Friday, February 9, 2018

Đồ Chó - Nguyễn Thị Thêm


Tôi mở mắt nhìn xung quanh. Mọi vật lạ lẫm. Ánh sáng tràn vào chói lòa.
Tôi dụi đầu vào mớ lông của mẹ để tìm hơi ấm và nhắm mắt lại
Mẹ liếm vào mặt tôi yêu thương và hỏi khẻ:
-Con mở mắt rồi phải không?
Tôi ử ử để trả lời với mẹ.
-Dạ! Mẹ.  Mẹ nhìn xung quanh rồi nói:
-Con chậm nhất nhà. Các anh chị đều đã xong hết hôm qua.
Tôi cố nhướng đôi mắt còn lạ lẫm với hình ảnh trước mặt. Lờ mờ thấy các anh chị đang đi tới đi lui trông rất thích thú. Mẹ nằm ngữa ra vào kêu các con:
-Nào! Tới giờ ăn rồi. Các con tới bú để mẹ còn làm việc.
Các anh chị chạy nhanh đến giành nhau và nút chùn chụt. Tôi cố gắng chen vào. Vừa ngậm một đầu vú mẹ, chưa kịp nuốt hết những dòng sữa ngọt trong miệng, thì anh tôi hất đầu tôi ra và giành cả hai vú. Tôi cố trườn người ra khỏi sức nặng của anh và tìm một chỗ trống. Nhưng chưa ăn bao nhiêu lại bị một chị hất ra không thương tiếc
Tôi la lên:
-Cho em ăn với! Em đói bụng quá mà.
Nhưng các anh chị vẫn không màng . Họ hùng hục dành phần  ăn về mình. Bỗng một bàn tay ấm áp bồng tôi lên và hất bà chị đốm ra ngoài. Tôi được một chỗ an toàn và ra sức nút mạnh. Nhưng nguồn sữa đã không còn nhiều, Mẹ đứng lên đầy mệt mõi. Tôi té lăn tròn xuống đất. Lóp ngóp đứng lên thì lại bị anh nâu đạp thêm một cái rõ đau.
Mẹ thản nhiên bước ra khỏi bầy con và đi ra ngoài. Có lẽ mẹ đi tìm gì đó để ăn, bởi nguồn sinh lực của mẹ đã bị chúng tôi rút cạn.

Tôi không biết anh em tôi có bao nhiêu bởi vì tôi không biết đếm. Nhưng tôi biết tôi là đứa bé xấu xí và yếu đuối nhất nhà. Các anh chị hay ganh tỵ nói mẹ thiên vị, thương tôi nhiều hơn. Nhưng ai đâu biết, khi mẹ nằm xuống để cho con bú, mẹ không thể dành cho tôi bầu sữa nào tốt nhất. Cái yếu đuối của tôi nguyên nhân là do các anh chị không nhường cho em ăn. Có phải chăng đó là bẩm sinh của chủng loại chúng tôi. Cái bẩm sinh thấp hèn của kiếp làm súc vật.

Loài người có câu nói" Giàu út ăn, khó út chịu" loài chó chúng tôi chắc cũng vậy. Ngoài ra còn kèm theo lý lẽ " mạnh được yếu thua" của loài vật, nên tôi tôi luôn bị ức hiếp bởi các anh chị lớn hơn. Tôi nhỏ xíu, yếu đuối , xấu xí, chậm chạp, khờ dại nhất nhà. Mẹ vì vậy thương tôi nhiều hơn một tí. Trái tim làm mẹ của bất cứ chủng loại nào đều vĩ đại như nhau. Mẹ luôn dành cho đứa con nào xấu xí tội nghiệp nhất sự thương yêu lo lắng nhiều hơn. Mỗi khi các anh chị chạy chơi, tôi hay lân la bên mẹ. Mẹ âu yếm liếm màu lông nâu đậm xấu xí của tôi và dạy tôi rằng:
- Giòng giống mình hơn nhau không phải do sức vóc, xấu đẹp  mà do lòng trung thành.
-Lòng trung thành là gì hả mẹ?
- Là mình biết đáp trả và tri ân nhưng gì người chủ cho mình.
-Thế người chủ là ai hả mẹ?
- Là người đang nuôi mình. Cho mình ăn và cho mình ở.
-Có phải là cái cô có bàn tay thật ấm hay dành vú mẹ cho con không?
-Đúng vậy. Nhưng đó chỉ là một người. Chủ mình là cha mẹ của cô gái đó.
-Vậy con trung thành là làm sao?
- Vâng lời và hết sức bảo vệ họ.

