Vào năm 1983, sau khi chúng tôi gom góp hết tiền của để mua một mảnh đất xây đạo tràng, và còn mang nợ một khoản nữa, trên mảnh đất trống này, mọi thứ công cụ lao động đều chẳng có. Những tuần đầu tiên, chúng tôi không có giường mà chỉ nằm trên những tấm cửa mua được từ cửa hàng đồ cũ về, sau đó đem mấy viên gạch kê bốn góc, cho nó cách mặt đất rồi nằm nghỉ.
Thầy trụ trì (Ajahn Jagaro) nằm trên cái cửa nguyên vẹn hơn chút, còn chúng tôi thì cửa không được bằng phẳng cho lắm, ở giữa có những cái lỗ của chốt tay nắm, tôi thường nói đùa, nửa đêm thức dậy không cần xuống giường đi vệ sinh nữa! Nhưng đến lúc trời lạnh, thì gió từ chỗ trống đó thổi lên, rất lạnh, nên thường cả đêm tôi ngủ rất ít. Chúng tôi là tu sĩ nghèo, cũng mong muốn có nơi tu học ổn định, nhưng không đủ tiền mời thợ xây, vì phần mua vật liệu đã lo không nổi, làm sao nghĩ đến việc khác được. Do đó, tôi phải học cách xây nhà: đằm đất làm nền, phả xi măng, xây tường, lợp mái, bắt điện nước v.v.. Nhưng vì trước đây khi chưa xuất gia, tôi là một giáo viên dạy vật lý, đâu có quen lao động chân tay, sau khi trải qua mấy năm, tôi đã trở thành chuyên gia xây dựng, đứng đầu trong nhóm làm việc, nghĩ lại khi mới bắt đầu thật là gian khổ.
Đặt gạch xây tường là việc làm tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại khá khó khăn, mới bắt đầu làm, bên này cao bên này thấp, rồi nghiêng qua quẹo lại rất khó coi, phải chỉnh sửa liên tục, nếu không tin quý vị thử sẽ biết. Tôi là người xuất gia, nên chỉ có được sự nhẫn nại và thời gian thôi, nên tôi quyết tâm xây tường đạt đến mức độ hoàn mỹ không khiếm khuyết, không cần biết điều đó tốn thời gian nhiều như thế nào. Cuối cùng tôi đã xây hoàn thành bức tường thứ nhất. Sau đó tôi đứng ra xa một chút, để ngắm nhìn thưởng thức tác phẩm của mình. Lúc này tôi mới phát hiện, tôi đã đặt sai hai viên gạch. Tất cả các viên còn lại đều chỉnh tề ngay ngắn thật đẹp, chỉ có hai viên gạch so le này đã làm xấu đi toàn bộ bức tường, phá hủy hết công trình của tôi. Lúc đó, xi măng đã cứng, không còn cách cứu chữa, tôi nghĩ là phải đập đi xây lại, bởi vì nó quá khó coi, tôi đi thưa thầy trụ trì, thì thầy nói, bức tường này nên giữ lại.
Về sau, lượt khách thập phương đầu tiên đến viếng thăm đạo tràng khi thành lập xong, lúc nào tôi đưa họ đi, tôi luôn cố gắn né tránh nơi bức tường đó, tôi cũng không thích ai nhìn thấy hai viên gạch so le ấy. Sau khi đạo tràng đã xây xong vài ba tháng, vào ngày kia, có một người khách nhìn thấy bức tường và nói:
"Bức tường thật đẹp!" Vị khách nói một cách thật lòng.
Tôi ngạc nhiên nói: “Anh bạn! Con mắt của anh gắn trên xe quên đem xuống hả? Hay thị lực có vấn đề? Hai viên gạch so le làm hỏng bức tường mà không nhận ra hả?”
Vị ấy nói: “Tôi đã thấy hai viên gạch so le và cũng đã thấy được 998 viên gạch còn lại ngay thẳng”. Và từ đó tôi đã có cách nhìn nhận bức tường này theo cách khác, và đối với các việc khác cũng vậy, tôi đã thay đổi quan điểm của mình.
Tôi đã bị người khách ấy làm tỉnh ngộ. Vì đã 3 tháng trôi qua, tôi chưa một lần để ý đến những viên gạch còn lại, nhìn qua nhìn lại nhìn trên nhìn dưới, những viên gạch ấy hoàn mỹ, mà còn số lượng các viên gạch ấy lớn gấp nhiều lần 2 viên so le kia. Từ trước đôi mắt tôi chỉ để ý đến 2 viên so le, còn đối với các viên còn lại không bao giờ quan tâm, đây cũng chính là lý do tại sao tôi không chấp nhận bức tường này tồn tại, lúc nào cũng muốn phá vỡ đi. Hiện tại tôi đã nhìn thấy được những viên gạch còn lại, một bức tường rất đẹp, giống như vị khách đã nhìn thầy nó.
Đến nay đã trải qua 20 năm, bức tường ấy đã tồn tại, nhưng tôi đã quên vị trí của “hai viên gạch so le” rồi. Tôi không còn nghĩ đó là sự sai lầm của mình nữa. Có nhiều người sau khi kết thúc một cuộc tình hoặc ly hôn, bởi vì họ chỉ nhìn “hai viên gạch so le” của đối phương; có rất nhiều người trong chúng ta, chỉ thấy được “hai viên gạch so le” này, mà dẫn đến buồn bực nản lòng hoặc suy nghĩ tự tử. Nhưng sự thật, còn có rất nhiều viên gạch hoàn thiện tuyệt vời khác, nhưng chúng ta lại không nhìn nhận nó. Ngược lại mỗi khi nhìn mọi việc, chỉ chăm chú vào nơi khuyết điểm, nhìn thấy toàn là sai lầm, lúc nào cũng chỉ muốn phá hủy nó đi, đây là một điều rất bất hạnh cho chúng ta.
Mỗi người trong chúng ta đều có “hai viên gạch so le” này, nhưng chính mình lại có nhiều ưu điểm gấp nghìn lần khuyết điểm đó, sau khi nhận ra điều này, thì sự việc không có gì quá thảm hại, chúng ta không chỉ bình thản tiếp nhận chính mình, mà còn chấp nhận những khuyết điểm, và cùng với người yêu thương sống hòa thuận lẫn nhau. Điều này có thể làm cho luật sư chuyên làm xử lý đơn ly dị là một tin buồn, nhưng đối với chúng ta đó lại là một phương pháp tốt.
Câu chuyện này tôi đã kể nhiều lần. Có một lần, một kiến trúc sư đến tìm tôi, và kể một bí quyết rất hay: “chúng tôi làm xây dựng cũng thường gặp phải sai lầm, nhưng mỗi lần như vậy đều giải thích cho chủ nhà đó là “phong cách sáng tạo”, các căn hộ bên cạnh đều không có giống nhà mình, và do đó lại nhận được thêm tiền của chủ nhân.”
Do đó, ngôi nhà có “phong cách sáng tạo độc đáo” đó có được là từ trong sự sai lầm. Cũng vậy, chính mình và người thân, có khi điều đó là khiếm khuyết, nhưng lại chính là “phong cách sáng tạo độc đáo” của họ, khi mà đôi mắt của chúng ta để ý đến toàn thể, thì sẽ nhận ra điều đó.
Nguyên tác Thiền sư Ajahn Brahm
Người dịch: Quán Như
No comments:
Post a Comment