Ở hải ngoại, mười ông
Việt Nam sồn sồn, cỡ trên dưới sáu mươi tuổi thì có đến chín ông là nhà thơ.
(Xin bạn đồng ý với tôi, vì chính bạn cũng từng làm thơ, từ thời còn đi học ở
quê nhà, nhưng không gửi đăng báo vì khiêm tốn đấy thôi). Ở hải ngoại, cuộc mưu
sinh tuy bận rộn nhưng một lúc nào đó, những “rung động bất chợt của những nỗi
nhớ, những kỷ niệm…”, khiến tâm hồn lãng mạn cảm hứng thành những vần thơ, phải
ghi xuống để khi rãnh rỗi, đem ra ngâm nga, tự thưởng thức. Và “chủ đề” của các
ông, bà hiện nay là “quê cũ và người xưa”.
Sự thực, với các ông, trong chín nhà thơ đó, hết tám ông, thời còn đi học không
hề có người yêu, yêu thầm thì họa may. Lý do đơn giản là thuở học trò, cứ vác
quả tim cô đơn đi cà lơ thất thểu ngoài đường chứ chẳng cậu nào dám tán tỉnh hay
tỏ tình với người đẹp. Nhưng trong “thơ văn hoài niệm” ông nào cũng sắm cho
mình một lô các cô nữ sinh, xinh đẹp, ngây thơ… và nhất là cũng yêu “chàng”
(nhà thơ) say đắm. Nhưng đau khổ thay! Người yêu lên xe hoa với người khác
khiến chàng thành “thi sĩ”.[/CLOR]
Người làm thơ, trước hết là để cho mình ngâm nga, sau đó (tự thấy
hay) mới quyết định mời thiên hạ cùng thưởng thức. Thời đại khoa học tân tiến, chỉ
cần mở computer tung thơ mình lên “net” là có hàng trăm, hàng nghìn người đọc.
Rồi thì những hồn thơ đồng cảm tìm đến nhau. Trước còn sơ giao, sau thành thân
thiết. Khoảng năm 1994, ở hải ngoại, có Hội Thơ Tài Tử, quy tụ hàng nghìn nhà
thơ trên khắp thế giới. Họ góp thơ để phát hành những tập thơ “Cụm Hoa Tình
Yêu” dày năm, bảy trăm trang của mấy trăm nhà thơ, lại còn hẹn nhau cứ mỗi hai
năm, cùng họp mặt để đem thơ mình ra ngâm nga, cùng thưởng thức, sau đó rủ nhau
đi thăm thắng cảnh, đi ăn uống, vui chơi… Nơi họp mặt thường là các thành phố
đẹp ở Mỹ, Châu Âu… Mới đây nhất là cuộc họp mặt của Hội Thơ Tài Tử ngày 14
tháng 9 năm 2012 tại Dalas, Texas kỷ niệm 18 năm thành lập, quy tụ nhiều nhà
thơ khắp thế giới, có cả những nhà thơ từ Việt Nam sang. Trên thế giới, xưa nay,
chưa có hội thơ nào quy tụ nhiều nhà thơ đến như vậy. Tuy vậy còn có hàng trăm
thi sĩ người Việt hải ngoại không vô hội, họ làm thơ chỉ phổ biến trong bạn bè,
thậm chí để riêng mình ngâm nga.
Tôi biết có một ông nhà thơ thuộc loại đó. Nhà thơ Xuân Tình với tập “Thơ Xuân Tình”.
Tình yêu trong thơ ông ta mênh mông, lai láng như muốn tràn ra ngoài những
giòng chữ.
Chuyện đó có gì lạ đâu?
Điều lạ mà tôi sắp kể ra đây lại là bà vợ ông nhà thơ đó.
