Monday, April 28, 2025

Tháng Tư Trong Tuổi Thơ Em Bé Ấn Độ - Nguyễn Đại Thuật


Cha tôi tên là Pranay. Chị tôi tên là Ahana. Tôi tên là Vihaan. Nghe chị tôi kể lại mẹ tôi chết khi tôi được sinh ra chưa tròn một năm. Chết vì bị dê húc ngã xuống vùng sình-lầy hồ Kỳ-Hòa, lúc mẹ tôi chăn giữ mấy con dê sữa. Hai con dê đánh nhau, mẹ tôi ngăn cản chúng, một con say máu húc mẹ tôi. Không ai nhìn thấy. Không ai cứu. Gia-đình tôi hoàn-toàn gốc Ấn-độ.Tôi không biết tại sao cha mẹ tôi không ở Ấn-đố mà sống ở nước Việt-nam, tại thành-phố Sài-gòn. Nhà cha mẹ tôi ở khu Chuồng Bò ngã bảy, không xa rạp chiếu bóng Long-Vân bao nhiêu. Gia-đình tôi nuôi đâu chừng mười con dê để lấy sữa. Hàng ngày cha mẹ tôi vừa chăn dê vừa cắt cỏ cho dê ăn. Mỗi sáng sớm cha mẹ tôi vắt sữa dê. Mẹ tôi để những chai sữa dê vào hai cái giỏ treo hai bên, sau cái ghế chở người của xe đạp, đem đi bỏ mối những nơi quen biết .Lúc mẹ giao, bán hết sữa về lại nhà thì cha mẹ lùa dê đi ăn cỏ những nơi còn sình lầy không xa khu Chuồng Bò nhiều.

Chị Ahana kể cho tôi nghe, lúc mẹ chết, chị phải bỏ học ở nhà phụ giúp cha săn-sóc tôi và đi giao sữa mỗi buổi sáng. Mọi việc còn lại trong ngày cha làm hết. Tôi được đi học. Bắt đầu lớp mẫu-giáo trong phường. Trước đây chị Ahana học trường Việt, nay tôi cũng được học trường Việt. Trong xóm tôi ở, có ba gia-đình người Ấn-độ đều có con học trường Việt. Hồi đó, con cái những gia-đình người Ấn-độ khá giả đều học trường dạy Tiếng Pháp. vì Việt-nam không có trường dạy tiếng Ấn. Ở nhà, buổi tối cha thường dạy cho hai chị em tôi học nói tiếng Hindu. Ông bắt buộc chị em tôi phải nói chuyện bằng tiếng Hindu trong nhà và với những người Ấn-độ khác trong xóm.

Chị Ahana lúc nầy đã lớn. Mỗi khi chị mặc áo-quần may theo kiểu mấy cô tài-tử đóng phim Ấn-độ xuất hiện trong máy truyền-hình, tôi thấy chị đẹp lắm. Áo dài Saree. Mỗi khi chị mặc y-phục Ấn-độ, tôi vui vô cùng, tôi biết, chị chuẩn bị đi xem phim Ấn-độ ở rạp chiếu bóng Long-Vân...chị phải dẫn tôi theo, không thì tôi khóc, chạy theo chị.

Khi đến trước rạp, tôi đã thấy anh Báu đang chờ chị. Anh mua vé cho hai chị em tôi cùng anh vào xem. Hôm nay anh Báu mặc áo-quần lính. Bộ áo quần treillis Dù ôm sát người anh, làm nổi bậc cơ-thể anh...một lực-sĩ. Anh Báu không ở cùng phường với tôi. Anh ở khu Vườn Lài gần rạp hát. Cha mẹ anh tiêu-thụ sữa dê hàng ngày của gia-đình tôi. Chị tôi giao sữa. Không biêt duyên-nợ nào ghép tình-yêu của hai người. Cha anh làm thầy dạy võ. Mẹ anh buôn bán thực-phẩm khô trong chợ Bến-Thành. Anh học trường Trung-học Trương-vĩnh-Ký. Ngoài giờ học ở trường, anh phụ cha anh dạy võ trong câu-lạc bộ ở vườn Tao-Đàn. Thinh-thoảng anh hay đến nhà tôi chơi. Anh hay mua bánh Cay của một người Ấn-độ bán ngoài đầu hẽm cho tôi.Tôi ăn nhiều lần đâm ghiền. Cha tôi lúc nào cũng vui-vẻ nói chuyện với anh mỗi khi anh đến chơi. Anh thường gọi tôi: " thằng cả-ri nị " Mấy anh con trai trong xóm thấy chị tôi quen với anh, không biết có phải họ ghen-tỵ với anh, mỗi khi anh đến gặp chị Ahana, họ hay nói to nhỏ với nhau: "  thằng nầy dân ở khu nào mà cua được con gái lão chà-dà nuôi dê ở xóm mình ? ". Nghe mấy thanh-niên nầy nói như vậy. Một hôm anh nắm cổ áo của một anh thanh-niên, anh chỉ tay vào người nầy: " tại sao bạn gọi người ta là lão Chà-dà, giọng bạn đầy âm-điệu xấc-xược, kỳ-thị..? ".Mấy thanh-niên khác binh bạn. Lời qua tiếng lại xẩy ra xô-xác. Cảnh-sát phải can-thiệp....Gần một năm sau, anh xuất-hiện tại nhà với bộ quân-phục binh-chủng nhảy Dù, hai vai anh điểm hai nụ-hoa chuẩn-úy màu vàng đậm. Anh và chị Ahana ôm nhau. Chị Ahana khóc. Tôi nắm tay anh sung-sướng vì gặp lại anh. Anh vắng mặt khá lâu. Trong gia-đình không ai rõ lý do. Chị Ahana suốt ngày sầu thảm. Đôi lúc chị không ăn uống. Ngồi khóc.

Cha nói chuyện với anh, hỏi anh có thương chị Ahana thật không . Anh trả lời: " con đã thưa với cha mẹ con rồi. xin bác nửa năm tới, cha mẹ con sẽ xin gặp bác để nói về chuyện thương nhau của cháu và Ahana ". 

Đầu năm học của năm 1973, tôi không còn học lớp mẫu-giáo trong phường, tôi được học trường tiểu-học Bàn-cờ. Lúc nầy cha mua cho chị Ahana chiếc xe Honda để chị đi giao sữa và đưa đón tôi đi học, nhờ vậy tôi biết nhà anh Báu. Người ta gọi nhà của cha mẹ anh Báu là "villa ", nó khác hơn nhà người xung quanh, nhà của cha mẹ anh có tường thấp bao quanh, có trồng hoa và nhiều cây ăn trái.

