Nhân đọc bài viết “Của Đi Thay Người” của tác giả Phạm Hoàng Chương, kể
chuyện nhân vật ăn mít bị tắc ruột, tôi nhớ lại có một lần tôi cũng
“ngốn” một loại trái cây rồi bị chứng tắc ruột “hỏi thăm” sắp sửa cần
đến xe cấp cứu, nhưng chỉ nhờ một thức uống đơn giản mà tôi đã thoát nạn
một cách thần kỳ. Đặc biệt, loại nước mận này còn tốt hơn cả thuốc
nhuận trường, vì nó vừa “xổ” lại vừa “bổ!” Trong mười mấy năm qua nó đã
giúp cho tôi và gia đình, làm cho chứng táo bón “không có cửa” để hoành
hành. Xin viết ra đây để chia xẻ với những ai thường bị “chặc dạ.”
Trước khi đi vào câu chuyện chai nước mận, tôi xin “tản mạn” đôi chút về chứng táo bón mà có lẽ trong đời bạn cũng đã từng một vài lần bị nó “viếng thăm.” Theo tài liệu của viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ, National Institutes of Health (NIH), táo bón là cái chứng (symptom) chứ không phải bệnh (disease) nhưng lại là một trong những triệu chứng thuộc về dạ dày và ruột được phàn nàn nhiều nhất trên xứ Cờ Hoa. Hàng năm, có hơn bốn triệu người Mỹ thường xuyên bị táo bón, gây nên khoản gần ba triệu cuộc viếng thăm bác sĩ, và có khoản trên bảy trăm triệu Mỹ Kim được dùng để mua thuốc nhuận trường. Tuy nhiên, ngọai trừ những trường hợp bệnh đặc biệt về đường ruột hay bệnh nhân tiểu đường, theo NIH, chứng táo bón thường là tạm thời chứ không nghiêm trọng.
Cũng theo NIH, một số
trong những nguyên nhân thông thường nhất dẫn đến việc táo bón là do ăn
uống không đủ chất sợi (fiber), ít hoạt động, thiếu nước, bị căng
thẳng, hoặc là phải đối diện với sự đổi thay khắc nghiệt trong cuộc
sống. Có lẽ đây là trường hợp của tôi.
Khi tôi đến Mỹ thì chứng
táo bón đã theo tôi dễ cũng đến mười mấy năm rồi. Chứng táo bón này bắt
đầu hành hạ tôi từ ngày gia đình tôi rời bỏ miền thùy dương cát trắng
Nha Trang và dọn đến một vùng rừng núi để bắt đầu cuộc sống rẫy rừng.
Ở
vùng kinh tế mới, mỗi ngày tôi bỏ ba đứa con thơ dại ở nhà chơi với
nhau (khi đó ai cũng làm vậy cả, giờ nghĩ lại giật mình!) xách giỏ cơm
khoai độn kèm gói muối ớt, vai mang gùi theo nhà tôi lên rừng chặt cây,
phát rẫy, cuốc đất, trỉa bắp, trồng khoai. Chiều về, vợ nặng quằn vai
gùi củi mục và rau rừng, chồng ì ạch với khúc gỗ to hay mấy gốc cây được
đào bới lên từ nương rẫy. Đầu tắt mặt tối, cơm độn mà vẫn không đủ cho
con ăn. Trăm nỗi lo âu, ngàn điều sầu não, ngủ không đủ giấc, ăn không
đủ chất, bảo làm sao mà không…táo bón?
Nhưng thời buổi ấy có khối
việc để lo, ai quan tâm đến “nghiệp vụ” của cái ruột già ruột non mà
làm gì, hôm nay không đi được thì hôm sau, ngày này nó không ra thì ngày
khác nó cũng phải chui ra thôi. Bỡi thế cho nên khi chứng táo bón nó
đến viếng thì nó lại…làm biếng ra đi. Những người xung quanh tôi cũng
cùng chung tình trạng. Một lần, ông cụ hàng xóm người xứ Quảng đã dùng
bã mía “cạy” dùm cho thằng cháu nội vì nó “rặn” mãi mà không ra. Đau quá
thằng bé khóc la inh ỏi. Thấy tôi nhìn, cụ nói, “Hắn có ăn cái chất chi
mô mà ị hả cô, toàn là mắm với muối không thôi!”
