻ, cũng không tình tứ lãng mạn như hai cụ già nầy. Tôi mở đầu
câu chuyện :
“ Ông không nhờ được ai chở đi về mỗi ngày sao ? Đi xe
buýt, phải chờ đợi, nắng nôi, xe dừng lại nhiều trạm, cứ chạy giựt mãi, mệt lắm.
Con cháu của cụ không giúp được sao ? ”
“Tôi không có con cháu. Mà nếu có, cũng khó nhờ vả. Cũng
không nên nhờ, vì chúng cũng tất bật với công ăn việc làm, với đời sống riêng
khó khăn. Mình nhiều thì giờ, cứ thong thả, từ từ, thì đi đâu cũng đến. Chỉ
không đi vòng quanh thế giới được mà
thôi.”
Tôi nói:
“Khi còn bé, tôi cũng ước mơ làm một kẻ lãng du, được
in dấu chân mình khắp năm châu bốn bể. Nhưng rồi vì hoàn cảnh đất nước chiến
tranh, vì đời sống, áo cơm, vợ con, nên bây giờ cứ tiếc mãi.”
“Không việc gì mà tiếc. Đi được cũng vui, mà không đi được,
cũng có cái vui khác. Hoàn cảnh nào, cũng tìm được nguồn vui trong đó. Tôi cũng
đã từng dùng gần cả cuộc đời đi lang thang hầu như khắp nẻo địa cầu, cũng vui.
Nhưng rồi, cũng chẳng được gì ngoài cái thoả mãn tò mò, cái mơ mộng của mình.”
Nghe ông cụ đã từng đi khắp địa cầu, tôi khoái quá, muốn
biết kinh nghiệm của ông. Bến xe buýt đã cận kề, tôi muốn kéo dài câu chuyện, hỏi:
“Cụ về đâu? Tôi đưa cụ về nhà luôn. Cụ nói cho tôi nghe về
cuộc đời đi giang hồ khắp nơi trên địa cầu nầy?”
“Thôi, thôi, để khi khác. Tôi không muốn làm phiền anh .
Nhà tôi ở gần góc đường số 5, và Harbor. Khi nào rảnh, mời anh ghé chơi.”
“Nhà tôi cũng vùng đó. Cụ đừng ngại, để tôi chở cụ về
luôn, cũng tiện đường. Tôi đang rảnh rang, không có việc chi bận rộn cả.”
“Thế thì được. Mình không nên lợi dụng lòng tốt của thiên
hạ. Ai cũng tốt cả, nhưng bị lợi dụng nhiều, cũng sẽ phát cáu, và mất bớt cái tử
tế đi. À, hay là tôi mời anh đi ăn tiệm chiều nay. Tôi biết một tiệm có món thịt
bò chiên ngon và mềm lắm. Răng yếu như tôi, cũng còn nhai được.”
“ Cụ còn thích ăn thịt bò? Ăn thịt nhiều, không tốt
cho sức khỏe. Rồi bị cao máu, cao mỡ...”
“Tuổi tôi, ngoài chín mươi rồi, không còn sợ gì cả. Ngon
thì cứ ăn cho vui. Đâu có còn thấy mặt trời được bao lâu nữa. Vui được cứ vui,
ngon cứ ăn, mệt cứ nghỉ. Mỗi giờ, vui sống cho tròn sáu mươi phút, mỗi phút,
vui tròn sáu mươi giây”
“Cụ còn yêu đời quá nhỉ? Thế thì cụ không đau ốm, không nhức
xương, không mỏi mệt.?”
“Già thì ai mà không bệnh, không đau ốm. Đau nhức xương cốt
là cái trời cho mình trong tuổi già. Còn chống gậy lê bước được, còn nghe được
loáng thoáng, thấy được lờ mờ, cũng đã là quá vui và hạnh phúc rồi. Mùa thu thì
lá phải vàng và rụng, để cho lá non đâm chồi. Anh đã nghe câu thơ: “Còn bước được,
ta còn ca, còn múa. Thế giới nầy, đầy cả hạnh phúc vui.” Không?
Tôi nói đùa:
“Hay là, ăn tiệm xong, cụ và tôi đi nhảy Disco chơi?”
Ông cụ cười ha ha, vỗ vào đùi tôi, ông nói:
“ Anh còn ngon lành quá. Đi thì đi, tôi đâu có sợ gì. Anh
cứ nhảy, tôi ngồi xem cũng vui. Mà anh còn đủ sức để nhảy không chứ?”