Ra trường, tốt-nghiệp binh-chủng nhảy dù, anh Báu  được biệt-phái từ tiểu-đoàn Dù về làm việc tại Quân-vụ thị-trấn Sài-gòn Gia-định, làm sĩ-quan cận-vệ cho một ông Đại-tá, nên cuối tuần anh thỉnh-thoảng có phép đến thăm chị Ahana. Một thời gian sau, anh từ-nhiệm cận-vệ, trở lại đơn-vị chiến đấu nhảy Dù. Anh nói anh thích nghe tiếng súng đạn nổ hơn là ngồi văn-phòng nghe tiếng chuông điện-thoại reng hay theo ông đại-tá đi họp-hành rồi sau đó ăn-uống, chuyện trò của mấy ông lớn làm anh mệt mỏi, nhàm chán..


Tháng hai năm 1975,cha chuẩn-bị cho chị Ahana làm dâu nhà anh Báu . Lúc nầy đơn vị dù của anh Báu đang chiến đấu mặt-trận Quảng-tri... Trận đánh lớn chưa từng thấy từ khi cuộc chiến khởi sự những năm trước đó. .Anh Báu không về phép được.Tiệc cưới vẫn được tiến hành, nhưng nghi-thức lễ cưới đón dâu và đưa dâu không có. Chị Ahana không có dịp măc chiếc áo dài Saree màu đỏ của cô dâu mà trước đó chị hay mặc thử, đứng soi mình trước tấm kính cửa tủ áo quần, mặc dầu theo giao-ước giữa hai họ, anh Báu ở rể.


Một tuần sau lễ cưới của chị Ahana và anh Báu, trong xóm người dân gặp nhau nói với nhau trong sự lo-âu về cuộc chiến đang lan ra dữ-dội trong cả nước. Thành-phố bắt đầu nhận thiệt hại nhân-mạng và cơ-sở vật chất hàng đêm và đôi khi cả ban ngày do những viên đạn 122 ly.từ vùng ven thành-phố bắn vào. Dân trong xóm làm hầm trú-ẩn chống đạn pháo-kích. Cha, chị Ahana và tôi cùng nhau đào hầm bằng một cây xà-beng mượn được của người nhà bên cạnh. Chị Ahana dùng xe Honda đi chở những bao cát mua ở vựa bán vật-liệu xây dựng từ trong Chợ-lớn để làm trần hầm. Đêm về, cha trải chiếu ngủ cạnh miệng hầm, hai chị em tôi ngủ trong hầm. Ngủ dưới hầm được vài hôm, thì thành-phố lại bị pháo-kích, xe của sở cứu-hỏa hụ còi suốt đêm. Nằm dưới hầm tôi vẫn thấy những tia sáng lóe lên trước khi những tiếng nổ rung chuyển làm trần hầm rung rung. Tôi sợ. Tôi ôm chị Ahana, tôi khóc.

Vào trường học, lớp tôi thiếu vắng mấy đứa. Thằng Trí, bạn thân ngồi canh nhau cũng vắng mặt. Có đứa trong lớp nói với tôi nhà thằng Trí ở bên cạnh nhà nó bị trúng đạn pháo-kích cháy trong đêm. Tôi không biết có chuyện gì không may đến với thằng Trí ? Tôi cảm thấy buồn.

Buổi chiều đi học về, chị Ahana ngồi khóc . Chị nói với tôi trong đau đớn: " Toàn gia-đình anh Báu đêm qua bị trúng hỏa-tiển, hầm bị sập, không còn ai sống sót...cha mẹ và hai em anh ấy...lính cứu-hỏa đã đưa xác họ vào quàng ở bịnh-viện Bình-Dân. Sáng nay chị đem sữa qua giao, chị thấy phân nửa cái nhà bị sập. Mùi khói chưa tan hết. Nói xong chị ôm tôi. Chị lại khóc. Tôi khóc theo chị.

Ngày 25 tháng tư, tôi nhớ ngày nầy vì là ngày sinh của tôi. Chị Ahana chở tôi cùng đi giao sữa, ngày hôm đó không có lớp học. Chị nói với tôi, giao sữa xong, chị sẽ chở tôi xuống chợ Bến-Thành mua tặng tôi bộ áo quần mới mừng sinh-nhật. Lúc chạy ngang qua nhà gia-đình anh Báu, chị dừng xe. Trên cánh cửa ngõ nhà, có dán một tờ giấy bằng giấy vở học trò: " chuẩn-úy  Lê-huy-Báu, số-quân../ .thuộc tiểu-đoàn..../sư-đoàn nhảy dù đang dưỡng-thương tại Tổng-y-viện Cộng-hòa, xin báo cho thân-nhân đến thăm gặp. ". Chị Ahana đứng yên như một pho tượng. Từ hai mắt chị long-lanh những giọt nước. Tôi phải nắm tay chị giật giật mấy cái...chị lấy cánh tay quệt mắt rồi chở tôi đi giao tiếp phần sữa còn lại. Giao hết sữa, chị chở tôi về nhà; chị không chở tôi xuống chợ Bến-Thành.

Về đến nhà, chị bảo tôi ở nhà, chị vào tổng-y-viện tìm thăm anh Báu. Tôi không chịu xuống xe. Tôi đòi cùng đi thăm anh Báu. Trên đường vào tổng-y-viện, chị lái xe chạy, nhiều lúc tôi tưởng xe chị và xe người khác tông vào nhau...người ta hét lên: " con nầy chạy xe bạt mạng...nghĩa địa không ai tranh chỗ đâu... con điên ! "

Không khó khăn lắm để tìm ra nơi anh Báu nằm điều-trị. Thời gian lúc bấy giờ bịnh-viện rất đông thân-nhân đến thăm viếng thương-bệnh-binh. Nhiều thương-binh nằm trên xe cáng được nhân-viên bịnh-viện đẩy qua lại trong các hành lang. Anh Báu nằm phòng hồi-sức. Anh vừa được giải-phẩu cưa một chân phải. Anh bị thương ở mặt-trận Quảng-trị, được đưa vào tổng-y-viện Duy-Tân ở Đà-nẵng. Tại đây bị quá tải, anh được máy bay C.130 đưa vào Sai-gòn cùng nhiều thương-binh khác. Anh bị cắt bỏ một phần chân hai ngày trước. Tôi đứng lặng câm nhìn chị Ahana hai tay ôm một cánh tay anh ép vào ngực chị. Người chị rung lên.trong thổn-thức. Anh Báu cười không che được khuôn mặt đau thương của anh.... Chị Ahana vừa mở miệng , nghẹn-ngào chưa thốt ra lời, anh Báu rút bàn tay khỏi hai bàn tay của chị Ahana, anh nắm cánh tay chị: "  anh biết rồi... anh biết hai ngày rồi. Một nhân-viên trong bịnh-viện được cử đến nhà anh báo tin của anh. Anh ấy trở về báo cho anh biết gia-đình anh đã bị đạn pháo kích chết không còn ai, anh ta viết giấy dán vào cửa báo tin và để tìm thân nhâna.Anh biết thế nào em cũng đến..anh còn gia-đình người chú, em của ông già nhưng ở ngoài Huế...đang lúc nầy làm sao mà liên lạc được, người dân di-tảng khắp nơi.. ! ".Anh bật khóc như đứa con nít. Tôi, chị Ahana cùng khóc theo anh.

