“Cách đây mấy chục năm, đất nước cùng thời kỳ đổi mới với Trung Quốc, khi đó mức độ hai nước tương đương nhau. Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, thu nhập bình quân đầu người mười mấy nghìn USD".
Gần đây, ngài Tổng Bí thư
(TBT) so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc như trên [1]. Rồi ông so sánh với Tân
Gia Ba (Singapore):
"Những năm 60, Sài
Gòn là điểm sáng, Hòn ngọc Viễn Đông, Singapore cũng không bằng, nhưng giờ đây
tốc độ phát triển của họ đã vượt rất xa chúng ta”.
Nếu là người khác nói ra
những so sánh đó thì chắc DLV và những 'bậc trí giả' sẽ ồn ào biện minh và lên
lớp, này nọ. Nhưng ngài TBT nói thì họ im lặng.
Mới hôm qua, ngài TBT nói
những câu mà tôi chưa thấy các vị lãnh đạo nào đề cập tới thực trạng của nền
kinh tế Việt Nam.
Ông nói:
“Tôi được báo cáo là Việt
Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế
giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị
máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết
bị linh kiện điện tử.
Đây là những con số có vẻ ấn
tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào
bản chất những số liệu này chưa?
Chúng ta đóng góp được bao
nhiêu phần trăm (%) giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của
chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài.
Một cái áo bán ra mà thiết
kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu?
Có chăng chỉ là công lao động
và sự ô nhiễm môi trường?
Số liệu tôi nêu trên được
trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình.
Tôi cứ tự hỏi đây liệu có
phải là ‘ngộ nhận’, là ‘tự huyễn hoặc’, là ‘tự ru mình’ không”.
Tôi xin trả lời ngay: tự
huyễn hoặc và tự ru ngủ.
Tôi rất đồng cảm với ngài
TBT. Tôi thích cách ông nói rất thật mà chưa ai trong vị thế của ông dám nói
như thế.
(Người khác nói như ngài
TBT là bị ‘ném gạch đá’ ngay).
Ngài TBT rất quan tâm đến
khoa học và công nghệ. Ông đặc biệt quan tâm đến AI. Ông cũng quan tâm đến nâng
cao năng lực khoa học. Đó cũng là những gì tôi đã làm cho VN mấy chục năm qua.
Tôi tự hỏi trong thế kỷ 21,
Việt Nam có gì để làm cái 'căn cước tính' (identity) trong thế giới khoa học công
nghệ?
Chúng ta có cái gì để nói
‘Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh’?
Chúng ta thử nhìn sang
láng giềng.
Nói tới Nhựt Bổn thì ai
cũng ngưỡng mộ sự cách tân trong công nghệ và khoa học. Hầu như bất cứ cái gì
phương Tây làm được thì họ làm tốt hơn và rẻ hơn. Những thương hiệu mà ai cũng
biết: Toyota, Honda, Suzuki, Nissan, Subaru, Sony, v.v. Đó là chưa nói đến
những cái tên đã đi vào huyền thoại như Sanyo, Panasonic, Toshiba, Hitachi,
Mitsubishi, Nintendo, v.v.
Nói tới Nam Hàn, chúng ta
nghĩ ngay tới xe hơi Hyundai và KIA, điện thoại Samsung, đồ gia dụng điện tử, kỹ nghệ
đóng tàu, v.v. Họ thậm chí còn nổi tiếng với điện ảnh và kịch nghệ mà họ
đã ‘soán ngôi’ Hồng Kông nhiều năm qua.
Nói tới Đài Loan, ai cũng
nghĩ tới nền công nghệ điện tử và bán dẫn, và công nghệ viễn thông. Họ cũng từng
làm gia công cho nước ngoài, nhưng chỉ 20 năm họ đã làm chủ công nghệ. Họ giỏi
đến nỗi đầu tư ngược về Tàu lục địa.
Còn China thì chỉ trên dưới
30 năm họ đã 'lột xác' trở thành một nước hiện đại. Họ cũng bắt đầu làm gia
công, nhưng chỉ một thời gian khá ngắn mà họ đã tạo nên những thương hiệu như
Huawei, Baidu, Alibaba, BYD, Chery, Xiaomi, Lenovo, Tencent, v.v.
Còn Việt Nam?
Thành thật mà nói, chúng
ta chưa có thương hiệu nào như Nam Hàn, Đài Loan, chứ chưa nói đến Nhựt Bổn và
China.
Chúng ta chưa có ‘nhứt nghệ
tinh’ để ‘nhứt thân vinh.’
Chúng ta, cũng như China,
đã làm gia công hơn 30 năm nay. Và, cho đến nay ta vẫn còn làm gia công. Hãy đọc
vài nhan đề báo chí:
“Nguy cơ Việt Nam chỉ là nền
kinh tế 'gia công";
“Việt Nam trước rủi ro lún
sâu vào 'bẫy' gia công, lắp ráp";
“Kinh tế Việt Nam vẫn chưa
thoát kiếp gia công"; hay
“Tăng trưởng bằng con đường
vay mượn thì bao giờ mới lớn?"…
Chúng ta vẫn là một nước
có thu nhập thấp. Thu nhập bình quân của Việt Nam ngày nay là chừng 4.400 USD,
nhưng China thì gần 13.000 USD.
Thành ra, tôi rất đồng
tình khi thấy ông TBT nói thẳng và thật:
“Cách đây mấy chục năm, đất
nước cùng thời kỳ đổi mới với Trung Quốc, khi đó mức độ hai nước tương đương nhau.
Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, thu
nhập bình quân đầu người mười mấy nghìn USD".
Tôi phải ghi thêm là họ bỏ
xa Việt Nam về khoa học và công nghệ.
Tôi tự hỏi: tại sao China
bỏ xa Việt Nam?
Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ
do yếu tố con người. Thành thật mà nói, người Hoa rất tài ba và thông minh. Và,
họ đông hơn Việt Nam mình, và có thực tài hơn Việt Nam.
China có chiến lược rải
người đi học ở phương Tây, và thu hút người tài gốc Hoa (và người tài khắp thế
giới) về làm cho họ.
Và, họ tạo điều kiện cho
những người tài có cơ hội đóng góp. Họ đã làm như vậy 20 năm qua.
Việt Nam cũng nói nhiều về
'thu hút nhân tài', nhưng chỉ là nói thôi.
China 'thoáng' hơn Việt
Nam và China hội nhập nhanh hơn Việt Nam. Vào các đại học China ngày nay, tôi
thấy họ chẳng khác gì các đại học ở Mỹ và phương Tây.
Còn các đại học Việt Nam
thì cũng có biến chuyển, nhưng tôi e rằng quá chậm, và có khi, lạc hướng.
Vậy chúng ta chọn cái gì để
‘nhứt nghệ tinh’?
AI (thông minh nhân tạo)?
– Sẽ khó cạnh tranh với China.
Công nghệ sinh học, nano
tech? – Sẽ khó cạnh tranh với phương Tây.
Nông nghiệp? – Có thể.
Nhưng không có gì là không
thể nếu không cố gắng và có kế hoạch và lãnh đạo. Lãnh đạo đóng vai trò quan trọng.
Cứ nhìn Lý Quang Diệu, Phác Chánh Hy, Tưởng Giới Thạch thì biết.
N.T.
(*) Tên bài do BVN đặt
Nguồn: FB Nguyễn Tuấn
No comments:
Post a Comment