Sunday, March 5, 2017

Những “Việt kiều” Pháp Đã Bị Thân Nhân Ở Việt Nam “Chặt Đầu Lột Da” Như Thế Nào? - Hàn Giang Trần Lệ Tuyền


Quý độc giả đã đọc những bài trước, người viết đã nói qua về nhiều trường hợp của những người Việt đã được chính phủ Pháp chấp nhận cho họ tỵ nạn chính trị, nhưng họ đã bị thu hồi tất cả giấy tờ. Đồng thời, họ cũng bị cúp luôn những trợ cấp xã hội trở thành người sống bất hợp pháp, hoặc bị cúp tiền già đối với những người già có quốc tịch Pháp, sau khi đi “du lịch” Việt Nam.   Riêng những người hưởng tiền hưu, do có đi làm, có đóng thuế, là số tiền thụ đắc, thì muốn về Việt Nam hay sống ở bất cứ nước nào, cũng không bị cúp.   

Hôm nay, chỉ còn mấy giờ nữa, là Tết Đinh Dậu, 2017, tôi muốn viết lên những điều đã xảy ra đối với những người Việt, người có quốc tịch Pháp cũng như những người đã được cấp quý chế tỵ nạn chính trị, vẫn còn là thường trú nhân, nhưng vẫn được hưởng tất cả những quyền lợi như những người có quốc tịch và cả người bản xứ nữa.   Mục đích của tôi, là để những người Việt dưới 65 tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội, và những người trên 65 tuổi, đang hưởng tiền già, có thể tránh được những cảnh ngộ khó khăn, đáng tiếc, có thể xảy đến, khi quyết định trở về Việt Nam.   Những “Việt kiều” Pháp khi trở về Việt Nam đã bị thân thân “chặt đầu, lột da” như thế nào?   

Khi nói về những người đã và đang “dâng hiến” tiền của, góp phần cho chế độ cộng sản tại Việt Nam tồn tại lâu hơn. Tôi xin nhấn mạnh rằng:
Tôi không phản đối những cá nhân hay tổ chức, công khai hay âm thầm hỗ trợ cho các nạn nhân của Formosa trên con đường đòi công lý, và cho cuộc sống khốn khổ của đồng bào, cũng như giúp đỡ các vị Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang khốn khổ tại quê nhà, vì đó là những việc thiết thực cần phải làm. Các Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và  đồng bào, là nạn nhân tại Việt Nam đang cần từng viên thuốc, từng chén cơm hàng ngày, để có thể sống qua ngày.   Tôi chỉ phản đối những kẻ đem tiền về “đầu tư” tại Việt Nam, hoặc về Việt Nam để du hí, là tiếp tay với bạo quyền Cộng sản, để nuôi chế độ tàn ác ấy tồn tại lâu hơn mà thôi.

Trước hết, tôi xin ghi lại những câu chuyện của những người đã về Việt Nam. Họ đã kể lại với tôi như sau:   Có một buổi trưa Hè, trên đường đi chợ, tôi gặp cậu Can, một người trẻ tuổi hơn tôi đang đứng cạnh chiếc xe của cậu, dưới bóng cây. Có lẽ vì bực bội trong lòng, nên khi gặp tôi, sau khi chào, thì cậu liền kể liền một hơi:
“Chị biết không, em mới về Việt Nam, em mua vé máy bay cho cả vợ con em cùng đi ba tháng mới về, vì em đi vượt biển, lâu quá chưa về thăm quê. Nhưng khi về ở nhà bên vợ của em mới một tháng, là em sợ quá, nên bỏ vé cũ, mua vé khác, trở về lại Pháp. Em không làm sao chịu được cái cảnh suốt ngày, cả tháng vợ em phải bỏ tiền đi chợ bao hết bên nhà vợ ăn tiêu. Em nóng ruột quá, nên phải về Pháp để khỏi thấy cái cảnh này, rồi kể từ nay, không bao giờ dám về quê nữa đâu chị”.

Cậu này chỉ kể ngắn gọn, vì tôi đi chợ, không thể đứng lâu hơn.   Còn đây là câu chuyện của một người chị kết nghĩa của tôi. Vì rất thân, chị xem tôi như em gái của chị. Chị Thanh kể:
“Chị về Sài Gòn, đế thăm nhà bên chồng, tao mua vé may bay một tháng thôi; nhưng chỉ một tháng, mà mới tuần lễ đầu, thì chị đã muốn điên lên, nên hết một tháng, là chị qua đây, và suốt đời không dám về nữa đâu, vì suốt tháng, ngày nào cũng như ngày nấy. Cả nhà bên chồng của chị, không bao giờ bỏ ra một cắc để mua bất cứ một thứ gì trong nhà, mà mỗi sáng, mấy ông anh, bà chị, rồi mấy đứa cháu cứ kêu chị đi chợ với chúng nó. 