Cha đứng ra nhận làm tang-lễ cho cho gia-đình anh Báu. Cha có đạo Hindu, gia-đình anh Báu đạo Phật nên mọi chuyện tang lễ nhờ nhà đòn lo. Người trong xóm tôi và người trong khu vườn Lài theo đưa tang rất đông. Chỉ có duy-nhất chị Ahana mặc tang phục theo phong-tục Việt-nam. Giữa đám người đưa-tiễn, chỉ có mình chị Ahana khóc. Tro cốt bốn người trong gia-đình anh Báu được gởi ở chùa Già-Lam bên Gò-vấp.


Ngày 30 tháng 4 năm 1975, người dân trong xóm tôi gặp nhau mặt người nào cũng đượm buồn. Họ nhìn nhau trong im-lặng và lo âu. Có nhà người ta đánh chó, tiếng chó kêu đau tru lên lạnh người. Có người đánh con, tiếng trẻ con vừa khóc vừa phân bua: " con có làm gì đâu mà cha đánh con ? ".Tiếng bà mẹ bảo-vệ con: " anh nầy vô-lý, sợ mấy ông trong rừng ra...con nó làm ồn một chút, đổ lo sợ trên đầu thằng nhỏ ! " 

Vào buổi trưa, ông Dương-văn-Minh nói trên đài-phát-thanh tuyên-bố đầu-hàng, hai bên đánh nhau ngồi lại cùng nói chuyện hòa-hợp hòa giải dân-tộc.. Mấy anh thanh-niên trong xóm đi lính không chết nay lần lượt trở về. Anh đi chân không, trên người chỉ còn cái quần xà-lỏn. Anh thì trên thân băng bó vết thương. Anh thì chống nạng. Chị Ahana chạy xe Honda vào Tổng-y-viện Cộng-hòa tìm anh Báu nhưng không thấy. Người dân nguyền-rủa những người thắng trận vào tổng-y-viện đuổi tất cả thương-bệnh-binh ra ngoài là lũ tàn-ác rừng-rú. Tôi lang-thang ra ngoài Ngã Bảy, mặt đường nhiều áo quần lính, mũ sắt, có cả súng nằm rải-rác khắp nơi.Có vài nhà treo cờ xanh đỏ có ngôi sao vàng. Nhiều tốp người già, trẻ, trai gái, tay quấn vải đỏ, tay cầm gậy, dao đi đầy đường, miêng hoan-hô, đã đảo. Sự bình-an hàng ngày ngoài đường đã biến mất. Sự xáo-trộn thay-thế. Tôi cảm thấy lạc-lõng cô-đơn như chưa bao giờ có.


Mấy anh lớn trong xóm, có thời kỳ trước đây gây-gỗ với anh Báu vì ghen không chiếm được trái tim của chị Ahana hay có lời kỳ-thị gọi cha là chà-dà, có anh đi lính thương tật trở về, có anh thua trận mới về hôm nay, có anh không bị đi lính, họ tụ tập với nhau đốt những lá cờ vàng ba sọc đỏ mà mấy anh gom từ nhà đem đến. Mấy anh im-lặng trang-nghiêm nhìn ngọn lửa lim dần trên nền đất.

Thấy tôi đứng bên cạnh, có anh để tay xoa đầu tôi: " hãy nhớ hình ảnh màu sắc lá cờ nầy trong tim..mai sau có may lại phải y chang như vậy nghe cưng ! ". Tôi lầm-lũi đi vào nhà mà cảm thấy đôi chân tôi như bị níu lại. 

Sữa dê không còn bán được. Những mối nhà hàng nhận sữa hàng ngày đã không mua nữa. Thời thế đang thay đổi. Ai cũng nín thở chờ qua sông. Không ai ăn uống.phí-phạm.như trước. Tư-gia thì thay đổi nơi ở. Sữa vắt ra không có phương-tiện bảo quản, phải phân-phát tặng cho lối xóm. Có người thông-cảm cho lại chút ít tiền.

Trong ngày, chị Ahana lái xe Honda đi từ sáng đến tối mới về. Mặt mày thỉu-não. Mấy con dê chị dành hết phần cho cha lo. Chị nói với cha chị đi tìm anh Báu. Chị nói tôi lớn rồi, có thể giúp cha lo trông chừng mấy con dê ăn cỏ ngoài vùng sình lầy hai bên bờ kinh đào. Trường vẫn còn đóng cửa. Tôi nghe lời chị, đi chăn dê.


Tháng 5...ngoài đường đã giới-nghiêm, chị Ahana về nhà chở theo anh Báu. Chị nói, trên đường về nhà, sau một ngày chạy vòng vòng tìm anh Báu, chạy ngang qua nhà anh Báu, nhìn thấy anh ngồi như một con chó đói trước cửa nhà. Tôi mừng, cầm tay anh Báu. Cha mừng, đỡ anh Báu xuống xe rồi dìu anh vào nhà

Tôi nghe anh nói với cha: " người ta vào, người ta đuổi ra ngoài hết những ai đang nằm điều-trị trong quân-y-viện...những người đang nằm trên bàn mổ, bác sĩ đang giải-phẫu cũng bị đuổi. Anh bị đuổi, chưa có nạng được cung-cấp...bác-sĩ nói sẽ làm chân giả cho anh...nên anh phải bò ra đường ...bò không nổi vì đau đớn, phải nằm bên đường...người dân thương tình đưa vào nhà săn-sóc...chờ cho vết cắt nơi chân hết chảy máu...hôm nay họ thuê xích-lô nhờ chở anh về nhà. Đến nhà, không có cách nào vào nhà : nhà bị sập nên ngồi bên ngoài ...".Sao  con không bảo người ta chở thẳng về đây , " Tiếng cha hỏi . Anh trả lời: " con là sĩ-quan VNCH, đang lúc cơm canh lẫn lộn, về đây sợ người ta khó dễ cha, tố cáo gia-đình cha chứa-chấp sĩ-quan VNCH...nhà có sĩ-quan Ngụy…!"

"Trời ơi, sao con nói vậy, con là rể của cha, là con của cha...họa, phước có đến, cả nhà đều cùng chia sẻ...! " Giọng cha ngừng lại. Máy radio nhà ai đó vang lên lời của ông nhạc-sĩ Trịnh-công-Sơn: " anh em hãy cùng nhau hát bài nối vòng tay lớn " Trời đang tháng tư, nghe bài hát, người tôi tự nhiên thấy lạnh. Ngày nay, đang ghi lại chuyện nầy tôi vẫn còn thấy lạnh.