Bà vợ ông nhà thơ làm chủ hai tiệm nail (làm móng tay), khá lắm, nên ông chồng
ở nhà, đi vô đi ra và làm thơ chơi để giết thì giờ. Vợ ông ta rất yêu chồng,
yêu luôn thơ của chồng. Làm chủ tiệm nail lại phải lo chuyện gia đình, chợ búa,
nấu nướng, giặt giũ áo quần, rửa chén bát… bận túi bụi, vậy mà về đến nhà là ôm
chồng hôn và âu yếm hỏi “Bữa nay ông xã em làm được mấy bài thơ? Đọc cho em
nghe với!” Trong khi ông chồng đi lấy mấy bài thơ vừa sáng tác thì bà vợ nấu
nước pha trà. Hai người ngồi ở phòng khách, vợ tựa đầu trên vai chồng, lắng
nghe chồng ngâm thơ. Và dù là những câu thơ bí hiểm cách mấy, bà vợ cũng suýt
xoa khen hay. Chuyện ngắn là chuyện dài “cô đọng”, bài thơ là chuyện ngắn “cô
đọng”. Bà ta không cần biết điều đó. Bà chỉ cảm nhận được chồng mình có gì đó
cao quý hơn người khác. Chồng bà là “nhà thơ”. Bà yêu chồng, yêu hồn thơ của chồng.
Sau khi cùng chồng uống chén trà thơm, bà ta hôn chồng lần nữa rồi mới đứng lên
lo chuyện cơm nước. Bà ta nấu vài món thôi, nhưng nấu nhiều. Lũ con, nhà gần
đấy, đã nên vợ nên chồng, nhưng vẫn giữ thói ăn bám mẹ. Buổi chiều chúng chỉ
chờ mẹ gọi là cả gia đình kéo đến ăn, đã khỏi nấu nướng mà được mẹ cho ăn ngon
còn bới đem về để sáng mai đem đi làm.
Chuyện hai ông bà yêu thơ hơi quá đáng, có thể làm bạn nghi ngờ tôi “sáng tác”.
Làm gì có bà vợ yêu chồng kiểu đóng kịch như vậy? Xin bạn kiên nhẫn đọc những
chuyện vô lý tiếp theo. Vợ chồng tôi có quen với vợ chồng nhà thơ nên mới biết
mà kể cho bạn nghe.
Ông nhà thơ nầy là một ông cù lần. Suốt ngày ở trong nhà, cứ lừ nhừ, khật khừ
như con gà rù, chẳng bạn bè, chẳng hội đoàn, ngay cả hội “Thơ Tài Tử” ông ta
cũng không tham gia. Một lần gặp vợ tôi, bà chủ tiệm nail khoe thơ chồng mình hay
lắm, tôi hỏi sao không gửi đăng báo để thiên hạ cùng thưởng thức? Bà ta nói
rằng, có gửi nhưng không thấy báo nào đăng! Tôi mới tiết lộ cho bà ta cái
“mánh” giống như của tôi (mỗi khi gửi truyện đến các báo) “Chị gửi khoảng chục
bài thơ của ông xã chị, kèm theo một chi phiếu mua một năm báo, họ sẽ coi như
“bài cậy đăng”. Nhất định thơ của ông xã chị sẽ xuất hiện trên báo đó”. Bà ta
bảo rằng không biết làm cách nào? Tôi bảo cứ ký cho tôi năm ba cái chi phiếu,
tôi sẽ lo giùm cho.
