Tác giả: Rimpoche Nawang
Gehlek
Ngô Văn Xuân – chuyển ngữ
Ngô Văn Xuân – chuyển ngữ
Như chúng ta đã biết, sự chết
là điều chắc chắn sẽ xẩy ra. Chẳng ai tránh đựơc. Ngay cả đến những vị tâm linh
phát triển tột mức cũng không tránh khỏi. Chẳng có ai sống mãi. Chẳng có ai từng
đọc cuốn sách này sẽ sống mãi, bất kể gìa, trẻ, đẹp, xấu, giầu, nghèo cuả người
đó ra sao. Nhưng thay vì chúng ta trốn tránh những ý tưởng về sự chết, chúng ta
nên làm một điều gì đó cho chính mình nếu chúng ta thử nhìn xem điều gì sẽ tới
hay chí ít thì cũng hãy tưởng tượng ra điều ấy. Điều này không chỉ giúp chúng
ta thu nhỏ nỗi sợ hãi, mà nó còn tạo nền móng cho chúng ta có cơ hội để đổi
thay tiến trình tử biệt vào tiến trình giác ngộ. Còn nếu chúng ta không thể
hoàn thành đựơc điều này, thì tối thiểu, chúng ta cũng sẽ có một cái chết an
lành.
Bất kể sinh lực chúng ta có ngay từ lúc khởi đầu như thế nào, thì cũng chẳng có
thể kéo dài mãi đựơc. Thời gian, ngày, tuần, tháng, năm sẽ làm cạn mòn dần sinh
lực đã đựơc ban cho ấy. Rồi tới một ngày, giống như một chiếc giếng cạn sau khi
toàn bộ số nước đã bốc hơi hết. Những điều kiện sống cuả chúng ta có thể dễ
dàng trở thành những nguyên nhân cho cái chết cuả mình. Những hóa chất trong
thân xác chúng ta bị hư hoại. Một món ăn không lành mạnh hoặc một liều thuốc nhầm
lẫn có thể đưa tới những hiệu ứng phụ.
Giờ đây chúng ta phải chấp nhận thôi. Nếu để chờ tới khi thực sự tắt thở thì đã
quá muộn. Cho nên tôi phải chấp nhận rằng tôi nhất thiết phải lên đường và cái
chết cũng luôn đi kèm theo tôi. Chẳng ai biết được chính xác khi nào sẽ xẩy ra,
nó có thể là tuần tới, tháng tới hay năm tới. Tôi chẳng chắc rằng tôi còn sống ở
đây tới ngày mai hay ngay cả một giờ nữa sắp tới đây. Nếu tôi biết đựơc điều ấy,
tôi phải dứt khoát sử dụng bất cứ khoảng thời gian nào tôi đang có để chấm dứt
sự nóng giận, ràng buộc và cái Tôi. Khi tôi chết, khi thần thức tôi rời khỏi
thân xác, tôi đâu có mang theo đựơc gì ngoài một phiên bản thiện nghiệp hay ác
nghiệp; đạo đức hay vô đạo đức; tích cực hay tiêu cực? Tôi sẽ rất cần những
phiên bản tích cực. Thực ra tôi chỉ cần có một thôi. Nhưng nếu không thể làm đựơc
điều ấy, tối thiểu tôi cũng có thể nối kết với số phận tốt đẹp cuả tôi trứơc
khi kết nối với bất kỳ nghiệp xấu nào tôi đã từng tích lũy.
Dầu rằng cái chết chỉ là sự phân ly cuả thể xác mà tôi đã từng sử dụng trong đời
với tâm linh đã cùng đi theo tôi mỗi lần tôi đầu thai, một tình cảm mãnh liệt
cũng vẫn cứ nổi lên trong giờ phút cận tử. Chết là sự chấm dứt toàn bộ mọi hoạt
động cuả chúng ta trong đời sống, tốt và xấu. Chúng ta sẽ đau khổ với ý tưởng
không còn nhìn thấy hoặc trông thấy điều gì nữa, không còn ở bên hoặc nói chuyện
với người thân. Không chịu buông bỏ để ra đi là một vấn đề lớn nhất. Hãy nói bất
cứ điều gì cho những ai cần phải nói, viết bất cứ điều gì bạn cần phải viết lại.