Vết thương của anh Báu nhiễm trùng, anh nóng sốt cao độ. Vết thương bị rĩ máu. Nhà thuốc tây đóng cửa. Nhà thuốc nào mở cửa thì không có thuốc trụ-sinh để mua. Chị Ahana phải đi tìm mua ở quanh khu Chợ-cũ mới có. Tìm được thuốc, tìm y-tá. Trong xóm có bác y-tá già, mời bác, bác lắc đầu, bác nói:" chồng cháu là sĩ-quan Công-hòa...bác mà săn-sóc chích thuốc cho chồng cháu, người ta tố-cáo, nói bác chữa thương cho sĩ-quan Ngụy thì đi tù không biết ngày nào về lại với vợ con.! " Chi Ahana năn-nỉ. Bác lên giọng đuổi chị Ahana về. Nhưng vài giờ sau đó, lúc đèn trong xóm vừa được thắp sáng...có tiếng bác y-tá gọi cửa, bác nói lớn như cho nhiều người nghe: " ông Pranay, nhà còn sữa không, bán cho tôi một chai....thằng cháu ngoại tôi cần sữa...mẹ nó không biết lo sợ gì mà tắt sữa cả hai ngày nay ! " Tôi mở cửa. Bác bước nhanh vào bên trong. Bác cúi sát  tai tôi, bác hỏi: " chồng chị con ở đâu ? ".vừa lúc chị Ahana mở cửa phòng của chị. Bác để ngón tay của bác lên miệng. Hai mắt chị Ahana mở lớn.

Tôi mở cửa cho bác y-tá rời nhà.. Trên tay bác cầm một chai sữa. Tôi vừa khép cửa lại, tôi nghe tiếng bác : "  ông Pranay, nhớ đừng quên để dành cho thằng cháu cưng tôi một hai sữa nữa, ngày mai tôi qua nhận. ".

Bác y-tá qua nhà tôi liên-tiếp ba buổi chiều. Mỗi khi bác ra về trên tay bác đều có một chai sữa. Anh Báu không còn nóng, sốt và anh có thể xê-dịch trong nhà. Cha đem về cho anh một cặp nạng bằng kim loại nhôm. Cha nói cha thấy cặp nạng nằm bên bờ kênh, bên cạnh, dưới nước có một xác người nổi, mặc áo quần lính, trên đầu quấn băng trắng đầy máu đen sẩm. Cha báo cho mấy người tay mang băng đỏ, cầm dao, gậy đang đi gần đó. Mấy người nầy dùng dây kéo cái xác lính đi dọc bờ kênh, không biết kéo đi đâu. Cha lượm cặp nạng. Nhờ có cặp nạng, anh Báu đi lại,sinh-hoạt bình thường. 

Trong khu Chuồng Bò bắt đầu có chính-quyền mới. Xóm tôi có bà Tư hốt rác làm tổ trưởng dân phố. Bà không chồng con. Có người trong tổ muốn yêu cầu bà chứng giấy di-chuyển hay xin chính-quyền mới việc gì cần, bà đều nhờ tôi đọc đơn cho bà nghe hoặc viết tên bà vào giấy chứng-nhận để bà ký Cha tôi thường hay tặng bà sữa vài ba ngày một chai. Người trong xóm nói cha tôi có tình-ý với bà. Nhưng tôi nghĩ ngược lại, bà có tình-ý với cha tôi đúng hơn. Không biết ai đúng, ai không đúng. Từ khi bà làm tổ-trưởng tổ dân phố, tôi không còn thấy cha tôi tặng sữa cho bà. Chị Ahana tôi thắc-mắc, cha nói: " hồi trước khác, bây giờ khác. Hồi bà ấy còn cực, thiếu-thốn mình cho, mình giúp, bây giờ tặng sữa, người ta nói gia-đình mình nịnh cách-mạng, nịnh bà tổ-trưởng ! ".

Ngày 19 tháng 5. có một toán bộ-đội đến đóng chốt ở khu Chuồng Bò. Người ta nói bộ-đội đến giữ an-ninh trật-tự cho ngày mừng sinh-nhật bác Hồ. Ngày hôm đó nhà nào cũng treo cờ hai màu xanh đỏ có ngôi sao vàng và cờ đỏ sao vàng. Ngoài đường lớn, người tham-dự biểu-tình hô vang " Hồ-chí-Minh muôn năm ". Trong khi đó ba người bộ-đội, anh công-an khu Chuồng Bò và mấy người làm việc cho chính-quyền cách-mạng ở khu Chuồng Bò cùng bà tổ trưởng dân phố đến nhà tôi. Người ta hỏi cha tôi ủng-hộ cho ủy-ban cách-mạng chính-phủ lâm-thời khu Chuồng Bò hai con dê để ăn mừng sinh-nhật bác Hồ. Tôi nhìn thấy cha há-hốc miệng khi nghe người ta nói như vậy. Một hồi lâu cha nói: " Mấy con dê là nguồn sống của gia-đình ba cha con tôi. Nếu tôi ủng-hộ thì gia-đình tôi sẽ không còn phương-tiện.sống.! Gia-đình tôi sẽ ủng-hộ tiền để ủy-ban cách-mạng lâm-thời đi mua dê nơi khác thay thế ! ". " Có tiền chúng tôi không biết tìm dê ở đâu để mua. Gần đây chưa có hợp-tác xã bán dê ".Một người trong nhóm nói .Cha tôi lắc đầu thở ra, lo âu. Anh công-an khu Chuồng Bò lại nói: " Ông Pranay khó đễ chúng tôi, thiếu tinh-thần cách-mạng, không nhiệt-tình ủng-hộ ủy-ban cách-mạng lâm-thời khu Chuồng Bò để ăn mừng sinh-nhật  Hồ chủ-tịch ! " Lời anh công-an cắt từng chữ, như lời cha tôi răn đe tôi mỗi khi tôi làm gì sai trái để cảnh báo, tôi không tuân lời sẽ bị phạt..Họ kéo nhau đi. Cha tôi nắm tay bà tổ trưởng, dúi tiền vào tay bà. Cha năn-nỉ: " bà giữ tiền nầy giúp tôi mua dê nơi khác hay mua thứ gì khác để mấy ông ăn mừng ngày sinh bác Hồ...! "

Sáng sóm hôm sau, đang ngủ , tôi tỉnh dậy vì nghe tiếng cha tôi nói với chị Ahana : mất hai con dê. Chị nói hai con dê chắc sẩy chuồng chạy quanh đâu đó. Tôi nghe tiếng cha tôi giả tiếng dê kêu:" be he " để tìm dê. Không thấy dê. Cha tôi nói như khóc: "  người ta làm thịt ăn rồi ! ". Tôi chạy ra chuồng dê. Mặt cha bơ-phờ, tiếc hai con dê bị mất. Nghe cha bị mất dê, vài người lối xóm gần nói vọng qua: " ông Dranay nên đi báo công-an...từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, trong khu Chuồng Bò nầy đâu có ai nghe chuyện mất trộm gì đâu...!" .Một chút yên-lặng, rồi tôi nghe cha tôi cười khì giọng mũi. Không biết có phải cha tôi trả lời người hàng xóm tốt bụng đã khuyên cha ?