Vậy là cả năm tờ báo, thuộc loại “văn học nghệ thuật” ở Cali. , Texas đều đăng thơ
của ông chồng bà chủ tiệm nail. Bà ta đem mấy tờ báo ra tiệm khoe với khách
hàng người Việt rồi cám ơn tôi rối rít “Ông xã em vui lắm. Không ngờ thơ mình
được các báo giá trị đăng. Cám ơn anh nhiều lắm”. Như vậy là bà ta không cho
chồng biết đó là “những bài thơ cậy đăng”. Tôi bảo “Có một cách làm cho ông xã
chị khoái hơn nữa là ra mắt thơ”. Chuyện móng tay, móng chân thì bà ta rành,
nhưng về văn học nghệ thuật thì bà ta lại phải nhờ tôi “Em có nghe chuyện ra
mắt thơ, nhưng không biết làm cách nào? Anh có thể giúp em được không? Miễn ông
xã em vui thì tốn kém bao nhiêu em cũng không ngại” “Ra mắt thơ nhiêu khê hơn
đăng thơ trên báo, nhất là ông xã chị không quen biết nhiều với báo chí, ít
giao thiệp với đồng hương địa phương ở đây. Tôi lên chương trình như thế nầy để
chị về bàn với ông xã chị trước khi quyết định vì tốn tiền lắm. Trước hết là in
những bài thơ của ông xã chị thành tập, gọi là “thi phẩm”. Muốn chơi sang thì
nhờ một ông nhạc sĩ phổ nhạc khoảng mươi bài thơ, thuê ca sĩ hát và thu vào CD,
sau đó tổ chức một buổi ra mắt thơ, có ca sĩ hát “thơ phổ nhạc”. Hôm ra mắt
thơ, ông xã chị ngồi sẵn chỗ ra vào, ký tặng thơ và CD. Nhớ đừng ép mua, kiểu
bắt chẹt đó khiến người ta bực mình. Người ta đến là may lắm rồi. Muốn buổi ra
mắt thơ được đông vui, chị phải quảng cáo trên đài phát thanh, trên TV, trên
báo chí thật rầm rộ. Nhưng tôi báo trước là chục nghìn không đủ đâu”. Bà ta
sáng mắt lên “Bao nhiêu cũng được miễn sao chồng em được mọi người biết tên,
báo chí, truyền hình, phát thanh đưa tin, gọi chồng em là “thi sĩ” là chồng em vui
rồi. Anh cố giúp giùm em. Anh đừng ngại chuyện tiền bạc” “Tôi chỉ giới thiệu
những người lo chuyện ra mắt thơ với chị, họ sẽ sắp xếp mọi việc. Chị yên tâm”.
Vài tháng sau, việc in ấn, phổ nhạc, thu CD đã xong, tôi gọi cho một ông trưởng
ban nhạc kiêm MC (người điều khiển chương trình), chuyên phục vụ đám ma, đám
cưới, hội xuân, ra mắt sách… nhờ ông ta lo giùm, rồi gọi một ông bạn, nhà “phê
bình văn học nghệ thuật” ở Cali. nhờ giới thiệu tập thơ. Ông ta bảo, đây là dịp
qua Virginia thăm bạn bè mà không tốn tiền nhưng phải gửi cho ông ta tập thơ rồi
lo cho ông ta vé máy bay, khách sạn và vài chai rượu là đủ, và muốn ông ta nói
trong bao lâu (nửa giờ, một giờ?), ông ta cam đoan sẽ làm phổng mũi tác giả và
khán giả sẽ vỗ tay liên tục. Ông bạn “nhà phê bình” nầy tính hơi khùng khùng,
nhưng cũng rất khôn. Ông ta góp nhặt những đoạn văn từ những bài phê bình, nhận
định văn học trên các báo, xào nấu lại thành những bài thuyết trình hoa mỹ,
thánh thót của riêng mình. Ông ta có khoảng năm, bảy bài thuyết trình tiền chế
như thế, thủ sẵn, khi có người nhờ, giới thiệu một tác phẩm, thì chỉ việc lựa
bài nào thích hợp với tác phẩm, nhét vào đó tên tác giả là thành một bài giới
thiệu nghe rất mê ly. Một tập thơ, tập truyện, dở cách mấy mà qua tay ông ta
với bài thuyết trình cũng trở thành “kiệt tác”. Đương nhiên, tác giả sướng mê,
khán giả cũng khoái lỗ tai.
Thật ra, tôi vốn tính lười. Vợ sai còn không chịu làm, hơi sức đâu làm chuyện
tào lao! Nhưng vì tôi không ưa ông nhà thơ nầy nên muốn phá chơi, vì trước đây
vài năm, ông ta gặp ai cũng chào hỏi vui vẻ, còn rủ đi uống cà phê để tán phét,
về sau, bỗng nhiên, ông ta rút vô nhà, gặp bạn bè, chào hỏi, ông ta chỉ gật đầu
mà không thèm mở miệng, có lẽ ông ta thành nhà thơ, thuộc “cõi trên”, không thèm
giao tiếp với bọn tầm thường. Bây giờ, tôi xúi ra mắt thơ mà không ai đến để
ông ta “quê”, cho bỏ ghét. Hơn nữa, tôi tò mò muốn biết về bà chủ tiệm nail
nầy. Yêu thương chồng, chiều chồng theo kiểu kỳ quái đó thì xưa nay hiếm thấy.
