Sunday, March 30, 2014

Nỗi Khiếp Sợ Của Người Nước Ngoài Khi Tới Việt Nam


Có người đùa rằng, khách Tây khi đến Việt Nam phải... đi học võ trước khi ra đường. Câu nói đùa đó xuất phát từ nỗi sợ hãi của người ngoại quốc khi bị "giăng bẫy từ bề" từ giao thông lộn xộn cho đến tệ nạn "chặt chém", lừa đảo, móc túi.
Đối với người nước ngoài, giao thông nguy hiểm ở Việt Nam được ví như "sát thủ thầm lặng". Nỗi khiếp đảm của họ khi bước chân ra đường phố ở các thành phố lớn là dòng xe cộ quá đông, quá nhiều xe máy.

Ôtô xe máy chung một làn đường mà người ta ví von kiểu hạt lạc kẹp hạt vừng. Thêm vào đó đường đi lại quá hẹp, người tham gia giao thông thường không dừng đúng vạch sơn. Đó là chưa kể tới việc nhiều tuyến đường trong phố cổ, đèn đỏ dường như chẳng có mấy tác dụng khi đường nhỏ, giao nhau nhiều, các phương tiện cứ thế chạy qua khi không thấy bóng cảnh sát giao thông ở đâu.

Người nước ngoài ví mỗi lần băng sang đường giữa dòng xe cộ nườm nợp ở thủ đô là một cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm mà họ chưa từng được "trải nghiệm" ở nước mình. Và trong cuộc phiêu lưu ấy, họ có thẻ trở thành nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông bất kỳ lúc nào. 


Hai khách nước ngoài đi bộ đứng lại và nắm tay nhau thật chặt do các phương tiện khác không chịu nhường đường hay đi chậm lại.

Ví dụ điển hình nhất là vụ ông Blankenstein (46 tuổi, quốc tịch Hà Lan) bị xe đâm vì tuân thủ luật giao thông Việt Nam vào ngày 23/9/2013, trên đường Bùi Thị Xuân, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM. 

Lúc đó, ông Blankenstein sang đường tại khu vực có vạch kẻ trắng, dành cho người đi bộ. Khi ông Blankenstein ra đến giữa đường thì bất ngờ bị một chiếc xe máy lưu thông theo hướng Bùi Thị Xuân về Cách Mạng Tháng Tám với tốc độ cao tông phải. Lực tông quá mạnh khiến ông Blankenstein văng xuống đường. Tiếp đó, một xe máy khác lưu thông hướng ngược lại không kịp xử lý tình huống bất ngờ nên tông mạnh vào nạn nhân.

Vị khách nước ngoài bị đâm liên tiếp khiến bất tỉnh.

Hai cú tông liên tiếp đã khiến ông Blankenstein bị thương khá nặng, nằm quằn quại trên đường trong đau đớn. Điều đáng nói, mặc nạn nhân nằm đau đớn trên đường, chủ phương tiện đâm đầu tiên thản nhiên cho xe tháo chạy khỏi hiện trường, chỉ còn chủ chiếc xe đâm thứ 2 đã ở lại phối hợp với người đi đường đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu.

Chị Nguyễn Thị Hằng, một người bán hàng trên phố cổ cho hay, chị đã chứng kiến không dưới một lần cảnh người nước ngoài khi sang đường bị xe máy đâm phải dù đi đúng luật. Họ hầu hết đều là khách du lịch hoặc người mới sang Việt Nam, chưa hiểu rõ về tình hình giao thông lộn xộn của Việt Nam. 

Có lần, chị Hằng còn nghe thấy 2 cô gái sau khi suýt đâm vào một ông Tây còn quay sang nói với nhau: "Bọn Tây đi ngu... như bò, sang đường mà cứ cắm đầu đi không nhìn 2 bên". Trong khi đó, người nước ngoài nọ đã đi đúng làn dành cho người đi bộ.

Trước nỗi ám ảnh của người ngoại quốc về giao thông ở Việt Nam, nhiều người thậm chí còn nói đùa: Tây sang Việt mà muốn an toàn khi ra đường thì phải trải qua khóa huấn luyện đặc biệt như "vẫy tay" thật lực để người đi đường để ý, làm biển hiệu cầm sang...

