Saturday, December 7, 2013

Nguồn Gốc Thiệp Chúc Mừng Giáng Sinh Và Năm Mới


Đức Tâm
Gửi thiếp chúc mừng Giáng sinh, Năm mới gần như là một phong tục văn hóa tại nhiều nước. Trước đây, chỉ có thiếp giấy, bây giờ, có thêm thiếp điện tử.

Theo web site của bộ Văn hóa Pháp, thì tổ tiên của chúng ta đã biết gửi cành lá cây để bày tỏ lời chúc mừng. Đến thế kỷ XVIII, nhờ có sự ra đời và phát triển của công nghệ in ấn và sau này là ngành bưu điện, thiếp giấy chúc mừng thay thế cho cành lá cây. Các nhà buôn gửi thiếp chúc mừng Năm mới đến khách hàng.

Vào năm 1796, Aloys Senefelder, diễn viên kiêm sáng tác kịch đã hoàn thiện được kỹ thuật in thạch bản (Lithographie, còn gọi là in Offset, tức là khắc trên bản đá, bôi mực rồi áp vào giấy). Kỹ thuật in này cho phép sản xuất hàng loạt các tranh, hình, văn bản.
Đến năm 1840, con tem bưu chính đầu tiên xuất hiện tại Anh Quốc. Phong bì thư được in ấn các tiết họa nhân dịp Giáng sinh. Ba năm sau đó, chiếc bưu thiếp chúc mừng bằng giấy đầu tiên ra đời. Đó là một bức tranh nhỏ của danh họa John Calcott Horsley, vẽ theo yêu cầu của công tước Sir Henry Cole. Thiếp vẽ hình một gia đình đang vui mừng đón Noel, mọi người dường như nâng cốc chúc sức khỏe nhau.

Thiếp chúc mừng đầu tiên « theo kiểu Mỹ » là tác phẩm của một người Đức làm nghề in ấn, Louis Prang, di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1850. Năm 1860, ông Prang lập một xưởng in ở thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts và bắt đầu in những chiếc thiếp chúc mừng mầu sắc đầu tiên. Lúc đó, ở Mỹ, người ta thường gửi thiếp chúc mừng cho nhau nhân dịp năm mới, hơn là vào dịp Noel.
Theo giới sử học, lúc đầu, phong tục gửi thiếp theo kiểu Anh nở rộ tại châu Âu nhưng lại khá muộn màng tại Pháp. Bởi vì ở thời điểm đó, nước Pháp vẫn duy trì một truyền thống riêng biệt có từ cổ xưa : Trong 15 ngày đầu tháng giêng, họ đi thăm người thân, bạn bè, đồng nghiệp, ông chủ, đến thăm và mang quà cho người nghèo, người ốm đau.

Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy những cuộc viếng thăm đầu năm gò bó, bắt buộc, không tiện lợi. Cũng vào lúc đó, dân Pháp có phong tục là nếu đến thăm ai mà không gặp, thì để lại danh thiếp có góc trên bên phải bị bẻ quặp lại. Do vậy, xuất hiện một thói quen là ngày mồng một tháng giêng, người ta viết lời chúc mừng lên danh thiếp, rồi nhờ người gác cổng khu nhà ở của người thân chuyển. Phải đến những năm 30 của thế kỷ trước, dân Pháp mới có thói quen dùng bưu thiếp, có in hình vẽ mầu sắc.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của tin học, internet, mạng xã hội, máy tính, điện thoại di động, người ta có thể gửi thiếp chúc mừng điện tử. Thế nhưng, có người coi thiếp điện tử giống như kiểu ăn nhanh, công nghiệp, không sang trọng, không độc đáo. Tương lai của thiếp chúc mừng bằng giấy không hề bị đe dọa. Nó có lợi thế là tồn tại một cách cụ thể, lâu dài. Người ta có thể chọn loại giấy in, hình vẽ, cách thức in ấn thiếp, do vậy, loại thiếp này vẫn được coi là lịch sự, trân trọng và truyền thống hơn.

Sở dĩ phong tục gửi thiếp chúc mừng vẫn tồn tại cho đến ngày nay bởi vì nó thích ứng và phù hợp với phong cách sống trong thế giới hiện đại. Tầm quan trọng của thiếp chúc mừng ngày càng tăng khi mà người thân trong gia đình, bạn bè sống và làm việc ở những nơi xa cách. Gửi một bưu thiếp, với những lời cầu chúc tốt đẹp vẫn là một cử chỉ đẹp đẽ, gắn bó tình bạn, thể hiện tình cảm đối với người thân.

Sưu tầm 

No comments:

Post a Comment