Bà nào nghe chồng in thơ, ra mắt thơ là nhăn mặt rồi. Đã tốn kém còn phải mang
về cả nghìn tập thơ, để chật nhà.
Muốn gửi tặng bạn bè, phải moi óc, có được vài chục địa chỉ là quá nhiều, lại phải
ký tên, ra bưu điện gửi, tốn kém, phiền phức vô cùng! Nhiều ông còn đi các tiểu
bang khác, ra mắt thơ, các bà vợ rầu lắm mà không dám nói. Riêng bà vợ ông nhà
thơ nầy thì lại hối hả, chạy ngược, chạy xuôi, gọi người nầy, người kia nhờ vả,
năn nỉ, đốc thúc… Tôi được bà ta coi như quân sư, gì cũng hỏi ý kiến, tôi thấy
tội nghiệp nên cố giúp. Vì biết kết quả sẽ không ra gì nên tôi giao hẹn trước
“Tôi giúp ông bà hết mình rồi nhưng người ta có đến hay không, tôi không chịu
trách nhiệm”.
Hôm ra mắt thơ, vợ chồng tôi có đến phụ giúp việc chào đón quan khách, sắp xếp
chỗ ngồi. Thật không ngờ, khách đến chật nhà hàng! Không biết ai xúi mà bà ta
mời một cô ca sĩ nổi tiếng từ Cali . qua. Thế là cứ nghe báo chí, đài phát
thanh quảng cáo có cô ca sĩ Ngọc Hạ hát là người ta ùn ùn kéo đến. Hơn nữa đã
nghe hát “chùa” (miễn phí) lại được tác giả tặng không tập thơ với CD ca nhạc,
lại có nước ngọt, bánh kẹo để nhâm nhi, được gặp bạn bè trò chuyện rôm rả (chả
cần biết diễn giả đang nói gì!). Vợ chồng nhà thơ mặt mũi sáng rỡ, nhất là ông
chồng, không còn là con gà rù nữa, lúc nào cũng tươi cười, ký tên tặng thơ
không ngơi tay.
Có điều lạ là, không biết từ đâu kéo đến một lô người đẹp. Tôi thật sự kinh ngạc,
không ngờ thơ ông ta làm rung động quả tim của những cô trẻ đẹp đến như vậy!
Các cô rất hấp dẫn, thơm tho, ngon lành. “Nói chung” là cô nào cũng nõn nà. Cô
có cánh tay trắng nuốt thì mặc áo hở cả nách, cô có đùi thon dài thì mặc quần
trên đầu gối hai gang tay, cô có ngực tròn, trắng, mịn như trứng gà bóc thì chỉ
che ngực một phần tư thôi. Có cô, diện giống như nữ tài tử xi nê đến dự đại hội
điện ảnh Oscar, phía sau, từ cổ đến dưới eo (lưng) để trống trải, thoáng mát,
nên cô đi đâu thì đầu các ông quẹo theo hướng đó. Đã vậy các cô lại đi lung
tung, gặp ông nào cũng chào, chào theo kiểu Nhật, nghĩa là cúi gập người xuống.
Các ông thấy hết, mặt thộn ra, như bị bắt mất vía. Có lẽ xong buổi ra mắt thơ
mà các cô chưa về, các ông cũng không chịu về. Tôi đâm ra ước được như ông nhà
thơ, để trong mấy chục cô “hâm mộ thơ” đó làm gì cũng có vài cô sa vào vòng tay
của tôi. Có điều lạ là bà vợ ông ta không tỏ ý khó chịu trước những lời ca
tụng, tán tỉnh gần như tỏ tình của các cô (nõn nà) nầy với ông chồng (nhà thơ),
mà còn về hùa theo rồi cười đùa vui vẻ nữa. Vì sao bà ta lại quá tử tế với
chồng đến như vậy?
