Tôi đến Nebraska vào đầu mùa Đông giá lạnh. Người đón ở phi trường là một người chưa bao giờ gặp mặt. Tên anh là Thomas. Một vài câu chào nhau lạnh lùng giữa mùa đông lạnh. Lặng lẽ, anh dẫn tôi ra khỏi phi trường và lao mình trên chiếc xe truck trong cơn gió tuyết. Mùa Đông Nebraska quá khắc nghiệt hơn tôi dự đoán.
Từng cơn gió tuyết réo rắt đến rợn người. Một màu trắng xoá trải dài, dài như vô tận. Những khu nhà thưa thớt của dân nghèo da đen gần phía phi trường phủ ngập tuyết. Tuyết phủ cao có khi lấp hẳn cả những chiếc xe nằm bất động bên đường. Không gian tĩnh mịch. Trong lòng đơn côi. Tôi hoang mang sợ hãi! Không biết mình có vượt qua nổi mùa Đông khắc nghiệt này không? Lần đầu tiên trong đời chạm trán với Muà Đông Nebraska với mười mấy độ âm. Những ngày trước đây còn háo hức cho chuyến thực tập này bao nhiêu thì bây giờ cảm thấy ớn lạnh bấy nhiêu. Nỗi cô đơn xâm chiếm, một hoang mang vây quanh. Tại sao mình lại chọn mảnh đất xa xăm này? Tại sao lại bỏ gia đình ấm cúng để đi vào trong chốn đơn côi? Một hoang mang khơi dậy trong hồn.
*****
Về đến nhà trời đã sẫm
tối. Đón ở cửa là một người đàn ông mù trạc tuổi 60. Ông có mái tóc bạc trắng đều
đặn và một khuôn mặt phúc hậu. Ông mở to đôi mắt, nhưng ông lại chẳng thấy. Lúc
đầu chẳng để ý, nhưng khi nhìn ông quờ quạng chiếc gậy dành cho người mù bên cạnh,
tôi mới biết ông ta mù. Cái tối ngoài trời, xen lẫn cái tối trong nhà, lại thêm
cái tối của một người mù làm cho bầu khí thêm ảm đạm. Rồi một tiếng nói vọng
lên trong góc tối và một bàn tay vươn ra để bắt tay:
- Tôi là Cha Gilick, rất vui được gặp anh.
Ngài tự giới thiệu và nở một nụ cười nồng ấm.
- Con là Thảo Nam, rất hân hạnh được gặp
cha.
- Chúc mừng anh đến cộng đoàn này. Tôi là
Cha bề trên ở đây và sẽ là linh hướng của anh trong thời gian anh ở đây. Hãy coi
tất cả như người nhà nhé. Ngài niềm nở tiếp đón. Tôi bối rối tự hỏi: Sao ông mù
này lại là Cha bề trên ở đây? Chắc cái cộng đoàn này hết người sáng mắt hay sao
mà lại đặt một ông mù làm bề trên của một cộng đoàn mắt sáng?
Thắc mắc. Nghi ngờ. Rồi
bắt đầu đón nhận. Một hành trình mới đi vào thế giới người mù.
Mỗi một người mù có lối sống đặc biệt của
riêng mình. Đây không phải là lần đầu tiên tôi sống với linh mục mù. Trước đây
tôi đã có dịp chung sống với hai linh mục mù khác, và đây là vị mù thứ ba. Chẳng
hiểu có bí ẩn gì đây mà sao lại có duyên ‘‘làm bạn’’ với lắm Cha mù như thế.
Câu hỏi ấy vẫn mãi là một chuỗi suy tư.
*****
Những ngày ở Việt
Nam, tôi giúp lễ nhiều năm cho một Linh mục mù về hưu tại nhà riêng. Năm giờ
sáng, ngài thức dậy. Quờ quạng. Cầu nguyện. Rồi dâng lễ mỗi ngày. Ngài đã dâng
lễ đều đặn suốt hơn mười năm mù loà như thế. Thánh lễ trong suốt mười năm là một
thánh lễ duy nhất: Lễ về Đức Maria. Ngài đã thuộc lòng kinh tiền tụng, không cần
sách lễ. Tôi dọn bàn thờ, chọn áo lễ và khoác cho ngài. Rồi hai cha con dâng lễ.
Một linh mục, một giáo dân suốt bao năm dài đăng đẳng. Những thánh lễ êm đềm
trong nắng ấm ban mai. Cô quạnh, nhưng cũng tràn đầy ủi an. Có mệt mỏi, nhưng
có ân sủng đỡ nâng. Có những ngày muốn bỏ lễ, nhưng rồi lại tiếp tục vươn lên.
Tuổi già, lại thêm mù loà là một thách đố lớn cho đời Linh mục. Tôi không dâng
lễ, nhưng cảm nghiệm nỗi mệt mỏi
trong từng thánh lễ của người Linh mục mù ấy.
Tôi ngần ngại. Liệu sau này mình có rơi vào trong cảnh đơn côi này không?
Rồi những ngày đến
Cali, tôi lại có dịp sống với Linh mục mù thứ hai. Ngài không mù hẳn, nhưng mắt
bị loà. Phải viết chữ thật to ngài mới đọc nổi, và ngài chỉ có thể nhận ra anh
em trong nhà qua giọng nói.
Bây giờ, nơi vùng đất
xa xăm của Nebraska, vị linh mục mù thứ ba này lại đến với tôi như một ngạc
nhiên quá lớn. Sững sờ. Rung động. Ngỡ ngàng. Không ai cho tôi biết về người mù
này trước khi đến, nên lần gặp gỡ bất ngờ này đã để lại trong tôi một ấn tượng
mạnh, một xúc cảm nội tâm sâu xa. Ngài không mù vì tuổi già, nhưng mù từ lúc
bé. Vào dòng chỉ ước mong đơn sơ làm ông thầy vĩnh viễn. Rồi tình yêu Chúa nhiệm
mầu, lớn hơn cả lòng người ước mong, dẫn đưa ngài đến chức linh mục với đôi mắt
mù. Ai có thể hiểu nổi những huyền nhiệm trong cuộc đời !
******
Cộng đoàn ở đây có chừng
mười người. Một số cha dạy học, còn lại một số anh em vẫn cắp sách đến trường.
Cha mù bề trên chuyên lo về linh hướng, chỉ đường thiêng liêng cho anh em sáng
mắt. Chao ôi, người mù lại chỉ đường thiêng liêng cho người sáng mắt. Dẫn nhau
đi trong u tối cuộc đời để vào ánh sánh huyền nhiệm. Mắt thể xác mù loà, nhưng
đôi mắt tâm hồn thì sáng rực. Ngài còn làm lễ tại giáo xứ, và đi giảng tĩnh tâm
trên khắp nước Mỹ.
Có lần cha quản
lý khuyên tôi:
- Nếu có gì thắc mắc thì đến hỏi cha mù ấy,
ngài mù nhưng lại thấy nhiều sự lắm. Mù mà thấy nhiều sự thì chẳng phải là mù.
Tật nguyền đôi mắt không làm cản ngăn lối bước đi về chân lý. Hành trình cuộc đời
là hành trình tìm về chân lý, nhưng chân lý lại không phải vật chất để đôi mắt
thể lý trông thấy, nên ánh mắt tâm hồn mới là đèn soi cho mọi khát khao kiếm
tìm. Có đôi mắt sáng chưa hẳn là tìm được lối đi. Nhiều khi ta vẫn đi trong đêm
tối tội lỗi với ánh mắt sáng ngời.
Đã bao năm, tôi vẫn
tự hào mình có đôi mắt sáng, nay đối diện với vị linh mục mù này tôi mới thấy
mình mù loà và cần ngài hướng dẫn, chỉ đường. Cuộc sống vẫn luôn có những nghịch
lí thú vị.
Những ngày đầu gặp gỡ,
tôi cảm thấy tội nghiệp và thương tâm cho Ngài. Những ngày sau chung sống, tiếp
xúc và học hỏi, tôi lại thấy thương hại cho chính mình, vì mình có đôi mắt sáng
mà chẳng thấy những gì cần thấy và đáng thấy. Trong khi vị mù này lại có thể thấy
những điều từ đáy sâu thẳm của tâm hồn, thấy được ý nghĩa sâu xa của cuộc sống
tâm linh và thân phận con người. Thấy Chúa trên cao. Thấy Chúa trong lòng cuộc
sống. Thấy Chúa trong hạnh phúc cũng như trong từng nỗi đau.