Nhưng chỉ vậy thôi, còn nếu cứ đeo bám vào những giận dữ, bất bình hay những
ràng buộc chặt chẽ thì là điều rất tồi tệ, cho cả người chết lẫn người còn ở lại.
Điều quan trọng là hãy dùng sự hiểu biết cuả bạn và ý lực của bạn để chặt đứt
những cảm nghĩ xấu, và nếu cần, hãy dứt khoát chặt đứt chúng tức khắc.
Đức Phật đã có khá nhiều đệ tử xuất chúng khi ngài còn sống, một trong những vị
ấy có tên là Maudgalyayana. Một trong những đệ tử cuả vị này bị ràng buộc rất
chặt, vì thế Maudgalyayana quyết định mang theo 2 người trong một lần du hành
có phép thần thông. Đầu tiên ông chỉ họ một đống xương lớn. Một đệ tử hỏi; “Đây
là cái gì vậy? “. Maudgalyayana bảo, “Đây là toàn bộ xương cốt cuả con trong những
tiền kiếp.” Rồi ông quay qua chỉ cho đệ tử kia, người đang rất khổ đau trong những
ràng buộc, một bộ xương với một con rắn đang chui qua chui lại giữa các hốc mắt,
xương sườn, bò lên bò xuống giữa các khúc xương. Ông bảo người đệ tử này, “Đây
là con trong kiếp trước. Con có sự ràng buộc qúa mạnh trong thân xác con mà con
không buông bỏ đựơc, cho nên con đã tái sinh thành một con rắn sống trong những
bộ xương cũ cuả con.” Đó là một câu chuyện xưa, và cũng có thể là một câu chuyện
thần tiên, nhưng dù sao nó cũng cho ta một hình ảnh về sự ràng buộc tác động ra
sao.
Chúng ta bắt đầu chuẩn bị ra sao? Điều tốt đẹp nhất để chuẩân bị cho cái chết
là hành trì nhẫn nhục, thương yêu và cảm thông trong khi đang sống. Thực hành
nhẫn nhục bất cứ nơi nào có thể để sự giận dữ không khởi lên; tự huấn luyện
tình thương yêu tinh túy để sự ràng buộc không còn; luôn kiểm tra cái Tôi để nỗi
sợ hãi tan biến; và luôn cố gắng hết mình trong việc khai triển tình yêu thương
và lòng thông cảm. Nếu bạn thực hành đựơc điều này, bạn sẽ không còn cảm thấy sợ
hãi lúc ra đi. Những ý tưởng tích cực sẽ trở thành thói quen và nẩy nở dần một
cách tự nhiên. Và nếu bạn bất ngờ gặp ai đó trong giờ cận tử, bạn cũng có thể
giúp họ bằng cách nói cho họ những điều bạn biết.
Nhìn lại cuộc
đời mình và xem xét những điều thiện lành mình đã làm. Đừng hối tiếc những sai
lầm đã phạm. Có rất nhiều việc buộc chúng ta phải lầm lạc. Chúng ta là con người,
cho nên chúng ta lầm lạc. Trong lúc hành trì tâm linh, tinh thần, chúng ta luôn
mắc sai lầm, vì thế mới gọi là hành trì, thực tập. Cho nên hãy nghĩ tới những
điều tốt lành. Chúng ta đã cố gắng sống trong đạo đức suốt cuộc đời mình -điều
đó có nghĩa là chúng ta đã cố gắng sống không làm hại ai, và cố gắng giữ những
cam kết. Bất kể loại nghiệp xấu nào chúng ta đã tích lũy, nó cũng chẳng thường
hằng. Nó luôn thay đổi. Cách để làm cho nó trở thành thiện nghiệp là qua sự
thanh tẩy. Kết tích tiêu cực sẽ không còn nếu bạn thực tâm hối hận về hành động
đã làm, và tự cam kết sẽ không tái diễn, nếu bạn có thực tập hành thiền, nó sẽ
trở thành một thứ thuốc chữa trị chống lại cái xấu, và nếu bạn có làm một sự đền
bù nào đó về tinh thần cho những ai bị bạn xúc phạm, nghiệp xấu cũng tiêu tan.
Nếu bạn đã phạm một hành động gây tác hại tới người khác hay cho chính bản
thân, đừng khuyếch đại nó lên. Nếu hồi ức của những hành động ấy tới ám ảnh bạn,
hãy gạt nó sang một bên. Hãy luôn nhớ rằng trong suốt cả cuộc đời bạn, bạn luôn
cố gắng để trở thành người thiện lành, vì thế cho nên bạn không có thời gian để
nghĩ tới những hành động xấu. Đừng để chúng quấy rầy bạn. Bạn đã thanh tẩy
chúng và bằng các ý tưởng tốt lành, cho nên tất cả sẽ đựơc cân bằng trong một
chừng mực nào đó.
Bất kể thiện nghiệp cuả bạn như thế nào, bất kể những hành động tốt đẹp nào bạn
đã làm, hãy luôn coi nó là vô lượng, tràn khắp. Hồi tưởng đến từng hành động,
trong từng cảnh ngộ cuả sự tốt đẹp trong cuộc đời, bất kể nó nhỏ bé ra sao và
nghĩ là nó bao la trùm khắp. Điều này sẽ giữ lại cùng với bạn, cho nên hãy nghĩ
tới nó, ghi nhớ nó. Ngay cả khi nó dễ bị quên lãng, hãy tưởng tượng ra nó bao
la, vô vàn.
Đừng sợ hãi. Nỗi sợ hãi đã dằn vặt ta suốt cả cuộc đời. Nó chính là cái TA đang
nói, đang dựng chuyện. Hãy nghĩ rằng bạn đã nhìn ra điều ấy và hiểu nó một cách
rõ ràng. Bạn đã hoàn toàn phá bỏ cái TA. Nếu nỗi sợ hãi còn hiện ra thì hãy coi
đó chỉ là một nhận thức sai lạc. Đó là trò chơi cuả cái TA, và cái TA là lầm lạc.
Hãy tự nhủ rằng cái TA đã đi rồi.
Đừng ngạc nhiên với những gì bạn đang trải qua. Không có hiện tượng nào là vĩnh
hằng. Cho nên bất cứ điều gì xẩy ra trong lúc bạn cận tử, thì hãy nhớ điều đó
không vĩnh hằng và hoàn toàn bình thường. Ghi nhớ kỹ những điều này trong giờ
phút cận tử là cách để chuẩn bị cho bạn một cuộc chuyển di tốt đẹp cho kiếp sống
tới của bạn.
Thực hiện một cuộc hành trì tâm linh là ăn ngủ với nó, chết cùng với nó. Đó là
lý do tại sao nó có thể mang tới những khác biệt cho kiếp sống tới cuả bạn. Chừng
nào bạn còn coi nó là ở ngoài con người bạn thì nó chẳng mang lại lợi ích gì
cho bạn cả. Những cảm tính tiêu cực sẽ ở cùng với bạn chừng nào “một điều gì đó
cao cả” còn ở ngoài bạn, ở một nơi nào đó, xa cách thì nó chẳng giúp gì cho bạn
cả. Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng cầu nguyện một lần thì bạn trông mong gì hiệu dụng
cuả điều ấy? Một vài lần cầu phước, hành lễ có thể mang lại cho bạn ít lợi lộc,
nhưng chỉ có vậy thôi. Và điều ấy có thể làm đựơc gì? Chả làm gì cho bạn trong
việc thanh tẩy các cảm tính tiêu cực. Để đối phó với các cảm tính tiêu cực, bạn
phải sống, ăn, uống, ngủ và cùng chết với sự hành trì cuả chính bạn - Chính điều
ấy mới tạo nên sự khác biệt ra sao.
Ông bạn Allen Ginsberg cuả tôi thường nói, “Tôi chẳng thể chứng minh đựơc rằng
có sự tái sinh hay không, dù còn bán tín bán nghi nhưng tôi vẫn luôn sẵn sàng
cho điều ấy; bởi vì tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội cho chính mình.” Và ông đã thực
sự sẵn sàng cho việc ấy.
Ông đã gọi điện thoại cho tôi khi ông đựơc chẩn đoán là chỉ còn sống đựơc 4
tháng nữa. Ông rất ngạc nhiên khi ông nhận đựơc tin này. Ông nghĩ rằng nếu ai
nói ông sắp chết chắc ông sẽ nổi đóa lên ngay. Nhưng khi nghe tin này ông lại cảm
thấy ông đã sẵn sàng để ra đi. Ông gọi phôn cho bạn bè để thông báo. Ông khởi sự
vui vẻ với cuộc đời trong sự nhận thức nó sắp đi tới kết thúc. Ông sắp xếp lại
những vấn đề riêng tư.
Không lâu sau đó, ông bị đột qụy, hôn mê và tôi đã tới bên ông lúc đó. Căn gác
mái ông ở đông chật người - rất nhiều nghệ sĩ, nhà thơ, các diễn viên, những
người đã biết và yêu thương ông. Khi tôi bước vào phòng, tôi đọc lời cầu nguyện
cho ông và tiến hành các nghi thức tôn giáo cho người hấp hối.
Khoảng nửa đêm, khi thấy ông có vẻ sắp ra đi, tôi hoàn tất nghi thức và rời khỏi
phòng. Khoảng 2 giờ sáng, tôi nghe nói ông đã thức dậy, nhìn chung quanh sau đó
nhắm mắt lìa đời. Ông vẫn còn ở lại trong xác thân trong tình trạng trầm tư,
cho mãi tới 11:30 đêm sau ông mới thực sự mất.
Trước khi bạn chết phải chắc chắn là môi trường chung quanh bạn không bị xáo trộn
hỗn độn bởi vì điều ấy sẽ tạo ra những cảm tính tiêu cực. Giữ mình thanh lặng
không giận hờn, trói buộc. Trường hợp cuả Allen bạn tôi, ông muốn có một cái chết
phóng khoáng giữa bạn bè. Những người khác có thể thích sự tĩnh mịch lặng lẽ.
Môi trường khi cận tử nên tùy theo ý mong muốn cuả bạn, và ý muốn ấy phải ưu
tiên hơn ý muốn cuả gia đình. Quan tâm tới bất cứ điều gì bạn cần quan tâm tới
để cho khi bạn ra đi sẽ không còn ưu tư về những gì còn bỏ lại, như thể bạn là
con chim đậu trên tảng đá, đã sẵn sàng tung cánh mà không có gì lôi kéo bạn trở
lui. Bất cứ điều gì bạn quyết định sẽ cho đi hay muốn lưu lại thì hãy làm những
điều ấy khi bạn còn sáng suốt, minh mẫn. Nếu có thể thì bạn tự mình làm mà đừng
ủy quyền cho ai cả. Nếu bạn trình bầy rõ ràng cho vợ con mọi thứ chuẩn bị, sắp
xếp thì tốt nhất vì nó sẽ làm giảm thiểu những khó khăn cho vợ con bạn sau khi
bạn chết. Bất cứ điều gì bạn cho đi, thì cũng đừng ràng buộc vấn vương với nó.
Đừng để mọi sự nóng giận, ràng buộc ảnh hưởng tới những quyết định cuả bạn. Bởi
vì những tình cảm này sẽ còn ám ảnh bạn sau đó, đồng thời tạo nên những ngộ nhận
cho những người bạn thương yêu. Điều quan trọng là phải rất độ lượng. Điều ấy sẽ
giúp bạn buông lỏng những trói buộc.
Chúng ta có sự trói buộc rất mạnh về ẩm thực, quần áo và danh tiếng, hoặc đơn
giản hơn, chúng ta bị trói buộc với những người yêu qúy, trọng nể ta. Từ bỏ ẩm
thực và những sở hữu có lẽ dễ dàng, nhưng khó khăn hơn khi từ bỏ tiếng tăm. Cho
ngay cả những vị hành thiền trong sa mạc nơi ít có người tới ở mà vẫn còn ước
mong những người chăn cưù quanh đó sẽ tìm ra họ và thông báo cho mọi người
trong làng hay biết nữa là.
Nếu còn điều gì níu giữ bạn lại, hãy gạt bỏ nó ngay tức khắc để sự ràng buộc đó
không còn khi bạn sắp ra đi. Nếu không, nó sẽ thực sự tạo ra những rắc rối
trong tiến trình ra đi cuả bạn.
Có một câu chuyện vui về điều này. Một trong những vị thầy cuả tôi, ngài Gomo
Rimpoche, là người rất vui tính. Ông không xử sự như một vị đại lạt ma tái
sinh. Ông cưới vợ, có một gia đình, và hiện rất nổi tiếng là “Cha cuả những đứa
trẻ mồ côi nhà số 14,” ở Mussoori. Ông có một số nhỏ đệ tử rất vững vàng. Hai
trong số đó là những quan chức trong chính phủ Tây Tạng đã rời Tây Tạng qua Ấn
khoảng giữa thập niên 1950. Họ rất già và sức khoẻ yếu kém lắm, và họ rất mong
muốn đựơc ra đi trong khi họ còn đủ minh mẫn để hành trì thiền định trong lúc cận
tử. Trong nền văn hóa Tây tạng, một cuộc hành thiền như vậy thường được những
thiền giả lão luyện thực hiện. Họ nói với Gomo Rimpoche, ngày họ muốn ra đi. Họ
làm tất cả mọi sự chuẩn bị, cho đi mọi vật dụng cuả họ, và làm một thoả thuận với
những gia nhân.
Nhưng khi ngày ấn định tới, một trong hai người không chết theo như dự định.
Lúc đó Gomo Rimpoche đang ở nhà cùng con cái thì có người tới báo cho ông biết
vị quan chức thứ nhất đã chết và yêu cầu ông đến để cầu nguyện. Ông thực hiện,
sau đó chờ đợi người tới báo tử cuả vị quan chức thứ 2, nhưng chẳng có ai tới cả.
Rimpoche lo sợ đã có chuyện gì chẳng lành xẩy ra nên ông đi đến thẳng nhà cuả đệ
tử thứ hai xem ra sao. Ông đựơc người nhà cho biết,” Ồ, sáng nay ông ta bị bịnh
nặng và phải đem vào nhà thương rồi.”
Rimpoche tới bịnh viện American Hospital và đựơc biết người này đang trong
phòng cấp cứu đặc biệt. Họ không cho ông vào thăm, cho nên ông giả trang là người
dọn quyét vệ sinh cuả bịnh viện để vào. Ông hỏi đệ tử cuả ông: “Cái gì đã xẩy
ra vậy?”. Người này nói: “Con đã có tất cả mọi dấu hiệu để ra đi, nhưng rồi bỗng
nhiên bị đảo ngược cả lại, và nó làm con đau đớn qúa phát la toáng lên cho nên
gia nhân mang vào bịnh viện.”
Người này là một hành giả thuận thành nên đáng lẽ ra ông ta khá dễ dàng khi
chuyển đổi sang vùng thánh địa. Rimpoche đã không thể tìm ra nguyên nhân cuả trục
trặc này. Rồi bỗng dưng ông lưu ý tới đệ tử ông hiện đang bận một chiếc áo rất
mới và đẹp. Ông hỏi: “Con mua chiếc áo ấy ở đâu vậy?”
Người đệ tử già trả lời: “Aó đẹp quá phải không? Thầy có thích không? Một người
bạn con cho con hôm kia và sáng nay con mới bận.”