Ông chỉ đường cho tôi đi đến tiệm thịt bò chiên đặc biệt.
Bên trong trang hoàng thanh nhã, ghế bọc nệm da láng. Bàn kê sát cửa sổ
nhìn ra một công viên cây xanh, có hồ nước loang loáng in bóng bầu trời.
Chúng tôi kêu hai dĩa thịt bò chiên ăn với khoai tây
nghiền, và rau sống. Răng tôi cũng đã yếu,không cắn nổi bánh mì. Tôi nhập
đề ngay:
“ Cụ nói cho tôi nghe về cuộc đời lãng du của cụ đi. Tôi
đang nóng lòng nghe đây.”
“ Hôm nay đặc biệt, anh uống với tôi một chai rượu vang
nhé.”
Cả đời tôi, thiếu mất cái thú uống rượu, vì uống vào, đã
không ngon miệng, mà còn thấy dờn dợn, và cay xè, khó chịu, như uống phải thuốc
độc. Sau đó thì chóng mặt, nhức đầu. Nhưng hôm nay, tôi không muốn ông già Biêu
cụt hứng, nên cười vui, và gật đầu bằng lòng. Bên ngoài trời mưa xối xả, đất trời
trắng xóa, quán lên đèn vàng ấm áp.
Ông cụ rót cho tôi rượu màu máu thẫm vào ly pha lê lóng
lánh. Tôi làm như sành nhậu, lắc rượu xoay tròn trong ly, và nhìn mưa rơi, trời
đất đẹp như bức tranh lãng mạn. Tôi đổi đề tài:
“ Tôi thấy hai cụ thương yêu, chăm sóc nhau, làm tôi cảm động
và vui lây với cái hạnh phúc lan toả ra chung quanh. Cụ có thể kể cho tôi nghe
về cụ bà, có được không?”
Ông cụ thở dài, tằng hắng rồi bắt giọng:
“Tôi và Mary cùng tuổi. Lớn lên ở cạnh nhà nhau. Chúng tôi
thương khi nằm chung nôi, và bú chung vú mẹ. Mary bú vú mẹ tôi và tôi bú vú mẹ
Mary. Hai nhà qua lại thân thiết. Tôi và Mary chơi chung đồ chơi. Nhiều hôm đắp
chung chăn ngủ vuì. Rồi cùng đi học chung lớp. Được bố mẹ đón đi chung,về chung
mỗi ngày.
Hồi sáu bảy tuồi, thấy bố mẹ hôn nhau, chúng tôi cũng hôn
nhau mỗi ngày nhiều lần. Chúng tôi cũng đóng vai vợ chồng, giả vờ chăm sóc
nhau. Mỗi tuần, tôi xé giấy làm tiền, tôi đưa cho Mary, như là đưa ngân phiếu
lương cho vợ. Mỗi lần gia đình đi nghỉ hè, chúng tôi khóc, đòi đi chung. Không
được, thì suốt thời gian vắng nhau, chúng tôi ủ rủ như tàu lá héo. Tôi và Mary
đều tin chắc rằng, lớn lên, chúng tôi sẽ kết hôn thành vợ chồng.
Năm mười một tuổi, bố mẹ Mary li dị nhau. Căn nhà được bán
đi. Nàng theo mẹ dọn đi nơi khác, xa nhà cũ chừng một giờ đi xe buýt, đổi xe
hai lần. Mary trao cho tôi địa chỉ mới và có vẽ bản đồ xe buýt có ghi:
“Chờ anh đến gặp em. Chờ anh từng ngày”
Tôi muốn đi thăm nàng lắm, nhưng không đi được, vì không
ai đưa đi, và còn nhỏ, bố mẹ không cho đi một mình. Tôi muốn trốn nhà đi thăm,
cũng không có tiền đi xe buýt. Hơn một năm sau, tôi mới có tiền, và có dịp trốn
nhà đi thăm. Nhưng đến nơi, thì nhà đóng cửa, tôi đấm cửa rồi ngồi chờ trong
hành lang cư xá. Đến chiều tối, nàng cũng chưa về.
Tôi phải vội vã đi bộ ra trạm xe búyt, và khi về đến nhà,
thì thấy xe cảnh sát và cả xóm xôn xao đổ đi tìm tôi. Tôi bị trừng phạt. Bố mẹ
rtôi suýt bị ra toà vì tội lơ đãng trong việc chăm sóc con nhỏ. Tôi thú thật với
mẹ là nhớ Mary quá, nên trốn nhà đi thăm. Mẹ khuyên tôi nên quên Mary đi. Làm
sao mà tôi quên được.