Buổi ra mắt thơ thành công ngoài mơ ước. Người điều khiển chương trình quả là
chuyên nghiệp. Anh ta mở miệng là khán giả cười vui như xem hài kịch. Nhà phê bình
văn học nghệ thuật thì đúng là danh bất hư truyền. Vì tôi mãi chiêm ngưỡng vẻ
đẹp giai nhân nên đôi mắt và hồn vía tôi cứ bám sát theo các cô đang ỏng ẹo đi
lòng vòng khắp nơi, nên không biết ông ta nói gì nhưng thỉnh thoảng nghe tiếng
vỗ tay rào rào.
Sau hôm ra mắt thơ đó, tò mò, tôi đem thi phẩm “Thơ Xuân Tình” ra đọc. Không
hiểu ông bà nào đánh máy, trình bày tập thơ cho ông ta, đã ghi một câu đáng
kinh ngạc, ngay bìa trước tập thơ, dưới tấm hình tác giả rằng “Thi sĩ lãng mạn
được mến mộ nhất hiện nay tại hải ngoại, người đã hy sinh cả đời mình để viết
nên những trang sử thi đau thương…”
Tôi cũng mượn bài diễn văn của nhà phê bình văn học để nghiên cứu, hy vọng sẽ
biết được giá trị của thi phẩm. Đọc suốt tập thơ và bài “phê bình văn học” tôi
chỉ rút ra được một kết luận là nhà phê bình quả là đại tài. Tôi xin trích vài
đoạn văn tiêu biểu sau đây: “Lãng mạn và đầy cá tính là yếu tố hấp dẫn trong thơ
Xuân Tình. Đó là một thông điệp, chuyên chở bằng chữ nghĩa, gần như lạnh lùng,
không cảm xúc về những vấn nạn của hiện thực đầy cảm tính, nhưng lóng lánh
trong đó là những mảnh suy tưởng sắc xảo, những rung động ẩn mật của tình yêu.
Tuyệt vời hơn nữa là với sự thông minh, dí dỏm, nhà thơ Xuân Tình đã lôi cuốn
người thưởng ngoạn vào những tình huống bất ngờ, đầy hình ảnh và âm thanh của
đam mê, buông thả và cộng hưởng” (?!).
Trong một đoạn khác, ông ta viết “Từ vị trí một người thưởng ngoạn bình thường,
tôi nghĩ, nhà thơ Xuân Tình có trong tay một cách thế thi ca để thể hiện sự
hiện hữu của mình. Một nhà thơ phá cách, nhiều tìm tòi thử nghiệm, cách tân ở
kỹ thuật, đậm tính thời cuộc ở nội dung. Thơ ông được giải thoát, được tự do,
vượt trên mọi câu thúc xã hội, vượt qua cả hàng rào tín ngưỡng, đạo lý, vượt
khỏi tâm lý rụt rè, khép kín để bay bổng về một thế giới mới, một linh hồn mới,
một hơi thở mới. Từ đó, người ta thấy được cái phong phú của cuộc sống, cái sâu
thẵm của tâm hồn và cái trớ trêu của định mệnh”
Tôi chịu thua, không hiểu gì về bài nhận định thơ theo lối tiền chế đó! Chỉ duy
nhất một câu (không biết ông ta thuổng của ai) lộ rõ ý mỉa mai mà ít người để ý
“Thơ rất lạ, một ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm vì sẽ kén người thưởng thức”.
Tôi hỏi “nhà phê bình văn học” nghĩ thế nào mà viết toàn những câu ca tụng nghe
rổn rảng như chuông mà chẳng thực tế, rõ ràng gì cả? Ông ta hỏi tôi “Ông có đi
dự đám ma lần nào chưa? Có nghe người ta đọc điếu văn chưa? Tôi nhận định văn
học trong những buổi ra mắt sách, ra mắt thơ cũng giống như người ta đọc điếu
văn trong các đám ma vậy thôi. Chỉ ca tụng, suy tôn tác giả, tác phẩm chứ không
phê bình, góp ý. Tác giả khoái chí, người nghe vui tai. Có hại cho ai đâu? Anh
chê văn, thơ người ta vì văn, thơ của anh dở hơn của người ta. Nhà văn, nhà thơ
thất bại thành nhà phê bình là vậy”.
