Những ai phải trải qua cay đắng mới biết giá trị đích thực của
cuộc sống. Tôi cũng vậy. Hạnh phúc, tiền bạc, danh vọng, và bộ mặt đã làm tôi như
quay cuồng.
Cũng chỉ vì “lấy chồng Việt Kiều” và “có rể Việt Kiều” đã làm cho
“thằng chồng Việt Kiều” của tôi điêu đứng và tôi suýt bỏ rơi anh ta khi mới bắt
đầu qua đây.
Có lẽ tôi quá cay đắng nhưng tôi đã hối hận rất nhiều. Tôi vốn ở
Biên Hòa, được cho là xinh đẹp từ nhỏ. Tôi được gia đình cưng chiều nhưng không
có hư đốn. Tôi vào được Đại Học Sư Phạm nghành Anh Văn và học xong.
Trong thời gian làm kiếp sinh viên, gia đình tôi đi xuống và lam
lũ. Tôi trở thành sinh viên nghèo phải bươn chãi kiếm sống vì gia đình tôi
không thể chu cấp mọi chi phí.
Ở xóm, có nhiều người lấy chồng Việt Kiều và có tiền xây nhà cao
ráo. Ai cũng nói tôi có học và có sắc tại sao không kiếm được chồng Việt Kiều
cho gia đình đỡ khổ. Cuộc sống khốn khổ như vậy khiến cho tôi nghĩ đến chuyện
“lấy chồng Việt Kiều” để cưu mang gia đình. Tôi nghĩ đơn giản như vậy, chính vì
đơn giản đó đã làm hại một người, đó là thằng chồng Việt Kiều của tôi.
Với ý nghĩ đơn giản, tưởng rằng ở nước ngoài ai cũng ăn sung mặc
sướng dễ kiếm ra tiền. Tôi có đọc sách báo thì thu nhập trung bình hàng năm của
người Mỹ là 24 ngàn đô-la. Nếu thằng chồng làm 24 ngàn đô-la thì mình xin 6-7
ngàn có sao đâu.
Nhưng thánh thần ơi, đó là thu nhập, chưa tính thuế, tiền xăng, ăn
uống, chi tiêu, nhà cửa, điện nước,…
Cái ý nghĩ ngu xuẩn chỉ cần 6-7 ngàn mỗi năm đó lan truyền vào gia
đình tôi và gia đình tôi tưởng bở và thật.
Cũng chính vì tôi có sắc và có thân hình đẹp nên tôi kiếm được một
thằng Việt Kiều hiền lành nhưng có chút khờ trong những Việt Kiều về thăm.
Hắn hồi ở Việt Nam chỉ học tới lớp 9, sau đi làm phụ hồ, và theo
gia đình đi Mỹ theo diện HO. Qua đó hắn chỉ biết đi làm. So về trình độ học vấn
thì chênh lệch với tôi do đó khó nói chuyện. Tôi biết không hạp lắm nhưng giả
nai để được đi Mỹ.
Tôi nhanh chóng trao sự trinh tiết cho hắn và bắt hắn phải chịu
trách nhiệm và cưới. Hắn hứa cưới. Tôi ra giá là trước khi tôi qua Mỹ thì gia
đình tôi cần 20 ngàn đô để xây nhà mua xe (vì nhà tôi ọp ẹp và không có xe gắn
máy).
Hắn trở lại Mỹ, và gởi tiền đều đều, hắn làm gì tôi không quan tâm
vì tôi chẳng yêu, thấy tiền là tôi thích. Tôi cố gắng học cho xong 4 năm đại
học để phòng khi không qua được Mỹ thì tôi có bằng cấp và dạy học Anh Văn cũng
có tiền.
Khi nhà cửa tôi xây xong, xe có 2 chiếc thì hắn về. Trông hắn tiều
tụy và ốm sau 2 năm và tôi cũng vừa tốt nghiệp Đại Học. Đám cưới tổ chức linh
đình. Gia đình tôi nở mặt nở mày với hàng xóm.
Trong khi chờ đợi qua Mỹ, tôi học thêm đủ thứ nghề từ thêu may đến
vi tính, uống tóc đến móng tay,… Hắn chu cấp vài trăm đô mỗi tháng.
Khi đến Mỹ tôi thật sự thất vọng. Thằng chồng tôi ốm yếu và bịnh
hoạn. Tôi biết sự thật là sau khi gặp tôi, hắn làm 2 việc để có tiền gởi theo
yêu cầu tôi. Mỗi ngày hắn chỉ ngủ được 4 giờ. Cuối tuần làm thêm. Nhà thì ở nhà
mướn chứ không như tôi nghĩ là nhà riêng có bãi cỏ đẹp. Xe hơi thì xe cà tàng
cũ xì chứ không bóng lộn như tôi thấy ở tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai.