Ủy-ban cách-mạng lâm-thời khu Chuồng-Bò lập hợp-tác-xã. Người ta kêu gọi cha tham-gia bằng cách nuôi dê sữa. Người ta hứa sẽ mua thêm dê để bầy dê đông hơn. Cha làm chủ chăn, hợp-tác-xã quản-lý. Cha nói để cha hỏi ý tòa đại-sứ Ấn-độ vì cha là người Ấn. Trước nay cha nuôi dê theo luật-lệ của thời chính-quyền VNCH, nay chính quyên mới, luật-lệ cha chưa biết, nên cha phải hỏi tòa đại-sứ. 

Người ta lại bắt mọi gia-đình phải khai lại hộ-khẩu. Phần đông không ai biết hộ-khẩu là gì. Bà tổ-trưởng phải giải thích cho từng nhà " khai báo lại hộ-khẩu là khai lại tờ khai gia-đình." Bà tổ-trưởng lại nhờ tôi viết, sao lại tên những người trong tờ khai gia-đình vào tờ khai hộ khẩu của những gia-đình trong tổ của bà.

Cha tôi xin khai tên anh Báu vào tờ hộ-khẩu. Bà tổ trưởng do-dự. Cha tôi nói với bà: " thằng Báu là rể của tôi, lúc tôi gả con gái tôi cho nó, tôi có mời bà dự cưới, bà quên rồi sao ?  Gia-đình thằng rể tôi bị hỏa-tiển 122 ly giết chết cả nhà, chết không toàn thây...nhà của nó đâu còn mà về để khai hộ-khẩu ? " Không nghe bà nói gì, tôi nhìn bà. Dường như bà không biết tôi đang nhìn bà để hỏi ý bà...Tôi hơi lo... viết tên anh Báu vào tờ khai hộ khẩu....

Ủy-ban quân-quản thành-phố Sài-gòn la-lệnh cho những sĩ-quan, viên-chức chính quyền cũ trình-diện học-tập mười ngày. Anh Báu chống gậy đi trình-diện ở trường trung-học Trương-vĩnh-Ký, nơi anh đã trải qua những năm học-trung học không âu-lo .Và từ ngôi trường cũ nầy và từ ngày anh đến để được đi học mười ngày...cả gia-đình tôi không thấy anh trở về và cũng không biết anh học tập trường nào và ở phương trời nào.? Chị Ahana buồn thảm theo ngày tháng từ khi vắng anh.

Anh Báu đi trình-diện được vài ngày....mấy con dê còn lại trong chuồng biến mất. Những người hàng xóm chia buồn sự mất dê của cha, hỏi : " ông Pranay này, ông có nghi ai  ban đêm giờ giới-nghiêm  dám vào đây bắt dê của ông không ? ". Cha lại buông tiếng thở dài trong lặng câm.

Cha phá sập chuồng nuôi dê, thay vào đó là một vườn rau nhỏ. Suốt ngày cha cứ lẩn-quẩn ngoài vườn.


Một hôm cha kéo về một chiếc xe ba-gác hai bánh có càng kéo phía trước. Cha nói của một gia-đình bạn cho cha trước khi đi vượt-biển ra nước ngoài. Người bạn có giới thiệu mối cũ cho cha buôn bán ngoài chợ Cầu muối. Chị Ahana theo phụ cha lên hàng, xuống hàng cho khách. Đôi khi xe chở nặng chị theo đẩy phía sau. Cái bụng của chị ngày càng lớn, cha không cho chi theo phụ cha. Cha bảo chị phải nghĩ để dưỡng cái thai. Thỉnh-thoảng, biết ngày hôm đó có hàng nặng, cha bảo tôi theo giúp đẩy xe.


Trường học mở cửa lại. Tôi đi học. Cô giáo cũ không còn dạy. Bạn học cùng lớp vắng mặt cũng nhiều. Cô giáo đã đi vượt biển, bị bắt đang bị giam tù. Học trò cùng lớp có đứa theo gia-đình vượt biển, có đưa theo gia-đình về lại quê-quán. Cô giáo mới có giọng nói tôi không nghe được, nghe không quen. Bạn đồng lớp cũng nói như vậy. Có đứa nói giọng cô giáo mới, nghe như mấy ông thầy chùa đọc kinh, thần- chú bằng tiếng Phạn.

Tôi được ghép vào đội thiếu-nhi quàng khăn đỏ...làm cháu ngoan bác Hồ. tập hát nhiều hơn học chữ. Buổi sáng vào lớp học, cô giáo gọi từng đứa học trò lên bảng hát bài " Dường như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng ".. Nhiều đứa không thuộc lời, trong đó có tôi. Cô giáo lại bắt cả lớp hát lại. Không chỉ có lớp tôi mà những lớp khác đều hát. Chắc những lớp khác cũng có nhiều đứa không thuộc lời ?. Cô giáo kể chuyện bác Hồ đi làm cách mạng cứu nước vì yêu nước thương dân cho cả lớp nghe. Tôi không biết làm cách-mạng là gì. Tôi chưa thấy bác Hồ bằng xương bằng thịt đi cứu nước.Tôi chỉ nhìn thấy hình ông già râu dài treo nơi tường bên trên tấm bảng đen trong lớp học, không nhúc-nhích. Tôi lại nhớ hồi còn chiến-tranh, đêm ngũ nghe đạn pháo kích nổ, làm chết người, ngày hôm sau truyền-hình chiếu, ông tổng-thống Nguyễn-văn-Thiệu đến thăm viếng giúp đỡ những gia đình bị nạn.....ông còn đi ra nơi lính hai bên đang đánh nhau để thăm phe mình...không biết ông có yêu dân yêu nước như bác Hồ không ?. Tự nhiên tôi hỏi chị Ahana lúc chị ngồi rầu-rĩ sau bếp...có lẽ chị đang nhớ thương anh Báu. Chị kéo tai tôi, tôi đau, may mà tai tôi không bị sứt. Chị nói, chị hăm tôi thì đúng hơn: " về sau, có nghe ai nói gì về ông già nầy, im-lặng mà nghe... để giữ thân...nghe rồi thì bỏ ngoài tai...em muốn nhà mình bị đốt cháy ...rồi ra đường ngũ ?