Còn về thi sĩ Xuân Tình, cá nhân tôi nhận xét thì, quả thực ông nhà thơ của
chúng ta đã “bước lùi về quá khứ một bước và tiến tới hậu hiện đại ba bước”.
Nhiều bài thơ, tôi đoán, ông ta nhắm mắt viết bừa những câu bí hiểm điên khùng
rồi ngắt ra từng đoạn, xuống giòng, thế là thành một bài thơ tự do, trừu tượng,
siêu hình gì đó? Có những câu rất công thức như “Từ em về với người ta. Anh rời
phố thị khóc tà huy xưa…” hoặc rất khó hiểu như “Em cổ tích ta vong thân mục
tử, ôm mặt trời độc tấu khúc cuồng phong”…
Tôi biết, bạn nghĩ rằng tôi (nhà văn thất bại thành nhà phê bình) đang phịa ra
một chuyện vừa dở vừa vô lý. Tôi còn điên đầu hơn nữa. Thế nên, nhân một hôm bà
ta đến nhà để cám ơn sự giúp đỡ của vợ chồng tôi về buổi ra mắt thơ, tôi hỏi bà
ta “Tôi có vài thắc mắc, nếu không tiện thì chị đừng trả lời. Như thế nầy. Tôi
chưa thấy bà vợ nào hăng hái ủng hộ chồng in thơ, ra mắt thơ một cách tốn kém
như chị. Ông xã chị ham vui thì chấp nhận được, nhưng chị lại sốt sắng hơn
chồng nữa. Vậy là sao?”. Bà ta ngồi yên một lúc rồi bỗng khóc òa. Vợ tôi hoảng
kinh, ôm lấy bà ta, vỗ về “Có chuyện gì vậy? Chị không muốn nói thì thôi, đừng
kể ra đây”. Rồi làm bộ trách tôi “Anh sao tò mò chuyện người ta? Xin lỗi chị.
Ông xã em vô ý quá!”. Bà ta vừa khóc vừa lắc đầu, một lúc sau mới mếu máo nói
“Chồng em bị ung thư sắp chết. Mổ rồi, chữa đủ cách rồi, nhưng bác sĩ bảo riêng
với em là ảnh chịu đựng giỏi lắm là hai năm. Bởi vậy em phải làm sao cho ảnh
vui trong những ngày cuối cùng khi vợ chồng còn bên nhau. Bán nhà em cũng làm.
Cứ nghĩ đến mỗi ngày vợ chồng mỗi cách biệt, đêm nào em cũng khóc”. Vợ chồng
tôi vội xin lỗi “Ảnh bị bịnh mà tụi tôi không hề biết. Thật có lỗi quá!” Bà ta
lại lắc đầu “Chồng em dặn trong nhà là không được nói cho người ngoài biết
chuyện bịnh hoạn của ảnh. Ảnh không muốn ai hỏi han, thăm viếng, an ủi, thương
hại”. Trước đó, tôi nghĩ rằng bà ta là người điên, giờ đây, tôi lại thấy thật
đáng kính phục, thương chồng quá sức! Bà ta nói tiếp “Em phải làm gấp, trước
ngày đưa chồng em tái khám, vì sợ, bác sĩ mà tìm thấy di căn thì chẳng khác gì
bị kêu án tử hình. Lúc đó vui thú gì mà ra mắt, ra mũi. Em sợ mất ăn mất ngủ mà
ảnh thì vẫn bình thản làm thơ còn đồng ý cho em tổ chức ra mắt thơ nữa”. Vừa
thán phục bà vợ, bây giờ tôi lại kính nể ông chồng. Hiếm người thấy thần chết
vác lưỡi hái đứng trước cửa mà vẫn làm thơ tỉnh bơ.