Tội nghiệp ông cụ, người con trai đại úy Biệt Động Quân đã bị đi “học tập” mút mùa nên cụ phải phụ
với
con dâu lo cho thằng cháu sau khi đi rẫy về. Cô dâu xinh đẹp của cụ
người miền Nam, ngày xưa khi còn là vợ sĩ quan thường lên xe xuống kiệu,
cơm nhà hàng, ngủ khách sạn, nhưng “gặp thời thế” chị cũng hăng hái
thưởng thức những món “đặc sản” do người cha chồng chế biến để nuốt cho
trôi cơm. Quanh năm suốt tháng, hễ ăn hết khạp chuối cây muối cụ lại làm
một khạp cây đu đủ muối, món nào của cụ cũng mặn đến quắn cả lưỡi.
Lần
đầu tiên khi cụ giới thiệu cái món ruột cây đu đủ thái mỏng muối chua,
tôi ngạc nhiên quá đỗi. Trước 75, cây chuối và cây đu đủ thường được bà
tôi dùng nấu cho heo. Thực ra những món này cũng chỉ để lừa cái khẩu vị
đã từng quen ăn sung mặc sướng trước kia, chứ bổ khỏe gì. Cứ mãi hết
muối đến dưa cộng với sự căng thẳng, chạy đua với cuộc sống cơ cực nên
mọi người hè nhau mà “bí.”
Tôi chịu đựng cái chứng táo bón này
mãi cho đến ngày tôi rời quê hương đi định cư ở Mỹ. Khi mới đến, cái đất
nước rất quí trọng mạng sống con người này đã cho tôi được chọn một bác
sĩ gia đình, cho tôi làm xét nghiệm từ A tới Z để xem tình hình sức
khỏe của tôi. Bác sĩ đã bắt tôi uống thuốc đến sáu tháng trời vì cái
“tội” thử da bị đỏ. Nhưng cái chứng táo bón cố hữu thì dầu cho bác sĩ
thay đổi đủ lọai thuốc nhuận trường, chúng chỉ “quớt” được mấy lần đầu,
rồi sau lại “vũ như cẩn.”
Cuối cùng bác sĩ cho đi soi ruột, tôi
nhịn đói đến nỗi ngất xỉu phải gọi “Ambulance” nhưng rồi khi soi ruột
cũng không tìm được gì. Bác sĩ bèn khuyên tôi nên thay đổi thức ăn. Từ
đó, thực đơn chính của tôi nào là gạo lức muối mè, đu đủ chín, các loại
rau, trái cây, và ăn ít thịt. Vậy mà cái ruột già của tôi nó vẫn “lì” ra
đó, có khi nó làm việc có khi không. Có lẽ nó đã bị cái lũ mắm muối
“đeo bám” kỹ rồi nên khó mà thay đổi! Dù bác sĩ nói chẳng nghiêm trọng
gì, nhưng chứng táo bón đã làm cho tôi rất khó ngủ và khó chịu, bụng dạ
lúc nào cũng cảm thấy anh ách, mặt mày nhiều lúc “quạu đeo.”
Cho
đến khi tôi gặp bà Rosie. Bà khách già người Mỹ này từng làm việc trong
ngành y khi còn trẻ. Một lần tán chuyện nghe tôi bị chứng táo bón kinh
niên, bà liền đem đến cho tôi một chai nước trái mận khô gọi là “Prune
Juice.” Bà bảo tôi cứ vài ngày thì uống một lần vào buổi sáng sớm khi
bụng đói, uống chung với sữa, sẽ giúp ích cho việc nhuận trường.
Mới
đầu, tuy tôi cám ơn Rosie về sự quan tâm của bà, tôi cũng không tin lắm
vào sự hiệu quả của loại thức uống này. Tôi nghĩ, thuốc nhuận trường đủ
loại, rau quả các thứ còn chưa “trông ăn” huống chi cái thức uống ngọt
lịm đầy “nguy hiểm” này. Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều người khách Mỹ
bị bệnh tiểu đường nên tôi thường “kỳ thị” chất ngọt, chẳng thiết tha gì
mấy với các loại thức uống và bánh kẹo của người Mỹ vì có chứa quá
nhiều đường. Nhưng thật không ngờ thứ nước uống này lại có hiệu quả
tuyệt vời. Nó đã đuổi được chứng táo bón của tôi chạy…“mất dép!” Lần đầu
tiên trong mười mấy năm, tôi hiểu thế nào là cái cảm giác “sạch ruột
nhẹ lòng” như mấy ông thầy thuốc bắc thường nói.
Tôi bắt đầu làm
“người quảng cáo thầm lặng” không công cho hảng “SunSweet.” Tất cả người
trong gia đình, người quen, bạn bè, và cả khách hàng của tôi đều được
tôi giới thiệu loại thức uống này và ai cũng hài lòng với kết quả nhuận
trường của nó. Vì dùng thường xuyên nên tôi cũng sợ, chẳng biết nó có
tác hại phụ nào không. Nhưng hầu hết các bác sĩ của gia đình tôi đều nói
là Prune Juice dùng cho táo bón rất tốt và không có hại vì tuy nó ngọt
nhưng đó là chất ngọt của chính trái “plum” chứ không có đường.