Tôi lúc đầu nghĩ rằng hắn lừa dối tôi để được tôi nên tôi giận quá
bỏ hắn qua người dì. Hắn sụp đổ tinh thần và vào bịnh viện tôi chẳng cần quan
tâm. Tôi luôn nghĩ cuộc sống của hắn ở Mỹ phải tốt, phải như thiên đường….. Nào
ngờ chỉ là dân lao động nghèo nàn không biết Anh Văn.
Dì tôi nói là nếu không trở lại sống với hắn thì về Việt Nam vì
nếu tôi bỏ hắn thì tôi bị trục xuất. Dì tôi không dám chứa chấp tôi sợ liên
lụy. Dì tôi cho tôi 10 ngày suy nghĩ.
10 ngày đó tôi tìm hiểu cuộc sống ở Mỹ. Tôi thấy ai cũng cố gắng
đi làm để có tiền chứ không dễ hái ra tiền. Khác với ở Việt Nam là làm việc ở
đây dù tiền ít vẫn không bị đói. Môi trường sống tốt hơn, học hành miễn phí, có
biết tiếng Anh xin làm dễ hơn,....
Tôi nghĩ về thằng chồng tôi không yêu nhưng lấy chồng vì tiền. Tôi
dần dần thấy tội nghiệp hắn. Vì mê sắc đẹp tôi mà hắn phải hao tổn sinh lực làm
2 việc để có hơn 24 ngàn đô-la gởi về cho tôi trong lúc bản thân hắn chẳng có
gì.
Tôi dần dần động lòng trắc ẩn thằng chồng không yêu. Tôi thấy tội
nghiệp quá. Đã tốn sinh lực kiếm tiền cho tôi và sau đó bị tôi bỏ đi. Tôi ứa
nước mắt ân hận.
Sau một tuần tôi trở lại và xin lỗi. Những giọt nước mắt hạnh phúc
trong thân hình tiều tuỵ của hắn làm tôi thêm đau lòng. Tôi thề với Trời Phật
tôi không bỏ hắn và sẽ lo cho hắn.
Tôi dễ dàng kiếm việc và hắn nghỉ 3 tuần dưỡng sức vì mới ra viện.
Tôi ráng bươn chãi thêm việc cuối tuần để hòng giúp hắn có tiền mua xe khác và
cho tôi một chiếc xe cũ nào đó vì sống ở Mỹ thiếu xe không thể xin việc làm tốt
hơn.
Tôi giải thích cho gia đình tôi hiểu và tôi chỉ sẽ chu cấp 100 đô
mỗi tháng mà thôi. Gia đình tôi dĩ nhiên không hiểu và giận tôi và nói rằng tôi
đi Mỹ bị Mỹ hoá không biết lo cho gia đình. Tôi thấy 100 đô đủ rồi, gia đình
tôi kiếm thêm chứ làm sao tôi phải nuôi chồng và nuôi 6 người bên Việt Nam.
Hắn từ từ hồi phục nhưng do lao lực quá nên lúc nào cũng ốm ốm và
không có sung sức. Cuộc sống tình dục vợ chồng rất thưa thớt vì hắn yếu sức.
Tôi muốn có con với hắn để hắn yên lòng vì thế tôi và hắn phải nhịn 6 tháng để
hòng hắn có đủ sức lực theo lời bác sĩ.
Trời Phật thương tôi và tôi có thai. Hắn hạnh phúc và sức khoẻ dần
dần tốt hơn. Do có vốn tiếng Anh, tôi có việc trong ngân hàng và lương khá. Hắn
chỉ đi làm việc nhẹ và tôi gánh vác mọi thứ. Tôi chỉ mong hắn khoẻ mạnh trở lại
chứ trong gia đình ai đi làm chính cũng vậy thôi.
Con tôi ra đời khoẻ mạnh, tôi mừng khôn xiết, người mừng vui hơn
tôi là hắn.
Giờ gia đình tôi ổn định. Tôi làm việc có lương gấp 3 lần chồng vì
chồng chỉ lao động bình thường và khó lòng vươn lên vì trình độ bị giới hạn.
Tôi dần dần có được hạnh phúc gia đình, tình cảm vợ chồng, cũng như được thoả
mãn tình dục do chồng tôi hồi phục được sức khoẻ.
Tôi đã sai và sửa sai.
Hy vọng các chị muốn lấy chồng Việt Kiều hiểu rõ hoàn cảnh của ông
chồng tương lai để tránh nhiều chuyện đau lòng nơi xứ người.
Tác Giả: Vô Danh
Cam ta Thien Chua da soi sang va dan dat Co y Thuc va Thuc hanh de nguoi Chong duoc Báo dap va con can dam dan Chung de khuyen nhu Dong huong noi que nha.
ReplyDeleteCám ơn lời bình của Martha.
ReplyDeleteThân mến
NPN