Chương 9
Ngày đi ngày lại, những buổi học trôi qua thật nhanh tưởng chừng như tên lao vun vút. Và một buổi sáng nọ, nắng hồng chợt oi ả, nghe đâu đây ra rả tiếng ve sầu, trên cành phượng vĩ cũng bâng khuâng, trong nắng hạ những bông hoa đầu mùa ngập ngừng hé nở báo hiệu một mùa biệt ly.
Hoa phượng, loài hoa được mệnh danh là hoa học trò, từ thuở nào đã đi vào thơ vào nhạc, đã mang đến cho đời học trò biết bao là kỷ niệm buồn vui, đánh dấu một thuở vàng son hoa bướm, một thuở vô tư cắp sách đến trường. Đối với Như Kim, hoa phượng đã cho cô một ký ức êm đềm thời thơ ấu xa xưa dưới mái trường dòng của các bà Soeurs áo trắng. Ngày xưa đó, ngồi trong lớp mà cứ dõi mắt nhìn chừng ra sân xem có bao nhiêu bông hoa rụng và cứ thầm vái van cho chóng đến giờ tan lớp để chạy u ra thật nhanh tranh cùng lũ bạn nhặt cho thật nhiều. Hoa phượng đối với bọn trẻ có rất nhiều cách chơi, thí dụ như chơi bong bóng(vò vò cho dập rồi thổi phồng lên và đập cho nổ bốp), hoặc chơi móc ngoéo đá gà hay chơi nhà chòi bán quán, đám cưới, cúng đình v. v… Thế nên hoa phượng nhặt bao nhiêu cũng không thấy đủ, bao nhiêu cũng không thấy chán, càng nhặt càng mê mẩn quên thôi quên về.
“Rồi chiều nay hè trở về đây, phượng thắm rơi phượng thắm rơi đầy” (Mùa chia tay, rất tiếc không nhớ tên nhạc sĩ) tan tác trên sân, cũng màu rực rỡ năm xưa nhưng cô không còn muốn nhặt nữa để chơi đùa. Nhớ lúc cô vào học chưa lâu, có lần chàng đã nói với cô rằng những cây phượng ở trường này là của Frère, do chính Frère trồng lấy, sang năm đến mùa hoa nở Frère sẽ tặng hết cho cô rồi Frère đi. Cô đã nghe sầu từ dạo đó, thầm mong cho hoa đừng nở để cô đừng mất Frère. Nhưng có ai níu được áo thời gian, bây giờ thì mùa đã sang và hoa cũng vừa bừng mắt dậy sau một giấc ngủ dài. Nhìn hoa khoe sắc vươn mình, cô nghe lòng ủ rủ héo hon. Mùa phượng đến cho mắt cô sầu, cho môi chàng héo hắt, cho thuyền tách bến chia xa đôi đời.
Một ngày lễ đầu tháng năm, chàng hẹn cô ở một ngôi chùa xa thành phố, nơi mà có lần chàng đã đưa học sinh đến du ngoạn. Lần đó, trông thấy cô chàng đã vẫy tay gọi vào nhưng cô chẳng dám vì ngại tiếng xấu xa từ lũ bạn bè. Dư luận chỉ xôn xao một thời, giờ đây thì đã im hơi lặng tiếng. Chuyện tình giữa ông thầy dòng và cô nàng nữ sinh bây giờ thì cũng quen thuộc nhàm chán như bao chuyện tình kim cổ đông tây, như Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài hay Roméo Juliette chẳng hạn, chẳng còn là một đề tài hào hứng ly kỳ nữa để dị nghị dèm pha. Hình như ai cũng nhận thấy rằng cây đã bén rễ, tình đã bén duyên thì có chặt cũng không đứt , có bứt cũng không rời, hoặc có nói gì thì nói cũng không làm cho họ hết yêu nhau. Mấy anh bạn đã từng đeo đuổi cô trước kia cũng chẳng biết làm sao hơn là đổi hờn làm vui, miễn cưỡng nhường bước cho ông thầy cho trọn tình trọn nghĩa.