Rimpoche bảo, “Thầy thích lắm, thôi con cho thầy đi.”
Nhưng người đệ tử do dự: “Thực sự con không biết có nên biếu thầy hay không, vì
con cũng thích chiếc áo này lắm.”
Rimpoche nài nỉ: “Thầy muốn chiếc áo này lắm, còn nếu con không cho thầy, thì
chúng mình sẽ chẳng còn quan hệ gì với nhau nữa đâu.”
Vì vậy người đệ tử già cởi bỏ chiếc áo và đưa cho Rimpoche. Ngay lập tức
Rimpoche xé toang chiếc áo trứơc mặt đệ tử cuả mình. Ngay sau đó viên quan chức
này đã êm thấm ra đi.
Bất kể điều gì sẽ xẩy ra trong tiến trình cận tử, bất kể điều gì bạn sẽ trải
qua trong thời điểm này, đừng bao giờ quên phải luôn duy trì một tinh thần đầy
tràn yêu thương và lòng cảm thông. Đừng để đám mây u ám cuả sự đau khổ, lo lắng
buồn phiền ám ảnh. Nếu bạn thực tập ngay từ bay giờ, thì khi cái chết đến bạn sẽ
dễ dàng đem ra sử dụng. Những người thực hành tonglen (Pháp cho yêu thương/nhận
khổ đau qua hơi thở) sẽ chết với tonglen trong hơi thở cuả mình. Bạn có thể cảm
thấy khó khăn trong việc chấp nhận khổ đau cuả người khác để làm ta biến Cái Ta
trong bạn. Điều ấy có vẻ đáng sợ thật, nhưng chỉ vì bạn không làm quen với ý tưởng
đó thôi. Trong thực tế, bạn chẳng cho ai và nhận về cái gì. Đó chỉ là phương
pháp tập luyện tâm tư để chấp nhận bất cứ điều gì sẽ xẩy ra cho bạn. Khi bạn
làm quen với nó được rồi, bạn sẽ thấy điều đó là tốt đẹp, thoải mái và lạc thú.
Thậm chí nó còn làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc là khác.
Dù rằng bạn có thể lưu ý tới mọi vấn đề, sự giận dữ và ràng buộc vẫn cứ còn nổi
lên, đặc biệt là sự tức giận với chính ngay cái chết. Người ta thường tự hỏi, Tại
sao lại là tôi? Tại sao tôi lại phải chết trong khi tôi đang có một đời sống tốt
đẹp như thế này? Bạn phải chết bởi vì điều đó là không tránh khỏi. Hãy tự nhủ rằng
chết là tự nhiên, chẳng có gì bất thường ở đây cả. Khi bạn bình thản lặng lẽ ra
đi, bước kế tiếp là tác động tâm linh bạn bằng những ý tưởng tích cực. Nếu bạn
tin vào Thượng đế, hãy nghĩ về sự cao cả thiêng liêng cuả Thượng đế và ra đi
trong ý tưởng ấy. Nếu bạn là một Phật tử, hãy nghĩ về Đức Phật. Hoặc nghĩ về những
đạo sư cuả bạn, những vị Phật che chở phù hộ bạn, những vị luôn đi chung cùng Đức
Phật. Hoặc nghĩ tới những tình yêu thương trong sáng, sự cảm thông sâu xa. Nếu
tất cả những điều ấy bạn đều không thể tập trung thần thức đựơc thì với một cảm
nhận minh mẫn cuả tinh thần tham dự và hào hứng, bạn hãy nghĩ đến một vùng đất
đẹp, ở đó mọi thứ đều vô vàn cởi mở, ở đó có những vị thánh, tiên đang chờ đón
để giúp đỡ bạn.
Giữ vững những điều này cho tới lúc bạn chìm vào vô thức. Sự mường
tượng này sẽ giúp cho cuộc đời sau cuả bạn tốt đẹp hơn lên nhiều.
Sưu tầm
No comments:
Post a Comment