Để chị kể cho nghe những công việc mỗi ngày, bắt đầu từ buổi sáng:   Sáng nào, cả nhà cũng kêu nguyên một gánh bún vào nhà. Cả nhà xúm nhau ăn no nê, chị phải trả tiền hết. Ăn xong, nghỉ một lát, các người rủ đi chợ mua thức ăn cho cả nhà, chị cũng phải trả tiền. Đi chợ về, xúm nhau nấu nướng, ăn trưa xong, cả nhà đi ngủ trưa, chị không ngủ được, thì cũng phải ngồi nằm… Ngủ hết giấc trưa, thức dậy, chúng nó lại kêu nguyên một gánh chè vào nhà, rồi cũng ăn cho đã, chị cũng phải trả tiền. Sau đó, nấu ăn tối. Ăn tối xong, chúng  nó lại rủ chị mua vé cho cả nhà đi coi cải lương. Coi hết tuồng, ra khỏi rạp, chúng nó lại bày trò “mỏi bụng quá, đi kiếm chi ăn khuya đi cô”. Vậy, là chị phải trả tiền cho một “chầu” ăn khuya ở trước rạp hát, rồi mới về đi ngủ, để sáng hôm sau, lại bắt đầu bằng những “công chiện” y như vậy, cho đến ngày chị lên máy bay về lại bên này. May mà ổng hổng có đi, vì ổng từng ở tù “cải tạo” ổng nói ổng không về Việt Nam.   Mình cứ tưởng, khi trở về thăm gia đình sau hơn 35 năm, thì mọi chuyện đâu đến nỗi tệ như thế. Nhưng thôi thì đó là lần đầu cũng là lần cuối, chị không về để làm mấy cái “công chiện” như vậy nữa, mà sống chết cũng ở bên này thôi”.

Song vẫn còn nhiều chuyện “cười ra nước mắt” lắm. Nhưng tôi xin dừng lại ở đây, để kể ra một trường hợp khác. Đó là một ông già 80 tuổi; nhưng khi vượt biển được nước Pháp chấp nhận cho tỵ nạn chính trị; nhưng ông ta khai lại, tăng thêm 10 tuổi, để được hưởng tiền già sớm hơn 10 năm. Nghĩa là, nay ông ta đã 90 tuổi trên giấy tờ, và ông ta cũng đã xin được quốc tịch Pháp. Lúc vượt biển đến Pháp, ông ta sống độc thân, đã từng về Việt Nam, nên có rất nhiều “bồ nhí” tại Việt Nam. Các “bồ nhí” này đều trên dưới 40 tuổi.   Sở dĩ tôi biết rất rõ nhiều trường hợp này, vì họ thường nhờ các cháu của tôi xem các giấy tờ tiếng Pháp, thỉnh thoảng, nếu là ngày nghỉ cũng đi thông dịch giúp. Nên biết, đa số những người trên 80 tuổi, ngày xưa từng làm việc với Pháp, thì đã qua đời. Số còn lại biết tiếng Pháp, là những người trẻ hơn, họ đến Pháp do cha mẹ có quốc tịch Pháp trước 1975, học trường Pháp tại Việt Nam, một số người đến Pháp theo “diện” con lai. Sau cùng, là những người vượt biển được các tầu của Pháp cứu vớt trên biển, hoặc ở các trại tỵ nạn, được nước Pháp chấp nhận cho tỵ nạn chính trị.   Ở đây, tôi chỉ nói đến những ông già trên 80 tuổi, không biết tiếng Pháp, vì họ không có căn bản tiếng Việt, viết và đọc tiếng Việt không xong, nên không học tiếng Pháp được.   Tuy nhiên, những ông già này, có thể có quốc tịch Pháp, vì được “ăn theo” người sống chung với họ, và không vì thế, mà ngăn những ông già này có “bồ nhí” khi trở về Việt Nam.   

Hàng năm, cứ trước Giáng Sinh, thì mấy ông già, vì không hề có một ngày làm việc trên đất Pháp, nên chỉ được hưởng trợ cấp tiền già này, lại về Việt Nam du hí cho đến sau Tết âm lịch mới trở về Pháp.   Đây là những hành động làm liều của mấy ông già, vì khoản trợ cấp tiền già cho mỗi người là 800 Euros (tám trăm Âu kim) một tháng, là để cho một người già sống trên nước Pháp, còn muốn đi “du lịch” nước ngoài, thì phải báo cho cơ quan trợ cấp tiền già và cho Tòa thị chính biết trước, để tùy theo mỗi trường hợp, họ sẽ có quy định được đi trong vòng 03 tháng, mà không bị cúp tiền già. Còn lén lút đi, mà cứ tưởng lầm là chính quyền “không biết”, rồi cho tới một ngày nào đó, họ sẽ gửi thư đến nhà, thông báo là sẽ cúp tiền già, thì mới biết.   

Tại Pháp, tôi biết, có một ông già 80 tuổi, tên là Trần Văn Thiền, khi mới đặt chân sang Pháp, vì ông ta vượt biển, thời gian đó, chính phủ Pháp có dễ dãi, nên ông ta đã khai gian lên 10 tuổi, để được hưởng tiền già sớm hơn 10 năm, nghĩa là hiện tại theo giấy tờ ông ta đã 90 tuổi.   Vào dịp Giáng Sinh 2015, ông ta đã lừa gạt đứa con gái của ông ta đi theo chồng sang Mỹ, mua vé máy bay cho ông ta lén đi về Việt Nam, nói là về dự “đám giỗ” của vợ và thăm các chị em của cô con gái này, là các con của ông ta với người vợ đã qua đời.   Cô con gái của ông, cứ nghĩ rằng ông ta tốt, thương chị em của mình, nên mua vé máy bay cho ông, còn mua quà bánh gửi về Việt Nam cho ông về tặng cho bà con, lại còn gửi 2000 Mỹ kim về Việt Nam, cho chị em cô làm tiệc đãi bà con, nói là tiền quà của ông ta nữa.   

Thế nhưng, mọi việc đổ vỡ, khi 03 đứa con gái của ông khám phá ra, ông về VN không phải để dự “đám giỗ” hay thăm các con của ông ta, mà về để… cưới vợ.   Theo lời của cô con gái của ông ta ở Mỹ, cũng như lời của đứa con trai lớn của ông ta ở Canada, thì ông ta về VN đã đi gặp một người đàn bà người Huế, tên Ngoa, trên 40 tuổi, và lén các con ông dắt Ngoa đi ngủ ở Khách sạn tại Đà Nẵng. Sáng hôm sau, thì ông ta lên cơn suyễn, cô Ngoa này liền gọi xe taxi chở ông về nhà của con gái ông, vì tôi vốn là người hàng xóm ở Việt Nam, với các con của ông, nên theo lời kể của cô này như sau:
“Con tưởng ba của con ổng muốn về thăm chị em con, thăm bà con họ hàng, thì con mới mua vé máy bay cho ổng, chứ con không ngờ ổng về Việt Nam để kiếm gái. Khi mấy chị em của con theo dõi bắt gặp bà Ngoa đang ngồi vuốt vuốt cái ngực của ba con ở bệnh viện, thì ba chị em con liền xông vô túm tóc, uýnh và chửi là tại mầy đó, vì ba tao ngủ với mầy, nên bây giờ ổng gần chết rồi, mấy thấy không, mầy phải đi ra ngay, không chị em tao đánh chết nghe chưa”.

Sau lần đó, Trần Văn Thiền phải nhờ đến ông anh con nhà bác họ là ông Trần Văn Cu, là con trai của ông Cử Tưng đích thân xin lỗi, nhận lỗi với nàng Ngoa: “Tui xin lỗi cô, vì cháu tôi nó dại, cô bỏ qua, tui sẽ thay mặt cho gia đình để xin hỏi cưới cô cho em tui”. Cái gì chứ chuyện này, thì Sáu Cu chịu liền, vì có cơ hội để buộc Trần Văn Thiền phải nhịn ăn, để gửi tiền về cho Sáu Cu tiêu xài chơi.   Nhưng đối với “Việt kiều” thì đâu có dễ dàng như vậy, vì sau đó, “nàng” Ngoa đã nói với Trần Văn Thiền phải đưa cho “nàng” 15.000 Mỹ kim trước khi cưới.   Mà ông ta làm gì có tiền, chỉ 800 Euros Âu kim một tháng, mà còn phải gửi về VN “đều đều” cho nàng Ngoa, và cả cho Sáu Cu nữa, nên ông ta đã lừa gạt ông Trần Văn Cu rằng:
“Anh nói giúp với các con em, nếu không cưới được vợ sang Pháp, thì đúng 90 tuổi, em sẽ bị đưa vô nhà dưỡng lão, sẽ không thấy mặt trăng mặt trời, không còn thấy hay gặp bất cứ ai nữa cả”. (Điều này, do con gái của Trần Văn Thiền đã kể với tôi)

Thế là Trần Văn Cu lấy tư cách là bác họ, đã áp lực các con của Trần Văn Thiền; đặc biệt là đứa con gái ở Mỹ phải đưa đủ 15.000 Mỹ kim để ông ta “tặng” nàng Ngoa, để được cưới sang Pháp.   
Chính vì vậy, nên con gái của ông ở Mỹ đã điện thoại hỏi thăm tôi có thật “90 tuổi phải vào viện dưỡng lão sẽ không thấy mặt trăng mặt trời, không còn thấy hay gặp bất cứ ai nữa cả”.   Nghe đứa con gái của Trần Văn Thiền hỏi như vậy, nên tôi đã nói rõ cho biết rằng: không có chuyện đó, nếu người già muốn vào Viện dưỡng lão, thì ít nhất phải trả mỗi tháng là 2000 Euros (hai ngàn Âu kim mỗi tháng). Ông ta có 800 tiền già, thì họ sẽ lấy số tiền ấy, vậy ông còn phải trả thêm 1200 nữa, nếu có người chịu trả cho đủ 2000 mỗi tháng, thì phải ký giấy cam kết và đưa giấy tờ của ngân hàng của họ, để Viện dưỡng lão sẽ rút thẳng trong trương mục của người đó. Còn ở bên Pháp này, không có một ai chịu trả tiền cho Trần Văn Thiền, thì ông ta không bao giờ được vào Viện dưỡng lão cả.   

Nhưng Trần Văn Thiền đã lừa bịp cả con cái ruột của ông ta, chứ ở Pháp nếu có vào Viện dưỡng lão, thì hàng tuần, nếu có thân nhân, thì Viện dưỡng lão vẫn cho đón về nhà vào dịp cuối tuần, rồi đưa trở lại vào thứ Hai. Ngoài ra, Viện dưỡng lão thường đưa những người già đi dạo chơi, giải trí nhiều nơi, chứ làm gì có cái chuyện “không thấy mặt trời mặt trăng…” Ỏ tù, mà cũng được thân nhân thăm viếng mà.   Sau khi tôi giải thích như vậy, thì con gái của Trần Văn Thiền nói: “Như vậy, thì con hết lo rồi, chứ bác Sáu Cu cứ nói là tụi con bất hiếu, không chịu bỏ ra 15000 cho ổng, để ổng vô Viện dưỡng lão không thấy mặt trời mặt trăng”.   

Như thế, là Trần Văn Thiền không có số tiền 15000 Mỹ kim, nên nàng Ngoa đã ca bài… Trần Thiền ơi vĩnh biệt. Tuy nhiên, qua thời gian về Việt Nam, thì “cô” Ngoa và Sáu Cu cũng đã “chặt đầu, lột da” Trần Văn Thiền khá “sạch sẽ”   Nhưng sau khi trở về Pháp, Trần văn Thiền đã “được” một người ở Pháp giới thiệu cho một “nàng” khác, tên là Trương Thị Thình, trên 40 tuổi, ở quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Sau một thời gian “làm quen” qua điện thoại, mỗi lần gọi một tháng phải trả tiền điện thoại trên dưới 200 Euros (trên dưới hai trăm Âu kim) có tháng hơn ba trăm, không có tiền trả, nên bị cúp đường dây một chiều, nghĩa là người khác gọi cho ông ta thì được, còn ông không được gọi cho ai cả cho đến khi trả hết nợ… nói chuyện với “nàng” Thình.   

Lần này, Trần Văn Thiền bào ông Trần Văn Cu tức Sáu Cu, con ông Cử Tưng từ Đà Nẵng vào Sài Gòn để đi “hỏi vợ” cho Thiền.  Cái gì, chứ chuyện này, thì Sáu Cu làm liền, vì được lợi nhiều bề.   Thế là, Trần Văn Thiền phải gửi tiền về cho Trần Văn Cu, để ăn tiêu, đi đường, từ Đà Nẵng vào sài Gòn để “hỏi vợ” lúc Trần Văn Thiền không có mặt.   Sau khi đã qua được màn “hỏi vợ”. Trần Văn Cu đòi hỏi Trần Văn Thiền phải gửi về cho một chai rượu Hennessy Master để “đám giỗ” của cha ông là ông Cử Tưng. Phần “nàng” Thình thì đòi Trần Văn Thiền phải gửi “ tặng vợ chưa cưới” một thùng Mỹ phẩm của Pháp. Trần Văn Thiền đã làm theo y như vậy, chỉ có sai, vì không biết viết trên thùng bưu phẩm, nên đã nhờ chồng của cô Ngọc. Cô Ngọc là người được Văn Phòng Xã Hội cho đến nhà của Trần Văn Thiền giúp đỡ theo “diện người già 90 tuổi”. Ông ta là người Pháp, nên viết lộn địa chỉ của Trần Văn Cu và của “nàng” Thình, nên người này đã nhận thùng bưu phẩm của người kia. Chuyện này, đáng lẽ ra chỉ cần hai người trao đổi thùng quà là xong, vì vợ của Trần Văn Cu là bà Len cũng ở Sài Gòn, nên Sáu Cu thường đi về giữa Sài Gòn – Đà Nẵng.   

Nhưng không, Trần Văn Cu vẫn giữ lại thùng Mỹ phẩm cho vợ, và cứ khăng khăng nói :”đã hứa có chai rượu, thì chú phải gửi chai rượu khác”, còn “nàng” Thình thì cũng vậy, vẫn giữ chai rượu, và đòi “anh hứa cho em mỹ phẩm, thì phải gửi cho em thùng khác”.   Báo hại Trần Văn Thiền phải gửi hai lần hai chai rượu Hennessy Master, giá rượu thì chẳng biết bao nhiêu, nhưng chắc chắn không rẻ. Riêng về tiền cước của Bưu điện, thì mỗi chai phải trả 47 Euros (bốn mươi bảy Âu kim), vì phải mua chiếc hộp đặc biệt, để giữ chai rượu không bị vỡ. Vị chi hai lần gửi, chỉ tính tiền cước đã gần 100 Âu kim rồi. Còn hai thùng mỹ phẩm thì không biết bao nhiêu.   

Nhưng chưa hết, “nàng Thình” lại gọi cho Trần Văn Thiền bảo “sinh nhật của cháu ngoại 5 tuổi, ông ngoại hãy gửi tiền về mừng cháu ngoại đi”. Trần Văn Thiền lại tiếp tục gửi thêm 200 Euros nữa.   Chỉ một tuần thôi, mà Văn Thiền phải gửi hai thùng Mỹ phẩm, hai chai rượu Hennessy Master, và tiền “mừng sinh nhật cháu ngoại”, trong số tiền 800 Euros, một tháng, thì làm sao mà không phải chịu đói ăn, thiếu thốn mọi mặt   Rốt cuộc, tiền già của Trần Văn Thiền chỉ có 800 Euros (Âu kim – viết tắt là E), mà cả hai Trần Văn Cu, tức Sáu Cu, con của ông Cử Tưng, và “nàng” Thình đã “bào cạn láng” không những trong hai một tháng 11-12/2016, mà còn phải thâm thủng trong ngân hàng 600 Âu kim, lúc đó, Văn Thiền phải mượn của cô Ngọc 300 Euros, để bớt đi phần bị phạt. Nên biết, mỗi khi thâm thủng quá 50 Euros, thì ngân hàng phạt tới 100 Euros, chứ không phải ít.   

Nhưng chưa hết, đến đầu tháng 11/2016, Trần Văn Thiền đã bị thâm thủng trong ngân hàng 730 E, cộng thêm 02 tháng tiền nhà 234 E, và tiền điện, tiền Gaz, tiền điện thoại, tiền bảo hiểm nhà cửa, bảo hiểm y tế… họ không rút được, vì không có tiền trong ngân hàng, nên họ đòi phải trả…   Lúc này, đã cùng đường, Trần Văn Thiền đã ký ngân phiếu trước, để mượn tiền mua vé may bay, và nói với cô Ngọc là “đi Canada”, (có lẽ sợ cô Ngọc báo cho cơ quan trợ cấp tiền già, sẽ bị cúp tiền) nhưng thật sự là Trần Văn Thiền đã về Việt Nam.   Ngoài ra, theo một người quen, họ nói cho tôi biết, Trần Văn Thiền đã lừa gạt được một người đàn bà khác tại Việt Nam, bà này muốn sang Pháp, nên chấp nhận nuôi ăn khi Trần Văn Thiền trở về Việt Nam, để chờ ngày Văn Thiền “bảo lãnh sang Pháp”.   Điều  này, tôi muốn nói với các “bà” ở Việt Nam rằng: Luật của nước Pháp cấm tuyệt đối những người già, cả cụ ông, lẫn cụ bà, từ 90 tuổi trở lên không được kết hôn, để tránh những vụ tranh tụng như trước đây, khi con gái của một người mẹ triệu phú, khi cụ lấy tiền cho trai trẻ, mỗi lần chi đến cả triệu Euros, cho một “chàng trai trẻ” , nên người con gái độc nhất của bà phải kiện mẹ, vì cần phải giành phần thừa kế gia sản do bố cô gầy dựng, mà người mẹ đã 90 tuổi được thừa kế. Và quan tòa đã xử cho người con gái được thừa kế gia sản, chỉ để cho người mẹ một số tiền để dưỡng già mà thôi. 

