Tui rất thích cái tựa “Nguyễn Thị Sài Gòn”, tên một bài hát của
nhạc sĩ nổi tiếng đấu tranh Việt Dzũng.
Nhưng ‘Thị’ là chữ lót của một người đàn bà, con gái; còn tui là
đàn ông, con trai, tất chữ lót phải là Văn; nên tui tự đặt tên mình là: “Nguyễn
Văn Bến Nghé”.
Hai cái tên nầy chỉ đối nhau chan chát giữa ‘Thị’ và ‘Văn’. Còn
cái họ Nguyễn, người Việt mình nhiều vô số kể, nên mấy em Úc tóc vàng mỏ đỏ ở
Melbourne nầy đây muốn dụ dỗ tui ‘tù ti tú tí’, bao giờ cũng gọi tui là “Mít-tờ
(Mister) Nguyen!”
Còn Sài Gòn và Bến Nghé (là cái bến mà người ta thường cho trâu,
bò ra tắm) chỉ là một mà thôi!
Sài đọc theo âm ‘Prei’, tiếng Khmer, nghĩa là rừng. Gòn là bông
gòn. Như vậy Sài Gòn là Rừng cây bông gòn.
Ông bà mình hồi xưa từ miền Trung vào miền Nam khẩn hoang, đến
vùng đất mới nào, thấy có nhiều loại cây hơn chỗ khác thì lấy tên loại cây đó đặt
tên cho vùng đất mới.
Chính vì vậy mình mới có các địa danh dễ thương như: Gò Cây Mai,
Gò Sao, Gò Cây Quéo và Gò Vấp…
Cây Da (miền Bắc gọi là Cây Ða) nổi tiếng với địa danh Cây Da
Xà. đường Da Bà Bầu… (Cây Da có nhà bà tên Bầu, chớ hổng phải da của bà đang
mang bầu đâu nhe!) gần nhà ông Trường Kỳ nhạc trẻ…
Rồi Cây Ðiệp, Cây Gõ, Cây Vông… đến Chợ Vườn Chuối, Chợ Rẫy, Chợ
Ðệm, Chợ Cây Ðiệp…
Kinh rạch cũng mang tên các loài cây như: Rạch Bàng, Rạch Chiếc
hay Hóc Môn (Rạch nước nhỏ có cây môn nước) hoặc Mười tám thôn Vườn Trầu, suối
Lồ Ô (bà con với cây tre, cây trúc)
o O o
Nhà thơ Bùi Giáng có câu: “Hỏi rằng: người ở quê đâu? Thưa rằng:
tôi ở rất lâu quê nhà!”
Mình đang ở Sài Gòn mà có người hỏi quê đâu? Sanh đẻ ở đây, lớn
lên ở đây, mèo chuột gái gú ở đây, bị em yêu bắt làm tù binh, cũng ở đây! Rồi
ăn nhậu, tụ bè tụ đảng cũng ở đây thì hỏi quê đâu là sao hè?
Tui cũng ở Sài Gòn khá lâu đó chớ, dù không liên tục nhưng gộp lại trước sau dẫu đứt khúc cũng khoảng 10 năm. Vậy mà hai thằng bạn nhậu nghe tui gáy te te là dân Sài Gòn mà quận Nhứt nữa, tụi nó cứ cười khằng khặc:“Ông chỉ là dân ở trọ đất Sài Gòn. Còn hai thằng tui là sanh đẻ ở Tân Ðịnh nè, là dân Sài Gòn chánh gốc, có trích lục thế vì khai sanh đàng hoàng do Chánh lục bộ của Tòa án cấp.”
Tuy nhiên hỏi phăng ngược lên đời trước nữa thì một đứa có ‘Thầy
U’ đi tàu há mồm từ Bắc vào Nam, đứa còn lại có ‘Ba Mạ’ từ Huế, xứ thần kinh,
bám xe lửa xuyên Việt vào tới Sài Gòn những năm 40.