Mỗi ngày, mẹ dạy chúng tôi một bài học về sự ăn, ở và lòng trung thành. Chúng tôi lớn dần lên với những điều mẹ dặn. Khi sữa mẹ không đủ cho chúng tôi no lòng. Bà chủ tập cho chúng tôi ăn trong một cái thau khá rộng. Nhưng rồi người bị hất văng ra ngoài nhiều nhất cũng lại là tôi. Cô bé lại cho tôi ăn riêng trong một cái tô nho nhỏ. Anh tôi chạy tới tranh ăn, bị cô chủ tát cho một cái rõ đau. Tôi nhìn cô đầy lòng cám ơn. Tôi tự nhủ:
-Đây là chủ của tôi. Tôi sẽ trung thành với cô như lời mẹ dạy.

Một ngày, mẹ kêu tất cả anh em chúng tôi lại. Trong buổi chiều vàng hiu hắt đó, tôi thấy mẹ khóc. Nước mắt mẹ chảy tràn ra mắt. Mẹ ngồi lên hai chân sau, cố ngăn cảm xúc và nghiêm nghị nói:
-Đã tới lúc mẹ con mình phải chia cắt. Ông bà chủ đã quyết định giao mỗi đứa con cho một người chủ mới. Mẹ không biết họ là ai. Nhưng dù họ là ai, giàu, nghèo hay ra sao đi nữa. Họ cũng sẽ là chủ mới của các con. Bài học mẹ dây các con là gì?
- Lòng trung thành . Chúng tôi đồng loạt trả lời.
- Trung thành là bản chất của chúng ta. Hãy hết lòng trung thành phục vụ chủ. Nghe chưa?

Chúng tôi quấn lấy nhau mà khóc.  Mẹ ôm lấy chúng tôi cũng khóc. Lòng trung thành của mẹ là sẵn sàng chia tay các con khi ông bà chủ quyết định. Lòng trung thành của chúng tôi là vâng lời chủ đến trung thành với một người chủ mới.

Các anh chị tôi lần lượt rời khỏi nhà. Tôi nhỏ con, xấu xí nên vẫn còn ở lại. Tôi tung tăng đùa giỡn với bầy vịt, bầy gà sau vườn. Tôi bị chú ngan to con rượt chạy khắp sân sau. Tôi vui sướng và bằng lòng với cuộc sống của mình. Tôi cũng thầm cảm tạ ơn trên cho tôi xấu xí để không ai bắt tôi phải xa mẹ. Đôi khi trong cái vô phước lại là một phước báo do duyên số mỗi người.

Mẹ tôi lại có mang. Cái bụng nặng nề thật tội nghiệp.

Một ngày, một ông lão chống gậy đến xin ăn. Ông lão ngồi trước hiên nhà xin ly nước. Tôi đến gần và liếm vào tay ông. Mùi mồ hôi của ông vừa chua vừa lạ, không giống mùi của những người chủ của tôi. Ông vuốt đầu tôi nhẹ nhàng, ông ôm lấy tôi vào lòng âu yếm. Mẹ tôi đứng ở xa xa gầm gừ như đề bảo vệ cho tôi.
Ông hỏi bà chủ:
-Bà có thể cho tôi con chó nhỏ này không?
-Ông lấy gì nuôi nó?
- Tôi nhường thức ăn cho nó. Nó sẽ là con của tôi.
Tôi nằm im ngoan ngoản trong vòng tay ông lão ăn xin. Tôi có cảm giác ông lão sẽ che chở cho tôi. Sẽ là người chủ của tôi. Tôi sẽ trung thành với ông như mẹ tôi dạy.
Bà chủ lắc đầu từ chối. Chắc bà sợ tôi sẽ đói khi về với ông lão ăn xin nghèo khổ này. Bà cho ông lão một lon gạo, đổ vào cái bị ông mang trên vai rồi đi vào nhà.
Ông lão thả tôi xuống rồi gắng gượng đứng lên chống gậy đi ra cổng. Tôi chạy theo ông gọi to:
-Ông ơi! ông ơi!
Cô chủ nhỏ chạy theo bồng tôi vào nhà...