Kể từ đó, những ông bà già từ 90 tuổi tại Pháp, nếu muốn, thì có thể sống chung mà thôi.   Vì vậy, những người già từ 90 tuổi, cho dù có kết hôn ở Việt Nam trước đó, dưới 90 tuổi, cũng không bao giờ được “bảo lãnh” cho “vợ” hay “chồng” sang Pháp. Ngoài ra, tôi cũng biết, trước khi đi khỏi nước Pháp, Trần Văn Thiền có nhờ một người dắt ra Thị xã xin một giấy để “đi du lịch”. Và Tòa thị chính đã cấp cho một giấy cho phép Trần Văn Thiền “đi du lịch trong nước Pháp” mà thôi.   Thế nhưng, Trần Văn Thiền đã “đánh liều” đi Việt Nam là đã vi phạm luật. Một ngày nào đó, khi bị cúp tiền già, thì Trần Văn Thiền sẽ trở thành kẻ vô gia cư, vì bị cúp tiền già, thì lấy gì trả tiền thuê nhà, và các khoản tiền khác để sinh hoạt hàng ngày nữa.   Và một khi đã bị cúp tiền già, không có tiền trả tiền nhà, thì chủ nhà sẽ lấy nhà lại, không có nhà, thì cơ quan trợ cấp tiền già sẽ cúp hết số tiền già, với lý do là “90 tuổi, trí óc không còn minh mẫn, đã lú lẫn, không biết giữ và chi tiêu tiền bạc, không có thân nhân tại Pháp nhận chăm sóc” và cơ quan trợ cấp tiền già sẽ trao số tiền 800 Euros  này cho một Trung tâm Xã Hội, rồi đưa Trần Văn Thiền vào nơi này sống chung với những người có chung một hoàn cảnh, để có nhân viên Xã Hội chăm sóc cho tới chết.
  • Tạm kết:
1 -Nói tóm lại, tôi muôn “nhắn” với các “bà” ở Việt Nam đừng bao giờ tin mấy ông bà già 90 tuổi ở Pháp, “sẽ bảo lãnh sang Pháp”. Nước Pháp cấm tuyệt đối những người già, và cụ ông, lẫn cụ bà 90 tuổi, không được kết hôn, dù ở Việt Nam có cho kết hôn, cũng không “bảo lãnh” sang Pháp được.   

2- Những người  Pháp gốc Việt, nhất là mấy ông già hãy nhìn “tấm gương” của Trần Văn Thiền, từ một ông già có được tiền già 800 Âu kim mỗi tháng, nếu không mê gái trẻ, thì có cuộc sống thư thả, nếu tiết kiệm, thì có thể để dành được từ 200 đến 300, tệ lắm cũng được 100 Euros một tháng. Đàng này, chỉ vì mê gái trẻ, lại có thêm “ông anh họ quý hóa” như Trần Văn Cu, tức Sáu Cu, chỉ biết “chặt đầu, lột da” bằng cách cứ liên tục đòi hỏi phải gửi tiền về cho Sáu Cu tiêu xài, thì phải chịu cảnh đói ăn trong khi được hưởng tiền già 800 Âu kim mỗi tháng, ngay trên đất nước Pháp.   Những trường hợp này, đã, đang và sẽ xảy ra với bất cứ một ông già nào, cũng chỉ vì mê gái trẻ, nên tại Pháp, khi đề cập tới những trường hợp này, nhiều người đã nói: không đáng thương, mà phải là Đáng Kiếp!

27/01/2017

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

1 comment: