Thưa cách đây gần 50 năm, nghĩa là nửa thế
kỷ, nghĩa là lâu lắm rồi, ngày tui mới về với em, nghĩa là em mới cưới tui.
(Hi hi! Xin mở ngoặc ở đây một chút về tiếng
Việt sau nầy trong nước! Tui thường đọc thấy mấy ông nhà báo quốc doanh viết
rằng: Hoa hậu X, Y gì đó cưới chồng?!
Thưa tiếng Việt mà
tui học hồi năm nẳm, Thầy, cô tui dạy rằng: “Trai cưới vợ; gái lấy chồng!” Chớ
tui chưa hề thấy gái cưới chồng bao giờ cả!
Hay là tại vì xa
quê đã lâu, tiếng Việt của tui giờ đã rỉ sét, đã lạc hậu hết rồi chăng? Không
theo kịp với trình độ của những nhà văn thời ôn dịch?!)
Thôi thì cho rằng
em cưới tui đi, để cho tui lên giá một chút… Chớ già rồi cái gì cũng xuống hết
trơn hết trọi hè!
Lấy chồng dạy giáo;
cho dù mình dốt đặc cán mai, hổng biết chữ Nhứt một, đám học trò ra đường gặp
mình, bao giờ cũng giở nón cúi đầu: “Thưa cô! Bộ hổng khoái hay sao?”
Hai là vì tui dạy Sử,
Ðịa… nghĩa là chuyện hồi xưa không hà. Giáo sư Sử Ðịa ai cũng bị bịnh nghề nghiệp,
mê cổ vật; nên cho dù sau nầy em yêu trở thành bà già, già háp, xấu, má hóp da
nhăn! Hề gì? Càng già tui lại càng yêu, càng trân quý! Bộ hổng khoái hay sao?
Hổng thấy Vương Hồng
Sển tiên sinh, chuyên sưu tầm cổ vật, sống với em yêu là Bà Năm Sa Ðéc suốt 4,
5 chục năm mà tình đôi ta vẫn còn nồng như hồi mới cưới hay sao?
Em yêu của tui
thông minh hết sức nhe! Vậy mà bấy lâu nay tui cứ tưởng là em lù khù; ai dè em
vác cái lu mà chạy…
Thưa bà con!
Tết nghe câu vọng cổ
Út Trà Ôn: Gánh nước đêm trăng để nhớ con bồ cũ mà tui từng gánh nước dùm em mấy
trăm ‘đôi’ rồi sau đó em cặp ‘đôi’ với thằng khác!
…Nghe vọng cổ đã rồi
qua nghe tân nhạc:
“Ðêm
nhớ về Sài gòn… thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi, những con đường thèm đôi
chân vui, đã bao lâu chờ đợi, đường im nghe quá khứ trong sầu, đường chia ly vẫn
ngóng tin nhau, tình lẻ loi canh thâu…”
Mấy ông nhà nhạc nầy
nhớ Sài Gòn, là nhớ phố nhớ phường; vì xưa tối ngày mấy ổng cứ đi long nhong
ngoài đường, rồi vô quán cà phê nghe nhạc của chính mình viết mà người khác hát
để… “Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa, ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa,
ai sầu trong quán úa…
Ðể... bóng mẹ hiền mờ mờ bên song, mắt người tình một trời
mênh mông, gợi bao nhiêu cho cùng…”
Thưa tui cũng nhớ
Sài Gòn như mấy ổng vậy; nhưng nhớ vì tò mò…
Tui nhớ nhứt là cái
đường Da Bà Bầu mà trên đường đó, ông Nhạc trẻ Trường Kỳ hồi xưa, sau qua
Canada viết báo, từng nói nhà tui ở đấy đó nhe…
Chu choa người ta ở
mấy con đường đẹp và thơ như Duy Tân, Tự Ðức hoặc giàu như ở Tú Xương, người ta
khoe là quá phải. Ổng ở đường Da Bà Bầu mà ổng cũng khoe?
Song, nghĩ cho kỹ!
Mấy ông viết báo phải có cái đề tài gì độc nhứt vô nhị trên chốn giang hồ, bài
viết mới ăn khách, không lo đụng hàng hay chôm của người khác trên web…
Cả ngàn ông ký giả,
chỉ có Trường Kỳ là ở đường Da Bà Bầu thì khoe là cũng phải quá rồi…!
Dà xin tầm chương
trích cú để thỏa mãn cái óc tò mò của một tay nhiều chuyện như tui, Da Bà Bầu hổng
phải là da của bà bầu đâu.
Mà là quán của một
bà tên Bầu (hay đang có bầu) dưới gốc một cây Da.
Bà con miền Nam
mình gọi là cây Da; bà con miền Bắc 54 mình, như ông Trường Kỳ gọi là cây Ða…
Nếu cho ổng đặt tên
thì Da Bà Bầu nó sẽ thành Ða Bà Bầu (để thiên hạ tưởng rằng đàn bà con gái trên
đường nầy ai cũng ôm một bụng bầu hết ráo… thì càng thêm báo…)
(Cây
Da trốc gốc trôi rồi! Em xa người nghĩa đứng ngồi không an. Hay cây Da trước miễu,
ai biểu cây Da tàn… Bao nhiêu lá rụng thương chàng bấy nhiêu! Dù sau 75, cây Da
tàn và chàng đã bỏ nàng, vọt mất tiêu rồi!).
Cây Da thân lớn,
tàn lớn, chống mưa bão phẻ re hè! Nếu cây Da không nằm cạnh bến sông là khó
lòng trốc gốc lắm; nên bà Bầu mở cái quán dưới tàn cây Da nầy vừa mát vừa phẻ
trong cái nóng, bức của cái đất Sài Gòn.
Thưa xa quê từ độ đứt
phim nên bà con mình lúc buồn tình hay đem cuốn phim cũ ra mà chiếu lại…
Mấy tay to mặt lớn,
có trách nhiệm nhiều về cái vụ mất nước nầy thì viết hồi ký để phủi trách nhiệm:
“Hổng phải tại tui! Mà tại Trời xui khiến nên đôi mình mới xa?!”
Còn bà con nào hơi
‘bèo’ bởi con nhà ‘nghèo’, không chức tước danh phận gì ráo thì chiếu lại tuồng
cũ như Vàm Kinh Cũ, nếu em xưa ở gần một bến sông…
Con anh nào dân chợ,
đi đường lộ đá xanh đã quen chưn, thì viết Con Ðường Cũ.
Nên tui cũng bắt
chước quý ông anh viết về con đường tình ta đi, cho nó có tụ, vui với người.
Vui đâu hổng thấy,
tui chiếu phim cũ, vô tình, sót một khúc là bị rầy:
Chẳng qua khi viết
bài về: “Ðề ơi lúc chiều về mình đánh con dê . Mà sao đề lại xổ con kê (tức con
gà) hỡi đề!” tui có nhắc tới đường Trần Hưng Ðạo B mà bị rầy quá xá.
Ông bạn văn của tui
vốn là bà con, cháu chít chừng mấy mươi đời vương của Trần Thượng Xuyên, ở Cù
lao Phố, Biên Hòa! Vì ủng hộ Nguyễn Ánh nên bị nhà Tây Sơn dợt cho một trận lên
bờ xuống ruộng. Ðại Phố điêu tàn phải chạy về Chợ Lớn làm ăn buôn bán tiếp.
Vừa là tác giả vừa
là độc giả mà thằng chả khó dàng trời mây đi.
Giả bắt lỗi là tui
viết Trần Hưng Ðạo B là hổng có được.
Con đường nầy là do
‘Vi Xi’ nó đặt ra năm 1976; hổng phải thời mình, nên ảnh hổng có chịu…
Trần
Hưng Ðạo B nầy là cái đường Ðồng Khánh, thời Việt Nam Cộng Hòa mình, chạy từ đường
An Bình mút chỉ vô tới Chợ Lớn.
“Tui sanh đẻ ở đó
nè ông Nội!” Ảnh nói với tui như vậy đó bà con ơi!
Anh muốn đem tên
con đường xưa em đi, đường Ðồng Khánh, vô bài viết của tui mới được. Bạn bè mà!
Muốn là chiều!
Thế là tui lại tầm
chương trích cú từ ông Vương Hồng Sển, ông Bình Nguyên Lộc tới ông Sơn Nam.