Bây giờ thì cô với chàng ngồi đây, dưới gốc một cây đa già cổ thụ, nhìn ra chân trời nắng đẹp xa xa bàn chuyện tương lai mai này. Nơi này là phần đất trống phía sau chùa không người lai vãng. Trước mặt là một thửa ruộng trải dài, mạ non vừa lên độ gang tay, mềm mại xanh rì, gờn gợn trong cơn gió đồng hiu hiu. Tựa đầu vào ngực chàng yên bình, cô dõi mắt nhìn theo một con cò trắng vừa từ dưới nước bay vút lên. Trời xanh mây trắng bềnh bồng, lòng cô lâng lâng phiêu diểu như cánh cò tung bay.
Mân mê tóc cô trong tay đùa nghịch, chàng cất tiếng hỏi:
- Em có biết hôm nay là ngày gì không?
Cô gật đầu nói một hơi ra vẻ rành rẽ lắm:
- Biết chớ anh, hôm nay là ngày lễ Lao Động. Bởi vậy mình mới được nghỉ mà hẹn nhau đến nơi này. Ngày gì không biết chớ còn những ngày lễ thì bọn học trò như tụi em đây đều không quên, không bỏ sót. Bà Trưng, bà Triệu hay Lê Lợi Lê Lai gì tụi em cũng nhớ vanh vách và ghi ơn hết mình, còn hơn cả tổ quốc ghi ơn.
Chàng cười lên ha hả:
- Vì được nghỉ học đó à ? Sao mà lười dữ vậy cưng ? Hôm nay đúng là ngày lễ Lao Động nhưng đồng thời nó còn là một ngày quan trọng đáng nhớ đối với anh, đó là ngày sinh của em, em không nhớ sao?
- À há, phải rồi, hôm nay là sinh nhựt của em mà em đâu có nhớ. Mà thật ra em thấy cũng không cần nhớ làm gì vì ngày sinh của mình đâu phải do mình chọn lựa. Nhưng sao anh biết và nhớ ngày sinh của em chi vậy ?
- Anh xem học bạ của em trên văn phòng. Anh đã biết ngày sinh của em từ khi em mới vào học rồi kìa. Và anh đã ghi nhớ trong lòng vì nếu không có ngày này thì hôm nay anh làm sao có được em trong vòng tay như thế này. Nếu em chào đời vào một ngày khác thì có lẽ chúng mình đã chẳng gặp nhau và anh sẽ mãi mãi là một con tằm chỉ biết nhả tơ kéo sợi, gói trọn cuộc đời trong cái kén nhà tu. Em có biết lúc em mở mắt chào đời thì anh đã rời khỏi gia đình đi vào tu viện. Từ đó anh như một con chiên con bị đẩy lùa vào đàn, vào một cuộc sống tập thể đầy quy luật khắt khe, tuổi thơ anh không có lấy một ngày hạnh phúc, cực khổ trăm bề, thiếu thốn đủ mọi mặt, từ vật chất đến tình thương. Gần hai mươi năm qua, anh chỉ biết làm rạng danh Chúa, phụng sự nhà dòng mà chẳng nghĩ gì đến bản thân, cũng không biết chi đến xã hội và thế giới bên ngoài. Nhưng bây giờ thì anh nhận thấy sự hy sinh của anh không thể kéo dài hơn nữa cho một lý tưởng mơ hồ, một hạnh phúc ảo tưởng. Anh phải nghĩ đến anh, nghĩ đến việc chuyển hướng cuộc đời cho anh từ đây.
Ngừng lại một chút, chàng lại tiếp :
- Hết niên học anh sẽ về Sàigòn viết thơ sang tòa thánh La Mã xin hoàn tục. Sau đó anh sẽ tìm việc làm, xin dạy ở một trường tư nào đó hoặc có thể sẽ thi hành quân dịch như bao người trai trẻ khác trong lúc chờ em trưởng thành. Bây giờ em còn quá trẻ, mới mười bảy thôi, anh không muốn cướp vội đi thời con gái tươi đẹp của em như một đóa hoa xuân vừa chớm nở, anh cũng không muốn ràng buộc em vào vòng hôn nhân quá sớm sợ sau này em sẽ tiếc rẻ oán trách anh. Vã lại sau khi ra dòng rồi, anh chỉ là một kẻ trắng tay, không cửa không nhà nên anh phải tạo cho mình một chút công danh sự nghiệp với đời, anh phải làm nên một chút gì rồi mới có thể về nói chuyện cưới xin.