Hai hôm sau ông lão lại tới. Ông ngồi bệt xuống bậc thềm như cũ và chìa ra một túi gạo. Ông nói:
-Tui già rồi, đi xin ăn, không có gì. Tôi chỉ có bấy nhiêu gạo. Bà cho tui xin con chó này về hủ hỉ bầu bạn.
Tôi ngước mắt nhìn bà chủ như van xin. Tôi là loài chó. Tôi không cần ăn ngon, mặc đẹp. Tôi không cần nhà sang vườn rộng. Những thứ ấy là vật chất của loài người. Tôi chỉ cần tình thương và sự tin cậy. Tôi sẽ trung thành với ai đã cho tôi tình yêu thương đó. Tôi  xà vào lòng ông lão. Mùi mồ hôi khó chịu rồi sẽ thân quen. Ông ôm lấy tôi và hôn lên mặt, lên màu da nâu đen xấu xí của tôi.

-Ờ thôi! Con chó cũng mến ông. Ông hãy chăm sóc nó. Đừng để nó đói tội nghiệp.
Bà chủ trả lại gạo cho ông lão và xoa đầu tôi:
-Con về với chủ mới nghe chưa? Ngoan nào.
Ông mừng rơn, ôm lấy tôi vào lòng. Bà chủ lại hỏi:
-Ông sẽ đặt tên cho nó là gì?
- Cưng - Con Cưng của tôi.
Mẹ tôi đứng ở xa nhìn theo  gầm gừ căn dặn:
-Hãy yêu thương con tôi nhá ông. Con ơi! Hãy trung thành và chăm sóc  ông nghen con. Ông sẽ là người chủ tốt.
Tôi nhìn mẹ kêu lên một tiếng dạ thật lớn. Ngôn từ của loài chó chỉ có mẹ tôi là hiểu. Tôi dụi đầu vào áo ông. Mùi này tôi sẽ nhớ và sẽ không bao giờ chia cắt. Tôi thầm thì ử ử:
-Ông ơi, Con yêu kính ông.

Từ đó! Tôi theo ông chủ mới của mình. Ông chủ của tôi nghèo hơn tất cả những người chủ của các anh chị tôi. Ông chỉ có một cái chái nhỏ lợp lá xơ xài  bên góc vườn của một ngôi chùa nhỏ.
Ông không có tiền nên tôi không cần đêm đêm trắng trờ con mắt để bảo vệ cho trộm khỏi vào nhà. Tôi mặc tình chạy khắp nơi trong cái chòi tranh nhỏ mà không sợ chủ đánh vì sợ dơ nhà, dơ thảm. Tôi không bị tròng vào cổ những sợi dây da và kéo đi mỗi khi phải ra đường. Tôi được ông bồng trên tay như một đứa con mỗi khi đi đâu. Tôi tha hồ liếm vào mặt, vào tay ông. Tôi được đắp chung chăn với ông mỗi khi trời lạnh. Tôi nằm ngữa bên ông ngoài sân gió mát mỗi khi hè. Tôi không bị chủ chê dơ,hay hôi hám.
Bởi vì có ai còn dơ hơn là một ông lão ăn xin. Tôi với ông ngày ngày bên nhau như hai cha con, xấu xí và lem luốc.

Mẹ tôi và bà chủ cũ sợ tôi đói lạnh. Nhưng thật ra tôi không hề đói lạnh. Hàng ngày tôi theo ông đi ra khỏi cái chòi rách nát. Ông xin được chén cơm, ông sớt cho tôi một nửa. Ông già rồi, ăn uống bao nhiêu. Thịt cá ai cho, ông cũng dành cho tôi phần hơn. Cái ông cho tôi nhiều hơn tôi nghĩ.
 Ông cũng không tham lam tiền của. Đi xin chỉ đủ một ngày no bụng là ông cháu về nhà. Đủ rồi! bao nhiêu của cải tiền bạc, ta cả một đời dành dụm, bây giờ cũng không còn gì. Ta đã đi xuyên suốt cuộc đời, ta đã hiểu hai chữ có, không và nhân quả. Giờ thì tiền bạc không phải là tất cả cuộc sống của ta. Thanh tịnh và không có gì hết là kết quả nhàn nhã nhất của một kiếp người.
Con theo ta, đó là cái duyên của ông cháu mình, tuy đói nghèo nhưng an tịnh với cảnh chùa con có biết hay không?
Ông xoa đầu tôi và dẫn tôi lên chùa làm công quả. Ông chậm chạp quét dọn sân  trước, sân sau. Ông lượm rác và thật trang trọng  lau bụi bậm từng vị La Hán ở sân chùa. Tôi đi theo ông dạo chơi khắp khuôn viên xinh xắn đó. Nghe tiếng mõ gỏ nhịp đều đều, thanh tịnh. Ông ngồi nhắm mắt lại lim dim. Tôi gát đầu trên đùi ông và nghe mình thật  hạnh phúc.

Thầy trụ trì nói ông  thôi đừng đi xin ăn nữa. hãy dùng cơm nhà chùa và ở đây làm công quả. Nhưng ông không chịu. Ông nói nghiệp căn ông nhiều lắm, ông không thể ngồi yên hưởng lộc Phật. Ông phải ra ngoài, xin từng hạt cơm bố thí. Nghe thiên hạ miệt thị, khinh khi để trả nợ đời.
Đôi khi ông vuốt ve tôi và thầm thì:
- Kiếp trước con cũng gây nhiều tội lỗi. Kiếp này con phải  bị đọa làm thân súc vật. Hãy nghe kinh và sám hối nghe chưa!.
Tôi nhìn ông bằng đôi mắt biết ơn. Tôi không biết ông đã làm sai điều gì, nhưng trái tim ông thật nhân hậu. Tâm ông thật bình an. Nhiều khi cùng ông đi xin, có những đứa bé lấy đá chọi ông đau điếng. Ổng không quay lại mà chỉ cúi đầu đi thẳng. Khi được bố thí nhiều kẹo bánh, ông lại đem phân phát cho chúng với nụ cười hiền lành. Có người chê ông ở dơ không cho ông vào sân và mắng ông thậm tệ. Ông cũng không trả lời. Có khi ở chợ, bán buôn ế ẩm, họ đổ thừa mắng  ông nặng lời. Họ chửi ông đem đến xui xẻo cho tiệm quán. Ông rối rít xin lỗi và tỏ vẽ ân hận. Có người độc miệng mắng ông là: đồ ăn xin, đồ ở dơ  và chửi vói theo nói chúng tôi là đồ chó hay ở dơ như chó

Tôi hứa với mẹ là sẽ bảo vệ ông. Nhưng tôi biết nếu tôi xông vào những người xấu, cắn họ hay làm dữ thì cả ông và tôi đều thành người xấu như họ. Ông dạy tôi hai chữ nhịn nhục đi theo hai chữ trung thành. Gần bên ông, sống cạnh những người tu hành tâm tôi hiền lành ra. Bản tánh súc vật tranh ăn, hung dữ  đã lần lần được ông cảm hóa. Khi ông ngồi lần tràng hạt hay tụng kinh. Tôi ngồi bên ông và lắng nghe. Tôi không hiểu gì cả, nhưng tôi cảm nhận mình thật bình an.

Tôi mỗi ngày mỗi cao lớn, ông mỗi ngày mỗi già. Mắt ông yếu nhiều, chân ông run rẩy. Ông không bồng tôi trên tay mà tôi chậm chậm dẫn đường ông đi. Nhiều khi trời rét lạnh căm, tôi nép vào ông cho ông ấm. Tôi dùng răng, dùng chân kéo chăn đắp cho ông mỗi lúc đêm về. Tôi không thể nói cũng không có tay để săn sóc cho ông. Nhưng tôi có trực giác mỗi khi ông không khỏe. Tôi liếm vào mặt, vào tay ông cho ông tỉnh táo.

Hôm qua ông và tôi đã mắc một cơn mưa lớn trên đường về nhà. Ông trượt chân té sầm vào vũng nước. Ông run không đứng dậy được. Nước mưa vẫn rơi tầm tả trên đầu hai ông cháu. Tôi cắn ống quần kéo lê ông ra khỏi vũng nước sâu. Tôi liếm vào mặt ông, dùng mặt mình để hứng những giọt mưa cho ông bớt ngộp. Tôi sủa to lên kêu cứu, tôi mong ước có ai đó đến giúp dùm tôi.
Ông ơi! Ông ơi!
Tôi kêu lên thảng thốt. Tôi liếm vào mặt, vào tay ông để ông ấm lại. Mưa tạm ngừng. Ông mở mắt ra mệt nhọc và gắng đứng lên. Hai ông cháu khập khểnh về nhà. Tôi là chó, tôi không có tay để thay đồ cho ông. Tôi không thể nấu cho ông ly nước ấm. Tôi không thể săn sóc ông như một con người. Ông nằm vật xuống đất khi về tới nhà. Người ông lạnh run, đầu ông nóng hừng hực. Tôi cắn chặt mảnh chăn kéo phủ kín người ông cho ấm lại Ông vẫn bất động mê man. Tôi dùng hết sức mình để lay ông tỉnh dậy. Ông vẫn im lìm thoi thóp mệt nhọc.