Những ngày trước ngày 3 tháng 2 năm 1976, người ta làm một lễ đài trước hẻm Chuồng-Bò để kỷ-niệm ngày thành-lập đảng Cộng-sản. Người ta kêu gọi cha tôi ủng-hộ công-sức đi chợ tre gỗ và vật liệu linh-tinh về làm lễ đài. Vật-liệu được giao từ cầu chữ Y. Cha bảo tôi nghĩ học theo phụ cha. Tôi đẩy xe. Trên đường về, bị trạm kiểm-soát chận lại xét giấy tờ. Cha không có giấy chứng nhận chuyên-chở vật-liệu nầy. Người ta không tin lời cha khai báo là chở vật-liệu về làm đài kỹ-niệm lễ 3 tháng 2 ở khu Chuồng-Bò. Cha không hiểu tại sao ban tổ-chức làm lễ-đài không đưa giấy phép chuyên-chở cho cha. Tôi phải chạy về gặp bà tổ-trưởng báo lại sự việc, yêu cầu bà cấp giấy chứng nhận .Bà đi đâu gần hai giờ sau mới đưa giấy chứng nhận. Tôi lại chạy trở lại trạm kiểm-soát. Đèn đường lúc nầy đã thắp sáng, nhưng có những đoạn hai bên đường có trụ-điện nhưng không có ánh sáng, tối om. Nơi nầy tai-nạn xẩy ra. Một xe chở bộ-đội tuần tra tránh một xe xích-lô máy, lệch tay lái, đẩy xe ba-gác hai bánh có càng của cha tôi lật nhào một bên. Xe chở bộ đội chạy luôn. Người lái xe xích-lô máy nằm giang tay chân trên đường không động-đậy. Không biết đã chết hay còn sống ?. Hai cha con tôi bị thương nhưng còn gắng sức kéo xe vật-liệu về khu Chuồng-Bò .Lúc nầy tôi kéo càng xe. Cha tôi đẩy xe. Người đi đường nhìn hai cha con tôi. Có lẽ họ nhìn tôi : thằng bé cao chưa qúa một thước hai đang đu càng xe hơn là kéo xe.!


Cha tôi phải nghĩ kéo xe gần hai mươi ngày ví tay và chân bị chấn thương. Ở nhà tự chữa-trị bằng gừng pha muối và nước ấm. Ban tổ chức lễ đài không thấy ai ghé nhà thăm hay thưởng công chuyên-chở. Một củ khoai mì cũng không có . Vết thương nơi trán của tôi không nặng, nhưng vết sẹo vẫn còn, chưa biến mất lúc tôi ghi lại câu chuyện. Hy-vọng về già, vết sẹo sẽ bị những vết da nhăn-nheo che bớt, đánh lừa được cái nhìn của người khác.


Chị Ahana chuyển bụng đẻ vào lúc nửa đêm. Cha chở chị Ahana trên xe ba-gác, tôi theo sau đẩy xe. Đang giò giới-nghiêm. Trên đường đi đến xưởng đẻ Từ-Dũ, đến trước rạp hát Đại-Đồng trên đường Cao-Thắng thì bị mấy anh mấy chị đeo băng đỏ chận hỏi giấy phép đi trong giờ giới-nghiêm. Cha trình-bày với họ: " con gái tôi đau đẻ...tôi phải chở nó đi đẻ...đêm khuya đâu có ai làm việc mà xin giấy đi đường trong giờ giới-nghiêm...mấy anh mấy chị thông-cảm.. xưởng đẻ Từ-Dũ cũng gần đây..! " Người ta chần-chừ chưa cho đi. Chị Ahana than đau. Chị vừa ôm bụng vừa van-xin: " mấy anh mấy chị cho chúng tôi đi..tôi đau quá...sợ không kịp đến...". Chị Ahana rú lên vì đau...có tiếng con nít khóc. Chị Ahana đã sinh con trên chiếc xe ba-gác. . Cha vội nắm hai càng xe kéo chạy. Tôi rán hết sức đẩy xe. Có lẽ vì thương tính mạng con gái và cháu, cha bất cần lời van-xin...Có nhiều tiếng gọi: " ông già đứng lại...ông già đứng lại." Làm như không nghe. Tôi cố sức đẩy.. cha tôi hết sức kéo. Cha chạy quá nhanh, tôi chạy theo đôi lúc không kịp để hai tay chạm vào xe.

Chị Ahana cho ra đời một đứa con gái trên đường đi đến xưởng đẻ. May mắn hai mẹ con được bình-an. Chị khai-sinh cho con là Lê Amyra.Vườn-Lài, có nghĩa em bé công-chúa Vườn-Lài họ Lê. Cha luôn miệng-cám ơn Brahma, thường-đế tối-cao đã thương-yêu, đã che-chở, đã cứu hai mẹ con chị Ahana.

Tôi bỏ học phụ cha đi chở hàng.thuê. Chị Ahana không phụ cha được, phải lo nuôi con. Trong gia-đình thiếu hụt đủ thứ...không có gạo, ăn bo-bo và khoai mì. Chị Ahana cần bổ dưỡng để có sữa cho Amyra Vườn Lài bú. Phải có tiền.

 

Khi Amyra được một năm tuổi, chị Ahana xin phép cha bán chiếc xe Honda để có tiền đi tìm anh Báu. Từ khi anh Báu được gọi đi học tập mười ngày, đến nay , hai năm rồi không biết anh ở đâu, không tin-tức, không biết hỏi ai. Cha hỏi chị: " đã nghĩ kỹ chưa. Chồng con như kim chìm đáy biển biết đâu mà tìm ? ".Chị nói: " mấy bạn con có chồng đi học tập cải-tạo như anh Báu chồng con, không có tin-tức...nay họp nhau cùng đi tìm chồng...nếu cha cho phép con cùng đi với họ, cha cho phép con bán xe..? ". " Lòng cha không muốn con đi như vậy, bồng con theo...con bé còn nhỏ quá, trên đường đi nếu có chuyện gì không may....cố.chờ thêm một thời gian nữa , may đâu có tin của  chồng con ? ". Lời cha khuyên chị. Chị lại thổn-thức khóc: " hai năm rồi có tin-tức gì đâu..cha ơi ! ".Mấy ngày chị Ahana cứ xin cha được bán xe đi tìm chồng, chị năn-nỉ cha, chị khóc .Cha cầm lòng không được: " con không nghe cha, xe đó cha đã cho con, nay con muốn làm gì tùy con.! ".