- Nhưng ra dòng rồi anh sẽ ở đâu ? Người ta nói “vạn sự khởi đầu nan”. Cái “nan” của anh là phải có nơi ăn chốn ở trước tiên rồi mới có thể tính tới chuyện “khởi đầu”. Em không muốn anh đi lang thang lỡ gặp cô nào, người ta giựt mất anh của em thì em biết đi đâu mà đòi lại.
Cô lo lắng hỏi chàng, giọng nửa đùa nửa thật. Chàng cười, tát nhẹ vào má cô bảo:
- Đừng nghĩ bậy. Anh không có đồng xu dính túi, ai mà thèm thương anh. Mà dù có đi nữa thì anh cũng không màng, anh chỉ thương mình em thôi, tình đầu cũng là tình cuối, em đừng lo anh đổi dạ thay lòng, hãy lo em kìa. Năm sau đi học lại, bọn con trai theo tán tỉnh dụ dỗ coi chừng quên mất anh bây giờ. Còn anh, anh già rồi, không ai dụ được anh đâu.
Cô dãy nãy kêu lên:
- Anh nghĩ xấu cho em, em giận cho coi, bộ anh tưởng em là con nít dễ dụ lắm hay sao ?
- Thì con nít chớ gì, em mà người lớn với ai.
Cũng câu nói ngày nào trong một cuộc picnic ở Phú Tâm hôm nay chàng nhắc lại để trêu cô.
- Cho rồi đòi, nhận rồi trả. Thật anh khổ với em hết sức mà không biết sao anh vẫn cứ phải thương em. Chắc cũng tại duyên với nợ. Duyên nợ từ kiếp trước rồi chớ không phải kiếp này thôi cho nên mới ngày đầu vào lớp, khi điểm danh tới em, anh đã phải dừng lại ngẩn ngơ không biết đã quen từ bao giờ, có phải thế không hở em?
Chàng siết cô vào lòng, cúi xuống đặt vào trán cô một nụ hôn dài thương yêu. Cô lan man nghĩ ngợi, chợt nhớ ra chuyện lạc quyên hôm xưa, cô bật cười hỏi :
- Anh có biết trước khi vào La Salle học, em và anh đã gặp nhau một lần rồi, đố anh nhớ ?
Chàng ngẩn người nhíu mày suy nghĩ giây lát rồi quả quyết đáp:
- Thì chắc là từ tiền kiếp chớ gì. Cái cảm tưởng đó chắc chắn là không sai đâu đối với anh.
- Có thể nói là vậy nhưng thật sự chúng mình đã gặp qua một lần rồi, chính em cũng mới nhớ lại đây thôi, trong kỳ lạc quyên cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc vừa rồi. Hồi đó, em đi quyên tiền cho trường cũ của em, thấy ông thầy tu đứng lớ ngớ giữa chợ đời, em tưởng bở lẹ làng chạy đến nhưng chưa kịp mở miệng thì anh đã khoác tay nói: “Frère hỏng có tiền”. Em sượng sùng quay đi mà trong bụng rất ấm ức, ông Frère gì mà không biết làm việc thiện, không biết thương người, không có tiền sao lại đi chợ.
