Monday, January 16, 2017

Đầu Xuân Đinh Dậu Nói Chuyện Con Gà - Trịnh Quang Chiếu


Nói về con gà, gà là con vật đứng hàng thứ 10 trong số 12 con giáp, con gà được người đời ưa chuộng sau con heo vì nó là nguồn thực phẩm bổ dưỡng nuôi sống con người, và cũng là một thứ lễ vật xứng đáng đứng hàng đầu trong việc cúng tế. Ở một số nước Á Châu, gà còn được dùng làm thú tiêu khiển qua bộ môn đá gà. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến thành ngữ "đá gà chết, gà nuốt dây thun, gà tử mị" ám chỉ hạng người xấu không đáng chơi v.v...

Đối với người Âu Châu, con gà chỉ đơn giản là thực phẩm nhưng đối với người Á Châu, gà còn được tôn vinh là "ngũ đức linh cầm". Ngoài chuyện cúng tế, nó còn có giá trị trong phương diện bói tóan huyền bí và mê tín dị đoan qua các phong tục như: cúng gà, bói chân gà, chữa bệnh bằng gà, treo tranh gà, đoán điềm, đoán thời tiết qua tiếng gáy của gà v.v...
Trước hết nói đến cúng gà thì mâm cúng phải có đủ gà, xôi, trầu, rượu. Trong các đám giỗ miền nam thì vào dịp lễ Kỳ Yên, trước ngày cúng chánh, người ta thường cúng cáo yết bằng gà, xôi, trầu, rượu để làm lễ mộc dực (nghĩa là lấy nước trầm hương để tắm rửa bài vị của thành hoàng).

Người Hoa có tục lệ treo tranh gà, một bức tranh gà trống màu đỏ treo trước cửa nhà thì đề phòng được hỏa họan, còn tranh gà màu trắng dán ở quan tài sẽ trừ được ma quỷ.

Người Việt thì có thói quen căn cứ vào tiếng gà gáy để đoán thời tiết, hay đóan điềm lành dữ. Điều này được thể hiện qua câu "chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa" hoặc "gà gáy canh một hoả tai, canh hai đạo tặc". Do các sự kiện nầy mà con gà được gán cho danh từ "ngũ đức linh cầm "

Vào dịp Tết,  tục xem giò gà ở miền quê rất được nhiều người ưa thích, đại khái phải xem ngón chân nhỏ chỉ vào đâu, nếu chỉ vào ngón trong thì thuộc vào việc gia đình, còn chỉ vào ngón giữa là thuộc về chủ thần, chỉ về ngón ngoài thì thuộc về người ngoài, còn chỉ vào các khe ngón chân thì không có gì cả. Và thêm tục lệ xem đầu gà tổng quát, nếu huyết đỏ thì tốt, màu đen thì xấu, ngoài ra còn phải xem huyết đọng ở tai và mắt rồi hợp với lẽ ngũ hành. Thông thường nếu mỏ há, mắt nhắm là tốt, ngược lại mỏ ngậm, mắt mở là xấu.

Còn về việc đoán tiếng gà gáy thì nếu gà gáy sớm sẽ có điềm vui, gà gáy trưa gặp khẩu thiệt, gà gáy chiều là điềm tang chế.

Theo sách sử, con gà được thuần dưỡng ở Ấn Độ vào khoảng 3200 năm trước công nguyên, ở Trung Hoa khoảng 1200 năm, còn vùng phía nam sông Dương Tử thì sớm hơn căn cứ vào chuyện dân Giao Chỉ bắt bạch trĩ cống nhà Chu 1100 năm trước công nguyên vì gà gô rừng cũng giống như chim trĩ.

Gà ngoài những điều lợi ích kể trên, ngày nay người ta còn dùng trong một trò chơi dân gian gọi là đá gà hay chọi gà.

Theo sử sách ngày xưa tả quân Lê Văn Duyệt (1763 -1832) là một danh tướng thời nhà Nguyễn rất mê đá gà kể rằng lúc ông còn làm tổng trấn ông cho xây một trường gà tên là Nhà Hoa và trường hát bội gọi là Nhà Hát, những nơi nầy đều nằm ngoài thành hiện nay là khu vực của bộ tư pháp , dinh độc lập và trường jj rousseau thời VNCH mãi cho đến sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1937 - 1938 thì dấy lên phong trào nuôi gà đá độ ở các tỉnh như Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lảnh (chỉ có gà ở Cao Lảnh là nổi tiếng). Theo thời gian đá gà lan dần sang Nam Vang âm theo tiếng Miên gọi gà đá độ là TÀ LÓC. Loại gà nầy không có cựa, chỉ đá bằng đôi chân nên gọi là gà đòn do các người Việt ở Miên vui chơi vào dịp Tết. Mãi sau nầy cách Nam Vang 10 km có mở một trường gà lớn tên là STUNG MENG CHÂY từ đó mới sát phạt lớn lao.
Ngày nay bộ môn đá gà đã bị cấm ở Việt Nam, chỉ còn rải rác ở một vài quốc gia Á Châu khác.

Xin kết thúc bài viết này với lời chúc mừng năm mới An Khang - Thịnh Vượng - Hạnh Phúc đến quý vị độc giả khắp nơi. 

Trịnh Quang Chiếu

No comments:

Post a Comment