Tuesday, February 20, 2018

Con Dâu Nam Bộ & Mẹ Chồng Bắc Kỳ - Lê Hoàng Ân


Nguyên Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Sang Hoa Kỳ theo chương trình H.O. 12. Đã từng được giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011 với bài viết: “Câu chuyện của một H.O.” Tác giả cho biết, “Đây là một chuyện có thật 100% trong gia đình chúng tôi, hoàn toàn không thêm mắm thêm muối. Chúng tôi xin cùng chia sẻ với quý vị độc giả. Lá thư con dâu viết hiện nay được lộng kính và treo trên tường của phòng sinh hoạt gia đình để giữ làm kỷ niệm đẹp.”


* * *

Gia đình chúng tôi gồm 3 người, hai vợ chồng và cậu con trai độc thân của chúng tôi, đáp xuống phi trường Austin vào đêm 06 tháng 07 năm 1992, theo chương trình H.O., vì tôi là đã đi tù cải tạo gần 6 năm rưỡi trong chế độ cộng sản.

Trong khi được phỏng vấn tại Sài Gòn, chúng tôi đã trực tiếp chính thức xin với phái đoàn Hoa Kỳ cho chúng tôi được định cư tại Austin vì năm 1969, với tư cách một sĩ quan giảng viên Anh Ngữ của Trường Sinh Ngữ Quân Đội, tôi đã đi du học tại căn cứ Lackland, San Antonio, TX để lấy bằng sư phạm do Viện Ngôn Ngữ Học thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tổ chức, và hay lên Austin chơi vào những ngày cuối tuần. Ngay từ hồi đó, tôi đã mê Austin rồi với toà nhà Quốc Hội tiểu bang, với những viện bảo tàng vô cùng giá trị và những thư viện với những bộ sách quý. Sự yêu cầu của tôi đã được phái đoàn Hoa Kỳ chấp nhận ngay. Hồ sơ xuất ngoại của chúng tôi ghi rõ nơi đến là Austin, TX.

Khi đáp xuống phi trường tại Austin, tôi đã gặp một rừng cờ Mỹ, vì trước đấy mấy ngày là Lễ Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Sau đó vài ngày, tôi lại gặp một rừng cờ Việt Nam Cộng Hoà sau 17 năm không nhìn thấy nó trong một cuộc họp thường niên của Hội Cựu Quân Nhân tại Austin. Trong cả hai lần tôi đều khóc, vì không ngờ còn có ngày nay sau ngần ấy năm trong tù và sống dưới chế độ tàn ác và bưng bít của cộng sản Việt Nam.

Austin, thủ phủ của tiểu bang Texas, là một thành phố tuyệt đẹp với cả ngàn thắng cảnh thiên nhiên, không nhỏ bé nhưng không to lớn quá, dân chúng hiền hoà, dễ thương, không xô bồ, không tranh dành như một số địa phương khác, công việc làm ăn tương đối dễ dàng, thời tiết tương đối ấm áp, hợp với người Việt Nam, nhà cửa tương đối rẻ, cho nên chúng tôi chọn Austin là nhà của chúng tôi trên quê hương thứ hai này. Sự lựa chọn này cho đến ngày hôm nay chúng tôi vẫn thấy rất đúng và rất thích hợp với chúng tôi, không có gì phải hối tiếc hoặc phàn nàn chi cả.

Đến Austin được 12 ngày thì Bảo, người con trai của chúng tôi đã đi làm. Đi làm thợ sửa xe cho một xưởng sửa chữa xe hơi. (Vài tháng sau thì Bảo xin được vào làm tại một hãng điện tử ở gần nhà). Ít ngày sau khi Bảo đi làm thì nhà tôi được giới thiệu đi làm người trông trẻ cho một gia đình kỹ sư người Việt, mỗi cuối tuần mới được về nhà. Hơn một năm sau thì nhà tôi được nhận vào làm tại một hãng may cờ cũng ở gần nhà. Nhờ vậy mà cả ba mới thường xuyên gặp nhau thay vì mỗi tuần chỉ gặp có 1 lần vào ngày cuối tuần. Cả ba người chỉ có được một chiếc xe hơi cũ do hai bà chị tôi cho. Trong thời gian nhà tôi không ở nhà, Bảo thì đi làm khác giờ với tôi, không có ai lo cơm nước, hai cha con chỉ lấy mì ăn liền làm chuẩn! Bảo còn ăn được những thức ăn nhanh chứ tôi thì chịu. Cứ như vậy kéo dài cả năm trời.

Tôi thì may mắn hơn, vì khi chưa có việc làm, nhà thờ “Các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam” tại Austin nhờ tôi đến dậy tiếng Anh cho những người Việt Nam mới qua. Dậy được vài tuần thì có một trường “Kỹ Thuật và Thương Mãi” đến tuyển sinh. Tôi cho cả lớp thi. Giám Đốc trường này bảo tôi thi luôn, dù mới đầu tôi không muốn. Khi có kết quả, cả lớp tôi được nhận cho học, có học bổng bán phần. Môn học là lớp “Điện Tử” 2 năm, khi ra trường thì nhiều hãng điện tử tại Austin sẽ muớn làm chuyên viên kỹ thuật vì có bằng Associate Degree 2 năm. Riêng tôi, giám đốc trường nhờ tôi vừa đi học, vừa kèm tiếng Anh cho cả lớp, và họ sẵn sàng trả lương cho tôi như một nhân viên cấp trung bình của trường, đồng thời tôi nhận được học bổng toàn phần. Vì thế tôi nhận lời. Ngoài ra tôi còn làm việc bán thời gian tại cửa tiệm bán đủ mặt hàng (Service Merchandise) nơi đó có bán các loại hàng điện tử như máy truyền hình, radio, VCR, v.v…do tôi phụ trách. Và lần đầu tiên tôi bán điện thoại di động, to lớn cồng kềnh, giá cả trên ngàn đồng (tiền lúc bấy giờ là to lắm), có tên là Cellular One, (nếu tôi nhớ không lầm) mà phải có người đứng ra bảo lãnh! Thế là cả gia đình tôi ai cũng có lương cả.

Trong khi tôi còn học tại trường, tôi bỏ việc làm thêm và thi vào Motorola và làm cho mãi đến cuối năm 2013 thì về hưu vì đã hơn 75 tuổi. Làm ca đêm cho Motorola, sau này đổi tên là Freescale, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu lần nhân viên bị sa thải, tuy nhiên tôi may mắn nên trụ tại đó cho đến ngày về hưu. Muốn có thêm tiền, trong những ngày xuống ca, tôi nhận đi phiên dịch tại toà án Austin cũng cả chục năm cho đến khi tôi bị điếc đến hơn 70% mới thôi. Bây giờ phải đeo máy điếc mới nghe, nếu không thì không nghe được một tí gì hết. Cả ba chúng tôi đều có công ăn việc làm, và dự trù dành dụm để mua hay xây một căn nhà tương đối tốt để sau này dưỡng già và rồi truyền cho con, cho cháu.

Trong thời gian cả nhà làm việc như thế, một vấn đề lớn và khá nan giải được đặt ra: đó là, Bảo cũng đã tương đối đứng tuổi (trên 30), mà chưa có gia đình, mà chúng tôi cũng chưa có cháu đích tôn, nên chúng tôi hối thúc Bảo lập gia đình. Bảo nói sẽ về Việt Nam tìm hiểu một cô bạn trước đây là bạn học cùng trường nhưng thua mấy lớp với Bảo xem sao. Về được hai lần thì Bảo cho chúng tôi biết là cô bạn đã đồng ý cùng Bảo tìm hiểu kỹ hơn rồi sẽ tính. Chúng tôi cũng đã có dịp liên lạc với các anh chị của cô đó. Và chính tôi cũng có dịp email cho cô ta theo lời yêu cầu của cô ta. Hiện giờ tôi còn giữ cả vài chục email qua lại giữa vợ chồng tôi và cô ta. Cô ta tên là Kiều Yến. Được biết Ba Má của Yến đều đã qua đời trước đó vài năm. Rồi điện thoại qua lại, rồi email qua lại, rồi nói chuyện qua skype qua lại giữa Bảo và Yến đã đành, mà còn giữa chúng tôi và Yến và gia đình Yến nữa. Sau cùng, Bảo và Yến cùng quyết định chung nhau xây tổ ấm.

Ngày cưới được ấn định vào ngày 28 tháng 01 năm 2002, lại trùng đúng vào ngày sinh nhật của nhà tôi. Lúc đó Bảo 35 tuổi và Yến 27. Bảo về Việt Nam làm lễ cưới bên Việt Nam, và khi bên Việt Nam vào giờ cử hành đám cưới thì qua điện thoại và skype, bên này chúng tôi cũng thắp nhang trên bàn thờ Phật và Tổ Tiên để trình là chúng tôi mới có dâu hiền. Nhờ đã làm thủ tục bảo lãnh từ trước nên Yến qua Mỹ chỉ sau vài tháng chờ đợi. Trước đó một thời gian, chúng tôi đã có cơ hội xây một căn nhà tương đối rộng rãi và vừa túi tiền. Thế là khi Yến sang thì đã có cơ ngơi đầy đủ tiện nghi.

Tôi còn nhờ tối hôm đón Yến tại phi trường Austin. Vợ chồng tôi và Bảo đứng chờ ở cửa đón. Chợt Bảo nói Yến kìa. Nhìn thấy một cô gái Việt Nam nhỏ bé, một thân một mình kéo chiếc va li bước ra, tôi chạnh lòng muốn khóc. Và khi bước qua cửa, chúng tôi ôm nhau, coi như quen biết từ thuở nào. Về đến nhà, Yến xin phép được tắm rửa, và ngay sau đó đã ra trước bàn thờ Phật và bàn thờ Tổ Tiên thắp nhang và khấn vái, xin được gia nhập vào gia đình. Nhà tôi kết Yến từ lúc đó.

Qua 2003, Yến cho chúng tôi đứa cháu nội gái đầu tiên, và đến năm 2007 chúng tôi có được đứa cháu nội trai đầu tiên. Thế là cuối cùng chúng tôi có cháu đích tôn rồi. Có vui mừng nào bằng vui mừng này không? Hai vợ chồng chúng tôi tranh nhau cưng hai cháu nội như cưng trứng mỏng. Bà nội hất ông nội qua một phòng bên để bà trông và ngủ gần hai cháu luôn, nhất là bà nội chiều cháu trai đến mức hơi quá đáng. Dù ngủ với Bà Nội, nhưng tối tối trước khi đi ngủ, cả hai cháu đều gặp Ông Nội để hôn và chúc Ông Nội ngủ ngon. Điều này đã trở thành một thóì quen không thể không có được. Thế là chúng tôi hạnh phúc rồi. Không còn đòi hỏi gì hơn được nữa. Vả lại được một cái, hai cháu rất ngoan ngoãn, vâng lời, và nhờ có học tiếng Việt do bà nội dậy nên ở nhà hoàn toàn chỉ nói viếng Việt. Hai cháu cũng lên chùa học thêm nên biết đọc và viết tiếng Việt nữa. Không biết sau này lớn lên thì ra sao. Tương lai sẽ trả lời. Hiện giờ, ngoài việc mê TV, cháu gái thì thích chơi búp bê, còn cháu trai thì mê lắp rắp Lego. Hai cháu gọi dạ bảo vâng theo đúng truyền thống người Việt Nam. Lúc ngồi ăn cơm đều mời ông bà bố mẹ ăn rồi mới cầm đũa. Mẹ Yến của hai cháu cũng tình nguyện dậy tiếng Việt trên Chùa, và mỗi mùa thuế đều khai thuế miễn phí cho các cụ già, người neo đơn tại Austin.

Có một điều rất ngộ nghĩnh là gia đình chúng tôi là Bắc Kỳ di cư 1954 và tương đối bảo thủ. Nói rặc giọng Bắc. Còn Yến thì gia đình ở Sài Gòn, Nam Kỳ rặc. Vậy mà lại hợp mới lạ chứ. Chỉ có cái khi nấu ăn, Yến hay cho đường vào, mới đầu cũng khó ăn, thế nhưng sau rồi cũng quen. Nhà tôi và Yến thường thủ thỉ nói chuyện, đôi khi cả một vài tiếng đồng hồ. Không biết nói gì mà nói lắm thế!

Thật là lạ lùng, với sự quan hệ tương đối dễ dàng giữa một người đàn bà lớn tuổi người Bắc, là mẹ chồng, qua những kinh nghiệm trong cuộc sống trải qua bao nhiêu thử thách, khó khăn gần hết một đời người, và một người dâu Nam Bộ, khôn ngoan, tinh anh, nhưng biết nghe những lời chỉ bảo và hướng dẫn của ngưòi mẹ chồng. Sự kết hợp hài hoà đó không phải dễ. Hoàn toàn không có cảnh đụng chạm giữa Bắc và Nam, giữa mẹ chồng và nàng dâu. Mọi chuyện đều êm đẹp một cách rất bình thường. Đúng nguyên tắc, đáng lẽ nhà tôi gọi Yến là “mẹ nó” theo phong tục ngoài Bắc khi mẹ chồng gọi con dâu lúc người con dâu có con, nhưng đằng này lại gọi là “con” ngọt sớt!

Theo nhận xét của chúng tôi, Yến là một cô gái nhỏ nhắn, tính tình nhu mì, hiền lành, thật thà, ăn nói nhỏ nhẹ, dễ thương theo kiểu người Nam, với tiếng “dạ” êm nhẹ không thua gì những cô gái kín cổng cao tường ngoài Huế, nhưng không kém phần sắc sảo và có phần phản ứng nhanh nhẹn, kịp thời trước các chuyện xảy ra. Không phải mèo khen mèo dài đuôi, nhưng các bạn bè của chúng tôi đều có nhận xét tương tự.

Nhà tôi hoàn toàn không nghĩ mình là mẹ chồng, và Yến không nghĩ mình là con dâu, mà cả hai đều nghĩ là mình là chị em hay bạn bè hay gì đó, vì khi nói chuyện thật là cởi mở, thật là chân thành.

Yến chịu khó nói theo giọng Bắc, tôi cũng không biết tại sao, vì đâu có cần thiết. Có lẽ chỉ vì muốn hài hoà trong gia đình. Yến cũng dậy hai con nói với những chữ Bắc thay vì chữ trong Nam, thí dụ như gọi cha mẹ bằng Bố, Mẹ thay vì Ba, Má. Đại khái như vậy. Hiện tại, hai cháu nói tiếng Việt theo giọng Bắc rất sõi.

Cũng do đó mà nhà tôi thương Yến thêm. Môt phần vì những lý do trên, một phần là vì Yến bỏ gia đình, anh chị, để một thân một mình sang đây sống trong gia đình chồng, hoàn toàn không có ai trong gia đình Yến có mặt bên Mỹ này.

Sau khi lập gia đình, trải qua một số công việc tạm thời tại các hãng xưởng điện tử, khi có hai cháu bé, hai vợ chồng Bảo Yến có được cơ duyên thi vào làm công chức liên bang, và cả hai đều được tuyển, do đó họ đã là công chức liên bang được nhiều năm rồi. Quyền lợi cũng khá, do đó hai cháu nội chúng tôi cũng được hưởng những quyền lợi đó, như về y tế chẳng hạn thì là nhất. Hai cháu đã đi học, và sáng thì Bố chúng đưa đi, chiều thì ông hoặc bà nội đón về. Kể cả khi hai cháu đi học đàn và học võ. Trong nhà có nhiều tiếng cười vui vẻ rộn ràng hơn là tiếng cằn nhằn. Ngoài ra còn cộng thêm cả tiếng đàn dương cầm và vĩ cầm. Thế là tốt rồi.

Hồi 2004, tôi phải mổ cổ, cắt bỏ một khúc xương cổ, nên cổ bị bó, không nhúc nhích được cả gần nửa tháng, chỉ ngủ ngồi. Yến là người cơm nước cho tôi, đút từng muỗng cơm cho tôi trong lúc nhà tôi đi làm. Hồi 2007, nhà tôi mổ vá van tim, phải vừa nằm vừa ngồi trên ghế bành, không được nằm duỗi dài người, sợ tim bị ép, cũng Yến chăm lo cho nhà tôi thật kỹ lưỡng cũng trong lúc tôi đi làm và đêm đến thì Bảo ngủ ngay dưới chân Mẹ để xem có cần gì không, cả tháng trời như vậy. Yến biết làm tròn đầy đủ bổn phận của một người con, mà lại có tình trong đó nữa chứ không phải chỉ bổn phận của một người con dâu không mà thôi.

Mới đây, trong khi soạn lại giấy tờ, thư từ cũ để huỷ bỏ, vì trong tủ có quá nhiều giấy tờ lưu trữ từ ngày mới qua Mỹ đến nay, tôi chợt bắt gặp một lá thư của con dâu chúng tôi, người Nam Bộ, gửi cho bà Mẹ chồng, người Bắc Kỳ. Nhà tôi sau khi đọc xong đã cất nó đi vào trong đống hồ sơ gia đình. Đọc cũng thấy ngồ ngộ, bởi vì người Nam ít viết được một bức thư với giọng điệu như vậy. Bức thư ngắn ngủi nhưng chứa đựng bao nhiêu ân tình bao la. Và có thể cũng vì cái khéo léo của Yến mà đã chinh phục được Bảo và cả mẹ chồng. Lá thư của một người con gái Nam Bộ mộc mạc, đơn giản, ngây thơ, nhẹ nhàng, nũng nịu và đầy tính cách thuyết phục đã làm trái tim Bắc Kỳ nhà tôi rung động. Riêng về phần tôi, tôi chẳng nhận được thư từ gì của Yến cả, vì là bố chồng, chỉ thỉnh thoảng có được một món nhậu ngon bá cháy. Yến nấu ăn được lắm. Do đó tôi cũng bị chinh phục luôn. Hồi chưa cưới, Yến từng nói với Bảo là đang học một khoá nấu ăn và làm đồ nhậu để khi sang Mỹ sẽ làm đồ nhậu cho Bố nhậu mệt nghỉ.