Mù mà thấy nhiều sự quá !
Văn phòng của ngài ở
ngay trong trường đại học của nhà dòng. Phải mất khoảng mười phút mới có thể tản
bộ tới đó; phải băng qua hai con đường xe chạy tấp nập. Vậy mà ngài đã đi qua về
lại trên con đường ấy suốt hai mươi năm qua không hề hấn gì. Tôi vẫn thích tản
bộ tới trường với ngài mỗi buổi sáng trên con đường ấy. Ngài vẫn thích có ai đi
bên cạnh để chuyện trò, níu vai, để khỏi phải quờ quạng chiếc gậy.
Có lần ngài nắm vai tôi
vừa đi vừa nói:
- Có cậu đi bên cạnh thì chiếc gậy mù này
thất nghiệp!
Tôi cũng nhẹ nhàng đáp
lại:
- Vậy từ hôm nay con sẽ là cái gậy của cha
mỗi sáng trên con đường này nhé. Trong thâm tâm, tôi không nghĩ mình giống chiếc
gậy, nhưng giống những con chó đã được huấn luyện để dẫn dắt người mù. Công việc
chút xíu như thế cũng có ích cho đời lắm chứ! Và mình lại thấy vui với ý tưởng
đó. Rồi quay lại với ngài tôi tiếp tục bông đùa:
- Con thấy mình giống con chó dẫn dắt người
mù hơn là chiếc gậy cha ạ, đời con bất tài nên làm công việc này chắc thích hợp
đấy.
Ngài cũng tinh nghịch phản ứng:
- Phải mất hai mươi lăm ngàn dollars mới huấn
luyện được con chó đó, cậu có được bằng
giá đó không?
Rồi cả hai cùng cười khúc khích, biết đùa với nhau là cả một món quà.
*****
Sống với ngài được một tuần, ngài bắt đầu
nhờ tôi chở đi làm lễ ở một giáo xứ vào mỗi sáng Chúa nhật. Lần đầu tiên ngài
nói:
- Ngày mai cậu chở cha đi làm lễ nhé!
- Thưa cha, nhà thờ ở đâu, có xa không? Tôi
hỏi.
- Chừng ba mươi phút lái xe. Ngài đáp.
Tôi bắt đầu do dự. Đường
sá chưa rành, tuyết phủ khắp nơi, chở người sáng mắt thì người ta còn chỉ đường,
chứ chở người mù chắc dẫn nhau ra nghĩa địa quá! Trong đầu do dự, nhưng lại
không muốn từ chối lòng tín nhiệm của ngài.
Rồi tôi hỏi:
- Cha có bản đồ không?
- Hình như không. Ngài trả lời.
Hỏi xong tôi thấy mình ngớ ngẩn. Ngài đâu
thấy đường đâu mà hỏi bản đồ, và nếu có bản đồ thì ngài cũng chẳng chỉ đường được.
Tôi quay lại nói tiếp:
- Nhưng mà con chưa biết đường!
- Lo gì! Cha sẽ chỉ cho. Ngài tự tin trả lời.
Tôi thấy nghi nghi trong lòng. Làm sao ngài
biết đường? Nhưng rồi tôi cũng đánh liều
nhận lời.
Ngày hôm sau, lấy chìa
khoá và đề máy xe. Trong lòng run lắm. Ngày Chúa nhật trong nhà đi vắng cả nên
chẳng kịp hỏi ai. Lòng nghĩ thầm, ông cha mù này liều quá, dám nhờ mình chở đi
đường tuyết phủ ở nơi lạ lẫm thế này.
Đề máy xong, ngài chỉ đường bằng miệng:
- Con ra khỏi cổng, quẹo trái; đến stop sign
đầu tiên quẹo phải; qua hai đèn xanh đèn đỏ, quẹo phải, rồi vào xa lộ. Và cứ tiếp
tục như thế... Tôi lái xe, ngài chỉ đường; qua bao con đường ngoằn ngoèo để đến
nhà thờ. Tôi sửng sốt. Làm sao ngài có thể nhớ đường?
Rồi tôi tò mò hỏi:
- Làm sao cha biết đường hay vậy?