Về
sau tôi tìm ra quả là đúng như thế. Trên trang web nhà của hảng
“SunSweet” họ khẳng định trong quá trình chế biến nước Prune Juice, họ
không dùng hóa chất như chất bảo quản chống hư hoặc là bỏ thêm đường, mà
tất cả thành phần, “ingredient,” chỉ có độc nhất trái mận khô (prune).
Tôi
cũng tìm thấy thông tin từ hội đồng California Dried Plum Board (CDPB)
đại diện cho hơn 900 nhà trồng mận của tiểu bang California cho biết,
kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy chất fiber rất cao trong trái
mận khô sẽ giúp hấp thụ nước làm cho trơn ruột già, phân sẽ mềm ra dễ
đi cầu, giúp hạ thấp mức cholesterol trong máu, và rất nhiều các hợp
chất vimtamins như B6, chất khoáng minerals, carbohydrates…có thể giúp
làm giảm đi sự nguy hiểm của các chứng về tim mạch, hạ thấp chứng cao
huyết áp, và giúp điều chỉnh mức đường trong máu (theo CDPB).
Biết
được những thông tin này, tôi cũng an tâm khi liên tục dùng nước trái
mận. Tủ lạnh nhà tôi lúc nào cũng có sẵn một chai Prune Juice, và nếu
phải đi xa, tôi luôn mang theo một chai để phòng hờ nơi tôi đến không có
bán. Ngay cả khi đi du lịch Hawaii tôi cũng nhét trong hành lý vài
chai.
Nhưng có một lần tôi đi “gần,” đi ăn mừng tân gia của vợ
chồng thằng con út, nên không mang theo chai nước mận thì tôi lại gặp
chuyện. Tụi nhỏ may mắn mua được căn nhà khá đẹp, địa thế tốt ở thành
phố Freemont, Bắc Cali, mà còn mua với một cái giá “phải chăng,” bù lỗ
lại cho cái nhà thứ nhất mua trong thời điểm “bong bóng phập phồng,” nên
vợ chồng tôi rất mừng, bèn “khăn gói quả mướp” đến chung vui với con.
Hôm sau xong tiệc, ông nhà tôi trở về đi làm còn tôi ở thêm một buổi để
giúp trang trí bộ rèm cửa rồi sẽ về sau vì vợ chồng tụi nó phải đi làm.
Sáng
hôm đó, tôi ở nhà một mình, loay hoay với bộ rèm cửa cả tiếng đồng hồ
nhưng vẫn chưa đâu vào đâu, thình lình tôi cảm thấy bụng đau quặn thắc.
Tưởng là đến lúc phải “xả xui” tôi chạy vội vào nhà vệ sinh. Nhưng dù
đau đến toát mồ hôi, tôi vẫn chẳng đi được chút nào, một tí “hơi” cũng
không có. Tôi uống vào một ly nước lọc thì nó lại ào ạt “ọc” ra ngay.
Bụng căng cứng, hơi bị ứ bên trong từ bao tử dồn lên chèn ép trái tim,
làm tôi tức ngực đến không thở được.
Khó đứng khôn ngồi, tôi há
miệng thở như con cá ngáp mới vừa được gỡ khỏi lưỡi câu. Tôi dùng tay
vừa xoa cái bụng căng tròn, vừa nghĩ xem ngày trước đã ăn những gì. Thức
ăn cho bữa tiệc chỉ là những món thông thường như bánh hỏi thịt quay,
chả giò, gỏi cuốn, và súp măng cua…, con dâu tôi nó đặt mua từ một nhà
hàng Việt Nam ở San Jose. Tôi không ăn thịt heo nên chỉ ăn một ít bánh
hỏi với xì dầu và một chén xúp thì đâu đến nỗi bị ngộ độc.
