Nếu còn sống, cô Hai Chích phải trên tám mươi
tuổi. Đó là một nhân vật còn sót lại trong ký ức cũ kỹ của tôi.
Cô
tên thật là gì? Chỉ biết cô thứ Hai và chuyên đi chích thuốc dạo, nên cả xóm
gọi là cô Hai Chích. Cô không phải là bác sĩ, cũng không rõ là y sĩ hay y tá.
Cô học nghề chích thuốc ở đâu? Cô có được phép hành nghề chữa bệnh không?
Trong xóm tôi không ai quan tâm. Vóc dáng cô mỏng mảnh trong bộ áo y tá màu trắng
có hai túi. Cô đeo mắt kiếng cận, có gương mặt nhỏ, cái đầu nhỏ… trông như một
cô giáo tiểu học.
Khi
nhà có người bệnh hay có khi chính má tôi thấy không khỏe, bà nhắn người trong
chợ Ga đến nhà cô báo giùm. Chiều hôm đó, cô xuất hiện ngay trước cổng nhà tôi
trên yên xe đạp. Cô nhẹ nhàng rời khỏi xe, dắt vào sân và xách cái túi đi vào,
hỏi thăm vài câu và bắt đầu hành nghề. Cô lấy từ trong túi ra mấy cái hộp bằng
nhôm, một cái lò bé xíu có mấy cái chân mỏng mảnh. Cô châm cái bếp cồn cũng
nhỏ xíu mang sẵn theo, rồi luộc ống chích trong nước sôi. Xong cô gắn kim
chích vào ống chích bằng thủy tinh, bẻ ống thuốc để rút thuốc vào ống và chích.
Chích
xong, cô luộc ống chích lần nữa, lau chùi mọi thứ xong bỏ vào các hộp nhôm, cất
vào giỏ, động tác rất gọn gàng và lành nghề. Hầu như không thấy cô cười,
rất ít nói ngoài những câu hỏi về bệnh tình, đến và đi rất nhanh. Thấy cô
vào nhà tôi, thế nào cũng có một hoặc vài người hàng xóm thập thò trước cửa,
đợi cô xong việc thì mời về nhà chích thuốc cho người thân trong nhà.
Hôm
nào cô Hai Chích bận đi trực không đến được, má tôi sai tôi lên nhà chị Lượm
ở xóm trên, nhờ chị nhắn chú Út là chú của chị Lượm, từng là y sĩ quân y,
đến nhà chích thuốc dùm. Ông này người Nam, vui tánh và nói nhiều. Ông
chích có một mũi mà kể bao nhiêu chuyện, từ chuyện bên Tây đến chuyện bên
Tàu, chuyện ngoài Bắc trong Nam. Chích xong, ai mệt thấy khỏe, ai lừ đừ thấy
tỉnh.
Có
lần, một đứa trong xóm tôi bị chó cắn, cả nhà sợ bị bệnh dại nên đi tìm ông
nhờ chích một mũi thuốc ngừa. Ông lắc đầu quầy quậy, bắt đưa thằng nhỏ lên viện
Pasteur. Ông nói: “Tao chích là mày chết à con!” khi nó cứ nằng nặc đòi
ông chữa cho thay vì phải lên nhà thương. Lần đó, ai cũng nể ông vì có
“lương tâm nghề nghiệp”, ông càng đông khách.
Xóm
nghèo, có bệnh hoạn gì chỉ dựa vào những người chích dạo như vậy. Đi ra đường
Võ Di Nguy, đến phòng mạch bác sĩ Lê Kiểu hay bác sĩ Hanh thì tốn kém nhiều
hơn. Không ai thích đi nhà thương, cứ nghĩ đến đó là thấy bệnh nặng rồi. Tuy
vậy, nếu cô Hai Chích hay chú Út khuyên đi nhà thương thì líu ríu nghe theo
ngay vì họ có “nghề”, cần phải nghe theo. Xóm nhỏ yên tâm nhờ hai người này
chăm sóc sức khỏe, một dạng bác sĩ gia đình khám bệnh tận nhà, đến
giờ còn chưa thực hiện rộng khắp được.
