Wednesday, January 25, 2017

Sám Hối - Kim Phan


Tết năm ngoái tôi về nuớc, thăm lại bà con mồ mã ông bà , đứng trước ngôi mộ của cô Hai, cạnh bên là ngôi mộ của anh Dũng, anh là con Út của cô. Lòng tôi bồi hồi thương cảm, cả một quá khứ hiện về.......

Được  sinh ra và lớn lên trong một đại gia đình có Ông Bà Nội, Ba má, hai cô Út và kế Út chưa chồng làm thợ may,  tôi còn người cô Hai làm ruộng ở quê chồng, chồng cô bị Pháp nghi ngờ là Việt Minh, bắt đi đày ở Côn Đảo và mất tích luôn từ đó. Cô ở vậy nuôi hai con, giặc giả nơi quê nhà, cô đem hai con lên SG ở với ông bà Nội của tôi, người con lớn sắp đến tuổi đi lính, con nhỏ bằng tuổi tôi,  thỉnh thoảng cô đem gà vịt, đồ hàng bông, gạo thóc cô trồng ở dưới quê đem lên phụ với ông bà Nội nuôi con dùm cô, cô ở quê chồng phụng dưỡng cha mẹ chồng dù chồng cô đã biệt tăm không biết sống chết thế nào.

Từ nhỏ tôi đã thấy cô âm thầm lặng lẽ, ít nói, khi nói thì nói nhỏ rí như không ra hơi, khuôn mặt cô từa tựa như cô nghệ sĩ Út Bạch Lan lúc tuổi xế chiều, mỗi lần cô lên cô cho tôi chút xíu quà, khi thì vài cái bánh da lợn, bánh bò, bánh chuối, thỉnh thoảng cô cho tôi con gà chút xíu để tôi nuôi trong cái chuồng nho nhỏ mà ông Nội đẽo gọt giăng kẽm cho tôi để tôi chăm chút yêu quý con gà .

Năm 12 tuổi, tôi và anh Dũng thi vào hai trường công lớn, cả hai đều đậu, cả xóm trầm trồ ngợi khen, anh đậu Trường Petrus Ký, em thì vào Gia Long, thật là vinh hạnh. Ông Nội tôi thưởng cho hai đứa một máy thu băng, có thể nghe được băng cải lương, nghe nhạc và tôi hoặc anh có thể hát để thu vào và mở ra để nghe lại giọng hát của mình, tôi thích cái máy nầy lắm, tối ngủ còn ôm theo ngủ chung, dù không nghe được vì muốn nghe phải cắm điện, một phần muốn chiếm lĩnh cho mình, không muốn cho anh xài.

Cả đại gia đình nầy phải nói là sống được không thiếu thốn là nhờ cô nhiều nhất (dù có hai người cô kia làm thợ may). Chính tay cô làm lúa đem gạo từ quê lên, cô trồng đồ hàng bông ra bán ở chợ Huyện HM, có bữa cô nhớ con bán xong lại đi thêm một chuyến xe đò và chuyến xe lam nữa thì tới nhà ông Nội ở gần chợ HH, hoặc có khi xong chợ cô mua bánh trái đem về cho ông bà Nội trước cúng sau ăn, có thể nói tuổi thơ của tôi được chăm chút lớn lên là do gạo của cô, tình thương ông bà Nội, vì ba tôi đi lính ít ở nhà, mà má tôi thì cũng đi làm cả ngày, bà chỉ đưa tiền tượng trưng cho ông bà Nội thôi.

Mấy anh em tôi được nuôi khôn lớn chính là nhờ cơm gạo, rau cỏ hàng bông của cô, vậy mà buổi tối anh em tôi được ngủ với Nội trên bộ ván gõ, thỉnh thoảng nhõng nhẽo còn được sờ vú teo của Nội, trong khi hai anh con của cô thì ngủ ở cái chái không có vách bên hè,  bên cạnh là cái chuồng bò từ lâu không xài tới , khi cô Hai nhớ con lên ngủ thì có cái ghế bố trải ra ngủ tạm gần cái giường tre của hai con.

Tôi không hiểu tại sao ngày xưa phong tục VN nam trọng nữ khinh, con của ba tôi, là tụi tôi thì được ông bà yêu thương che chở, còn con của cô là bên ngoại dù không phải bị hành hạ, đánh đập, nhưng không được ưu tiên, cưng chìu như cháu nội. Vậy mà cả ba mẹ con cô không có vẻ gì tủi thân, hờn oán, ba mẹ con cô vẫn cứ thui thủi như vậy ngày nầy qua tháng nọ.