Toàn là những ‘bồ’ kiến thức về đường phố Sài Gòn mà ngộ cái là… hổng có ông
nào sanh đẻ tại Sài Gòn hết ráo?!
Ông Vương Hồng Sển
dân Sóc Trăng! Ông Bình Nguyên Lộc dân Ðồng Nai, Biên Hòa (Lộc của ổng là con
nai đó bà con ơi)! Còn ông Sơn Nam (không ở trên núi) mà tuốt miệt Gò Quao, Rạch
Giá!
Thưa trở lại thời
Tây chiếm đóng! Sài Gòn và Chợ Lớn bị ngăn cách bởi một vùng đầm lầy. Từ Sài
Gòn vô Chợ Lớn, đi đường Route Haute (Ðường Cao) tức đường Hồng Thập Tự, chạy
trên đồi cao, nối với Route Basse (Ðường Thấp), chạy ven đầm lầy, tức đường
Nguyễn Hoàng vào những năm 60.
Mãi tới ngày Mùng 9
Tháng Chạp năm 1913, Tây lục lộ mới xây xong con đường thứ hai, đặt tên là Ðại
lộ Sài Gòn- Chợ Lớn băng qua vùng đầm lầy…
Cuối năm 1916, Ðại
lộ nầy đổi tên là Ðại lộ Galliéni, tên một viên tướng Tây có công trạng với Thực
dân Pháp vừa mới đi chầu ông bà ông vải.
Ðại lộ Galliéni bắt
đầu từ đại lộ Bonnard (tức đường Lê Lợi, trước chợ Bến Thành), chạy tới đường
An Bình, nối với đường des Marins, tên thời Tây, sau đó chánh phủ mình đặt tên
là đường Ðồng Khánh!
(VC không khoái Vua
Ðồng Khánh nhà Nguyễn nên đổi tên khúc đường nầy là Trần Hưng Ðạo B) để tiếp tục
đi vào Chợ Lớn.
Do đó nếu anh bạn
văn Tàu lai của tui hổng chịu tên Trần Hưng Ðạo B thì anh cự tụi nó! Sao lại
quay qua cự tui hè?
Thưa tụi nó bây giờ
đặt tên đường phố lôm côm lắm! Tui đâu có dám binh mấy cái chuyện ngu ơi là ngu
nầy đâu.
Chớ hồi xưa chánh
phủ VNCH mình đặt tên đường đâu ra đấy, lớp lang thứ tự, hợp lý chớ đâu có loạn
xà ngầu như bây giờ…
Chẳng hạn từ Bến xe
Miền Tây vô Chợ Lớn trước, mình có Hồng Bàng, An Dương Vương, Triệu Ðà… Bà Triệu…
rồi thì có Lý Nam Ðế, Triệu Quang Phục…
Cứ thế vào càng gần
trung tâm thì càng gần hiện tại như Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi…
Nhà Nguyễn mới vãn
hát không lâu, lại càng gần trung tâm hơn nữa như: Nguyễn Hoàng, Minh Mạng, Tự
Ðức cùng chư tướng như Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Lê Văn Duyệt…
Các bến sông thì có
Vạn Kiếp, Hàm Tử… lớn nhất tên Bạch Ðằng… Nơi mà quân ta đã thủy chiến mấy trận
làm Tàu phù… phù mỏ hết ráo!
Thưa! Tên đường là
chuyện lớn, chuyện quan trọng, chớ không phải là chuyện giỡn chơi. Vì nó có cất
giữ biết bao nhiêu là kỷ niệm của những người con xa quê, viễn xứ như chúng ta.
Anh bạn văn, đường
Ðồng Khánh, hỏi tui Tết nầy có về Sài Gòn ăn Tết hay không?
Tui trả lời: “Tui
chỉ về khi nào không còn đường Trần Hưng Ðạo B nữa mà phải là đường Ðồng Khánh
mới được!”
Chi vậy? Vì tên đường
năm cũ, tui mới quen, mới thuộc, mới biết đường lại nhà anh, kiếm tiền lì xì và
nhậu chơi…
Còn cầm bằng tên đường
cũ mất rồi vẫn không phục hồi trở lại, mà tui ham vui về, sợ đi lạc, bị xe bắt
chó bắt thì tội nghiệp cho con vợ của tui lắm nhe!
đoàn xuân thu
melbourne
No comments:
Post a Comment