Cứ gặp Tây là "chặt chém" từ đầu tới chân
Có một sự thật mà bất kỳ người nước ngoài nào từng sống ở Việt Nam một thời gian đều hiểu rõ, đó là chính cái mác "ông Tây", "bà Tây" khiến họ luôn trở thành đối tượng bị "chặt chém" từ đầu tới chân theo đúng nghĩa đen. Cắt tóc bị "chém", đánh giày cũng bị "chém". 
Gia đình anh Jimmy (Anh) lần đầu tiên đi tour mở đến Việt Nam và ghé Hội An vào năm 2012. Một lần, anh vào tiệm cắt tóc trên đường Trần Phú cạo sơ cái đầu bóng láng của mình. Chỉ mất vài phút nhưng sau đó anh phải trả 200.000 đồng, trong khi thực tế dịch vụ này cho người Việt chỉ khoảng 30.000 đồng.


Khách du lịch nước ngoài dù mua hàng hóa gì, đi đâu cũng bị “hét” giá trên trời. 

Thậm chí, ngay cả những người đánh giày cũng tụ tập thành tốp để dễ bề bắt chẹt, chặt chém du khách ngoại quốc. Hễ thấy du khách nước ngoài, nhóm đánh giày lao tới, cúi xuống chỉ vào chân rồi dùng lọ keo ấn vào giày... Sau vài động tác, người đánh giày giơ tay ra hiệu và đòi bằng được vài trăm nghìn của khách mới chịu đi.
Theo nhiều người dân khu phố cổ, hiện tượng người đánh giày bắt chẹt khách du lịch nước ngoài khá phổ biến, nhưng không ai dám nói vì sợ "tai bay vạ gió".
Và dịch vụ khiến người nước ngoài phải "lột trái túi" nhiều nhất chính là ăn uống ở nhà hàng. Ngày 26/3/2013, một nhóm du khách gồm 7 người (4 người Nhật và 3 người Việt Nam) vào quán Hương Việt. Với 6,1kg tôm kẹt (tôm hùm loại nhỏ); 3,5kg cua; 1,7kg mực, hàu… nhóm du khách trên phải trả 16,6 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận phản ánh của nhóm du khách, đoàn kiểm tra liên ngành du lịch và dịch vụ Vũng Tàu đã tiến hành xác minh, bên cạnh việc xử phạt quán ăn Hương Việt, chủ quán còn phải bồi hoàn lại cho nhóm du khách 4,8 triệu đồng.

Các thủ đoạn "chặt chém" khách nước ngoài hiện khá phổ biến ở các quán ăn Việt. Khi khách gọi món, họ thường không mang thực đơn ra; hoặc thực đơn ghi mập mờ để gian lận số lượng và chất lượng. Khi tính tiền, nếu khách thắc mắc thì nhân viên mang ra một thực đơn khác với giá cao gấp nhiều lần ban đầu. Khi khách phản ứng, nhân viên quán tỏ thái độ hung hãn, đe dọa khiến nhiều du khách sợ mà ngậm bồ hòn làm ngọt.

Đi bộ thì nguy hiểm, xong nếu người nước ngoài muốn đi taxi cũng phải đối mặt với hiểm họa bị taxi dù chặt chém. Điển hình là vụ việc 3 vị khách nước ngoài (quốc tịch Anh, Mỹ) bắt chiếc xe taxi dán logo Hồng Minh BKS 29A-94449 đi từ đầu phố Hàng Đào sang số 9 Mã Mây (đoạn đường dài khoảng 1km) nhưng lái xe taxi “dù” đã lấy tiền cước lên tới 245.000 đồng


Tình trạng taxi móc túi khách nước ngoài vẫn xảy ra, dù lực lượng chức năng đã có những biện pháp chấn chỉnh.

Phát hiện tài xế “chặt chém” giá cước, những hành khách này đã chụp lại biển số xe và hình ảnh của lái xe, sau đó nhờ lễ tân khách sạn báo đến đường dây nóng của Sở VH-TT&DL.
Sau gần 1 ngày rà soát các hãng taxi trên địa bàn, vào 4 giờ 30 phút sáng 20/3, lực lượng Thanh tra giao thông đã phát hiện và tạm giữ xe taxi “dù” tại khu vực gần ga Hà Nội. Thừa nhận về hành vi sai trái của mình, lái xe Hoàng Triệu Quý (SN 1971) đã ký vào biên bản vi phạm và cùng lực lượng thanh tra mang tiền trả lại cho 3 du khách nước ngoài.

Tệ nạn "chôm chỉa", lừa gạt
Ngoài nỗi sợ giao thông và "chặt chém", khách Tây đến Việt Nam cũng thường phải thủ theo vài "ngón" đặc biệt để đề phòng tệ nạn ăn cắp vặt, móc túi, lừa gạt. Những kẻ xấu rất dễ lợi dụng sự cả tin và bất đồng ngôn ngữ của người nước ngoài để thừa nước đục thả câu.