Tôi
bỗng nhớ lại buổi sáng sớm trước khi đi ăn tân gia, tôi có đi bộ với cô
bạn Jilly. Thường thì mấy ngày weekend chúng tôi đều tranh thủ đi bộ một
giờ vào buổi chiều. Hôm ấy vì phải đi cả ngày Chúa Nhật nên tôi rủ
Jilly đi buổi sáng để tôi không bị gián đọan. Khi đi ngan qua một cây
hồng dòn bên lề đường Low Saramento sum suê những trái mà trái nào cũng
chín vàng ươm, Jilly dừng lại hái một trái, chùi vào áo rồi đưa lên
miệng cắn nhai rào rào luôn cả vỏ. Từ trước đến nay tôi chưa ăn hồng
luôn vỏ như thế bao giờ. Nhưng thấy Jilly ăn một cách ngon lành, tôi
nghĩ ăn vỏ chắc là “good fiber,” có nhiều chất sợi, nên tôi cũng bắt
chước. Tôi rứt một trái chín “bự chảng” cắn thử và thấy rất ngọt nên tôi
đã ngon trớn tới luôn, ăn hết sạch. Đúng là “tham thực cực thân,” có lẽ
là tại trái hồng to đùng đó.
Tôi vào tủ thuốc gia đình của tụi nó lục lấy một viên tiêu thực “Maalox”
rồi nhai như tôi vẫn thường làm mỗi khi ăn khó tiêu hay bị đầy hơi, hy
vọng sẽ ợ được hơi ra cho nhẹ bụng. Lát sau, tôi nhai thêm một viên nữa.
Hai viên tiêu thực tôi nhai đã được một lúc mà vẫn chả nghe ngóng gì, cơn đau bụng càng lúc càng tăng vì ợ không được, xả hơi không được, mà đi cầu cũng không được, tất cả các ngả “thông hơi” đều bị bế hết rồi. Phải gọi 911 thôi!
Nhưng rồi tôi nghĩ đến bao nhiêu phiền phức sẽ kèm
theo sau đó, phải gọi thằng con về trong giờ làm việc, nó đã cho biết
trong hảng có việc gấp nên dù rất muốn xin nghỉ hôm đó để dọn dẹp nhà
cửa mà nó vẫn phải đi làm, con dâu thì làm việc ở xa, rồi sợ sẽ nằm viện
lâu bỏ shop không ai làm, phải trả “deductible” cho bảo hiểm… thôi thì
ráng đợi thêm chút nữa.
Tôi sực nhớ đến chai nước Prune. Phải chi
tôi có mang nó theo thì sẽ uống một ly, may ra nó giúp cho thông cái
ruột. Vội vàng khóa cửa, tôi ôm bụng lê từng bước đến tiệm FoodMaxx gần
nhà. Nhiều lúc đau quá tôi phải ngồi xuống bên lề để thở, đợi cho dịu
xuống rồi đứng dậy đi tiếp. Tiệm chỉ cách nhà con tôi hơn ba block
đường, mà tôi cảm thấy đi lâu như cả hàng… thế kỷ. Đến nơi, tôi vào ngay
dãy thức uống và tìm thấy chai nước mận quen thuộc. Không thể chờ được
nữa, tôi ngồi bệt xuống sàn, run rẩy lắc mạnh cái chai cho đều, rồi vặn
nắp ra và đưa lên miệng nốc một hơi dài đến “quên thở,” mặc kệ những
khách hàng xung quanh đang tròn mắt nhìn tôi.
Sau đó tôi đem chai
nước ra quầy tính tiền, xin lỗi họ vì không thể chờ nên tôi đã uống
trước. Cô thâu ngân cũng vui vẻ nói, “Không sao, bà trả tiền đàng hoàng
mà.”
Tôi mang chai nước uống dở lệt bệt ra về. Đi đến gần nhà,
tôi bỗng nghe trong ruột sôi lên cuồn cuộn. Rồi tôi có cảm giác như là
đã xả chút hơi và bất thình lình ợ được một cái rột.
Và tôi bỗng
thấy nhẹ cả người, không còn đau tức nữa. Về nhà, tôi vội vàng chạy ngay
vào toa lét. Chiều hôm đó, tôi đường hoàng lái xe ra về và ngày hôm sau
đi làm tỉnh bơ. Từ đó, mỗi khi cảm thấy trong bụng đầy hơi, tôi uống
nước Prune thay vì dùng viên tiêu thực Maalox.
Chưa hết, ngoài
việc giúp nhuận trường, trái mận khô (prune) còn được cho là giúp tái
tạo xương một cách tự nhiên và rất đắc lực. Theo kết quả nghiên cứu năm
2012 của giáo sư tiến sĩ Bahram Arjmandi, chủ tịch khoa dinh dưỡng
“Nutrition, Food, and Exercise Sciences” tại đại học Florida State
University (FSU), thì ăn từ sáu đến mười trái mận khô mỗi ngày, chẳng
những có thể giúp ngăn ngừa chứng loãng xương, giúp tái tạo xương cho
phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, mà nó còn giúp bảo vệ xương cho cánh đàn
ông, vì từ 65 tuổi trở lên, các ông cũng bị hao hụt mất xương nhanh
chóng không thua gì các bà. Từ kết quả nghiên cứu của ông, tiến sĩ
Bahram cho rằng trái mận khô là một loại trái cây “miracle,” kỳ diệu, có
thể giúp cơ thể người ta chiến đấu chống lại các chứng bệnh về xương
(theo FSU).