Tôi được biết, Yến là con út trong một gia đình tương đối đông con. Là Út nên được Ba Má nuông chiều hết mức. Cho đến khi Ba Má Yến qua đời thì Yến bị hụt hẫng. Thiếu thốn tình thương của Ba Má, Yến mong nhà tôi vừa coi Yến như con dâu, vừa coi như con gái. Yến thèm có được một người để có thể gọi lại tiếng Má hay tiếng Mẹ. Là Mẹ chứ không phải là mẹ chồng không mà thôi. Và lẽ tất nhiên nhà tôi chấp thuận, vì nhà cũng không có con gái. Có thêm được một người yêu thương mình không phải là chuyện dễ. Có lẽ vì vậy mà hai người hay thủ thỉ với nhau. Ngày nào đi làm về là Yến cũng xà xuống gặp nhà tôi ngay và bắt đầu nói chuyện, từ chuyện trong nhà đến chuyện ngoài đường, và cả hai đều có thú trồng cây hoa ngoài vườn hay trong chậu, tuỳ loại hoa nên dễ nói chuyện.

Hôm nay, tôi muốn ghi lại đây lá thư của người con dâu Nam Kỳ gửi cho người Mẹ chồng người Bắc kỳ để quý vị đọc, vì nó cũng nói lên tình cảm gia đình. Tình cảm giữa mẹ chồng nàng dâu. Tình cảm giữa con người với con người. Tình cảm giữa hai người xa quê hương, xa những kẻ thân ngưòi thích ruột thịt để chỉ còn sống cho nhau, vì nhau mà thôi.

Lá thư này viết vài tuần trước ngày cưới của Bảo -Yến tại Việt Nam, và Yến đem qua, trao cho Mẹ chồng. Nhà tôi xem xong sắp vào đống giấy tờ khai sinh, hôn thú của cả nhà. Tôi nghĩ nhà tôi cho là lá thư đó chỉ liên quan đến hai mẹ con nên không cần đưa cho tôi đọc. Mọi người quên bẵng đi cho đến hôm nay mới lại thấy nó. Tôi xin chép nguyên văn lá thư:

“Mẹ ơi, Mẹ à,
Khi Mẹ nhận được lá thư này thì con đã là con gái của Mẹ rồi và cũng là một đứa con dâu của gia đình họ Lê. Con đã có thể gọi Mẹ ơi, Mẹ à! Cả đời con, con chưa gọi ai bằng Mẹ cả. Con chỉ gọi Má thôi. Nhưng bây giờ và sau này mãi mãi con đã có một người Mẹ. Đã có thể danh chánh ngôn thuận chăm sóc và lo lắng cho Mẹ. Ngày cưới của anh Bảo và con cũng là ngày sinh nhật của Mẹ. Con kính chúc Mẹ luôn khỏe mạnh và còn mãi trong tình thương yêu của gia đình và con cái. Con có một bài thơ mà con rất thích của một nữ sĩ Việt Nam, con kính gửi tặng Mẹ và cũng thay con nói lên những gì con muốn nói với Mẹ.

Mẹ của Anh

Phải đâu Mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn Mẹ suốt đờì chưa xong.
Ngày xưa má Mẹ cũng hồng
Bên Anh Mẹ thức lo từng cơn đau.
Bây giờ tóc Mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen.
Đâu con dốc nắng, đường quen
Chợ xa gánh nặng Mẹ lên mấy lần.
Thương Anh thương cả bước chân
Giống bàn chân Mẹ tảo tần năm nao
...
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà.
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi sót sa nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương Mẹ mênh mông không bờ.
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh Anh để bây giờ cho em*.

Kính thư,
Kiều Yến
12-01-2002”

Viết xong tại Austin, ngày 20 tháng 03 năm 2015.
Lê Hoàng Ân

(*) Tác giả bài thơ là nhà thơ nữ Xuân Quỳnh (1942-1988). Bà là vợ của nhà văn Lưu Quang Vũ. Hai vợ chồng và con trai 13 tuổi cùng mất trong một tai nạn giao thông tại Hải Dương năm 1988.

No comments:

Post a Comment