Mấy năm sau, mẹ Mary lấy chồng khác, dọn nhà qua tiểu bang
xa. Hai đứa hoàn toàn mất liên lạc nhau. Nhưng trong tôi, hình bóng Mary không
phai mờ. Tôi mong mau lớn để đi làm, cưới Mary làm vợ.Năm mười chín tuổi, tôi gặp
lại nàng, hai đứa vô cùng vui mừng, và ôm chặt lấy nhau, tưởng sẽ không bao giờ
xa nhau được nữa. Lúc nầy, nàng đã đính hôn với người khác rồi, nhưng
nàng sẵn sàng hủy bỏ để lấy tôi.
Chúng tôi định làm đám cưới gấp nhưng không kịp, vì hai
hôm sau đã phải đi Âu Châu tham dự Đệ Nhị Thế Chiến. Tôi lái máy bay chiến đấu.
Say mê với những cuộc không chiến hiểm nghèo, mà sinh mạng như treo đầu ngọn cỏ.
Mới mấy tháng, tôi đã hạ được năm máy bay địch, rồi cũng phải trả nợ, tôi bị bắn
rơi trên vùng trời địch. Quân đội xem như tôi đã chết, có báo tin về cho gia
đình, Mary cũng biết. Tôi bị thương, và sau mấy ngày trốn núp trong ruộng nho, tôi
bị bắt làm tù binh.
Sau khi thế chiến chấm dứt, tôi trở về, tơi tả, thì Mary
cũng đã có chồng. Lấy người mà nàng đã đính hôn trước đây. Tôi buồn, cái máu
giang hồ nổi lên, xin đi theo đoàn thám hiểm. Đi khắp thế giới, đến những nơi
chưa ai từng in dấu chân. Từ Bắc Cực đến Nam Cực, những vùng rừng già Phi Châu,
Á Châu, Nam Mỹ, tôi say mê với khám phá thiên nhiên, khám phá đời sống sinh vật.
Khi ở tuổi 55, tôi bị tai nạn tuyết chuồi, cả đoàn bị chôn
vùi nhiều ngày trong núi nước đá đông. Khi được moi ra, thì tôi là một trong
hai người còn sống sót. Bị thương ở cột sống, tôi không còn đủ năng lực đi theo
đoàn thám hiểm nữa. Về thành phố nhỏ, tôi sống bằng nghề đánh đàn trong một hộp
đêm ế khách, của một ban nhạc nghèo. Nhưng cũng lây lất đủ qua ngày, qua tháng.
Khi nầy thì Mary đã li dị hai lần. Anh chồng thứ nhất say
mê bài bạc, nợ nần lung tung, nhiều khi nhà không có bánh mì khô mà gặm. Anh chồng
thứ hai thì tốt bụng, nhưng say sưa và gần như thất nghiệp quanh năm. Cái số của
nàng khổ. Anh chồng thứ ba là thợ mộc, làm ăn khá giả, tủ tế. Nhưng cũng không
lâu, vì anh ta đã té từ mái nhà xuống, gãy xương sống, nằm liệt một chỗ. Mary vừa
đi làm nuôi chồng, vừa chăm sóc, nuôi nấng cho đến khi chồng chết.
Đầu thập niên 1990 tôi đang trắng tay, sống vất vả với đồng
tiền eo hẹp. Trong khi rảnh rỗi, tôi ghi danh tham dự một khoá hội thảo về thị
trường chứng khoán. Tại đây, tôi quen với một tay chơi chứng khoán nhà nghề. Hắn
dạy tôi chơi, tôi cứ nhắm mắt theo hắn, và nhờ thế mà tiền lời tăng mau như thổi.
Đôi khi không kịp nghe lời hắn mà vô ra thị trường cho kịp,
thì tôi lại may mắn hơn, ăn nhiều hơn, hoặc thua ít hơn. Rồi suốt ngày
tôi ngồi trước máy vi tính, mua bán chứng khoán cho bà con, bạn bè. Vô, ra, từng
giờ. Trời đãi, chứng khoán lên giá, thì tôi được lời đã đành, mà chứng
khoán xuống giá, tôi cũng lời luôn.
Tôi không phải nghiên cứu học hỏi chi cả, cứ nhắm mắt theo
ông bạn. Tôi báo cáo lời lỗ cho hắn từng ngày. Hắn khoái lắm. Trong vòng gần mười
năm, tôi đã có đến bạc triệu. Thế mà ông bạn đó lại sạt nghiệp, thua tơi tả, và
nợ nần, bị vợ li dị luôn. Tôi đã phải trả quả cho vụ chứng khoán nầy. Bị căng
thẳng quá, nên đau tim.
Đầu năm 2000, tôi phải vào bệnh viện mổ tim. Trước khi mổ,
tôi chuyển hết tiền vào các đầu tư cố định. Không lời nhiều, nhưng chắc ăn,
không lo mất. Trời xui khiến, khi tôi mổ tim về nhà, thì cái máy vi tính của
tôi trục trặc, đang thời gian dưỡng bệnh, tôi không màng chi đến chuyện tiền bạc,
thị trường. Dù vậy, tôi cũng đã phải vào bệnh viện mổ lại, sức khỏe của tôi xuống
rất thấp.
Hơn hai năm trời đau yếu rề rà, tôi không hề đụng đến cái
máy vi tính, và không hề nghĩ đến số tiền đầu tư. Một hôm tình cờ, tôi giật
mình khi nghe tin tức. Trong thời gian đó, thị trường chứng khoán Nasdaq tụt giốc
xuống hố, chỉ số từ khoảng 4700 xuống đến gần 1100. Nghĩa là mất giá, chỉ
còn chừng 25%. Có nhiều người thua sạch. Có người tự tử chết. Tôi không mất xu
nào cả. Trời thương.
Năm 80 tuổi, tình cờ tôi gặp lại Mary. Cả hai đều móm mém,
già nua. Thế mà còn nhận ra được nhau. Ôm nhau khóc. Kể lể cho nhau nghe bao
nhiêu gian truân của cuộc đời. Chỉ trong vòng một tuần, chúng tôi đưa nhau vào
nhà thờ, làm đám cưới gấp, có một số ít bạn bè chứng kiến.
Nàng lấy chồng lấn thứ tư, tôi lần đầu tiên cưới vợ. Tôi
đem Mary về, chúng tôi sống trong hạnh phúc êm đềm của tuổi già. Nhiều đêm nằm
ngủ thức giấc, quàng tay qua, có Mary nằm bên cạnh, tôi có cái hạnh phúc của thời
thơ ấu, khi hai đứa nằm đắp chung chăn ngủ trong những ngày mùa đông tuyết đổ.
Nếu chúng tôi lấy nhau sớm, thì có lẽ đời Mary không chịu
nhiều truân chuyên, mà tôi cũng không thành một gã lãng tử giang hồ. Mấy năm
chung sống trong tuổi già, hạnh phúc chúng tôi tràn đầy. Cuối đời, Trời đã cho
chúng tôi đoàn viên sung sướng.
Ba năm trước, Mary bị đột qụy, tê liệt nửa người. Nói
không ra tiếng, đi không được. Sau một thời gian thể dục trị liệu, thì đi lại bằng
nạng, và nói được, nhưng rất khó khăn. Tôi có thuê người đến chăm sóc hàng
ngày, chừng vài ba giờ, giúp làm những việc nặng mà tôi không kham nổi.
Nhưng mấy tháng sau, Mary bị liên tiếp thêm hai lần đột qụy nữa. Nằm bệnh viện
một thời gian, rồi được đưa thẳng vào viện phục hồi.
Tôi muốn đưa nàng về nhà, tôi sẽ chăm nom. Nhưng bác sĩ, y
tá và nhiều người nói rằng, tình trạng của Mary không thể săn sóc tại nhà được.
Vả lại, tôi cũng đã yếu, không giúp gì được nhiều. Mấy năm nay, mỗi tuần bảy
ngày, tôi vào ra bệnh viện, cũng là một lối tập thể dục, một lối dinh dưỡng tâm
thần. Gặp nhau vui, thấy đời dễ thương và ý nghiã hơn.”
Tôi thấy thương ông cụ quá, hỏi:
“Đi thăm mỗi ngày, chờ đợi xe buýt, cụ không thấy mệt
sao?”
“Đôi khi mệt lắm chứ. Có khi tưởng như không về nổi đến
nhà. Nhưng không đến, thì Mary buồn và lo lắm. Đôi khi mệt quá, tôi ngủ thiếp
trên xe, đi đến trạm cuối, phải quay về”
Người phục vụ bưng ra hai dĩa thịt bê chiên, có khoai nghiền,
xà lách, nấm xào. Thức ăn trên dĩa sắp đặt mỹ thuật, mới nhìn thôi, cũng
đã thấy ngon rồi. Ông cụ cắt đôi miếng thịt, chia thức ăn làm hai phần. Rồi xin
một cái hộp nhựa, cẩn thận cho thức ăn vào, gói lại bàng cái bao giấy màu
nâu.