Một buổi sáng, như thường lệ, trước khi kéo xe đi làm, cha và tôi đến phòng chị Ahana nói vài lời gì với chị rồi nhìn cháu Amyra. ..sáng nay phòng chị trống trơn. Cha đứng lặng yên. Tôi hỏi: " chị Ahana đâu rồi ? ".Chỉ có tiếng tic-tắc của đồng hồ trên tường trả lời. Tôi kéo tay cha: " cha ơi, mình đi chở hàng cho kịp người ta bày bán trong chợ " Tôi đẩy chiếc xe chưa có hàng mà thấy nặng như đang chất đầy hàng. Cha cầm càng xe...có lẽ cha bước đi không nổi ? 

Đâu chừng một tháng sau, chị Ahana bồng con trở về. Mặt chị bơ-phờ hốc hác, hai mắt quầng thâm, sâu không thấy tròng trắng.. Toàn thân chị khẳng-khiu như cây khô nước. Chỉ có bé Amyra vẫn bụ-bẩm. Cha mừng. Tôi mừng. Chi Ahana khóc nghẹn-ngào. Không tìm được tin-tức anh Báu. Bé Amyra nói được tiếng ba...ba...Tôi nựng cháu: " Amyra nói ba..;ba, cậu Vihaan nghe như cháu gọi ..Báu...Báu.. ". Con nhỏ cười, giống nụ cười anh Báu..

Chính quyền đã bắt đầu có lệnh cho hồi-hương những cư-dân có quốc-tịch nước ngoài . Người dân có quốc-tịch Ấn-độ không ngoại lệ. Chị Ahana bồng con đi tìm chồng ở các trại cải-tạo trở về, khoảng hai tháng sau thì tòa lãnh-sự Ấn-độ  ở thành-phố Hồ-chí-Minh gởi giấy mời họp cư-dân chuẩn bị hồi hương. Cha không bán nhà. Cha tặng cho bà tổ trưởng dân-phố với ao-ước, một ngày nào đó anh Báu được trở về từ trại cải-tạo, bà cho anh ấy tá-túc và địa chỉ nhà là cầu nối giữa anh và gia-đình bên Án-độ.


Giữa năm 1978 gia-đình tôi rời Việt-nam về Ấn-độ. Thành-phố gia-đình được trở về là Pondischery, thành phố trước đây là thuộc-địa của nước Pháp. Là dân thuộc-địa, hai năm sau, cha xin định-cư ở Pháp. Tôi đi vào Pháp hành-trang mang theo là sổ thông hành với tuổi lên chín, con số chín là con số mà mấy người Tàu trong khu Chuồng-Bò tìm mua  hàng số sau cùng của vé số kiến-thiết quốc-gia giúp đồng bào ta giấy dựng cửa nhà, giàu sang mấy hồi !.

*** 

Máu của tôi là máu Ấn-độ, nhưng trong tận cùng trái tim của tôi, tôi là người Việt-nam, nơi tôi được sinh ra và được sống ở đó một thời thơ-ấu bảy năm.. Tang-thương đã đến với gia-đình tôi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cũng không làm sao đánh mất trong tôi những kỷ-niệm yêu thương mà người dân trong khu Chuồng-Bò dành cho gia-đình tôi và tôi. Tôi trở về sống ở Ấn-độ chỉ hai năm, thời gian quá ngắn, nên quê hương nước Ấn của tôi như chỉ là bóng mây trôi rực nắng rồi lặn theo mặt trời chiều. Chị Ahana, từ khi đến Pháp, cứ hai năm một lần chị lấy những tuần lễ nghỉ phép dẫn con gái về Việt-nam để thăm, tìm tin-tức anh Báu nhưng không lần ra dấu vết. Chị không lập gia-đình, chị vẫn xinh-đẹp, có nhiều người Pháp thích chị, chị chỉ nhận họ là bạn, không phải là vợ.


Những sĩ-quan tù cải-tạo tập-trung đã lần lượt được thả, có người đã đến Mỹ theo chương-trình HO. 

Tình cờ, một buổi chiều đi làm về, nơi trạm chờ xe điện ngầm; tôi gặp lại Trí người bạn học cũ ỏ trường tiểu-học Bàn-cờ,. Sau tháng 4 năm 1975, tôi bỏ học phụ cha đẩy xe ba-gác nay gặp lại nó. Trí từ Mỹ qua du-lịch nước Pháp cùng cha và mẹ. Giờ đi làm về, xe đông người, tôi mời Trí và cha mẹ nó đến nhà tôi chơi để có dịp chuyện trò . Tôi ghi địa chỉ Khách-sạn gia-đình Trí đang ở và hẹn cuối tuần sẽ đem xe đến chở.


Tôi không biết cha của Trí  trước đây là trung-úy quân-lực VNCH. Sau tháng 4 năm 1975, ông đem lương khô, áo quần, đi trình diện học tập mười ngày theo lời kêu gọi của ủy-ban quân-quản thành-phố Sài-gòn. Trí khôi hài nói với tôi :" Cha nó đi học mười ngày, nhưng cha nó học quá kém, nên kéo dài đến bảy năm, trải qua nhiều trường : trường Long-Giao, trường Z.30 D, trường Z.30 C và cuối cùng là trường A.20  Đồng-xuân, Xuân-Phước.Phú-yên. Người dân nói đây là ngôi trường địa-ngục, nung người tù có tinh-thần sắt, đá tan thành nước, thành người cải tạo tốt..nhưng cha của Trí vẫn là sắt, là thép, là đá...chẳng tan thành gì hết..cuối cùng người ta cũng để cho về..nuôi tốn bo bo, tốn khoai mì và rau muống...Về với xã-hội, cha Trí được xã-hội trọng-thưởng cái bằng HO để xây dựng cuộc sống mới.".