Có thể kể ví dụ gần đây nhất là vụ một nhóm trộm cắp làm trò nhảy múa để chôm đồ của khách nước ngoài vào ngày 5/2. Phát hiện vợ chồng anh Natthachat Sanyaphan (SN 1970, quốc tịch Thái Lan) đang ngồi trước số nhà 30 Nguyễn Hữu Huân, có để túi xách đựng máy ảnh, nhóm trộm cắp tiến sát để "tác nghiệp". Bọn chúng đã nói chuyện và nhảy múa để thu hút sự chú ý của vợ chồng anh Natthachat Sanyaphan nhằm tạo sơ hở để 1 đối tượng lấy trộm chiếc túi xách và trốn thoát.

Cơ quan điều tra sau đó đã bắt giữ Bùi Văn Anh (SN 1985, ở Lạc Thủy, Hòa Bình), Nguyễn Thị Hồng Nguyên (SN 1983, ở Hà Nội) Nguyễn Tiến Dũng (SN 1966, ở Hà Nội), Nguyễn Thị Hạnh (SN 1975, ở Hoài Đức, Hà Nội) và đang truy bắt những đối tượng còn lại.
Một trong số những khu vực mà người nước ngoài dễ trở thành "mục tiêu" nhất chính là phố cổ Hà Nội vì đây vốn là nơi tập trung đông du khách ngoại quốc. Và hễ bước chân ra ngoài, họ sẽ bị "quây kín" bởi những người bán hàng rong, mà trong số đó, thường trà trộn kẻ xấu, lừa bịp, trộm cắp vặt.
Cuối tháng 7/2012, một số trang mạng đưa tin về một cô gái người Scotland là nạn nhân của một vụ lấy trộm hộ chiếu ở phố cổ Hà Nội. Cô kể, chỉ vừa cầm hộ chiếu trên tay đã bị mất.
“Ai lấy hộ chiếu của tôi vui lòng trả lại hoặc chỉ cho tôi cách nào lấy được. Tôi sẽ đưa thật nhiều tiền” - cô gái vừa khóc vừa giơ cao tờ 100 đô la Mỹ.

Ngay sau đó, một phụ nữ khoảng 35 tuổi bước đến khều nhẹ cô gái ngoại quốc và chỉ tấm hộ chiếu ở trên nắp capo chiếc xe hơi đậu gần đó. Cô gái kiểm tra kĩ càng lại tấm hộ chiếu của mình rồi đưa cho người phụ nữ ấy một tờ 100 USD Mỹ. Câu chuyện về tấm hộ chiếu... 100 đô la Mỹ cho thấy thực trạng đáng báo động về tình hình trộm cắp của người nước ngoài ở Việt Nam.


Một phụ nữ ngoại quốc bị người bán hàng rong đeo bám

Đến Việt Nam, người nước ngoài còn rỉ tai nhau, rằng du lịch ở phố cổ Hà Nội, nên tránh xa mấy người bán hàng rong, để không phải mua đồ giá cắt cổ, cũng như tránh bị móc túi. Cảnh giác hơn, thay vì đeo sau lưng, họ lại đeo balô... về phía trước ngực để khỏi phải bận tâm, sợ mất đồ.

Những ví dụ kể trên quả thực là câu chuyện buồn không chỉ với người nước ngoài mà cả với phần lớn người dân Việt Nam, những người luôn mong muốn và hy vọng làm đẹp hình ảnh đất nước mình trong mắt bạn bè thế giới. 

Nếu như gặp chuyện không may lần đầu tiên, người nước ngoài có thể sẽ dễ dàng bỏ qua bởi có lẽ họ cũng đã lường trước một số bất tiện khi đến một đất nước khác. 
Tuy nhiên, khi họ bị "giăng bẫy" từ bề với đủ các vấn nạn từ "chặt chém" đến "chôm chỉa", thì chắc chắn ấn tượng xấu ấy không dễ bị phai mờ, hình ảnh đất nước hình chữ S sẽ mất đi phần nào sự thân thiện, thú vị. Và việc thay đổi suy nghĩ tiêu cực của họ lúc đó chắc chắn sẽ khó hơn nhiều so với việc gây dựng ấn tượng tốt đẹp ngay từ đầu.


Đăng lại theo bài chuyển của một người bạn 

1 comment:

  1. Hèn chi du khách đến VN chỉ có 1 lần , không dám trở lại !

    ReplyDelete