Sau ngày ông thi sĩ Xuân Tình tái khám, vợ chồng tôi không dám hỏi thăm sợ ông
chồng giận vợ, đã dặn là không cho ai biết, sao có người gọi hỏi? Vậy mà một
hôm, bà vợ điện thoại, mời chúng tôi đi nhà hàng, ăn mừng buổi ra mắt thơ thành
công mỹ mãn.
Chiều thứ bảy, những người đã góp công, phụ giúp trong buổi ra mắt thơ, có cả
mấy cô hấp dẫn đi nhởn nhơ bữa trước nữa, tổng cộng trên vài chục người, đến
nhà hàng đông đủ. Bà vợ ông nhà thơ đứng lên nói mấy lời cám ơn, chờ mọi người
vỗ tay xong, bà ta mới long trọng báo một tin vui “Hôm thứ hai, ông xã tôi đi
tái khám, mấy ngày sau có kết quả từ bịnh viện cho biết, tình trạng rất khả quan,
nghĩa là không thấy di căn hay bịnh lan qua các bộ phận khác”. Mọi người nâng
ly chúc mừng nhà thơ khỏi bịnh. Ông ta đứng lên tươi cười nói “Tôi bị ung thư
bao tử đã lâu nhưng không cho ai biết. Bữa nay thì coi như khá hơn trước. Bác
sĩ nói vậy thì biết vậy, dù sao đi nữa, tôi vui sống được đến ngày nay là nhờ
vợ tôi”. Đang ăn uống chuyện trò thì bà vợ ông nhà thơ có điện thoại. Bà ta nói
lớn như muốn mọi người chú ý “Alô! Dạ đúng rồi ạ! Dạ, em có biết nhà sách Văn
Chương của anh. Anh cần mang đến ngay hai mươi tập Thơ Xuân Tình? Thế hả? Một
bà bên Pháp qua Mỹ thăm bà con, người ta nhờ mua đem về Pháp? Ôi. Thật hân hạnh
cho vợ chồng em quá! Cám ơn anh nhiều lắm. Dạ, chủ nhật nầy em đem thơ đến, được
không ạ? Dạ, cám ơn anh”.
Bà ta bỏ điện thoại vào xách tay, giọng bình thản “Sáng hôm qua, nhà sách Bình
Minh cũng gọi bảo đem đến hai chục tập Thơ Xuân Tình. Một bà từ bên Úc qua Mỹ
chơi mua một mớ. Thằng con chúng tôi đưa tập Thơ Xuân Tình của ba nó lên “nét” (internet),
báo chí đem xuống in ra nên người ta biết và hỏi mua”. Mọi người ngớ ra rồi lại
vỗ tay chúc mừng. Ông chồng ngồi cười cười, nói mấy lời khiêm tốn, nhưng mặt cứ
vếch lên trời, coi bộ thú vị lắm. Thật đáng kinh ngạc. Một nhà thơ vô danh, chỉ
sau mấy bài thơ đưa lên “net”, đăng báo và một buổi ra mắt thơ bỗng trở thành
nhà thơ “kiệt xuất”! Hay là bà ta làm bộ như có người mua thơ để chúng tôi lác
mắt chơi, và cũng để cho chồng vui chứ chẳng ai khùng điên đi mua loại thơ đó
về Úc, về Pháp tặng bạn bè!
Mấy hôm sau, tôi đến nhà sách Văn Chương. Ông bà chủ nhà sách là chỗ quen biết.
Tôi mua vài cuốn sách rồi làm như vô tình, hỏi chuyện về thơ, về phát hành, mua
bán thơ. Ông chủ nhà sách dẫn tôi đến một góc kẹt, chỉ một dãy các tập thơ
“Những nhà thơ nổi tiếng thì bán chạy lắm, còn những người khác gửi bán, tôi nể
tình nhận, nhưng chẳng bao giờ bán được thơ. Thế nên, tôi dồn hết những “thi
phẩm” của họ vào góc đó, gọi là Nghĩa Địa Thơ”.
Rồi ông ta tiếp “Có một chuyện lạ. Anh có biết nhà thơ Xuân Tình là ai không?”.
Tôi lắc đầu, vờ không biết “Tôi chỉ đọc báo và biết ông ta vừa ra mắt thơ tuần
trước ở thành phố mình” “Tôi có đọc thử, thơ ông ta cũng nhì nhằng, tàm tạm,
vậy mà có người mua cả chục tập, đem về Pháp, Úc tặng bạn bè. Sáng nay tôi vừa giao
hai chục tập thơ cho một bà, bà ta còn đòi mua thêm mấy chục tập nữa” “Có thể
mình không đủ trình độ thưởng thức thơ ông ta. Kiểu nầy ông ta dám lãnh một
giải thưởng thơ quốc tế nào đó thì cũng không nên ngạc nhiên” “Đúng vậy. Ở đời
có những bất ngờ mà chẳng ai lường trước được!”
Đọc đến đây, quí vị sẽ nghĩ “Đúng là một chuyện phịa có hậu nhưng vụng về và vô
lý. Nhà thơ ra mắt thơ thành công, bịnh ung thư lành hẳn, vợ chồng hạnh phúc!”
Nhưng xin thưa quí vị, chuyện đời đâu có đơn giản quá như vậy? Phần sau đây mới
làm người đọc bàng hoàng.
Nguyên nhân thế nầy. Bà vợ ông nhà thơ đang khỏe mạnh bỗng thấy đau đầu khủng khiếp.
Đi bác sĩ rồi khẩn cấp đưa vô bịnh viện mổ ngay. Bà ta có khối u trong đầu.
Bịnh viện thử máu, chụp hình rồi chụp thuốc mê để mổ. Mổ xong, bà ta đi luôn,
không tỉnh dậy nữa. Mới tuần trước còn thấy bà ta chào hỏi, cười nói với mọi
người, tuần sau, bà ta biến mất trên thế gian!
Sau khi chôn cất vợ, ông nhà thơ đem những tấm hình vợ rọi lớn lên, treo kín
các vách tường trong nhà. Trong phòng ngủ thì một bức chân dung vợ lớn hơn nữa,
che lấp cái màn hình TV, để khi vào giường, thay vì xem TV, ông ta nằm ngắm vợ.
Suốt ngày ông nhà thơ chỉ quanh quẩn giữa bốn bức tường, để nhìn đâu cũng thấy
vợ. Có thể nói ông ta điên vì thương nhớ vợ chứ không phải thất tình.
Một năm sau, nhân giỗ đầu của bà chủ tiệm nails, chúng tôi được mời đến dự. Ông
chồng có vẻ tỉnh táo, bớt nhớ vợ. Khi về, tôi nói với vợ tôi những thắc mắc về
buổi ra mắt thơ, về những tập thơ bán qua Châu Âu, châu Úc. Vợ tôi giải thích “Chị
ấy bắt mấy cô thợ nail (thợ móng tay) trong tiệm diện vô, sao cho sexy, đi nhởn
nhơ cho mấy ông vui, để khỏi chán, bỏ về sớm”. Tôi kinh ngạc “Không ngờ bà ta
khôn lanh quá cỡ. Bả làm cách nào mà bên Pháp, Úc cũng nghe danh ông ta mà tìm
mua thơ?”. Vợ tôi lại cười, chấp hai tay vái vái vào khoảng không như vái vong
linh bà vợ ông nhà thơ rồi thì thầm, như sợ bà ta nghe được “Chị ấy dặn tụi em
phải giữ thật bí mật. Chỉ nhờ tụi em, giả bộ như người từ Pháp, Úc, qua Mỹ tìm
mua Thơ Xuân Tình. Cứ hỏi mua tối đa, mấy chục tập cũng được, chỉ trả lại
tiền”.
Bạn thấy, chuyện tôi kể chẳng hay ho gì, phải không? Không hay nhưng rất đẹp.
Đó là tình yêu thương chồng của bà chủ tiệm Nails. Hiếm ông nào có được người
vợ như thế.
Phạm Thành Châu
Đấy không chỉ là người vợ hết lòng yêu thương chồng .
ReplyDeleteMà với tôi , bà còn là một Thiên tài ...