Thịt bê mềm, bên trong màu còn hồng của máu rỉ ra. Tôi cắt
ăn, và cảm được cái vị ngọt, mềm tan trong răng. Hèn chi ông cụ đưa tôi đến tiệm
nầy. Chúng tôi thong thả ăn chờ mưa dứt. Ông cụ hớp từng ngụm rượu nho hồng
khoái trá. Tôi không uống rượu được, nhưng cũng cứ nhấp cho ông cụ vui, và
chính mình cũng cảm thấy được cái lãng mạn của một buổi rượu, trong lúc chờ
mưa. Sau đó, uống cà phê. Tôi cảm được cái hạnh phúc quý báu đơn sơ bên ông bạn
gìa.
Sau bữa ăn, ông cụ móc điện thoại cầm tay, kêu ai đó, mà
không được. Ông cụ nói: “Cái con khỉ. Máy hết điện. Bậy thật, hôm qua
quên nạp điện.”
Tôi móc điện thoại của tôi đưa cho ông. Kêu lộn số hai ba
lần, ông lầm bầm rồi nói lớn như thét:
“Thom…Thom, khoan ăn buổi tối đã nghen. Có thịt bê chiên
ngon và mềm lắm, anh sẽ ghé ngang qua nhà và đưa cho chú.”
Ông cho biết, cụ Thom là em ông, liệt chân, ngồi xe lăn, bị
thần kinh, sống một mình trong khu gia cư dành cho người già thuê.
Mưa tạnh, tôi đưa cụ Biêu đến khu người già của em ông ở,
cũng trên con đường về. Tôi đi theo cụ Biêu lên thang máy. Gõ cửa ầm ầm. Đấm cửa
hoài mà không ai trả lời. Cụ Biêu kiên nhẫn đứng chờ hơn năm phút và nháy
mắt ra dấu cho tôi, ý muốn nói gì đó mà tôi không hiểu.
Một lúc sau, có tiếng động bên trong và cửa hé mở. Một ông
già râu ria che khuất cả mặt, tóc tai dài loăn xoăn phủ xuống vai, ngồi trên xe
lăn chạy bằng điện. Ông nầy có dáng dấp của ông già Rip Van Winkle ngủ quên một
trăm năm trong rừng. Ông già toét miệng cười, nói lớn: Tôi đã im lặng, để
anh tưởng tôi không có nhà, mà bỏ đi. Không ngờ. Ha ha ha…”
Ông Biêu cười hiền lành và chìa cái hộp thức ăn cho ông
em. Ông em đưa tay hất ra:
“Ăn thừa rồi đem lại đây phải không? Tôi đâu phải là cái
thùng rác mà đem đổ thức ăn thừa?”
Tôi thấy tội nghiệp ông Biêu, bèn nói nhỏ nhẹ :
“Không phài ăn thừa. Ông Biêu đã cắt và chia ra trước khi
ăn”
“Thằng Chệt hôi hám kia! Ai cho xía mồm vào. Ai cho mầy
vào đây?”
Tôi đã được biết ông nầy bị thần kinh, nên không chấp
trách, không bực mình. Ông Biêu vội vã nói:
“Bậy nào, bậy nào. Đừng nói vậy!”
Sau khi dúi cái hộp thức ăn vào tay người em, ông Biêu kéo
vội tôi đi.
Ra đến thang máy, ông Biêu nói nhỏ:
“Đừng bực mình, người bệnh thần kinh, nói năng trăng cuội,
họ không biết họ nói gì.”
Tôi cười vui thành tiếng cho cụ Biêu yên lòng. Đưa cụ về
nhà, trước khi chia tay, tôi dặn:
“Khi nào thấy tôi trong viện phục hồi, cụ nhớ kêu, để tôi
chở cụ về, khỏi đi xe buýt.”
“Cám ơn lòng tốt. Bà mẹ của bạn anh cũng còn đẹp lắm.”
“Thế thì cụ có chịu làm bố dượng bạn tôi không? Mỗi lần đi
thăm cả hai bà cho tiện. Tha hồ mà ca hát, ru em.”
Ông cụ Biêu cười khà khà, tôi khoát tay chào và ra về.
Trong lòng tôi lâng lâng niềm hạnh phúc ./.
No comments:
Post a Comment