Tôi chạy như bay vào chùa. Tôi cào cửa phòng thầy trụ trì kêu cứu. Thầy theo tôi về căn lều của hai ông cháu. Thầy sờ đầu ông, tay ông, chân ông rồi hốt hoảng cho người đem ông về chùa. Ông được các vị tăng trong chùa cho uống thuốc, xoa dầu, thay  bộ đồ lam và đặt ông nằm trên giường, đắp chăn ấm áp.

Tôi phủ phục bên cái giường nhỏ ông nằm. Tôi an lòng biết ông đã được các thầy chăm sóc. Nhưng tôi không còn tâm trạng nào chạy rong chơi khắp chốn trong sân chùa. Tôi đã lớn khôn để biết người chủ của mình đang cần sự giúp đở. Nhưng tôi không biết phải làm gì hơn là chờ đợi và lo lắng cho ông. Tôi lặng lẽ đi ra trước chánh điện, đứng ở ngạch cửa nhìn vào. Trên bàn thờ Phật đèn nhang rực rỡ. Ông Phật thật hiền nhìn tôi như hỏi:
-Con có gì cần cầu nguyện phải không?
- Dạ phải. Con xin ngài hãy từ bi giúp ông con mau bình phục. Ông con là người tốt. Ông nghèo nhưng không tham lam. Bần cùng nhưng không bỏn xẻn, ti tiện. Ông già xấu xí nhưng tâm ông hiền lành, tốt đẹp. Ông xin ăn nhưng nói năng  từ tốn , lễ nghĩa. Ông tuy sống kiếp bần tiện nhưng tư cách ông thật đáng trân trọng. Ông biết kính Phật, kính tăng và luôn làm công quả bằng tất cả tâm thành của mình. Xin Phật hãy giúp ông của con.

Phật như hiểu tất cả, ngài nhìn xuyên suốt quá khứ, nghiệp căn một sinh linh trong lốt chó và ngài mỉm cười từ bi.

Tôi bước ra khỏi chánh điện và về nằm phục dưới chân giường của ông tôi.
Ông ơi! Phật đã hứa với con rồi. Con không biết ngài sẽ làm gì và giúp ông thế nào. Nhưng con yên lòng vì con đã nói hết những gì con đã nghĩ về ông.

Con là chó, cái thứ  "Đồ Chó " mà loài người thường khinh bỉ. Còn ông, họ nói ông chỉ là một tên ăn mày bần tiện. Nhưng ông ơi! Trong lòng con, ông là một vị bồ tát hiền nhất mà con được gần gũi. Ông đã cho con nhiều thứ lắm. Tình yêu thương không phân biệt giữa người và chó. Sự khoan dung, từ ái của một ông lão với một con chó nhỏ xấu xí. Sự bao dung tha thứ những lỗi lầm người khác bằng trái tim vị tha. Ông xin người ta, nhưng thực ra ông đã giúp cho họ phát triển hạnh bố thí.
Con không biết rồi ông sẽ ra sao. Nhưng con tin tưởng tâm ông rất bình thản và nhẹ nhàng trước mọi sự việc.

Tôi ghếch đầu lên đôi dép đã mòn đế của ông và nằm lim dim. Tiếng chuông  công phu từ chánh điện vọng về. Các thầy đã tới giờ tụng kinh sám hối. Tôi nhắm mắt lại,  lắng nghe tiếng mõ đều đặn lẫn tiếng tụng trầm bỗng ngân nga.
Tự dưng trong đầu tôi hiện lên hình ảnh ông Phật thật hiền với một nụ cười. Tâm tôi cũng vang lên những câu tụng niệm hàng ngày của các vị tăng:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.

Con xin thành tâm sám hối.
 Nguyễn Thị Thêm

1 comment:

  1. Xin cám ơn Chị Thêm. Bài viết quá hay và làm cho mọi người xúc động.

    Lê Hoàng Ân pd Phúc Hỗ

    ReplyDelete