Được nghe chị Ahana kể về sự việc anh Báu không có tin-tức về với gia-đình sau khi trình-diện học-tập cải tạo. Ba của Trí ngồi đăm-chiêu một lúc, ông nói: " Tôi biết có một chuẩn-úy binh-chủng nhảy dù tên Lê-huy-Báu lúc tôi được chuyển đến trại tù A.20 Xuân-Phước năm 1978. Khi đến trại được vài ngày, một đêm có tiếng kêu la uất-nghẹn từ nơi biệt-giam : đả-đảo cộng-sản man-rợ tàn ác..hãy đem thằng chuẩn-úy Báu này bắn đi...bọn bây đã nã đạn 122 ly giết chết cả gia-đình nó bốn người...nay lại bắt nó giam-tù...bọn bây nói giải-phóng Miền Nam  là giải-phóng như vậy sao ? . Giải-phóng bằng cách giết người dân vô-tôi, giải-phóng bằng cách trả-thù giam-giữ người thua cuộc ?...đả-đảo Cộng-sản ! . Anh em trong trại đến trước, có người phạm kỹ-luật bị biệt-giam chung với anh Báu kể lại: chuẩn-úy dù Lê-huy-Báu, lúc trình-diện học-tập mười ngày ở trường-trung-học Trương-vĩnh-Ký, khi bị phân-phối lên xe để chuyển đến các trại cải-tạo, vì bị thương mất một chân, lúc leo lên xe rất khó khăn. Chuẩn-úy Báu quơ cặp nạng lấy thế giữ cân bằng, một cái nạng đập vào đầu một bộ-đội, vết thương làm chảy máu. Bộ đội nói anh Báu đánh họ, anh Báu cướp chính-quyền. Người bộ đội đánh lại anh Báu. Hai bên xô-xát nhau. Vài bộ-đội khác cùng tấn-công anh Báu. Anh Báu có võ nên mấy bộ-đội né tránh, bỏ chạy. Anh Báu bị dẫn đi ... qua nhiều trại cải-tạo, anh Báu đều bị biệt-giam vì biết anh có võ, họ sợ anh, nhưng không biết họ sợ gì ở anh. Họ không tin vào những cây súng của họ ?...Không ai biết anh Bấu được đưa đến nhốt biệt-giam ở A.20 từ lúc nào. Cứ vài ba đêm lại vang lên tiếng kêu la nguyền-rủa của anh Báu.. Cho đến một đêm lại vang lên tiếng của anh Báu: đả-đảo cọng-sản tàn ác dã man...cha mẹ ơi !. Các em ơi !.Ahana..Ahana .;vợ tôi ơi .tiếng của anh như được ánh lửa của những ngọn đuốc chuyên-chở đưa lên cao và cao vút làm sáng rõ những ngọn cây...không ai biết sao đêm hôm đó nơi nhà biệt-giam có vài ánh đuốc như vậy.. Có giọng nói của một cha tuyên-úy công-giáo: hôm nay ngày 15 tháng 8, ngày  Đức mẹ lên trời....của năm 1978..Sau lời cha tuyên-úy...lại có tiếng súng .Yên-lặng được trả về cho những người tù tìm lại giấc-ngủ sau một ngày mệt rũ người, đào ao nuôi cá.


Ngày hôm sau, trên đường từ trại giam ra nơi đang đào đất làm ao nuôi cá, những người tù nhìn thấy một góc bên chân đồi có một cái mã mới mà chiều hôm trước, cũng trên con đường nầy từ nơi đào ao nuôi cá trở lại trại giam không một ai nhìn thấy." 

Chị Ahana gục người trên ghế salon. Toàn thân chị rung lên...toàn thân chị lạnh cứng. Tôi phải gọi xe cấp-cứu.


Năm 1994, tôi được hai mươi sáu tuổi. Cháu Amyra tròn mười tám. Chúng tôi cùng hẹn gặp ba của Trí ở Sài-gòn. Ông không còn thân-nhân gần gũi ở Việt-nam, ông về, trước để thăm những người lính ngày xưa do ông chỉ-huy, cùng chiến đấu, bị thương, nay còn ở lại quê nhà, sau hướng dẫn chị Ahana đi tìm mộ anh Báu.

Theo đề-nghị và hướng-dẫn của ba Trí, chúng tôi thuê xe đi Xuân-Phước. Hơn nửa ngày ngồi trên xe, chúng tôi đến ngã ba Chí-Thạnh...xe tiếp-tục chạy vài cây số, đường  trở nên khó đi, mặt đường lún sâu, đầy vết đào xới của những bánh xe chở nặng đá,đất, bụi bay mù mịt...Một trạm gác chân xe chúng tôi lại. Người bảo-vệ  bảo chúng tôi quay xe lại, xe không được chạy sâu vào bên trong, chỉ dành cho người đi bộ, chính-quyền địa-phương đang xây đập nước. Chúng tôi phải trở ra ngã ba Chí-Thạnh ngũ qua đêm. Sáng hôm sau, chúng tôi đi bộ hướng về trại giam A.20 Xuân-Phước; Trại giam cũ vẫn còn đó. Nhưng không gian bên ngoài đã thay đỗi nhiều theo lời của ba Trí. Đường sá, nhà dân khang-trang , biến vùng rừng núi mất đi vẻ hoang-dã rùng-rợn và chết chóc. Người ta đã phá đồi, đào đất xây đập; Người dân cho biết chính-quyền địa-phương đang làm con đập Phú-xuân, Xuân-phước, Đông-xuân, Phú-yên.để lấy nước và lưu-trử nước từ con sông Trà-Bương và hai con suối Cối và suối Đá-Cầu. Khu đất được dùng làm nơi chôn tù cải-tạo nơi góc dưới chân đồi không còn nhìn thấy. Người dân cho biết trước đây, một vài mồ mả đã được người thân di dời, số còn lại, có lẽ người thân không biết, thời gian mưa gió soi mòn, người dân thương tình đắp đất, đá sửa lại...Gần đây bắt đầu xây đập .. người dân không còn thấy những ngôi mồ nữa. Người ta nói chính-quyền địa-phương đã di dời .Mọi người đều nhìn nhau với đôi mắt đồng lõa, không ai trả lời, khi được hỏi có biết những ngôi mộ còn lại được chính-quyền địa phương di dời ở đâu ? Chị Ahana ngồi xuống đất, chị khóc. Amyra cũng ngồi xuống ôm mẹ, cùng khóc với mẹ.


Trên đường về, đi theo con đường ven sông Trà-Bương, chúng tôi ngừng lại nơi bãi đất trống cạnh bờ sông. chị Ahana lấy nhang ra thắp, cắm bên bờ , âm-thầm khấn, vái . Amyra lấy bó hoa đem theo để cắm trên mộ cha mình ..đưa lên môi hôn với vài lời thì-thầm... nước mắt chảy dài hai bên má..Trời nắng chói chang, mang theo cơn gió nhẹ đưa làn khói hương lên cao, tỏa mùi hương. Con nước sông lặng-lờ chảy cuốn nhẹ bó hoa trôi xa dần bờ.


Anh Báu ơi, anh đang ở một nơi nào đó, anh hãy đón nhận mùi hương khói ấm mà chị Ahana, vợ anh đã ấp-ủ dành cho anh...chị vẫn nuôi ấm tình anh trong tim của chị...và những bông hoa từ Amyra con gái anh, gởi đến cho anh bằng trái tim trong sáng, nuôi trong tâm cái chết của cha là một cái chết can-đảm , bất khuất.. cái chết của một anh-hùng, Amyra gởi theo dòng sông bó hoa để tặng cho người anh-hùng, bất-khuất. Anh Báu có nghe lời của Vihaan, thằng em Ấn-độ của anh ?

 

– Nguyễn-đại-Thuật

Ile de France Garges-lès-Gonesse

 

* Ghi chú:

Chà-dà tức Java, người Ấn-độ ở Đảo Java bên Nam-dương..

Tháng Tư trong tuổi thơ em bé Ấn Độ - 50 Năm Nhìn Lại - Việt Báo Foundation – A Nonprofit 501 (c)(3) Organization

1 comment: