Sunday, January 21, 2018

Xin Một Chút Bình Yên - Tạp Ghi Huy Phương


Trong cuộc đời này chúng ta ai cũng muốn được sống hạnh phúc và chết bình yên. Sống hạnh phúc thì ai cũng đã biết, và đôi khi hạnh phúc chỉ có nghĩa tương đối của nó. Cơm rau cũng là hạnh phúc. Ðói rách cũng có thể thấy hạnh phúc. Trong tuổi già, chúng ta còn được sống trong tiện nghi, no đủ nhưng cùng tuổi chúng ta có những ông bà cụ già còn còng lưng mò ốc trên bến sông hay mưu sinh bằng mớ rau, nải chuối giữa buổi chợ chiều, còn phút giây nào nghĩ đến sự ốm đau, mỏi mệt và cũng không còn biết đến hạnh phúc là gì, ý nghĩa của nó ra sao?

Chết bình yên thì ai cũng mong muốn nhưng mấy người được toại nguyện.

Chúng tôi, những ông bạn già, ít có cơ hội lui tới gặp nhau, nhưng lại thường hay gặp nhau trong nhà quàn để tiễn đưa bằng hữu, nhất là vào những ngày cuối năm. Qua câu chuyện vãn, ai cũng có một điều mong muốn, là nếu khi ra đi, ước chi được ra đi trong bình yên, thanh thản, không phải nằm lâu trên giường bệnh, khổ cho người thân mà cũng đau đớn cho thân mình.

Tôi có một người bạn gốc thầy giáo nhưng rất thích chơi thể thao. Buổi trưa, từ sân banh về, anh đến nhà học trò dạy kèm tại gia. Thấy thầy đầu gục trên bàn, người trong nhà tưởng thầy mệt mỏi ngủ gục, thương thầy, bảo nhau im lặng kẻo sợ phá giấc của thầy. Ðến chiều không thấy thầy dậy, học trò lay thức thầy, mới biết anh đã hôn mê. Chở vào bệnh viện thì đã quá trễ, từ đó anh bị liệt toàn thân, không nói năng được. Anh đã nằm trên giường bệnh, vệ sinh tại chỗ, ăn uống phải có người chăm sóc như thế trong vòng hai mươi năm tròn. Bạn bè xuất ngoại năm, mười năm trở về vẫn thấy anh nằm liệt trên giường, da bọc xương, lở loét, giữa mùa nóng Saigon, trong căn nhà nhỏ sức nóng từ mái tôn xuống hừng hực. Khổ nỗi con cái anh lại không được may mắn học hành, phải làm những nghề tay chân vất vả, nên cuộc sống của người bệnh lại càng bi đát hơn. Người vợ, cũng là một cô giáo bỏ hết thời xuân sắc bên giường bệnh của chồng, chỉ còn là một xác ve khốn khổ. Năm ngoái, nghe tin anh qua đời, lòng thoáng buồn đôi chút nhưng quả thực mừng cho anh giải thoát ra đi, còn sống, không chỉ khổ cho thân anh, mà còn khổ cho gia đình vốn đã nghèo đói vất vả.

Ở trên đất Mỹ, trong một đất nước mà người cao niên được chăm sóc và thuốc men cũng đã có những người bệnh nằm trên giường hai ba năm với những dây nhợ, dụng cụ trợ sinh trên người mà không được chết. Và trong nursing home, đã có những ông bà cụ già chọn nơi này là ngôi nhà cuối cùng, đã ở đây trong một thời gian quá dài, có người đến mười năm mà Trời chưa gọi cho ra đi. Gần đây báo chí lại đưa tin, tại một nhà dưỡng lão ở Laguna Woods, California, ông cụ William McDougall, 81 tuổi, vì giận dữ với người bạn cùng phòng, đã dùng gậy sắt đánh chết một ông cụ người Việt, 94 tuổi. Cũng mới đây thôi, cũng tại một nursing home, một cụ ông đã kết liễu đời vợ mình bằng một phát súng ân huệ “để cho nàng khỏi khổ”. Ở Mỹ, có nhiều trăm ngàn người cao niên trong nhà dưỡng lão, rất dễ thiệt mạng vì sự chăm sóc bất cẩn, cũng như theo một bản báo cáo của University of Kentucky cho biết là chỉ trong thời gian một năm thôi, dịch vụ bảo vệ người già đã điều tra trên toàn quốc, có 461,135 vụ tố cáo về vấn đề ngược đãi và hành hạ người cao niên, bao gồm những vụ gây tổn thương về thể lý và tinh thần, lẫn xâm phạm tình dục.

Tôi vừa đi thăm một vị sư già mới vào nursing home được hai hôm. Ông than thở với tôi, lần đầu tiên, cảm thấy thế nào là nhà dưỡng lão: Sáng nay mới sáu giờ sáng hai cô y tá đã đem ông vào phòng tắm “dội nước lạnh ngắt, kỳ cọ và nhồi ông như trái banh”. Ðó chỉ mới là ngày đầu, ông chưa nếm mùi bị đánh đập, chọc ghẹo hay hắt hủi thường xảy ra ở những nơi như thế này. Nhà dưỡng lão cũng không phải là nơi làm việc lương cao, thoải mái khi nhân viên phải tiếp cận với những bệnh nhân lú lẫn, bẳn tính, khó chịu. Chúng ta, con cái ruột thịt, có khi không còn kiên nhẫn, chịu khó đối với cha mẹ, trách chi những “người dưng, nước lã”.

Ngày nay những chốn này không phải là địa ngục dành riêng cho tuổi già. Một lớp tuổi trẻ hơn từ 30 đến 65 tuổi cũng đang sống trong nhà dưỡng lão vì những chứng bệnh không tự săn sóc được như bệnh thận, tiểu đường, tâm thần và cũng vì lý do ngân sách y tế không còn đủ cho những dịch vụ săn sóc tại gia tốn kém hơn là ở trong những nhà dưỡng lão. Như vậy những ngày cuối cuộc đời của nhiều người sẽ kéo dài thời gian hơn, không phải chỉ vài ba năm mà có thể mười, hai mươi năm như hoàn cảnh người bạn cũ của tôi ở đầu bài hôm nay.

Thông thường, khi nghe một người bạn vừa qua đời đột ngột, chúng ta thường thở dài, tỏ lòng thương tiếc: “Mới gặp hôm qua đây!”, “Mới cười cười, nói nói đây!” hay “Sao chết đột ngột như thế!” Nên mừng cho bạn bè đã ra đi bình yên, thanh thản, hơn là xót xa thấy cha mẹ, thân thuộc hay bạn bè lặng lẽ, u sầu kéo dài những ngày vô vị, chán chường trên giường bệnh, sống cũng như đã chết.

Bây giờ là thời gian của những ngày lễ cuối năm, nhiều ngôi nhà đã bắt đầu giăng đèn kết hoa, thương xá rộn ràng tấp nập đông người mua bán. Những cánh cửa chờ được mở ra để đón người thân về sum họp, những đứa trẻ chờ đợi niềm vui với món quà đầy màu sắc nặng trên tay, nhưng những bậc cha mẹ già trong nhà dưỡng lão sẽ không có cơ hội trở về. Mấy hôm nay, giữa đêm trời lạnh người ta chịu xếp hàng để mua một vài món hàng sale, cần thiết hay chẳng hề cần thiết gì cho đời sống này, thì những người khác không còn gì để mong đợi, mà cũng chẳng còn gì để thiết tha.

Sắp đến năm mới, theo thông lệ, người ta thường chúc người “sống lâu trăm tuổi, đầu bạc răng long”, sống lâu đến trăm tuổi thọ, mà năm, mười năm nằm trên giường bệnh thì đó đâu gọi là sống. Cứ nghĩ đến một này kia mình không còn lái được chiếc xe để tự đi đây đi đó, phải nhờ đến con cháu, đã là một sự kinh hoàng rồi, nói gì đến chuyện phải năm trên giường bệnh, hay ngồi trên xe lăn, không còn lo được cả việc vệ sinh cá nhân cho chính mình, thật là một chuyện đau khổ.

Dù đời sống có là hạnh phúc hay không, xin cho người được một cái chết bình yên, cuộc sống ngắn hay dài không có điều chi đáng kể.

Huy Phương

No comments:

Post a Comment