Lẽ sống đời cô là phụng dưỡng cha mẹ chồng dưới quê, và lo cho con cũng như cha mẹ ruột ở SG, tụi tui chỉ ăn ké mà được cưng chìu với đầy đủ tình yêu thương của ông bà nội hơn là con của cô, hai con cô ví như cái bóng bên lề của gia đình nầy.

Một bữa nọ là ngày Chủ Nhật, hai anh em nghĩ học, anh Dũng (con thứ nhì của cô vừa đậu vào Petrus Ký, chỉ mới học nửa học kỳ), theo tôi gạ gẫm muốn mượn cái máy Cassette để đem đến nhà bạn hát chơi, tôi không cho, anh năn nỉ mãi tôi nhất đinh không cho, anh dằn lấy máy và định ôm nó chạy đi, tôi la lên rán hét to lên, rán khóc la um sùm cho mọi người nghe, ông Nội tôi ngồi đâu đó hỏi chuyện gì, tôi vừa tức tưởi, vừa méc, kể lại ngọn ngành, ông la anh sao dành chơi của em, anh tiu nghỉu bỏ ra ngoài đi đâu không biết. Tôi giành lại được cái máy lòng mãn nguyện vô cùng.

Chiều tối đó cả nhà đợi mãi không thấy anh về ăn cơm, trong tôi cũng cảm thấy dâng lên nỗi xót xa, hơi chút xíu hối hận,  tôi ước gì anh về lúc nầy tôi sẽ đưa cái máy cho anh bằng cả hai tay, nhưng đến tối vẫn không thấy anh về, cả nhà bắt đầu lo, rồi bỗng nhiên có bà hàng xóm chạy vô nhà hỏi con bà có đến đây không, bà mới mua cái xe Gô- Ben cho ông chồng đi làm, hồi sáng nầy thằng Dũng qua nhà rũ con bà đi chơi, con bà mượn xe của ba nó chở thằng Dũng đi từ sáng mà đến giờ chưa thấy về ..... Cả nhà.....cả xóm ....náo loạn lên bắt đầu xì xầm bàn tán không biết hai thằng đi đâu..... Cả đêm, cả nhà không ai ngủ được định sáng hôm sau sẽ đi lùng sục các nhà thương, điệu nầy là bị tai nạn rồi. 

Sáng hôm đó, tự nhiên cô Hai xuất hiện, không phải do tan chợ, mà do đêm qua cô nằm mơ thấy con cô về mà chỉ đi lùi vào nhà, vía nói nó không dám vô nhà mà ngồi ngay miệng giếng ở trước nhà ông tôi khóc, cô thấy con mặc bồ đồ đi học quần xanh áo trắng , mà đẫm cả máu tươi, cô mong trời mau sáng cô ra đón chuyến xe đò đầu tiên, rồi đi thêm vài chuyến xe kế lên nhà ông Nội, đang lúc cả nhà lùm xùm nghe cô Hai kể chuyện chiêm bao thì bỗng nhiên có ông già lạ đáo dác kiếm số nhà của đứa học trò tên NVD và đứa kia tên NTS, ông đưa ra hai thẻ học sinh còn đọng máu khô, ông kể nhà ông ở gần giao lộ Suối Tiên ra Xa lộ Biên Hoà, ông thấy hai thằng nhỏ chạy Gô- Ben ngang qua nhà ông, thằng lái xe quay lại cười vui với thằng ngồi sau mà hai thằng vừa tắm ở Suối Tiên ra đầu hãy còn ướt, ông vừa định vô nhà thì nghe cái " rầm " ở ngã ba cách nhà ông hơn trăm mét, rồi tiếng vỡ loảng xoảng, tiếng người la hét chạy về hướng đó, hai thằng ông vừa thấy chạy qua, mỗi thằng văng ra mỗi hướng, mình đầu tay chân mỗi nơi, ông ra gom lại, kêu xe đem vào nhà xác Biên Hòa, và có chứng mọi người ông mò túi quần thấy có thẻ học sinh với mấy đồng bạc lẽ, ông nói với mọi người sáng mai ông sẽ tìm nhà cho gia đình biết tin, hôm ấy là buổi chiều Chủ Nhật. 

Theo báo cáo của Quân cảnh Biên Hòa thì xe nhà binh đang chạy với tốc độ cao thì tự nhiên hai thằng từ trong đuờng nhỏ quẹo qua bên mặt, không chịu nhìn bên trái, nên xe chạy tới cán luôn, không thắng lại đuợc. Chiếc xe nhà binh chở đầy lính Mỹ (sau nầy nghe lại dù không phải lỗi do xe nhà binh nhưng họ cũng liên lạc với hai gia đình đền bù số tiền lớn lắm). Thế rồi ông già nầy tình nguyện sáng sớm hôm sau theo địa chỉ kiếm nhà của hai thằng nhỏ.