Chàng cười lên khanh khách gật đầu :
- Anh nhớ ra chuyện này rồi. Thì ra cô nữ sinh năm xưa là em đó à ? Ông Frère đi chợ chơi không được sao, cần gì phải có tiền. Lúc em quay đi rồi, anh chợt nghĩ lại chắc cô bé này không tin là mình không có tiền đâu vì thường ai cũng cho là mấy ông Frères rất giàu nhưng thôi kệ, cô ta muốn nghĩ sao thì nghĩ, mình đã không có tiền thì phải biết làm sao. Em biết không, giàu đây là nói chung cho nhà dòng chớ riêng cá nhân các Frères thì không có quyền giữ tiền trong túi. Một tu sĩ chân chính là phải khấn giữ ba điều, đó là: nghèo khó, khiết trinh và vâng lời. Chỉ có đức “vâng lời” là khó mà giữ được vì có nhiều chuyện sai quấy hoặc có những luật lệ vô lý mà nhà dòng bắt mình phải tuân theo thì làm sao tuân hành cho được. Chẳng hạn như luật kiểm thảo và đấu tố tội nhau, tức là mỗi ngày, dù có làm lỗi hay không, ai ai cũng phải tìm cho ra một lỗi lầm để tự thú. Và mỗi thứ sáu thì tuần tự mỗi người, ai ai cũng phải quỳ gối trước mặt Bề trên và các sư huynh đệ để họ “vạch lá tìm sâu” chỉ chọc tội mình.
Nhưng nào có phải tội lỗi tày trời gì cho cam, chỉ là những chuyện vặt vãnh thường tình trong cuộc sống hằng ngày khó lòng mà tránh được, thí dụ như vô tình đề cập đến vấn đề ăn uống hay lỡ miệng chỉ trích một người nào, hoặc bất đồng ý kiến cãi vã với nhau vài câu. Kẻ bề trên thì cũng là người, cũng làm lỗi như ai nhưng lại được ngoại lệ phây phây, chẳng những không cần phải tự khai, cũng không bị ai vấn tội mà còn được cái quyền phán xét người khác. Đó là một lề luật hết sức bất công và phi lý quá đáng đã mặc nhiên chà đạp danh dự và tự ái con người một cách tàn tệ khiến cho nhiều tu sĩ đã sinh lòng bất mãn bỏ đạo về đời mà mãi cho đến mấy năm gần đây nhà dòng mới nhận thức được để mà cải thiện bãi bỏ đi. Còn “nghèo khó” thì anh đã chấp nhận khó nghèo, không giữ tiền làm của riêng trừ khi thật cần thiết. “Khiết trinh” thì anh cũng đã giữ mình trinh khiết, thân xác và tâm hồn cho Chúa và giờ đây cho người mà Chúa đã dắt đến trao anh.
Nhìn chàng, cô mĩm cười hả hê, ánh mắt no đầy hạnh phúc, muốn nói với chàng một lời cảm ơn nhưng thấy thừa thãi, muốn nói một câu đền đáp nhưng nghĩ không cần. Cô kéo tay chàng vào tay mình ấp ủ nghe thương yêu dạt dào. Bàn tay này cô đã nghe thương từ những buổi đầu vào lớp, khi nhìn chàng cầm mẫu phấn đưa lên, rướng rướng tay áo dòng vói viết trên bảng cao. Bàn tay này không ngờ có ngày cô đã được cầm lấy, có ngày sẽ thuộc về riêng cô. Cánh tay này rồi sẽ đưa cô vào mộng và sẽ dìu cô đi suốt cuộc đời.
Ngồi im lặng nhìn nhau ngắm trời ngắm đất một hồi, cô chợt hỏi:
- Hồi đó anh nghĩ sao mà anh bỏ nhà đi tu vậy ?
Chàng thở dài nhìn xa xôi như nhìn vào trong xa vắng đời mình, bâng khuâng nói:
- Anh cũng không biết, có lẽ là do số mệnh như anh đã từng nói với em. Anh sinh ra trong một gia đình rất đông anh em. Ba anh là một đại điền chủ giàu nức tiếng trong làng, ruộng lúa mênh mông cò bay thẳng cánh. Tuy rất giàu đất đai tiền của nhưng ông lại không mấy giàu lòng thương con. Ông là một người cha nghiêm khắc và độc đoán độc hành, không mấy khi tỏ tình thương với con cái. Có lẽ vì vậy mà trước anh đã có hai bà chị đi tu, đi theo tiếng gọi của Chúa, tìm tình thương nơi người cha thiêng liêng tinh thần. Năm anh mười hai tuổi, một bà chị đã mớm vào đầu anh ý nghĩ đó, hỏi anh muốn đi tu không. Lúc ấy anh còn quá nhỏ, chưa có một ý niệm gì về cuộc đời nhưng không hiểu sao anh lại nói “đi thì đi”. Chỉ một câu ngắn ngủi đó thôi mà anh đã đi mãi cho đến bây giờ. Em thấy có phải là số mệnh hay không ? Thôi bây giờ mình trở lại chuyện hiện tại nghe em. Lúc nãy em hỏi anh ra dòng rồi sẽ ở đâu mà anh chưa trả lời. Có lẽ anh sẽ xin tá túc ở nhà bà chị cả trong thời gian đầu, chừng có việc làm chắc chắn rồi sẽ tính sau. Em đừng lo cho anh, đời anh như du mục từ thuở nhỏ đã quen rồi, sống sao mà không được, chỉ có em là như tiểu thơ mới cần phải lo.
Cô được dịp nũng nịu hỏi đùa :
- Liệu có lo cho em được như ba má em không đó ? Em dở lắm, không làm nên tích sự gì và cũng không tự lo cho mình được đâu nhé.
Chàng trả lời ngay, giọng chắc nịch :
- “Dư sức qua cầu”, một mình ba em còn lo nổi tới sáu người trong gia đình huống chi anh chỉ có mình em. Yên chí đi cưng, dù anh không tài ba lỗi lạc gì nhưng dám chắc là không để em khổ sở đâu, em đừng lo sợ.
Cô lắc đầu cười bảo :
- Em chỉ hỏi đùa anh vậy thôi chớ em đã từng nói với anh rằng em chẳng lo ngại gì cho tương lai. Tình yêu của anh là tất cả, những yếu tố khác chỉ là phụ thuộc mà thôi đành rằng yêu nhau không thể chỉ uống nước lã mà sống. Ý em muốn nói, mai sau nếu chúng mình có được một cuộc sống khá giả thì tốt, không được thì thôi em cũng sẽ biết đủ mà an phận thủ thường chớ không ham hố trèo cao đâu vì giàu nghèo cũng là phần số của mình anh à.
Chàng siết tay cô cảm động :
- Em biết nghĩ vậy thì anh mừng. Trường đời một mai anh có vấp ngã thất bại anh sẽ không tủi hổ, anh cũng được an ủi phần nào nhờ em. Chờ anh em nhé, với tình yêu của em thôi thúc, anh sẽ cố gắng sớm trở về.
Mặt trời đang đứng bóng đúng ngọ. Nắng hạ hừng hừng oi bức xui bầy ve sầu không hẹn mà cùng ra rả kêu vang nhắc cô một thực tại não nề. Cuối tháng này niên học đã mãn chàng sẽ phải ra đi. Rồi đây, kẻ chân mây người cuối nẻo, xa biết đến bao giờ. Cô đã lo sợ rồi từ lâu cái ngày ấy, cái ngày phải xa cách chàng, như một người mắc bệnh nan y đã lo sợ cái chết, cái ngày phải về bên kia thế giới, vĩnh viễn xa lìa người thân, đau khổ vô cùng nhưng không làm sao tránh được. Nhưng đời có chia ly thì mới có sum họp. Hợp tan là lẽ tuần hoàn, là sự lưu luân trong đất trời vũ trụ. Nước có ra sông ra biển thì mưa lại về nguồn, máu lại về tim, con người dù cho có đi hết một vòng trái đất thì cũng lại trở về nơi khởi điểm mà thôi.
******************************
Tiếng chuông báo hiệu giờ chơi vừa reo vang. Cả lớp thở phào như thoát nạn, ai nấy đều ào ào đứng dậy chạy tuôn ra cửa như muốn trốn chạy cái không khí nặng nề chán nản của hai giờ Vạn vật khô khan vừa qua.
Trúc vươn vai trút đi cơn uể oải, thở ra một hơi dài khoan khoái rồi hướng về Mai, Lan và Kim nói :
- Chúa ơi chán là chán! Cũng may chỉ còn ba tuần nữa là bãi trường rồi. Tuần sau thi học kỳ hai xong tao khỏi thèm học bài nữa đi. Thôi đi ra ngoài lẹ lên, tao có chuyện muốn nói với tụi bây nè.