Chính vì vậy mà hồi năm 1963, học Ðệ thất ở Petrus Ký, bạn cùng
lớp tui không thấy thằng nào vỗ ngực xưng tên là ‘Made in Sài Gòn’ vì đứa nào
cũng là dân tứ xứ.
Nhưng đến Sài Gòn là yêu Sài Gòn hè! Như ông nhạc sĩ Y Vân, sanh
đẻ tại Hà Nội, vào Nam năm 1952, cũng khoái, nên la làng lên rằng: “Sài Gòn đẹp
lắm! Sài Gòn ơi!” La xong còn nhảy ‘twist’ nữa mới đã!
Rồi nhà thơ Nguyên Sa, cũng người Hà Nội, vào Nam rồi cũng cảm nắng
Sài Gòn.
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông
…Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết/ Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng
vì đâu.”
Vâng! Nắng Sài Gòn kinh lắm nhứt là vào đầu mùa Hạ, tháng Sáu,
tháng Bảy.
Nhưng được cái là: nắng sớm mưa chiều! Mới nắng đó rồi bất ngờ
Trời đế cho một trận mưa rào, ào ào ướt áo em yêu, ướt hết ráo cái áo dài của
em may bằng vải Tetoron trắng mỏng dính.
Nên mưa Sài Gòn, (không phải tui tửng tửng với thời tiết gì
đâu), là tui che dù, mặc áo mưa, dù đang ở trong nhà tạnh ráo, tui cũng ráng bò
ra đường dòm, chắc bà con mình đã biết tại làm sao?
Rồi sau nầy mất nước làm thân lưu lạc, phiêu bạt quê người tới tận
Melbourne nầy đây tui vẫn tự nhận mình là người Sài Gòn hè!
Mà nó đâu có chịu nằm im, cứ nhúc nhích hoài, gợi nhớ… nhứt là mỗi
độ tháng Tư về.
Do đó khi ông Trịnh Công Sơn hỏi em yêu của ổng là: “Em còn nhớ
hay em đã quên?” (Thì tui thấy hỏi vậy là thừa!)
Ông nhạc sĩ nầy sợ em quên, nên nhắc nhỏ em là: “Nhớ Sài gòn mưa
rồi chợt nắng/ Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân? Nhớ đèn đường từng đêm thao
thức…
…Nhớ đường dài qua cầu lại nối/ Nhớ những con sông nối hai dòng
kênh / Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng…”
Tuy nhiên đang bùi ngùi thương nhớ Sài Gòn thì nhạc của ổng bỗng
chuyển ‘ton’ một cách lãng xẹt hè: “Em ra đi nơi này vẫn thế… Thành phố vẫn có
những ước mơ/ Vẫn sống thiết tha/ Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi”
Ðang dịu dàng hỏi ‘ní’: “Có nhớ Sài Gòn không? Thì đàn đứt ngang
cung, nổi khùng lên: “Em đi thì kệ em chớ! Sài Gòn vẫn thế, còn ngon hơn ngày hổng
có em!”
Tới đây là tui không đồng ý với ông nhạc sĩ (gió chiều nào che
chiều đó) rồi đó nhe!
Một là Sài Gòn là thủ đô chớ không thành phố (?!)… gì ráo. Hai
là: Bên cạnh một Sài Gòn hoa lệ với nhà cao tầng, trang phục hàng hiệu, xe cộ
sang trọng là một Sài Gòn lam lũ, nhọc nhằn của những gánh nặng trĩu trịt hai
vai của người bán hàng rong, của trẻ ăn xin, bán vé số, vất vả dãi nắng dầm mưa
với hy vọng tối nay đi ngủ không phải với cái bụng đói meo.
Tui đi đã mấy chục năm mà chưa trở lại Sài Gòn, nhưng có nghe
nói Sài Gòn giờ là một rừng bê tông, cao ốc… Vì CS muốn Sài Gòn giống hịt
Singapore.
