Gần đây tôi tham gia một chương trình trên truyền hình về Tết Tây.
Tôi tự hỏi liệu ban biên tập có đọc những bài báo của tôi trong hai năm
qua không mà họ dám mời tôi tham gia talk show này. Hay họ mời tôi vì
tôi là một người nước ngoài biết tiếng Việt?
Người dẫn chương trình đặt câu hỏi cho tôi: “Chào anh Jesse Peterson. Sắp tới là Tết Tây, anh Jesse có mong đợi ngày đó không?”.
Họ cứ mong tôi sẽ trả lời “Yes! Tết Tây là một ngày rất vui”, rồi tôi
tiếp tục nói, “Cảm ơn đã mời tôi tham gia chương trình ngày hôm nay!
Chúc mừng năm mới các bạn Việt Nam!”.
Nhưng họ há hốc miệng khi nghe tôi nói: “Không! Năm mới – Tết Tây là
một ngày giả! Nó được thiết kế cách đây 2018 năm trước. Đế chế Hy Lạp
muốn xoá bỏ phong tục của các dân tộc xung quanh và tạo nên một năm mới
giả, ở giữa mùa đông”.
Thật vô lý khi ngày chào mừng năm mới ở giữa mùa đông. Trong khi, 20
tháng 3 mới là ngày chính giữa của mùa xuân. “Tết Tây” đã được thiết kế
bởi Hoàng đế của Rome – Julius Caesar. Ông Caesar đã xâm lược rất nhiều
bộ lạc của người châu Âu. Nhằm ngăn chặn việc họ nổi dậy chống lại mình,
Caesar làm một ngày lễ mới – ngày đón năm mới ở giữa mùa đông.
Tôi không mong đợi năm mới theo cách đó. Tôi sẽ thành lập năm mới cho
riêng tôi, 20 tháng 3. Và mặc kệ những phong tục của người xưa cũng như
mưu đồ của họ. Nhưng khi lên sóng, đài truyền hình kia đã cắt đi phần
tôi nói rằng Tết Tây là một ngày giả và tôi không muốn hùa theo nó. Chắc
họ cho rằng đó là chủ đề nhạy cảm.
Tết Ta sắp tới rồi. Nó gần mùa xuân hơn Tết Tây. Điều tôi thích ở Tết
Ta là khi người Việt Nam trang trí ở ngoài nhà với hoa mai, hoa đào. Nó
có thể là biểu tượng của sự khởi đầu mới và là đại diện của môi trường
thay đổi khi xuân tới.
Nhưng tôi không có ý so sánh các ngày Tết với nhau. Rõ Tết Việt Nam hẳn
“có liên quan” với người Việt hơn Tết Tây nhiều… Nhưng tôi cũng thấy Tết
Việt Nam bây giờ cũng có nhiều vấn đề quá. Giờ đây nó quá “human
centric”, nghĩa là nó tập trung vào sự ích kỷ của con người nhiều hơn là
lúc để chúng ta quan sát, hiểu ý nghĩa của sự vận động môi trường, vạn
vật. Điều này khiến ta trở nên ích kỷ và quên đi Mẹ Thiên nhiên.
Có nhiều điều tôi không thích ở cách người Việt đón Tết ngày nay. Đó
là người ta quá vất vả những ngày trước Tết. Họ bị stress khi phải chuẩn
bị cho Tết, có người còn cãi nhau. Rồi các quan niệm như không được mặc
áo đen, người đầu tiên đến nhà bạn phải mang may mắn, ép nhau ăn uống
đến mức hệ tiêu hóa không làm việc kịp, không ăn thì bị giận (có lần tôi
đã lén ném thức ăn dưới gầm bàn)… Và độc hại nhất với văn hóa truyền
thống là họ dùng Tết để lấy cơ hội hối lộ, đút lót, biếu xén nhau. Trong
các phần quà Tết ít khi thiếu phong bì tiền. Phong tục lì xì bị lạm
dụng quá nhiều. Trẻ con hư sớm theo người lớn vì chúng chỉ mong phong bì
lì xì chứ không phải yêu thích Tết..
Trong Tết mọi thứ đều bị đẩy giá cao hơn. Khi bị hỏi tại sao, họ chỉ
nói “Tết mà”, không thèm giải thích sâu sắc hơn. Mấy năm trước, tôi đi
phượt ở miền Tây. Đến khách sạn, họ bảo vì tôi là người Tây, tôi phải
trả tiền thêm, và vì đây là Tết rồi.
Tết xong rồi, tôi không thấy mình vui hơn, không thấy là tôi biết nhiều
điều hơn về thế giới, không thấy môi trường tốt hơn, không thấy người
nghèo khá hơn và có gì tốt đẹp hơn để hy vọng cho năm mới.
Tôi thấy nó giống như nhiều phong tục của ngày xưa. Ý nghĩa của nó
đang bị sự ích kỷ của loài người tiếp tục ăn hiếp hay lợi dụng… Khi có
nhiều điều xấu đến thế, làm sao nó có thể đem tới văn hóa đạo đức hơn và
điều tốt đẹp hơn cho Việt Nam?
Nên tôi cố tình kệ Tết. Tôi sẽ đi du lịch hay khóa cửa nhà, không
bước ra ngoài trong vòng một tuần cho đến khi tôi đã đọc mười quyển sách
và ăn sạch cái tủ lạnh.
Còn người Việt Nam, nếu còn yêu và trân trọng ngày “Tết Ta”, tôi nghĩ nhiều người cần bày tỏ tình yêu đó theo một cách khác.
Jesse Peterson
(Nguyên bản tiếng Việt)
No comments:
Post a Comment