Đến đây thì tôi nghĩ, không biết có phải bà Rosie
cũng nhờ loại mận khô này mà bà rất khỏe và rắn chắc hay chăng. Bà đã
qua tuổi chín mươi, nhưng vẫn đi đứng hiên ngang, nói cười rổn rảng, lái
xe chạy ào ào, chứ không phải nói bằng giọng hụt hơi thì thào, còng
lưng mỏi gối như phần đông những người cao tuổi. Có lần tôi hỏi thăm bí
quyết sống của bà. Rosie cho biết bà thường ăn sáng bằng cheerios với
trái mận khô trộn sữa hoặc nho khô, đi bộ mỗi ngày một giờ, thỉnh thoảng
“rửa ruột” bằng nước mận, và tối nào bà cũng lột ăn nửa trái chanh cùng
với một ly whisky rồi “night night,” tự chúc mình ngủ ngon, và lên
giường rất sớm. Bà ngủ đến mười tiếng đồng hồ mỗi đêm. Thật là ngưỡng
mộ, vì tôi còn trẻ hơn bà, được sinh ra sau bà gần bốn thập niên mà họa
hoằn lắm tôi mới ngủ được một đêm tám tiếng. Khi tôi dọn đi khỏi thành
phố thì bà đã bước qua tuổi chín mươi lăm.
Đó là chuyện về nước
và trái mận khô. Về chứng táo bón, viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ đã có
lời khuyên, “phòng bệnh hơn là chữa bệnh,” chứng táo bón không có gì
nguy hiểm, nếu biết cách điều chỉnh cuộc sống, thay đổi thức ăn, cộng
với thể thao thể dục thường xuyên, người ta sẽ tránh được nó. (Chứ để
chứng táo bón “bám rễ” như trường hợp của tôi thì khổ lắm!) Phòng được
bệnh chẳng những giúp cho chính bản thân và gia đình, mà còn giúp giảm
đi chi phí “Medical” cho nước Mỹ.
Tính sơ sơ nội cái chỉ cần giảm
được chứng táo bón không thôi, mỗi năm đất nước Hoa Kỳ cũng sẽ tiết
kiệm được hàng bảy tám trăm triệu Mỹ Kim.
Nhưng quan trọng hơn
hết, sống khỏe thì mới sống vui, sống hạnh phúc yêu đời. Chứ cái mặt cứ
“nhăn nhăn như thằng táo bón” thì yêu đời sao nổi.
Tips cho chai nước Prune Juice:
Ở
các tiệm thực phẩm có bán rất nhiều loại chai nước “Prune Juice.” Nếu
bạn đã từng biết đến và thử qua loại nước mận này nhưng không có hiệu
quả, thì có lẽ bạn đã mua không đúng loại rồi, vì trong thực tế chỉ có
một loại nước Prune dùng tốt nhất cho táo bón. Nếu bạn muốn thử, hãy mua
đúng loại chai có nắp màu cam và có chữ “WITH PULP” (có xác) y như hình
trên thì mới hiệu quả.
Dùng cho táo bón: Buổi sáng lúc mới ngủ
dậy bụng đói, uống trước một ly nước lọc. Sau đó trộn nửa ly sữa chung
với nửa ly nước Prune Juice rồi uống hết một lần. Có thể uống thêm nước
lọc lai rai cho đến khi đi vệ sinh. Bảo đảm ruột của bạn sẽ được rửa
sạch, “không đẹp không ăn tiền!”
Loại nước chai có nắp màu cam
này hơi khó tìm vì lúc nào cũng được bán hết sớm hơn các lọai có nắp màu
khác và giá cao hơn nhiều. Bạn có thể lên trang nhà của hảng này để
mua, giá rẻ hơn một nửa giá bán lẻ của các tiệm thực phẩm: $2.35 so với
$5.99/chai, hoặc nếu có “on sale” thì ít nhất cũng phải trên $4.00. Nếu ở
không xa, bạn cũng có thể đến tận địa chỉ nhà máy mà mua, họ có phòng
bán lẻ tại đó để giới thiệu mặt hàng. Nếu mua nhiều, họ gửi UPS cước phí
cũng nhẹ:
Phương Hoa
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tham khảo:
Cám ơn tác giả bài viết này, đúng là thần dược
ReplyDelete