Và đó là lý do ông tìm đến nhà, cô Hai tôi đau khổ tột cùng, trước cô ít nói giờ xảy ra chuyện chết con cô lại càng không nói mà nước mắt cứ tuôn như mưa, tôi khóc nhiều lắm, nhưng chỉ có ông Nội và tôi biết nguyên nhân vì sao ra nông nổi.

Sau đó cả hai gia đình bao xe theo ông lên nhà xác BH, mua hòm rồi làm lễ chôn luôn chứ không cho vô nhà vì Thầy cúng phán sợ vong ma vào nhà sẽ bắt chết trùng.

Sau khi con chết cô vẫn lặng lẽ như cái bóng lề của cuộc đời, sau 75 thì anh con lớn cô giải ngũ, cưới vợ đem về quê chồng của cô, người quê rất giữ chữ tín, cô được bên chồng chia cho hai mẫu ruộng, vì chồng chết mất xác mà vẫn ở vậy nuôi con, phụng duỡng cha mẹ chồng, cô cất cái nhà cho con trai, rồi cô có nhiều cháu Nội, cô cũng cực khổ với cháu Nội, nhưng cũng an ủi phần nhiều cho nỗi mất mát to lớn của cô năm nào.

Còn tôi, với nỗi xót xa ân hận dày xéo tâm can, phải chi tôi đưa cái máy cho anh thì biết đâu anh đem tới nhà bạn khác để ca hát thu băng mà không tới nhà đứa bạn này để xảy ra chuyện lớn, từ đó trở đi, không biết tu mà tôi như người tu, không biết sám hối mà như người phải sám hối cả đời, dễ dãi với mọi người không như ngày xưa còn bé, đòi cho được phần mình, muốn gì cũng muốn nhiều hơn người khác.

Vào khoảng năm 1978, tôi được đổi về quê dạy học, đất của ông Nội gần kế bên đất cô, ngày đầu tiên về tôi qua thăm cô, một tay cô đang ôm đứa cháu chập chững đứng trong lòng cô, còn tay kia đang lùa rơm chụm chiếc nồi cơm đất, khói rơm bay mù mịt,  cô vẫn cực khổ như ngày nào, tôi thương cô quá, muốn nói cô nghe chuyện anh Dũng  với lời thiết tha xin lỗi và xin sám hối tội của mình, nhưng rồi lại thôi tôi sợ khơi lại chuyện cũ cô sẽ buồn. .....Cô cười hỏi thăm tôi mọi thứ về việc đi dạy của tôi,  nụ cười cô vẫn héo hắt như ngày nào.

*****
Rồi thì vật đổi sao vời, tôi ra nuớc ngoài..... rồi nghe tin cô mất , đứng trước mộ phần của cô tôi lầm thầm khấn vái "xin cô tha tội cho con", nghe anh cả con cô kể lại, trước khi cô chết độ vài năm thì lưng cô bị còng nhiều lắm, xương cứng không làm sao kéo cho thẳng được, phải đặt cái hòm rộng cho cô nằm nghiêng, còn mộ anh Dũng chôn song song với thằng bạn thì nghĩa địa nơi ấy giải tỏa, nên thời gian sau anh cả lấy cốt bỏ vào cái quách đem về đất nhà chôn kế bên cô, mà đó cũng là ước nguyện của cô trước khi mất, giờ thì mẹ con đã được gần gũi nhau không ai chia cắt.

Cô ơi , con sám hối cả đời vẫn còn sám hối, dù thời gian đã 53 năm trôi qua, chuyện xảy ra từ năm con 12 tuổi . Con cầu xin linh hồn cô và anh Dũng mãi mãi yên vui nơi miền cực lạc và xin tha thứ cho con.

Viết vào cuối mùa Đông 2016.
Kim Phan

4 comments:

  1. Không phải lỗi tại ai hết, chẳng qua là số mạng cả chị Vinh ơi!

    Chỉ tội nghiệp cho anh Dũng chết thê thảm quá!

    Cám ơn chị.

    Mến chúc bà chủ nail năm mới an khang, tài lộc dồi dào, mở thêm shop mới.

    NPN

    ReplyDelete
  2. Cám ơn chị NPN, chúc chi và gia đình năm mới nhiều sức khỏe, an khang thịnh vượng.

    ReplyDelete
  3. Chi Vinh oi! moi nguoi deu co so menh,doc xong cau chuyen cua chi
    long minh cam thay lang dong.
    Chi con nhieu thoi gian de lam tot cho ban than va cho nhung nguoi
    chi yeu thuong.
    Chuc chi binh an,L

    ReplyDelete
  4. Cám ơn L, chúc L và gia đình vui vẻ, hanh phúc và bình an

    ReplyDelete