Phú
Nhuận năm mươi năm trước tuy nhỏ nhưng có khá nhiều y bác sĩ. Xưa nhất,
người già thường nhắc ông thầy Ba Trương, vừa hốt thuốc Nam lẫn thuốc Bắc ở xóm
Mả Đen. Có người cho biết là khu chợ Phú Nhuận có ông Quán, y sĩ quân y, nhà ở
hẻm Chín Chồn, bây giờ là hẻm 73 đường Huỳnh Văn Bánh. Còn ai ở trên đường
Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) gần cổng số 8 thì vô nhà ông
y tá Tuấn khi có bệnh. Ông có tiếng là bệnh gì cũng chích, cảm ho sơ sơ
cũng chích. Còn trên đường từ chợ Lò Đúc đâm thẳng ra đường Võ Tánh
(nay là Hoàng Văn Thụ) có bác sĩ Hoàng. Nghe kể là bác sĩ này có
cách khám rất lạ, ít khi khám bằng ống nghe mà chỉ dùng miếng vải trắng to
bằng lưng người đặt lên lưng bệnh nhân rồi áp tai vào nghe. Phải chăng nhờ
cách khám đó, ông nắm bắt bệnh tình bệnh nhân tốt hơn nên chữa bệnh
mau khỏi, giá khám bệnh lại rẻ nên khách rất đông?
Ở
cổng xe lửa số 10 đường Võ Di Nguy nối dài (nay là Nguyễn Kiệm) quẹo vào
hẻm có cô y tá Út được tiếng mát tay. Một anh trên group “Phú Nhuận ngày
xưa” kể sau khi chạy trận đánh năm Mậu Thân về vài tháng, mẹ của anh đẻ rớt
đứa em trai của anh ngay tại nhà. Được báo tin, cô Út chạy đến ngay đỡ
đẻ cho, mẹ tròn con vuông! Còn ai nghèo quá không có tiền khám chữa
bệnh thì ra Nhà thương Cơ Đốc ngay ngã Tư Phú Nhuận khám sẽ được điều trị
miễn phí toàn bộ. Các cô ý tá ở đây bận bộ đầm màu hồng, được
tiếng dễ thương và dịu dàng với bà con đến khám bệnh.
Sau
năm 1975, dần dần một số y bác sĩ không tiếp tục khám bệnh do ra
nước ngoài hoặc do là y bác sĩ quân y phải đi học tập cải tạo. Nhà
thương, phòng y tế phường vẫn có nhưng thuốc men ngày càng hiếm, ai có tiền
phải ra chợ Tân Định mua thuốc chợ đen. Xóm tôi xuất hiện một “thầy lang”, đó
là dì Hai, một phụ nữ tháo vát, có lúc bán khô nướng trước nhà. Một dạo,
dì xoay ra cắt giác lể, cạo gió cho cư dân cả xóm. Lúc đó là thời gian sau
năm 1975, người dân sống căng thẳng vì thiếu thốn đủ thứ. Càng căng thẳng và
thiếu ăn càng dễ bị bệnh vặt.
Dì Hai thủ sẵn mấy hũ thủy tinh làm yaourt để giác hơi, một miếng
lưỡi lam để cắt lễ cho người trong xóm. Cắt đến đâu, dì dùng miếng vải thấm máu
đến đó. Nhà tôi sát bên nhà dì Hai, cách một con hẻm nhỏ nên ra vô đều
thấy dì ngồi cắt lễ hay giác hơi cho khách. Có lúc tôi mắc cỡ thụt
đầu vô khi thấy cả mảng lưng trắng nõn của một chị trong xóm đang
bày ra.
Cả nhà tôi không dám cắt lể hay giác hơi, trong nhà ai
có bị bệnh, má đều đưa tiền cho ra bác sĩ để khám, dù tốn kém.
Nhờ má bán ngoài chợ Ga, mà chợ là một trung tâm thông tin, nên trong
nhà có ai bị bệnh thì không thiếu người góp ý cách chữa trị hay
chỉ chỗ khám tốt. Nhờ vậy, con cái trong nhà vượt qua bệnh tật để
lớn lên.
Có
lần tôi hỏi thăm trên group “Phú Nhuận ngày xưa” về cô Hai Chích. Các
anh chị dân Phú Nhuận cố cựu cho biết cô Hai Chích không phải sống ở
khu chợ Ga mà nhà ở trong xóm Bình Địa gần chợ Phú Nhuận, là hẻm 67 đường
Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng), từ phía khu bán cá trong chợ đi về
phía bờ kinh Nhiêu Lộc gần cầu Kiệu. Một chị nhắc hồi nhỏ bị “suyễn con
nước”, cô Hai Chích đến chích thuốc, mau khỏe lại. Cô làm thuốc mát tay và rẻ
nên rất đông khách vào.
Đang
bàn về cô, thì một chị khác cho biết bên đường Hồ Biểu Chánh cũng có
Cô Hai Chích có chồng là ông Ba Mùi, cô này cũng hành nghề y sĩ, chuyên đến
nhà chích thuốc khi có lời yêu cầu. Cuối cùng, cô Hai Chích nào đã
đến chích thuốc ở nhà tôi cách nay gần nửa thế kỷ?
Phạm
Công Luận
Cô
Hai Chích và những thầy thuốc một thời
No comments:
Post a Comment