Dù các cơ quan chức năng của nhiều nước đã cố gắng nhưng những món tôm, thủy sản Trung Quốc giúp đưa người tiêu dùng từ bàn ăn đến nghĩa địa nhanh hơn vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Nếu nhìn từ trên không, vùng đồng bằng sông Châu Giang-Trung Quốc nhìn chằng chịt những khối ao nuôi tôm cá của hàng trăm nghìn hộ dân nằm xen kẽ với hàng loạt các chuồng trại nuôi gia súc. Không có gì khó hiểu khi đây là cùng trung tâm của ngành nông nghiệp nuôi trồng thủy sản tại quốc gia sản xuất nhiều hải sản nhất thế giới.
Ngành nông nghiệp Trung Quốc hàng nghìn năm nay đã quá quen thuộc với
hình thức vườn ao chuồng, khi những chất thải của chăn nuôi chuồng trại
được làm thức ăn cho cá tôm nuôi. Tuy nhiên, với đà phát triển của
kháng sinh cũng như sự đam mê lợi nhuận, mô hình này giờ đây đã bị ảnh
hưởng mạnh.
Tại các trang trại ở Giang Môn hay một số vùng Quảng Đông-Trung Quốc,
những người nông dân trộn rất nhiều kháng sinh vào thức ăn lợn và chất
thải từ những chuồng lợn này với hàm lượng kháng sinh cực cao lại được
để nuôi tôm cá.
Thông thường, nông dân Trung Quốc sẽ trộn tối thiểu 3 loại kháng sinh
trong thức ăn lợn bao gồm cả Colistin, một chất kháng sinh bị cấm dùng
cho chăn nuôi ở Mỹ.
Nếu nhìn những thùng rác quanh các trại chăn nuôi này, người ta có
thể dễ dàng thấy vỏ hộp của khoảng 9 loại kháng sinh khác nhau. Trong đó
7 loại bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là có ảnh hưởng rất lớn
đến cơ thể người.
Vỏ thuốc kháng sinh bị vứt bừa bãi quanh các trại nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi ở Quảng Đông.
Siêu vi khuẩn và cái chết không báo trước
Hiện tượng lạm dụng kháng sinh đang tạo nên những loại siêu vi khuẩn
và bệnh dịch kháng thuốc làm đau đầu các nhà nghiên cứu. Chính phủ Anh
ước tính hàng năm có khoảng 700.000 người trên thế giới tử vong do vi
khuẩn chống lại được kháng sinh. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn mà
không có hành động từ chính phủ các nước, con số này có thể đạt 10 triệu
người mỗi năm vào năm 2050, cao hơn cả số người bị tử vong do ung thư.
Năm 2015, các nhà khoa học đã công bố một thông tin chấn động toàn
thế giới. Họ đã phát hiện ra một gen kháng Colistin ở Trung Quốc, qua đó
biến hàng tá vi khuẩn và dịch bệnh ở nước này thành những siêu vi khuẩn
chống lại kháng sinh hiện hành.
Tồi tệ hơn, kể từ đó đến nay người ta đã tìm được các gen
này trong hàng loạt bệnh nhân, thực phẩm hay những mẫu môi trường tại
hơn 20 nước khác nhau, đặc biệt là những quốc gia nhập nhiều thực phẩm
từ Trung Quốc.
Theo giáo sư Mrtin Blaser của trung tâm y tế Langone-Mỹ và là Chủ
tịch hội đồng cố vấn của Tống thống Obama về vấn đề siêu vi khuẩn nhận
định chính nguồn thực phẩm Trung Quốc là nguyên nhân lớn nhất khiến cả
thế giới bị lây lan rủi ro về siêu vi khuẩn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 90% kháng sinh trong thức ăn cho
lợn được đào thải qua nước tiểu và phân, vốn là nguồn dinh dưỡng thiết
yếu cho chăn nuôi thủy sản ở Trung Quốc. Thêm vào đó, người nông dân
cũng trộn cả kháng sinh cho thức ăn chăn nuôi thủy sản, khiến nồng độ
thuốc trong tôm cá và nước ao hồ ở đây lên mức cao chưa từng có.
Nông dân Trung Quốc thường trộn rất nhiều kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi.
Nguy hiểm hơn, những dòng nước thải của các khu vực chăn nuôi này
được xả thẳng ra sông hồ. Cụ thể, những trại chăn nuôi ở Giang Môn xả
thẳng nước thải ra lưu vực sông phía Tây Trung Quốc, qua đó làm ô nhiễm
toàn bộ vùng đồng bằng sông Châu Giang, bao gồm Quảng Đông, Hồng Kông,
Macao, Thẩm Quyến...