Mai giả vờ sốt sắng hỏi trêu:
- Mày mà cũng có chuyện nữa à ? Chuyện gì thế, chuyện mày lên xe hoa theo chồng phải không ?
Trúc bũi môi “xí” một tiếng dài nhằng, giọng khinh thị :
- Mày lên xe hoa thì có. Ai thèm lên xe hoa bây giờ cho uổng phí xuân xanh. “Đường mây rộng thênh thang” chớ bộ. Tội gì mà chui đầu vào gông mặc tình cho ai lôi ai kéo.
Cả bọn cùng cười kéo nhau ra sân. Lan hỏi phăng tới :
- Chà, chắc mày có mộng cao lắm thì phải ? Cũng hay. Nhưng mày nói vậy có nghĩa là ai có chồng rồi kể như đời tàn, như chim lồng cá chậu mất hết tự do hay sao ?
Trúc nhún vai :
- Không hẳn như vậy nhưng nhiều ràng buộc phiền toái lắm. Tao thì tao không thích bị gò bó khi còn có thể bay nhảy tung hoành.
Kim bỗng buột miệng nói :
- Đó là vì mày chưa bị tiếng sét ái tình, chớ nếu mày đã yêu ai rồi thì mày sẽ thích được ràng buộc vì người đó, không chừng mày còn tự ràng buộc mày nữa là khác.
Trúc chật chật lưỡi nheo mắt nhìn cô cười thích thú :
- Chà sao mà kinh nghiệm thế em cưng. Như vậy là mày không chối là mày đã yêu và đã được yêu, có phải không ?
Biết mình nói hớ, cô mĩm cười chống chế lấy lệ :
- Tầm bậy, tao chỉ nói theo tâm trạng của con Mai.
Trúc thừa thắng xông lên, tấn công tới tấp :
- Bậy sao được. Tâm trạng của con Mai cũng là tâm trạng của mày. Đừng giấu tao Kim ơi ! Không có chuyện gì mà qua mắt tao được cả. Trước kia mày nói chuyện của mày như đống lửa đã tắt nhưng tao đâu có tin. Tao biết rằng lửa ấy không tắt thật sự mà còn cháy ngầm âm ỉ bên trong, đó mới chính là thứ lửa nóng thật sự để nung đúc cho một tình yêu thành hình. Bây giờ thì mày là một con cá đang nhởn nhơ trong biển tình, một con bướm đang tung tăng trong vườn hạnh phúc, có đúng hay không ? Cứ nhìn mày tươi như hoa không còn ủ rũ như lúc trước nữa là biết ngay mày đã mãn nguyện lắm rồi.
Cô mỉm cười thú nhận bằng câu nói :
- Tao không ngờ mày cũng sâu sắc tế nhị lắm Trúc à. Một mai nếu ai chinh phục được trái tim mày thì người đó cũng nên tự hào hãnh diện lắm lắm. Mày là một người con gái hội đủ hai tính chất cương và nhu, cứng rắn cũng xong mà dịu dàng cũng được. Cuộc đời của mày mai sau chắc sẽ thành công dễ dàng chớ không như tao chỉ được cái yếu mềm mau nước mắt, chuyện gì cũng đem tình cảm ra mà thua thiệt, chẳng lợi lộc bổ ích vào đâu.
Trúc lườm cô với đuôi mắt thật dài :
- Mày định âm mưu gì mà nịnh nọt tâng bốc tao dữ vậy ? Bộ mày tưởng chỉ có mày mới là sâu sắc thôi à ? Tao ở gần mày bấy lâu nay nên không nhiều thì ít cũng ảnh hưởng mày phần nào chớ bộ. Nhưng thật ra chỉ vì mày là người trong cuộc nên quáng mắt không sáng như tao là kẻ bàng quang bên ngoài. Mà cuộc tình của mày quả là đốt giai đoạn đó nghe Kim. Tao nhận thấy lúc sau này, từ hôm sau Tết trở vào, mày với Frère “tình trong như đã” mà mặt ngoài cũng chẳng ngại chẳng e.