Úy trời đất ơi! Học cái hay thì học. Học cái ngu thì học làm gì.
Lý Quang Diệu xây cái Singapore trên một làng chài hoang vắng.
Còn Sài Gòn có một kiến trúc tuyệt vời đâu phải ai cũng có, người ta thèm muốn
chết mà không có được… Sao cứ chơi ngu đập và đập?
Viện lý do quy hoạch như hạch, bèn chặt dãy cây dọc đại lộ Nguyễn
Huệ, trên đường Cường Ðể, đốn ngã hàng cây cao trước Quốc Hội ngày xưa…
Thực dân Pháp dẫu xâm chiếm nước ta cũng không đến mức ngu xuẩn
và tàn nhẫn như vậy!
Năm 1862, sau khi chiếm Sài Gòn – Gia Ðịnh, Kiến trúc sư
Pháp đã thiết kế Sài Gòn là một thành phố Vườn, một Paris nhiệt đới! Sài Gòn có
Sở Thú, Vườn Ông Thượng (vườn Bờ Rô hay công viên Tao Ðàn, cũng nó đó đa! )
Ai cũng biết là năm 1868, Tây cất Dinh Norodom cho Thống đốc Nam
Kỳ. “Vườn phía sau Dinh của quan lớn dân gọi là “Vườn Ông Thượng”
(Giữa vườn có một sân gạch, nên dân gọi là “Vườn Bờ Rô” (Préau
tiếng Pháp, là “sân lót gạch”).
o O o
Tía tui rất thích chụp hình. Hồi xưa Chủ Nhựt, Tía dắt Má và đám
con đi Sở Thú coi khỉ hay đi vườn Bờ Rô chụp hình….
Sau nầy xa quê, ngày anh em tui xúm lại làm đám giỗ Tía Má, đem
những cái hình xưa cũ còn giữ trong album ra coi.
“Nè cái hình nầy là Má bồng thằng Phương. Tao với anh Nhiên mặc
quần sọt mang giày săng đan, đầu chải bảy ba. Còn con Phượng, (em gái kế tui).
thì mặc áo đầm tóc quăn (uốn tóc), thoa son môi của Má, vì Ba muốn làm đẹp cho
đứa con gái của mình.
Còn thằng Quân trong hình, sao mầy lại khóc?” Thì thằng em tui
cười khè khè nói: “Tại lúc đó tui khát nước… mía! He he!”
o O o
Nhớ Sài Gòn! Nhớ Bến Nghé! Nhớ nhà thơ Nguyễn Ðình Chiểu trong
bài thơ ‘Chạy Giặc’ “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây/ Một bàn cờ thế phút sa
tay? Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ đàn chim dáo dác bay/ Bến Nghé của tiền
tan bọt nước/ Ðồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây…”
Và tui cũng tự hỏi Sài
Gòn, Bến Nghé bị CS làm cho tanh bành tí bị như thế nầy mà: “Hỏi trang dẹp loạn
rày đâu vắng/ Nỡ để dân đen mắc nạn này?”
Ðoàn Xuân Thu
Lúc mới đến Paris dù đã biết nói tiếng Pháp, biết thủ đô Pháp khá nhiều qua sách báo, tôi vẫn cảm thấy vô cùng lạc lỏng. Bây giờ trở về Sài Gòn, nơi tôi đã sanh ra và lớn lên tôi cũng cảm thấy lạc lỏng y như vậy. Luôn cả tiếng việt mà tôi đã biết và dùng mấy chục năm của cuộc đời cũng không còn nghe lại được. Cách phát âm tiếng việt bây giờ đã khác. Ô. Xuân Thu dùng những từ đặc sệt miền tây, những từ mà tôi nghe dì hai của mình thường dùng lúc tôi còn thơ ấu. Đọc thấy ấm lòng làm sao ! Cám ơn tác giã.
ReplyDeleteVề nhà nhưng không cảm thấy nhà mình.. Buồn !
ReplyDelete