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy mỗi năm khu vực sông hồ tại đây nhận
khoảng 213 tấn kháng sinh xả thải hàng năm, một con số khiến nhiều
người lo sợ.
Số liệu của Liên hợp quốc (UN) cho thấy kim ngạch thương
mại thủy sản của Trung Quốc vào khoảng 90 tỷ USD và chiếm 50% giao dịch
trên toàn thế giới. Quốc gia này cũng cung cấp khoảng 60% thủy sản cho
thị trường toàn cầu và đang là nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới.
Một khu vực chăn nuôi thủy sản tại Quảng Đông.
Ngay cả chính phủ Mỹ cũng đã nhận ra được sự nguy hiểm từ thực phẩm
Trung Quốc trong hơn 10 năm qua nhưng họ không thể ngăn chặn hoàn toàn.
Một cuộc khảo sát năm 2006 của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ
(FDA) đối với hàng thủy sản nhập khẩu Trung Quốc cho thấy có đến 1/4 số
mẫu chứa các loại chất cấm hoặc những phụ gia không an toàn.
Vào cùng năm đó, chính FDA đã phải ban hành quy định tất cả các lô
hàng tôm và hải sản nhập khẩu từ Trung Quốc phải bị tạm giữ tại cảng chờ
xét nghiệm rồi mới được thông qua.
Tuy vậy, quy định này cũng không khiến hàng thủy sản Trung Quốc an
toàn hơn tại Mỹ khi các doanh nghiệp có vô vàn cách khác nhau để trốn
tránh nhà chức trách, như cách họ đã làm với mặt hàng thép. Theo đó, các
công ty này di chuyển mặt hàng thủy sản qua nhiều nước để xóa xuất xứ
và nhập khẩu vào Mỹ, một hệ thống tinh vi mà các chuyên gia đánh giá là
không khác gì các băng đảng tội phạm đang rửa tiền.
Chính phủ bất lực
Chính quyền Bắc Kinh cũng đã nhận ra tình trạng dùng kháng sinh vô
tội vạ tại các trại chăn nuôi và từ năm 2011, Trung Quốc đã thực hiện
các chương trình nhằm hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong y tế. Kể từ
đó, tỷ lệ dùng kháng sinh tại một số nơi như thành phố Thượng Hải đã
giảm 31% và mới đây còn có đề xuất cấm sử dụng Colistin trong chăn nuôi
tại Trung Quốc.
Dẫu vậy, tình hình đã trở nên quá nghiêm trọng khi Trung Quốc đang là
nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Khảo sát trên
toàn Trung Quốc cho thấy 42-83% số người khỏe mạnh được thử nghiệm có
chứa siêu vi khuẩn đủ khả năng chống lại kháng sinh Penixilin cũng như
những biến thể của nó.
Trong khi đó, khảo sát thị trường tại Thượng Hải cho thấy hầu hết các
sản phẩm thủy sản ngoài chợ có chứa những vi khuẩn không thể tiêu diệt
bằng kháng sinh thông thường. Một nghiên cứu kéo dài trong khoảng
2006-2011 đã thu thập số liệu ở Thượng Hài và có kết luận 1/3 số hải sản
ở đây chứa Sa;monella, loại vi khuẩn gây viêm dạ dày ở người và điều
nguy hiểm là 43% mẫu vi khuẩn tìm thấy ở Thượng Hải có khả năng kháng
thuốc mạnh.
Trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng sự lây lan của những siêu vi
khuẩn chủ yếu thông qua bằng đường du lịch, vận chuyển khi những người
nước ngoài tiêu thụ thực phẩm, thuốc ở những nước khác. Dù những nghi
ngờ về thực phẩm Trung Quốc là nguyên nhân chính thay vì du lịch đã manh
nha từ sớm nhưng chưa có bằng chứng khoa học cụ thể nào chứng minh được
điều đó cho đến năm 2015.
Các cửa hàng bán kháng sinh chăn nuôi có khá nhiều tại Trung Quốc với khâu kiểm định chất lượng rất kém.
Khi đó, một nghiên cứu của phòng phân tích vi sinh học quốc gia
NML-Canada cho thấy tất cả những mẫu dương tính với siêu vi khuẩn từ các
sản phẩm thủy sản đều đến từ Đông Nam Á và Trung Quốc.