Mai và Lan cười sặc sụa trước câu nói “trật đường rầy” của Trúc. Lan bảo :
- Bãi trường đến nơi rồi, người cũng đã sắp sửa ra đi, còn e còn ngại cái nỗi gì nữa. Lúc trước thiên hạ làm rùm beng, “thiên la điạ võng” bủa vây tứ phía, tao tưởng mày không chống đỡ nổi nên đã khuyên mày bỏ cuộc nhưng không ngờ ông trời cũng chìu mày, rốt cuộc đã cho mày được toạn nguyện như ý. Chúc mừng mày nghe Kim.
Cô cười thẹn phân trần :
- Không đốt giai đoạn sao được. Một niên học ngắn ngủi, chỉ có chín tháng như chín tháng cưu mang, không nhanh không vội thì làm sao cây tình đơm hoa kết trái kịp mùa chia tay. Chuyện của tao thì kể như tạm xong còn chuyện của mày đâu, tụi tao đang nóng lòng muốn biết đây.
Trúc chợt thở dài, một sự việc chưa từng thấy ở Trúc, ở con bạn mà thường khi chỉ thấy vô tư cười đùa làm cả bọn phải tròn mắt ngạc nhiên.
- Hôm qua ba má tao bàn với nhau là hè này sẽ đưa chị em tao đi Sàigòn ở luôn đó cho tiện việc học. Vì ba tao là công chức của chính phủ cứ phải đổi tới đổi lui nên con cái cứ phải dời trường theo cha mẹ ăn học chẳng yên. Thế nên, sẵn dịp năm tới anh chị tao phải vào đại học Sàigòn, ba má tao quyết định tập trung chị em tao về đó cho ở yên một chỗ để có thể học hành đến nơi đến chốn. Tao muốn ở lại học với tụi bây thêm hai năm nữa cho xong tú tài nhưng khổ nỗi năm sau ba tao lại có lệnh thuyên chuyển, tao ở lại một mình cũng không tiện nên đành phải theo anh chị tao thôi. Thật tình tao không muốn xa tụi bây chút nào nhưng hoàn cảnh bắt buộc biết làm sao hơn, thôi thì đành phải nói với tụi bây một lời từ giã. Từ giã nhau rồi biết bao giờ mình mới gặp lại vì từ đây mỗi đứa một đường, một hướng đi riêng, tao không biết có còn cơ hội để trở lại nơi này thăm tụi bây, những con bạn hiền hòa thân mến khó quên trong đời.
Giọng Trúc u buồn làm ba đứa bùi ngùi cúi mặt. Âm vang của những bài ca tháng hạ, những lời hát tạ từ ảo não như loáng thoáng đâu đây trong tâm tưởng của mỗi người. Thầy đã sắp sửa ra đi, bạn bè rồi cũng sẽ rời bỏ ngôi trường này, người thương, người mến rồi đây xa lìa tất cả. “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn” (bài hát Nỗi buồn hoa phượng của nhạc sĩ Thanh Sơn) phải chăng là vì thế! Nỗi buồn ấy phải chăng là nỗi buồn truyền kiếp mà đời học sinh mấy ai tránh được bao giờ ?!
Một buổi sáng nắng hồng chợt oi ả
Nghe đâu đây ra rả tiếng ve sầu
Trên cành, nàng phượng vĩ cũng bâng khuâng
Trong nắng hạ, hoa ngập ngừng hé nở
Hoa rạng rỡ mà lòng buồn da diết
Sắp xa rồi những buổi học bên nhau
Nhớ hôm nao còn bỡ ngỡ câu chào
Mà thoáng chốc giờ chia ly đã điểm
Tan trường rồi chỉ còn là kỷ niệm
Lưu bút nào ghi hết nỗi thân thương
Còn đâu nữa lớp học với sân trường
Bạn hởi biết có chăng ngày tái ngộ ?!
TÔI VẨN NHỚ TIẾNG CA CỦA ". TRÚC. "". ĐÊM ĐÔNG """. .
ReplyDelete