- Cha có bản đồ. Ngài vừa cười vừa đáp.
- Sao cha nói với con là cha không có bản
đồ. Tôi phản ứng.
- Bản đồ ở trong đầu. Ngài lại cười đùa giỡn.
Thì ra, người mù lại có một bản đồ thật chính
xác trong đầu.
Giáo xứ ngài đến
dâng lễ là một giáo xứ giàu. Ngôi thánh đường xây bằng gạch đỏ tươi trên một
khu đất khá cao. Chung quanh là những khu nhà khá sang trọng, nên nó làm cho
ngôi thánh đường thêm đẹp. Mùa đông không có những vườn cỏ, cây xanh hoa lá,
nhưng nhìn cách chăm nom và trang trí khu vực thánh đường cũng đủ biết là dân
có tiền nhiều. Có lần tôi tinh nghịch hỏi ngài:
-Thưa cha, tại sao cha khấn khó nghèo mà cha
lại đi giao du với dân giàu?
Ngài vui vẻ đáp lại:
- Có người giàu vật chất, nhưng tâm linh nghèo
lắm. Phải học biết chia sẻ thì tinh thần mới giàu. Vật chất là ơn huệ Chúa ban.
Biết chia sẻ nó tức là đã sống tinh thần nghèo. Cũng như đôi mắt là ơn huệ. Biết
nhìn nhau trong yêu thương là đã mở lối cho chân lý đi về.
Rồi một chiều lạnh giá tuyết
phủ, ngài đến bên tôi nhẹ nhàng đề nghị :
- Ngày mai con chở cha ra phi trường nhé!
- Cha đi đâu vậy? Tôi hỏi.
- Cha đi giảng tĩnh tâm cho một Giám mục.
Ngài trả lời.
Tôi sửng sốt tròn xoe
đôi mắt nhìn ngài. Hoá ra, ngài vẫn thường xuyên đi giảng tĩnh tâm cho các Giám
mục và linh mục Hoa Kỳ ở nhiều giáo phận, vì thế sân bay đã trở nên quá quen
thuộc đối với ngài. Sau chuyến đi này, sẽ có một Tổng Giám Mục Anh Giáo đến tại
cộng đoàn này để xin ngài hướng dẫn cắm phòng. Vị Giám mục này vẫn đến đây hàng
năm để xin kẻ mù này soi dẫn, và họ đã trở nên bạn thân với nhau suốt bao năm
qua.
Tôi lặng im. Một xúc cảm mãnh liệt dâng trào. Lạ quá, Chúa vẫn làm phép lạ hàng ngày trong những hạnh phúc đan quyện nỗi đau, trong những lãnh nhận và trong từng mất mát. Ngài vẫn hiện hữu trong từng đôi mắt sáng và trong những ánh mắt mù loà.
*****
Làm sao có thể nghi ngờ về sự hiện hữu của Thượng đế khi tiếp xúc với những con người như vị linh mục mù này. Lòng tin của tôi thì yếu ớt, nhưng khi gặp Ngài, tâm hồn như được nung lên trong niềm tin. Tôi vẫn mãi suy tư, dưới một cái nhìn nào đó, Thiên Chúa đang dùng một người mù để hướng dẫn bao vị lãnh đạo mắt sáng.
Hôm sau, tôi tiễn ngài
ra phi trường. Ngài ra đi và rồi đã trở lại như bao con người bình thường khác.
Dù thế, tôi vẫn cảm thấy có cái gì đó thật phi thường trong những cái bình thường
ấy. Phi thường của tình yêu, sức mạnh, của ân sủng, của tất cả những gì mà
Thiên Chúa có thể làm được cho con người và qua con người, ngay cả trong những
con người tàn tật nhất.
Sáu tháng ở Nebraska qua đi thật nhanh. Tôi phải chia tay ngài trong nuối tiếc, trong lòng kính trọng và yêu thương. Vẫn ước mong một ngày nào đó được ghé lại thăm ngài. Có lẽ lần tới khi trở lại, mình sẽ không còn hoang mang lo sợ như lần đầu mới đến, vì biết rằng nơi mảnh đất xa xôi đó, đang rực lên một tia sáng huyền nhiệm trong ánh mắt của một linh mục mù
Nguyễn Thảo Nam
No comments:
Post a Comment