Kể từ thập niên 90, lượng tiêu thụ tôm hàng năm của người Mỹ đã tăng
gấp đôi và trở thành một món ăn chủ đạo. Vào thập niên 80, phần lớn tôm
Mỹ được nuôi trồng trong nước nhưng tình hình này đã phải thay đổi khi
nhu cầu tăng quá mạnh.
Trong khoảng 1990-2006, lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ đã tăng gấp đôi,
đạt khoảng 0,6 triệu tấn mỗi năm hiện nay và khoảng 90% số tôm trên bàn
ăn người Mỹ hiện được nuôi trồng từ nước ngoài.
Năm 2003, tỷ lệ tôm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã đạt mức kỷ lục
trong 11 năm trước đó với 16% thị phần và đến năm 2004, Bộ thương mại Mỹ
đã phải áp thuế chống bán phá giá 112% cho sản phẩm này.
Một hệ thống không khác gì rửa tiền
Nhằm đối phó với các rào cản thương mại của Mỹ về thực phẩm, các
doanh nghiệp Trung Quốc đã xây dựng nên một hệ thống tinh vi nhằm xóa bỏ
xuất xứ các hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu.
Theo thống kê của chính phủ Mỹ, lượng nhập khẩu tôm từ Malaysia năm
2004 bất ngờ tăng gấp 10 lần sau khi Mỹ bắt đầu áp thuế chống bán phá
giá cho tôm từ Trung Quốc. Lượng tôm nhập khẩu này tăng đều và chiếm tới
5% thị trường tôm tiêu thụ tại Mỹ trong khoảng 2008-2011.
Hiện nhiều quan chức Mỹ cho rằng lượng lớn tôm nhập khẩu từ Malaysia
thực chất là từ Trung Quốc bởi nước này sản xuất tôm tùy thuộc vào mùa
vụ. Năm 2015, nước này chỉ sản xuất được 32.000 tấn tôm và khoảng 18.000
tấn đã được tiêu thụ trong nước, 12.000 tấn được xuất sang Singapore
nên số còn lại không đủ để chiếm lĩnh các thị trường khác.
Một sự trùng hợp thú vị là lượng nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc vào
Malaysia lại tăng đột biến trong 10 năm qua với mức bình quân 20.000
tấn/năm.
Năm 2011, 75% số tôm chứa các chất cấm được nhập khẩu từ Trung Quốc
vào Mỹ, chỉ 6% là từ Malaysia. Tuy nhiên năm 2015, có 77% số tôm chứa
chất cấm nhập vào Mỹ là từ Malaysia.
Theo các nhà chức trách Mỹ, việc vận chuyển tôm từ Trung Quốc sang
Malaysia và đổi giấy xuất xứ là chuyện vô cùng bình thường khi các công
ty dịch vụ môi giới có thể hoàn thành thủ tục giấy tờ dễ dàng.
Tháng 4 vừa qua, FDA đã phải cảnh báo có thể sẽ bắt giữ và kiểm tra
tất cả các lô hàng tôm, thủy sản từ Malaysia và một số nước để tiến hành
xét nghiệm trước mỗi quan ngại làm giả giấy tờ cũng như xuất xứ của các
mặt hàng này. Đáp lại, Bộ y tế Malaysia cam kết sẽ thắt chặt việc kiểm
soát các nhà máy chế biến tôm cũng như thẩm quyền cấp giấy chứng nhận
xuất xứ từ phòng thương mại.
Không dừng lại đó, mặt hàng đông lạnh thủy sản còn được các doanh
nghiệp Trung Quốc xuất sang nhiều nước trước khi được xuất khẩu sang Mỹ
nhằm tránh sự truy tra của các cán bộ hải quan khi Malaysia đã bị nghi
ngờ. Một trong những nước được Trung Quốc nhắm đến hiện nay là Ecuador
khi lượng tôm nhập từ Trung Quốc vào đây để tuồn vào Mỹ thời gian qua
bắt đầu tăng lên.
Rõ ràng, lợi nhuận của ngành thủy sản khiến các doanh nghiệp Trung
Quốc không từ thủ đoạn nào để tuồn những thực phẩm bẩn từ nước họ sang
các thị trường khác. Dù các cơ quan chức năng của nhiều nước đã cố gắng
nhưng những món tôm, thủy sản Trung Quốc giúp đưa người tiêu dùng từ bàn
ăn đến nghĩa địa nhanh hơn vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Theo Trí thức trẻ
No comments:
Post a Comment